Thứ Ba, 25 tháng 2, 2025

Nọc độc

Nọc độc

Đám chuối dày đặc ở hai bên lối đi đang chìm dần trong bóng tối nhưng ánh sáng của nắng chiều vẫn còn lấp lánh giữa cổng vườn, nơi các đọt tre đan vào nhau theo hình vòng cung. Xa hơn, mặt trời lưu lại những giải sáng rực, ẩn trong những đám mây trắng, khi từ từ chìm vào cuối chân trời, khiến cho bầu trời trong hơn với màu vàng nhạt và làm rõ hơn các gam màu xanh đậm, xanh nhạt và vàng nâu của những cánh đồng lúa. Trong cảnh an bình xinh đẹp ấy, vài cánh cò lượn ngang, lả cánh thướt tha nhịp nhàng như đang hòa theo khúc nhạc mơ hồ nào đó của chiều quê. Mơ màng trước cảnh vật, Chất chợt nghĩ đến cánh diều mà chính tay anh làm khi còn niên thiếu và anh cảm thấy vui sướng khi nhớ lại hình ảnh bay cao của nó. Mơ màng trong niềm vui sướng ấy, Chất hoàn toàn không nghe thấy tiếng chửi rủa của người đàn bà cạnh nhà cũng như những tiếng đáp trả của người đàn bà ở đàng sau lưng. Anh không hiểu sao cứ mỗi lần sau bữa cơm chiều là có những cuộc cãi vã xảy ra giữa vợ chồng đứa em trai út và vợ anh ở bên bờ giếng rồi đến tận hàng rào, ranh giới giữa hai căn nhà. Những tiếng cãi cọ ồn ào, có lúc kèm theo những cuộc ẩu đả với những lời lẽ khó nghe khiến anh cảm thấy chán ngán, và thường tìm cách phớt lờ qua những hình ảnh êm dịu có thể tìm được quanh khu vườn trước nhà.
Chợt, bức tranh êm đềm mà anh đang mơ màng thưởng thức bị xóa nhòa bởi một đám người đang tiến đến chỗ anh ngồi. Khoảng chục người gồm đàn ông, đàn bà và cả con nít chen lấn đi theo hai người thanh niên đang dìu một người trẻ tuổi, tay chân mềm rũ. Cảnh tượng như thể một nhóm ủng hộ viên đang cùng nhau dắt díu, giúp đỡ một “võ sĩ” gà nhà thua cuộc sau trận đánh tay đôi, bị “đối thủ” đánh nhừ tử.
Người đàn ông trung niên đi đầu với dáng vẻ đỉnh đạc, reo to khi bước đến sân phơi lúa:
“Ôi cha ơi mừng quá! Có anh Ba Chất đây thì có bị rắn độc nào cắn cũng có thể được cứu sống!”
Chất đứng bật dậy, nhìn nạn nhân, hỏi trổng:
“Em này mới bị rắn cắn?”
“Không, nó bị rắn cắn 4, 5 ngày rồi!”
“Vậy sao giờ mới đưa tới đây?”
“Mấy người này trên miệt Long Quang chớ có phải ở xóm đây đâu na! Người nhà đưa nó vô bệnh xá nhưng không chữa được. Nhờ nẫu chỉ nên mới kiếm anh đó!”
Chất lật đật bước xuống các bậc cấp, đưa tay chỉ đường, nói vội:
“Vậy mau mau đưa nó vào nhà đi! Đặt nằm trên cái giường đấy đấy!”
Bước đến cái giường gỗ nơi người đàn bà đang ngồi với đôi mắt đỏ hoe, Chất nhìn chị, nói với giọng gay gắt:
“Đi vào trong lấy đồ rồi chuẩn bị thuốc cho tui! Mắc chứng gì mà chiều nào cũng ‘rần rần’! Nhịn một chút không được na?”
“Dậy chớ anh coi… ” Người đàn bà nói trong tiếng nấc.
Chất nạt, cắt ngang:
“Có thấy ‘hắn’ sắp chết không? Tui không muốn nghe gì thêm nữa!”
Người đàn bà toan nói tiếp, chợt khựng lại, tiu nghỉu gạt nước mắt trên tay áo bà ba bước vào bên trong, không buồn đưa mắt nhìn nạn nhân, một thanh niên có khuôn mặt trắng mét như bị cắt hết máu và toàn thân bất động như một thây ma. Anh ta nhăn nhó quặn mình trên chiếc chiếu như một thây ma thật sự vừa bị nèo cặp bởi những người di chuyển không đúng cách, rồi rên xiết không ngừng. Bấy giờ Chất mới nhận ra nạn nhân trạc hai mươi tuổi, nhưng bởi khuôn mặt xương xẩu khắc khổ và thân hình gầy còm tiều tuỵ của anh, khó có ai có thể đoán được tuổi thật của anh. Nhìn xuống ống quần của người thanh niên, Chất hỏi trống không:
“Đâu? Em bị rắn cắn chỗ nào?”
Người thanh niên độ mười tám, em trai của bệnh nhân, vừa hổn hển thở vừa trả lời:
“Ở trên cườm tay bên phải đấy chứ không phải ở chân!”
Người mẹ ấp úng nói:
“Tại nghe nó bị tụt huyết áp, lại than lạnh nên ‘qua’ bắt mặc áo dài tay khi gọi xe đến đây.”
Chất không nói không rằng, im lặng cuốn tay áo của người thanh niên qua nơi có khoảng sưng tấy và bầm tím trên bàn tay phải. Ngắm nghía vết thương một lúc, anh quay qua nói với đám đông:
“Bà con cô bác làm ơn cho mấy đứa nhỏ dìa nhà hết đi! Chữa trị rần rần như ‘dầy’ tui không chữa được đâu!”
Người đàn ông trung niên nói hùa theo:
“Bà con về đi! Muốn biết kết quả thì cũng phải chờ vài ngày chứ thằng này bị nặng như vầy không khỏi ngay được đâu!”
Có tiếng đáp vang lên:
“Thôi dìa đi! Chớ ‘họ’ không cho coi, thì đứng đây làm gì! Nẫu nói đúng quá mà! Cái anh Ba Chất chữa rắn này dấu nghề dữ lắm!”
“Nhưng em ổng cũng biết chữa rắn độc cắn kia mà!”
“Đâu có bằng ổng! Ông út Lương chỉ học lóm thôi! Vậy mới nói là ông Ba Chất này dấu nghề! Anh em còn dấu nghề như dẫy huống hồ người dưng!”
“Nếu vậy thì mình dìa là phải rồi! Làng chàng không dìa, ổng không chữa kịp, thằng nhỏ này chết thì đừng nói xui!”
“Vậy chớ phải làm sao cho vừa lòng mấy người? Trạm xá chối rồi thì ai làm gì được. Phước chủ, may thầy thôi! Ở cái làng này, Ba Chất cứu bao nhiêu người bị rắn độc cắn gần chết, không biết ơn mà còn nhiều chuyện! Trời cho ai lộc nào, thì hứng lộc nấy! Chẳng lẽ mình có nghề gì cũng phải truyền hết thảy cho thiên hạ sao?”
“Hồi trước ảnh cho mọi người xem ảnh chữa đó chớ, vậy mà không hiểu sao bây giờ…”
“Tại rần rần quá mà! Nhưng nẫu không muốn mình ở lại, không cho mình coi thì dìa chứ mắc giống gì mà nói này, nói nọ?”
Mọi người lời qua tiếng lại khi lục đục bước ra khỏi nhà, lần lượt đi xuống tam cấp, ra ngoài sân lúa, rồi đến tận rặng tre cuối vườn chuối. Họ nấn ná trước cổng tre bàn luận râm ran một lúc rồi vãn dần.
Quanh chiếc giường gỗ nơi người bệnh nằm chỉ còn lại Chất, người đàn ông trung niên dẫn đường, người thanh niên có khuôn mặt đầy lo âu và người đàn bà khoảng ngoài năm mươi tuổi. Bà van vỉ với ánh mắt cầu khẩn:
“Em làm ơn cho ‘qua’ và thằng nhỏ con qua ở lại đây. Bệnh viện bó tay biểu ‘qua’ đem anh nó dìa chờ chôn, ‘qua’ không biết cách nào nên nghe anh Năm Phận tới đây nhờ em cứu giúp. Thiệt tình là ‘qua’ không tin thằng Dậu con ‘qua’ được chữa lành vì nó bị rắn độc cắn đã bốn ngày rồi. Khi vô bệnh viện nó ngất xỉu, bác sĩ có cho trụ sinh nhưng không ăn thua. Nghe nói chất độc ngấm vô người nhanh quá, làm trụy tim, tụt huyết áp. Bác sĩ nói nếu không chữa được phải đem về. Bệnh viện còn chối, huống hồ ai. Nhưng mà ‘qua’ nghe nẫu nói em chữa được thì qua cũng ráng đưa nó tới đây mặc may. Nếu chẳng may thằng Dậu vắn số thì còn có ‘qua’ và thằng em nó ở đây biết cách mà đối đế! Em thương tình hoàn cảnh mẹ con qua ở xa mà cho ‘qua’ tá túc ở đây chăm sóc nó. ‘Qua’ thề là qua chỉ muốn con ‘qua’ khỏi bệnh chứ ‘qua’ không ăn cắp nghề của em đâu!”
Chất trả lời với vẻ mặt lạnh lùng:
“Hồi giờ mấy người ở các nơi xa tận Hòa Đồng, Tuy An, Sông Cầu tới đây chữa rắn độc cắn cũng ở nhà đây cho đến khi tui chữa lành lặn mạnh khỏe chớ ở đâu!”
Anh định giải thích thêm về thái độ xua đuổi thẳng thừng của mình đối với những người hàng xóm. Những người đó từng chứng kiến nhiều lần sự chữa trị thành công của anh đối với các bệnh nhân bị rắn độc cắn trong tình trạng thập tử nhất sinh, và bị bác sĩ từ chối. Nhưng bấy giờ, trong tâm trạng không vui, anh không muốn nói nhiều, chỉ muốn yên tĩnh khi thực hiện công việc của mình.
Lặng lẽ đón lấy hộp đồ nghề từ tay vợ, anh mở chai cồn, vệ sinh tay xong, dùng bông gòn thấm cồn xoa quanh vết thương của bệnh nhân.
Ông Năm Phận phá tan không khí nặng nề bằng lời giải thích ôn tồn với người đàn bà:
“Chữa cho người bị rắn độc cắn không phải dễ đâu mà nói chuyện ăn cắp nghề! Nhưng chữa trị chứng gì đi nữa thì cũng để người chữa yên tĩnh chớ! Ba Chất nói bà con về là đúng rồi! Chứ chị đem con tới đây trị thì ở đây cho đến khi cháu nó lành bịnh chứ ở đâu! Nói tình thiệt là tôi tin việc chữa trị của anh Ba Chất này lắm. Không biết ảnh có bí quyết gì mà mỗi lần Bệnh xá chối, nói không chữa được nữa, biểu đem về là ảnh chữa thành công. ‘Trên trển’ cử người xuống kiểm tra mấy lần thấy ảnh trị rắn độc hay như vậy mới cho ảnh tiếp tục hành nghề chứ dễ gì! Để rồi chị xem lời tui nói có đúng không. Thôi bây giờ xong phận sự, làm trọn lời hứa rồi, tui dìa đây. Mai sớm tui qua!”
Nói xong, ông đi đến cửa trước, bước xuống tam cấp rồi rảo bước về phía cổng. Vợ của Chất cũng lặng lẽ đi ra sau bếp. Có lẽ chị đã được dặn dò phải làm gì khi gặp bệnh nhân bị rắn độc cắn, nên chẳng cần chồng sai bảo, chị đi đến chạn đựng chén đĩa lấy con dao con rồi đi ra phía vườn sau. Trời chiều đã tắt nắng nhưng chị không đem theo đèn để rọi. Chị biết chính xác vị trí loại thảo dược cần thiết dành cho việc trị tiệt chất độc của rắn ra khỏi thân thể của bệnh nhân. Lặng lẽ trở vào bếp, chị đem mớ thảo dược ấy rửa sạch, giã nhỏ với một chút muối sau đó gạn thành nước cho vào ly. Chị đem mớ bã của lá thuốc cho vào một cái chén, để song song với cái ly có nước thuốc màu xanh lục. Trong tư thế sẵn sàng, chị chờ chồng gọi thì chị sẽ đem hai thứ này lên cho anh ngay.
Chất quan sát kỹ những dấu răng trên chỗ sưng cứng, hỏi:
“Vì sao em này bị rắn cắn?”
Em trai nạn nhân đáp:
“Tụi con đi tìm nấm và măng trên núi. Ảnh đang lục tìm măng để cắt, bất thần bị rắn cắn.”
“Rồi biết nó là loại rắn gì không? Rắn lục xanh đuôi đỏ?”
“Nó luồn đi nhanh quá nên tụi con không giết nó được. Nhưng con nghĩ nó không phải là rắn lục xanh đuôi đỏ vì con thấy mình nó có khoanh. Chỉ không rõ là Cạp Nong hay Cặp Nia vì lúc đó xẩm tối.”
Chất nói:
“Cạp Nong có khoanh đen với khoanh vàng. Còn Cạp Nia có khoanh đen và khoanh trắng. Hai loại rắn này cực độc, bị cắn thì khó cứu. Nhưng, Cạp Nong ít cắn ai ngoại trừ mình đạp hay dẵm trên người nó. Nhưng mà ở bụi tre thì thường có rắn lục xanh đuôi đỏ nhiều hơn hai loại rắn này. Rắn lục xanh đuôi đỏ không độc bằng Cạp Nia và Cạp Nong nhưng đến chiều xẩm tối lượng độc của rắn lục xanh đuôi đỏ cũng đáng ngại không kém mấy loại rắn hổ mang chúa hay Cạp Nia, Mai Gầm! Loại nào thì ở đây cũng trị được, tuỳ vào thời gian nhanh hay chậm thôi.”
Dứt lời, anh dùng đầu nhọn của lưỡi lam mới khứa vào vài chỗ xung quanh vùng sưng phồng của nơi rắn cắn rồi nặn máu ra. Một giọt máu trắng như nước rồi lần lượt những giọt máu đỏ lẫn đen thẫm chảy ra từ từ. Anh nhanh tay dùng bông gòn chậm những giọt máu trong lúc cố gắng hết sức nặn mạnh nhằm lấy hết chất độc trong máu ra. Đây là phương pháp trị liệu dân gian của ông cha từ ngàn xưa nhằm loại máu độc hay các chất độc trong máu ra khỏi cơ thể giúp thông các kinh mạch khí huyết mà anh thường thấy cha anh, một lương y trong thôn Minh Đức, dùng mẻ chai cắt lể chứ không phải bằng lưỡi lam. Sở dĩ anh dùng lưỡi lam vì anh muốn dùng vật sắc nhọn có thể xuyên qua chỗ da cứng ngắc bởi tác động của chất độc ngấm vào đấy, một cách nhanh chóng, không phải mất nhiều thời gian như dùng mẻ chai. Qua kinh nghiệm, khi dùng mẻ chai, anh phải khứa nhiều lần mới có thể cắt xuyên qua lớp da dày và mới có thể làm cho nơi đó chảy máu ra.
Em trai nạn nhân quan sát việc làm của Chất không chớp mắt nhưng vẫn tiếp tục câu chuyện:
“Con nghĩ ảnh bị rắn Cạp Nia cắn! Lúc đó, tụi con cũng lo tìm cách cột tay chặn độc không cho về tim và nặn máu độc chỗ rắn cắn ra nhưng không ăn thua. Ảnh ói mửa, tiểu ra máu, lên cơn sốt nóng lạnh nên mẹ con con vội đưa ảnh đến bệnh viện ngay nhưng sau bốn ngày không hề thuyên giảm. Đến nay chân ảnh tê cứng không đi được, thở cũng khó khăn. Bác sĩ cứ nói là ca khó chữa, chứ không phải nói là không chữa được! Mà gia đình con không có tiền để ảnh nằm trong đó lâu hơn nữa nên tìm cách đưa đến đây.”
Vợ Chất không biết trở lại từ lúc nào, đặt chén bã và ly nước thuốc trên bàn nhỏ, trả lời thay chồng:
“Đừng lo! Anh của cháu sẽ được chữa tốt và sẽ bình phục như cũ!”
Chất im lặng không nói, tập trung vào việc nặn máu độc ra. Kế đó, anh lấy nhúm bã thuốc đắp vào toàn bộ chỗ sưng, lấp cả các vết lể, rồi lấy miếng gạc dài băng vết thương lại. Anh bảo người em trai phụ anh đỡ bệnh nhân ngồi dậy và bảo bệnh nhân uống hết ly nước thuốc. Bệnh nhân ngoan ngoãn nghe lời. Uống xong, anh nằm xuống, xin một cái mền để đắp. Một lúc sau, những tiếng rên rỉ của anh dịu dần và anh từ từ chìm vào giấc ngủ.
Vợ Chất dọn chỗ cho hai mẹ con bệnh nhân nằm cạnh giường của bệnh nhân rồi lui ra sau. Tối đó, Chất không vào phòng ngủ, anh nằm trên chiếc phản trong phòng thờ cúng ông bà, cạnh những cái giường nhỏ dành cho bệnh nhân. Trằn trọc không ngủ được, anh đảo mắt qua ánh sáng tù mù của ngọn đèn dầu, lướt qua những bức ảnh trên bàn thờ rồi đưa mắt chòng chọc nhìn lên trần nhà suy nghĩ vẩn vơ. Mới mấy tháng trước anh không ngủ được vì quá sung sướng và quá tự hào khi ngắm những miếng ngói mới màu nâu đỏ nằm xếp chồng đều đặn lên nhau. Và cũng mới mấy tháng trước ấy anh còn tự hào là đã thành công trong việc xây sửa và thay đổi hoàn toàn căn nhà tranh vách đất trở thành căn nhà tường gạch mái ngói khang trang, điện nước tiện nghi. Thế mà, tối hôm nay anh cảm thấy băn khoăn, không thể chợp mắt. Anh chợt nhớ đến cha anh và bà nội của anh. Hai người đó có ảnh hưởng lớn đối với nghề chữa rắn của anh hiện thời. Ngày ấy, cha anh được ông bà nội cho theo thầy Đông Y học cách chữa bệnh. Mỗi ngày, cha anh thường được thầy thuốc dắt đi lên núi tìm học các loại thảo dược rồi đem chúng về phơi khô hay trồng trong vườn nhà để lưu trữ dành cho việc điều trị sau này. Bà nội anh là người hỗ trợ cho cha anh cho đến khi ông trở thành lương y trong làng. Là người đạo đức bà thường khuyên cha anh cứu chữa người bệnh trong tinh thần vô vị lợi, không đòi hỏi tiền bạc, thù lao, trả công hay đáp lễ. Chính bản thân bà cũng thường trồng những loại thuốc nam trong vườn như cải rổ, củ chuối, củ mì tinh, sả, riềng, gừng, chanh, tía tô, quế, rau diếp cá, rau răm… và thường giúp bà con hàng xóm mỗi khi cần. Bà nội anh dù không được học thầy Đông Y như cha của anh, nhưng bà biết bí quyết chữa rắn độc qua một loại thảo dược không phải từ rừng núi mà ở ngay các bờ ruộng lúa. Thừa hưởng sự hiểu biết và kinh nghiệm của mẹ và kiến thức từ thầy thuốc, cha của anh dần dà trở thành người chữa bệnh có tiếng ở làng. Nhất là sau khi người thầy Đông Y dọn nhà đi xa.
Cha mẹ của Chất có mười người con, ba trai bảy gái nhưng các anh chị em của Chất đều không quan tâm đến việc chữa bệnh của cha. Sau khi đi học về, hay phụ giúp việc đồng áng xong, họ chỉ thích ra trước cổng tre chơi đùa hay tham gia các trò giải trí của những đứa trẻ cùng trang lứa trong xóm như làm diều, thả diều hay nặn đất sét. Họ còn thích những thứ tiêu khiển khác như hái bông lúa nếp rang thành nổ rồi ngào đường vàng thành cốm nếp, hay bắt cua, bắt cá, bắt chuột đồng để nướng ăn chơi với muối hột giã với ớt xanh. Chất cũng thích tham gia các trò chơi với cùng anh chị em và bạn bè cùng lứa nhưng anh thường có thói quen đứng tần ngần, chăm chú nhìn những việc làm của cha và bà nội, thế nên anh luôn bị sai làm việc và anh ít khi có thì giờ tham gia các trò chơi với anh em hay bạn bè. Có lúc anh bị biểu đi hái loại thảo dược nào đó, có lúc bị biểu giã lá, có lúc bị biểu phơi lá, hay bị gọi đi lấy thứ này, vật kia… Nhưng cũng nhờ đó mà anh nhớ được loại thảo dược nào trị bệnh gì. Nhớ nhất là loại thảo dược trị độc rắn mà bà nội và cha anh thường gọi là Cỏ Rô. Anh không hiểu vì sao bà nội và cha anh gọi loại thảo dược này là Cỏ Rô. Hình dạng của nó không thực sự giống cỏ. Và theo anh, nó giống một loại rau dại, màu xanh lục thẫm, sống len lỏi trong những loại thực vật hoang dại khác không tên tuổi và không hề được ai để ý tới. Chàng chỉ biết nó có tác dụng chữa độc rắn, độc rít, độc của ong và các loại độc khác rất hữu hiệu mà chỉ có người nào thường xuyên tiếp xúc với loại thảo dược này mới có thể nhận diện ra nó để hái và sử dụng. Đã nhiều lần, bà nội anh sai anh đưa cả một chai nước Cỏ Rô đến những gia đình sống ở trên núi nơi có người bị rắn cắn để giúp họ chữa bệnh nhưng bà chẳng bao giờ nói cho ai biết bà đã lấy loại thảo dược nào để làm ra nó, và làm như thế nào. Cha anh cũng vậy. Mà cũng chẳng ai trong làng hỏi họ đã sở hữu những loại nước thuốc quý giá ấy từ đâu. Hình như việc hỏi bí mật về thuốc gia truyền là một cấm kỵ tuyệt đối mà bất cứ người lớn hay trẻ nhỏ cũng biết và tránh. Việc đó được coi là một sự xúc phạm và bất kính đối với kinh nghiệm chữa trị của giòng tộc truyền lại từ bao nhiêu đời cho gia đình ấy.
Qua bao nhiêu năm tháng, ai ai trong làng Minh Đức cũng biết gia đình họ Trần chữa rắn cắn rất uy tín nhưng không hề có một ai đặt câu hỏi là do cơ duyên nào mà gia đình này tìm ra loại lá thuốc chữa rắn và cũng chẳng có ai hỏi lá thuốc chữa rắn là loại dược thảo nào, hay thường tìm thấy nó ở đâu. Chất làm công việc trợ giúp bà nội và cha theo thói quen, cốt cho xong phận sự chứ không hào hứng gì và ngay từ nhỏ đến khi lập gia đình, anh cũng không bao giờ có cơ hội tiết lộ cho ai biết cách nhận dạng loại thảo dược nào có công hiệu chữa độc rắn.
Theo thời gian, bà nội và cha anh qua đời, Chất không còn làm việc trợ giúp cho họ nữa. Học xong, đi nghĩa vụ, làm nông dân và lập gia đình, Chất an phận với những việc làm thường ngày. Do một sự tình cờ, Chất đã cứu một người bị rắn độc cắn từ một trạm xá từ chối. Sau đó, anh cứu thêm rất nhiều người bị rắn cắn bị các bệnh viện hay trạm xá chào thua. Đa số những người này làm nghề bắt rắn để kiếm sống. Uy tín chữa trị độc rắn của anh ngày càng cao và tiếng tăm chữa rắn của anh ngày càng vang xa. Nhờ thế, anh có rất nhiều bệnh nhân đến xin điều trị. Sau những lần chữa trị thành công, các thân chủ của anh thường đáp lại ơn cứu mạng bằng những hiện vật cảm tạ rất hậu. Đó là một trong nhiều lý do để anh có điều kiện để xây sửa căn nhà từ đường cũ kỹ của ông cha để lại được khang trang như ngày nay.
Căn nhà từ đường của ông bà nội sau khi dành cho cha Chất đáng lý phải thuộc về anh hai của Chất là Hai Thiện nhưng vì anh Hai Thiện bị tâm thần nặng sau khi đi nghĩa vụ từ Cam Bốt về và sau đó qua đời nên chỉ còn Chất và em trai út của chàng thừa hưởng toàn bộ khu đất của gia tộc. Họ bằng lòng chia đất để hai gia đình có điều kiện sống riêng tư, không phiền hà lẫn nhau. Thế là hai gia đình có hai khu đất song song. Chất là anh nên giữ căn nhà lớn, nhà từ đường, còn út Lương là em nên giữ căn nhà nhỏ. Khu đất của Chất có một vườn chuối rộng từ phía bên trái của nhà kéo đến tận đến vườn rau sau nhà, chưa kể nửa vườn chuối song song trong phần đất giáp ranh với khu đất của út Lương. Nhưng khu đất của nhà anh không có giếng. Cái giếng nước trong và sạch mà trước đây thường được bà con hàng xóm đến xin lấy nước xách về thuộc về phần đất của út Lương. Sau khi phân đất, gia đình của Chất vẫn thường xuyên sang giếng nhà út Lương xách nước nhưng hai chị em bạn dâu luôn bất hòa nên Chất phải thuê người khoan giếng bên khu vực nhà mình để lấy nước dùng. Sự hục hặc của hai người đàn bà lâu dần lây lan đến hai người chồng và bốn đứa con của họ. Tình anh em của Chất và Lương ngày càng tồi tệ và con cái của hai gia đình hầu như không nhìn mặt nhau. Tệ hơn việc xem nhau như người xa lạ, có lúc Chất cảm tưởng chúng xem nhau như kẻ thù. Những lời chửi bới và thái độ khá tiêu cực của hai gia đình đã làm cho hàng xóm dị nghị, đồn đãi, và dèm pha. “Tiếng dữ đồn xa” đã khiến cho những người chị dâu và em dâu của hai anh em Chất theo lệ “Nữ gia ngoại tộc”, lấy chồng về nhà chồng, phải lặn lội từ các gia đình chồng của họ để về khuyên nhủ cả hai bên. Nhưng không ai có thể thay đổi được tình hình. Lâu thành quen! Chất bỏ ngoài tai những lời dị nghị, và im lặng làm việc thường nhật của mình. Anh tập trung vào chuyện giữ uy tín trong việc chữa rắn cắn, chăm sóc khu vực trồng Cỏ Rô, rồi cắt phơi để dành chữa bệnh. Tự tin và tự mãn với sự thành công trong việc làm mà không ai có thể làm được, Chất thường phớt lờ những lời chỉ trích xa gần. Thế nhưng, không hiểu sao những lời đối thoại của những người hàng xóm hôm nay đã làm cho anh không thể chợp mắt. Anh ôn lại những lời chỉ trích của họ. Rồi những chữ “giấu nghề” lập đi lập lại vang vọng trong vào óc anh nhiều lần như những viên đá sắc nhọn đang ghim chặt lời buộc tội về tính ích kỷ của anh.
Chất ôn lại những việc làm của mình và của từng người trong gia đình rồi nhận ra sự tác hại của khác biệt. Sự chênh lệch giữa có nhiều hay có ít, giàu hay nghèo là nguyên nhân gây ra hiềm khích, máu thuẫn, ganh tỵ và oán ghét lẫn nhau. Gia đình út Lương ở trong căn nhà nhỏ, lại không có nghề chữa rắn cắn, kinh tế chật vật không như gia đình chàng. Chất hiểu vì sao Lương hay ám chỉ về chữ tham lam. Anh cho rằng người em trai út của anh đang ganh tỵ với khả năng trị bệnh của mình. Nó đang tức tối vì không kế thừa được phương thuốc gia truyền để có thể điều trị bệnh nhân bị rắn cắn và kiếm tiền như Chất. Có lẽ Lương nghĩ rằng ai là con cháu họ Trần thì có quyền biết bí kíp chữa trị gia truyền để có thể thu nhập tài chính như nhau. Ngược lại, Chất cho rằng những gì được thừa hưởng từ tổ tiên phải do từ kinh nghiệm được đúc kết từ quá trình làm việc cần cù nghiêm túc chứ không phải tự dưng mà có được. Đã có nhiều lần Chất muốn truyền nghề cho Lương nhưng rồi chàng kiên quyết bác bỏ ý định manh nha ấy. Anh biết tính tình ma mãnh của đứa em trai này. Khi biết hết tất cả bí quyết chắc chắn nó sẽ dùng phương kế tranh nghề giật khách và có khi tung ra những tin đồn thất thiệt để hại anh. Rồi khi nghĩ lại những lời chửi rủa ác độc của nó khi hùa theo vợ, anh nhất quyết không nói ra những bí mật khi sử dụng Cỏ Rô. Không phải là khi nhận biết loại thảo dược trị độc này là đủ để chữa trị. Có rất nhiều mối liên hệ khác khi dùng thảo dược Cỏ Rô mà nếu người trị không rõ, sẽ gây ra phản tác dụng hay có thể làm chết người ngay sau đó. Anh biết Lương đang học lóm nghề của anh và đang nhận bệnh nhân chữa trị như lời đồn. Anh cũng biết Lương biết Cỏ Rô là dược liệu trị nọc rắn nhưng Lương chưa biết khắc tinh của Cỏ Rô và những tác dụng phụ khác sẽ xảy ra nếu không được sử dụng đúng cách.
Miên man với bao nhiêu suy nghĩ trong đầu, Chất bỗng thấy chóng mặt và mũi anh nồng lên. Theo thói quen, anh đưa tay lên quệt giọt nước tanh ngai ngái mà anh biết chắc đó là máu. Chứng chảy máu cam của anh từ nhỏ nay trở lại. Anh chợt nhớ đến bà nội của anh. Mỗi lần anh chảy máu cam là bà tạt nước lạnh vào vách đất sét ngay ở trong nhà rồi bảo anh hít vào. Bà nói “Đứng ở đây rồi hít vào chỗ vách ướt nước này một lúc thôi là máu không chảy ra nữa!” Y như lời bà khuyên, máu trong mũi anh ngừng chảy. Rồi mỗi lần bị chảy máu cam, anh tự làm theo cách bà dạy để cầm máu. Giờ đây, không còn bà nội, cũng không còn vách đất ngày xưa nhưng anh không buồn đứng dậy để nhúng khăn ướt đắp trên đầu hay chữa bằng thứ dược liệu nào đó. Anh nghĩ đến chỗ đứng hít đất sét ẩm gần cái khung cửa sổ chắn bằng song tre và tấm liếp che cửa cũng bằng tre đan rất khéo. Cạnh đó có một cái giường làm bằng tre và trên đầu giường có những cái móc cũng bằng tre để treo quần áo. Khi nhớ đến những thứ này, anh lại nghĩ đến nhiều lời khuyên hữu ích của bà nội anh về chuyện ngừa bị rắn cắn. Bà thường khuyên con cháu khi lấy áo quần trên những cây móc, cần phải giũ nhiều lần trước khi mặc, phải giũ những đôi giày ủng ngược xuống đất nhiều lần trước khi mang và phải đập gối mền nhiều lần trước khi ngủ. Lúc ấy, Chất nghĩ bà ám ảnh những con rắn độc khi giúp người trị bệnh nên khuyên con cháu như thế. Nhưng sau này khi hành nghề chữa rắn, anh nhận thấy bệnh nhân bị rắn cắn đến điều trị không phải vì họ bắt rắn, bắt chuột, bắt chim, hái nấm, hái măng, cắt lúa, cắt cỏ ở những nơi thường có rắn như ở các bụi cây trên núi, trong rừng hay trên những cánh đồng… mà ngay khi họ đang nằm ngủ trên giường, ngồi trong nhà hay mặc áo quần treo ở trong nhà cũng bị rắn độc cắn. Những con rắn khi lang thang lạc lối có thể tìm cách cư ngụ trong nhà ở vùng nông thôn bất cứ lúc nào và sự trườn phóng, ẩn nấp nhanh chóng của chúng khiến con người khó có thể lường trước để ngăn chận. Vì lý do như thế mà mỗi khi ai bị chúng tấn công bất thần, khó có thể đối phó hay chữa trị kịp. Bởi thế mà khi con người có những hành vi ác độc và bí hiểm thường bị ví với tính cách của loài rắn.
Rồi Chất chợt nghĩ nếu anh không cho út Lương biết những bí quyết khi sử dụng Cỏ Rô và những khắc tinh của loại dược thảo này, út Lương sẽ gây chết người thì anh cũng độc ác chẳng khác gì loài rắn độc. Hơn nữa, nếu có quá nhiều bệnh nhân đến yêu cầu Chất chữa trị và anh không thể xoay sở một số lượng khách khá lớn thì chi bằng anh chỉ cho út Lương tường tận cách điều trị. Nghĩ như thế và định sẽ làm như thế nhưng một lúc sau, hình ảnh hung dữ và lời chửi rủa hỗn láo của út Lương hiện ra trong từng ý nghĩ của Chất thì anh lập tức xóa bỏ tất cả những dự tính đầy thiện ý vừa nẩy sinh. Rồi Chất hồ nghi rằng một ngày nào đó anh sẽ bị rắn độc hay người có tâm độc ác như rắn sẽ hãm hại anh. Cứ thế, ý nghĩ của anh lẩn quẩn với chuyện nên làm hay không nên làm cho đến lúc anh chìm vào giấc ngủ. Một giấc ngủ nặng nề với những hình ảnh trườn bò của vô số loại rắn độc xung quanh anh, kể cả những con rắn hổ mang cực độc ở Ấn Độ hay ở các vùng miền Tây Nam Bộ. Chúng vây kín và nhất quyết không cho anh thoát khỏi vòng kiểm soát của chúng. Sợ hãi đến toát mồ hôi, Chất thét lên trong cơn ác mộng nhưng thực tế những tiếng thét ấy chỉ là những tiếng ú ớ trong họng khiến anh tỉnh giấc. Nhìn chiếc cửa ra vào mở rộng đón những tia nắng bình minh, anh biết là mình đã ngủ quá giấc nhưng không ai đánh thức. Bước xuống phản, định ra sau vệ sinh, Chất chợt khựng lại lắng nghe cuộc đối thoại từ giường của bệnh nhân.
“Con đi được rồi mà đi tiểu có còn ra máu không?”
“Không mẹ ạ. Nhưng đầu con còn nhức và cả người còn ê ẩm lắm.”
“Vậy cũng đỡ lắm rồi! Thầy chữa thuốc gì mà hay quá!”
“Nhưng anh hai không ăn được mấy ngày, mẹ cũng nên mua thức ăn bồi dưỡng để anh lấy sức…”
Ba mẹ con đang nói, bỗng ngưng bặt vì sự xuất hiện của Chất. Anh vội vàng hỏi:
“Cháu đi lại được rồi hả?”
Bà mẹ đáp:
“Dạ đi được rồi nhưng còn yếu lắm anh. Mấy ngày trước ăn không được lại ói. Bây giờ chắc phải cho nó ăn bù để lại sức.”
Chất nghiêm mặt hỏi:
“Chị định bồi bổ cho cháu thức ăn gì?”
“Tui không có gì ngoài một ít nếp, đậu xanh và bánh tráng đem theo. Chắc tui xin nấu nhờ cháo nếp đậu xanh cho cháu.”
Chất lắc đầu với đôi mắt nghiêm nghị:
“Tuyệt đối không cho nó ăn đậu xanh, xôi nếp, những thứ có bột mì và có men như bánh mì. Nhất là không cho nó ăn các loại hải sản như tôm mực. Hiện thời cháu mới đi được thôi nhưng không có nghĩa đã lành hẳn. Chất độc trong máu vẫn chưa hoàn toàn được tẩy sạch và sẽ bộc phát dữ dội nếu không ăn kiêng trong thời gian uống thuốc. Trong thời gian này cháu chỉ có thể ăn cháo trắng với chút muối và phải uống thuốc đều đặn trước khi khỏe hẳn.”
Người đàn bà cúi đầu:
“Vậy tui làm sao có đủ tiền gửi cho anh mà tui còn phải dìa nhà lo rất nhiều việc đồng áng.”
Chất đáp với giọng nói đầy thương cảm:
“Chị và cháu nhỏ này nên về đi. Cháu lớn cứ để đây cho vợ chồng chúng tôi lo cho. Không bận tâm gì đến chi phí chữa bệnh.”
Khuôn mặt áo não của người đàn bà chợt sáng rực lên. Bà lắp bắp hỏi:
“Anh nói thật chứ?”
“Chắc chắn là thật!”
Rồi anh khẳng định với bà bằng câu nói mà anh thường nghe bà nội anh nói với những người bệnh nhân nghèo khổ trước đây:
“Chắc chắn là tôi không lấy mẹ con chị một đồng xu nào. Chị cứ để cháu ở đây cho tui lo đến khi cháu hoàn toàn bình phục!”
Lời khẳng định vừa thốt ra, Chất cảm thấy mình bị hố vì nhỡ miệng. Bởi nếu nhiều người than nghèo khổ đến nhờ anh chữa miễn phí thì làm sao anh kham nổi. Tuy nhiên, khi nhìn những giọt nước mắt cảm động của người đàn bà ứa ra trên khuôn mặt da rám nắng thì Chất cảm thấy mình vừa quyết định một việc làm đầy ý nghĩa.
Trưa hôm đó, sau khi cho bệnh nhân ăn cháo và uống thuốc, Chất ngồi trầm ngâm suy nghĩ khi ngắm toàn bộ mảnh đất của ông bà hiện chia thành hai khu đất. Ngày xưa, cũng tại mảnh đất này, bà nội và cha anh chữa bệnh miễn phí vì mặc dù mang tiếng chữa bệnh nhưng gia đình nội và cha chàng không sống bằng nghề này. Sau khi ông nội mất, để lại cho gia đình rất nhiều ruộng đất. Hễ đến mùa gặt, lúa đầy ngập sân, các bồ lúa còn đầy trong kho phải đem ra trạm xay thành gạo bán để lấy chỗ chứa lúa mới. Nhà nuôi nhiều heo, gà, vịt, ngỗng kể cả chim bồ câu nên thường xuyên có thịt, và trứng. Vườn có nhiều liếp rau đủ loại, lại có đủ loại trái cây như cam, chuối, đu đủ, và ổi. Trước cổng nhà bên kia đường lại có ruộng rau muống, rau môn, cần nước. Chiều tối mỗi khi đi đồng về anh chị em Chất thường ghé thăm những cái lờ để đem cá rô, cá lóc về kho hay nướng để ăn. Do gia đình giàu có, đất đai cò bay thẳng cánh, có của ăn, của để, con cháu không phải lo lắng gì. Còn sau này, các thửa ruộng cò bay thẳng cánh của gia đình nội đều bị hợp tác xã lấy hết. Cuộc sống ngày càng khó khăn, hơn nữa lại có nhiều yêu cầu của thời đại tiên tiến, mỗi gia đình tư riêng của con cháu nào cũng phải chạy vạy đủ nghề để tìm kế sinh nhai và chi trả những khoản chi phí cho cuộc sống mới. Chính vì lý do như thế mà Chất không thể áp dụng chuyện chữa trị bệnh nhân bị rắn cắn theo hình thức từ thiện như cha ông ngày xưa.
Chất chợt nhận thấy lý do mà anh từ chối việc chia sẻ kinh nghiệm chữa trị với người em trai út bấy lâu nay không phải vì sự làm ăn kiếm sống khó khăn hơn thời ông cha mà đó chỉ là cái cớ để chỉ có mỗi mình anh nổi tiếng và chỉ có vợ chồng anh kiếm tiền dễ dàng qua phương thuốc chữa bệnh thần kỳ đối với các bệnh nhân trong tình trạng thập tử nhất sinh. Và đó cũng vì thế mà hai đứa con của Chất sống đầy đủ hơn hai đứa con của út Lương. Chất tự hỏi là nếu anh đã có lòng giúp một đứa nhỏ đang tuổi con cháu anh và người mẹ khổ cực của nó thì tại sao lại không thể giúp hai đứa cháu ruột của anh và vợ chồng người em trai ruột của mình. Chất bỗng nhận ra rằng không phải chỉ có những loài rắn mới có nọc độc mà chính con người cũng có nọc độc. Nọc độc ấy là sự tham lam, ích kỷ và hơn thua. Những nọc độc này có thể làm tổn thương tinh thần người khác, và làm tê liệt lòng nhân đạo của chính mình. Anh cảm thấy những nọc độc ấy đã nhiễm trong thân thể anh, tim óc anh và từng ý nghĩ tiêu cực của anh bấy lâu nay mà đôi lúc anh cố gắng chữa trị vẫn không được bởi vì sự tự ái, cố chấp và ghim gút luôn luôn lấn áp. Anh chợt mỉm cười chua chát khi nghĩ đến danh vị một lương y nổi tiếng chữa nọc độc bấy lâu nay mà bản thân anh lại có nhiều nọc độc trong người. Rồi anh nhất quyết giải trừ những nọc độc này bằng sự bao dung, thương yêu và thông cảm. Anh quyết định dứt khoát là sẽ truyền hết phương thuốc kinh nghiệm cho út Lương để chú ấy có thể chữa trị giỏi như anh. Quyết định này đã làm Chất giảm hết mọi căng thẳng sau cơn ác mộng của tối hôm qua. Bỗng dưng anh cảm thấy không gian khu đất của ông bà hôm nay yên ắng và an bình hơn bao giờ hết.
Cung Thị Lan
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận bài thơ "Lỡ" của Đặng Xuân Xuyến

Cảm nhận bài thơ "Lỡ" của Đặng Xuân Xuyến Lỡ Tôi đắm hồn tôi nơi bến vắng Lướt khướt trăng vàng rớt đáy sông Thầm thĩ với người từ...