Tôi sẽ kể cho các bạn nghe chuyện của ông già Chín, ông già
đến nỗi tuổi tác của mình ông thường quên mỗi khi có ai đó hỏi thăm. Trong những
buổi sớm mai ngồi một mình ngoài hàng hiên, ông nghĩ nhiều đến những người
đàn bà đã đi qua đời ông. Người đàn bà đầu tiên đến với ông là một người lớn
hơn ông hai tuổi. Mối tình ấy không để lại trong ông chút dư vị nào, ông
nhanh chóng quên ngay “chị Sáo”. Sau này khi nghĩ lại, ông tự vấn lấy mình, rằng
đó chỉ là những cảm xúc đầu đời, không thể gọi là tình yêu. Tình yêu với ông
lúc đó vẫn là một điều kỳ bí. Nó phải như thế nào kia chứ không thể là một
đôi mắt nhìn nhau cho dù đắm đuối, những cái nắm tay cứ làm như ra vẻ vô tình
và giật vội ra như bị điện giật, để rồi cả hai nhìn nhau e thẹn. Cái thời ấy
nó như vậy đấy, không như bây giờ, lũ trẻ… Nghĩ đến đó, ông nhớ ngay đến thằng
cháu nội, không biết giờ này đàn đúm những đâu? Quả thật làm sao ông biết những
nơi chúng đến, những trò chúng chơi và những gì chúng nghĩ?
“Khi ta bằng tuổi nó, ta đâu có được đi chơi, mà có ai quan
tâm đến việc chơi nhợi của ta?”. Cha mẹ ông là những người nhà quê, nghèo khổ
cả đời, làm sao dám nghĩ đến hai tiếng chơi bời? Cơm áo gạo tiền đâu có thể
là trò đùa? Mà đã không đùa là phải làm cật lực, còn thì giờ đâu mà nghĩ đến
chuyện khác. Lúc nhỏ, ông đâu biết thế, ông oán thầm trong bụng, ông oán tất
cả, từ tiếng ho mệt nhọc của cha ông cho đến tiếng thở dài của mẹ mỗi khi nhà
hết gạo, mà chuyện đó là điều thường xuyên xảy ra. Nghĩa là ông oán cái nghèo
đó thôi, cũng vì nghèo mà nhà ông sinh ra bao nhiêu là buồn thảm. Ông bỏ nhà
ra đi lúc còn nhỏ lắm, làng quê sau đó chỉ còn là những kỷ niệm nhạt nhòa.
Người đàn bà thứ hai trong đời ông là một thiếu nữ kỳ diệu,
ông luôn nghĩ về người đàn bà của mình như vậy. Mỗi khi nhớ lại cái đêm hôm ấy
lòng ông thấy nao nao. Nàng đen lắm, một màu da đen giòn. Ông ôm nàng vào
vòng tay trai ba mươi tuổi, đang thèm đàn bà đến bức bối trong lòng. Trăng mờ
bên suối vắng, ông nhớ đến ánh trăng da diết, một ánh trăng ngà chỉ xuất hiện
một lần trong đời. Không bao giờ mình còn nhìn thấy một ánh trăng như thế nữa,
ông nghĩ, ánh trăng đêm ấy ông nhìn thấy từ mắt nàng! Hình như chỉ là một giấc
mơ thôi. Nàng tên là gì nhỉ? Nếu mùi hương của nàng là tên gọi, thì ông đã biết
tên nàng. Mùi trinh nữ, cái hương thơm ấy đã vĩnh viễn nằm trong trí nhớ của
ông.
Ông thường ra ngoài hàng hiên ngồi cả buổi trời để chỉ nghe
một tiếng chim hót trong lùm mận trước nhà. Tiếng chim cô độc quá chừng, con
chim sót lại trong vùng chưa bị bắn hạ bởi nòng súng của bọn thợ săn tận diệt.
Tiếng hót của con chim thấm vào tim ông nghe như tiếng khóc, ông ngậm ngùi
cho sự liên tưởng của mình. Mà quả như vậy thật, từ lâu ông nhận thấy trong
vùng này không còn có nhiều tiếng chim. Nếu ai để ý, tiếng chim giờ đây đã trở
thành của hiếm. Vậy mà mỗi sáng ông còn có thể nghe một tiếng hót đớn đau của
con chim cô độc như vậy cũng là một điều an ủi. Nó an ủi ông chăng? Ông có
đáng để còn ai đó quan tâm đến ông, cho dù cả cuộc đời ông mong mỏi? Nhưng
đây là con chim, con chim mồ côi vợ, ông đồ rằng như thế. Nghĩ đến đó, ông mỉm
cười một mình, niềm vui, tự nó xuất phát từ trong tâm. Thì ra người ta có thể
tìm cho mình niềm vui dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Phát hiện ra điều này, ông sững
sốt. Ông nhớ lại những tháng ngày qua ông đã lãng phí biết bao giây phút quý
giá của cuộc đời. Giá như ông biết sớm điều này có lẽ ông không cô độc như
bây giờ? Người già cô độc dễ sinh bệnh lắm, ông biết vậy, nhưng lấy ai ra để
mà chia sẻ?
Từ ngày phát hiện ra tiếng chim ở lùm mận vườn nhà, sáng
sáng ông háo hức ra ngồi ngoài hiên để chỉ nghe tiếng chim. Khi con chim bay
ra khỏi vòm lá um tùm, bỏ lại đằng sau tiếng hót cô độc, một niềm vui oà vỡ
trong ông. Ông đi vào trong nhà với một nụ cười trên đôi môi khô héo. Cho đến
một ngày…
Ông chờ mãi không thấy tiếng chim hót trong lùm mận vườn
nhà cho dù trời đã trưa trật trưa trờ. Ông cảm thấy lòng hồi hộp. Ông linh cảm
một điều bất hạnh nào đó sẽ đến. Đúng như ông nghĩ, sau một tiếng kêu xé nát
hồn người là một khoảng im lặng đáng sợ, lát sau một con mèo đen tha con chim
tội nghiệp trong tiếng gừ gừ hoan hỉ. Ông lên một cơn đau tim đột ngột, cố lết
vào giường, ông nằm vật xuống sau khi cố uống mấy giọt thuốc trợ tim. Mồ hôi
ông vã ra trên khuôn mặt trắng bệch mệt mỏi và thiếp đi với những hơi thở nặng
nề. Ông mơ thấy nàng. Đúng là nàng rồi, nàng vẫn đen giòn, vẫn tươi nguyên
như ngày ông mới gặp. Ông cố chạy tới nàng, nhưng vô ích nàng vẫn cách ông một
khoảng ngày càng xa, và nàng mất hút vào bóng tối. Khi ông tỉnh lại, đều ông
nhận biết trước tiên là trời đang bão. Từng cơn gió giật đùng đùng, mưa như
trút nước xuống mái tôn nhà ông như hàng ngàn con ngựa phi nước đại ông đã từng
xem trong những bộ phim lịch sử. Ông nằm im, cũng may cơn bệnh qua mau, điều
này có được là do ông có một chế độ ăn uống luyện tập đúng bài bản. Nhưng lời
của nàng trong cơn mơ vẫn văng vẳng bên tai ông “anh Hải, lời hẹn cuối mùa
thu?”. Lời hẹn nào ông quên mất? Ông uống một ngụm nước, cố nhớ lại cái đêm
trăng ấy. Mầu ánh trăng trắng ngà phớt qua khuôn mặt nàng, phớt qua bộ nhủ
hoa non tơ và cả đôi chân nuột nà óng ánh dưới ánh trăng. Chàng trai ba mươi
như chết chìm trong dục vọng, anh muốn nuốt trộng nàng vào cặp mắt hau háu của
anh. Thôi đúng rồi, trước khi cho anh tất cả, nàng còn hỏi dóng một câu “bao
giờ làm đám cưới?”, anh trả lời không chút ngập ngừng “cuối mùa thu”. Lúc đó
đang xuân, mùa thu đang xa lơ xa lắc….
Tôi đọc được những điều ấy trong cuốn nhật ký của ông Chín
Hải sau khi ông mất và cố ghi lại theo cách cảm nhận của tôi. Dù ghi ra sao
chắc cũng là gần đúng tâm trạng của ông ấy trong những năm tháng cuối đời.
Tôi, một thằng trai hai mươi tuổi đang yêu và thèm yêu tâm trạng yêu chắc
cũng gần như thế. Yêu mà! Nhưng còn những phần đan xen trong cuốn nhật ký,
tôi cố đọc nhưng không cách nào ghi lại theo cách cảm nhận của mình. Đơn giản
vì tôi không là một quan chức một thời như ông, cũng không là một doanh nhân
một thời như ông…và cũng không giầu có như ông! Cái thế giới của tôi khác hẳn
của ông Chín thì làm sao mô tả lại, dù chỉ là vẻ hời hợt bên ngoài, những mưu
toan, bẫy sập, căm thù, hoặc giã vui sướng điên cuồng trước tai hoạ của kẻ
thù? Vậy thì không nên ghi cảm nhận của mình làm gì. Tôi chỉ kể cho các bạn
nghe cái đêm mưa bão mà ông Chín nghe như tiếng sầm sập của hàng ngàn con ngựa,
ông già lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng sau khi viết xong trang nhật ký. Ông
không biết rằng, ngay trong đêm hôm ấy, người con trai duy nhất của ông, một
“đại gia” đang hoan hỉ yêu đương với một cô người mẫu trong một ngôi nhà sàn
cất bên bờ suối, ngôi nhà nên thơ như tranh vẽ, bị một cơn lũ ống quét qua
không còn một vết tích nào!
Điều an ủi duy nhất dành cho ông Chín Hải là người cháu nội
của ông không hư như ông tưởng, cậu ấy không muốn thấy một chút dấu tích nào
của những kỷ niệm đau buồn, nên bán tất cả những gì của cha và của ông nội để
đi xa. Cậu ấy cho tôi cái tráp gỗ củ kỹ của ông nội và không biết rằng bên
trong là một cuốn nhật ký có lời hẹn cuối mùa thu với một cô con gái! Tôi, một
thằng khuân vác có bằng tốt nghiệp cấp ba loại giỏi, chẳng biết làm gì với
cái tráp gỗ có chứa cuốn nhật ký của một người giầu, bèn viết ra câu truyện
này, biết đâu có một tờ báo nào đó in trả cho triệu bạc cũng đủ để sống lây lất
gần hai tháng trời trong chặng đường dài lấy bằng đại học.
Biết đâu?
11/2010
Võ Anh Cương
Theo https://vanchuongviet.org/
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét