Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2024

 

Đoàn Hữu Nam - Từ công nhân làm đường đến nhà văn

Với Đoàn Hữu Nam, điều cốt lõi nhất để có tác phẩm hay là sự sáng tạo không xa rời hiện thực, bởi hiện thực luôn là cái nền, là cái bóng, cái cớ để nhà văn tung tẩy ngòi bút.

Một cơ duyên

Mỗi người đến với văn chương đều có một cơ duyên nào đó, Đoàn Hữu Nam mon men đến với văn chương từ khi anh làm công nhân mở đường. Số là, có một nhà báo đến khu vực anh làm việc tìm hiểu viết bài, buổi tối lúc ăn cơm có đọc thơ. Anh chăm chú nghe và thấy rất nể. Rồi ở một lán khác, Đoàn Hữu Nam thấy nhà báo nọ vẫn đọc bài thơ tối hôm trước, chỉ thay đổi địa danh, lòng chợt chùng xuống, thất vọng và tự nhủ “mình cũng sẽ làm thơ”.

Vậy là anh đã tập tành viết trong đêm, sau những ngày làm việc cật lực. Năm 1984, Hữu Nam cùng đồng nghiệp làm việc, mở đường con đường Nậm Mòn đi Cốc Ly (Bắc Hà – Lào Cai), và “đánh hơi” được việc Phòng văn hóa huyện Bắc Hà cần người biên tập cho Đội Thông tin lưu động, anh liền chộp lấy cơ hội này lân la gặp gỡ xin xỏ. Nam kể: “Thấy tôi chẳng có bằng cấp gì trình làng lãnh đạo phòng bảo tôi phải có cái gì đó chứng minh cho huyện biết là mình làm được nghề văn hóa. Nhận được tín hiệu lành tôi về công trường đắp chăn giả ốm viết liền mấy bài viết tuyên truyền kiểu: Hãy dựng lên bức tường sắt bảo vệ biên giới, Ngô sắn khoai sèo cũng là lương thực, Cảnh giác với bọn trộm trâu… Mấy bài viết lập tức lọt vào những con mắt xanh, song biết tôi yêu thơ, lãnh đạo ra đề phải có thơ cho chương trình tết, mà lại phải viết về Bắc Hà”.

Giữa lúc đang như gà mắc tóc thì Đoàn Hữu Nam được người đứng đầu đội xòe Tả Chải mời uống rượu. Đêm ấy, giữa làng Tày, bên bếp lửa bập bùng giữa ngôi nhà sàn truyền thống anh được uống rượu Bắc Hà, thưởng thức những điệu xòe truyền thống, và bài thơ “Đêm xòe xuân” ra đời.  Bài thơ khởi đầu nghiệp thơ đã cho Nam nhiều may mắn. Số là dịp nhà thơ Huyền Sâm ở Đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn đi cơ sở rẽ ngang vào công trường của Nam. Anh đã đọc bài thơ cho ông nghe, ông gật gù rồi cho xin được sử dụng trong chương trình Văn nghệ của Đài. Nam mừng vô cùng nhưng cũng không dám tin, mãi đến khi nhà thơ Huyền Sâm “cẩn thận” viết thư báo tin ngày và giờ bài thơ sẽ được phát, anh mới tin chuyện thơ mình được quảng bá toàn tỉnh là có thật.

Đúng ngày đó, Nam giấu anh em trong tổ trốn ra thị trấn ôm cột loa chờ nghe thơ mình rồi háo hức mang tâm trạng của người được của về lán. Rồi từ đó Nam được về công tác ở Phòng văn hóa huyện Bắc Hà, hàng ngày khiêng máy, vác loa đến các điểm làm công tác tuyên truyền… nhà văn coi đó là dấu mốc cuộc đời. “Bây giờ có ít nhiều thành đạt trong văn chương sự nghiệp nhưng mỗi lần có bài được đăng ở đâu đó kể cả nhận được lời chúc mừng trên Facebook tôi cũng vui như đứa trẻ”, Đoàn Hữu Nam chia sẻ.

Nhà văn Đoàn Hữu Nam khá nổi tiếng ở Lào Cai với gần hai chục đầu sách, gần một chục kịch bản phim ngắn tập, dài tập. Những trang văn trang thơ của anh lấm láp bụi đường, đầy trở trăn với xã hội và rất đỗi hiện thực. Ít ai biết, trước đó anh từng là một “phu đường” đúng nghĩa và từ đó nhen nhóm ước mơ văn chương. Anh nói, mình được rất nhiều khi đến với văn chương.

May mắn sống ở vùng đất màu mỡ

Có người nói người theo nghiệp văn có cái được và cái mất, tôi hỏi văn chương đã đem lại cho anh điều gì? Anh nói: “Với người khác không biết còn tôi toàn những cái được. Tôi có chín năm làm công nhân trực tiếp mở đường, tám năm trong đội thông tin lưu động huyện, cờ đèn kèn trống, vác loa đi dọc biên giới chửi nhau với bọn bành trướng bên kia biên giới. Viết văn, làm thơ, viết kịch bản phim là tôi rời công việc lao động nặng nhọc chân tay sang lao động nặng nhọc đầu óc. Cái được của tôi là sau này được tiếp xúc với nhiều bạn bè, được các mối quan hệ. Tôi được làm ở một lĩnh vực mà tôi thấy có thế mạnh, rồi lại được bù đắp cả kinh tế nữa”.

Nói thì vậy, nhưng anh đến với công việc mới cũng đầy vất vả, bởi nó khá lạ lẫm. Vất vả vì anh không được trải qua trường lớp, không có điều kiện tiếp nhận kiến thức một cách bài bản. Vất vả bởi mưu sinh ở nơi xa xôi, ít có điều kiện giao lưu, học hỏi thầy, học hỏi bạn. Vất vả bởi cuộc sống thường ngày và những mày mò trong gian truân sáng tạo. Anh bảo: “Vất vả nhưng mà vui. Hầu hết những gì tôi làm ra đều được đón nhận. Có thể trong văn chương, cá tính tôi có cái riêng. Có thể tôi có mảnh đất Lào Cai màu mỡ để khai thác. Có thể có sự thông cảm cho những thô nháp, mộc mạc của người sáng tạo chủ yếu từ bản năng. Có lẽ từ rất nhiều cái cộng lại nên tôi có một chút vốn liếng văn chương như bây giờ”.

Bạn đọc rất thích tiểu thuyết “Thổ phỉ” của Đoàn Hữu Nam. Đó là cuốn sách anh viết bằng vốn sống, bản năng, và đã phải vất vả điều chỉnh để trở nên có giá trị. Để có được “Thổ phỉ”, Nam phải đọc rất nhiều văn của các nhà văn lột tả thành công chân dung của thổ phỉ như nhà văn Phượng Vũ, nhà văn Mạc Phi, nhà văn Ma Văn Kháng… đọc để mà học, để mà tránh. Hữu Nam đã gặp những người từng làm phỉ, đánh phỉ, đã cùng với cụ Trần Hùng – một người lính đánh phỉ lừng danh của Lào Cai hoàn thành hai cuốn sách hồi ký về thời đánh Pháp tiễu phỉ, đó là cuốn “Đường về Bát Xát” và cuốn “Những ngày giông gió”. Đặc biệt anh đã được tìm hiểu sâu về phong tục tập quán, tính cách, cuộc sống, lịch sử của nhiều dân tộc, “Những cái được này ngoài viết tiểu thuyết, trường ca đã rất thuận lợi cho tôi viết các kịch bản phim truyện về đề tài miền núi và dân tộc”.

Đọc tiểu thuyết “Thổ phỉ” của anh, nhà văn Sương Nguyệt Minh nhận xét: “Cái ám ảnh, sợ hãi đầu tiên của tôi là một thế giới nhân vật lạ, có đời sống lạ, có suy nghĩ lạ và có hành động khác với những cái thông thường. Từ một sự kiện có thật: Dưới sự hà hơi tiếp sức của người Pháp, người Mỹ, bọn thổ phỉ ở Phong Thổ – Lai Châu nổi dậy đồng loạt, thành lập mặt trận tự trị, cướp, giết, hiếp dân lành, cướp chính quyền; sau đó bị trấn áp, đánh tan, bị bắt hết đến tên cuối cùng, bằng tư duy và hư cấu nghệ thuật của nhà văn, Đoàn Hữu Nam đã dựng nên một thế giới tội ác tăm tối, một thế giới nhân vật sinh động và khác biệt”.

Cuối tháng 3/2019, nhà văn Đoàn Hữu Nam tham dự trại sáng tác “Vì an ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống” tại Quảng Bình. Anh tiết lộ, đang gắng hoàn thành cuốn tiểu thuyết “Nghiệt ngã”. Tiểu thuyết viết về một trưởng bản người Hmông sau khi vô ý đánh chết người sợ bị trả thù, sợ bị tù đày đã trốn và sống chui nhủi giữa rừng sâu. Với mong ước lột tả được hoàn cảnh khi con người bị số phận dồn đẩy đến cùng đường cũng là lúc con người nghĩ đến con người nhiều nhất, nhân vật của anh ngoài việc chạy trốn, đối mặt với sinh tồn còn đối mặt với quá khứ của bản thân, của gia đình, dòng tộc, dân tộc, xã hội, những cái được, chưa được mà anh ta đã nếm trải.

Với Đoàn Hữu Nam, điều cốt lõi nhất để có tác phẩm hay là sự sáng tạo không xa rời hiện thực, bởi hiện thực luôn là cái nền, là cái bóng, cái cớ để nhà văn tung tẩy ngòi bút.

11/11/2020

Nguyễn Văn Học

Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn Xuất phát điểm từ một nhà báo cơ sở ở địa phương đã in đậm dấu ấn trong văn nghiệp của Nguyễn Khải: M...