Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ - Linh hồn của những
ca khúc, trường ca Phật
giáo và hòa bình, dân tộc
Sau mùa pháp nạn 1963, tên tuổi nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, một nhạc
sĩ Phật tử bổng nỗi bật lên giữa rừng tân nhạc thời bấy giờ với đủ mọi khuynh
hướng tư tưởng vô cùng phức tạp… Vậy mà dân Sài Gòn hồi đó không sao quên được
những tiếng hát thanh thoát quen thuộc gần như không thể thiếu: ”Bóng
mát”, "Bông hồng cài áo”, ”Sớm mai chim hót” v.v… cứ vang vang trên đài phát thanh
Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Nha Trang… vào các mùa Vu Lan, Phật Đản, Phật thành
đạo… hằng năm. Bên cạnh đó là những sinh hoạt văn nghệ của Đoàn Văn nghệ Sinh
viên Vạn Hạnh do nhạc sĩ giáo sư Phạm Thế Mỹ hướng dẫn, tập dượt rất kỹ lưỡng, nghiêm túc và trình độ để chào mừng những ngày lễ lớn của Phật giáo bằng những
sáng tác của chính anh, mang nội dung Hòa bình, Đạo pháp và Dân tộc qua các trường
ca để đời:
“Lửa Thiêng”, ”Con đường trước mặt”, ”Thêm một lần hoa nở”… trên
các sân khấu Thống nhất, Trần Hưng Đạo, Quốc Thanh, Thiền Viện Vạn Hạnh, Nha
Trang, Đà Lạt… Tiếng hát của dàn hợp xướng gồm những diễn viên sinh viên nghiệp
dư chúng tôi đã hòa cùng với chiêng trống Bát Nhã, tiếng chuông, tiếng mỏ đã dìu
dắt tâm hồn người nghe trở về với nhạc điệu Phật giáo thật tuyệt vời và kỳ lạ!
Phần nhạc kịch cũng độc đáo không kém với các nhạc cảnh “Sắc lụa Trữ La”, ”Hòa
bình ơi hãy đến”, ”Thương quá Việt Nam”… Sau này còn có những “Trang sử mới”, ”Trái
tim Việt Nam”, ”Tiếng hát dậy từ lòng đất”, ”Những bài ca xanh”… Tất cả là giấc mơ
của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ về một Việt Nam không còn chiến tranh, một Việt Nam Hòa
bình với các em bé nông thôn nghèo đói không còn phải chạy bom, chạy đạn ngày
đêm… Không còn lo sợ chết chóc ở tuổi phải được đến trường đi học, phải được vui
chơi hạnh phúc tuổi thơ trên ruộng vườn, trong xóm làng Việt Nam.
Dư luận báo chí Sài Gòn cũ
Báo chí Sài gòn hồi đó có lệnh cấm, không ai được nói Hòa
bình. Đến nỗi chị bạn thân thương Nhất Chi Mai của tôi phải tự thiêu để được nói
lên ước nguyện Hòa bình cho Việt Nam!... vì “Sống mình không thể nói, chết mới
được nên lời… Hòa bình là có tội, Hòa bình là Cộng sản”… (Thơ Nhất Chi Mai). Vậy
mà không hiểu sao cũng có vài bài báo đã viết chui, viết lách cách nào mà khắc họa
lên được một Phạm Thế Mỹ yêu nước đến cuồng nhiệt, khao khát Hòa bình như điên
với một trái tim Việt Nam sục sôi bất khuất… Có một họat cảnh mà báo chí còn
chưa biết là họat cảnh “Lời nguyện pháp trường”, suýt bị cảnh sát hỏi thăm! Cho
dù vào khoảng tháng 5/1966 tôi đã gặp anh trong tù của An ninh quân đội, anh
cũng ngồi trong một cát sô bên cạnh chúng tôi! Ra tù lại tiếp tục viết nhạc và
sinh họat văn nghệ ở đại học Vạn Hạnh… Ý nhạc nghiêng về triết lý Phật giáo nhiều
hơn.
Trong các tờ báo trước 1975, có bài đăng tiết mục phê bình
thơ nhạc Phạm Thế Mỹ:
- Xin trích báo Diễn Đàn 2. Tiết mục Văn học nghệ thuật:
“Phạm Thế Mỹ là một thi sĩ và là tác giả của nhiều ca khúc rất
đẹp…Trong đêm thứ Bảy, 19/7/1969 Phạm Thế Mỹ và Đăng Lan đã trình bày những
bài thơ và nhạc của anh trước một cử tọa chọn lọc tại thính đường Viện Đại học
Vạn Hạnh. Cũng là một nhạc sĩ của tuổi trẻ và của khát vọng Hòa bình, tuy không
trở nên một hiện tượng thời thượng… Nhưng Phạm Thế Mỹ có những nét nhạc độc
đáo… nhiều nét lạ và điêu luyện. Lời ca của Mỹ mang nhiều tranh đấu tính… Có lẽ
đó cũng là lý do khiến thính giả của Mỹ chỉ là một nhóm chọn lọc…”
- Một bài báo khác, đã giới thiệu trong tiết mục “Sinh họat
Tân nhạc trong tuần: ”Bông hồng cài áo được sọan thành ca khúc” - “Tập tùy bút
Bông hồng cài áo của Thượng Tọa Thích Nhất Hạnh sau khi được giới cải lương biến
thành kịch, bây giờ lại được nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ soạn thành ca khúc. Với tất cả
cố gắng, nhà nhạc sĩ quê quán ở sông Đà (Đà Nẵng đó!) đã tân nhạc hóa “Bông hồng
cài áo” rất hay. Ngoài ra còn có cựu thiếu úy họa sĩ Hiếu Đệ trình bày bìa rất
chi là “bay bướm và trang nhã” khiến cho “Bông hồng cài áo” xuất hiện trong thị
trường Tân nhạc như một cô gái đẹp mặc áo dài xuất hiện giữa một rừng người mặc
toàn Mini Jupe”.
- Một bài báo khác, trong bức “Thư cho Vĩnh Điện”, nhạc
sĩ P.D. đã ghi “… Phạm Thế Mỹ tổ chức được nhiều đêm hát và đọc thơ ở Sài gòn,
Đà lạt, Nha trang rất hay, rất đáng phục!. Vì trong lúc này và ở miền này, tổ chức
được những đêm ca hát có hứng khởi thật là khó! Nhóm du ca CPS và một số
phòng trà cũng muốn gây không khí văn nghệ lắm nhưng hình như họ vẫn bị nằm
trong khung cảnh snobisme (theo thời), thiếu người trung thực để gây phong trào. Hầu hết là háo danh hay háo tiền mà thôi! Anh yêu một số bài mới của Mỹ, thực
thà mà nói, Mỹ vẫn chưa ra khỏi được những cái chung chung (lieux communs) tình
tự dân tộc, hay hát với kháng giả. Nhưng với mấy bài như “Rao bán”, “Sài gòn
vui không em”, “Tôi phải nói với anh điều này…”… vân vân… Mỹ đã thành công trong
một loại ca mới mà anh gọi là hiện thực (không phải theo quan niệm mác xit
đâu), đại khái như những truyền thống Brassens của Pháp, Dylan của Hoa kỳ…”
- Trích báo Tinh Hoa số 26, tác giả K.D. ghi:
“… Hơn 500 thính giả chọn lọc, lúc lịm đi, lịm đi vào giấc mơ của
tuổi thơ không mẹ,lúc dào rạt tin yêu, lúc ầm ầm phẫn nộ như thác đổ trên ngàn
,để rồi tất cả đều tan biến đi nhường chỗ cho sự bao dung, độ lượng… 120 phút
trình diễn, kháng giả như đang được sống hòa bình trong không khí chiến
tranh… Không than oán, nức nở, tuyệt vọng, van xin…, Không ủy mị, khắc khoải dày vò
tâm thức như Tâm ca… Đầy tin yêu, phấn đấu (Bi, Trí, Dũng). Đó là sự thành công đêm
Thơ Nhạc của Phạm Thế Mỹ và Đăng Lan.
- Và cũng xin trích báo Tin Sáng số 368, năm 1970, một đọan
trong tiết mục “Nhật ký của một nữ sinh viên“ (đó là tôi, Trần Tuyết Hoa mà hồi
đó viết, không dám để tên thật sau 2 lần ở tù vì đấu tranh sinh viên đòi Hòa
bình:
…”Điệp khúc cuối cùng kết thúc trường ca “Con đường trước
mặt” năm đó của hơn 100 sinh viên Vạn Hạnh “đồng hát cho quê hương” dưới sự hướng
dẫn của tác giả, người nhạc sĩ tài hoa nhưng rất nghèo, điệp khúc đó đã nói lên
được điều ước mơ của chúng tôi, đã hé mở cho chúng tôi nhìn thấy một chân trời
huyền thọai của quê hương mà bất cứ con tim Việt Nam nào dù đang run rẩy, hụp lặn
trong khói lửa ở đây hay đang yên thân ở một chân trời xa lạ, bình thản nào cũng
cùng nhau cảm thấy rộn ràng, hồi hộp, thấp thỏm chờ mong từng phút, từng
giây… ngày Hòa bình trở về với Dân tộc…”
Tiểu sử và họat động sáng tác
Và bây giờ là cuộc nói chuyện của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ với báo
Dân tiến Tân nhạc ngày 23/8/1967 về tiểu sử của mình:
- Tiểu sử: “… Phạm Thế Mỹ sinh năm 1932, tại Quy Nhơn (Trung Việt), xứ
sở của rừng dừa mà anh đã có lần nhắc đến trong nhạc phẩm “Những ngày xưa thân
ái":…”Uống nước dừa hay nước mắt quê hương”. Ra đời trong một gia đình có truyền
thống về văn nghệ (em của nhà văn Phạm Văn Ký, người được giải thưởng Văn
chương Hàn lâm viện Pháp với cuốn “Perdre La demeure) và nhà thơ Phạm Hổ). Phạm
Thế Mỹ đã được sự dìu dắt của các anh dể phát triển tài năng của mình. Lúc nhỏ, anh
học lý thuyết nhạc với sư huynh Yersin ở trường Gagelin (Quy nhơn). Sau đó, anh
học hòa âm với ông Nguyễn Phụng và bà Nguyễn khắc Cung tại trường Quốc gia âm
nhạc Sài gòn. Anh còn qua một thời kỳ dài để tự đọc, học thêm về hòa âm
(Harmonie),đối âm (contrepoint), tòng âm(Fugue), sáng tác nhạc (Composition), kết
nhạc pháp (Orchestration) (theo danh từ âm nhạc của Tống ngọc Hạp), của các tác
giả Catel, Dupré, Dubois, Durand, Dureau, H.Berilioz, Norberi Dufourcq. Đặc biệt
là Luận án Tiến sĩ nhạc học của Trần văn Khê ở Pháp, đã giúp rất nhiều khi anh
sáng tác những nhạc phẩm mang màu sắc dân tộc nói riêng và Á đông nói chung.
Trước đây, anh là giáo sư âm nhạc tại các trường trung học
Nguyễn Công Trứ, Tây Hồ, Bồ Đề, Kỷ thuật Đà nẵng. Hiện nay anh là Trưởng Phòng
Văn nghệ Viện Đại học Vạn Hạnh và là giáo sư âm nhạc tại các trường Trung học Mạc
Đỉnh Chi, Thanh niên phụng sự xã hội Sài Gòn.
- Thời gian sáng tác: Phạm Thế Mỹ bắt đầu từ năm 14 tuổi. Lúc
bấy giờ anh đã viết nhiều ca khúc nhỏ mặc dù chưa hiểu gì về luật “Cân phương”
(Carrure) hay công dụng của những “Giai kết” (Cadences). Được sự ngợi khen và
khuyến khích của nhũng người thân, anh càng gia công học hỏi thêm phần nhạc lý,
sáng tác và nghiên cứu để tìm tòi những ưu điểm, những nét đặc sắc của các nhạc
sĩ nổi tiếng đương thời như Đặng Thế Phong, Lưu Hữu Phước, Phạm Duy, Nguyễn
Xuân Khoát, Nguyễn Mỹ Ca…
Từ năm 20 tuổi trở về sau, anh bắt đầu sáng tác một cách vững
vàng và đều đặn hơn. Những nhạc phẩm của anh, kể đến nay gồm có:
- Nhạc bản: Đáng kể nhất là các tác phẩm “Ngỏ chiều”, ”Nắng
lên xóm nghèo”, Nhạc buồn đêm sao”, ”Màu tím hoa sim”, ”Những ngày xưa thân
ái”, ”Người yêu và con chim sâu nhỏ”,”Đưa em về quê hương” và 2 nhạc bản mới nhất: ”Bông hồng cài áo”, ”Bóng mát” (do nhà xuất bản Hát cho quê hương ấn hành).
- Vũ kịch: “Kim Trọng Thúy Kiều” (1962-66)
- Tiểu ca kịch: ”Hoa bướm và thiếu nữ” (1960), ”Nước mắt người
yêu” (1961)
- Nhạc kịch: “Sắc lụa Trữ La” (1958-1960)
Trường ca: “Lửa thiêng“ (1964), ”Hàn giang dậy sóng" (1960, ”Con
đường trước mặt” (1967)
Những Vũ kịch,Tiểu ca kịch, Nhạc kịch, cũng như Trường ca,…Trường ca “Con đường trước mặt“ mới sáng tác của Phạm Thế Mỹ đã được trình diễn
trên Đài phát thanh Huế, trên các sân khấu miền Trung, mới đây ở Sài Gòn tại rạp
Thống nhất, Trần Hưng Đạo.
- Khuynh hướng và quan niệm sáng tác:
Phạm Thế Mỹ chủ trương sáng tác không chạy theo thị hiếu quần
chúng. Anh nghĩ rằng nhiệm vụ nhạc sĩ (cũng như tất cả các người sáng tác
thuộc các ngành khác trong lĩnh vực Văn hóa là phải hướng dẫn quần chúng trên
phương diện thưởng thức. Anh có khuynh hướng sáng tác nghiêng về Tình yêu quê
hương, tình yêu dân tộc, ca ngợi tình người và ca ngợi cuộc sống thanh bình.
- Nhận định về hiện tình Tân nhạc Việt Nam: Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ
cho biết:
- Nhạc phẩm rất dồi dào về lượng
nhưng nghèo nàn về phẩm.
- Phần đông giới Tân nhạc chúng
tôi, dù là Nhà xuất bản, nhạc sĩ, hay ca sĩ đều nghĩ đến vấn đề thương mại trước
hơn vấn đề nghệ thuật. Đó là sự thực chua xót không thể tránh được trong hoàn cảnh
hiện tại mà chúng tôi hy vọng tương lai sẽ khá hơn. Rất đồng ý với một số nhận
định của nhạc sĩ Hoàng Nguyên về hiện tình Tân nhạc Việt Nam (Thuyết trình
trong Đại hội văn nghệ tòan quân).
- Dự định tương lai:
- Với tư cách Trưởng Đoàn văn nghệ sinh viên Đại học Vạn Hạnh, anh có dự định đưa đòan đi lưu diễn tại các đại
học bạn (Sài Gòn, Cần Thơ, Huế, Đà Lạt để gây tình thân hữu, gây không khí trình
diễn văn nghệ Dân tộc và hùng mạnh trong giới sinh viên.
- Với tư cách người chăm nom cho nhà
xuất bản Hát cho quê hương, ý định của anh là tuyển chọn để ấn hành nhạc phẩm hợp
với đường lối anh đã trình bày ở trên.
- Nhà xuất bản do anh chăm nom, chủ
trương tìm và giới thiệu những người viết và hát mới với quần chúng thưởng thức.
- Hợp tác với một số nghệ sĩ bạn để dựng
những vở nhạc kịch mà anh đã viết trước đây tại các sân khấu Sài Gòn,”
Người thể hiện tâm đắc giai đoạn 1974-75… của tác giả
Đó là chị Diệu Lý, bây giờ là người vợ còn rất trẻ của
anh hiện nay, là một cô giáo dạy Văn ở trung học mà trước đây đã từng là giọng
ca nữ một thời sát cánh anh trong các buổi trình diễn Văn nghệ Sinh viên ở Đại
học Vạn Hạnh và các trường bạn… Là thế hệ sau Đăng Lan, Mai Hoa, Phi Huệ, Miên Đức
Thắng, Nguyễn Xuân An… Diệu Lý là giọng ca xô lô nữ rất trẻ mà Phạm Thế Mỹ
đã chọn để hát chung với anh hay với Hồ Thanh Hải, một giọng xô lô nam truyền cảm, cùng thế hệ với Diệu Lý khoảng 1974 cho đến sau 75.
Cách đây vài năm, khi anh Mỹ bị một cơn tai biến, sức
khỏe yếu dần, nên không còn viết và trình diễn được nữa nhưng tác phẩm
anh từ 74 đến sau 75, có một số trường ca cũng được hoan nghênh nồng nhiệt, đó
là:
- “Những giòng sông anh em”(1974)
- “Những trang sử Việt Nam” Diệu Lý hát cùng
Thanh Hải.
- Sau 1975:
- “Con đường thế kỷ”.
- “Gió Củ chi”
- “Thành phố trăng tròn”…
Từ trước 1975, dòng nhạc Phạm Thế Mỹ mang nội dung Hòa bình, Đạo pháp, Dân tộc, về sau, nhạc của anh cũng hướng về “Tình người”, cụ thể là
tình thương các em bé bất hạnh ở nông thôn hay trong các trại tạm cư, chạy
bom đạn từ thôn quê lên thành phố… Với giấc mơ một Việt Nam Hòa bình, Độc lập
và Thống nhất đất nước.
Tiếng hát loài chim chiến tranh
Khoảng cuối năm 1967, trong một đêm trình diễn của đoàn Văn
nghệ sinh viên đại học Vạn Hạnh tại rạp Thống nhất, sau các tiết mục hợp xướng,
đơn ca, nhạc kịch… một tiếc mục bất ngờ làm cả ngàn khán giả sững sốt, đó là nhạc
cảnh “Lời nguyện pháp trường” mà tác giả Phạm Thế Mỹ đã giàn dựng rất công phu
với Nguyễn Xuân An vai chính một tử tù chính trị bị đưa ra pháp trường xử bắn… An
mặc bộ bà ba đen và một băng vải đen bịt mắt ,quỳ gối và bị trói thúc ké vào một
trụ cột, chờ thi hành án.Hai sĩ quan Cộng hòa cầm súng chỉa vào An và tuyên bố
cho anh nói lời cuối cùng.An ngữa mặt lên trời, cất cao tiếng hát “Lời nguyện
pháp trường” của Phạm Thế Mỹ. Cả hội trường im phắt, nín thở và trào nước mắt
theo từng tiếng hát, hơi thở của An:
“Chắc trời còn xanh lắm,
Cho tôi quỳ xuống đây
Tiếng ru nào trót dậy
Chắc buồn mà không hay…
Tôi tay đầy vòng buộc
Thân che lòng cát này
Quê hương sầu tôi đấy
Mắt nào nhìn lại đây?
Hỡi người anh phía trước,
Hỡi người bạn sau lưng
Hỡi từng viên đạn nhỏ
Cho tôi ly rượu mừng.
Mùa xuân nào lại đến,
Lời ca nào lại bay,
Tiếng ru nào của mẹ,
Mắt lệ nào của em?
Cho tôi xin mở mắt
Nhìn tay người đang run,
Chiến công nào cao lớn
Hơn mạng người đau thương?
Lạy trời!
Lạy trời tôi đừng biết,
Xin cho tôi đừng biết,
Tôi là người như anh,
Tôi chết vì tay anh!
Chết! Chết vì chiến tranh!...
Đùng! Đùng! Đùng! Tiếng súng bùng nổ và An, người tử tù gục
xuống… Màn từ từ khép lại theo tiếng nhạc kết thúc tái tê của một “Lời nguyện
pháp trường” như để tiễn đưa linh hồn người tử tù chính trị, người thanh niên
Việt Nam yêu nước đến giây phút cuối đời!...
Cả hội trường chết lặng như một phút mặc niệm! rồi mọi
người bừng lên, đứng phắt lên vỗ tay vang dậy rần rần… Hội trường như muốn vỡ
tung ra, khán giả không chịu ra về, nhiều người còn muốn nán lại ngậm ngùi, tiếc
nuối…
Khi tôi mang gói khăn áo đồ diễn ra về đi ngang qua các bà Má
phong trào đang còn đứng lại để nhìn mặt từng đứa chúng tôi mà vừa khen, vừa
khóc… “Chèn ơi! Sao tụi nó làm cái kịch gì mà giống anh Trỗi quá hà!” Tôi giựt
mình vội can ngăn các Má và dòm chừng coi có công an chìm nghe không. “Trời ơi!
Má ơi! Má đừng nói vậy lỡ công an nghe được là chết hết tụi con đó! “ Bà già vừa
ôm tôi vừa mếu máo: “Chớ ai biểu tụi bay làm… giống… quá chi!...”. Chúng tôi vừa
mệt, vừa lo sợ mà cũng mừng vì nhạc cảnh này diễn được trót lọt, không bị cảnh
sát ngăn lại và đêm diễn thành công ngoài dự tưởng. Sinh viên thì rất sung sướng,
cho rằng nhạc sĩ họ Phạm này đã chơi một trái “bom văn nghệ” nỗ chậm
trên sân khấu mà lọt lưới kiểm duyệt thì thật là tuyệt chiêu, dễ nể!... Nhưng đến
Tết Mậu Thân thì hầu hết các sinh viên đầu đàn trong các chương trình Văn nghệ
kiểu này đều bị mời vô tù hết. Khi bước lên chiếc “xe cây bịt bùng”, tôi gặp đầy
đủ, cả anh Trương Thìn, Trưởng Đoàn Văn nghệ Tổng hội SV Sài Gòn với Đêm Văn nghệ
“Tết Quang Trung“ cực kỳ độc đáo với 200 ngàn khán gỉa ngồi bệt xuống đất giữa
trời trong khuông viên trường Quốc gia Hành chánh cũ, (nay là Trường Đảng)… Còn
anh Mỹ phải chạy về Đà Nẵng trốn tránh một thời gian.
Niên khóa 1969-1970 nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ lại về làm giáo sư âm
nhạc chính thức và Trưởng phòng Văn - Mỹ - Nghệ của Viện, đồng thời cũng là Trưởng
Đoàn Văn nghệ của Viện Đại học Vạn Hạnh.
Các lớp Quốc nhạc thì do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba và nhạc sĩ
Vĩnh Phan phụ trách, lớp hòa âm và sáng tác do Phạm Thế Mỹ, anh đã đào tạo các
nhạc sĩ trẻ: Miên Đức Thắng, Nguyễn Văn Sanh, Nguyễn Đức Huy, Nguyễn Khôi, Lê văn
Huê, Vũ Đức Sao Biển, Nguyễn Xuân An…
Đòan Văn nghệ ĐH Vạn Hạnh đã được thành lập và chính thức ra
mắt ngày 7-1-1968 với mục đích căn bản là sưu tầm, sáng tác ,trình diễn văn nghệ
Phật giáo và Dân tộc, lành mạnh hóa tinh thần của sinh viên và quần chúng.
Tôn chỉ của Đoàn là:
1- Ca ngợi Đức tin và Tình thương.
2- Vươn khởi về một tương lai tươi sáng tự do.
3- Nói lên khát vọng hòa bình trong tâm hồn người Việt Nam
qua mấy mươi năm khói lửa.
4- Chống lại khuynh hướng văn nghệ ru ngủ…
Từ đó Đoàn Văn nghệ SV Vạn Hạnh đã trình diễn thành công
không chỉ ở Gài Gòn mà cả các cuộc lưu diễn ở các đại học bạn các tỉnh miền
Trung và Đà Lạt… Báo chí Sài gòn hồi đó ca ngợi nhiều về sinh họat của Đoàn như
có ý kích động sinh viên dấy lên một phong trào, một sức sống mới lành mạnh
trong tuổi trẻ… Nhà báo Hoàng Thái Nguyên (Nguyễn Hữu Thái) đưa lên báo Tin
Sáng 1966 trích bài ”Lời lên tiếng “trong tập thơ nhạc “Hòa bình ơi hãy đến” của
Phạm Thế Mỹ: ”Tuổi trẻ không ngồi để ước mơ mà phải lấy sức mạnh của chính mình
để biến ước mơ thành sự thật… Với tôi, sức mạnh đó là con tim, là tiếng hát… Tiếng
hát của tổ tiên xưa, tiếng hát bất khuất, tiếng hát mặt trời đang lên.
Hỡi những người Việt Nam đau khổ,
Hỡi tuổi trẻ Việt Nam anh hùng
Hãy cất cao tiếng hát:
Tiếng hát Việt Nam hôm nay,
Tiếng hát Việt Nam mai sau…
Còn tiếng hát hôm qua thì Phạm Thế Mỹ đã làm cho chúng tôi
cũng xót xa, cay đắng theo với bài “Những ngày xưa thân ái” của anh đã phổ
thơ Phạm Hổ:
Những ngày xưa thân ái,
Hắn đã quên rồi
Riêng tôi, tôi nhớ
Đường làng mênh mông cỏ lúa,
Sương mai khép kín vệ đường,
Hai đứa tôi sách vở cặp chung’
Áo quần nhàu giấc ngủ,
Tung tăng bước nhẹ chân trần,
Gói cơm mo, mẹ bắt xách tùng tơn,
Trong túi, hộp diêm nhốt dế.
Những ngày xưa thân ái thế
Không đem chung hai đứa một ngày mai.
Hắn bỏ làng theo giặc mấy năm nay,
Tôi buồn, tôi giận,
Hôm nay gặp hắn,
Tôi bắn hắn rồi!
Những ngày xưa thân ái!...
Nhung bà mẹ Việt Nam của anh không bao giờ chịu mất con.
… Không! Không thể nào như thế này mãi được…
Anh tuổi trẻ Việt Nam lầm đường kia sẽ về lại với quê hương
vì:
Trong khói lửa tan hoang, mẹ vẫn một lòng tin con,
một lòng tin
con
Rồi con sẽ lớn lên và màu da con sẽ vàng,
Con sẽ đến trường học tiếng Việt Nam…
Để thấy quê hương bài ca dài đấu tranh…
Con sẽ lớn lên để trở thành người dân có ruộng, có vườn, có tổ
tiên,
… Dòng máu này là của Quang Trung,
Dòng máu này là của Trưng Vương,
Với ánh sáng Lửa Thiêng của người sáng bước chân đi ngàn lối…
Mảnh đất nầy của quê ta,
Ruộng lúa nầy của dân ta,
Ta không muốn đời ta tối tăm, lầm than bỡi quân bạo tàn…
Giấc mơ Hòa bình
Năm 1970, HTN lại trích một đọan của “Con đường trước mặt” nói
lên giấc mơ của một tương lai Việt Nam không còn chiến tranh:
Đường ta đi thênh thang từng bước, buớc, bước,
chim bồ câu
bay, chim bồ câu bay,
Đường ta đi thênh thang từng bước, bước, bước,
chuông chùa ngân
nga,
chuông chùa ngân
nga.
Đường ta đi diều bay cuối xóm,
Đường ta đi trẻ thơ hát cười,
Đường ta đi người yêu đất mới,
Đường ta đi chim hót reo vui.
Ôi con đường Việt Nam, Ôi con đường Việt Nam!...
Hai mươi lăm triệu trái tim ta
Sống yên vui, yên vui một nhà…
Cùng tâm trạng khát khao hòa bình ấy, Anh Lê Trương đã ghi lại
cảm nghĩ mình trên tạp chí Sinh viên Xuân 1969 rằng: “Trường ca Con đường trước
mặt do Ban hợp xướng của Đoàn văn nghệ sinh viên ĐH Vạn Hạnh trình diễn
1968 tại rạp Thống nhất đã thu được cảm tình đặc biệt của mọi giới đồng bào thủ
đô - 100 người trên sân khấu là 100 gương mặt biểu tình, hội thảo với những đường
nét rắn rỏi điển hình của thế hệ mới, giọng ca nổ ra thành sóng gió trồi dập giưã
màu áo quần đỏ rực thân yêu”.
Nhờ những thành công liên tiếp của Đoàn như thế nên các
sinh viên trong Đoàn như Vũ Đức Sao Biển, Miên Đức Thắng, Nguyễn Xuân An… đã phấn
khởi sáng tác hăng say… Và các giọng ca trẻ do Phạm Thế Mỹ đào tạo cũng đã sát
cánh cùng các đàn anh đàn chị như Hồ Thanh Hải, (sau này hát Trịnh Công
Sơn rất nỗi tiếng vào những năm 80), là sinh viên ĐH Minh Đức nhưng Hải lại
thích sinh họat trong đoàn Vạn Hạnh và được anh Mỹ chăm sóc tận tình.
Phi Huệ, giọng ca nữ trầm ấm, là Trưởng đoàn văn nghệ sv Luật
khoa vẫn cùng sinh họat trong Đoàn Vạn Hạnh, vì cũng là học trò anh Mỹ từ trung
học Mạc Đĩnh Chi.
Và Diệu Lý, giọng ca trẻ đặc biệt và là vợ của anh, cho đến
nay vẫn còn phong độ.
Năm 1972, báo Hòa bình lại đưa tin về băng nhạc “Thương quá Việt
Nam”:
…”Mãi tới hôm nay, những gì chờ đợi, đã đến, đến bằng sự hiện
hữu của 1 tiếng hát, 2 tiếng và nhiều tiếng hát, Miên Đức Thắng, Xuân An, hiệp cùng với Lệ Thu, Thanh Lan, Trúc Mai, Đăng Lan đồng cất tiếng ngợi ca tha
thiết, bắt nguồn từ trái tim thức dậy thắp sáng Việt Nam: Anh Việt Thu, Phạm Thế
Mỹ, Trịnh Công Sơn… đã tạo thành một chuỗi âm thanh dài dài không dứt”. Thương
quá Việt Nam “ với 18 ca khúc, có thể coi đó như một kẻ đồng hành tự tình thân
yêu nhất trên bước đường gian nan trước mặt mà chúng ta sẽ đi tới… Băng nhạc sẽ
mang đến cho chúng ta sức sống, lòng cương quyết, chí phấn đấu và ước vọng mai
sau trong tình tự quê hương. “Thương quá Việt Nam đến với chúng ta trong lúc
các phòng trà đóng cửa, ảnh hưởng tình hình thời sự, sinh họat văn nghệ tân nhạc
có phần sa sút… Đại nhạc hội không tổ chức được, các nhạc sĩ sáng tác không làm
gì hơn ngòai một vài người xoay qua viết nhạc “chiến dịch” cho các đài truyền
thanh, truyền hình….”
Khơi dậy Lửa Thiêng trong Tình tự dân tộc
Cho đến gần ngày Giải phóng, báo Điện Tín, 21/1/1975 lại đưa
một tin lớn: “Sinh viên Vạn Hạnh khơi dậy “Lửa Thiêng” soi sáng hòa giải, tiến
đến hòa bình“ trong Đêm văn nghệ chào mừng 25 năm thành lập Văn khoa của Viện
Đại học… cùng với lời phát biểu của Thượng Tọa Thích Minh Châu, Viện Trưởng Vìện
Đại học Vạn Hạnh: “Tình tự dân tộc là mẫu số chung để chấm dứt 25 năm chiến
tranh… Chừng nào mọi người chịu quay về với tình tự dân tộc của mình, chiến
tranh mới có cơ duyên chấm dứt“ Và Thượng tọa huấn thị sinh viên đại học Vạn Hạnh
hãy đảm nhận công tác khơi dậy cái tình tự dân tộc đó trong lòng người. Rồi
Giáo sư Nguyễn Đăng Thục, Khoa Trưởng Khoa Văn cũng đã vạch rõ tai họa hủy diệt
của chiến tranh… và khẳng định rằng sinh viên Văn khoa có cơ hội đào sâu vào nền
Văn hóa dân tộc, hơn ai hết, là những người có đầy đủ khả năng để thực hiện ý niệm
hòa hợp,hòa giải dân tộc.
Có phải nhờ được các bậc tôn sư khai sáng “huệ nhãn” cho nên
Đoàn Văn nghệ SV Vạn Hạnh đã kết hợp với Đoàn Văn nghệ Sinh viên Sài gòn tổ chức
Đêm nhạc “Hát lên đi quê hương yêu dấu” vào tháng 1/1975 với 5000 SV đủ mọi
phân khoa đại học Sài gòn tham dự đã cùng hát lên những tiếng hát đấu tranh
vang dậy, hát cả bài “Tình đồng chí” để nhớ thời Thanh niên Tiền phong lên đường
chống Pháp… Và một lần nữa hợp tấu “Lửa Thiêng” bùng lên như những bó đuốc tràn
lên như sóng bể,sáng rực hàng hàng, lớp lớp những con tim tràn đầy nhiệt huyết
xua ngọn lửa thành những ngọn trào đốt cháy những mầm mống thù hận, phủ hào
quang lên những con đường khai phá giấc mơ hòa giải tình người để Hòa bình lồng
lộng tỏa ra giữa một trời bình minh rạng rỡ thắm thiết tình nghĩa đồng bào…
Chưa bao giờ người viết được tham dự một buổi văn nghệ trình
diễn với nhiều ý nghĩa trong suốt mấy năm qua cho nên thấy dường như một vận hội
mới cho dân tộc từ những người trẻ mang lại, từ những ý thức mới hồi sinh của
những người già đã lóe lên để rồi cất cao và bừng cháy… Thượng tọa Thích Trí Thủ,
Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, linh hồn cao ngất của vận động hòa giải lịch sử hiện
nay, dường như cũng đã cảm thấy phấn khởi vô cùng nên đã ngồi lại xem cho đến
phút chót và thỉnh thỏang gật đầu tán thưởng kèm theo những nụ cười đạo hạnh
trên môi.” (HVT)
- Hướng nhạc về các em bé thôn quê (theo nhà báo PN):
Năm 1970, Đoàn văn nghệ SV Vạn Hạnh trình diễn để cứu trợ tại
rạp Thống Nhất. Tập nhạc mới nhất của Phạm Thế Mỹ là “Trái tim Việt
Nam”, một giai phẩm đặc biệt của Đối Diện và “Những bài ca xanh” để hát sinh hoạt với các em bé thôn quê… Anh vẫn đăng thơ ở các tạp chí Đối Diện và Mai. Anh lao
vào công việc cứu trợ ở trại tạm cư Bình Dương 2 cũng như thấy cảnh đồng bào ở
tuyến đầu kéo về tản cư ở Đà Nẵng… Anh cho biết có một cảm xúc mới mẻ đã
đến trong nguồn cảm hứng của anh… Từ trước tới giờ làm nhạc, hát trong thành phố
với sinh viên, trí thức, tôi cứ tưởng như vậy là tuyệt đỉnh rồi. Bây giờ, qua những
ngày sống ở trại tạm cư, tôi mới thấy phải rời bỏ các thành phố để hướng đến
các em bé ở nông thôn. Có thể nói… ở đây các em không thiếu thực phẩm mà chỉ thiếu
tinh thần. Tập nhạc “Những bài ca xanh” đã ra đời trong chiều hướng đó. Nghe
các em bé hát nhạc của mình giữa sân trại trời mới nắng lên còn sướng hơn nghe
một anh sinh viên hát trong một giảng đường nào đó. Tôi cũng đã đổi sang một kỷ
thuật giản dị và lời bình dân, đơn sơ cho gần gủi thích hợp với đồng baò
mình… Với một giọng hết sức nhiệt thành, anh Phạm Thế Mỹ cho rằng đi làm việc
xã hội, cứu trợ là giúp cho chính mình, lợi cho mình chứ không phải chỉ giúp
cho đồng bào. Có đến tận nơi, nhìn tận mắt mới “hưởng thụ” được những hình ảnh
sống động nhất của tình thương và niềm tin… Ước vọng của anh là thống nhất dân tộc
và mong mỏi thương yêu, tiến bộ chứ không phục vụ cho một phe, phía nào hết”.
Ngọn "Lửa Thiêng” trong lòng dân tộc đã được Phạm Thế Mỹ và
Đòan Văn nghệ Sinh viên Vạn Hạnh và Sài gòn khơi dậy phần nào trong lòng khán
giả thủ đô và các đại học bạn ở miền Trung… để mong biến ước mơ một Việt Nam Hòa
bình thành sự thật trong một ngày không xa.
Trần Tuyết Hoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét