Thứ Hai, 23 tháng 9, 2024

Nhà thơ Vũ Từ Trang: Mộng văn chương khiến tôi đổi nghề

Nhà thơ Vũ Từ Trang: Mộng
văn chương khiến tôi đổi nghề

Nhà thơ Vũ Từ Trang tên thật là Vũ Công Đình, sinh ngày 20.7.1948, quê quán Trang Hạ, Từ Sơn, Bắc Ninh. Sau gần 27 tháng chữa trị bệnh hiểm nghèo, nhà thơ Vũ Từ Trang đã vĩnh viễn ra đi vào lúc 4 giờ 10 phút sáng 12.7.2020 tại nhà riêng số 378 Bạch Mai, Hà Nội. VHSG xin chia buồn với gia đình, người thân, đồng nghiệp của nhà thơ Vũ Từ Trang và trân trọng giới thiệu lại bài trả lời phỏng vấn gần đây của ông như nén hương tưởng nhớ một người nhiệt huyết với văn hóa và văn học nước nhà…
Là tác giả của 6 tập thơ, 5 tập chân dung văn học, 5 tập khảo cứu nghề thủ công cổ truyền, 2 tập văn xuôi, nhà thơ Vũ Từ Trang bảo rằng, chính mộng văn chương khiến ông đổi nghề…
Khát khao viết…
– Cũng như nhiều người làm văn chương, nhà thơ đã từng trải qua nhiều nghề: Làm việc ở Bộ Xây dựng, phóng viên báo Tiểu công nghiệp Thủ công nghiệp, báo Doanh nghiệp… Nhưng có lẽ nhờ việc trở thành ký giả mà ông lại “xông vào” nghiên cứu nghề cổ đất Việt?
Nhà thơ Vũ Từ Trang: Thực ra, đời người có những khúc ngoặt bất ngờ. Tôi từng được đến nhiều vùng đất, được gặp nhiều mẫu người, lăn lộn qua nhiều nghề, nhưng nghiệp viết văn đeo đuổi.
Lý do đơn giản là tôi ham viết. Ngay thuở thiếu thời, tôi đã mê đọc và tập viết. Lớn lên, tôi càng khao khát viết. Mộng chữ nghĩa đã cho tôi đổi nghề.
Tôi về làm việc ở tờ báo Tiểu công nghiệp Thủ công nghiệp, rồi báo Doanh nghiệp cũng là sự tình cờ. Năm 1974, học xong khóa 6 Trường Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, tôi quyết định bỏ nghề kiến trúc, để sống chết với nghiệp viết.
Khi ấy, một số người bạn kiến trúc sư hỏi tôi liệu quyết định có hồ đồ không? Tôi không nói gì, chỉ cười trừ và thầm quyết dấn thân với con đường chữ nghĩa, cho dù có trập trùng, xa ngái.
– Từ chính tờ báo ngành ấy mà ông đã có được những cuốn sách quý về nghề thủ công truyền thống?
Tờ báo Tiều công nghiệp Thủ công nghiệp chỉ là báo ngành, vậy mà tôi thấy rất thú vị. Được phân công chuyên nghiên cứu, viết về các tổ nghề, các làng nghề thủ công truyền thống nên tôi có may mắn được đi hầu hết các miền đất nước, và tỉnh nào, huyện nào mà chẳng có nghề thủ công.
Những ghi chép, những tài liệu tra cứu cứ dầy dần trong tôi. Thế rồi tôi có ý tưởng viết lại sự tiến triển nghề thủ công nước mình. Ngoài hàng trăm bài báo đã in, năm 1982, tôi xuất bản tập khảo cứu “Nghề đẹp tỉnh Bắc”, khái quát và nghiên cứu kỹ càng các nghề truyền thống ở Bắc Ninh và Bắc Giang. Tôi coi đó như món quà tinh thần dâng tặng quê hương.
Năm 2001, tôi xuất bản tập khảo cứu “Nghề cổ nước Việt” và cuốn sách được tái bản ngay năm sau. 6 năm sau, tôi tiếp tục xuất bản tập “Nghề cổ đất Việt”, năm 2017 là tập “Hoa tay đất Việt”.
Năm 2019 là tập “Nghề cổ nước Việt, từ truyền thống đến hiện đại”, dày 700 trang, hệ thống lại toàn bộ nghề thủ công của đất nước ta. Đây là công sức nghiên cứu, khảo sát điền dã của tôi hơn hai mươi năm đi làm báo. Cuốn sách được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá cao. Tôi nghĩ, công sức mình bỏ ra không hoài phí và ít nhiều có ích cho cuộc sống.
Thực tế, khi bắt tay vào viết sách khảo cứu về nghề thủ công truyền thống, một việc tưởng như dễ dàng, nhưng chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, làm được bộ sách về nghề thủ công truyền thống này, tôi thấy những năm tháng làm báo, lặn lội khảo sát từng làng nghề của mình đã không uổng.
Như lời tâm sự đầu sách, tôi mong những cuốn sách ấy như lẵng hoa nhỏ dâng lên những người thợ thủ công tài hoa của nước ta, dâng lên những nghệ nhân tôi đã từng gặp, từng được tiếp xúc, mà nay người còn người mất. Xin được như một nén hương thành kính dâng lên các vị tổ nghề – những người đã từng đi vào tâm trí người thợ và đã được trân trọng ghi vào sử sách.
Nặng lòng với bạn văn
– Có vẻ ông rất nặng lòng với bạn văn một thuở, nhất là những thân phận khuất lấp (người mất, người còn). Nỗi niềm ấy, ông đã gửi vào “Phía sau con chữ”, tập chân dung văn học được chọn vào chung khảo của Hội Nhà văn Việt Nam. Tiếp đó, ông đã viết 4 cuốn chân dung văn học, xuyên suốt với tuyến cảm xúc này. Ý tưởng nào khiến ông làm bộ sách đó?
Tôi có nhiều kỷ niệm với bạn viết. Nghề viết vốn cô đơn và cam go. Sau mọi thăng trầm, tôi muốn ghi lại một số kỷ niệm về những người thân cùng nghiệp chữ nghĩa của mình.
Có những người là bạn, có người là bậc cha chú mình. Có người nổi tiếng, có người còn khuất lấp, có người đã thiệt phận.
Tôi muốn viết về những kỷ niệm chân tình và ấm áp về họ. Ngay cả những người đang nổi tiếng, hoặc rất nổi tiếng, thì tôi cũng chỉ muốn viết về những ngày tháng mà họ lận đận nhất.
Tập sách “Phía sau con chữ” tôi muốn ghi chép lại tình cảm thiêng liêng, trong sáng với con chữ của một lớp người, của một thời đã qua.
Sau tập “Phía sau con chữ”, năm 2013, tôi xuất bản tập “Nhà văn độc hành độc bộ”. Năm 2017, tập “Vì ai ta mãi phong trần”. Năm 2019, tập “Phận người trôi nổi” và tập “Tơ trời chùng chình đón đợi”. Đó là bộ sách chân dung văn học gồm 5 tập của tôi viết trong vòng gần hai mươi năm.
– Bộ sách “Chân dung văn học” vừa qua được Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao giải thưởng. Bạn bè đều công nhận giải thưởng xứng đáng với công sức và tấm lòng tác giả đeo đuổi một mảng đề tài văn học. Rất mong nhà thơ chia sẻ đôi điều về chặng đường này?
Như trên tôi đã nói, không phải bỗng nhiên tôi có bộ sách chân dung văn học 5 tập này. Tôi bắt đầu viết chân dung văn học từ đầu năm 2001. Tôi đã lần lượt công bố các bài viết trên báo Văn nghệ và nhiều báo, tạp chí văn chương. Cũng có nhiều nhà văn đã viết chân dung văn học.
Nhưng tôi chọn lối đi riêng cho mình, là viết về những nhà văn mà mình thân thuộc, gặp gỡ. Có một số người viết chân dung dựa trên các tư liệu đã công bố trên sách báo, rồi xào xáo lại. Tôi thì chỉ viết bằng những kỷ niệm thật, những tư liệu tươi dòng mà mình đã gắn bó với người mình định viết.
Hầu hết, những chân dung tôi viết, đều là những nhà văn ít nhiều lận đận, khuất lấp, ít may mắn trên con đường sáng tạo đầy khó khăn, trắc trở. Có người nổi tiếng, người chưa nổi tiếng, nhưng tình yêu văn chương đối với họ, thật thiêng liêng, đền đài và trong sáng.
Đánh giá về những tập sách chân dung văn học này, nhà thơ Vũ Quần Phương đã viết: “Đó là kho hiện vật, kho tư liệu tâm hồn làm chứng tích cho một thời gian khổ, thiếu thốn, chật hẹp đủ điều nhưng ước vọng tinh thần và ý chí sáng tạo của con người văn chương thì thật đẹp, đủ sức giúp họ đứng vững và tạo nên một trong những điều kỳ diệu của cuộc đời này. Ấy là nghệ thuật, ấy là văn chương!”.
Thơ và tiểu thuyết
– Đam mê với mảng chân dung văn học, nghiêm túc trong việc khảo cứu nghề thủ công truyền thống, song bạn đọc vẫn nhận ra nét riêng trong phần sáng tác thơ của Vũ Từ Trang. Ông thấy sao?
Tôi là người kiệm in thơ. Viết thơ, in thơ trên báo chí đã gần năm mươi năm, nay tôi mới in có 6 tập thơ. Tập đầu tay, năm 1977, in chung 4 tác giả (đều là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) nó là niềm hứng khởi đầu đời của con đường thi ca với tôi. Tập “Thời trai trẻ”, năm 1996, là khát vọng một thời tuổi trẻ.
Tập “Ngược dốc”, là nỗi niềm và ý chí quyết vượt lên mọi khó khăn, rào cản, để vươn tới vẻ đẹp hoàn mỹ của cuộc sống. Tập “Lẻ và không lẻ”, năm 2002, sự cô đơn và không cô đơn của con người. Tập “Những vòng tròn không đồng tâm”, năm 2011, những nghĩ suy, trăn trở lộn xộn của con người trước một thế giới rất nhiều biến động, bất trắc và nhiều đảo lộn.
Tập “Cây chuyển mùa”, năm 2016, tôi muốn nói về sự vươn lên của con người trong một xã hội nhiều biến động. Tôi đang bổ sung, hoàn chỉnh tập thơ “Đường xích đạo”, với chủ đề con người phải phân thân và vượt lên số phận chính mình, để tồn tại, phát triển trước một xã hội quá nhiều biến hóa, chuyển động.
– Ông sắp ra mắt tiểu thuyết “Và khép rồi lại mở”. Ông có thể bật mí đôi nét về tác phẩm mới này?
Cuốn tiểu thuyết ấy, tôi viết về một làng quê thuộc diện trù phú ở đồng bằng Bắc Bộ. Một làng quê, ngỡ tưởng bình yên, êm đềm bao đời, nào hay bên trong nó lại có quá nhiều biến động. Bao số phận con người chìm nổi trong cái làng quê có lũy tre rào chặt và cổng làng khi đóng khi mở qua bao thời cuộc.
Có người bỏ làng ra đi, có người lại tìm về làng với bao vui buồn thành bại. Bao số phận cứ mở ra, rồi lại bị đóng lại, số phận này nối tiếp số phận khác. Khi viết, tôi có phần liên tưởng tới quê tôi ở Kinh Bắc, nó cũng đang chứa chấp nhiều bi kịch, nhất là con người ở đó đang phải đối mặt với cơn lốc đô thị hóa.
Bao con người với đủ thăng trầm, buồn vui, thành bại. Cuốn tiểu thuyết sắp được phát hành, xin mời độc giả quan tâm, tìm đọc.
15/7/2020
Nguyễn Thanh Kim
Nguồn: Báo GD-TĐ
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ​ Trở Về Quê Xưa Âm thanh từng giọt mưa rơi trên mái tôn, tiếng lách tách từ con chữ  bàn phím,  quyện vào khúc hòa tấu nhạc xưa văng ...