Thứ Hai, 23 tháng 9, 2024

Nhà thơ Thành Chung: "Không có Cuội trăng không còn là trăng nữa"

Nhà thơ Thành Chung: "Không có
Cuội trăng không còn là trăng nữa"

Nhà thơ Thành Chung tên thật Nguyễn Xuân Trưởng, quê ở Thanh Hóa, vừa qua đời tại TPHCM ngày 22.7.2020 sau một thời gian phát hiện và điều trị bệnh nan y, hưởng thọ 69 tuổi. VHSG xin chia buồn với gia đình, người thân của nhà thơ Thành Chung và trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Cao Chiến như nén tâm hương tưởng nhớ một đồng nghiệp vừa đi vào cõi hư vô.
Thành Chung từng xuất hiện trên VTV6 với tư cách tác giả các tập thơ Hoa và lính, Đất dậy thì, Hôn lên biển cả, Trong màu áo lính, Mê ly mắt lính, Trăng nghiêng về bên em, mỗi tập chừng trăm bài, nói chung là khá dày dặn. Anh nhập ngũ vào chiến trường năm 1971, tham gia các chiến dịch Quảng Trị 1972 và Mùa xuân 1975. Ngoài Hoa và lính do Nxb Thanh Hóa, quê hương anh ấn hành, các tập còn lại đều đóng mác Nxb Hội nhà văn. Chừng hơn nửa số tập có lời giới thiệu của Nhà thơ Văn Đắc, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi đã lật hết cả sáu tập thơ, đọc kỹ hai tập Trong màu áo lính ấn hành 2015 và Trăng nghiêng về bên em ấn hành 2016. Những nhận xét này được rút ra sau khi tôi đọc hai tập thơ trên.
Thứ nhất, thơ Thành Chung ít chau chuốt, đậm chất đời, đặc biệt là chất lính tráng. Lối viết này có ưu điểm là không phải mất ăn mất ngủ để tìm chữ gieo vần kiểu hàn lâm, nhưng cũng dễ khiến người làm thơ khó tính nổi nóng. Nhưng tôi nói thêm, không mất ăn mất ngủ không có nghĩa là viết một cách dễ dãi hoặc tùy tiện. Chính là cuộc sống và sự trải nghiệm đã đem lại cho Thành Chung lợi thế này. Tôi xin dẫn một vài khúc thơ để minh họa cho ý kiến này của mình. “Gặp nhau bắn điếu thuốc lào/ một phen rít lửa, nước ào ào sôi/ một phen nuốt khói. Đồng ngồi/ một phen gan ruột dập dồi, nổi trôi/ một phen lửa nước sóng đôi/ một phen khói thuốc lên trời làm mây/ Trường Sơn điếu thuốc chuyền tay/ một hơi, lính tráng cũng say rừng chiều” (Say cả rừng chiều – Trường Sơn 1973). “Sốt rồi! Cháo trắng như bông/ chỉ thiên trái ớt cay lòng mà thơm/ đêm qua sốt dập một cơn/ bạn đi! Trái ớt cay hơn chiều chiều/ ở đây lắm nắng mưa nhiều/ dọc Trường Sơn, ớt cũng theo chân người” (Trái ớt chỉ thiên – 1973). “Treo làm chi cả chiến trường/treo lên tường đó con đường xinh xinh/thương đau đã ngấm qua mình/ trăng khuya giữ chút mối tình rừng xưa” (Thăm nhà đồng đội). “Lòng thành thay vạn nén nhang/ lời quê thay nén bạc vàng dâng lên” (Đồi C4-Hàm Rồng).
Những khúc thơ tôi vừa dẫn không có gì bóng bẩy nhưng rất thực. Lính tráng sốt rét thèm cắn ớt cay. Chỉ thiên giờ bày đầy chợ vỉa hè nhưng ở Trường Sơn khi ấy ớt thành của hiếm, lính tráng sẻ chia nhau. Hoặc khi giữa đường hành quân, gặp nhau bắn điếu thuốc lào rét một phát phun khói lên trời làm mây thì quả thực mấy người trải qua. Trong khúc thơ về bắn thuốc lào, Thành Chung dùng từ “đồng ngồi” tôi không hiểu lắm, phải chăng là trạng thái lơ mơ say thuốc kiểu “ông từ lừ đừ vào đền”, thứ này thường xảy ra lắm, hay là mọi người cùng ngồi hút, thôi thì hiểu thế nào cũng được. Với “lòng thành thay vạn nén nhang/ lời quê thay nén bạc vàng dâng lên” (Đồi C4-Hàm Rồng) thì lại là một tâm trạng khác. Đây là khi Thành Chung bộc bạch về đại đội pháo binh bảo vệ cầu Hàm Rồng hy sinh trong những năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Ở tình huống tương tự, nếu tôi nhớ chính xác thì Nguyễn Thái Sơn trong một bài tứ tuyệt và Hoàng Đình Quang ở khúc cuối tiểu thuyết Cánh đồng lưu lạc, cũng viết về việc đốt nhang cho đồng đội. Ngôn ngữ của Nguyễn Thái Sơn và Hoàng Đình Quang tinh túy hơn, nhưng về mặt tình cảm, thì Thành Chung cũng chạm tới điểm chung rồi.
Mấy câu “treo làm chi cả chiến trường/ treo lên tường đó con đường xinh xinh/ thương đau đã ngấm qua mình/ trăng khuya giữ chút mối tình rừng xưa” (Thăm nhà đồng đội), rất ám ảnh, bởi trong khi người đồng đội trưng ra “một dàn đại bác, xe tăng/ mịt mù khói lửa, từng từng đạn bom/ trụi trơ rừng, sạt lở non/ hố bom hoác miệng, tối om địa đàng/ xém trời thần chết napal/ rụi tàn cả ánh trăng vàng trên nương” thì Thành Chung lại nhìn chiến tranh theo lối riêng khi thốt lên “treo làm chi cả chiến trường” với bạn.
Thứ hai, tình cảm quê hương-gia đình trong thơ Thành Chung được biểu đạt bằng một giọng hồn nhiên riêng.
“Rõ ràng mồn một đó thôi/ cháu mình đã lớn thật rồi thấy chưa/ áo ông lính tráng năm xưa/ khác chi bố nó, mặc vừa như in” (Như in). “Giống như ai tạc ấy thôi/ một màu áo lính cha ngồi bên con/ màu xanh, xanh nước xanh non/ súng con giữ đó, đã mòn vai cha/ măng non lên cạnh gốc già/ cây vươn thẳng, chọi phong ba sợ gì” (Giống như ai tạc). “Thượng úy ơi! Con vĩnh viễn ra đi/ cha cúi xuống quan tài nước mắt/ lon đại tá trên vai cha đã bạc/ tay ngang vành mũ/ đồng chí/ tiễn biệt con/ lời ru ngàn đời của nước của non/ thay mẹ cha, trong vành nôi Tổ quốc/ một điều người lính nào cũng biết/ ra đi cho đất nước thanh bình” (Thượng úy ơi! Con đã ra đi). Tôi xin không bình về khúc thơ này, chỉ muốn chia sẻ với tác giả và những ai đọc bài viết của tôi một ý rất nhỏ, là thường thì con cái cúi đầu chào cha mẹ, nhưng ở tình huống này vị đại tá, vừa là đồng đội, chỉ huy, là cha của người thượng úy đã hy sinh, cúi đầu. Rất khó để diễn tả hết tâm trạng người đàn ông lúc ấy. Tôi nghĩ, chính bởi vậy mà khúc thơ của Thành Chung có sức lay động bởi đã vẽ một bức tranh tả thực mà không phải người nào cũng có thể vẽ.
Tôi xin dẫn thêm vài khúc và có đôi lời bình về những khúc này. “Trang giấy trắng phơi trần cánh đồng hoang/ ngọn đèn nhỏ mặt trời cô đơn sáng/ cây bút dàn cuộc chơi lãng mạn/ những vui buồn quyết tử bến hèn sang/ em đã đến/ ngày mới tràn ánh nắng/ giấy thẳng đường cày lật từng trang/ hạt giống cuối cùng anh đã chọn/ gieo lên em thơm phức mùa màng” (Gieo lên em). “Đời hoa không khái niệm hy sinh/ dâng cho người, đâu giành lại phần mình” (Hoa quỳnh ơi). “Về vui vẻ nhé Hè ôi/có bao nhiêu nắng đổ rồi còn chi/ phượng đà nhuộm đỏ lối đi/ phượng cài lên tóc vu quy với mùa/ gió đưa ngơ ngác sen chùa/ hai hàng đại trắng hóa bùa, giải mê/ một mai liễu cắt tóc thề/ thuyền trăng lại chở trăng về bến trăng” (Thơ hai câu). “Nếu không có Cuội/ trăng không phải là trăng nữa/ thiên hạ buồn, khóc cho một gốc Đa/ những giọt mực si tình chết rữa/ nước mắt trần gian dìm chết Hằng Nga/ nhưng không! Hằng Nga muôn đời rực sáng/ triệu triệu năm thằng Cuội vẫn là thằng/ phải luật trời Cuội cả đời thầm lặng/ thiên hạ cứ chết dần/ Cuội vẫn sống nhăn răng” (Nếu không có Cuội).
Giọng điệu mấy khúc này, nhất là Gieo lên em và Nếu không có Cuội, hồn nhiên, lẳng, trẻ trung và têu tếu, lộ cho người ta thấy một chút khí chất lãng tử. Viết có giọng, hơn nữa lại là không cố tình tạo ra giọng mà tự nhiên như Thành Chung, thì cũng có thể coi là thành công. Trước khi nhập ngũ Thành Chung từng là học sinh giỏi văn miền Bắc. Tình yêu thơ theo anh đi suốt thời gian. Tôi xin nói thêm điều này, nhiều người đặc biệt là các cựu chiến binh, ở Thanh Hóa quê hương anh và ở Thành phố Hồ Chí Minh, nơi anh sống, thuộc thơ anh. Nhìn theo lối hàn lâm có thể thơ Thành Chung chưa thật hay, nhưng cũng đủ khiến cho người ta suy nghĩ, ám ảnh.
24/7/2020
Cao Chiến
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên: Vẫn tin vào tình yêu

Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên: Vẫn tin vào tình yêu Nhà văn Hồ Anh Thái nhận định: “Chị không vô tình hoặc cố tình để lại dấu vết thơ trong v...