Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2024

Nhà văn Văn Lê: Huyền thoại luôn bắt đầu từ sự thật

Nhà văn Văn Lê: Huyền thoại
luôn bắt đầu từ sự thật

Nhà văn Văn Lê vừa vĩnh biệt chúng ta. Ông là cây bút chuyên nghiệp và bền bỉ, cuối đời dù bị trọng bệnh nhưng ông vẫn cho ra đời những cuốn tiểu thuyết sử thi đầy giá trị. Tưởng nhớ nhà văn Văn Lê, VHSG xin trân trọng giới thiệu lại bài viết của Đậu Dung về ông…
Có một người ăn mày dĩ vãng, sống nay mà dạ xưa, dù cho lưu trú qua bao nhiêu vòm trời khác nhau vẫn nhung nhớ loài chim lạc khóc thương vị vua đầu tiên của nước Việt qua đời. Ông kể tôi nghe một thuở hồng hoang của dòng giống Lạc Hồng. Và ông nói với tôi rằng, không có huyền thoại nào là không được bắt đầu từ những sự thật.
Trước khi đi Nam, tôi có hỏi nhà thơ Trần Anh Thái trong đó có nhà văn nào thú vị; ông đã nói với tôi rằng nếu vào đó nhất định phải gặp Văn Lê. Thú thực, trước đó, tôi chưa biết Văn Lê là ai. Nhưng lúc vào rồi, sau khi nói chuyện với một số bạn bè văn chương Sài Gòn thì tôi mới biết rằng Văn Lê là một thương hiệu.
Ông không chỉ là nhà biên kịch của bộ phim Long thành cầm giả ca nổi tiếng mà còn là tác giả của nhiều bộ phim tài liệu và tiểu thuyết lịch sử đồ sộ, đạt nhiều giải thưởng lớn của Nhà nước. Đầu năm 2015, tiểu thuyết Phượng hoàng của nhà văn gốc Bắc này đã đạt giải A trong cuộc thi viết về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng do Bộ Quốc phòng tổ chức trong 5 năm (2009 – 2014).
Hôm tôi liên lạc để hẹn gặp ông, sau khi biết tôi là nhà báo, ông bảo rằng đến chơi thôi, chứ đừng viết gì cả. Bởi “ta chẳng có gì thú vị để viết cả”. Ông xưng “ta”, kêu tôi bằng “con” rất gần gũi. Ngày tôi tìm đến nhà ông, người bán hàng đầu phố chỉ rằng cứ đi đến hết đường, nhà nào nhiều cây cối nhất thì đó là nhà ông Văn Lê.
Văn chương của nhà văn Văn Lê phần lớn xoay quanh thân phận con người trong chiến tranh. Khi nhiều nhà văn thế hệ ông đã gác bút và các cây viết trẻ không mặn mà với đề tài người lính thì ông vẫn bám vào đó như một cứu cánh. Không phải cứu cánh vì bất lực đề tài mà là một cứu cánh nhân sinh. Một cứu cánh để ông giữ trọn đạo làm người. Bởi, đã có những lúc ông muốn ngưng cơn nghĩ ngợi, muốn thôi viết về một thời khói lửa ấy nhưng càng trống rỗng, lơ lửng. Và thế là, ông lại “hành” mình trên giấy. Ông viết như để đi qua cơn ác mộng dài. Để giải tỏa ẩn ức, bức bối của chính mình. Như một cách để lấy lại thăng bằng và đi qua cơn chới với.
Với nhà văn nhập ngũ từ năm 1966 này, chiến tranh cho đến bây giờ vẫn là một điều còn nhức nhối chưa tan. Nó vẫn còn chờn vờn ở đâu đó trong những giấc mơ đêm về sáng, những bản tin thời sự hay thước phim tài liệu mà ông vô tình xem. Nó vẫn còn loang lổ trong những di ảnh gọi nỗi đau buốt nhói quay về. Nhiều đêm ông mơ thấy máy bay chà xát ngay trên đầu và trực thăng đuổi theo nghiền nát nhiều đơn vị, nhiều trung đoàn. Ông hoảng hốt, giật mình tỉnh thức rồi cứ triền miên trong đêm.
Cuốn tiểu thuyết Mùa hè giá buốt được ông viết trong vòng 6 tháng, đạt giải B (không có giải A) về Văn học chiến tranh do Bộ Quốc phòng tổ chức 5 năm (2004 – 2009), giải Nhất Giải thưởng Văn học TP HCM 5 năm (2006 – 2011). Nhà phê bình văn học Ngô Thảo đánh giá rằng: “Nếu viết về sự sòng phẳng trong chiến tranh thì chưa cuốn nào vượt qua Mùa hè giá buốt cả”. Nhà phê bình văn học Lê Thành Nghị cũng từng đánh giá rằng Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Đất trắng (Nguyễn Trọng Oánh) và Mùa hè giá buốt của Văn Lê là 3 cuốn tiểu thuyết viết hay nhất về chiến tranh.
564 trang văn Mùa hè giá buốt được viết ra từ chính ký ức của ông. Ở đó, có những mảnh hiện thực khắc nghiệt, xót xa, có lằn ranh giữa sống và chết. Và ở đó có một mùa hè giá buốt cả tâm hồn với những người còn sống hoặc đã hi sinh. Cuốn sách như một cách nhìn lại lịch sử.
Ông bảo với tôi, trong một chừng mực nào đó, chúng ta đã tham gia tấn công trong Chiến dịch Xuân – hè 1972 như một sự cay cú, phiêu lưu. Việc Bộ Quốc phòng trao giải cho cuốn sách này, cũng là một cái nhìn thoáng hơn về cuộc chiến khi nó đã lùi xa hơn 30 năm. Cũng là một cách để chúng ta chiêm nghiệm lại những gì đã xảy ra.
Cũng viết về chiến tranh giai đoạn này nhưng tiểu thuyết Phượng hoàng của nhà văn Văn Lê lại xoáy vào một vấn đề then chốt, đó là phẩm hạnh. Nó như một thước đo cho thành hoặc bại của cuộc chiến. Chiến dịch Phượng hoàng của địch đánh vào tất cả mọi phương diện, xé nát mọi mối quan hệ giữa người với người, với dòng tộc, người dân với cách mạng, đặc biệt làm cho con người từ chỗ nghi kị, không tin nhau đến giết nhau. Chiến dịch đánh phá dài hạn ấy, là cuộc đụng độ, đối đầu của những bộ óc. Và trong những ngày hè đỏ lửa đó, chính phẩm hạnh được lưu giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác đã làm nên sức mạnh to lớn dẫn đến thắng lợi của cuộc chiến.
Cuốn tiểu thuyết còn là những trang văn mơ mộng, là lời tuyên thệ đẹp đẽ nhất về tình yêu. Trong thời khắc trước khi trở thành hương linh nhẹ nhàng thoát khỏi cơ thể rách nát bay về chốn thăm thẳm, diệu vợi, người đại đội trưởng chỉ kịp bày tỏ tình cảm dồn nén bấy lâu của mình với người con gái mà anh yêu. Và anh an lòng vì đã “làm được một điều hệ trọng nhất của cuộc đời”, “anh tự hiểu rằng mình đã hoàn thành xong công việc của người đàn ông và giờ đây chỉ còn chờ đợi cái khoảnh khắc cuối cùng của cuộc sống”. Những riêng chung hòa vào nhau đó đã làm thức dậy cả một mùa hè huyền thoại.
Nhà văn Văn Lê nói rằng, lịch sử vẫn còn là một bí mật với tất cả chúng ta. Có một loạt vấn đề thuộc về lịch sử được đặt ra. Cũng có nhiều câu hỏi thuộc về lịch sử, đến nay, vẫn chưa có lời đáp. Và ông cảm thấy mắc nợ vì điều đó. Vậy nên, ông cứ cần mẫn, cũ càng và đi miết con đường mình đã chọn: viết về đề tài lịch sử, trong đó có lịch sử xa và cả lịch sử gần – mà đề tài chiến tranh cách mạng chỉ là một phần nhỏ trong nguồn cội lịch sử ấy. Ông bảo rằng không có huyền thoại nào là không được bắt đầu từ những sự thật.
Để lí giải những vấn đề thuộc về lịch sử thì người viết phải nắm bắt được hồn vía của nó. Sau khi nắm được cái linh hồn đó rồi, bằng sự hiểu biết và tiếp tiến văn hóa của mình mà nhà văn lí giải lịch sử theo cách riêng của mình. Và lịch sử ấy, luôn là một lịch sử hướng đến con người, lấy con người làm trung tâm. Vì nói gì thì nói, con người vẫn là cội rễ của một nền văn hóa.
Về tiểu thuyết Thần thuyết của Người Chim dày khoảng 600 trang của mình, nhà văn Văn Lê nói rằng bây giờ, nhiều người không hiểu người Chim là người gì. Đó là bởi có tích rằng, tổ tiên ta lấy chim thần lạc làm vật tổ nên người ta gọi người Việt là người chim.
Cùng với câu chuyện mà cụ Nguyễn Văn Tố, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa kể lại rằng trong sách của Trung Quốc có nói rằng vào năm thứ 5 đời vua Nghiêu, sứ thần Việt Thường đã đến đất Bát biếu rùa thần nghìn tuổi, trên lưng có chữ khoa đẩu nói về thời mở trời đất, vua Nghiêu mừng quá mới cho người chép lại sử sách.
Từ 2 mẩu thông tin này, cho ta biết được ít nhất về niên đại, đó là năm thứ 5 đời vua Nghiêu, chúng ta đã hình thành quốc gia, rồi mới đi sang đó và thời đó chúng ta đã có chữ khoa đẩu. Để rồi từ đây, người viết có quyền suy nghĩ lại và viết lại. Và nhà văn người Ninh Bình này đã viết lại thời kỳ đầu của lịch sử dân tộc ấy một cách phóng khoáng, dã sử, đượm mùi liêu trai mà không kém phần hấp dẫn trong cuốn sách Thần thuyết của Người Chim của mình. Nhất là đoạn đối thoại giữa sứ thần Âu Lạc và vua Nghiêu, hình ảnh về một quốc gia Âu Lạc độc lập, “có văn” và bề dày văn hóa hiện lên một cách thật đẹp đẽ.
Tiểu thuyết kể về thời Lạc Nghị Vương (Vua Hùng Vương thứ 17), kể về giống người Chim thờ chim Thần Lạc, trống đồng và có tục thờ Mẫu. Để đồng hóa dân mình sau khi chiếm đánh Âu Lạc, Triệu Đà giết các hầu tướng, thiêu hủy cuốn Thần thuyết của Người Chim cùng văn tự, chữ nghĩa, quốc thống và đập phá các cột đá phân chia ranh giới giữa các bộ lạc. Cuốn sách của ông đã làm sống dậy lại tinh thần yêu nước nồng nàn và tự hào dòng giống của người Âu Lạc xưa, mà tiêu biểu là giống người Chim.
Các nhà sử học có quan điểm của mình. Nhưng nhà văn, bằng sự nhạy cảm của mình, cũng có cách lí giải lịch sử khác nhau. Các vị sử học cho rằng chén cơm xoay tượng trưng vòng xoay trái đất, quả trứng tượng trưng cho mầm sống, đôi đũa chính là lưỡng nghi (âm dương).
Còn “ta lại nghĩ khác: Chén cơm tượng trưng cho dân tộc, quả trứng tượng trưng cho nơi mình sinh ra (là người Chim nên phải đẻ ra trứng, ý nhắc về nguồn gốc), còn cây đũa chính là tượng trưng cho cây buồm trên những con thuyền lạc. Các nhà lịch sử cho rằng thời đó, Âu Lạc với Lạc Việt kết hợp thành Âu Lạc.  Còn theo ta, không phải. Sau khi An Dương Vương đem quân thôn tính thì đã diễn ra cuộc nhường ngôi dưới sự can thiệp của các vương hầu. Vua Hùng đã làm một việc cuối cùng tốt đẹp đó là nhường ngôi cho An Dương Vương và đưa ra yêu cầu phải bảo vệ dân tộc, nước non và đổi tên nước thành Âu Lạc, nghĩa là nước Việt vững như âu đồng”, nhà văn Văn Lê nói.
“Khi vua đầu tiên chết, chim lạc khóc đầy trời. Vua đòi chôn trong một chiếc quan tài hình con thuyền lạc và đặt trên nắp quan tài một chén cơm xoay (2 chén cơm úp vào nhau – PV), một trái trứng và 2 cái đũa”. Và Văn Lê, người lưu lạc qua bao nhiêu vòm trời thời hiện đại, trên đầu đã độc một màu trắng lơ phơ, vẫn chỉ nhung nhớ một tiếng chim lạc khóc thương vị vua đầu tiên của nước Việt qua đời. Ông đã gọi hồn nước, gọi thiên thu quay về bằng những trang văn thất lạc về một thời huyền thoại.
7/9/2020
Đậu Dung
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người tình trong thơ Nguyễn Mỹ

Người tình trong thơ Nguyễn Mỹ Tình yêu, đề tài muôn thuở, bất diệt của con người vẫn sẽ mãi mãi là nguồn cảm hứng vô tận của thi ca. Từ x...