Đến Trung Quốc nhìn lại mình
... Âm thanh của thác nước, tiếng chim hót, một rừng cây, mộ 72
Liệt sĩ với những kiến trúc mộ bia khác nhau... nếu các bạn lưu ý, thả bộ theo
lối mòn về cuối nghĩa trang, sát bờ tường rào có một ngôi mộ nhỏ và khiêm tốn,
dưới tàng lá xanh, đặc biệt có một hàng chữ tiếng Việt : Mộ liệt sĩ Phạm Hồng
Thái, sinh năm 1893, hy sinh ngày 19-6-1924. Ngày người anh hùng đó bị đem
ra pháp trường xử bắn, một con người từ Việt Nam đến, đem bom vào Quảng
Châu để ám sát toàn quyền Pháp, bị bắt và lãnh án tử hình...
...Thật chua xót, môt hình ảnh trái ngược : 70 năm
sau có những người Việt Nam lại sang Trung Quốc, mỗi ngày mang về quê
mình hàng ngàn tấn hàng lậu... như những quả bom xưa, nhưng để đánh phá các nhà
máy trong nước.
NGƯỜI HÀNH KHẤT MỚI TRONG XÃ HỘI NHIỀU KHÁT VỌNG.
Khúc nhạc Tàu vang lên từ cây đàn bầu, từ ống sáo tre. Tiếng
hát đượm buồn của đôi vợ chồng hành khất hiếm hoi ở cuối con đường hầm làm dừng
chân khá đông du khách. Những đồng xu rơi xuống chiếc mũ cũ, những tờ giấy bạc
đặt nhẹ trên đó... đám đông im lặng và có tôi đứng đó hòa mình lắng nghe. Cơn
gió lạnh thổi qua trên đường phố đông người. Tiếng gió chen trong tiếng nhạc buồn.
Âm nhạc đôi khi dẫn dắt ta về một hình ảnh nào đó, một quá khứ xa, tuổi ấu thơ,
nhịp sống lăn đều trong một đời buồn.
Người hành khất nhắc tôi một hình ảnh ngậm ngùi quen thuộc ở
ga xe lửa trung tâm Sydney hai năm trước... Cũng đôi vợ chồng trẻ tật
nguyền người Hoa, với chiếc nạng dựng bên người, cây đàn organ trước mặt, giọng
hát cao... giữa dòng người rộn rịp vội vã. Ngoài kia buốt lạnh, có thêm một gã
gốc Nam Mỹ, tóc dài phủ vai, đôi mắt mờ... cầm đàn guitar hát những ca khúc
châu Mỹ Latin cạnh bên chiếc ghế đá. Họ giống nhau, vì tấm bảng treo trước ngực,
cái giấy phép hành nghề hành khất được chính quyền cấp.
Khó có thể tưởng tượng, trên đất nước có hơn tỷ dân, bạn khó
tìm thấy một người hành khất, kể những nơi đông đúc nhất như ở Tử cấm thành, Vạn
Lý trường thành hay trong nhiều thành phố khác. Những hình phạt khá nặng nề, những
sự quan tâm của chính quyền với tệ nạn ăn xin. Họ làm sạch đẹp mọi thứ để khỏi
làm khó chịu trước mắt của hàng chục triệu du khách mỗi năm.
Khúc song ca của người hành khất dìu tôi tới cái ghế đá bên bến
sông Dương Tử. Tiếng đàn của họ văng vẳng tràn trên lớp sóng to cuồn cuộn trước
mắt. Tiếng đàn làm tôi gợi nhớ đến bản Đại hợp tấu của hàng ngàn hành khất, họ
cùng hát la lớn hôm đầu Xuân năm nay, khi vợ chồng tôi viếng chùa Hương. Hành
trình hội chùa Hương hôm đó cả vợ chồng H., phó đại sứ Úc tại Việt Nam. Anh ta
quen tôi bên Sydney trước khi tới đây nhận nhiệm sở. Tội nghiệp chàng
ta hôm đó, cái chân trái bị gãy do tai nạn tông xe mà phải lội bộ, trèo lên
chùa gần mấy cây số. Con đường dài, dốc giữa hàng ngàn người hành khất chận đường
ca hát. Hành khất đông đến mức trên đoạn đường dài đó không có được một khoảng
trống nhìn xuống ruộng đồng con sông bên dưới.
Trong lòng động chùa Hương, người đông kín, bày ra gà vịt,
xôi chè trưng bày trên chiếu để cúng . Sau đó họ nhậu tại chỗ, la hét giành chỗ
ngồi, chưởi nhau loạn lên trong hương khói mịt mù !
Phải xuống núi, vì không chen chân vào bên trong được. Quay về
đi giữa khúc Đại hợp tấu hành khất lần nữa. Nhìn chiếc áo trắng của H. mặc nhễ
nhại mồ hôi, râu tóc bạc trắng, đôi chân khập khểnh lê bước, tay chống trên chiếc
gậy là thanh củi lượm bên đường. Tôi vỗ vai anh ta cười, rồi nói : "Hôm
nay, H. rất giống Bang chủ Cái bang xưa kia".
Anh ta lắc đầu không hiểu. Trên con thuyền trở về bến đò, tôi
kể lại một phần câu chuyện của Tây độc, Đông tà, Nam đế... cho vợ chồng
anh ta.
x
x x
Bên kia đường phố đông xe, những người già hưu trí Thượng Hải
có tấm bảng tên gắn trên túi áo, họ đang nắm tay nhau, họ phụ cảnh sát giao
thông dẫn dắt các học sinh nhỏ qua đường lúc tan học. Những người già cuối đời
đang cố gắng đóng góp một vài công việc thiết thực cho đời. Một chuyện nhỏ
trong đời có ý nghĩa là tốt rồi . Mọi chuyện nơi đây họ đang giáo dục niềm tự
hào, lòng tự trọng dân tộc cho các em ở lớp tiểu học. Những đường phố khang
trang sạch sẽ, một cuộc sống vội vã dáng dấp công nghiệp, những đường cao tốc
được xây dựng ngày đêm ngay trong Thượng Hải chật cả người này và nhiều nơi
khác. Hàng ngàn chung cư cao 20-30 tầng, kéo dài tận nông thôn... tất cả cảnh
quan này báo hiệu một nền văn minh mới của đầu thập kỷ XXI.
Riêng trong ngành du lịch, sáu tháng đầu năm 1993 Trung Quốc
có 20 triệu du khách nước ngoài đến. Lợi nhuận chính phủ thu được khoảng 6 tỷ
đôla, (chưa tính của tư nhân). Người ta ước tính với nhịp độ phát triển hiện
nay, đến năm 2006 tổng số kim ngạch của Trung Quốc ngang hàng với Mỹ. Nếu đem
so sánh với phương Tây nước chúng ta có một khoảng cách khá xa. Mười năm nữa
chúng ta có theo kịp với các nước châu Á thời điểm này ? Hình ảnh Trung Quốc thời
điểm cuối năm 1993 này buộc chúng ta suy nghĩ. Cần phải nhìn ngắm, học hỏi...
những bài học quý báu và rất gần gũi với ta.
Mỗi buổi sáng, la cà bên ly cà phê, bàn chuyện đây đó...
không còn nữa.
Bạn là người nghiện uống cà phê mỗi sáng, nếu du lịch đến
Trung Quốc sẽ thấy khó chịu. Gần một tháng trôi qua ở đây, qua nhiều thành phố
khác nhau : Tuyết lạnh Bắc Kinh, sương mù Hàng Châu, Thượng Hải, nắng vàng Thẩm
Quyến, Quảng Châu, tôi chịu khó lội bộ tìm cà phê sáng, tìm trên đường phố ngõ
ngách như thế, nhưng không tìm thấy và cuối cùng cà phê chỉ có trong các khách
sạn dành cho du khách nước ngoài.
Tôi chỉ uống được cà phê sau 10 giờ sáng, khi mà cafeteria mở
cửa trong khách sạn. Người dân ở đây vội vã từ sáng sớm, thói quen uống cà phê
hình như không còn nữa, chỉ có trà và trà.
Thời gian lãng đãng mỗi sáng, bình quân một người mất nửa giờ.
Nếu làm bài tính cho cả nước này, thì mỗi ngày họ mất khá nhiều thì giờ quý báu
chi việc uống cà phê. Thời gian là tiền. Mất thời gian là sự trì trệ một nhịp sống
đang vươn lên.
Buổi trưa trên đường phố, trong bộ veston, chiếc cà vạt... họ
vừa đi vừa ăn, vừa đọc báo. Thức ăn nhanh, mì cơm trong chiếc hộp nhựa trắng. Họ
ăn trên ghế đá, một góc phố có bãi cỏ nhỏ, giữa dòng xe cộ ồn ào qua lại... cảnh
tượng đã khá quen trong thành phố lớn nơi đây.
Buổi tối, từ lầu cao nhìn xuống, hàng trăm công trình đang
thi công. Hình như họ làm đủ ba ca, ngày đêm. Một góc xa đang làm đường, đường
cao tốc, cống, điện thoại... những ngôi nhà cao tầng đang xây cháy sáng một góc
trời. Chính phủ dành tất cả lợi nhuận thu được đầu tư vào lãnh vực này, một
hình thức giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người dân, ngay trên đất nước
mình. Quốc gia có những con đường mới là những mạch máu mới vun xới nuôi sống
xã hội tương lai... đôi khi định giá một thành phố đang phát triển là nhìn những
công nhân làm việc trên các con đường, các công trình mới đó đang được xây cất.
Chỉ nhìn hàng cây chạy dài từ phi trường chính đến thủ đô Bắc
Kinh. Những luống hoa trồng chỗ giữa phân chia ranh hoặc hai bên đường cao tốc
nơi các thành phố Trung Quốc, nhìn những trạm thâu tiền, những người đội nón
lom khom lượm rác giữa xa lộ... họ đang kiến tạo những luống màu mới đầy sức sống.
Họ thâu tiền nơi phân ranh quận huyện. Một đoạn đường nhỏ 200km từ Quảng Châu đến
Thượng Hải (sát Ma Cao) có đến 5 chỗ đóng tiền, một lần đóng khoảng 5000 $ VN.
Tiền họ thuê người trồng cây tưới hoa. Hoa nở đủ màu xanh trắng đỏ bên cạnh những
thùng rác trải đều khắp mọi nẻo đường trong phố cách đều 100 mét. Xe bạn chạy
nhanh trên 100km/giờ, không ổ gà không nhấp nhô...
Đường phố sách, không tàn thuốc, không bao nylon, cái khang
trang sạch sẽ đáng quý chúng ta cần học hỏi. Khuyết điểm lớn nhất tại các phố
thị, theo tôi là khi nhìn lên tìm trời, ta sẽ bắt gặp màu sắc áo quần phơi kín,
làm khó chịu người nhìn. Quần áo triển lãm đầy trên những chung cư chật hẹp, dù
mới được xây. Chăn chiếu đủ màu cũng được phơi trên đường phố Bắc Kinh. Tôi bị
đi dưới những mảnh vải phất phơ ngay trong phố chính Thượng Hải, Quảng Châu...
những y phục nhiều sắc màu tung bay trong gió đó, còn thấy được chung quanh phi
trường Hồng Kông khi máy bay hạ cánh...
Đông dân, đất hẹp, quy hoạch nhà theo tiêu chuẩn mỗi người ở
mấy mét vuông, phá mất khá nhiều mỹ quan chung. Chuyện khó sửa lại là những kiến
trúc đã lỡ xây lên trong đời... giống vài anh taxi lái xe lâu năm khó bỏ thói
quen. Anh ta khạc nhổ xuống đường, ném tàn thuốc rất là tự nhiên ra khỏi khung
kính xe.
Nhưng họ không mặc cảm. Tivi chiếu thành phố Singapore sạch
sẽ ngày 2 - 3 lần cho mọi người xem, đặc biệt trong chương trình giáo dục tuổi
thơ. Vì tương lai ngày mai sạch đẹp.
DỪNG CHÂN Ở GÓC PHỐ, MUA MỘT MÓN HÀNG... CẢNH GIÁC NHỮNG LỜI
NÓI THÁCH.
Chuyện bạn mua cái áo cái quần, đôi giày, đồ chơi trên phố nhỏ
cho đến món hàng trong siêu thị, hình như đều phải trả giá. Có gần 5 - 7 giá
khác nhau khi đổi ra nhân dân tệ. Mua thứ đắt tiền như cẩm thạch, vàng trong
siêu thị cũng vậy. Bức tranh nhỏ để lưu niệm cũng phải trả giá, giá thực rẻ gấp
2 - 3 lần ...
Hôm đó tôi theo đoàn du lịch Việt Nam, cùng trên chuyến
bay. Sau khi thăm mộ Tôn Dật Tiên, gần trưa người hướng dẫn, dẫn đoàn đến cái bệnh
viện Đông Y trên chiếc đồi nhỏ cạnh sân bay (có trong chương trình tham quan
TQ). Đoàn du lịch có gia đình tôi và mấy chục ông cụ bà già gốc Hoa. Ba người
con gái khá nhiều son phấn đi chung chuyến bay qua đây đã biến mất tối hôm qua.
Một thanh niên lạ lãng vãng quanh đoàn và thì thầm với cô gái. Buổi ăn sáng, ba
người con gái đều không có mặt, có lẽ được người ta đón đi xuống Hồng Kông làm
việc mất rồi. Họ đi tìm chân trời mới .Chuyện các cô gái Việt Nam thời nay qua
đây tìm thiên đàng thì nhiều lắm !
Mấy chục ông bà cụ này, hầu hết có tổ tiên trăm năm trước chạy
qua Việt Nam thời Minh Mạng, nay quay về thăm tổ tiên xưa. Tất cả đoàn được đo
mạch, huyết áp... bởi cả chục người mặc áo trắng bao quanh . Họ giảng về y lý,
y dịch khó hiểu của y thuật xưa. Cuối cùng đoàn được dẫn vào phòng cuối, có ông
thầy tóc bạc ngang vai, mặc áo blouse trắng ngồi khoanh chân, đôi bàn chân ngửa
lên trời, giống kiểu Phật ngồi nhập niết bàn.
Họ cấm tôi quay phim, chụp hình. Đầu tiên, một bà cụ gốc Bạc
Liêu đứng lên, rồi ngồi trước mặt Thầy. Ông thầy tóc bạc quơ tay như cách không
điểm huyệt, rồi phùng má như truyền thần lực vào thân chủ... giống Bạch Mi sư tổ
sống lại. Chữa bệnh 5 phút thì xong. Bà cụ nhận được mấy loại thuốc màu vàng đất,
màu rêu đựng trong ba cái lọ thủy tinh lớn bằng lon bia. Họ đòi 400 đôla Mỹ.
Bà cụ lắc đầu, bảo con nó cho ít tiền để đi chơi. Cuối cùng
có sự thương thảo, bà cụ đưa 20 đôla, lấy 3 lọ thuốc. Khám bệnh còn phải trả
giá huống chi là đi mua hàng ! Mấy người kia sợ quá không dám lấy thuốc vì đắt
quá.
"ĐONG ĐINH ĐONG... ĐONG ĐINH ĐONG "Chuyện ngoại ngữ".
Máy bay hạ cánh Thượng Hải trễ mất 2 giờ vì gió bão. Hàng rào
chắn bên ngoài phi trường còn đông kín người. Người đến đón đưa chen lẫn tài xế
taxi. Những bảng tên người khách đến được nâng cao, rồi hạ xuống có lẽ nó làm mỏi
tay người chờ trong tiếng lao xao .
Vợ chồng tôi tìm cái tên mình trong đám lộn xộn đó nhưng
không thấy tăm hơi. Tìm người đón chúng tôi về và hướng dẫn đi ngao du trong
thành phố có dân số đông nhất thế giới này, vì thế sân bay lúc nào cũng rộn rịp
đầy người. Vợ xem chừng hành lý, còn tôi đi lòng vòng kiếm tìm người hướng dẫn.
Một cậu thanh niên đeo kính trắng, cứ đi vòng chỗ tôi nhiều
vòng, lắc chiếc chuông nhỏ, rồi nói đi nói lại nhiều lần "Đong đinh
đong" "Đong đinh đong... đong đinh đong".
Xứ Trung Quốc đông người, tìm được một người nói được tiếng
Pháp, tiếng Anh là một kỳ công. Dù họ đã mở cửa trên 5 năm, vấn đề ngoại ngữ
cho tầng lớp chung ngoài xã hội còn yếu. Khách sạn lớn tôi ở ở Quảng Châu, Bắc
Kinh... trên 30 chục tầng, chỉ có vài người giám đốc trẻ là nói tiếng
Anh. Bà vợ tôi học tiếng Tàu hơn một năm, rồi qua đây nói chỉ cho mình nghe
mình hiểu. Muốn đi taxi cũng khó, vì dân đông nên taxi chạy cho dân nội địa là
đủ sống rồi. Đón người nước ngoài ngôn ngữ bất đồng mất công, nên du khách khi
đón xe thường gặp tài xế chạy tuốt luôn chẳng thèm dừng lại... Nghĩ lại lái
taxi người Việt nói tiếng nước ngoài khá tốt, chưa kể mấy chú nhóc bán báo,
thuyết minh bằng tiếng Anh tiếng Pháp trên đường Phạm Ngũ Lão ...
Cậu trai trẻ vẫn nói "đong đinh đong" lòng vòng
quanh tôi. Chận lại, tôi hỏi bằng tiếng Anh:
- Đong đinh đong là gì ?
Cậu ta cười, hiểu được tiếng Mỹ rồi trả lời :
- Tôi có nhiệm vụ đến đón vợ chồng Đong đinh Đong - ôkê - okê
- Đong đinh Đong.
Cái tên tôi mà họ đọc như vậy, vì có thể có nhiều chữ khó đọc.
Tôi hỏi :
- Sao em không viết tên tôi như những người khác ?
- Em đã viết trên giấy nhưng vì đợi lâu ngoài mưa nên hư hết
cả rồi. Tất cả đều cười lớn, lên xe trở về khách sạn.
ĐẾN TRUNG QUỐC, ĐÔI KHI NẰM DÀI SUỐT NGÀY... chuyện trên TV.
Ngay trung tâm thành phố Thượng Hải gần 30 triệu dân, về mặt
văn hóa không có gì lạ so với các tỉnh khác. Có ngôi chùa cổ gần sông Dương Tử
hương khói mù mịt có tượng Phật làm bằng ngọc Miến Điện, gần đó một cảnh giả
hòn non bộ, núi đồi chim cảnh. Vài trung tâm triển lãm tranh, bảo tàng không gì
đặc sắc... còn lại là người đua chen mua bán. Kiến trúc cổ người Châu Âu bên
này sông Dương Tử, dấu vết đầu thế kỷ những cường quốc đến cấu xé đất nước này.
Xe cộ kín đường phố chính, khó tìm được một chỗ đậu xe.
Trời lạnh, những cơn gió rét khó chịu, phải thu mình trong
căn phòng trọ, dán mắt vào cái TV trước mặt. Hệ thống truyền hình đóng góp rất
lớn cho sự phát triển Trung Quốc hiện nay. Mỗi tỉnh có 5-8 kênh, có 2-3 kênh nước
ngoài, ăng ten bán nhiều ngoài phố. Chương trình 24/24. Buổi sáng có chương
trình thiếu nhi nói về thắng cảnh, di tích đền đài cũ. Nhấn mạnh đến Nhân, Lễ,
Nghĩa... của Khổng Phu Tử, đạo Hiếu gia đình. Họ tự hào về một nền văn minh lâu
đời (một vấn đề lớn mà người tây phương đôi khi bị bế tắc và tìm kiếm ở phương
đông).
Họ để dành riêng kênh cho thiếu nhi từ nước ngoài, phim giáo
dục, phim hoạt hình... đặc biệt không chuyển âm như nước ta, chỉ phụ đề Hoa ngữ
để các em đọc và học ( Vấn đề mà các em mê xem phim mỹ, phim bạo lực, phim kém
văn hóa được kiểm soát chặt chẽ, từ những nhà cho thuê băng video) Trong giờ
làm việc hiếm khi thấy trẻ em ngoài phố, tụi nhỏ hình như được chăm sóc tại nhà
trẻ.
Một chương trình dạy Anh ngữ suốt ngày cho mọi người có kênh
CNN, MTV (Âm nhạc)... họ dùng tivi như phương tiện chống những vấn đề hiểm nguy
của xã hội hiện nay. Khẩu hiệu Phòng chống Sida (Student Against AIDS) chiếu
cách một giờ một lần trong phần quảng cáo Toyota, Mercedes .... cái nguy cơ
chung của cả nước.
Tiếng súng nổ. Chạm súng bắn nhau trên đường phố, giữa Công
an và bọn cướp. Những phóng viên truyền hình đang quay lại, có thể dựng lại cho
người dân xem như là bản tin nóng cho thành phố mỗi ngày (giống nhiều đài địa
phương ở phương Tây hiện nay).
Rồi chuyện chuyến bắt buôn lậu vô bờ biển Trung Hoa,
chuyện một Giám đốc tham nhũng... tất cả đều ra pháp trường bị xử bắn. Ngày hôm
đó tôi xem cảnh xử bắn dựa cột trên TV : Tội của người bán ma túy, người buôn lậu
và một viên chức tham nhũng. Ba người đều đáng tội chết như nhau vì họ muốn làm
sạch cái xã hội con người đang sống. Chuyện mất chiếc xe đạp, giựt đồ... hình
như không còn thấy trên phố lớn Trung Quốc thời điểm này.
Một định hướng rõ ràng và cương quyết về xã hội, văn hóa,
giáo dục ở đây như là một mẫu mực cho nhiều nước kém phát triển. Môt chế độ
pháp trị khá cứng rắn nhưng rất cần thiết. Buổi tối có chương trình chiếu lại
ngày tổng thống Kennedy bị ám sát tại Dallas, họ nhắc lại câu nói bất hủ xưa của
vị Tổng thống này tại đại học Yales : "Bạn đừng hỏi Tổ quốc đã
làm gì cho bạn. Hãy tự hỏi bạn đã làm gì cho Tổ quốc".
DU LỊCH... chuyện dài.
Chỉ cần nhìn những dòng người đông nghịt cuồn cuộn đi vào những
khu du lịch như Cấm Thành, Vạn Lý, những ngôi chùa cổ ở Thượng Hải, Hàng Châu,
khu Trung Hoa Cẩm Tú... rồi thử dừng lại đếm những mái tóc đen, hung vàng, rõ
ràng du khách nước ngoài chỉ chiếm khoảng tỷ lệ nhỏ số lượng du khách.
Du lịch, một vấn đề quốc sách nhưng không phải chỉ chú trọng
vào người nước ngoài, mà chú trọng cả dân nội địa. Mặc dù có hai giá khác nhau
khi du lịch như ở nước ta, nhưng mọi chuyện rất dễ dàng từ thủ tục, đến khâu
khách sạn, ăn uống. Tưởng chừng như mọi thứ đều rẻ, rẻ đến mức ai ai cũng xài,
xài tiền nhiều cách khác nhau, đến khi cộng lại tiền xài đâu thua gì đi xài ở một
xứ khác. Một nghệ thuật thu tiền du khách cần học hỏi.
Dù đất nước rộng lớn, nhưng một tỉnh lớn bằng cả nước ta, chỉ
có vài điểm du lịch chính. Bắc Kinh khoảng chục điểm tham quan, Thượng Hải, Quảng
Châu... có vài điểm. Những điểm du lịch thì tập trung xây dựng kiến tạo rất quy
mô. Nhìn chỗ này, đoàn người không có chỗ chen chân ở Cấm Thành, kia kia một
khoảng trống, hàng ngàn công nhân đang thi công tu bổ tái tạo Hoàng thành xưa,
che chắn bởi một hàng rào cây, một màng nylon mỏng. Hứa hẹn một điểm tham quan
mới trong tương lai.
Chàng sinh viên trẻ bỏ cái kính trắng, đang cố gắng dịch sang
tiếng Anh những dòng chữ bên dưới tượng Phật. Tượng Phật nằm dài to không thua
tượng Phật trên đỉnh núi Tà Cú Phan Thiết. Cậu ta lại rờ những lá sen dưới tượng
Phật ngồi, lớn như Vũng Tàu. Ngôi chùa có đến mấy chục tượng, bên một góc kia
hàng trăm người đang che chắn làm thêm hàng chục tượng Phật khác, những tư thế
khác nhau khi thuyết pháp, khi nhập niết bàn... Cậu ta vẫn làm hướng dẫn cho
tôi lúc tham quan Thượng Hải và Hàng Châu. Cậu ta không vái lạy, hay thắp hương
như các du khách khác trước các tượng Phật.
Nơi đây, hình như kỹ nghệ Du lịch là phát triển nhanh nhất,
chạy đua với thời gian. Họ không giống ta quận huyện nào cũng có công ty du lịch
huyện quận. Một vùng đất vắng vẻ, xe hơi đi tới cũng khó, rồi cũng có Công ty
du lịch. Cái văn phòng lớn được sửa thành quán nhậu, cố thêm đèn mờ cũng chường
cái bảng du lịch Quận Huyện.
Du lịch cũng khó hiểu như lão bác sĩ chưa tốt nghiệp
trung học, ông quan tòa chưa học luật ngày nào... nhưng lại giữ vai trò rất
quan trọng, ảnh hưởng đến xã hội con người đang sống.
Có những huyện như Bình Long, An Lộc, A-Lưới, Sơn Mỹ... những
nơi đã có những trận chiến vang dội khắp thế giới, những dấu tích có một không
hai trong lịch sử nhân loại. Những vùng đất xứng đáng gìn giữ làm di tích chiến
tranh để con cháu nhìn nhớ lại và cho du khách đến tham quan, làm du lịch.
Nhưng tất cả người ta đã phá bỏ. Dửng dưng. Phá rồi xây một cái nhà khá vô
duyên, đề bảng Công ty Du lịch, cũng có một ông Giám đốc lãnh lương - nhưng
không làm việc gì hết !
Ở đây cũng có hồ Tây, nhưng hồ Tây có rặng liễu rũ, không một
cọng rác, không người buôn bán lẻ như thuốc lá, sửa vá xe, không một ngôi nhà
tư nhân xây dựng, chỉ có con đường nhiều hoa lá... hoa trồng nở rộ quanh hồ. Họ
hãnh diện đây là thành phố Venise của Á Châu. Trên 2 triệu du khách ghé vùng
này một năm. Nhìn lại hồ Tây ta thì ngược lại. Ngồi trên ghế đá bên hồ cũng phải
bị đóng tiền cho "đám bụi trần lãng vãng quanh đó - Hoa không mọc nổi".
Nhà cao thấp mặc sức chen nhau nhìn xuống hồ. Chùa Trấn Quốc buồn im dưới cây
đa già.
Du lịch Trung Quốc không chỉ ở những cảnh quan, văn minh ẩm
thực, đón đưa người khách lạ, nhìn nhớ lại về cội nguồn văn minh hằng bao thế kỷ
trước, mà họ tự hào... có ngày người ta cho tôi đi xem nông trường trồng trà
không xa Hàng Châu.
Nông trường trà cùng mấy ngọn đồi nhấp nhô lên xuống. Cuối
cùng họ dừng lại cho mọi người uống trà. Một bức chân dung nữ hoàng Anh ghé uống
trà cao 2 mét, những tấm ảnh của nhiều người nổi tiếng như tài tử cinê, nhà
chính trị, hoa hậu... tất cả đến đây uống trà, thế là du khách mua trà nhiều.
Du lịch là kiếm lợi nhuận, là thu nhiều tiền. Người ta khôn
khéo sắp xếp, cuối cùng của một cuộc đi chơi tham quan, lúc du khách mỏi mệt. Họ
dừng chân chốc lát, ăn uống mua sắm... tiêu tiền ! Du lịch có nhiều loại hình
khác nhau : Văn hóa, thể thao, kiến trúc, giáo dục, thiên nhiên... nhắc tìm lại
văn minh côi nguồn xưa. Họ giống chúng ta là mới đổi mới chỉ vài năm. Tại sao
chúng ta không tìm lại của 4000 năm văn hóa trước. Dù 1000 năm đô hộ bị xóa sạch
khá nhiều, nhưng những thời Tiền Lê, Đinh, Lê, Lý, Trần, Mạc... vẫn còn vô số dấu
tích ở những vùng Bắc bộ, Thanh Hóa, Nghệ An. Chúng ta cấp cho nhiều miếu,
đình, chùa, cái giấy chứng nhận, xem như xong rồi ? Biết bao danh lam thắng cảnh
miền Trung, miền Nam nhất là những dấu vết của những con người khai phá đất
phương Nam mấy trăm năm qua, nhưng còn bị con người coi thường hờ hững, xa lạ.
Sau năm 1975, chúng ta đã phá bỏ tất cả căn cứ Mỹ trên toàn bộ
lãnh thổ. Đã phá tan những căn cứ Khe Sanh, A Lưới, hàng rào điện tử Quảng Trị,
Bình Long... những chứng tích lịch sử chỉ có một lần và không bao giờ lập lại.
Những căn cứ tốn cả hàng chục triệu đôla, vang lừng trên thế giới. Một nơi làm
điểm du lịch cho hàng triệu cựu chiến binh, thân nhân và du khách nước ngoài từng
hàng năm theo dõi cuộc chiến tranh Việt Nam trên tivi. Những hàng cây xanh cao
trong thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Trà Vinh là những cảnh quan lạ với những
chiếc xích lô. Một hình ảnh lạ, khó tìm thấy đâu ở châu Á.
Chuyến bay đêm từ Hàng Châu về lại Quảng Châu. Vợ chồng tôi
và hai mẹ con người bạn, tất cả đều mỏi mệt sau ba tuần ghé đến đây. Mỏi mệt phần
chính là do thức ăn không quen, phải nhồi nhét hàng ngày vào bao tử. Đặc điểm
thức ăn người Hoa ở đây là có quá nhiều món ăn và món nào cũng bột và bột, từ
ăn sáng đến trưa chiều. Mùa đông hạn chế rau cải. Từ đó chúng ta thấy cái ưu điểm
của thức ăn Việt. Nó không cay quá như Thái, Ấn, không nhiều dầu mỡ, bột như
Tàu, không làm mau chán như đồ Mỹ, Úc...
Người tài xế taxi đưa đón chúng tôi về khách sạn với giá gấp
đôi thường ngày. Xe đang chạy bỗng anh ta tách xe khỏi xa lộ, quẹo vào môt con
đường nhỏ, đến một khoảng vắng, rồi dừng xe lại. Anh ta chỉ vào lốp xe hơi bị xẹp,
chỉ người trong xe phân bua là khá đông, rồi đòi thêm mấy chục đôla nữa.
Tôi bước khỏi xe. Đã 2 giờ đêm chung quanh vắng lặng. Lấy cây
bút ghi trên cuốn sổ số xe, chụp hình bảng số xe và khuôn mặt tài xế xe. Hắn
nhìn tôi. Tôi móc túi quần, đưa cái bóp da gần mặt hắn, cho nó xem cái chứng
minh nhân dân gắn ở giữa. Cái thẻ CMND bọc nhựa, có cái hình tôi, có khuôn dấu
đỏ... rồi nói lớn :
- Police, police ...
Hắn gật đầu có thể hiểu nghĩa police, nhưng chắc chắn hắn
không đọc được tiếng Việt. Tôi xấn lại phía nó như muốn đánh nhau, hắn sợ hãi
nhảy lên xe, rồi ra hiệu cho mọi người lên xe, hắn chạy taxi về khách sạn .
Ngày cuối, trước khi rời Trung Quốc về nước, tôi ghé lại lần
nữa hai điểm đu lịch nổi tiếng của Quảng Châu : Tượng đài bác sĩ Tôn Dật Tiên
và nghĩa trang 72 liệt sĩ kề cận nhau. Tượng đài đặt ở trung tâm thành phố
quanh một vùng cỏ xanh. Một điện thờ uy nghiêm, đọc lại câu nói bất hủ của bác
sĩ Tôn Dật Tiên "Hòa bình - Lao động... Ấm no thịnh vượng" Peace
Struggle Wealthy chính là điều Trung Quốc đang nỗ lực làm cho hôm nay và mai
sau.
Âm thanh thác nước, tiếng chim hót, một rừng cây, 72 mộ bia
liệt sĩ khác nhau. Tôi theo lối mòn nhỏ về cuối nghĩa trang, sát bờ tường có một
ngôi mộ khiêm tốn dưới tàng lá xanh, đặc biệt có một dòng chữ Việt "Mộ liệt
sĩ Phạm Hồng Thái, sinh năm 1893, hy sinh ngày 19-6-1924". Một con người từ
Việt Nam đem bom qua Quảng Châu, Trung Quốc để ám sát viên Toàn quyền Pháp và
mong ước là góp phần cho nền hòa bình độc lập tự chủ của nước nhà.
Để bó hoa nhỏ bên mộ phần của người anh hùng đó. Nhổ vài cọng cỏ hoang. Mặt trời vẫn còn chìm sau đám mây xám. Đọc tờ báo Business Weekly mua sáng nay, phát hành tháng 12/1993 bằng tiếng Anh in ở Trung Quốc, trang đầu có một ảnh lớn, mô tả một đoàn người Việt Nam sau một ngày đến đây mua hàng, khi trở về mang trên lưng những kiện hàng lậu lớn về nước. Bài báo viết về thành phố Dong Xing, dân số chỉ có 30.000 nằm sát sát biên giới Việt Nam. Trung bình mỗi ngày có hàng ngàn người Việt đến, hàng trăm ghe thuyền Việt bỏ neo đậu. Thành phố thu vào khoảng 350.000 đôla USA hàng ngày nhờ hàng lậu.
Một điều thật là chua xót. Một hình ảnh hoàn toàn trái ngược: Sau Phạm Hồng Thái 70 năm, có những người Việt đến Trung Quốc mang những tấn hàng lậu giá trị như những quả bom trở về đánh phá, làm tan nát kinh tế nước mình.
Những dòng du khách lần lượt qua nghĩa trang. Họ im lặng đặt
những vòng hoa và dâng nén hương trên từng ngôi mộ . Một vòng hoa lớn đặt trên
mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái, có lẽ đã vài ngày trước rồi, vì sắc màu hoa có đổi
thay, có dòng chữ trang trọng đính theo: UBNDTP Hồ Chí Minh. Chắc một vị nào
đó ghé thăm TQ và đặt vòng nguyệt quế đó.
12/12/2005
Dương Đình Hùng
Theo https://www.vanchuongviet.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét