Ba người đàn bà bên kia cồn bắp
Ánh sáng đủ cho tôi nhìn thấy người đàn bà gần như trần truồng
ngồi trên giường. Cái khăn đỏ phủ phần giữa cái thân tàn úa, da bọc xương, tóc
trắng bù xù, nhìn ra cửa sổ. Lùi lại nhìn kỹ cái hình trong túi áo, cái con người
tang thương đó, đúng là dì tôi, dì Renê.
Dì Renê, chị cả trong nhà có ba người đàn bà ở Huế.
Chuyện của dì nhiều, tôi không nhớ đủ hết, từ cái ngày còn tấm
bé, nghe mẹ kể chuyện dì Renê trong những bữa ăn.
Chưa một lần tôi gặp mặt dì. Dì có chồng là ông Tây nhà đèn,
năm 1945 gì đó theo chồng vào Tourane - Đà Nẵng - rồi theo tàu chở
hàng về Tây. Nửa thế kỷ sau, người dì trên 70 tuổi có cháu đến thăm, đến trong
cái viện dưỡng lão vùng Avignon miền Nam nước Pháp, trên tầng
lầu thứ năm, trong căn phòng nhỏ bằng lỗ mũi. Tôi chào dì bằng tiếng Pháp.
Dì Renê nhìn tôi xa lạ, ánh mắt con bò mùa khô hạn, nhiều
chán chường. Có thể bà tưởng tôi là người hộ lý trong viện hay nhân viên sở xã
hội cử đến . " Mười năm rồi không ai ghé thăm bà cả." Người phụ trách
Viện cho tôi biết.
Tôi đến thì thầm bêntai dì :
- Con ở Việt Nam qua thăm dì Thi, con là con dì
Thơ. (Mẹ tôi tên Thơ).
*
* *
Tôi lúng ta lúng túng, kể nhiều chuyện trong nước, chuyện ở
Huế, chuyện cồn bắp bên kia nhà, có chè bắp có chùa mới xây... cố giấu giọt nước
mắt lắp dưới bờ mi.
Miệng bà há lớn dần, thấy rõ còn vài cái răng lấp lánh . Tôi
đưa cho bà xem vài tấm hình bà gởi về nước cho mẹ tôi, hình gia đình tôi, sợi dây
chuyền vàng 2 chỉ kỷ niệm dì Renê cho tôi 21 năm trước, ngày tôi có chồng... Có
thể dì đã hiểu, hiểu một phần dĩ vãng dòng họ.
Dì ôm tôi hôn, cái hôn nhau nghĩ cũng lạ trong đời người.
Đứa cháu gái giờ đây được phép lau sạch cái thân già tàn úa của
dì. Mồ hôi nhễ nhại mùa hè nước Pháp phủ luôn một màng tê tái trên làn da thiếu
chăm sóc, thiếu người thân quen của dì.
Dì Renê giống bà cụ trên Buôn Mê Thuột, vào đốn cây rừng dưới
nắng. Màu da dì Renê có trắng hơn nhưng hơi buồn chán, có chút cô đơn, xót xa.
*
* *
Chải lại mái tóc dì , mặc cái áo , cái quần cho giống người.
Điện thoại cho người phụ trách Viện dưỡng lão, tôi xin ở lại đêm, đóng 9 franc
để có bữa ăn tối.
Ở lại trong chung căn phòng rộng gần 2 mét, dài 3 mét, có được
một cái giường nhỏ, không tivi, không radio. Có một con chó trắng nhỏ, chó tên
Tina, có lẽ chó buồn nên không sủa và còn có một cây đàn thập lục cũ treo trên
tường trắng đục. Phòng dì nằm cuối cùng lầu năm, có nhiều phòng tương tự, có
nhiều cụ già đang sống. Họ gần giống nhau, đôi mắt yếu, thích im lặng để nhớ đời
người qua mau, có nhiều bất trắc, lạc loài. Tôi dìu dì Renê xuống sân, may còn
cái vườn, lấp lánh những lá xanh và vài cụm hoa nhỏ, không thì buồn chết.
Mắt dì Renê mở rộng thêm sau bữa ăn tối, khuôn mặt dì tươi tỉnh
lên, có lẽ lâu năm không có dịp ăn nhiều . Dì ăn chả Huế, cái miệng giống ăn trầu
. Chả của tôi mang theo biếu dì.
Dì không ăn món soupe sền sệt đó, món thịt cừu thái nhỏ nấu với
đậu dọn trên bàn . Dì chỉ ăn một góc lớn chả. Bữa ăn tối có chung nhiều người
già, bóng dáng chập chững rất giống nhau. Bà nói tiếng Pháp thanh âm cộc cằn,
nhát gừng cái "gu" già khó tính. Giọng Huế dì nặng chình chịch, cổ
xưa như cái thang máy trong cái viện này.
Nằm cạnh dì buổi tối, tôi chiếm chỗ quen hàng đêm của con chó
Tina. Đêm nay có lẽ Tina buồn.
Kể chuyện say sưa về cái thành phố mẹ tôi và dì Chút đang sống,
cái cuộc đời có một giòng sông xanh, cái ngôi nhà thân quen trong khu vườn Vỹ Dạ
có bình phong che chắn, có cái bến riêng trên sông, bên kia có cồn bắp, bắp nấu
chè, nấu súp, bắp nướng. Cái phong cảnh phôi pha đó ba người đàn bà có quá nhiều
dĩ vãng...
Đời người mẹ tôi như nhiều người khác, nuôi con nuôi cháu,
nuôi cho đến chết, khác người Tây, người Mỹ vào trại dưỡng lão cho chính phủ
trông chừng.
Dì Chút, em út của ba chị em đã trốn về nước hai năm, dì than
buồn, sợ cái lạnh ở New Yersey nước Mỹ, bỏ luôn con, luôn cháu, bỏ
cái dinh cơ người con du học gầy dựng nên, bỏ luôn cái trông ngóng của hai đứa
con.
Dì Chút về Huế sống với mẹ tôi, không cần hộ khẩu, ngày lên
chùa nuôi trẻ mồ côi , dì mượn căn cước mẹ tôi để mua vé tàu đi Hà Nội . Dì tin
không ai làm khó dễ, dì ước muốn khi dì chết cái thân xác được chôn cất tử tế.
Dì thường nói, dì sợ người ta thiêu xác rồi chôn chung mồ với
những người xa lạ. dì sợ bị thiêu, dì sợ cái nóng của lửa. Dì sợ mấy chữ
"lưu vong biệt xứ".
*
* *
Sáng ngày mai, tôi mua cho dì vài sợi giây chuyền, vài chiếc
nhẫn bằng kim loại rẻ tiền. Đêm qua dì bảo :
- Dì ước mơ có đồ chơi, đừng mua vàng rất nguy hiểm, dì không
còn ai hết.
*
* *
Ngôi chợ trời trong làng, kéo dài theo con đường lộ chính đến
ngôi giáo đường cổ. Có nhiều dân Rệp bán hàng, có nhiều ngôi nhà cổ
kiến trúc Ý lạ mắt. Tôi không quên mua trái banh Tennis trọc lông , ít sợi thun
để bà chơi thẻ, đếm thun.
Cuối chợ được lấp lối bằng đám đông người, nhiều ban nhạc du
ca giữa công viên. Những ngôi nhà chung quanh hoàn toàn che lấp bởi hàng chục bức
tranh trên tường , che luôn cánh cửa. Có cái bánh xe quạt nước lâu đời
nước Pháp đặt ngay trung tâm làng.
*
* *
Ngồi bên dì Renê, trên bãi cỏ ngoài công viên, cái nắng ấm
làm dì vui hơn,, cái khoảnh khắc còn lại. Gặp lại một người dì, có tiếng đẹp, cầm
thi nổi tiếng, tiền bạc có thừa, thời gian xứ lạ đến nông nỗi rã rời. Tôi thử hỏi
:
- Tại sao và tại sao dì trần truồng ?.
Dì kể cái ông chồng Tây nhà đèn của dì mất gần hai mươi năm,
vì ung thư gan. Thằng con trai đi lính chết đạn, bị tụi Rệp bắn khi tấn công
vào đồn ở xứ châu Phi. Hai căn nhà quận 18 - Paris hiện nay đang cho
thuê.
Dì buồn, xuống thành phố Tourane miền Nam để
trốn dĩ vãng. Có đêm dì đi về khuya, bọn Rệp đánh dì ngất xỉu,lột trần, may có
người cứu đưa vào bệnh viện.
Cuối cùng họ chuyển dì về đây cho vắng người. Mỗi tháng dì
còn tiền hưu mười mấy ngàn francs, họ trừ hết tiền ăn, tiền điều trị, tiền mua
thức ăn cho Tina, tiền khám thú ý... Dì không còn đồng dính túi . Tôi cho dì 50
franc dì xài rồi hỏi :
- Mỗi tháng dì có hơn hai ngàn đô, sao dì không về Việt Nam dì
sống ? Dì Chút đã về Huế hai năm nay.
Bộ mặt dì hoang mang khủng hoảng đến tội nghiệp, đôi mắt ngờ
vực đầy bất trắc luôn luốn có trên dì, nhất là khi nhắc đến quê hương mà dì đã
rời bỏ.
Từ hôm qua đến hôm nay tôi vẫn chú ý điều đó. Cái
tâm thức dì Renê bị đè nặng trong nhiều năm tháng, những cái thông tin làm dì tẩu
hỏa nhập ma, chối từ luôn mảnh đất sinh ra mình. Tôi trấn an dì :
- Con vẫn sống như hàng chục triệu người khác sống, con đi từ
Huế đến đây ghé thăm dì .
*
* *
Buổi chiều từ giã dì Renê, về lại thành phố Nice, công ty tôi
có cuộc triển lãm thương mại quốc tế, gian hàng nhỏ nằm giữa công viên trung
tâm, cạnh bãi biển, trong vùng Côtes d'Azur.
Ban đêm có nhiều xe hoa và thiếu nữ đẹp, có nhiều hoa ném kín
đường đời, có nhiều ban nhạc diễu hành, có nhiều điều bất hạnh in dấu trong tiếng
kèn đồng Phi châu dội vang giữa phố đông người.
Biên giới giữa tôi và dì Renê tại sao còn quá lớn, xa xôi làm
sao ? Thôi thì buông xuôi vậy.
*
* *
Ngày hôm qua, tôi kể một phần câu chuyện dì Renê, chuyện con
chó Tina và dì Renê vẫn sống, vẫn ăn, ngủ với Tina, không chơi đàn tì bà nữa...
cho giảm bớt thổn thức trông ngóng của mẹ và dì Chút.
Chiều tối, có hai người em gái bên kia cồn bắp lên chùa Tây Thiên, cạnh đàn Nam Giao, thắp nhang cầu an cho dì Renê và chó Tina, mong họ ngủ an bình trên chiếc giường nhỏ. "Họ" khác nhau một điểm, trong cái đầu con vật không có sự phá sản, không có sự tàn lụi, không có sự giẫy chết của linh hồn và tâm thức như ở con người.
25/8/2005
Dương Đình Hùng
Theo https://www.vanchuongviet.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét