Thứ Hai, 23 tháng 9, 2024

Nắng quái

Nắng quái

Bà Mười ngồi thừ người trên ghế dài sofa, nhìn ra phía trước hàng hiên, vạt nắng chiều nóng bức xuyên qua cổng rào, gay gắt, khó chịu. Nhà bà hướng mặt trời chiều nên phải chịu vậy. Hồi mua căn nhà này hai ông bà đã cãi nhau một trận ra trò, cuối cùng bà phải thua cái lý lẻ thực tế của ông “Bà đủ tiền mua căn nhà như ý không. Nhờ có cái nắng rọi thẳng vô nhà mới tới lượt bà mua đó.” Bây giờ thì bà đã thương lắm cái nắng chiều oi bức này rồi. Giữa Sài Gòn người đông đất chật, để có được một căn nhà đó là chuyện mà nhiều người mơ ước.
Tới giờ đi đón cháu, bà dắt chiếc xe đạp điện ra cổng, không quên đem theo áo mưa, trời bắt đầu chuyển mùa, mưa đầu mùa dễ bệnh, đứa cháu gái nhỏ mới học lớp ba, cứ hay đau nên phải chăm kỷ. Bà giành với ông phần đón cháu, bà nhớ cháu. Trước khi khóa cổng bà không quên vói vào trong dặn dò:
- Ông Mười ơi! Tui đi đón cháu đây.
Buông tờ báo đọc dỡ, ông Mười nói vọng ra
- Tui nghe rồi.
Bóng lưng bà vừa khuất, ông đã lật đật với công việc lau nhà. Ông quét từng ngóc ngách cho sạch, sau đó pha nước lau nhà, bật quạt, rồi lau thật kỷ từng viên gạch. Một lát sáp nhỏ về, nhà cửa phải sạch sẽ, thơm tho mới được - Ông nhủ thầm trong bụng như thế! Bà đón cháu còn cà kê chán mới về, ông dư thời gian để làm.
Căn nhà hồi mới mua một tầng cũ kỹ đã được ông lên tấm nữa, sửa sang làm mới nên nhìn sáng ra. Ông lau từ nhà dưới lên nhà trên muốn gãy cả lưng, công việc này ông giành làm, vì hai đứa con gái sao làm nỗi, bà lại càng không thể làm, còn thằng rể đã một ngày mệt mỏi với công việc, thôi thì ông làm cho xong.
Trời tối sầm chuyển mưa, gió cuốn từng cơn, Sài Gòn thường có những trận mưa rào bất chợt, ông buông cây lau nhà chạy lên sân thượng, gom hết quần áo vào trong, nhìn ra còn hai cái mẹt đậu đen bà phơi, ông trút nó làm một không kịp coi lại cho kỷ. Ông chép miệng “Đàng nào chả vô nồi, lỡ rồi.” Mưa bắt đầu rớt hạt, mưa cho đất trời dịu bớt nóng. Ông kéo cửa giếng trời cẩn thận, xong tiếp tục lau cho xong tầng trệt.
Bên ngoài vẫn mưa như trút, cả tháng nay oi bức nên khi mưa được là như trút nước, ông lo lắng, không biết bà có đem theo áo mưa hay không? Gia đình ông vào Sài Gòn tính ra cũng gần hai chục năm, cảm giác như mới hôm qua, con gái lớn có gia đình, mua được nhà riêng, hiện đang cho thuê, con út ra trường đi làm rồi, vậy mà ông bà cứ đùm túm như sợ lạc mất con, ở chung trong một nhà ông mới yên tâm được. Ông chà cho chúng từng đôi dép, chăn màn ngày nào cũng đem ra phơi cho thơm mùi nắng, rồi giũ sạch, gấp cẩn thận đặt cuối giường. Ông nhớ cái nắng miền Trung, ông thương làn da đen sạm vất vả với cuộc sống của người dân chân chất trên vùng đất ấy, đó là quê nhà. Bây giờ ông đã thích nghi với thành phố, vậy mà bao thói quen ngày cơ cực như ăn vào máu, không thể bỏ được. Đang suy tư thì bà về tới. Ông lật đật chạy ra ẵm cháu vào trong, sờ hai bàn chân con bé lạnh ngắt, quay lại bà ông lên tiếng:
- Bà rửa chân đi, nhà tui mới lau đó. Nhanh làm vệ sinh cho cháu để cảm lạnh thì khổ.
- Tui biết rồi.
Bà nhón chân đi né chỗ ông vừa lau mà tức anh ách. Cái bệnh sạch sẽ không ai chịu được, ngày nào cũng lau từ trên xuống dưới rồi rên đau lưng, rồi chê bà bày bừa. Hồi xưa ông đâu có cái tánh khó khăn vậy đâu, bây giờ nói được ba câu là kình nhau rồi. Bà cảm giác trong đầu ông chỉ có con cháu, bà làm gì cũng không vừa mắt, nghĩ tức thiệt chớ, mấy chục năm không chê, giờ chê trước, chê sau. Đưa tay bật công tắc điện bếp, bà chợt hỡi ôi!
- Ông Mười! Sao ông cho tiêu với đậu đen vào chung, làm sao đây!
Bà hét lên, khiến ông giật cả mình, chợt nhớ ra hai cái mẹt màu đen ông dồn làm một lúc trời mưa. “Thôi chết rồi, làm sao đây! Kiểu này bà hành tội ông phải mấy ngày”
- Ông không thấy tôi phơi riêng hai thứ à. Mắt ông để đâu vậy.
- Trời mưa, chạy không kịp, nên tôi nhầm. Bà để đó tôi nhặt ra cho.
- Nhà ít việc quá nên ông còn bày việc để làm sao?
- Đậu đen tôi tính rang để nấu nước uống, ông làm sao được thì làm.
Giận lên bà nói hùng hổ vậy thôi, qua một đêm ngủ là hết. Nhìn bà ngồi nhặt từng hạt tiêu với cặp mắt kiếng trễ xuống, chốc lát lại vỗ vỗ vào lưng, ông thấy mình thật có lỗi. Ngày còn ở quê, ông đi làm, đồng lương cũng không đủ cho cả nhà, lại còn tham gia chuyện làng chuyện xã, nên không có mấy thời gian phụ việc nhà. Bà với cái tiệm may nhỏ, kèm bán tạp hóa, nửa đêm còn làm kem, yaourt chưa được nghỉ ngơi. Một trận đau liệt giường tưởng không qua khỏi, căn bệnh đau lưng của bà cũng từ đó. Phải bớt việc, cuộc sống gia đình khó khăn hơn, đành phải bỏ quê lên Sài Gòn.
Thời gian đầu thật sự khó khăn, nhờ cái tánh cần cù, chịu thương chịu khó, và may mắn. Cuộc sống ngày một dễ thở, còn dành dụm được tiền mua nhà và nuôi con ăn học. Nghĩ lại, phải cảm ơn thành phố người đông này thật nhiều, coi vậy mà dễ sống. Chỉ cần chịu làm, biết tiết kiệm là có dư.
Đến bên cạnh bà ông xuống giọng:
- Bà đưa đây tui nhặt cho
- Thôi, không mượn, làm một hồi đau lưng, rồi rên rỉ thêm bực mình.
- Để tui làm cho, bà nói lạ à, đau thì phải rên nó mới bớt chớ.
Vừa nói ông vừa giằng lấy cái mẹt trên tay bà. Cái mẹt bung vành đổ tung tóe xuống sàn nhà, tiêu với đậu đen lẫn lộn trên nền gạch men màu sậm, uổng phí công bà ngồi nhặt cả buổi.
-Ôi! Cái mẹt của tui.
Cái mẹt ông đem từ quê vô đã bung vành, sứt chỉ mấy lần ông nẹp lại. Đã có lần ông giận dữ khi bà và con muốn bỏ. Ông thương cái mẹt như thương hình ảnh mẹ khi chiều xuống, trên khoảng sân rộng, rộn ràng với đàn gia súc, gia cầm về chuồng, nắng xuống chân ngày dát mỏng cánh ve, những cánh diều của trẻ con trong xóm no gió vút cao trên bầu trời bình yên. Mẹ đứng trước sân, gần chái bếp, sàng sảy gạo nếp còn lẫn một ít thóc trấu sót lại, để sáng mai cả nhà có một nồi xôi thơm lừng mùi nếp mới dẻo ngọt, no bụng trước khi anh em ông đi học, cha mẹ ra đồng... Vợ con ông không hiểu được… Ông cầm lấy cái mẹt, không nói thêm câu nào lầm lũi bỏ lên sân thượng. Bà lầu bầu trong miệng như sợ ông nghe thấy: “Hư rồi thì bỏ đi, có sống đời với nó được đâu.”
Bà thở khì ngao ngán, vội lấy chổi quét gọn mớ đậu cho vào cái rổ nhựa để qua một bên. Nhìn vẻ mặt như mất của, xót xa từ ông, cơn giận trong bà biến mất. Đúng là cái số khổ, thời kỳ đói cơm thiếu áo qua rồi, ông vẫn cái nết cũ. Bà sắm cho mấy bộ đồ mới để đi ra với người ta, ông cứ treo miết trong tủ để dành đám tiệc, đi đâu cũng mặc bộ đồ cũ rồi khoác cái áo đại cán bên ngoài là xong. Ăn uống có miếng gì ngon cũng để dành cho con cho cháu, thức ăn còn lại qua hôm sau ông chế thành món thập cẩm là xong bữa.Con cái cứ nhắc chừng bà “mẹ chăm cho ba mập lên xíu”.
Dọn dẹp đâu đó, bà đem rổ đậu ra nhặt tiếp, thở dài mệt mỏi với suy nghĩ “không biết chừng nào mới xong”.
Trời đã vào khuya, không khí thật nhẹ, ông đứng thẳng lưng vươn vai về phía trước, xa xa thành phố thật đẹp với những ánh đèn, ông thấy biết ơn cuộc sống hiện tại, biết ơn một Sài Gòn yêu thương đã cưu mang gia đình ông. Cái mẹt đã được ông nẹp lại chắc chắn. Tắt điện sân thượng, ông xuống nhà. Nhìn thấy bà đang ngủ gật trên sofa, trước mặt rổ đậu dang dở. Ông nhẹ nhàng lấy chiếc áo đại cán đắp ngang cho bà. Bưng hai cái rổ ngồi nhặt tẩn mẩn. “Sắp hết rồi, rán chút nữa” ông nhủ thầm.
Bà lên mạng tìm xem có thứ gì cho ông uống để mập lên không? Bạn bè mách nước, bà mua sâm, mua sữa về ông quát lên:
- Tôi khỏe, có bệnh đau gì mà bà làm thấy ớn, xài tiền hoang phí.
- Ông coi lại ông đi, người như bộ xương biết đi, đợi lúc bệnh nằm xuống khổ vợ con chứ ai vào đây.
- Tôi không mượn, bà mua thì bà uống đi.
Bà đứng tròn mắt, há miệng, con giận bốc lên tới đầu, bà hét lên:
- Ông vừa phải thôi! Chuyện gì cũng theo ý ông mới chịu. Tui trồng hoa trên sân thượng, ông kêu bỏ hết để ông trồng rau trái. Tui nấu cho ông tô hủ tíu, nói ông ăn cho nóng, ông lại đi ngâm cho nguội, ông còn dặn con có chuyến du lịch rẻ đừng nói tui biết, sợ tui đi tốn tiền. Ông chỉ muốn tui ở nhà chăm lo gia đình, tui chăm hết đời rồi ông còn chưa vừa ý. Bà vừa nói vừa thút thít tủi thân.
- Bà coi tui có nói oan bà không? Từ ngày có cái điện thoại thông minh, bà nấu canh còn để khét, tối ngày facebook, chụp hình ảo.
Ông chợt nín bặt, cảm giác mình đã chạm tới giới hạn khi nghe bà buồn hiu nói:
- Ông thấy tui tệ vậy thì trả tui về cho Cha- Má tui đi.
Nói xong bà xách gói đồ mới mua đi thẳng lên lầu, để lại ông giữa âm vang không đẹp dội lại từ bốn bức tường phòng khách ngập tràn nắng quái.
Ông vỗ vào cái miệng nói hớ, nghĩ thầm “Tuổi này còn đòi trả về cho Cha- Má” ông bà ngoại đã xấp xỉ chín mươi rồi. Từ ngày về với ông dù cực khổ bao nhiêu chưa bao giờ bà than thở, hay muốn rời đi. Ông đã làm cho bà giận lắm, biết làm sao đây! Nghĩ lại, từ ngày lấy ông, bà chẳng màng đến bản thân, chỉ biết lo cho chồng con, gia đình nhà chồng lễ nghĩa, giỗ chạp, vì ông là con trai trưởng. Chẳng trâm cài lược giắt, cũng không quần là áo lượt, không có thời gian để soi gương nói gì tới chụp hình. Được mấy tấm hình cưới cũ kỹ bà coi như báu vật. Con gái mua cho cái điện thoại thông minh, bà chơi facebook kết nối bạn bè, thỉnh thoảng ngồi nhìn những tấm hình ảo cười tủm tỉm, chẳng qua cũng chỉ là vui thôi. Ông cảm thấy mình thật khắt khe, có lỗi. Bà đã phải hy sinh, chịu thiệt nhiều. Tuổi này rồi, ông nên tìm cơ hội cùng bà đi du lịch đó đây mới phải.
Ông thấy bà quần quật tối ngày vừa thương vừa bực mình. Bây giờ có tuổi rồi làm gì cứ theo ý riêng, ông nói không nghe. Hết con rồi cháu, buổi sáng lo cơm cho gái lớn mang theo ra tiệm, rồi cơm treo sẵn trên xe cho gái nhỏ đi làm, đứa cháu lại khó ăn, nay món này mai món khác, thỉnh thoảng lại nấu cho thằng rề vài món cho đỡ nhớ nhà, ông thấy chóng cả mặt. Tối bà đã chuẩn bị, sáng dậy làm cơm sớm cho cả nhà, để còn đi thể dục với nhóm dưỡng sinh khu phố. Ông và con vô bếp không vừa ý bà, thế là bà ôm hết, đúng là số khổ.
Bà nằm quay mặt vô tường lặng yên. Buổi cơm chiều trước mặt con cháu bà làm như không có chuyện gì xảy ra. Thật ra trong lòng bà rất buồn. Người ta nói, già rồi đổi tính là như thế này sao? Hồi trẻ tâm đầu ý hợp, bây giờ già rồi trật nhịp, sai ý làm sao đây. Ông bà không buông được con cháu nên cực thân…Thật ra không phải vậy! Bà không thấy vất vả chút nào, bà cảm thấy con hy sinh tự do của mình, cho ông bà cơ hội sống trong bầu không khí ấm áp yêu thương của một gia đình. Con chỉ cần một nút nhấn là đóng tiền điện, nước được rồi, đâu cần bà phải chạy ra cửa hàng Viettel để đóng hàng tháng. Thực phẩm chỉ cần lên mạng người ta ship đến tận nhà, thuê giúp việc theo giờ là xong. Ông bà cực với con cháu, hay các con đang quan tâm ông bà từng ngày đây!?
Ông ngồi xuống cạnh giường, vỗ nhẹ vào vai bà, ông biết bà chưa ngủ.
- Bà ngủ chưa? Tôi nói với bà vài câu - Tôi đã sai rồi, tôi nói mà không nghĩ đến cảm nhận của bà, bà tha lỗi cho tôi nhé! Bà đừng giận nữa có hại cho sức khỏe, để tôi xoa lưng cho bà nhé!
Nắng chiều cứ thế mà đổ hết cái nóng vào phòng khách nhà ông. Thế nhưng con bảo đổi nhà, ông lại lưu luyến không muốn rời ngôi nhà che mưa, che nắng, cho con ông từng ngày lớn lên, trưởng thành. Bao vất vả đã qua, ông bà bây giờ đã già, cũng lắm tật, nhiều điều không vừa ý nhau, thời gian đã khắc cốt ghi tâm, như vết nứt sần sùi trên tảng đá đi qua nắng mưa tạo hình, không thể xóa trong một thực thể tồn tại. Ngôi nhà của ông cũng có những nơi sứt mẻ, cũ xì, mòn đi, nhưng nó có linh hồn, mỗi thời khắc đi qua là một ký ức đẹp, ấm áp của gia đình bên trong nó. Dẫu nắng quái có gay gắt vẫn đầy yêu thương như nắng mai trong suốt, ngọt lành.
Sài Gòn, 2/7/2024
Lê Yên
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thời gian

Thời gian...! Có ai níu được thời gian! Níu lại những khoảnh khắc ấm áp, hạnh phúc, hay níu lấy thời gian mang lại cho ta sự vinh quang tr...