Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2024

Văn Lê đi rồi, ai gọi tôi là Đằng Nớ

Văn Lê đi rồi, ai gọi tôi là Đằng Nớ?!

“Đằng Nớ ơi! Rảnh không tới uống cà phê với tớ”, anh luôn gọi tôi như vậy… Và, khi anh rời xa cõi tạm, tôi chợt thảng thốt giật mình khi thoang thoảng bên tai  như có ai đó gọi: “Đằng Nớ ơi!”…
Tôi nợ anh một cuộc hẹn và có lẽ mãi về sau này, cuộc hẹn ấy cứ mãi đeo đuổi tôi. Trước đó một tuần anh điện tôi hỏi: “Đằng Nớ đang ở đâu mang cho tớ thùng sách Khế ước cuộc đời tập 1, tập 2 để tớ tặng cho bạn bè, tụi nó hỏi nhiều lắm”. Tôi nói tôi đang đi công tác. Anh nói nếu Đằng Nớ đi lâu thì cho người mang tới cũng được. Tôi nói tuần sau về, anh em mình gặp nhau luôn. Tôi chưa kịp về thì Phạm Sỹ Sáu báo tin anh đã ra đi, nghe mà bàng hoàng, nghẹn ngào, như không tin vào tai mình, sao anh lại ra đi đột ngột vậy?! Để cho tôi lỡ cuộc hẹn không có ngày thực hiện. Hôm đưa tiễn anh ra nơi hoả táng, quay về cơ quan nhìn thùng sách vẫn nằm đây có dòng chữ “Kính gởi nhà văn Văn Lê” mà rơi nước mắt.
“Đằng Nớ ơi! Viết văn là viết những điều đã xảy ra, mà mình đã trải nghiệm một cách chân thật, viết một cách hồn nhiên và đưa cái hồn của mình vào trong đó, dự báo điều sẽ xảy ra, đừng đao to, búa lớn, thì tự nó sẽ trở thành văn, vì văn là người, Đằng Nớ ạ”. Anh nói với tôi điều đó khi tôi tập tễnh viết ở trại viết của Quân đoàn 4 tại thủ đô Phnom Pênh – Campuchia năm 1980.
Trại viết Quân đoàn 4 năm 1981, cũng tại Phnom Pênh, anh qua chơi và mang cho tôi một bịch thuốc rê thật to, 5 gói thuốc lá Hoa Mai và cười nói: “Tớ chỉ đủ tiền mua cho Đằng Nớ và mọi người 5 gói thuốc Hoa Mai, còn lại hút thuốc rê nhé”. Anh đưa thêm một xấp báo, vừa báo Tuổi Trẻ, Văn Nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh và mấy quyển tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, có in tác phẩm của anh và của mấy anh em trong trại viết năm trước, trong đó có truyện ngắn Chiều trên chốt của tôi, anh nói, đọc xong thì làm giấy quấn thuốc rê để hút. Anh lôi tờ Tuổi Trẻ có bài thơ “Gởi bạn bè làm xong nghĩa vụ” của Phạm Sỹ Sáu vừa được giải của Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh, anh nói thằng này là lính Sư 5, viết rất thật vì vậy nên hay và rất dễ nhớ. Anh nhận xét: “bài này sẽ nổi tiếng trong lính tình nguyện đây!” – Giữa mùa mưa năm 1982, tôi mới gặp được Phạm Sỹ Sáu khi Sáu về dự trại viết của Nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân tổ chức tại Lữ đoàn phòng không Quân đoàn 4 ở Tua Kop, Phnom Penh dành cho các cây bút trong các đơn vị quân tình nguyện. Phạm Sỹ Sáu đến trễ và chỉ lưu lại trại một tuần, nhưng những bài thơ viết trên trận địa và cái mùi hương của xà bông tắm Camay mà Sáu mang về từ vùng biên Tây Bắc Campuchia cứ lưu mãi khó quên.
Tôi rất xúc động vì với lính trận như tôi, có được món quà này thật lòng không dễ. Cũng lần này tôi mới biết chị Ngô Hoa Hỷ, vợ anh, là giáo viên và làm thơ rất hay. Anh đọc cho tôi nghe thơ chị và tôi nhớ mãi câu ‘’Anh về – cả nhà mừng hơn trúng số”. Tôi khâm phục anh khi viết về mùa khô ở Campuchia, dù anh ở bên này không thường xuyên như chúng tôi.
“Đêm khô như tiếng mõ trâu.
Rừng khô như tờ bánh tráng…”
Bài thơ dài nhưng chỉ hai câu này thôi đã nói lên sự khốc liệt mà người lính tình nguyện Việt Nam phải chịu đựng hết mùa khô này tới mùa khô khác.
Truyện dài “Khế ước cuộc đời” 2 tập của Văn Lê với cảm hứng nguyên mẫu nhân vật chính là doanh nhân Lê Quốc Phong xuất thân người lính yêu văn chương.
Tôi được gọi về dự trại viết của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội tại số 5 Đặng Thái Thân (Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh) đầu năm 1982. Lần này anh đến với tôi nhiều hơn. Anh có chiếc xe đạp cũ, cái quần lính lúc nào cũng đen sì ở gấu vì dầu dây xích bám vào. Có lần anh mời tôi đi uống cà phê, tình cờ gặp thêm ba bạn viết  nữa, năm người, nhưng anh chỉ đủ tiền trả cho 1 ly, năm người uống 1 ly trong sự ngỡ ngàng của cô chủ quán. Vậy mà vui. Vậy mà nhớ mãi. Cũng trong đợt này, anh quyết định chuyển gia đình từ phòng trọ ở Hoà Hưng về 190 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3. Phòng tuy không lớn, nhưng tốt hơn nhiều so với chỗ ở cũ. Tôi cùng anh Lê Huy Khanh, Nguyễn Quốc Trung, Văn Bá Thi dậy từ 4 giờ sáng đi bộ từ Quận 5 đến chợ Hoà Hưng, chất đồ, kéo xe giúp anh chuyển nhà và khuân lên lầu 5. Có cả nhà thơ Trần Mạnh Hảo, nhà thơ Nguyễn Duy cũng nhễ nhại mồ hôi khuân vác. Tài sản của anh ngoài cái giường, cái bàn viết còn lại nhìn đâu cũng thấy toàn sách. Đến xế chiều anh chiêu đãi món bún thịt. Thú thực là lâu lắm rồi tôi chưa được ăn một bữa nào ngon như thế, vừa ăn vừa ngẫm nghĩ chắc là Văn Lê phăng teo đi nhuận bút mấy bài báo cho bữa ăn này. Ăn xong mới giật mình là cả nhà Văn Lê chưa ăn gì cả! Tôi hỏi anh, anh nói: “Đằng Nớ yên tâm, cả nhà tớ ăn sau”. Tôi nhìn vào bếp thì thấy không còn gì cả! Trên đường về tôi nói với anh Lê Huy Khanh: “Anh em mình sơ ý quá anh ạ”. Anh Khanh nhìn tôi và nói: “Tính hắn vậy, luôn lo cho người khác”.
Một lần anh tới trại viết, đưa cho tôi tờ Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội và nói: “Truyện ngắn Ở U-Don có một bà mẹ của Đằng Nớ được in rồi nè, tớ nói ngoài đó đưa vào dự thi, coi chừng có giải”. Tôi vui vẻ nói: “Được đăng là mừng rồi anh, dễ gì được giải, em là lính, cấp trên đưa súng thì cầm súng, đưa viết thì cầm viết, em sẽ cầm quyển tạp chí này về trình cho các thủ trưởng để các thủ trưởng biết em đã hoàn thành nhiệm vụ”. Sau trại viết tôi với anh càng gắn bó với nhau. Hễ có dịp về thành phố là tôi lại ghé nhà anh, tặng cho anh mấy hạt mã tiền mà tôi nghe nói ngâm rượu xoa bóp đỡ đau nhức, tặng anh vài con tắc kè phơi khô để anh ngâm rượu. Có lần anh qua Campuchia tìm tôi, nhưng không gặp, vì tôi đi hành quân ở tận núi rừng biên giới Thái Lan.
Năm 1983 tôi chuyển ngành về làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đến gặp anh, anh hỏi tôi làm ngành gì, tôi trả lời làm phân bón, anh nhìn tôi nói: “Tốt đấy, đất nước mình là đất nước nông nghiệp, nhưng Đằng Nớ nên nhớ làm gì cũng phải có cái tâm, không có nó là vứt”. Anh khuyên tôi nên đi học cho xong chương trình đại học, để bổ sung thêm kiến thức vì năm năm ở trận mạc rơi rớt ít nhiều. Tôi nghe lời khuyên của anh và không làm anh thất vọng. Có lần, sau giờ làm việc anh đạp xe tới cơ quan tôi và chở tôi tới nhà của nhà báo Thành Nguyễn, ở đường Nguyễn Văn Cừ. Anh Thành Nguyễn có cô em gái trạc tuổi tôi, khi về anh hỏi tôi: “Đằng Nớ thấy cô bé đó được không?” Tôi trả lời: “Ừa thì cũng dễ thương”. Anh tiếp: “Tớ định làm mai cho Đằng Nớ”. Tôi giẫy nẩy – Em có bạn rồi. Ai? Anh hỏi – Thì TL báo KQĐ đó. – Thằng quỷ, sao không nói sớm. Khi tôi tổ chức lễ cưới anh tặng tôi tập sách mới xuất bản, và đọc tặng vợ chồng tôi một bài thơ mới viết.
Thời gian cứ trôi đi, tình cảm giữa anh và tôi giống như người ruột thịt. Tôi kể cho anh nghe về cuộc đời tôi, về những thăng trầm trong cuộc sống và công việc. Tôi càng quý anh vì lúc nào anh cũng đau đáu nghĩ về những đồng đội đã ngã xuống, nghĩ về những bà mẹ cô đơn mòn mỏi đợi con về. Có lần ngồi uống rượu với tôi, nước mắt anh ràn rụa khi nhắc tới họ, vì anh cảm thấy mình có lỗi. Tôi cũng biết, anh kìm nén nỗi uất nghẹn, đau đớn khi biến cố oan khuất xảy ra với cuộc đời anh, không chia sẻ với ai để vững vàng cầm bút viết về đồng đội, đồng bào. Khi tôi về làm giám đốc xí nghiệp, anh xuống tìm tôi, nhìn xí nghiệp tiêu điều, anh động viên tôi: “Khó đấy, nhưng tớ nghĩ Đằng Nớ làm được”. Những lời động viên của anh làm sống lại mạnh mẽ người lính trong tôi, giúp tôi vượt qua tất cả.
Có lần anh gặp tôi và hỏi: “Đằng Nớ đọc bút ký Người lính ấy đang làm giám đốc của Trần Đình Thế viết về Đằng Nớ dự cuộc thi “Kinh tế Việt Nam thời mở cửa” đăng ở Thời báo Kinh tế Sài Gòn chưa?” – Em đọc rồi, tôi nói. “Bài này chắc được giải cao đây”, anh nhận xét.
Anh còn hỏi tôi có hay gặp Ngô Quốc Dân không? Sao gần đây không thấy nó viết gì? Ngân Vịnh không biết sống ra sao ở Đà Nẵng? Anh là vậy luôn quan tâm đến bạn bè. Anh đưa Nguyễn Đình Tú xuống gặp tôi để nhờ hỗ trợ kinh phí và mời tôi đến giao lưu, với anh em trại viết của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội do Tú phụ trách. Sau đó một thời gian Tú tặng tôi tiểu thuyết Hoang tâm, nhờ anh trao cho tôi. Tới nhà anh lấy sách, anh nói: “Đình Tú gặp Đằng Nớ mới mấy lần thôi mà nó biến Đằng Nớ thành 2 nhân vật ở trong này, nó viết ma mị lắm”. Sau đó ít lâu, Tú gởi tôi quyển Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội có bài viết Một nguyên mẫu – hai nhân vật để lý giải về điều này, và ngỏ ý muốn viết về cuộc đời tôi một cách trọn vẹn. Tôi kể cho anh nghe chuyện này, anh nói: “Viết về Đằng Nớ chỉ có tớ mới viết tận tường. Tớ sẽ viết về Đằng Nớ nhưng lúc nào Đằng Nớ nghỉ hưu tớ mới viết.”
Anh âm thầm chuẩn bị tư liệu, có những chi tiết, làm tôi rất ngạc nhiên vì chưa lần nào kể với anh, mà không biết bằng cách nào anh có nó một cách rất đầy đủ, khi cần thêm những chi tiết gì anh gọi điện hỏi tôi. Khi anh viết gần 100 trang đánh máy, anh gọi tôi đến để đọc và góp ý, lúc đầu tựa sách là Khế ước người lính, nhưng sau đó anh đổi thành Khế ước cuộc đời cho rộng nghĩa hơn. Vì là truyện dài nên anh thay tên tôi thành Lê Quốc Phương. Phương là tên nhân vật, tôi viết về tôi trong  truyện ngắn Buổi chiều trên chốt, một số nhân vật khác anh vẫn giữ nguyên tên. Anh nói với tôi: “Tớ dự kiến sẽ viết về Đằng Nớ 3 tập, tập 1 là cuộc đời từ trẻ cho đến khi ra khỏi Quân đội, tập 2 là khi làm kinh tế và tập 3 là sau khi nghỉ hưu Đằng Nớ tái khởi nghiệp”. Anh viết ngày, viết đêm, chỉ vài tháng là xong tập 1. Anh gọi tôi tới đưa tập bản thảo dày cộp, nói tôi đọc, cần chỉnh sửa gì thì chỉnh sửa sớm để phát hành trong dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân. Tập 1 đang in thì anh viết tiếp tập 2, cũng viết ngày, viết đêm. Trong những ngày anh bị bệnh anh vẫn viết. Tôi nói anh viết từ từ thôi, có gì mà vội. Anh trả lời: “Tớ đã hứa với Đằng Nớ  thì phải làm xong, như là một khế ước vậy mà”.
Tôi biết anh đã dành nhiều cảm xúc để viết về những điều đã đến và đi trong cuộc đời tôi, chính tôi, khi đọc lại cũng không cầm được dòng nước mắt. Tập 2 đã in xong, đã xuất bản, anh chưa kịp tặng hết cho bạn bè, anh em, ngay cả nhà thơ Đỗ Trung Quân người vẽ bìa cho truyện dài này cũng chưa được anh ký tặng, thì anh lại đột ngột ra đi. Anh từng nói với tôi: “Khi ra khỏi lính tớ và Đằng Nớ  chỉ có một bộ áo quần, bây giờ mình có cái thay ra mặc vào là giàu lắm rồi, hãy nghĩ tới những người còn khó hơn mình để an tâm làm điều tốt, mặc kệ thói hư tật xấu của những kẻ trên mình”. Lúc anh bị bệnh nặng, nhiều bạn bè lo lắng cho anh, còn anh thì bình thản, “Nếu chết thì đã chết trong chiến tranh rồi, nhưng nếu phải chết thì đón nhận nó một cách nhẹ nhàng”. Những lúc anh chấp nhận cái chết thì cái chết không đến với anh. Anh vẫn vượt qua. Nhưng lần này, tôi biết, anh chưa đón nhận nó, nhưng vì nó tự tới và anh cũng chấp nhận thanh thản ra đi, dù sự ra đi của anh làm ngỡ ngàng, đau xót cho gia đình, bè bạn.
Với tôi cảm thấy hụt hẫng đến tận cùng. Anh đi rồi tôi mất đi một người anh, người bạn. Anh đi rồi – Khế ước cuộc đời – Ai là người viết tiếp tập 3? Anh đi rồi – còn ai gọi tôi là Đằng Nớ hả Văn Lê?.
TP HCM, 17/9/2020
Lê Quốc Phong
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà văn Văn Lê: Huyền thoại luôn bắt đầu từ sự thật

Nhà văn Văn Lê: Huyền thoại luôn bắt đầu từ sự thật Nhà văn Văn Lê vừa vĩnh biệt chúng ta. Ông là cây bút chuyên nghiệp và bền bỉ, cuối đờ...