Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2024

Ở bên kia bầu trời

Ở bên kia bầu trời…

Dường như lúc nào ông cũng viết. Toàn viết cái lớn, cái dài rộng. Không viết thì đọc. Đọc toàn cái cổ sử, xa xưa, như để ôn cố tri tân. Nhiều dịp đi cùng ông, ngồi với ông, cứ những vấn đề gì còn tranh cãi, còn chưa đồng thuận, cả xưa và nay, chúng tôi đều “thế thì hỏi anh Văn Lê”. Và khi Văn Lê cất lời giảng giải hay góp chuyện, chúng tôi đều thấy ông chí lý. Tuy thế ông không ham nói, cũng như mọi thứ ở đời, ông không ham hố, ngược lại còn luôn khiêm nhường. Người lớn tuổi đi với ông cảm thấy vui vẻ. Người cùng lứa đi với ông cảm thấy tin cậy. Còn lớp trẻ đi với ông cảm thấy yên tâm, vì như có một “ông Bụt” đi sau tỏa bóng, che chắn, bảo vệ mình…
Tôi gặp Văn Lê lần đầu tiên vào năm 2007. Khi đó tôi vừa nhận quyết định làm Trưởng ban Văn xuôi Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Các chú các anh ở tạp chí nói với tôi rằng, 33 tuổi đã là trưởng ban xương sống của tạp chí, tôi là trưởng ban văn xuôi trẻ nhất trong lịch sử Văn Nghệ Quân Đội. Tất nhiên là tôi cảm thấy rất oách. Và vị khách đầu tiên đến phòng của tân trưởng ban để thăm tôi là một người lạ “từ miền Nam ra”. Anh Ngô Vĩnh Bình (khi đó là Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội) dẫn người khách lạ đó sang phòng tôi. Nghe anh Bình giới thiệu, tôi biết đó là nhà thơ Văn Lê, chứ thực tình trước đó tôi chưa biết ông, chỉ nghe tên ông và biết ông từng là người của Văn Nghệ Quân Giải Phóng (tức một nhánh của Văn Nghệ Quân Đội thời chống Mỹ) mà thôi. Ông có nước da ngăm đen, nụ cười mỉm hiền lành, giọng nói nhỏ nhẹ, thái độ có chút gì đó ân cần, ưu ái lớp trẻ. Khi tôi pha nước, ông nhìn quanh phòng và bảo, oách nhỉ, phòng này của toàn các đại ca tên tuổi như Hoàng Việt, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu… từng làm việc đấy. Rồi ông bỗng nhìn thẳng vào tôi và nói: “Nhưng cần phải có những người trẻ như chú, cho văn chương nó có cái sinh khí mới, đám già như bọn mình muốn viết thì tìm chỗ mà viết, mà nói thế thôi cũng cũ lắm rồi, nhiều khi chỉ vướng chỗ người khác”.
Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy một nhà văn tiền bối lại có cách nói chuyện rất “giải công thần” như thế. Rồi ông móc trong chiếc túi dù vẫn khoác trên vai ra một cuốn sách ký tặng tôi. Đó là cuốn trường ca Câu chuyện của người lính binh nhì vừa được in bên Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Ông bảo, này, chú đọc xem cái thằng lính binh nhì bọn mình ngày xưa khác thằng lính binh nhì bây giờ thế nào nhé!
Cuốn trường ca mỏng mảnh, ngay sau khi ông rời khỏi phòng, tôi cầm lên và đọc luôn một mạch. Tập thơ là câu chuyện về một người lính như bao người lính khác, rời làng quê vào chiến trường, và hy sinh, nhưng vẫn luôn đau đáu nghĩ về mẹ. Tôi đọc đi đọc lại mấy vần lục bát rất giản dị mà thấm đẫm cảm xúc:
Mấy năm bom đạn tả tơi
Ngọn núi cũng lở ngọn đồi cũng bay
Chùa chiền thành khói thành mây
Mạng người như cỏ như cây trên đồng!
Tấn công rồi tổng tấn công
Con đi biền biệt mấy năm không về
Cây na, cây bưởi sau hè
Vắng con trái cứ ít đi lạ thường
Vắng con nhà bỗng lạnh hơn
Miếng trầu bỗng nhạt, miếng cơm bỗng rời
Xa con mẹ nẫu cả người
Nỗi lo nặng gánh, nỗi vui nặng lòng!
Mẹ cắn cỏ, mẹ cầu mong
Cho con bớt phận long đong cơ hàn
Cầu cho đất nước bình an
Để con về với xóm làng, mẹ cha!
Anh ngồi nghe mẹ ru ca
Nỗi lòng như hạt mưa sa trên đồi
Ở phía bên kia bầu trời
Mẹ anh héo cả cuộc đời ngóng anh
Mai này hết nạn đao binh
Liệu anh thưa với mẹ mình ra sao?
Cặp lục bát cuối của đoạn thơ trên như một lời hối lỗi, vì người lính không thể trở về, không thể làm tròn chữ hiếu, cho nên mới có câu hỏi tu từ xé lòng: Mai này hết nạn đao binh/ Liệu anh thưa với mẹ mình ra sao?
Nỗi ám ảnh về mẹ, về cái sự chết mà không về được với mẹ đeo bám suốt cả trường cả. Ngay cả đoạn viết về cái chết của người lính cũng là cái chết tự hờn trách mình đã không kịp chào mẹ:
Anh ngã xuống giữa tầng tầng đạn bắn
Có cái gì rát bỏng trúng người anh
Trong phút chốc anh thấy mình lạnh toát
Giữa cỏ cây đang cháy ở quanh mình
Cuộc chiến với anh thế là chấm dứt
Anh ngẩn ngơ trước bùn đất đồng sâu
Anh buồn bã ứa hai hàng nước mắt
Xung quanh anh, tất cả đã phai màu
Trong giây phút chia lìa trần thế
Hình như anh không kịp nói câu gì
Anh ân hận vì đã không gọi mẹ
Không giã từ đồng đội lúc ra đi…
Ấn tượng đầu tiên của tôi về văn chương của Văn Lê là những câu thơ đậm mùi chinh chiến và có phần đau thương như thế. Sau này tôi mới đọc của ông nhiều hơn và thầm yêu mến văn tài ông.
Đảm nhiệm chức trưởng ban văn xuôi một thời gian, sang năm 2008 tôi đề xuất với ban lãnh đạo tạp chí cần “Nam tiến” vì các hoạt động của tạp chí ở phía Nam thưa thớt quá, ít có cơ hội gặp gỡ bạn văn, bạn đọc, phạm vi quảng bá tờ tạp chí cũng vì thế mà co hẹp lại. Lãnh đạo đồng ý và giao cho tôi lên kế hoạch tổ chức các hoạt động ở phía Nam để tăng cường “ảnh hưởng” của Văn Nghệ Quân Đội ở “thị trường” phía Nam rộng lớn này. Đầu tiên tôi lập kế hoạch mở các cuộc đối thoại với lãnh đạo các quân khu quân đoàn ở phía Nam như Quân khu 7, Quân khu 9, Quân đoàn 4… để có loạt bài cho chuyên mục “12 cuộc đối thoại” trong năm của Văn Nghệ Quân Đội. Sau đó tôi liên hệ với Quân chủng Hải quân xin mở trại viết tại cơ quan phía Nam của Quân chủng tại số 1 Tôn Đức Thắng, ngay trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Trại viết mời được 35 cộng tác viên là các nhà văn nhà thơ ở các tỉnh phía Nam, lại được bên Hải quân lo cho ăn, nghỉ. Tuy nhiên vẫn cần thêm một ít tiền để hỗ trợ tàu xe cho trại viên, hơn nữa trong các buổi khai mạc, bế mạc cũng cần có bữa tiệc hoành tráng một chút gọi là liên hoan cho nó xôm tụ. Tạp chí không có tiền. Bữa vào tiền trạm để làm công tác tổ chức trại, tôi và nhà văn Nguyễn Bảo (Tổng biên tập tạp chí), nhà văn Ngô Vĩnh Bình (Phó Tổng biên tập) đang loay hoay chưa biết kiếm đâu ra tiền thì nhà văn Văn Lê đến chơi. Thấy mấy ông nhà văn quân đội lơ ngơ giữa đất Sài Gòn mà không có chỗ nào để xin tài trợ (ngày ấy hai từ “tài trợ” đối với các nhà văn ở Văn Nghệ Quân Đội còn lạ lẫm lắm), Văn Lê liền bảo, để tôi hỏi chỗ này cho, ít nhiều cũng sẽ được. Chúng tôi chưa kịp mừng thì nhà văn Nguyễn Bảo đã lại nói: “Nhưng đến gặp mấy ông giám đốc thì ngại lắm, họ là bên làm ăn kinh tế, bên mình là cơ quan quân đội, có vấn đề gì mang tiếng nhà văn đi xin tiền, ảnh hưởng đến cả Tổng cục Chính trị”.
Nhưng Văn Lê nói ngay, chỗ này cũng là lính như anh em mình thôi, lại cũng máu mê văn chương văn nghệ nữa, mà tôi còn khái tính hơn mấy ông, nếu ngại thì tôi đã chả bảo giờ nhắc đến, cứ để tôi ngỏ ý xem thế nào.
Hôm sau Văn Lê gọi đến, nhắn là cử anh Thái Nam Anh, đại diện phía Nam của Văn Nghệ Quân Đội, mang giấy giới thiệu đến gặp anh Lê Quốc Phong, Giám đốc Công ty Phân bón Bình Điền nhận tiền. Lần đó anh Thái Nam Anh mang về 40 triệu đồng, đủ để Ban tổ chức trại chi tiêu cho những hoạt động của mình. Sau này tôi mới biết anh Phong vốn là một người lính, từng có những năm tháng chiến đấu máu lửa ở chiến trường K cùng với Văn Lê. Cũng từ đó, anh Lê Quốc Phong trở thành người bạn của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Hễ có hoạt động gì triển khai ở phía Nam là anh Thái Nam Anh lại “xách xe” chạy tới gặp anh Phong “xin tài trợ”. Hơn chục năm qua, hàng chục trại viết của Văn Nghệ Quân Đội tổ chức ở phía Nam hầu như đều nhận được sự giúp đỡ từ anh Lê Quốc Phong. Có lần anh Thái Nam Anh gọi cho anh Phong thì anh đang ăn trưa ở đâu đó và chuẩn bị ra sân bay đi công tác nước ngoài. Anh vẫn bảo mang tờ giấy giới thiệu đến, anh ghi mấy chữ và ký vào bên góc tờ giấy, hôm sau anh Nam Anh chỉ việc mang chữ ký đó đến công ty gặp tài vụ nhận tiền.
Cũng nhờ những hoạt động này mà tôi gặp Văn Lê nhiều hơn. Lúc đầu tôi gọi ông là “chú”, nhưng ông không đồng ý, nhất định bắt tôi gọi là “anh”. Khi kịch bản Long thành cầm giả ca của ông được giải nhất cuộc thi kịch bản nhân Đại lễ Ngàn năm Thăng Long – Hà Nội rồi được dựng thành phim, tôi đã háo hức xem đến ba lần. Lần nào cũng thấy cái tài hoa của ông qua việc kể về một góc rất riêng trong cuộc đời của nhà thơ lớn Nguyễn Du. Hẳn phải có sự đồng điệu của những hồn thơ mỏng manh cùng cái chiêm nghiệm đớn đau của cuộc đời lên thác xuống ghềnh mới chọn và nhìn ra được cái góc rất đời, rất nhân bản ấy trong mỗi con người nghệ sĩ dù có ở thời đại nào. Một lần gặp Văn Lê, tôi hỏi, cái chi tiết cuối phim, khi cô ca nương chọn chiếc giếng để tự tử, họ làm đường đi vào cái giếng giống như chiếc dây thòng lọng, hình ảnh đó đắt giá quá, đó là chủ ý của ông khi viết kịch bản à? Văn Lê bảo, khi viết kịch bản ông để cô ca nương chọn một bờ sông để tự tử, khi quay toàn cảnh, con sông đó sẽ có hình chiếc dây thòng lọng, hình ảnh đó như một ẩn dụ về sự bế tắc của người nghệ nhân thủa xưa. Nhưng khi làm phim thì đạo diễn không tìm đâu ra con sông có hình ảnh giống như thế, họ đành phải thay bằng chiếc giếng. Tôi hỏi ông, thay bằng giếng như thế ông có hài lòng không? Văn Lê bảo, thường thì người dân hay ra sông tự tử chứ ít khi tự tử ở giếng, về tâm lý, người ta không thích trẫm mình xuống chỗ chật hẹp, nhưng trong bối cảnh nghệ thuật của phim đó thì thay bằng hình tượng chiếc giếng cũng chấp nhận được.
Khi tôi tham gia Ban quản lý Dự án văn học sử thi của Bộ Quốc phòng, biết Văn Lê từng có thời gian tham gia chiến đấu ở chiến trường K, tôi gọi cho ông, muốn mời ông viết một cuốn tiểu thuyết về những năm tháng ở Campuchia. Ông bảo, mình đang viết, nhưng không phải viết về chiến trường K mà viết về thời chống Mỹ, với mình, thời đánh Mỹ còn nhiều chuyện để viết lắm. Một thời gian sau ông gửi cho tôi bản thảo tiểu thuyết Phượng Hoàng. Cả Hội đồng thẩm định chúng tôi ngày ấy đọc xong Phượng Hoàng đều cảm thấy vui mừng vì đã có tác phẩm xứng đáng để đầu tư, và sau này đó sẽ là tác phẩm xứng đáng để trao Giải thưởng Văn học 5 năm Bộ Quốc phòng (2009-2014).
Tôi còn biết thêm một điều nữa ở Văn Lê, đó là ông là một “người viết” đích thực. Dường như lúc nào ông cũng viết. Toàn viết cái lớn, cái dài rộng. Không viết thì đọc. Đọc toàn cái cổ sử, xa xưa, như để ôn cố tri tân. Nhiều dịp đi cùng ông, ngồi với ông, cứ những vấn đề gì còn tranh cãi, còn chưa đồng thuận, cả xưa và nay, chúng tôi đều “thế thì hỏi anh Văn Lê”. Và khi Văn Lê cất lời giảng giải hay góp chuyện, chúng tôi đều thấy ông chí lý. Tuy thế ông không ham nói, cũng như mọi thứ ở đời, ông không ham hố, ngược lại còn luôn khiêm nhường. Người lớn tuổi đi với ông cảm thấy vui vẻ. Người cùng lứa đi với ông cảm thấy tin cậy. Còn lớp trẻ đi với ông cảm thấy yên tâm, vì như có một “ông Bụt” đi sau tỏa bóng, che chắn, bảo vệ mình.
Giờ thì ông đã đi xa. Những chuyến vô Nam của tôi sẽ không còn gặp ông nữa. Ông đã may mắn hơn người lính binh nhì trong trường ca Câu chuyện của người lính binh nhì mà ông từng tặng tôi, không đến mức phải Trong giây phút chia lìa trần thế/ Hình như anh không kịp nói câu gì/ Anh ân hận vì đã không gọi mẹ/ Không giã từ đồng đội lúc ra đi… Bây giờ “ở phía bên kia bầu trời” hẳn ông đã có thể mỉm cười với những gì mà ông đã làm được cho cuộc đời này!.
21/9/2020
Nguyễn Đình Tú
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà văn Văn Lê: Huyền thoại luôn bắt đầu từ sự thật

Nhà văn Văn Lê: Huyền thoại luôn bắt đầu từ sự thật Nhà văn Văn Lê vừa vĩnh biệt chúng ta. Ông là cây bút chuyên nghiệp và bền bỉ, cuối đờ...