Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2024

Anh Tâm - Huỳnh Phan Anh

Anh Tâm - Huỳnh Phan Anh

Anh Tâm. Tôi thường gọi thân mật theo tên thật Huỳnh Thành Tâm. Anh giải thích về bút danh Huỳnh Phan Anh của anh, Huỳnh tức họ Huỳnh trong khai sinh, Phan là họ của mẹ, Anh là từ tên Ánh của người chị bỏ dấu sắc, một bút danh như gom cả gia đình.
Đa phần đều biết nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu phê bình Huỳnh Phan Anh qua các tác phẩm đáng chú ý như: Văn chương và kinh nghiệm hư vô (NXB Hoàng Đông Phương, 1968); Đi tìm tác phẩm văn chương (NXB Đồng Tháp, 1972), tập truyện Người đồng hành (NXB Đêm Trắng, 1969), truyện vừa Những ngày mưa (NXB Đêm Trắng), Chuông gọi hồn ai (tiểu thuyết, Ernest Hemingway, NXB Văn học), Tình yêu bên vực thẳm (tiểu thuyết, Erich Maria Remarque, NXB Trẻ), Sa mạc (tiểu thuyết, J.M.G Le Clézio, NXB Hội Nhà văn), Một mùa địa ngục (thơ Arthur Rimbaud, NXB Văn học), Tuyển thơ tình yêu (Paul Eluard, NXB Hội Nhà văn), Thơ Yves Bonnefoy (NXB Hội Nhà văn), Thế giới của Sophie (NXB Thế Giới)…
Nhưng rất ít người biết anh là nhà thơ, đây, xem anh có lời mở trong tập Thơ Tự Do(*): “Dường như thơ tự do đã có từ lâu mà không được gọi tên, ngày nay nó đã trở thành tiếng thơ toàn cầu và không ai buồn gọi tên nó nữa, đơn giản thơ tự do là thơ. Những bài Nhã Ca trong Kinh Thánh là những bài thơ tình rất tự do, và hàng ngàn năm trước công nguyên, kinh Vệ Đà, thơ Homère nào có chịu sự chi phối bởi luật trắc, vần điệu máy móc nào nếu không nói đó là những câu thơ tự do đầu tiên…”.
Bìa cuốn “Thơ Tự Do” 10 tác giả
Xin trích một bài thơ của Huỳnh Phan Anh trong Thơ Tự Do 10 tác giả:
ÁNH SÁNG CONG
Ngày cong xuống trên lối đi
Qua đồ vật đóng băng
Lời nói như đá cuội
Rơi tỏm vào đáy sâu
Và đêm xòe ra những thung lũng vô tận
Những hình dạng quấn lấy nhau xóa nhòa
Trong hơi thở lạnh tanh
Khi thời gian sôi sục
Của đá
Và ai khóc cô đơn
Trong đông đảo hồn mình
Người ta có nhìn thấy nhau
Trong làn ánh sáng úa, cong
Hay người ta chỉ nhìn thấy
Chính con mắt của mình?
Thời gian rụng trên xác lá
Trơ lại tôi và cây
Nơi ngưỡng mùa đông
Một vòm lá khác
Theo con nước ngọc ngà của ánh bạc
Xác lá cùng cỏ khô
Ôm bước chân tôi
Và tôi ngủ
Giấc ngủ cuộn tròn ẩm ướt
Rơi vào khoảng trống
Rơi vào sự rơi rụng
Và khởi đầu, khởi đầu.
Từ yêu thơ ông viết nhiều tiểu luận về thơ:
Huỳnh Phan Anh nhận định “Hàn Mặc Tử hay là hiện hữu của thơ” đã băn khoăn với hàng loạt câu hỏi: “Trong ám ảnh của cái chết, trong thôi thúc của thời gian, trong khả hữu của hư vô toàn diện, đâu là cơ hội sau cùng của thi sĩ? Đâu là sự cứu rỗi cho phận số hữu hạn? Phải chăng đó là niềm tin ở một đấng? Phải chăng đó là phút huy hoàng mãnh liệt và đầy ắp? Phải chăng đó là sự kêu đòi hay nguyện cầu vô vọng?”
Tranh vẽ Huỳnh Phan Anh trong tập Thơ Tự Do
Anh đã dịch nhiều thơ, như tuyển thơ tình yêu của Paul Eluard, thơ Yves Bonnefoy…, và đặc biệt Rimbaud toàn tập. Cuốn sách mở đầu lời tựa tràn bờ dài gần 100 trang (Rimbau toàn tập dày gần 650 trang) như một cuốn sách trong cuốn sách, dưới mỗi bài thơ đều có chú giải/ giải mã, mới thấy nhà văn kiêm dịch giả Huỳnh Phan Anh “yêu” Rimbaud đến dường nào, nên đã dồn hết sức dồn hết tâm cho ước mơ toàn cảnh của mình, như lời bộc bạch của tác giả chuyển ngữ: “Rimbaud toàn tập là ước mơ từ lâu, dầu biết công trình không đơn giản khi mà lẽ ra nó phải là công trình tập thể, càng không đơn giản khi bịnh ập đến giữa ngổn ngang những trang bản thảo, tưởng chừng là một kết thúc sớm, không riêng gì cho số phận cuốn sách”. Và đúng như vậy, anh đã bị dột quỵ và sức khỏe yếu đi.
Thời còn ở Sài Gòn, anh sống rất khó khăn, eo hẹp tài chánh, có khi ngồi lai rai với tôi, anh mua bánh mì làm mồi. Chị Ý Nhi nhờ anh dịch những cuốn sách tiếng Pháp, chị rất quí anh và thường đưa đủ thù lao, chứ không ứng trước phần % như những ông “bầu” khác, đáp lại nồng nhiệt của chị, anh đầy trách nhiệm và giao “hàng” đúng hạn kỳ.
Tuy  khó khăn như vậy nhưng anh muốn ở lại Việt Nam, vì ngôi nhà thừa tự và còn một người em trai. Con gái anh là Huỳnh Thị Thanh Tuyền đòi bảo lãnh anh ra nước ngoài, anh dùng dằng không muốn đi, đến nỗi cháu Tuyền phải ra tối hậu thư, “nếu ba không qua với tụi con, con sẽ không lấy chồng”, cuối cùng anh lên đường, để lại ngôi nhà cho người em trai.
Ngày xưa nhóm Sáng Tạo gồm Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ, Trần Thanh Hiệp… là một tạp chí làm cuộc cách mạng văn chương lừng lẫy. Anh Huỳnh Phan Anh và Dương Văn Ba (dân biểu), gửi Thư gửi nhóm Sáng Tạo trên Tuần báo Mã Thượng Sài Gòn, lúc ấy anh mới 21 tuổi, “phản ứng” lại nhóm, xin trích đăng một đoạn:
“Nếu các anh trách nghệ thuật tiền chiến say ngủ mơ màng trước vận động diễn hành của đời sống, [như vậy là] bao gồm ý nghĩ bất lực, đớn hèn, thì ngày nay ý thức “làm mới, lay động, đốt cháy, sáng tạo sự vật” của các anh cũng đã nói lên sự thất bại trước cuộc sống. Chiến thắng trước đời sống không có nghĩa là tiêm vào ý thức nghệ thuật niềm khát vọng cải tạo cuộc đời, như những người của nghệ thuật tượng trưng đã có thời tham vọng thực hiện. Chiến thắng trước đời sống chỉ có nghĩa là chấp nhận nó, trần truồng, mới nguyên, và trọn vẹn, không cần thắc mắc, không cần tra hỏi và tách biệt hẳn những ám ảnh của những môn học sách vở đầy ngập những chủ nghĩa, lý thuyết, phán đoán, danh từ. Một nụ cười viên mãn, một nét nhăn đăm chiêu nổi loạn, hai thái độ này không cần thiết cho một thái độ trưởng thành đối diện với thực-tại-từng-phút-từng-giây.
Trước một kích thích, tôi đã biểu tỏ một phản ứng. Tôi lập lại, những ý nghĩ trên đây không ở chỗ tiếp nhận hay bác bỏ. Vì chúng chỉ nói lên một phản ứng tự phát và độc lập.”
Tuy anh phản ứng nhóm Sáng Tạo “nhẹ nhàng” vậy, nhưng khi Thanh Tâm Tuyền tái bản cuốn Bếp lửa lại nhờ anh viết lời bạt. Tài năng trân trọng tài năng.
Tôi thường trò chuyện với anh Huỳnh Phan Anh qua menssenger, nhưng gần đây do bệnh nặng nên thấy anh không còn trao đổi với tôi. Cách nay khoảng một tháng, tôi có viết bài về cuốn Bãi hoang do anh dịch của Jean-René Huguenin, con gái anh đọc được và chuyển cho anh, anh xem và nhờ con gái, con nói cho ba gửi lời cám ơn chú Quang, vì không dùng vi tính được. Không ngờ đó là những ngày gần cuối anh ra đi, sáng ngày 31.8.2020 anh mất. Dĩ nhiên sống là đi đến cõi vô cùng, nhưng tôi bàng hoàng kéo bản tin ngắn vội vàng chia buồn trên facebook không nói được hết ý.
Không còn tôi và anh ngồi tay đôi với nhau, Trống Đồng bây giờ  trống vắng người bạn thiết, một người tôi kính trọng và khâm phục. Vĩnh biệt anh, xin thắp cho anh nén nhang và cúi đầu đưa tiễn anh từ xa. Anh Tâm!. 
Chú thích:
(*) Thơ Tự Do 10 tác giả: Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Quốc Chánh, Trần Hữu Dũng, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Đạt, Vũ Trọng Quang, Nguyễn Quyến, Nguyễn Thị Minh Thái, Nguyễn Quang Thiều, Khiêm Lê Trung. (NXB Trẻ, 1998)
22/9/2020
Vũ Trọng Quang
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà văn Văn Lê: Huyền thoại luôn bắt đầu từ sự thật

Nhà văn Văn Lê: Huyền thoại luôn bắt đầu từ sự thật Nhà văn Văn Lê vừa vĩnh biệt chúng ta. Ông là cây bút chuyên nghiệp và bền bỉ, cuối đờ...