Thứ Tư, 1 tháng 7, 2020

Bên bờ mây lãng đãng

Bên bờ mây lãng đãng…
(Thơ Ngắn Đỗ Nghê - Nxb.Văn hóa - Văn nghệ 2018)
Tập “Thơ Ngắn Đỗ Nghê” là tập thơ thứ 6 của Đỗ Hồng Ngọc vừa phát hành, có thể đem đến cho người yêu thơ nhiều dự cảm ngọt ngào. Không những ngạc nhiên ở sự cố tình của anh khi chọn tựa tập thơ là “Thơ Ngắn” gắn với bút danh “Đỗ Nghê” từng đứng tên ở tập thơ đầu tay “Tình Người” xuất bản vào năm 1967, khi đó anh còn là một sinh viên trường Đại học Y khoa Sài Gòn. Trước khi có tập thơ này, Đỗ Nghê đã có những bài thơ đăng trên tạp chí Bách Khoa, Mai, Tình Thương… từ năm 1960. Nhưng sau đó bút hiệu Đỗ Nghê lại thay bằng tên thật Đỗ Hồng Ngọc trên các tập thơ và trên hai mươi đầu sách văn học, nghiên cứu về y học, thiền học mang tên Đỗ Hồng Ngọc. Sự trở lại trên tập thơ ngắn này được anh có lần giải thích, Nghê là họ mẹ, quê Tân Thuận và Đỗ là họ cha quê La Gi (Bình Thuận). Nói như nhà phê bình văn học Hoàng Như Phương: “Có phải vì cái tên Đỗ Hồng Ngọc quá nổi tiếng với tư cách một tiến sĩ y khoa đã phần nào che mờ tác giả như một nhà thơ?”. Còn với nhà thơ Đỗ Trung Quân lại phác họa chân dung Đỗ Nghê/ Đỗ Hồng Ngọc khá hình tượng, “Có một chàng thi sĩ một hôm vì lẽ gì đó bỏ đi làm thầy thuốc…”, để thấy phẩm chất thi ca thấm đẫm trong tâm hồn Đỗ Hồng Ngọc có căn duyên với cái nghiệp thầy thuốc luôn đòi hỏi một tấm lòng.
Trong một ngày giáp Tết, cà phê với Đỗ Hồng Ngọc trên đường sách Sài Gòn, tôi mới hiểu ra tựa tập “Thơ Ngắn Đỗ Nghê” là cách định hình có chủ ý, không phải theo ý nghĩ thông thường về hình thức là ngắn, dài, âm tiết hay tương tự trường phái Haiku (Nhật), Sloka (Ấn)… và lại gắn liền với bút danh Đỗ Nghê đã có cách đây từ hơn 50 năm. Khác hơn các tập thơ trước đây Giữa hoàng hôn xưa, Vòng quanh, Thư cho bé sơ sinh… xoay quanh cho một chủ đề, một chặng đời trải nghiệm.Thì nay Đỗ Nghê chắt chiu lại giọt mật trong veo từ cảm xúc tận cùng, từ lãng đãng an nhiên của đất trời để có những câu thơ rất nhân văn, rất tình người.
Anh viết “Nhẹ như không có/ Có mà như không…”, hay là “Thực chẳng dễ dàng/ Sống trong cái chết/ Và chết trong cái sống…”. Chỉ có ở người ngộ được cái giá trị cuộc sống nhân sinh theo triết lý Phật giáo trong cõi vô vi tự tại. Những tập sách Nghĩ từ trái tim, Như thị, Cành mai sân trước, Gió heo mây đã về… lại liên tiếp tái bản nhiều lần mà vẫn được đón nhận, là sao? Bởi trong đó không những mang cái tư tưởng Phật học, Thiền học mà sự biểu cảm chân thực của một tâm hồn thơ nên đã dễ dàng chạm đến trái tim của con người. Cũng không thể thoát ly khỏi phiền não trong cuộc sống rộn ràng, Đỗ Nghê bất chợt nhận ra mình “Lá chín vàng/ lá rụng/ về cội/ Em chín vàng/ chắc rụng về anh”. Và cũng không khỏi những vướng bận theo vòng hệ lụy: “Hoa vàng đã rụng đầy sân vắng/ Tình cũng ngùi phai theo tháng năm…”. Khái niệm về thời gian không như là nỗi ám ảnh của con người, lại còn là sắc mà không với anh sao mà nhẹ nhàng và thanh thản “Giữa đêm/ Thức giấc/ Giữa ngày...” ở trong bài “Trái đất” chỉ có 6 âm tiết mà gợi cho người đọc đủ hình dung tâm thế của nhau, cách xa nửa vòng trái đất. Hay như bài Sóng: “Sóng/ quằn quại/ thét gào/ Không nhớ/ mình/ là nước…”. Với tên tuổi Đỗ Hồng Ngọc khó mà tách rời anh giữa cái thực của người thầy thuốc với một tâm hồn thi ca của Đỗ Nghê. Như anh từng khẳng định: “Thân và tâm đâu có tách rời, sắc thọ tưởng hành thức vẫn là một - ngũ uẩn giai Không”.
Phan Chính
Theo https://vanchuongviet.org/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy Cuốn Anh hùng còn chi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa được NXB Hội Nhà văn ph...