Thứ Tư, 26 tháng 2, 2025

Thơ và tết - Trong thơ Luân Hoán

Thơ và tết - Trong
thơ Luân Hoán

Nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh, một cây bút chuyên nhận định, phê bình thơ văn, một cây bút từng mang đến cho bạn đọc nhiều vóc dáng tác phẩm, tác giả qua những cuộc phong vấn, cặn kẽ, dài hơi. Trong một bài viết có đề Thơ Văn Nhạc Giáng Sinh, phổ biến rộng rãi trên nhiều trang điện báo. Ông phát biểu quan niệm chung của đại đa số giới sinh hoạt nghệ thuật: “Nói về mình đã thấy kỳ, nói về thơ mình lại kỳ hết sức...”
Người làm thơ, xưa nay vẫn thường đọc lại thơ của mình cho chính mình, cho bè bạn, và cho cả đám đông cùng nghe. Nhưng viết về thơ mình thì gần như chưa có, đúng như nhận xét trên của anh Nguyễn Mạnh Trinh. (dĩ nhiên, không kể đến những người viết sách ngợi ca mình dưới một tên khác). Việc làm vô duyên, “kỳ hết sức” này, hôm nay tôi xin được thực hiện.
Thật ra, những gì tôi sẽ viết dưới đây, nghiêng nhiều về chuyện kể lễ diễn tiến và cách làm thơ của mình, không đặt nặng phần nhận xét, khen chê. Không mang tinh thần của một bài điểm sách, giới thiệu tác giả. Nói tóm lại sẽ na ná một một câu trả lời, được ai đó phỏng vấn. Và mục đích của tôi rất cụ thể:
Thứ nhất, viết về thơ mình là tạo cơ hội sống lại những xúc cảm cũ, qua đó vuốt ve thêm một lần nữa những hình ảnh, những kỷ niệm một thời, có tuyệt vời đau xót, có cao điểm lạc thú .
Thứ hai, viết về thơ mình cũng là một cách làm thơ thú vị.
Thứ ba, nếu có xen vào vài dòng, vài chữ tự khen, tự chê, xin hãy xem giùm như một cách tự sướng trong lúc cao hứng. Làm thơ mà không biết tự sướng, tự khoái, khó làm thơ được. Có ông thi sĩ nào không tự khoái với thơ mình không?
Để bạn đọc tự quyết định nên đọc tiếp, hay bỏ ngang tại đây, tôi thấy phải xác định về cái tôi một chút xíu.
Tôi là một người làm thơ thứ thiệt. Thiệt đồng nghĩa với có nghề, có duyên nợ. Dám vỗ ngực tự xưng thứ thiệt, cũng bởi:
- đã có in ấn, phổ biến.
- đã được trích dẫn, lưu giữ.
- đã được lai rai nói tới, nhắc qua.
- đã được nhận xét đánh giá bằng văn bản.
- đã có chút ít bạn đọc.
Thật ra giá trị của cái thiệt này không chắc chi hơn được những thi thần của những cái “ảo”. Ảo ở đây là những vị lười xuất hiện, không ham có “danh” với đời, vốn rất dồi dào,  giữa cuộc sống của chúng ta.
Khoe là thiệt để tự vững tâm ngồi gõ những dòng về thơ mình. Tuy không giống ai, nhưng không lập dị, hợm mình. Ngoài một chút liều mạng lẫn băn khoăn có thật.
Khuynh hướng của một người làm thơ thường được định danh qua tác phẩm quen tay của họ. Từ đó, chúng ta có những nhà thơ tình, những nhà thơ quê hương, những nhà thơ dấn thân, tranh đấu, những nhà thơ trừu tượng, hiện sinh, vân vân và vân vân.
Nội dung hiện ra chủ đề. Chủ đề làm nên khuynh hướng, cá tính. Tôi vốn ba phải, gặp gì chơi nấy, nên nghiêm chỉnh xếp mình vào loại linh tinh. Tuy rằng cái khoa thả lời tán gái, ngợi ca người đẹp hơi lấn số trang trong tổng số giấy in đã phổ biến.
Vì linh tinh, nên khi viết về thơ của mình, tôi phải chia từng cụm nhỏ, từng chủ đề. Hôm nay, những ngày cận Tết, không gì hợp hơn, là viết về những bài thơ có hơi hám Xuân và Tết.
Có thể nói, Xuân là đề tài khởi nghiệp thơ của tôi. Cơ duyên giản dị:
Thân phụ tôi chững chạc là một ông đồ, dù theo học trường Lasan Pellerin Huế. Đa số ông đồ đều biết thơ phú. Thân phụ tôi cũng không thoát khỏi chuyện làm thất ngôn bát cú, song thất lục bát, lục bát. Chuyện đùa chơi với vần điệu của ba tôi có vẽ không là cái nghiện của ông. Khi tôi có chút ít trí khôn, tôi thường bắt gặp ba tôi làm thơ nhiều nhất vào những ngày sắp tết. Việc khai bút đầu năm của ông, rõ ràng không mấy khi nằm trong ngày mùng một âm lịch của tháng giêng. Thường thường ông viết trước đó chừng nửa tháng, với mục đích cụ thể: tặng bạn bè, cấp trên. Một bài thơ được chép nhiều bản trên giấy đỏ với mực xạ đàng hoàng. Người chép thơ, ngoài ông, còn có sự trợ giúp của hoa tay tôi. Và từ đó, tôi cũng tập làm văn vần với đề bài ngợi ca mùa xuân.
Thật khó có thể giới thiệu những bài thơ Xuân, Tết của mình theo thứ tự thời gian, dù tôi muốn dựa theo bố cục này. Dẫu sao, cũng cố gắng trước khi phải viết linh tinh theo đúng tinh thần linh tinh của tôi.
Không kể những bài thơ xấu số bị hủy bỏ, lãng quên, bài Mùa Xuân là một trong nhiều bài khác, được nhà xuất bản Văn Học Sài Gòn, trước bạ hẳn hoai, dưới tên chung Về Trời, năm 1964. Bài thơ nhại thể tự do trong cách chấm câu, xuống dòng. Vụng về, làm dáng, bốn từ có thể ghi đỏ bên rìa bài thơ. Không thể giấu bạn:
“anh trở thành trẻ thơ
nằm trong chiếc hòm sơn đỏ
hãy đắp mặt anh
đóa hoa hồng
và nụ cười nhỏ
bây giờ là mùa xuân
mùa của anh trong ngực
mở cửa cuối cùng
chim hót miệng em
cũng là bài ca dao
anh viết ban đêm
có đủ mặt
tự do
tình yêu
đời sống
xin cho em,
thế hệ nắng đầu mùa
súng nổ ngang đầu
không sợ
không thua
mặt trời vỡ làm sao làm mắt
treo niềm tin, đầu đồng đạn sắt
đâm thủng
độc tài
nô lệ dã man
trái tim xanh dạ hội huy hoàng
các em mở cửa đường hy vọng
phổi hồng khăn thơm phủ lên mái tóc
anh trở thành
bát ngát mùa xuân
trong chiếc hòm đen
trong giọng hát oai hùng
bước chân sáo bay tay cờ phất phới
thế hệ hôm qua
không còn gì quan trọng
anh vui lòng nhận phần đất quê hương
“an giấc ngàn thu” thân thế có hoang đường
xin em nhận mùa xuân làm hơi thở
ôi hồn anh đã vì em tan vỡ
(Mùa Xuân)
Chắc ý tôi lúc bấy giờ hoang mang cho thân phận tuổi trẻ, trước chiến cuộc ngày một qui mô, với mức độ tàn phá khốc liệt gia tăng.
Viết lại những tháng năm đã sống, dựng lại những hình ảnh cũ, là cái thú tôi vẫn thường lặp lại trong thơ mình. Thời niên thiếu, theo cha mẹ, rời Hội An, tản cư qua nhiều vùng Quảng Nam rồi tạm trú ở đất rừng Tiên Châu. Tôi hồi tưởng và lưu giữ khá nhiều hình ảnh năm tháng ấu thơ ấy trong thi phẩm Trôi Sông, ấn hành năm 1966.
Một ngày, năm cùng tháng tận của trời đất, tôi vẽ lại như sau:
vồng cải đầu sân chớm trổ hoa
buổi chiều nắng muộn gió se da
trời xam xám ngủ trong mây ướt
đất ngậm câm phơi dấu chân gà
bó gối, tôi nghe tiếng thở tôi
ngón chân-cái đỡ một con ruồi
cánh rung thỉnh thoảng, chừng suy tưởng
chừng nhớ nhung về ai đó thôi
tôi trở thế ngồi, ngó vẩn vơ
đầu kèo con nhện thả sợi tơ
buông mình lơ lửng bơi lên xuống
thong thả tìm vui giết thời giờ?
tôi trở về tôi, bẻ ngón tay
chẳng biết đời đang mất một ngày
tiếng chân quen thuộc chạm đầu ngõ
thơm trái tim thơ dáng mẹ gầy
(Tiên Châu, Chiều Cuối Năm)
Hay ho không có, nhưng ngây ngô rõ ràng. Ưu điểm ở chỗ: thấy được hình ảnh của tôi một thời. Đó là một thằng bé chừng như không biết đùa nghịch, không có sáng kiến để hóa giải cái tịch mịch đang bao bọc mình. Những nhịp tim sinh vật đâu đó không thiếu. Một con ruồi, một con nhện, cộng thêm những con gà, dĩ nhiên rất động. Nhưng cái động này dường như chỉ làm tăng cái tĩnh một cách an bình của không gian. Trời xam xám ướt, đất ngậm câm. Cảnh cuối năm thật lạnh, thật buồn, cũng may vừa lúc ở đầu ngõ vào nhà, vang lên tiếng những nhịp chân, báo hiệu hình ảnh người mẹ sắp xuất hiện, đủ để phá cái thời khắc cô tịch tuyệt đối: bó gối, tôi nghe tiếng thở tôi.
Bài thơ chính hiệu là một bài văn tả cảnh. Và cảnh sắc không lạ gì với những ai từng ở miền núi, ở nông thôn. Vuông sân đất trong những tháng giáp tết, hiện rõ nhan sắc, chức năng của nó: chứa đựng những vồng cải trổ ngồng vàng mướt, những cụm hoa vạn thọ vàng đậm, cùng những dấu chân gà loạn xạ, hằn trên những bụi rác cáu bẩn. Những hình ảnh quê mùa, tầm thường, nhưng rất mực đậm đà chất núi rừng hoang sơ. Sống cùng với cảnh, là những cử động đời thường của con ruồi, con nhện, của cả cậu-bé-tôi. Hơi thơ không buồn, không vui, nhưng bâng khuâng gợi nhớ. Chỉ vậy thôi.
Tôi làm thơ về mùa xuân, ngày Tết không nhiều cũng chẳng ít. Hầu hết những bài viết, đều đã cho chạy trên các báo xuân trước và sau 1975, tại hai quê nội, ngoại. Độc giả hẳn có đọc qua và đã quên cho nhẹ lòng.
Với bất cứ đề tài nào, với tôi, “cái tôi” của mình luôn luôn là điểm chính. Rất ít khi, tôi viết chung chung, để thích hợp tâm trạng với nhiều người. Gợi nhớ về kỷ niệm, là một cái thú, lặp lại hoài. Thực đơn tinh thần tôi ngày hôm nay, thường có một phần những gì đã xảy ra hôm qua. Tôi đã từng giới thiệu nhiều mùa xuân, ngày tết cũ của mình, qua nhiều địa danh. Mấy Thời Lững Thững Theo Xuân, gồm nhiều đoạn lục bát, không xuất sắc, nhưng gói gọn từng phần chân dung tôi theo tháng ngày.
“áo cổ bẻ, quần giây treo
chân đeo kiềng bạc, cổ đeo bùa vàng
gỡ tay chị, chạy làng quàng
chân phải, chân trái hai bàn vấp nhau
chống tay, chùi cát lên đầu
đâu ngờ tóc sữa xanh màu đến nay
Cẩm Phô trộn nắng vào mây
gió mùa xuân lót gót giày tháng năm”
(Hội An, 1945)
Tôi thật sự hạnh phúc đã có được một tuổi thơ êm ả như vậy. Chuỗi ngày thần tiên sau khi hồi cư về quê nội cũng khá ngon lành. Một trong năm mùa Tết nhà quê, nơi không xa Đà Nẵng bao nhiêu; nơi ngày nay nhà cửa, nghĩa địa của dòng họ Lê chúng tôi, đã bị san bằng không còn nhận ra. Địa danh Liêm Lạc đã mất, một Hòa Xuân sau 1975 cũng biến dạng. Vùng đất đã thuộc về thành phố. Năm (05) năm tôi ở đấy, hương Tết ấu thơ còn đọng rất thô kệch, quê mùa:
“sáng ra thấy mẹ mỉm cười
thấy cha hút thuốc rung đùi ngâm thơ
thấy xôi bánh ấm bàn thờ
thấy con se sẻ bất ngờ vô hiên
thấy tôi coi bộ có duyên
giày quai rọ, bê rê nghiêng tóc bồng
cả làng Liêm Lạc sạch bong
nắng tơ gió lụa lòng vòng ngọn tre”
(Hòa Đa, 1953)
“Mẹ mỉm cười, cha rung đùi ngâm thơ” hình ảnh có vẽ ước lệ, nhưng tôi bảo đảm có thật. Ba mẹ tôi có đóng kịch không thì tôi không biết. Những hình ảnh tiếp theo đều có thật trăm phần trăm. Tôi còn như sờ được những hiện vật cũ.
Ở tuổi 11, cũng thời đang hít thở cùng quê nội, tôi nhớ ra tôi như in:
“tôi dậy theo trầm hương ngát bay
đưa tay lên gối tìm đôi giày
đầu mền tuột khỏi vòng vai nhỏ
lọt khói trà cha đang trổ tay
ngụm nước đầu tiên, tê cả môi
hai tay vuốt má nước bay hơi
rùng mình một cái tan ngay lạnh
tôi lớn lên thêm một tuổi rồi!
bộ áo quần xanh màu lá cây
thắt lưng nhựa láng, bút nịt dày
bê rê đen lệch trên vầng trán
tay thọc túi quần, tôi bảnh thay!
thả bước chân ra đầu ngõ trông
lá cờ phướn lượn giống con rồng
đường sương chưa có ai qua lại
để thấy lòng tôi đang trổ bông
rồi pháo, rồi tia nắng sớm mai
dẫn tôi lững thững ngóng chờ ai
chợt già hơn bạn cùng trang lứa
bởi chiếc tằm ai gắn lỗ tai”
(Trôi Sông 1966)
Gần đây, bà xã tôi có đọc bài này, và tinh nghịch hỏi lọt khói trà cha đang trổ tay là ý gì? Dù nhận thấy hơi tối nghĩa, tôi cũng giải thích: khi cái mềm bị tuột, làm hở một khoảnh trống bã vai, khói trà từ ba tôi đang pha bay lọt vào, và ngoài mùi hương trà, còn có hương tưởng tượng từ những câu thơ ông khai bút cùng lúc với uống trà. Trổ phải được hiểu nghĩa đen là viết. Dùng động từ trổ để đẩy sự hình dung đến những câu thơ đẹp như hoa đang nở. Hai câu cuối bài, cho thấy tôi đã biết để ý đến một nhóc nữ nhi nào đó, cùng lứa với thứ nữ trang của thời bấy giờ.
Cái “để ý dễ thương” ấy, theo thời gian, lớn cùng tình xuân trong lòng tôi. Có vẽ rất phù hợp với tiết xuân đất trời. Tôi sớm bị thu hút bởi mùi hương của nhan sắc thiếu nữ :
“... chập chùng xuân ảnh vải hương
ngó ai lòng cũng yêu thương tức thì
giả vờ châm thuốc nhâm nhi
nuốt thầm vóc đứng, dáng đi quanh mình”
(Đà Nẵng, 1960)
Đấy là lúc tôi đã định cư tại Đà Nẵng. Đến thời đã vào lính, những ngày chuẩn bị đón Tết ở quân trường Thủ Đức, mùa xuân với tôi như là mùa tình yêu :
“đánh giày, chùi súng xong xuôi
trải bao thuốc lá lên đùi làm thơ
nắng xuân chín ửng ngọn cờ
vớt theo tình mộng vu vơ bên trời
nhớ em, quả thật nhớ rồi
nhớ thêm đôi mắt chịu chơi Biên Hoà
chẻ lòng trộn nét chữ hoa
đọc thầm cho cả bao la thấm đều”
(Thủ Đức, 1967)
Đôi mắt Biên Hòa ở đây không có thật. Có chăng là hồ thu của chị em Kim, Dung ở đường Phan Thanh Giản, trước Salon Xuân Quang của Sài Gòn, vào những cuối tuần tôi ra phép.
Nhưng mùa xuân và ngày tết đặc biệt nhất của đời tôi là một biến cố riêng, thật tàn khốc, khó có thể quên. Tiếng nổ trong buổi sẫm chiều hăm lăm tháng chạp, tại Thi Phổ Quảng Ngãi như còn âm vang. Lúc ấy tôi còn hồn vía đâu để nhìn trời, ngó đất. Nhưng tôi đoán mây ở khá cao, cỏ lá thật vô tư xanh biếc. Tôi thay đổi đời tôi một cách vội vã, bất ngờ trong khoảnh khắc ấy:
“rút quân từ ngọn đồi Mười
về ngang Thi Phổ, đất cười chào xuân
mới hay giọt máu thơm lừng
phổ lên cỏ lá trùng trùng âm giai
anh thần chết lộn, chạy dài
vấp ngang tảng đá ngã nhoài, tịnh tâm
bàn chân ta rụng dưới hầm
cúi đầu thấy lệ anh đồng minh rơi”
(Quảng Ngãi, 1969)
Đồi 10 là đại bản doanh của nhiều tiểu đoàn thuộc sư đoàn 2 Bô Binh, thay phiên nhau, giữ an ninh một vùng rộng lớn. Đồi nằm sát quốc lộ 1, về bên phải, nếu từ Quảng Ngãi đi về hướng Bình Định. Thi Phổ lúc bấy giờ là một làng mồ côi. Mồ côi vì chỉ lơ thơ một chùm nhà thấp nằm ôm nhau giữa cánh đồng xanh, cỏ nhiều hơn lúa. Làng bình thường, thanh bình thơ mộng như cái tên của nó. Buồn thay, chỗ này đã thấm nhiều giọt máu tôi, vay mượn của tôi một ít thơ. Trong đoạn thơ, tôi có dùng chữ «đất cười» vốn là tiếng lóng của đám lính chúng tôi, để chỉ sự đạp mìn, vướng lựu đạn.
Thời điểm tôi chia tay một phần chân trái, thuộc mùa Tết, nối chân nguyên đán Mậu Thân. Trên ngọn Núi Vàng, Đức Phổ, giữa những thương binh da trắng, mũi cao, độc nhất một mình tôi, người lính Quốc gia, trị và dưỡng thương. Không biết từ đâu có những lát mức gừng, mứt dừa. Tôi khóc thay vì ngậm chúng. Lạ lùng thay tôi được được cảm thông bằng những giọt lệ trắng lặng lẽ. Món quà lí xì mừng thêm một tuổi sống vô cùng quí báu. Nhìn khoảng trống một góc cơ thể, tôi vô cùng đau đớn. Tôi sắp được làm cha. Đứa con chuẩn bị ra đời không chỉ không có cha bên cạnh, mà vĩnh viễn không được nhìn thấy cha nó chạy nhảy như thế nào. Nhưng dĩ nhiên còn may, còn rất may.
Và cũng nhờ thần chết chấm lộn, (như tôi từng có lần chấm sai tọa độ, gọi pháo binh, trước đó, ở An Mô), tôi có thêm những mùa xuân đợi xuất cảnh ở Sài Gòn. Những mùa xuân sau này ở quê người, có ngậm ngùi, có hoan lạc:
“sáng ra 1B Duy Tân
chiều về Lê Lợi phơi chân, uống trà
chưa đi xa, đã nhớ nhà
thả tình vào ướp xóm hoa qua ngày
ngó con đường, ngó hàng cây
buồn không khắc nổi dấu tay để đời
ghé lăng Ông, ngó qua thôi
hồi chuông mùng một bỏ tôi lâu rồi”
(Sài Gòn, 1985)
Phần đời dài đúng mười năm, (1975-1985), sau ngày đất nước liền chung một dãi, thơ Xuân của tôi không được mùa, dù:
“... em vẫn là em bởi đời vẫn tết
quần áo rách dần ý chí còn nguyên
đời cũng say như men nồng rượu mạnh
sảng khoái làm thơ con cóc khẩu truyền... ”
(Một chút xuân quê nhà)
Hình ảnh ghi lại Ba Ngày Tết Năm 1978, không phải chỉ có chua xót mà còn hiện rõ tính trung trực của một giai đoạn xã hội. Bi thảm này không riêng với tôi, một ngụy quân, một ngụy quyền, có chút “nghiệp vụ”  được lưu dụng, mà chế độ mới, dành đãi ngộ toàn dân vùng đất vừa bị “giải phóng”:
“mùng một, theo gương bác
vác cuốc đi trồng cây
luống đời gieo nước mắt
cây ơi đừng đắng cay
tuổi ta không còn trẻ
nhưng đôi tay chưa già
đất ơi ta cuốc nhẹ
sao nghe ngươi thở ra?
ta trồng cây gì nhỉ
cây khế hay cây xoài
mấy năm sau có trái
trong trái có chứa dòi?
mùng hai, ta tiếp khách
cửa hé đón xuân vào
áo sờn nhưng chưa rách
trông ta còn bảnh bao
chào ông anh thuế vụ
chào anh bạn công an
chào ông phường đội trưởng
chào chế độ vinh quang!
miệng ta cười còn khá
lời ta chúc còn trơn
khách về tàn thuốc lá
vấn lại hút còn thơm
xuân ơi xuân đẹp lắm
tết ơi tết muôn năm
cảm ơn đảng quản lý
ngày mùng ba trống trơn”
(Hơi Thở Việt Nam, 1986)
Tại hải ngoại, phải ghi nhận: nhờ sự phát triển lộng lẫy của các tạp chí, nguyện san khắp thế giới, thơ mùa xuân của nhiều người lẩn thẩn như tôi, đã đâm chồi nẩy lộc khá phương phi. Đề tài Xuân, Tết được triển khai tương đối đa dạng, từ sinh hoạt chính trị, đời sống xã hội, hoài niệm năm tháng cũ đến tình yêu lẩm cẩm... Tôi nằm trong dạng sau cùng. Xin được dẫn chứng với nhiều bài thơ, sẽ không lẩm cẩm chú thích trích ngang, nên câu nào tạm được được, tôi xin tô đậm nét chữ:
“tháng chạp cải nở hoa vàng
rủ con bướm chở hương sang hiên người
lỡ lòng gởi sợi thơ tôi
khiến em lộ mặt, ngó trời, thở ra
trái tim có dịp la cà
qua thăm nhánh khế sau nhà người dưng
rồi vì, em biểu rằng:
- đừng!
nên chi,
em với ta cùng của nhau
một lần,
lần nữa, đến đâu...
đâm ra ở suốt bên nhau đến giờ
xuân xưa rất đỗi ngây thơ
xuân này tiếp tục ngây thơ bình thường
em vào,
nhớ khép cửa buồng
giữ hương xuân ấm chiếu giường quanh năm”
(Tình Xuân Lục Bát - SNCNTNT)
“... sáu mươi năm, tôi vẫn tôi
vẫn tôi, xuân nhớ Tết ngồi vô tư
vẫn tôi xuân nhớ từ từ...
Tết này Tết nọ thơm như tôi và
cái ngày mở mắt khai hoa
câu thơ vãi xuống mấy tòa thiên nhiên
tôi thành ngay gã thánh hiền
trong mùa Tết nọ để ghiền đến nay
xuân ngồi nhớ Tết, vui tay
câu thơ chưa trải đã đầy bóng em”
(Xuân Nhớ Tết - SNCNTNT)
“... gió xuân mồng ba lành lạnh
tôi về lại tỉnh, em đâu?
ngó quanh cây chanh cây ổi
man man ngọn lá lắc đầu
quá lâu không về ăn Tết
em cùng ai rúc đụn rơm?
nắp keng trên bàn cờ gánh
có còn đọng được mùi thơm?”
(Hương Tết - SNCNTNT)
“chiều ba mươi rước ông bà
em quỳ khấn vái còn ta đứng nhìn
cái lưng em vốn đã xinh
mùi trầm hương ngấm càng linh thiêng tình
ông bà trong cõi vô minh
hẳn tha ta tội vô tình làm thơ
tóc em nghiêng trước bàn thờ
đã là thơ của khắc giờ hiển linh
ta đây vốn chỉ thật tình
vẽ ra hoa quả với mình chân tâm
ông bà quá vãng lâu năm
nhắc cho họ nhớ chỗ nằm năm xưa
em ơi lát nữa giao thừa...”
(Rước Ông Bà – SNCNTNT)
Các bạn gắng đọc thêm một số bài nữa, vừa vui vừa ấm lòng. Lục bát, ngũ ngôn... ở thể loại nào, cũng mong các bạn lưu ý, cách tôi dùng chữ, chơi hình ảnh chân chất, hoặc ẩn dụ. Thơ tôi không có tư tưởng gì cao xa, không thiền niệm, không triết học, thuần túy là cảm xúc, gợi tình một cách đơn giản. Điều bình thường này, các bạn rất dễ bắt gặp, bởi tôi tin bạn cũng đồng điệu với tôi :
Bút Khai Xuân Tình
sáng ra lòng dạ bần thần
vói tay mở cánh cửa gần chiêm bao
chào em phơi ngọn hoa đào
chào em thả lỏng cửa vào động tiên
tôi theo bén gót thánh hiền
lên từng sợi cỏ thôi miên mặt mày
thơm lừng lựng những nhánh tay
thơm ngan ngát vạt thơ đầy tơ xanh
vuốt lòng, ngắm nét đan thanh
nghe oằn năm tháng những nhành xuân qua
hôm nay, tết lại đến nhà
giả lơ mà vẫn nghe già mấy phân
câu thơ khai bút nhắc thầm :
xa thêm chút nữa sân trần gian chơi
kệ đời, không để bút rơi
tôi khai mọi cửa như thời thanh xuân
chào em hiển thánh thơm lừng
(S.N.C.N.T.N.T)
Cùng Xuân Làm Thơ
dễ chừng hồn vía mùa xuân
đứng ngoài cửa sổ nhón chân ngó vào...
thấy tôi mở mắt chiêm bao
giữa mai, thược dược, cúc, đào, thủy tiên...
khói trà Mai Hạc(*) bén duyên
lên ngòi bút, thả đàn tiên xuống trần
tay dìu nét chữ lâng lâng
pháo giao thừa khắp châu thân nổ dồn
trầm hương dự trữ trong lòng
sáu mươi năm sổ cánh bồng bềnh bay
tôi rơi thanh thoát xuống ngày
tiền mừng tuổi đựng thơm tay thăm chừng
trái tim lựng chựng đi cùng
hương nếp bánh tét, bánh chưng quanh làng
thổi con gà đất sét vàng
nắm bong-bóng-lợn chạy sang sân người
ngọn cờ phướn mọc cái đuôi
vừa bay vừa thở vừa cười nhởn nhơ
con bài trùng đợi bao giờ
mê ai chẳng tới..., tôi chờ, chờ suông
phấp phơ mưa ướt cỏ vườn
mười lăm, mười sáu...xuân dường như xa
cành mai, chậu cúc...đã là
một đường mắt liếc, một tà áo bay
hâm tám cúi mặt cởi giày
chặt đi một đoạn chân đầy cỏ hoa
xuân nằm trên bụng băng ca
nghe trời đất bỏ sót da thịt thừa
câu thơ úng đọt nước mưa
còn chưa thủ phận? buồn chưa hỡi người!
dễ chừng mùa xuân với tôi
có hàng trăm đứa con rơi trong đời
nhìn từng sợi tuyết dong chơi
lòng xuân nên gặp xuân thôi, dễ dàng
vui tay dọn trống góc bàn
rước em nằm xuống mơ màng với ta...
(* hiệu chế biến trà ở Tam Kỳ -  S.N.C.N.T.N.T)
Đêm Xuân
em vẫn thời mười bảy
ta vẫn thuở cườm tay
đêm xuân chờ hoa nở
ăn cắp mùi hương bay
em không là thánh nữ
ta chẳng phải râu mày
những cuộc tình bất tử
đâu hẳn giàu đắng cay
em chừ không mấy ‘khéo’
ta chừ tệ như vầy...
bài thơ tình dở nhất
biết đọc vẫn thấy hay
đêm xuân chừng vẫn vậy
lạnh ngọt chiếu chăn dày
hình như trời đất thở
theo từng nhịp đắm say
(S.N.C.N.T.N.T)
Yêu Em, Yêu Mùa Xuân
một chút buồn dành dụm
trong suốt mấy mươi năm
vụng tay chợt đánh rớt
nở ra một đóa hồng
săm se hoài bỗng ngại
phai nhạt màu thanh xuân
tặng em, nếu không ngại
câu thơ bị nhiễm trùng
mùa xuân không ở mãi
với mỗi một chúng ta
nhưng áo em ủ lại
tình thơ mãi không già
tình yêu cần da thịt
thơ cũng cần thịt da
ta không là tặc tử
nhưng thi sĩ thường là
mùa xuân không mới tới
đã ở từ hôm qua
và vẫn còn hít thở
cùng tình yêu chúng ta
chút buồn ta đánh rớt
may mắn thành nụ hoa
mùa xuân vốn đồng nghĩa
với hương sắc đàn bà
yêu em yêu mùa xuân
những cái hôn thơm lừng
giả vờ như say rượu
ta cõng nhau trên lưng
(S.N.C.N.T.N.T)
Những Cú Chơi Đầu Năm
dù vẫn còn làm thơ
nhưng quả tình chán sống
dù thơ đã quá rỗng
vẫn sót một chữ tâm
mỗi năm chơi vài cú
lững thững vài mươi đường
âm điệu không phá sản
chỉ tại lòng bất thường
cảm ơn những chỗ nhét
một cái đuôi sắp cùn
lật trở trăm ngàn bận
vẫn chỉ là tủy xương

nguồn tình khi mòn nhẵn
em có thể vá khâu
trụ thơ cũng đại khái
đội tóc và tỉa râu
viết bậy mà không bậy
bởi cũng chỉ để chơi
bắn ra là tuyệt khoái
nghĩ chi nhiều, hơi đâu!
Lục Bát Xuân
1.
kể từ khi biết mặc quần
mỗi ngày tôi trổ nét xuân mượt mà
kể từ khi biết ba hoa
mỗi ngày tôi nở thịt da xuân tình
kể từ khi biết rập rình
mỗi ngày tôi có quanh mình mùa xuân
kể từ khi biết nằm chung
mỗi ngày tôi lót dưới lưng xuân thì
kể từ khi biết sắp đi
mỗi ngày tôi vẫn nằm lì với xuân
2.
đố em trong gói lì xì
ta cho em đó, có gì bên trong
thơm tho tờ giấy một đồng?
rồng bay phượng múa mấy dòng thơ hoa?
sắc hương của gốc cây già?
hay là, là cái, như là không tên?
lì xì cái đó cho em
chắc rằng em sẽ lớn lên tức thì
đố em đoán đúng cái chi
cái chi cũng đúng tùy nghi em cần
Lai Rai Vài Sợi Xuân Tình
1. Thơ Chúc bạn Vàng
làm thơ chúc Tết bạn bè
tưởng như chơi, có ai dè khó khăn
thò tay vào bụng, băn khoăn
bốc ra nắm chữ đỏ đen tím vàng
bỏ nguyên một đống trên bàn
ngồi trơ mặt ngó, ngỡ ngàng chiêm bao
bạn ta, tuấn kiệt anh hào
bạn ta, kẻ sĩ thanh tao khác thường
lấy đâu chữ đủ mùi hương
lấy đâu nghĩa đủ cao lương làm quà
lòng ta vừa mới bóc ra
hóa ra chỉ có đôi ba sợi tình
buồn tay vẽ trái tim mình
vẽ thêm mấy nhánh hoa linh tinh vàng
ơ kìa mùa xuân đang sang
bài thơ chúc bạn hoàn toàn vu vơ
2. Thơ Chúc Mỹ Nhân
này người đẹp tuổi bính thân
em đang ngồi dũa móng chân hay là
mơ màng nằm trải lụa hoa
nghe tinh khôi ứa hương ra chiếu giường
nguồn tình còn ngậm hạt sương
nuôi thơ nữ sĩ Xuân Hương sống đời
với thân thơm suối thơm đồi
xin em dành một cõi ngồi tôi riêng
một mình tôi được ưu tiên
một mình tôi đủ thẩm quyền nhớ nhung
sẽ chạm tình dọc sống lưng
sẽ khắc thơ giữa hồng trung chánh tòa
cho em mặc sức trổ hoa
bốn mùa vĩnh viễn đều là mùa xuân
em tha hồ cỡi áo quần
ngâm mình giữa cõi nhớ nhung sinh tồn
câu thơ lục bát dẫu mòn
vẫn còn thơm ngát lũng cồn nữ vương
thấy chưa, tôi thật dễ thương
vẫn làm lục bát lót giường yêu em
3. Thơ Chúc Bản Thân
chúc người mà không chúc ta
e rằng sợi tóc, nếp da sẽ buồn
xếp bằng ngồi giữa mặt giường
lim dim mắt nhớ phố phường xa xưa
hiên ngoài, đêm, rả rích mưa
ông xuân sắc vẫn đong đưa bước đời
đến thăm chưa ấm chỗ ngồi
đã đi cho tóc da tôi trở mình
mùa xuân, vĩnh viễn vô tình
chúc tôi tiếp tục hết mình ham chơi
Thơm Mãi Xuân Tình
tặng Nguyễn Xuân Hoàng
thong dong thả bước trên đường gió
không vấp vào đâu, bỗng ngập ngừng
hai bàn chân níu nhau quờ quạng
sau ót lạnh dài xuống sống lưng
thất thần mắt đứng trên nhân dạng
trường túc, thanh mi, hồng diện thơm
hạnh phúc vô cùng vì trúng đạn
hơn xa Từ Hải bởi đang còn...
sáu mươi hai tuổi rồi nghe bạn
sao vẫn như thời chớm mười ba
hóa ra cái liếc từ người đẹp
làm biến tan nhanh cái tuổi già
ta vẫn là ta son trẻ quá
như thời sách kẹp nách đi rông
áo, hoa, gót guốc, vành nón lá
liên tục thay nhau đến hớp hồn
ta vẫn là ta bay bướm lắm
như thời mang súng lội vào thôn
hiên mưa chái nắng treo thương nhớ
đậu xuống lòng ai những nhánh hôn
ta vẫn là ta sung sức thật
sáu mươi hai tuổi vẫn tưng bừng
cuộc sống hồn nhiên nhờ háo sắc
nhằm gì đôi lúc thoáng ê lưng
ta vẫn là ta luôn luôn bảnh
cái tình cái mộng cái vu vơ
ngắt ra một chút đời mê gái
đã đủ ươm nồng mấy luống thơ
cảm ơn tất cả em, con gái
từ thuở mười ba tới bây giờ
quờ quạng đi chung cùng lạng quạng
tám mươi... cũng vậy, vẫn như thơ
Lì Xì Đầu Năm
mùa xuân hí hửng trở về
đi đầu, anh Tết chỉnh tề ghê chưa
tóc xanh hát giữa gió đưa
mắt, môi thoa ngọn nắng vừa mười lăm
anh vào thăm ngọn hương trầm
anh vào viếng cả chỗ nằm, hồn nhiên
dựng tôi dậy, bắt làm duyên
cung nghinh người bạn chẳng riêng nhà nào...
ngó ra, em đã má đào
mắt môi chợt thả thơ vào lòng tôi
hơi em thở, đủ tỉnh người
tự nhiên sửa bộ, nói cười văn hoa
cảm ơn em mở lòng ra
thảnh thơi đứng đợi món quà đầu xuân
lơ ngơ, bối rối, ngập ngừng
vừa vui, vừa ngại, vừa mừng, vừa lo
đành thôi, tôi thử giả đò
hào hoa cho thật ra trò thử xem
trước tiên, lì xì cho em
hai bàn tay lụa hai bên hông đầy
hai làn môi mướt đắm say
cho môi em phút ngất ngây ban đầu
lì xì luôn cả ngọn râu
trưởng thành từ thuở biến sầu thành thơ
lì xì gì nữa bây giờ
một lời hứa vội để thờ, giữ nhau?
lì xì luôn cả chiều sâu
lòng tôi vốn cạn ngó đâu cũng tường
cái tình yêu rất bình thường
với ra, mệm, gối đầu giường đủ đôi
lì xì luôn đó, đời tôi
Vu vơ Mùa Xuân
mùa xuân lắm báo đặt hàng
đêm nằm ngủ mộng  mai vàng đầu hiên
lơ mơ thấy gió tháng giêng
lọt vào khe cửa hồn nhiên hôn mình
và trong khoảnh khắc hiện hình
thành cô con gái xinh xinh năm nào
hình như là Châu Bích Đào
từa tựa Nguyễn Thị Ca Dao, hay là
hao hao người đẹp Thu Hà
chợt hơi phảng phất nét hoa Hồ Hồng
sắc nhan lộng lẫy, bềnh bồng
mờ mờ ảo ảo nối vòng tay vây
một mình nằm giữa ngất ngây
bài thơ xuân đậu đầu tay bao giờ
sáng ra, lạc mất bài thơ
chỉ còn hình ảnh lờ mờ người xưa
vẩn vơ ngồi đến buổi trưa
uống nước thế rượu vẫn chưa được gì
lên giường, nằm xem tivi
bỏ lơ thơ thẩn, tức thì gặp thơ
nghiệm ra thơ chỉ là thơ
còn tôi, người đẹp vẩn vơ bên ngoài
thiu thiu lại gặp áo dài
lại Trang, lại Cúc...lai rai vào lòng
mùa xuân khiêm tốn đứng trong
ống tay áo đẹp khép vòng giấc mơ                                   
tôi là xuân, khó ai ngờ...
Thơ Tết Cho Thằng Bạn
gửi Chu Vương Miện
đã lâu bạn không gởi tặng báo ở truồng
chắc vẫn lu bu chuyện văn chương
mòn tay, chữ nghĩa không mòn được
giọng thơ diễu cợt càng dễ thương
chắc cũng như tôi, bạn tầm thường
cả đời không thể sống buồn suông
bàn tay ngứa ngáy đâm vơ vẩn
chuyện uống, chuyện ăn, chuyện chiếu giường
tôi nhớ cái thời còn trong nước
bạn suýt đã thành một phú thương
vỉa hè một sạp trăm mặt báo
giữa cảnh đời đang lúc nhiễu nhương
tôi đã ghé qua nhìn mặt bạn
mỗi người một góc cạnh quê hương
mai mốt tôi đi đầy một bụng
những ao bèo, cống rãnh, phố phường
tôi nhớ đầu thời cùng lưu lạc
hai thằng lận đận ở hai phương
thư bạn lâu lâu kèm vài chục
tặng khoản chơi hoang để giải buồn
nhớ tới nhớ lui nhiều chuyện lắm
càng già càng nhớ chuyện thân thương
thơ vẫn loanh quanh cựu hình thức
y hệt như ăn, ngủ, chiếu giường
Tết nhất mỗi năm càng thêm chán
thơ xuân nhai lại những sợi buồn
viết gì? thôi viết thơ thù tạc
mình vái nhau chơi, có bất lương?
có thể cũng là không có thể
an nhiên mà sống với đời thường
hãy như là đã thành cát bụi
đừng rớt ra ngoài chuyện yêu thương
Đón Tết Trong Mùa Đông
xúc đầy từng xẻng tuyết
mở lối đi vào nhà
rải muối lên mặt đá
cho vững bước chân ra
sẽ ngược lên hướng Bắc
hay xuôi về phương Nam
Đông hay Tây sẽ gặp
được một ngày bình an?
có thật đời thay đổi
theo từng hướng xuất hành?
hay thôi, đứng một chỗ
chờ hạnh phúc vây quanh
hôm nay mùng một Tết
mùa xuân không ở đây
ngẩng mặt trông trời xám
hồn nhiên tuyết bay đầy
tuyết tan cóng trên má
tuyết ngấm tím vành môi
tuyết không chạm đáy mắt
sao thành giọt nước rơi
tỳ tay lên cán xẻng
lặng lẽ đứng ngắm trời
hương Tết trong tâm tưởng
ấm dần ngực áo tôi
Xuân Con Gà ‘Ất Dậu’
1.
năm theo năm viết thơ xuân
hàng không ai đặt, cầm chừng giữ hơi
sáu mươi tư tuổi chào tôi
dẫu còn gân cũng qua thời thanh xuân
yêu em là chuyện vô cùng
câu thơ chẳng dễ đứng chung với tình
chữ dường như giảm hiển linh
vòng vo ý gối ảnh hình ba hoa
thật ra, mùa xuân mới già
còn ta vĩnh viễn vẫn là trẻ thơ
ngày ngày ước ước mơ mơ
kéo dài dài mãi cái giờ xuôi tay
biết đâu đấy nhỉ, kiếp này
ta tiên phong mở đường bay trường tồn
còn làm thơ, hẳn vẫn còn
còn yêu em kỷ hẳn còn trẻ măng
em nào kiểm chứng giùm chăng ?
2.
hai hàng vạn thọ dẫn vào
vuông sân nằm giữa bờ rào cây xanh
nắng mai luồn giữa lá cành
ửng trên mặt đất từng khoanh lụa vàng
mạch đời se sẻ bước sang
hồn xê dịch chẳng động bàn chân đưa
chưa mơ hết giấc đã trưa
chưa hoàn thành mới đã xưa mất rồi
mùa xuân mỏng mảnh vậy thôi
tôi chưa kịp ngắm chính tôi, đã là...
vuông sân đất ấm chân gà
mùa hoa cải gọi...hóa ra vẫn gần
mùa xuân, gã bạn chí thân
lại cho một chút lâng lâng bất ngờ
ngậm nghe thoang thoảng hương thơ
chưa ngưng ngọn bút, đã vơ vẩn buồn
còn bao nhiêu hạt bụi đường
đọng thêm trên đốt xương sườn thong dong?
vuông sân đất, một khoảnh lòng
đời còn mấy dịp lòng vòng theo xuân!
Thơ thẩn cuối năm
đâu thừa hơi tính sổ đời
một câu thơ đủ vốn lời cuộc ta
lên mười đã biết lân la
sáu sáu vẫn ngọt nẻo ra lối vào
trăng phơi lòng giữa ngàn sao
ta nằm vuốt thẳng cành đào thanh xuân
tiếng cười ai cấn dưới lưng
kéo ra nắn lại xem chừng ấm duyên
cái yêu là cái dễ ghiền
ngàn thu kim cổ lưu truyền thâm niên
ta từ người trở thành tiên
từ tiên thành phật hồn nhiên bất ngờ
cũng nhờ em hóa thành thơ
mang theo chiếc lá gói thơ một đời
chỉ vậy thôi, giản dị thôi
biết chơi chắc chắn được chơi dài dài
mượn em một nửa mép vai
mượn em một  rẻo vành tai đủ rồi
quanh năm đi đứng nằm ngồi
vẫn ta ngự giữa cái tôi chỉnh tề
bài thơ mới chỉ nhập đề
mà em biết cả bốn bề gió trăng
kéo dài cũng chỉ lăng nhăng
vụng tay, chẳng vụng đường răng lưỡi tình
ai chưa từng sống vì mình
mời theo tôi tập hết mình cho vui
một khi đã biết rung đùi
trái tim khắc biết yêu người quanh năm
Nàng Xuân
bất ngờ vô ý thở ra
nàng xuân yểu điệu thướt tha hiện hình
búp môi chúm chím nụ tình
dòng mắt lấp lánh rập rình chờ ai
bàn tay bọc vạt áo dài
ngọ ngoạy như  sắp muốn vòi vĩnh chi
trái tai mọng đỏ xuân thì
đôi tằm nhún nhảy bước đi nhịp nhàng
nhớ ra mùng một vừa sang
ngửa tay hứng giọt đời tràn lan xuân
sớm mai thức dậy bần thần
hắt hơi mấy cái, gặp cần cổ thơm
chợt lười rời khỏi ổ rơm
nằm nhìn chim ngẩng mỏ son gọi tình
nàng xuân chẳng phải thình lình
không chờ mở cửa hạ mình vào thăm
giày cao váy ngắn dạo vòng
cái bàn cây viết long  đong bất ngờ
cô mùng hai khá lẳng lơ
vói tay, chẳng nắm được tờ giấy hoa
lừng khừng sợ gặp cái già
chậm chân, cô gái mùng ba vẫn chào
áo cô chẳng có vạt nào
cái vòng xuyên lỗ rún thao thức tình
vành tai, lưỡi, mũi …đính đinh
hoa nở, bướm lượn xinh xinh khắp người
cõi tôi kính cẩn tới lui
hình như mặt ngọc vàng mười làm duyên
ngẩn ngơ lòng dạ điều nghiên
cứ lo sợ vấp khi ghiền nhớ nhung
búng một cái, ra thơ xuân
chỉ vì xuân sắc sống cùng trong ta
xuân như hương phấn đàn bà
định cư trong máu trong da thịt người…
ba lơn một chút cho vui
đời dần hao hụt ngậm ngùi ích chi?
Chuyện khai bút sáng ngày mùng một của tôi cũng khá nhiều. Có năm vừa lái xe xuất hành vừa làm thơ. Xông đất nhà bạn. Nhưng tôi ít khi bước vào ngưỡng cửa. Vài câu lục bát, ngũ ngôn gì đó, kẹp vào nắp hộp thư thế là xong. Thơ mang hơi hám của tôi. Tôi vui mà bạn cũng vui. Một số thơ khai bút, tôi viết về cái tuổi trời cho của mình. Những bài thơ này tuy vui mà thấm thía buồn. Sự tiếc nuối cuộc sống đã nẩy mầm. Càng tỏ vẽ giỡn cợt lạc quan, tôi càng vụng giấu nỗi bi quan. Bệnh, Tử lãng vảng đâu đó thật gần. Vờ nói không sợ chết, mà cứ lo ngay ngáy. Tôi yêu đời quá, thật khó lòng bỏ đi mà không vương vấn. Tôi không biết ngồi thiền. Tôi ít nói nhưng thích nghe. Lười gặp mặt nhưng thích đám đông, thích tiếng động. Một thời ở nhà phố đã quen. Mọi tiếng động với tôi như bè bạn, giúp tôi giảm nhiều cô đơn. Tôi nuôi chim để nghe chim hót, để nghe tiếng rỉa lông, mổ hạt của chúng. Tôi viết được dễ dàng khi mở nhạc, mở tivi, radio, trừ những tiếng khóc. Đại khái những bài khai bút, đúng thời điểm như vầy:
59 Xuân, tôi
1.
tảng sáng nghe chim hót
xế trưa nhìn mây bay
xẫm chiều gác chân đợi
trừ đời thêm một ngày
2.
không nặng như đá tảng
chẳng nhẹ như lông hồng
thỉnh thoảng nghe gió lọt
qua lòng chút bềnh bồng
3.
có lẽ vào buổi sáng
không chừng vào buổi trưa
biết đâu vào chạng vạng
kết thúc đời dư thừa
Buổi Sáng Đầu Tuổi Mới
thế là đã đến sáu mươi ba
không thể bảo là không già
bây giờ chưa đến hai giờ sáng
đã kéo màn ngồi trổ mắt ra
trời sững một màu tro nám đen
mây từng cụm ngủ giữa nền trăng
cành thông gió thở cầm chừng động
đất trắng lạnh màu tuyết hóa băng

nhìn mãi không ra một ngôi sao
bổn mạng ta đang ở hướng nào
thịnh suy tồn đọng bao lâu nữa
vẫn gắng kéo dài giấc chiêm bao?
chẳng bật đèn soi cũng thấy ra
từng đường gân máu từng vân da
trái tim bình thản đi thong thả
chưa có gì là khác hôm qua
vậy đó, mà là sáu mươi ba
rề rà chắc thọ giống gốc đa
trò chơi tuy cũ mà chưa nản
cứ mãi phồng lên rồi túa ra
chữ vẫn mươi dòng mốc đã lâu
mỗi dòng như thể mỗi sợi râu
nhìn qua thấy tựa như nhau thật
mà chẳng sợi nào giống đúc nhau
ta sống mỗi ngày một khác đi?
dường như lòng nhẹ bớt sân si?
sáu mươi ba tuổi rồi chín chín
ta khác nguyên ta những điểm gì?
Xuân 2009
còn một ngày nữa, 68
vượt kỳ vọng ngày xưa
(tưởng èo uột, yểu mệnh)
vẫn qua được nắng mưa
càng sống càng thú vị
tuổi thọ là bao nhiêu
nếu như được bất tử
đời thi vị hơn nhiều
thân xác có bé lại
tim phổi chừng phình ra
hao hụt chút da thịt
vẫn hơn là hóa ma
chừ sống thêm một bữa
quả quí hơn một năm
của thời làm đại sự
với lựu đạn, dao găm
làm sao không tưởng tiếc
uổng quá những cuộc chơi
mỗi ngày một đa dạng
mãi đổi mới cuộc đời
bắt ta làm ông lão
xin đừng, không chịu đâu
hãy gom già một chỗ
trên mái tóc đủ rồi
tháng năm và năm tháng
vẫn tồn tại đều đều
lẽ nào ta một bữa
bất lực không bám theo
lòng ta chừng đã quyết
lạc quan chịu đựng thêm
để sống và để biết
mạng người vốn mông mênh
không thể ký hiệp ước
với lũ khốn vi trùng
lạc quan, siêu vũ khí
diệt đến tên cuối cùng
càng sống càng cảm biết
tình yêu đời tăng thêm
dĩ nhiên kể luôn cả
những gì dành cho em
Năm 2010, tôi bắt đầu viết “nhật ký vớ vẩn” bằng thơ, nên chuyện khai bút đương nhiên phải xảy ra. Lợi dụng tính cách vớ vẩn, tôi thường kéo thơ như bán kẹo kéo, do đó, tôi xin trưng một nửa số câu thay vì bê hết bài vào đây làm phiền các bạn:
“.... tuyết chọn ngày cuối năm
chơi gọn hai chục phân
vợ, con về gắng xúc
xin mời vào, chúa xuân!
quà nấu cùng quà mua
năm ba món giản dị
vợ cúng rước ông bà
ta đứng bên trừ bị
thổ địa thần tài ngồi
ngó ta cười chúm chím
ta chột dạ hổ ngươi
vờ lăng xăng phủi bụi...
ba giờ mười hai dậy
xuống phòng khách đi quanh
chỗ nào cũng thấy Phật
hoa lá đứng yên lành
hồ cá có con lội
có con đứng tịnh yên
lọc nước chảy róc rách
lại ghế, giả bộ thiền
hai phút sau khai bút
viết thêm mấy câu này
một chiếc xe dọn tuyết
ầm ĩ mở tung ngày...
đầu năm vợ muốn được
đưa đón, ừ dễ thôi
hôm nay trời nắng tốt
luôn tiện xuất hành chơi
trở về thấy xe Bách
tuyết lấp kín nửa xe
nổi hứng xách chổi xẻng
mệt ứ, đâu có dè
lún tuyết đến đầu gối
cứ ngã tới ngã lui
mất hơn một tiếng rưỡi
mới tạm gọi xong xuôi
bây giờ ngồi ngó nắng
chiều đón cháu nội về
ngày mùng một không tệ
cả năm hết lè phè !”
(Montréal, 11 giờ 15, thứ năm, ngàymùng 1 Tết Tân Mão)
Năm 2010, cũng là năm tôi lên trung thọ, 70, nhưng chưa già ngắt, làm thơ rất dài hơi cho cái ngày đạt thành tích quí này. Quả thật không tiện chưng ra đây, bởi sinh nhật tôi và ngày tết chênh lệch nhau chừng một tháng.Tôi được sinh vào năm Canh Thìn, nằm ở đoạn đuôi con rồng, cũng là thời điểm bắt đầu của một năm dương lịch, 1941,  do đó có khác với nhiều bạn cùng Canh Thìn của 1940. (trong đám này có Hồ Thành Đức, Châu Văn Tùng, Võ Kỳ Điền, Thái Tú Hạp, Phan Duy Nhân, Nguyễn Ngọc Lang...nhiều nữa, không nhớ hết)
Nói về chuyện khai bút, xuất hành, xông đất...càng có tuổi những ngón chơi này càng tăng.
“... Năm Giáp Thân, 2004, đúng 3 giờ 12 phút sáng mùng một, tôi dậy viết chóng vánh bài bảy chữ, rồi sai nó đến xông đất bè bạn qua hệ thống internet của Videotron Canada. Nhờ phương tiện hiện đại, lần này bước xông đất của tôi được mở rộng khắp thế giới. Xuyên thủng cả bức tường lửa để về Việt Nam...” (Diễn Tiến Một Trò Chơi , phần 2 của thi phẩm Em Từ Lục Bát Bước Ra). Bài thơ được nhiều hồi âm, trong đó có hai bài họa của các anh Hoàng Chiêu Nhân và Nghiêu Minh. Nguyên bản bước chân xông đất của tôi như sau:
“dẫu bạn không mời, ta cũng đến
cùng giờ với nữ chúa mùa xuân
nhón chân háo hức ngoài cửa sổ
thót bụng hít đầy hương bánh chưng
bạn chẳng mời vào, không sao cả
ta nhìn đã rõ những bâng khuâng
trái tim đâu dễ cho ai đọc
ngoài kẻ cùng chung một nỗi lòng
ta bước vào nhà không ái ngại
và ngồi xuống chiếu bạn hân hoan
thuộc lòng câu chúc thơm ngàn tuổi
sè sẹ móc lên nhánh mai vàng
bạn sẽ hên xui, chưa biết được
cứ vui cứ sống thảnh thơi đi
vía ta mỏng mảnh như thơ vậy
ngày tiếp ngày, xanh mãi xuân thì
bạn có vài giây nghĩ đến Tết
cũng vừa đầy đủ nhớ quê hương
tâm tha thiết đã là bàn cúng
lễ vật nào hơn nỗi nhớ thương
ta đã lỡ đến rồi, thò vào túi
bao lì xì đâu, chắc rớt dọc đường
xin lỗi bạn vàng cho bù lại
mấy dòng quờ quạng gõ chưa suôn”
Đến năm Mậu Tý, 2008, trò khai bút của tôi càng được mở rộng. Với chỉ mấy câu:
ngỡ rằng mai mới vào xuân
hôm nay Tết đã về cùng với em
tôi nằm chăn gối hai bên
giật mình, mặc áo, nhổm lên, vái chào
đôi môi chúm chím hoa đào
em đẩy tôi xuống nơi nào thật vui
tỉnh ra, tiếc nhớ ngậm ngùi
khó quên được hột nút ruồi đầu môi
xuân và tết thật đẹp đôi
tôi, em tiếp sức nhau ngồi làm thơ
Có lẽ nhờ hai chữ “tiếp sức” ở câu cuối mà tôi nghĩ ra và thực hiện ngay ý định kêu gọi bè bạn cùng khai bút.
Vui Tết, có khá đông bè bạn hưởng ứng. Suốt thời gian xuân nhật, tôi nhận liên tiếp nhiều đoạn thơ từ trong nước lẫn hải ngoại, góp vui: nhà thơ Mai Văn Phấn, nhà văn Song Thao, nhà thơ Song Vinh, nữ họa sĩ Thanh Trí, nhà thơ Phương Triều, nhà thơ Phan Ni Tấn, nhà thơ Hoàng Xuân Sơn, nhà thơ Nhị Đuông, nhà thơ Lê Hân, nhà sử học Mai Khắc Ứng, chị Ngọc Yên, nhà văn Nam Dao, nhà thơ Sương Mai, nhà thơ Hà Nguyên Dũng.
Kết thúc tốt đẹp của cuộc chơi, không được lặp lại ở năm sau, bởi tôi luôn thích đổi thay.
Sưu tập một số ảnh, tranh khỏa thân của nhiều nhiếp ảnh gia, họa sĩ, tôi đề thơ thật dí dỏm, có hơi sex một chút, và ra tay thực hiện một PPS mang tên Thả Thơ Vào Tranh Khỏa Thân, gởi đến một số bạn thay lời chúc mừng đầu năm. Co thể tin đây cái PPS phổ biến thơ đầu tiên, khá xôm tụ, được phát tán thật rộng rãi. Số lượng người xem khá lớn. Thơ trong PPS này được chọn trong hai bài lục bát Cỏ Và Lá và Thả Thơ Vào Ảnh Khỏa Thân. Hai bài thơ dài trên 300 câu, nên phải chọn lại để hợp với điều kiện cho phép. Xin trích một số câu: (ghi chú tôi có một số thơ đã thực hiện pps phải trên 18 tuổi mới xem được, bạn nào tò mò có thể liên lạc).
Xem như đã cạn đề tài
mượn vốn em để vẽ bài thơ chơi
em cho vay mấy phân lời
nguồn vốn phong phú cả đời phấn hương
... cuộc đời tuyệt hão bởi vì
có cỏ có lá có thi sĩ và
có em khép mở chân ra
bướm ong chăm sóc nụ hoa nhiệm mầu
... trót xem kiều nữ khỏa thân
mời thăm tường tận từng phần dáng hoa
cái đẹp vô cùng bao la
nghệ thuật sống sượng vẫn là mỹ nhân
... gợi dục chẳng phải không xinh
thanh thoát chẳng thể làm quên gợi tình
tùy tâm động, tĩnh, u, minh
tìm ra hạnh phúc riêng mình tự nhiên
... chắc không cần phải tả chân
chỉ vịn em để gieo vần cho vui
vừa ngắm ảnh vừa rung đùi
biết đâu, đâu biết thành người đám đông
cảm ơn em đủ bốn vòng
ngực, eo, mông với cái nằm giữa chân
Thơ liên quan đến hồn vía mùa xuân của tôi không chỉ ở những bài vừa được trích trên. Còn nhiều, kể thêm tên một số đề bài: Nhánh Xuân Xanh, Hoa Xuân, Mưa Xuân, Tết 16, Cuốc Xe Chiều 30 Tết, Du Xuân ở Complexe Desjardins, Thơ Xuân Năm Con Rồng, Năm Tuổi, Thêm Một Cuối Năm, Nhánh Thơ Xuân Tình, Khai Bút Đầu Xuân, Tết Ở Tam Kỳ, Lục Bát Xuân, Lai Rai Vài Sợi Xuân Tình, Bông Đùa Đầu Năm vv... Số lượng vốn không được coi trọng, nếu nội dung tác phẩm khô đét những cảm xúc. Thơ Xuân của tôi ít nhiều cũng có một số nụ cười mặn mà cần thiết. Thơ vui không thể đọc, đó là quan niệm của anh Đặng Tiến, tôi mới biết, qua một điện thư. Có thể đúng. Nhưng tôi, ở cái tuổi thập lai hy này, đã cố gắng đem lại cho thơ những nụ cười. Cười cái đã, buồn vui tùy nghi.
Mở bài với ý định viết về thơ của chính mình. Nhưng đọc lại các trang vừa gõ, thuần túy chỉ là kể lễ về chuyện làm thơ. Vụng và hơi xa đề một chút. Nhận xét, đánh giá về thơ tôi cũng đã có ngót nghét một trăm người có uy tín về văn học nghệ thuật, nói chung, về thơ nói riêng. Thôi thì nên đọc họ viết tốt hơn.
Tôi mất đúng sáu tiếng để viết linh tinh như vầy, không biết có phí không? Đời còn dư giờ nhiều đấy. Dù không ra gì, mai mốt, tôi cũng sẽ tiếp tục với các nhánh thơ còn lại:
- Mê Và Tán Gái
- Cầm Lại Súng Ngắm Chơi
- Lượm Thơ Từ Nhiều Địa Danh
- Lững Thững Một Đời
- Những Người Tình Thật Giả Và Người Trong Da Thịt.
20/12/2011
Hà Khánh Quân
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận bài thơ "Lỡ" của Đặng Xuân Xuyến

Cảm nhận bài thơ "Lỡ" của Đặng Xuân Xuyến Lỡ Tôi đắm hồn tôi nơi bến vắng Lướt khướt trăng vàng rớt đáy sông Thầm thĩ với người từ...