Thứ Tư, 1 tháng 7, 2020

Phiêu đãng khúc đồng dao

Phiêu đãng khúc đồng dao
Dù với cảm xúc nào qua ngôn ngữ thi ca của Trần Yên Thế (tên thật Trần Thế Mỹ) vẫn phảng phất những nỗi buồn nhưng đó là nỗi buồn tinh khôi, lãng đãng. Thơ anh không đưa người đọc lạc vào cõi ảo mà càng thấy đâu đó trong cuộc sống hữu hạn, gần gũi quanh ta.
Tập thơ “Gió còn thổi bên hiên” của Trần Yên Thế vừa do nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành với 54 bài thơ, đậm nhạt theo cung bậc nỗi niềm của một người sinh ra và lớn lên ở đất Phan Rí, Tuy Phong (Bình Thuận). Anh thuộc lớp người làm thơ cùng thời, cùng quê với Huỳnh Hữu Võ, Đài Nguyên Vu, Tô Duy Thạch, Nguyễn Duy Sinh, Phạm Bình… Họ từng trải qua chặng đời thân phận lưu đầy trên mảnh đất chiến tranh, mịt mù bế tắc nên bây giờ càng yêu da diết và cảm nhận được sự kỳ diệu lạ lùng từ một dòng sông, chiếc cầu, ngọn núi, khúc hò… của chốn quê. Trần Yên Thế trăn trở: “Gió đọng lòng xuân lúa trổ/ Mởn tơ ngực hé nụ hồng/ Xin đợi ngày mai hội lễ/ Đường làng gá bước theo chân”, (Thuở nào Phan Lý). Chỉ đôi nét chấm phá đủ để thấy một “quá khứ lượn lờ” trong trái tim của tác giả. Dường như đứng trước không gian vùng biển này đã đánh thức anh biết bao hình ảnh vừa bàng bạc vừa u buồn “Khi xưa có lần thuyền xa biển/ Và có một người đi biển mồ côi” (Nghe câu hò Bả trạo)… Có lẽ những câu thơ anh viết về quê hương mình bằng tâm trạng hoài niệm được bật ra những ngôn từ thật hình tượng và rất đắc trong biểu đạt tình cảm của mình. Một ví dụ, bài “Ở Phan Rí”, có những câu mang tứ thơ rất đẹp: “Ở Phan Rí hôm qua xuống phố/ Gió theo sau lẽo đẽo tỏ tình/ Bởi nhớ nhau chạnh lòng muốn hỏi/ Xe ngựa về hí có người không”. Đó là hình ảnh khá đặc trưng Phan Rí. Ai từng sống ở vùng đất này mới cảm được cái nắng gió rên rỉ và tiếng lóc cóc xe thổ mộ trên đường phố huyện về khuya…  Quê miền biển, luôn là những hình ảnh sống động làm cồn cào và cũng là nỗi da diết, ngất ngây khi “Chạnh lòng biển động mà yên/ Trời xuân vắng gió biển buồn hơn tôi” (Dạo biển) hay với dáng dấp đời ngư phủ muôn thuở nỗi buồn, thầm thì theo cơn nước lớn nước rồng “Lặn hụp sóng xô chiều sắp tắt/ Níu gánh chờ nước lộ bờ em” (Biển nuối tiếc). Ở đó vừa hiện thực mà cũng vừa bật ra từ trong vô thức.Chỉ có người yêu quê hương mình một cách mãnh liệt lắm mới bật lên những thanh âm dung dị mà sâu đậm đến thế. Trần Yên Thế đã “vận” vào những câu thơ như một phần định mệnh của kiếp đời.
Tôi đồng cảm ở thơ anh bởi đọc được trong đó nỗi trăn trở, ưu tư trên con đường đi vào nội giới, để rồi thả trôi theo con gió hư tưởng. Nói theo Du Tử Lê “lặn tìm vuông đời mình”  với Trần Yên Thế cũng cùng tâm trạng đó,“Xui chi trăng rớt bên thềm/ Để đêm thức mãi với vườn nhà xưa” (Ngẫu hứng từ Để…).
Cuộc hành trình của nhà thơ trong cái tôi đơn độc như “Về nhà xưa nhớ Mẹ”, còn đó hình bóng “Mẹ nằm đón gió bên hiên/ Võng nghiêng túi cạn mấy tiền xu rơi”… Với bất cứ dòng thơ nào viết về mẹ đều mang nhịp đập của trái tim, nhưng với Trần Yên Thế đã gợi lên những cảm xúc hết sức tuyệt vời. Có thể tìm thấy trong thơ anh, những ngôn ngữ biểu cảm rất gần gũi với cuộc sống chân chất đời thường, dễ tạo được sự đồng cảm cho những tâm hồn luôn rộng mở với tha nhân.
Trần Yên Thế từ phong cách sống nhẹ nhàng, trầm tĩnh. Tôi thường thấy với những con người như thế bao giờ cũng ôm giữ cho mình nỗi niềm khắc khoải, trong cái tôi cô đơn. Cũng có thể thấy được ở một góc ký ức mà anh bộc bạch “Áo trắng người qua xa ngày hò hẹn/ Tiếng hát đồng dao mà nghe nghèn nghẹn/ Em mang đi mùa chín hương đồng” (Lời thơ viết hai màu mực)…
Khép lại 90 trang thơ trong “Gió còn thổi bên hiên”, tôi không coi đây là tập thơ đầu tay của Trần Yên Thế, bởi trước đây khá xa anh từng có nhiều thơ trên các Tuyển tập văn học, tuyển thơ, tạp chí trong nước. Và với cách cảm thụ chủ quan của mình, thơ anh nhẹ nhàng mà ẩn dụ, hoài niệm mà mênh mang…
Phan Chính
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXXThời của thánh thần 4

Thời của thánh thần 4 Chương 22 Người trở về Cơn mưa rả rích khiến đêm thật dài. Nghe rất rõ cành cây khô bên đầu trái nhà rơi xuống m...