Bản nhạc viết lúc không giờ
Minh vô phòng kế toán với nét mặt cười cười, quá biết nét mặt ấy liên quan đến chữ “tiền”, nhất là lại đầu tháng nữa, Thu bắt nọn liền:
- Bộ hết tiền rồi hả?
Không đợi Minh trả lời, Thu nói tiếp “đang làm lương, xíu nữa đi Kho bạc, sớm lắm thì chiều mai lương vô tài khoản”.
Minh càm ràm, không biết sao chỉ chục bước chân từ cái nhà kho bạc qua ngân hàng mà đi tới mấy chục giờ? Thu không trả lời cô hỏi qua chuyện khác:
- Sao nghe nói Minh không cần lương mà?
Minh trả lời:
- Sao không cần lương, nhưng tiền lương có bao nhiêu, đâu sống được, nhận lương xong, trả tiền vay tín dụng, tiền thuê nhà là hết trọi?!
- Vậy chớ nhà của ba mẹ để lại sao không ở mà phải đi thuê nhà chi cho tốn?
- Cho vợ chồng hai đứa em gái ở, mấy con người ta mà chất vô cái nhà 50 mét vuông thì đâu còn chút không khí nào cho tui thở chứ?
Thu biết Minh phải làm thêm, nói cho cùng, Minh dẫn chương trình trong các tiệc cưới cũng có duyên, thêm vài tiết mục văn nghệ, một show đám cưới cũng được dăm trăm, tháng hơn chục show thì cũng đủ cho cái thói xài hoang của Minh. Minh đi ra khi biết thông tin về lương, tháng này lương tối thiểu lên nhưng nghe Thu nói phải tháng sau mới cho truy lãnh. Minh chịu không hiểu sao phải đến tháng sau, tại sao không là tháng 5 chứ? Chuyện này chịu không sao hiểu được, lại phải nói khó với anh Lưu Phong rồi. Tháng trước, túng tiền, không có mấy show đám cưới, mà thằng bạn ở tận Cà Mau lại gọi điện lên cầu cứu, Minh phải mượn đỡ của anh Lưu Phong triệu rưỡi để cứu bạn, bây giờ đến hẹn trả lại chưa có lương. Vừa đi Minh vừa nghĩ, mà lương cũng đâu phải của mình, mượn đỡ của Quỹ tín dụng và của bà chủ nhà để trả cho anh Lưu Phong, rồi hôm nào có show trả cho mấy nơi đó sau. Nghe Minh kể khổ, Lưu Phong cười trừ:
- Anh tính dùng số tiền đó để đưa thằng Vespa về Ninh Chữ nghỉ hè, nhân tiện thăm nội luôn, vậy chú cứ để đó đầu
tháng 6 đưa cho anh là được.
Minh vừa đi ra khỏi phòng vừa huýt sáo một giai điệu vui, không vui mới lạ, tưởng phải chạy đôn chạy đáo mượn tiền trả cho anh Lưu Phong, vậy mà thoát nạn, dù sao mình cũng phải giữa chữ tín chứ! Ngày vui dài chẳng tày gang, huống chi chỉ là một niềm vui nho nhỏ, thấy mặt Minh, bà Phấn hỏi liền:
- Đầu tháng rồi, cậu Minh định lúc nào trả tiền tôi đây, cuốn sổ thành một dọc rồi cậu ơi?
- Chưa có lương dì ơi, dì để cho con ít ngày nữa, bây giờ dì cho con tô mì đi, đập 2 trứng vào dì nghe.
Chiều nay Minh nhận dựng chương trình cho Thành đoàn. Tối qua, Minh thức đến tận 2 giờ sáng, viết cái kịch bản phòng chống ma túy, cũng tạm được, Minh nghĩ thầm phải nói với anh bạn Bí thư lôi bằng được cô bé có chiếc răng khểnh vô vai cô bồ của một thằng nghiện. Mặt cô bé vô tư như bước ra từ một quyển truyện với những thiên thẩn có cánh, rất hợp vai cô gái có người yêu nghiện ma túy mà không biết. Đang tưởng tượng khuôn mặt trắng hồng cười tươi của cô gái tên Yến ở Thành đoàn, thì điện thoại reo:
- Hải đây, Minh hả, nói chuyện chút được không?
Hải nào, Hải nào kìa? Minh quen chắc ít nhất là 5 người tên Hải, mà giọng Hải này lạ hoắc. Nghĩ không ra, Minh đành hỏi và vụt nhớ đến buổi diễn ở một xã vùng biển Ninh Thuận hồi năm ngoái khi tham gia tuyên truyền biển đảo, tay Hải là Đội trưởng đội thông tin lưu động ở huyện đó, đãi Minh món gỏi cá ngon hết biết, báo hại say ngủ luôn nhà Hải dù chỉ mới quen.
- À cái vụ make up đó hả, ai vậy?
Thì em gái Hải lấy chồng, Hải mời Minh xuống dự đám cưới nhân tiện trang điểm cho cô dâu, mấy bà dì, mấy cô hàng xóm….Kể ra thì Minh cũng có nghề hóa trang, trong cuộc rượu ba hoa chút chơi ai dè tay Hải này nhớ lâu ghê, thôi chơi tới cùng luôn.
- Ok, chiều mốt có mặt, ông chuẩn bị mồi đi!
Chết cha, hứa ẩu, Minh nghĩ, túi không tiền, lấy đâu ra tiền đi Phan Rang? Gương mặt anh Lưu Phong liền xuất hiện trong đầu Minh, một gương mặt tròn tròn, có hàng ria mép, mái tóc hơi dài, không bao giờ mặc áo khoác, một thân hình mập mập, đặc biệt bàn tay mềm lắm, ai mới quen đều không ngờ Lưu Phong có tài thả từng ngón trên phím dương cầm. Minh cười, có ai bắt Minh tả người đâu mà lại tả anh Lưu Phong như vậy chứ?
Lúc đó Lưu Phong đang cà phê một mình. Quán vắng, chiều mưa. Trong quầy, cô chủ nhỏ vùi đầu vào quyển tạp chí thời trang. Phía bàn bên kia, một người đàn ông đứng tuổi đang mân mê tẩu thuốc lá, thong thà nhả từng ngụm khói, nhìn nghiêng hơi giống nhạc sĩ Văn Cao. Lưu Phong đang muốn viết nhạc, ráng một chút xíu nữa thôi là bản nhạc có hình hài, nhưng cái chút xíu nữa sao chưa xuất hiện trong đầu của mình chứ? Lâu nay Lưu Phong ấp ủ viết một bản nhạc, những giai điệu cứ xuất hiện trong đầu Lưu Phong rồi mất hút. Hình như nó chơi trò cút bắt với mình thì phải, Lưu Phong nghĩ. Chuyện bắt đầu bằng một đêm đi lưu diễn:
“Trời mưa, xã Proh buồn hiu hắt, Lưu Phong theo Hà đi xe cổ động, không có cái xe này bà con không biết đêm nay Đội diễn ở sân vận động. Hà nói “anh biết hồ Proh chưa?”, đã từng đi câu ở đây Lưu Phong không lạ gì cái hồ này, nhưng biết Hà có ý gì đó, Lưu Phong nói “thì vô”. Xe chạy qua cửa đập, Hà nói bữa đó em cứu được một cô gái, cô ấy nhảy hồ tự tử, đã nhảy xuống rồi nhưng uống vài ngụm nước chắc là sợ chết nên kêu toáng lên. Lúc đó vắng ngắt, mình em lao xuống hồ xốc cô gái lên bờ, cũng may hồ không sâu lắm. Tình yêu là cái gì mà có người muốn chết vì nó? Lưu Phong nói chắc là cô ấy tuyệt vọng, khi không còn niềm tin nữa thì người ta không có chút bám víu vào cuộc sống, chú sống thêm chục năm nữa rồi sẽ hiểu. Ai dè chưa hết chuyện, xe bị bể vỏ, sui tận mạng, Hà càu nhàu, không tiếp tục câu chuyện nữa, Hà giục Lưu Phong:
- Một là anh ngồi trên xe chơi, hai là chạy nhanh vô ngôi nhà kia núp mưa, chờ em mặc áo mưa thay vỏ.
Hà biết chắc Lưu Phong không đời nào chịu ngồi trên xe, mà xuống xe thì ướt, thôi thì chạy vô căn nhà trong vườn hồng. Một ông lão 2 mắt đã bạc màu cười đón Lưu Phong. Ô, cậu vô đây ngồi, cứ tự nhiên. Rồi ông lão rót cho Lưu Phong một ly… rượu thuốc! Lưu Phong từ chối nói cháu không biết uống rượu. Thật ra ai mà không biết uống rượu chứ? Chỉ là không tiện uống với hoàn cảnh này mà thôi. Ông lão nói rượu nhà nấu, cậu uống chỗ rượu này chống lạnh, không thì cảm bây giờ, tui vô núi tìm cây Ngũ gia bì đem về sao vàng ngâm rượu, rượu này uống vô giải cảm là số 1. Quả nhiên sau khi uống ly rượu, một làn hơi nóng tỏa ra khắp người Lưu Phong, cái gây gây lạnh hồi nãy biến mất. Bác người đâu ta? Quê tôi tận Bình Định vô đây cũng gần năm chục năm rồi. Cậu muốn biết tại sao à, tui nhìn mắt cậu là biết cậu đang thắc mắc. Cậu uống ly nữa rồi tôi kể cậu nghe. Tui vô đây cũng vì một người đàn bà, mà cũng để trốn lính nữa, năm đó đâu như năm sáu mấy. Tui thương bả, hai nhà ở liền nhau mà, bả vô Đơn Dương thăm bà con rồi ở mãi không về. Bả lấy chồng, chắc là bả khóc nhiều lắm khi có quyết định đó, bả còn thương tui mà, nhưng chú bả cứ bắt ép lấy một tay hàng xóm, biết sao được hả cậu? Tôi đi tìm bả, tìm hoài, tìm hủy mới biết bả ở cái xã Proh này….
Tui vô đây khai phá miếng vườn này, làm thuê làm mướn kiếm sống qua ngày…chờ bả. Mà chờ đến bao giờ, không, nhiều khi tui nghĩ mình ở vậy thôi, một mình một cõi dưới chân núi, thỉnh thoảng qua xã dòm vô căn nhà của bả, xem 2 mẹ con bả sống cạnh nhà chồng ra sao? Dòm thôi chớ không dám làm gì, mà làm gì hả cậu? Đời bả quá khổ, chồng chết trận, cha mẹ chồng cũng chết sau đó vài năm. Bả nuôi con lớn bộn một chút rồi thằng con cũng chết vì tai nạn giao thông, may mà còn lại đứa cháu, mẹ nó bỏ cho bả nuôi để đi lấy chồng.
Sao bác không lấy bác ấy? Có chớ cậu, mấy lần đánh tiếng bả đều từ chối, bả nói bả không xứng, vả, còn phải nuôi con rồi nuôi cháu. Tui ở vậy đến giờ, thỉnh thoảng ghé qua nhà bả cho thằng cháu bả chút quà, còn tiền bả không nhận, bả nghèo lắm cậu ơi mà là con người khí khái!”
Câu chuyện chỉ có vậy mà sao Lưu Phong lại thấy ám ảnh nhiều đêm. Đêm qua, thức đến 2 giờ sáng, dòng cảm xúc bật lên trong tâm thức, với cây đàn, Lưu Phong ghi vội cảm xúc đó vào khuôn nhạc, phải, những dòng cảm xúc của một bản nhạc tình, một chuyện tình buồn, hình như vướng vất chút dĩ vãng của Lưu Phong?!. Vậy mà cái kết lại không biết viết sao, ông lão cũng không biết kết cục đời mình là cái gì, chỉ biết rằng mỗi khi qua xã, nhìn vô nhà người đàn bà đó là thấy vui rồi!
Lưu Phong cà phê một mình, dòng cảm xúc nhen nhóm lại, bắt đầu kết cục hình như có chút hình hài thì Minh bước vô quán. Minh nói nhiều chuyện rồi bất ngờ nói đến chuyện …tiền. Lưu Phong im lặng nghe, im lặng móc bóp đưa cho Minh năm trăm. Anh chỉ có chừng này chú cầm lấy. Ô, vậy là đủ tiền xe rồi, em cũng chỉ cần chừng đó. Minh đi ra, Lưu Phong lại bắt nhịp cảm xúc lúc nãy, nhưng sao lạ dòng cảm xúc đi đâu mất? Ông khách trông giống nhạc sĩ Văn Cao về lúc nào Lưu Phong không hay, quán vắng, chiều mưa, một mình buồn!
Về nhà, đêm ấy Lưu Phong viết tiếp ca khúc, bản nhạc bắt đầu bằng nốt “đô”, một bản nhạc với các giai điệu khác hoàn toàn cảm xúc trên dòng nhạc đêm qua, bảng lảng trong đó có cặp mắt bạc màu thời gian của ông lão ven hồ.
Lúc đó đồng hồ điểm 0 giờ!.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét