Thứ Năm, 2 tháng 7, 2020

Trắng xóa màu đêm

Trắng xóa màu đêm 
MỘT.
Bây giờ thân gửi vào đây, ngủ thức với thuốc dưa dây chập chờn, thế rồi con bệnh dỗi hờn, cô y tá nói chớ sờn lòng tin, hãy nên tạo dựng chỗ vin, vịn vào bám lấy một thin thít buồn. Ngoài kia gió tuyết luôn tuồng, ô kìa cảnh sắc lạnh ruồng bỏ ai? Ấy là đích thị thiên tai, nhà thương chứng nhận lai rai từ trần. Tôi nằm rất mực bần thần, cớ sao mình lại lần khân ra vào? Hỏi han ai biết đâu nào, đường đi luôn đặt mương hào thế thôi, chân sa mắc kẹt hỡi ôi, đành xem hài kịch chương hồi đổi thay. Màn chưa hạ là đã may, đợi người viết kịch đưa cay vở tuồng. 
Nằm hoài không tốt đâu nha, hãy nên ngồi ghế thở ra hít vào. Bao lời khuyên nghe mưa rào, đất này hạn hán xin chào liền khi. Chiếc ghế sắt lạnh làm chi, để trao hơi ấm tôi ghì đặt mông. Ngó qua giường mắt đặt trông, nệm chăn xô lệch thưa ông vi trùng, xin đừng hát câu tương phùng, mai kia mốt nọ lén chùng tôi đi.
Đừng nên trơ mặt ngồi lì, ra hành lang đó so bì bước chân, vận động cho máu chạy rần, rật lên rần xuống tần ngần lời thương. Em xin vâng lệnh cô nương, nghe lời chỉ dạy bủa hương quanh mình. Lắm khi cũng muốn tỏ tình, nhìn cô tôi nhớ mẹ thình lình xa, ngờ đâu quỷ bắt ma tha, ngày đoàn viên chắc cũng là gần thôi.
HAI.
Tôi không để ý giường bên, có người con gái thường rên khóc thầm. Cô mơ gì tiếng lâm râm, ngữ ngôn xa lạ điếc câm tôi chùng, lén nhìn tóc rối một vùng, ươm màu vàng sáng lạ lùng gối cao. Tôi nghe gió lạ lao xao, màn che rung động mày tao chia bờ, canh khuya lặng ngắt như tờ, tôi từng rách mộng mãi chờ hồ keo, dán giúp tôi lành lặn treo, đàn hồi tim đập làm reo chút tình. Hai đứa gọi là chúng mình, lẻ tôi ra một cũng mình mình tôi, chợt thèm nhấp giọng liếm môi, hỏi han cớ sự ỉ ôi hạn kỳ. Em đau có buốt xuân thì, thơ ngây ai đoạt cũng vì chữ yêu?
BA.
Ngoài hành lang, nằm cuối phía tay trái, nếu tính từ cửa thang máy mở, chận bít lối đi là bức tường có gắn tấm gương lớn nhằm hấp thụ chút ánh sáng thiên nhiên từ ngoài hắt vào. Tôi thấy “người chung phòng” đang vòng tay nhìn ra thế giới mãi sinh động ở bên kia lãnh địa này. Vì nằm tầng bốn, ngang tầm mắt chỉ là mảng màu nâu của khu chung cư đối diện, như vậy muốn thấy những gì chuyển đổi có chút vui mắt thì ta buộc phải cúi đầu xuống. Tôi bước lại gần, gục mặt sát tấm kính dày, con đường nhựa đen trơn bóng có đàn xe luân lưu trôi đi trong vô thanh, đôi ba bộ hành áo xống kín bưng đi bước dài như sợ trễ một cuộc hẹn. Có thể họ sẽ băng qua một ngã tư để vào chốn này thăm ai đó đang mỏi mòn ngóng đợi một uỷ lạo tinh thần. Cũng có thể người yêu đang ngồi chờ trong quán ăn vừa có người mang cây thông ra dựng trước cửa treo đèn kết hoa trang trí cho Giáng sinh sắp về. Họ hôn nhau, ngồi xuống, mở tấm thực đơn: Em ăn gì? Vây quanh họ là thứ không gian ấm cúng, ánh nến lung linh theo tiếng nhạc nhẹ trỗi từ đâu đó. Một khung cảnh hoàn toàn trái ngược với chốn này. Hạnh phúc, khổ đau?
- Chào ông.
- Chào cô.
- Ông vào đây đã lâu chưa? Ngày đầu nhìn qua đã thấy ông nhắm mắt nằm trên chiếc giường đặt cạnh tôi.
- Ơ, để tôi nhớ lại. Hình như đã bốn ngày.
- Ngày thứ ba tôi thấy ông ngồi trên giường mãi viết gì đó vào cuốn vở, mặt thất thần, đầu bù tóc rối.
- Ơ, một cách giết thời gian thôi cô ạ, nó chi phối mình để tránh nhìn khung cảnh ảm đạm vây quanh.
- Ông có thể cho tôi một vài trang giấy không? Tôi có nhiều điều muốn ghi xuống kẻo quên mất, bút thì tôi mượn ở người y tá.
- Tôi xé ra làm đôi nhé, chia đều. Thật thú vị với hình ảnh là cả hai bệnh nhân cùng hí hoáy ghi chép đè nén cơn đau. Cô nghe chuyện cười này chưa? Đôi vợ chồng giận lẫy nhau, trước khi ngủ người chồng viết vào tờ giấy “nhớ thức tôi dậy lúc 6 giờ” đặt bên gối. Khi anh ta tỉnh giấc, nhìn thấy có hàng chữ “ngủ say như con nít, 7 giờ rồi đó”.
- Mỗi chiều đều có người vào thăm, bà đó là gì của ông?
- Là vợ tôi, vì công việc nên chỉ rảnh vào giờ đó thôi. Thế người đàn ông thường vào hỏi han cô?
- Ông chú tôi. Tôi dặn là chớ thông báo cho cha mẹ tôi biết tôi nhập viện. Họ ở thành phố khác, khiến họ phải hoang mang lo lắng là điều cần tránh. Này, làm ơn cột thắt lại sợi dây sau áo tôi, có hở hang lắm không, sao tôi nghe lạnh.
Cả hai, cũng như bất kỳ khách tạm trú trong này đều phải khoác thân thứ “đồng phục” tựa nhau. Đó là một tấm áo kỳ khôi, tựa như khoăn choàng có ở tiệm hớt tóc, ba múi dây may phía sau lưng, vòng hai tay lui để tìm cột múi dây lại cho khít khao luôn không được như ý, bung rời gút thắt là chuyện thường xảy ra. Và lưng cô “láng giềng” đang bày hai hai vạt áo đi hoang,  Hiện ra khoảng da trắng. Trắng rợn cảm, trắng nổi da gà. Cô chỉ mặc quần lót, nhỏ như chiếc khăn tay lau không khô những hàng lệ tủi thân hàng đêm thầm đổ. Chỉ có manh vải hình tam giác ấy là vật riêng do cô sở hữu, thêm đôi vớ, thêm đôi dép, kỳ dư chiếc áo kỳ cục kia là do bệnh viện phát ban. Nó từng bao che cho biết bao thân thể trần truồng nam phụ lão ấu, có thân thể hoàn hồn lai tỉnh, có thân thể lặt lìa ngồi xe lăn và có thân thể co rúm lại thu nhỏ bằng nắm cát “bị cái số xúi vậy”.
- Cảm ơn ông. Cần tôi giúp không?
- Khi nhận thuốc uống tôi đã nhờ y tá cột giùm. Bà ta luôn khuyên tôi phải nên năng động việc đi lại. Cô đi cùng tôi không? Chúng ta xuống thăm thú cafeteria. Miệng lưỡi mình sắp hư vị giác khi mỗi ngày phải ăn thực phẩm bổ béo, mình nên “phá giới”.
Bạn láng giềng, cô nằm giường bên cười. Từ khi chợt thấy khuôn mặt ám buồn cô ấy, hình như đây là nụ cười lần đầu tiên hồi sinh, xoá bớt đi vẻ xanh xao. Cửa thang máy mở, bấm vào nút S1. Lòng thang máy rộng, chỉ nhốt hai đứa đứng câm nín, nó rơi xuống với thứ nỗi niềm đồng bệnh tương lân. Trong túi may trước ngực, tôi có tờ giấy 10 đô la do vợ tôi đút vào hôm qua: Để nhỡ anh buồn miệng thì cho có mà tìm mua bánh trái.
- Cô thích gì? Tôi hỏi.
- Cho xin một ly cà phê size nhỏ thôi. Cảm ơn ông. Ông có thấy hình các loại bánh họ quảng cáo trên vách không? Muffin Rosa, đứng hàng thứ hai đấy. Không tưởng được là tên tôi có khi dùng đặt cho một thứ bánh ngọt. Còn ông? Đừng bảo là Expreso nhé.
- Tên tôi? Ơ, để xem, nghĩa của nó gần trùng với kẻ không biết đùa nghịch.
- Thật không?
- Thì đó chỉ là mong mỏi của cha mẹ thôi. Tôi thích vui vẻ cười đùa, tôi ghét những đứa ưa đóng vai đạo đức mẫu mực.
- Khi trở vào lại tháng máy, ông chớ đùa nghịch bằng cách ôm tôi nhé.
- Bánh Rosa có thơm ngon không?
- Đừng nói thế. Tôi khóc ở đây cho ông xem.
BỐN.
Khi tôi thức giấc, có hai người vào thay chăn gối, trải lại tấm ny-lông mới lót dưới mền mỏng. Tôi nhìn ra chút khác thường và tôi nén lòng chờ đợi. Đến giờ ăn điểm tâm, nỗi trống lạnh từ bên ấy dồn thổi qua. Tôi hỏi cô y tá. Rosa được chuyển xuống khu phẫu thuật. Tôi khởi sự ăn. Một quả trứng gà hấp chín còn nguyên vỏ. Hai lát bánh mì nướng, một hộp mức dâu nhỏ. Một chén súp. Một hộp nước trái táo. Một cốc nước trà, một gói đường. Muỗng nĩa dao. Một tờ giấy ghi sẵn thức ăn, chừa các ô trống dùng đánh dấu, tự chọn thứ hợp khẩu cho hôm sau. Tôi không rõ người ta sẽ làm gì với những trang viết của Rosa, họ vất bỏ vào thùng rác? Việc cần kíp phải làm là tiêm thuốc tê, mê, họ lột truồng, họ đặt lên chiếc bàn sắt có những lỗ thủng cho máu đổ xuống sàn. Tôi ngó ra vuông cửa, tuyết bay hỗn loạn ở đó. Tôi hình dung những người đi khó khăn dưới lề đường hun hút gió trắng. Tôi thấy lạnh, trong thân thể mỗi sinh vật đều tích tụ một mầm bệnh khác biệt nhau, mang thân vào ký gửi ở đây là mong cầu những người tốt bụng sẽ săm soi lấy đi giùm mình những vướng mắc chí tử. Không sớm ra tay, mày sẽ chết. Trò chơi điện tử gọi là game over. Trò chơi nọ có quyền trở lại phút ban đầu, trò chơi này tuyệt chẳng được diễm phúc đó. Tôi cầu mong cho Rosa sớm ngồi dậy, với đôi chân run, cô còn trẻ, còn phải bước trên con đường lắm bất toàn. Hãy tạm về thành phố xa sống với bố mẹ một thời gian. Gia đình luôn là bến đỗ an toàn mà chúng ta mãi cần sự bao che của tình thương vô biên ruột rà máu huyết.
NĂM.
Tôi được cho về vào buổi trưa sau khi vượt qua những trắc nghiệm nhỏ. Vợ tôi xin nghỉ làm, vào bệnh viện với những hạt tuyết chưa tan trên áo ngự hàn. Tôi tìm ra khu hồi sức nằm ở tầng hai và tôi nói cùng vợ, mình nên ghé thăm cô ấy lần cuối, một chia tay cần có. Vợ tôi mua một hộp chocolat cùng một cành hoa hồng gói trong giấy kiếng. Đàn bà với nhau, vợ tôi hiểu chứng bệnh Rosa mang cũng như hiểu thêm về một sẻ chia cần thiết. Rosa xanh xao, cô nằm mà thân thể như bị chìm trong tấm nệm mỏng. Cô khóc khi vợ tôi trao quà, thì thầm điều gì đó. Cô nhìn lên tôi, cánh tay không có mũi kim dán băng chuyền vào gân thứ dung dịch gì đó vừa dong lên. Mừng ông đã bình phục, xin hãy ôm tôi, trao cho tôi niềm may mắn. Hôm đi uống cà phê, ông đã không biết đùa nghịch khi vào thang máy. Tôi thích được đùa nghịch.
Tôi lau nước mắt cho Rosa. Vợ tôi lớn hơn Rosa 17 tuổi. Mười bảy năm trước, hai đứa tôi vẫn còn là tình nhân. Tình nhân xưa ấy và Rosa giờ này có điểm trùng hợp, cả hai đều ngực nhỏ, nhưng đằng sau, họ thu dấu một con tim lớn, sẵn lòng dìu người đi qua những nỗi đau, trấn an và tha thứ. Vợ tôi nói: Tôi sẽ thay anh ấy vào thăm cô. Cần gì xin cứ cho hay. Tôi từng trải qua một giai đoạn sống giống bạn vậy. Và tôi đã vượt khỏi. Rosa nắm lấy tay vợ tôi, rồi sực nhớ ra cô hỏi: Ông còn dư trang giấy trắng nào không, cho tôi xin cả cây viết nữa. Tôi cần viết một bài thơ, tôi xúc động quá, tôi may mắn được quen cả ông lẫn bà.
Y tá vào có ý xua đuổi chúng tôi, bạn phải hiểu tình trạng sức khoẻ của cô ấy. Trong lúc này hãy cho người bệnh nghỉ ngơi tĩnh dưỡng.
SÁU.
Chiều nay, vợ tôi đi làm về muộn hơn lệ thường, và kín tiếng. Ăn tối xong, đâu ra đó mới cho hay: Rosa mất rồi anh, mất trước khi em vào thăm. Một người đàn ông tự nhận là chú sẽ đứng ra lo hậu sự, nghe bác sĩ nói là cô ấy ra đi thanh thản, như một kẻ lỡ ngủ quên, chẳng buồn thức dậy. Mình nên thắp cho Rosa một cây nhang.
Tôi đi tìm những trang viết cẩu thả khi ngồi trên giường bệnh viện, tôi đọc lại, tôi nhớ khuôn mặt ngây thơ của Rosa, cái thơ ngây làm dẹp được những rào cản để bước qua chuyện trò với một bệnh nhân xa lạ. Nhớ lời cô: Cả hai chúng ta đều lạc lõng ở thành phố này, đều xa gia đình và cả hai đều bệnh hoạn. Những gì cô tâm sự chừng như vướng mắc nơi hàng chữ tôi mê muội viết lúc đó.
Tôi đi tới bàn, mở laptop ra. Ngoài cửa sổ, tuyết câm nín rơi xuống. Trong sự vần vũ bay lượn nát nhàu kia chừng như vừa che lấp một bóng trắng, trên bàn tay có cầm cái bánh muffin mang tên Rosa đang vụn vằn rơi rụng. Tôi đánh chữ vào màn hình. Tôi yêu em. Tôi chẳng biết nói gì. Mà nói gì nữa khi em đã lìa bỏ trần gian này. Mai tôi trở vào cafeteria trong bệnh viện để mua loại bánh mang tên em. Tôi bày ra dĩa, đi pha một cốc cà phê và tôi đốt cho em ba cây nhang. Ở chốn thẳm sâu vô tận xin em đừng hờn tủi nhé.
BẢY.
Uống thuốc xong tôi tìm tới chùa. Bức tượng Quan Âm đứng ngoài sân tiệp màu với tuyết, lạnh trắng chôn lấp toà sen dưới chân. Bao cánh cửa đều đóng kín, chỉ có lối bên hông ghim một vuông giấy trên mặt gỗ màu xám “Hãy kéo mạnh tay”. Không gõ mà kéo. Kéo cật lực thì cửa sẽ mở. Ánh sáng đèn neon và hơi ấm chào đón, vây bọc. Đó là phòng ăn, góc bếp có ba người thầm lặng loay hoay công việc nấu nướng. Tôi gật đầu chào họ trong lúc cởi giày, bước tới ba bậc cấp để lên nơi thờ phụng những người đã phiêu diêu về miền cực lạc, cảnh giới ở đó có hứng chịu cơn lạnh tái tê như mùa đông chốn này? Lâu rồi, tôi cần ghé tới nhìn lại ảnh mẹ mình. Trước, coi bộ thong dong, giờ này bà con lối xóm đâu mà đông đúc thế, chen chúc và ép sát vào nhau, hoa cả mắt mới trông rõ chân dung mẹ nằm khiêm nhượng ở trên đó, càng lúc càng vàng vọt sắc màu. Tôi thắp nhang, tôi chắp tay, tôi cúi đầu, lòng trống trải không tượng hình ra được một lời cầu mong. Tôi nghĩ tới những người theo đạo khác, như Rosa chẳng hạn, hẵng sẽ chẳng bao giờ được nghe lời kinh tiếng mõ sáng tối. Linh hồn còn dùng dằng ở nán đâu đó hay tan biến, hay siêu thoát về thế giới khác?
Tôi đứng giữa bốn bức tường, một mình giữa ngàn người già trẻ vây quanh, một bức ảnh nhỏ để lại làm bằng chứng về cái mất tăm tích của họ. Một bình hoa đặt trên bàn có trải khăn đỏ chừng vừa thức dậy, rơi xuống một cánh hoa. Chỉ có hoa nhìn nhận ra tôi, chỉ có khung hình đức Phật lộng kiếng đặt trên bàn đọng lấy nhân dáng tôi phản chiếu, mù mờ. Tôi bước đi khi hoa kia thầm lặng rụng cánh thứ hai. Sự tuần hoàn mà mình cần nhẫm đọc cứu khổ cứu nạn?
Lùi sâu ở góc sân chùa có một cây thông, cô đơn ở dáng lạ, ở vĩnh hằng một dáng đứng chẳng cần ai quan tâm. Ra khỏi chùa, nhà nhà đều mang thông về nhằm trang trí, giăng đèn kết hoa, nhưng là một cây thông bị cưa thân cho thấp lại, bứng mất cội rễ, để tháng sau tất cả chúng bị dồn đẩy vào xe chở rác. Giáng Sinh đang về và người ta sẽ than phiền nếu trời không đổ tuyết xuống. Tôi muốn đi thăm Rosa nhưng chẳng biết bia mộ cô dựng đặt ở đâu. Những ngày cuối năm, những tờ lịch vơi mỏng, trời đất hư hao và rất đỗi lạnh lùng, bạc nhược.
14.12.2019
Hồ Đình Nghiêm
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bến lở - Truyện ngắn của Nguyễn Thảo Nguyên Nhà văn Nguyễn Thảo Nguyên ở Bến Tre, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, vừa đoạt Giải nhất Cuộc...