Thứ Năm, 2 tháng 7, 2020

Một buổi chiều vàng

Một buổi chiều vàng
Mặt hồ gợn sóng, phía bên kia hồ, bóng của rặng thông xanh mọc ven đồi Cù chao động dưới đáy nước. Bên này hồ, rừng thông trên đồi nhà nghỉ Công đoàn trầm tư khẻ reo lên vài nốt nhạc du dương, như có như không. Một con sáo sậu bay vút lên cao trong nắng vàng ruộm buổi chiều. Trời trong xanh, nước trong xanh, thế là một buổi chiều vàng!  Đối diện đồi Công đoàn có một quán nhỏ được đặt tên là quán cà phê 4A, chẳng rõ vì sao? Chỉ biết rằng ngồi ở quán này nhìn ra hồ Xuân Hương là một nơi ngắm cảnh tuyệt vời. Vài thiếu nữ băng ngang qua đường trước quán, dáng đi con gái uyển chuyển dịu dàng với những đường cong khiến cho khung cảnh buổi chiều trở nên lãng đãng, như thực như mơ, đẹp lạ lùng. Đó là thời điểm sinh viên trường Cao đẳng sư phạm chắc là đi chợ, đi chơi hoặc là đi không mục đích, tỷ như vì thất tình chẳng hạn? Anh họa sĩ cười cười với ý nghĩ đó, và anh nghĩ tiếp “tình yêu là cái chi chi mà ai cũng mắc vào?”.
Nhấp một ngụm bia màu vàng bọt trắng, người họa sĩ chưa già lắm nhưng không còn trẻ nữa mắt bỗng sáng lên như mắt trẻ thơ, lúc đó trước mặt anh một cô thiếu nữ đang thả từng bước chân trong chiếc quần đen bó đôi chân thon thả, áo dế lấp lửng màu hồng cánh sen, bên trong  là một khuôn ngực vun vút thanh tân. Cô đang đi về phía chợ, không biết có một cặp mắt xa lạ dõi theo. Anh đang dõi theo cô thật, anh ra vẻ tiếc rẻ khi cô hút bóng phía đường xa. Dáng đi cô đẹp quá, anh liên tưởng đến ruộng lúa đang thì con gái lúc cơn gió lùa qua, sóng lúa dập dềnh uyển chuyển như dáng đi cô gái ấy. Cái đẹp đến thật bất ngờ và cũng đi thật nhanh, như mộng mị, như hư ảo nhưng sao lại đọng trong sâu thẳm tâm hồn anh chút luyến lưu? Không lẫn vào đâu được, cái mũi hếch duyên dáng, miệng cười tủm tỉm, mắt huyền mơ của cô gái mà anh bắt gặp chiều nay sao cứ giống y cô gái trong tranh anh vẽ hơn hai mươi năm trước? Anh bất lực nhìn đến cuối đường, lúc này đã có vóc dáng của mấy cô thiếu nữ che tầm nhìn của anh, anh không còn thấy cô gái ấy!
Nãy giờ ông chủ quán tên Phúc không bỏ sót chút cử chỉ nào của anh họa sĩ. Hàng ngày cứ tầm khoảng 4 giờ chiều, anh họa sĩ có thói quen xuống quán ông uống vài lon bia, lúc thì đi với người bạn, lúc một mình, lúc cùng cả đám người ồn ã (chắc là mấy người trong hội mỹ thuật bởi họ nói toàn chuyện trại, chuyện tranh, chuyện giá vẽ, chuyện màu…và cả chuyện gái nữa), anh họa sĩ trở thành khách hàng quen thuộc của ông chủ quán. Quen thuộc thì có thể cà rỡn một chút, ông Phúc nghĩ, hơn nữa cũng ngang tuổi nhau nên dễ nói chuyện thân tình.
- Này, anh lại ngắm gái nữa à, gái trường Cao đẳng đẹp đấy!
Anh họa sĩ đáp, mắt vẫn còn dòm ra phía bờ hồ:
- Gái đẹp ai mà không thích, anh cũng vậy chớ không lẽ anh lại thích… tôi à?
- Gái đẹp thì thích chứ, nhưng cái thích của tôi chắc là khác hẳn anh, ở đây anh cứ tự do ngắm gái, còn tôi, trước khi ngắm tôi phải xem chừng bà vợ tôi cái đã!
Cả hai cười xòa, ông Phúc nói tiếp:
- Con bé anh ngắm cứ như mất hồn kia nó người Nha Trang đấy, hoàn cảnh cũng khá là đặc biệt!
Anh họa sĩ ngạc nhiên, chắc là có chuyện để nghe rồi, anh giục “sao anh biết?”
- Sao tôi không biết chứ, tôi bán quán này cánh sinh viên chúng hay vào đứa thì mua cây kẹo cao su, đứa thì bao thuốc, uống ly cà phê… đủ cả. Còn con bé đó, cách đây chừng hai tháng, nó bị mưa ướt hết, vào hỏi tôi mua một cái áo mưa mỏng, tìm cả buổi không thấy tiền đâu tuy chỉ có mấy ngàn. Hóa ra nó bị rơi hết tiền ở đâu đó nên ngượng ngùng trả lại cái áo đi mưa. Tôi hỏi thăm biết nó tên Tím, từ Nha Trang lên đây học, tôi bảo nó chờ bớt mưa rồi đi, cháu cứ lấy áo đi mưa mà mặc, hôm nào có tiền trả sau cũng được, đừng ngại. Tôi rót cho nó một ly trà gừng, cái thứ trà đó uống lúc bị lạnh là nhất, nó cảm ơn nói sao chú tốt với con thế. Tôi nghĩ, được làm người tốt thì phải tới luôn, bà nhà tôi làm mấy cái bánh nậm (người Huế mà) cúng các cụ, tôi mời nó ăn. Nó cũng không khách sáo gì, nó nói con cảm ơn chú, “trời, con đang đói bụng, đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh mà”. Rồi nó kể chuyện nhà nó cho tôi nghe, tất nhiên lúc đó đã hơi thân mật một chút rồi. Trời thì mưa, buồn muốn chết, vậy mà chuyện của nó còn buồn hơn nữa….
Ông Phúc ngưng kể, lúc này ngoài trời nắng vàng đã hơi nhạt, con đường ven hồ người đi thể dục đang độ đông nhất. Ông Phúc ngóng bà vợ về, chiều nào bà cũng đi bộ thể dục với cô con gái thứ nhất của ông, chiều nay chắc bà vui chân nên về muộn. ông Phúc nói:
- Anh chờ tôi chút, tôi vào đặt nồi cơm rồi ra kể tiếp cho anh nghe.
… Cái Tím nói mẹ nó chỉ có mình Tím là con, Tím không biết bố đẻ là ai bởi từ khi hiểu biết Tím chỉ thấy mình mẹ, nhà không có đàn ông. Tím cũng không hỏi mẹ, nhưng trong lòng Tím rất muốn biết gốc tích của mình. Năm Tím học lớp 7, mẹ nó lấy bố dượng, đó là một người đàn ông hàng xóm, vợ mất ở với đứa con thua Tím chừng vài tuổi. Ban đầu Tím cũng không thích ông bố dượng, nhìn ánh mắt của ông Tím thấy gai gai trong người. Nhưng ông bố dượng tìm cách gây cảm tình với Tím, con bé cũng quên dần ác cảm ban đầu. Năm lớp 9, một buổi chiều, Tím ngồi học bài, trong nhà ông bố dượng kêu mệt bảo Tím vào đánh gió. Tím vào, và suýt nữa đời con gái đi tong nếu Tím không lanh trí kêu to “mẹ về, mẹ ơi cứu con…”.
Anh họa sĩ hồi hộp, tự nhiên anh lo cho con bé quá. Không biết nó ra sao sau chuyện động trời ấy?
“Tím bỏ đi, Tím di dọc theo bờ biển, vừa đi vừa khóc. Tím ngồi dưới một gốc dừa khi đêm xuống, mặt Tím gục vào đầu gối nước mắt cứ trào ra. Tím bảo nó sợ tất cả mọi người, không muốn gặp ai và muốn chết cho rồi. Tím khóc. Mẹ Tím tìm được con khỏi phải nói bà mừng cỡ nào. Đêm ấy hai mẹ con tỉ tê kể kể chuyện….”
Anh họa sĩ tự nhiên nôn nao, còn ông Phúc vô tình vẫn cứ đều đều kể:
“Mẹ Tím bảo con có muốn biết bố con không. Tím gật đầu. Bố con là một người đẹp trai và tài hoa, mẹ gặp bố vào một buổi chiều tà. Bố đang vẽ biển thì mẹ đi ngang qua, bố sửng sốt khi nhìn thấy mẹ, bố làm rơi cây cọ đang cầm trong tay. Mẹ cười tủm tỉm đi qua. Bố chạy theo mẹ gọi theo cô ơi, cô gì đó ơi…”.
Anh họa sĩ gượng cười, anh nói:
- Anh kể cứ như anh là người trong cuộc, phải, biết đâu là chuyện của anh, đúng vậy không?
Nói vậy chứ trong lòng anh họa sĩ đang bối rối. Cũng họa sĩ, cũng buồi chiều, cũng cuộc gặp gỡ tình cờ….
Ông Phúc nói anh cứ để tôi kể tiếp, không hiểu sao tôi lại thuộc nằm lòng lời con bé Tím, con bé kể đúng như vậy đấy!
“Mẹ chấp thuận ngồi cho bố con vẽ, bố con vẽ chân dung mẹ với biển, ôi bố con tài hoa quá. Phải mất đến mấy buổi chiều bức tranh mới vẽ xong. Đêm ấy, mẹ đi ăn với bố con. Xong cả hai ngồi tại gốc dừa này…
Tím ngạc nhiên, sao lại có việc trùng hợp ngẫu nhiên như vậy chứ. Cũng gốc dừa cũng biển đêm, cũng ầm ào những sóng”.
Anh họa sĩ tái mặt, anh uống một ngụm bia to những mong mặt mình đỏ lên, nhưng anh biết mình chỉ thất vọng thôi, càng uống mặt anh càng tái mà. Anh như nghe tiếng sóng ầm ào, tiếng gió lướt qua những tàu lá dừa, mảnh trăng treo trên trời cao chia biển thành hai vùng, giữa là một vạch sáng lung linh. Biển gọi, anh thầm thì trong đầu  như vậy….
“Con ra đời như vậy đấy. Sáng hôm sau, tất cả những huyền ảo của đêm biến mất. Bố con chỉ để lại một bức thư chỉ vài câu. Em yêu thương, hôm nay anh có việc gấp phải về, anh đi sớm lắm không kịp chia tay em. Anh sẽ xuống Nha Trang thăm em, anh sẽ cưới em, thiên thần nhỏ của anh ạ. Mẹ chỉ biết bố con người Đà Lạt. Vậy thôi. Con lên Đà Lạt học cũng vì bố con đó. Biết đâu con lại được gặp bố, người đàn ông bội bạc của mẹ con, người bố vô trách nhiệm của con? Tím nói, nhưng chú ơi biển người mênh mông con làm sao mà gặp được bố? Bây giờ con cũng chẳng thích gặp bố nữa rồi, cứ để con tưởng tượng bố là một họa sĩ tài hoa, bố không bội bạc chỉ vì… chỉ vì một lý do nào đó mà ruồng rẫy mẹ thôi…
Cái Tím nói đúng như vậy đấy, không hiểu sao tôi nhớ như in lời con bé nói, trong mắt nó một tia sáng ngời ngời, con bé chắc là thừa hưởng cái lãng mạn của mẹ nó rồi”.
Anh họa sĩ thấy lạnh ngắt, nhưng anh vẫn chăm chú vào chuyện kể của ông Phúc. Anh run rẫy châm một điếu thuốc, cố hít một hơi thuốc thật dài và nói “rồi sao nữa hả anh?”.
“Sao à, con bé không về nhà mẹ nữa, nó hãi hùng khi nhớ lại cảnh chiều hôm đó, cũng may nó có người dì, ở với dì, ngày đi bán vé số, đêm học thêm tại Trung tâm giáo dục thường xuyên, vậy mà cũng qua được kỳ thi. Mẹ đẻ em bé, bố dượng ngày nào cũng nhậu thì đâu giúp nó được điều gì? Anh biết đấy, nó bươn chải từ nhỏ nên một mình lên Đà Lạt học, chiều chiều đi phụ người ta bán đồ sôn, tối dạy kèm con mấy ông cán bộ…tôi tin rồi nó sẽ vượt qua được thôi”.
“Sao tôi lại kể chuyện cái Tím cho anh nghe à, anh là họa sĩ biết đâu lại biết bố cái Tím, tội nghiệp nó chỉ muốn nhìn thấy bố một lần rồi thôi, chứ chẳng mong mỏi gì khác. Anh biết sao không, cái Tím cứ thắc mắc hoài không biết bố đẻ nó đẹp trai, tài hoa cỡ nào mà khi mẹ nó kể chuyện mắt mẹ nó vẫn hừng hực lửa yêu, chữ nó dùng đấy?”. Và nó còn nói tiếp “con cố gặp bố để được nhìn bức tranh bố vẽ mẹ, hỏi vì sao bố dùng gam màu tím, biển tím và mẹ lại đặt tên con là Tím?”.
Anh họa sĩ chia tay ông Phúc ra về. Anh cho xe chạy chậm trong đầu nghĩ về một phiên chợ đồ sôn áo quần đầy màu sắc mà chút nữa anh sẽ tới.
Nắng không còn nữa, trời bắt đầu tối.
Thế là hết một buổi chiều vàng.
6/2012
Võ Anh Cương
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dấu ấn văn hóa Trung Hoa trong truyện ngắn Lỗ Tấn

Dấu ấn văn hóa Trung Hoa trong truyện ngắn Lỗ Tấn Lỗ Tấn là nhà văn lớn có vai trò đặt nền móng cho văn học hiện đại Trung Quốc, từng được...