Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2014

Như sông vào biển

Như sông vào biển

Trời ạ! Cuộc cãi nhau này làm sao cho cùng? Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói không, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nói có, nói chớm.
Ở phương diện y học, tôi đương nhiên tin bác sĩ, nhưng Đỗ Hồng Ngọc đâu chỉ đơn thuần là bác sĩ, anh còn làm thơ từ hồi còn là sinh viên, đã có tác phẩm xuất bản hẳn hoi với bút danh Đỗ Nghê (họ cha, họ mẹ ghép lại): Tình Người (1967), Thơ Đỗ Nghê (1973), rồi Giữa hoàng hôn xưa (1993), Vòng Quanh 1997)…. Chàng sinh viên mà học giả Nguyễn Hiến Lê thường nhắc tên trong hồi ký của ông. Rồi gần đây là Đỗ Hồng Ngọc tên thật trên trang thơ Tuổi Trẻ Chủ Nhật 1994 với những bài “haiku” rất hay viết từ Boston, Mỹ.
Lại không chỉ thơ, trang thơ ấy đựơc minh họa bằng chính những ký họa bút dạ về một góc Chinatown, một góc điện Capitol với mùa thu vàng, ghế đá công viên. Nghĩa là ông bác sĩ ấy cũng rất chi nghệ sĩ. Vậy, ở phương diện nghệ sĩ, Trịnh Công Sơn lại nói đúng? Không có tuổi già!
Tôi đâm… hoài nghi tìm hỏi Đỗ Hồng Ngọc về cái “hoàn cảnh” gì đã giúp anh viết một cuốn sách y học lại bằng văn phong của văn học, nhẹ nhàng, trầm tư và tất cả đều lấy tựa lẫn tiêu đề bằng lời ca khúc Trịnh Công Sơn. “Có! Có tuổi chớm già đấy! Một sớm nọ khi thức dậy, nhìn vào gương soi tôi suýt nữa không … nhận ra mình. Ai đó ở trong gương với vết chân chim trên khóe mắt,.vết rạn trên khóe miệng… Tôi lấy vội giấy bút vẽ lại gương mặt ấy, tôi nghĩ về cái chớm cho tôi và những người khác…”. Đỗ Hồng Ngọc nói vậy. Và, cả Đỗ Hồng Ngọc bác sĩ lẫn Đỗ Hồng Ngọc nhà thơ cùng ngồi vào bàn- đồng tác giả.
Viết về tâm sinh lý, chuyên môn y học bằng giọng văn tâm tình, “ướt át” như thế quả là hiếm gặp trong sách y khoa giáo dục.
Một ngày của bác sĩ Ngọc thật không còn chỗ thở: hội họp, giảng dạy, hướng dẫn chuyên môn, khám bệnh ngoài giờ cho trẻ con. Anh là bạn thân của lứa tuổi Mực tím (Phòng mạnh Mực Tím) , là “ông ngọai” của những đứa nhỏ đang ốm sốt trong tay người mẹ trẻ. Việc viết lách, viết sách , làm thơ khi trời hửng sáng, dậy sớm, ngồi vào bàn computer gõ, đề đó, khi nào rảnh mới xem lại, sửa chữa, sắp xếp. Sức làm việc thật dữ dội và tất nhiên cũng phải… chớm già thôi!
Anh đâu có sợ tuổi già, đâu có cố gắng chống chọi với thời gian. Anh.đã và đang tự điều chỉnh mình, hiểu đạo sống thuận thiên, thấm cái tư tưỏng nhập thế, xuất thế Á Đông. Vị bác sĩ, thi sĩ ấy vẫn vui vẻ “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” để hòa nhập vào biển đời rộng lớn. Dù một chiều chợt thấy “ngồi ôm tóc dài, chập chờn lau trắng trong tay…”.
Đỗ Trung Quân và “Gió heo may đã về”

Tuổi Trẻ Chủ Nhật, 5.1.1997

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giúp các cuộc thi văn chương địa phương hay hơn

Giúp các cuộc thi văn chương địa phương hay hơn Giải thưởng văn chương địa phương không còn là miếng bánh để luân phiên chia phần trong mộ...