Quách Tấn và thơ mới
Thơ cũ, thơ mới…
Thời tiền chiến (1930-1945) phong trào thơ mới đã nổi lên một
cách rầm rộ. Thơ cũ vẫn có mặt trên thi đàn song có phần kém thế.
Quan niệm về thơ cũ lúc bấy giờ là thơ cũ thiên về lý trí, Một
số nhà thơ cũ nặng tình đất nước đã dùng văn chương vào việc tuyên truyền đạo đức,
giáo dục quần chúng yêu thương nòi giống. Một số dùng thơ để gởi gắm tâm sự,
bày tỏ nổi lòng với thời cuộc. Số trước tích cực, số sau tiêu cực. Thơ bên kia
thì giọng chát, thơ bên này thì giọng sầu. Các cụ Phan Bội Châu, Huỳnh
thúc Kháng là đại diện cho lớp thi nhân ái quốc có thơ đăng trên các báo
Tiếng Dân, Tràng An v.v…
Các nhà thơ như Đông Hồ, Tương Phố thì sướt mướt với Giọt
Lệ Thu, Linh Phượng. Ngoài ra còn rất nhiều thơ phú xướng họa cùng nhau bằng
những vần thơ Đường luật bằng những tiểu xảo học được của cổ nhân trong vấn đề
thù tạc.
Trước tình trạng bế tắc của tình hình chính trị trong thời
gian ấy tâm hồn của những người đọc thơ cần đến một bầu trời khoáng đạt của
lòng con người trong khi bên trời Âu đã rộng mở một không khí văn học tục gọi
là Lãng Mạn. Tầng lớp thanh niên và người thức thời đã nhận thức được luồng
gió mới này nên thơ mới đã bắt đầu lộ diện Năm 1932 bài thơ Tình già của
cụ Phan Khôi đăng trên báo Phụ Nữ Tân Văn với những bài diễn đàn đả
phá thơ cũ coi thơ cũ vì bị câu thúc bởi niêm luật nên mất chơn chất và
ông đã đề ra một lối thơ “Đem ý thật có trong tâm khảm mình tả ra bằng những
câu có vần không theo niêm luật gì hết và ông tạm mệnh danh là thơ Mới”.
Một số đông thanh niên bổng thấy mở ra một góc trời vì
cái táo bạo dấu diếm của mình đã được một bậc đàn anh trong văn giới cổ xúy. Những
bài thơ mới có tên như Trên Đường Đời, Đời Vắng Khách Thơ của hai nhà
thơ Lưu Trọng Lư, Thanh Tâm đặc sắc hơn cả. Báo chí lại rầm rộ đăng
thơ mới và tờ báo Phong Hóa bắt đầu từ năm 1932 không đăng thơ
cũ lẫn thơ mới tuy lại có bài công kích thơ cũ. Đến năm 1933 tờ Phong Hóa luôn
luôn đăng thơ mới của các nhà thơ Thế Lữ, Vũ Đình Liên, Huy Thông, Lưu Trọng
Lư v.v…
Tháng 7 năm 1933 người đàn bà đầu tiên lên diển đàn hôị Khuyến
học ở Sài Gòn hết sức tán dương thơ mới. Đó là nữ sĩ Nguyễn thị Kiêm. Những thi
sĩ có tài lần lượt xuất hiện như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Thông, Nguyễn Nhược
Pháp, Thái Can v.v... Và thơ cũ đã phản ứng như thế nào? Liên tiếp từ năm 1933
đến 1941 các ông Tân Việt (bỉnh bút báo Công Luận), nhà thơ Tản Đà, Nguyễn
Văn Hạnh, Tường Vân, Phi Vân, Thái Phỉ và Huỳnh Thúc Kháng lên diển đàn chỉ
trích và mạt sát thơ mới... Cuộc tranh luận kéo dài trên 10 năm.
Thơ mới với Hàn Mặc Tử và Bich Khê
Trong giòng thi ca thời ấy đã có nhiều thi sĩ ban đầu đều là
nhà thơ cũ và trước phong trào thơ mới dâng cao đã rời quê hương cũ của
mình đi về phương trời thơ mới. Như thi sĩ Hàn Mặc Tử là một. Từ năm
1930 với biệt hiệu là Minh Duệ Thi, Lệ Thanh, Phong Trần, thi nhân đã được nổi
danh với các bài thơ Đường như Thức Khuya, Chùa Hoang, Gái ở Chùa đã
từng được cụ Phan Bội Châu ngợi khen trên báo. Hàn Mặc Tử bước vào
làng thơ cũ năm 1930 và đến năm 1936 lại nổi danh trong địa hạt thơ mới với
tập thơ Gái Quê.
Nhà thơ thứ hai đã bỏ cũ theo mới là nhà thơ Bích
Khê. Bích Khê đã nổi danh trong làng thơ cũ từ thủa thiếu thời trên báo Tiếng
Dân, Phụ Nữ Tân Văn. Đến năm 1937, khi làm quen với Hàn Mặc Tử nhà thơ mới chuyển
hướng theo giòng thơ mới. Năm 1939 tập thơ Tinh Huyết ra đời được Hàn
Mặc Tử viết tựa. Cả hai nhà thơ Hàn Mặc Tử và Bích Khê đều là bạn thân với thi
sĩ Quách Tấn. Cả ba đều nổi danh trong lãnh vực thơ Đường. Nhưng cả hai bạn đã
từ giả làng thơ Đường ra đi và chỉ còn lại một mình nhà thơ Quách Tấn…
Sự thân tình trong bè bạn, trong văn học đã làm cho chúng
ta có một vài thắc mắc là họ có chịu ảnh hưởng với nhau trong văn thơ hay
không? Giữa Hàn Mặc Tử và Bích Khê chúng ta đã thấy rõ. Còn Quách Tấn thì như
thế nào? Quách Tấn có chịu ảnh hưởng về thơ mới như các bạn thân của mình
không? Lẽ tất nhiên là có.
Quách Tấn và Hàn Mặc Tử
Trước tiên là với Hàn Mặc Tử:
Hàn Mặc Tử và Quách Tấn quen nhau tử năm 1931 và gặp nhau tại
Đà Lạt năm 1933. Trong dịp gặp nhau này Quách Tấn đã ghi vào hồi ký Bóng Ngày
Qua:
Tối đến tôi đưa Tử đi dạo. Dạo cảnh Đà Lạt lúc ban đêm cũng là
một kỳ thú. Những con đường quanh co, khi lên cao, khi xuống thấp, nhiều khi đường
chồng lên nhau. Lắm nơi đứng xa mà trông thấy như những cuộn vải đen giăng lơ lửng
trên đọt cây. Đèn điện lẫn lộn cùng sao, trên cao có, dưới thấp có... chỗ thì
chói lọi giữa không, chỗ thì khép nép trong cành lá. Mùi nhựa thông ban đêm bay
ngát cả không khí. Thỉnh thoảng mùi hoa Mimosa, mùi hoa Violet trộn lẫn vào
nhau tạo thành một hương vị đặc biệt, hít vào thấy nhẹ cả toàn thân.
Tử nắm tay tôi đi từng bước một, không nói không rằng.
Đến bờ hồ nhìn xuống mặt nước, chúng tôi mới nhớ là đêm
trăng! Mặt hồ lóng lánh. Và vầng trăng dưới nước trông sáng gấp mấy lần vầng
trăng ở trên mây. Tử nói:
- Cứ xem bóng trăng cũng biết hồ Đà Lạt trong đến ngần nào.
Tôi tiếp:
- Theo tôi chỉ có nước hồ Đà Lạt và nước sông Hương mới đáng
gọi là nước. Nước ở các sông các hồ, dù trong đến đâu, dù sâu đến đâu, sắc xanh
cũng có phần lợt lạt. Duy chỉ có nước hồ Đà Lạt và nước sông Hương là đượm đà
màu nước biển. Ai đã từng nhìn đôi mắt của người đẹp Ấn Độ - đôi mắt xanh như ngọc
và xa thăm thẳm như vòm trời ngày thu - thì mới tin lời nói của tôi không huyển
hoặc. Và muốn thấy rõ cái đẹp của nước hồ Đà Lạt thì phải đến ngắm lúc
ban trưa khi tạnh trời.
Tử trầm ngâm hôì lâu rôì nói:
- Không có cảnh thì khó có thơ, mà đứng trước cảnh đẹp quá,
thơ nghĩ cũng không ra được.
- Theo tôi không phải cảnh quá đẹp mà thơ không
dám ra. Đó là vì đứng trước cảnh đẹp cũng như đứng trước tình đẹp, người thơ mắc
lo tận hưởng cái đẹp của tình của cảnh, tâm trí đâu mà nghĩ đến thơ. Hơn nữa
người thơ chỉ làm thơ trong khi thiếu thốn. Mà tình kia cảnh kia đã quá đủ cho
tâm hồn ôm ấp, thì người thơ còn thiếu thốn gì nữa mà làm thơ?
Tử vỗ tay tán thưởng.
Chúng tôi đang nói chuyện thì dường như có một luồng sáng từ
trong hồ bay ra và thoáng nhẹ ở trước mắt. Chúng tôi chú mục: một
đám sương lớn bằng một chiếc chiếu chõng, nổi lềnh bềnh trên mặt hồ.
Sương môĩ lúc một vương cao và lan rộng, phản chiếu ánh trăng sáng rực cả bốn
bên. Trong phút chốc, mặt hồ bị khuất hẳn và trước mặt chúng tôi, nổi lên một
ngọn “núi bông gòn” trắng phau và sáng ánh. Rôì một ngọn gió thổi nhẹ, sương ùn
ùn tỏa ra khắp nơi… cuốn cả trời đất muôn vật. Chúng tôi không còn thấy gì,
ngoài ánh sáng. Đến nỗi chúng tôi đứng sát bên nhau mà chúng tôi cũng không thấy
rõ được nhau.
Chúng tôi có cảm giác trời đất đã tan thành thủy tinh và
chúng tôi đang đứng giữa hư vô… Sương bay thắm má và một luồng hơi ấm tỏa khắp
châu thân, gây một cảm khoái dìu dịu. Tôi nói khẽ cùng Tử:
- Mình đương chìm vào mộng hay mộng đang lắng vào mình?
- Hư thực phân biệt làm sao được ! Nhưng chớ nói nhiều... Hãy
lắng nghe… Dường như có tiếng thì thầm từ đáy hồ vọng đến, Tôi không mơ đâu nhé! Hãy lắng nghe…
Đứng tựa lan can cầu trước dinh Quản Đạo, chúng tôi nắm chặc
tay nhau. Rôì sương tan dần và mặt trăng sáng trở lại. Tử nói:
- Cảnh thật huyền mơ! Tiếng lòng lẫn cùng tiếng tạo vật! Con
người hòa hẳn vào thiên nhiên!.
Trời đã khuya, nhưng còn tiếc cảnh chúng tôi đứng tựa
vào lan can cầu. Sương thấm ướt cả áo, nhưng chúng tôi không thấy lạnh. Bổng một
ngọn gió thổi, chúng tôi rùng mình ớn lạnh. Chúng tôi bèn dắt nhau đi nhanh về
nhà…
Trăng trên Hồ xuân hương Đà Lạt
Kỷ niệm đêm trăng này Hàn Mặc Tử đã sáng tác bài
ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ
Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu
Trời mơ trong cảnh thật huyền mơ
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt
Như đón từ xa một ý thơ.
Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem trời giải nghĩa yêu.
Hàng thông lấp loáng đứng trong im
Cành lá in như đã lặng chìm
Hư thực làm sao phân biệt được
Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm
Cả trời say nhuộm một màu trăng
Và cả lòng tôi chẳng nói rằng
Không một tiếng gì nghe động chạm
Dẫu là tiếng vở của sao băng.
Và Quách Tấn cũng có bài thơ:
ĐÀ LẠT ĐÊM TRĂNG
Bóng trăng lóng lánh mặt hồ im
Thời khắc theo nhau lãi rãi chìm
Đứng tựa non cao bờ suối ngọc
Hồn say nhè nhẹ mộng êm êm
Một làn sương bạc bỗng từ mô
Lẻn cuốn vừng trăng cuốn mặt hồ
Cuốn cả non sao bờ suối ngọc
Người lơ lửng đứng giữa hư vô
Trời đất tan ra thành thủy tinh
Một bàn tay ngọc đẩm hương trinh
Âm thầm mơn trớn bên đôi má
Hơi mát đê mê chạy khắp mình.
Đọc được bài thơ của Quách Tấn, Hàn Mặc Tử đã viết thư khuyến
khích Quách Tấn nên đi theo con đường thơ mới như hai bạn. Nhưng Quách Tấn đã
khước từ.
Năm 1939 Quách Tấn gặp một bạn gái là Liên Tâm và dấu không
cho Hàn Mặc Tử biết. Và sau khi biết được nhà thơ họ Hàn đã gởi cho nhà thơ họ
Quách một bài Đường luật:
Trường Xuyên ơi! Trường Xuyên ơi!
Viết chẳng nên câu nói nghẹn lời
Mây nước bao la tình vắng lặng
Khói mây mờ mịt nhớ chơi vơi
Tương tư mộng thấy năm canh mộng
Luyến ái trời vương bốn phía trời
Ta nhớ ta thương mình tệ quá
Có ai khăng khít lại quên ai!
Bài thơ có hai câu khởi và hai câu kết ý rất mới cùng với
cách dùng từ thoát ra ngoài khuông khổ của một bài thơ Đường luật. Tình của tác
giả ở đây đã bộc lộ “cái tôi” riêng tư mà các nhà thơ mới đương thời thường
hay sử dụng. Chính thi nhân Hàn Mặc Tử đã viết trong bài thơ
nhan đề Một Nửa Trăng:
Hôm nay có một nửa trăng thôi
Một nửa trăng ai cắn vở rôì
Ta nhớ mình xa thương đứt ruột
Gió làm nên tội buổi chia phôi.
Bài thơ Đường Gởi Trường Xuyên tứ mới tình đậm đà
nên đã gợi hứng cho nhà thơ Quách Tấn nhân một buổi trưa nằm mộng thấy Hàn Mặc
Tử lúc ấy đang lâm trọng bệnh ở Quy Nhơn. Thấy bạn đã phục hồì sức khỏe nên vội
gởi thơ mừng. Bài thơ này đã từng có nhiều nhà phê bình thơ nhầm lẫn là
thơ làm sau khi Hàn Mặc Tử mất cho nên phê bình là không phải là
bài thơ khóc bạn mà là một bài thơ mừng bạn. Đó là bài thơ Mộng Thấy Hàn Mặc
Tử:
Ơi Lệ Thanh! Ơi Lệ Thanh
Một giấc trưa nay lại gặp mình
Nhan sắc châu pha màu phú quý
Tài ba bút trổ nét tinh anh
Rượu tràn thu cũ say sưa chuyện
Hương tạ trời cao bát ngát tình
Tôi khóc tôi cười vang cả mộng
Nhớ thương đưa lạc gió qua mành.
Bài thơ cũng có hai câu kết mang đầy thi vị và sắc thái
của một bài thơ mới:
Tôi khóc tôi cười vang cả mộng
Nhớ thương đưa lạc gió qua mành
Hai câu thơ nằm trong khuông khổ của một bài thơ Đường đã làm cho nhà phê bình văn học Hoài Thanh nêu lên một thắc mắc: “Quách Tấn có
thực không bao giờ mơ tưởng bạn phương xa (ý nói đến thơ mới)”.
Nhà thơ Đường cuối cùng của Việt Nam.
Trong những bài thơ Đường của Trung Quốc, của Việt Nam chưa hề
có một bài thơ nào, một câu thơ nào đưa ra trên bài thơ cái tôi, cá nhân cùng với
sự thổ lộ tình cảm nồng thắm tự nhiên như thế ngoại trừ các nhà thơ mới. Vì vậy
nên trong cuốn Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh khi bình luận “Một thời đại
trong thi ca Việt Nam” tác giả đã viết về Quách Tấn:
Cảm được lòng người đàn bà khó chìu kia (thơ Đường) họa chỉ
có Quách Tấn. Mối lương duyên gây nên từ Một Tấm Lòng đến Mùa Cổ Điển
thì thực đằm thắm. Mùa Cổ Điển gồm cả cái giàu sang của Thái Can, Leiba, súc
tích lại trong một khuông khổ rắn chắc. Nhưng Quách Tấn có thực là một nhà thơ
cũ hoàn toàn? Có thực Quách Tấn không bao giờ mơ tưởng bạn phương xa.
Ngay từ năm 1941 nhà phê bình văn học nổi tiếng Hoài Thanh đã
nhìn thấy cái mới trong nhà thơ Đường cuối cùng của Việt Nam này.
Tuy nhiên sau này trong thơ Quách Tấn tràn đầy những
bài thơ, tình mới, ý mới và thể thơ cũng mới nữa. Đó là các bài thơ trong các tập Mộng
Ngân Sơn, Giọt Trăng và nhất là trong các tâp thơ lục bát Trăng Hoàng
Hôn, Nhánh Lục, Dàn Hoa Lý, Nửa Rừng Trăng Lạnh v.v…
Như trong Mộng Ngân Sơn:
Chiều đọng nhánh mồ côi
Nhìn chim sâu đút mồi
Nhớ thương tràn gió lạnh
Làng cũ bóng mây trôi.
(Nhánh Chiều)
Và:
Bên dòng khe nước trong
Cây măng vòi cong cong
Lắc lư chim chèo bẻo
Trên nền trời rạng đông.
(Rạng Đông)
Như trong Giọt Trăng
Chim chiều kêu trước dậu
Gối sách nhìn hư không
Phơi phới làn mây trắng
Bay qua ngọn ráng hồng.
(Hư Tâm)
Và:
Cành sương thơm sắc lá
Nắng đọng lòng chim ca
Nghìn trước thu đang trái
Nghìn sau xuân đã qua.
(Cành thơm)
Như trong Trăng Hoàng Hôn:
Xa nhau lòng chẳng hẹn hò
Nhớ nhau trở lại bến đò năm xưa
Chuồn chuồn mặt nước điểm sưa
Hoa lau nở trắng đôi bờ tịch liêu.
(Bến đò năm xưa)
Và:
Hừng đông nối bóng trăng tà
Tiếng chim mát mẽ màu hoa ngọt ngào
Duyên trần đã tỉnh chiêm bao
Còn nghe bước sóng ra vào bến xưa
(Còn Nghe)
Và trong Nhánh Lục :
Tuổi già ngủ ít nghĩ nhiều
Nỗi nhà nỗi nước lắm điều thương tâm
Thâu đêm sùi sụt mưa dầm
Đầy chăn nước mắt cố cầm vẫn tuôn.
(Đêm Đông)
Một mình gác trọ chon von
Đêm nằm thương nhớ vợ con não nùng
Chập chờn theo ngọn đèn chong
Canh gà dục sáng tiếng trùng ngâm thu
Quê nhà xa cách bấy lâu
Lòng thơ úa mộng trái sầu trổ hoa
Thẹn thùng mang tiếng tài ba
Trăm năm sự nghiệp nghĩ mà ích chi.
(Một Mình Gác Trọ)
Và trong Giàn Hoa Lý:
Qua canh mưa gió sụt sùi
Trở nghiên gối mộng mình vui với mình
Chung trà hớp vị bình minh
Giàn hoa lý nở ngọt tình cố viên.
(Giàn Hoa Lý)
Lo buồn nghỉ chẳng ích chi
Đời còn vui được ta thì cứ vui
Một mai ba tấc đất vùi
Trần gian để lại nụ cười cho hoa.
(Một Mai)
Và trong Nửa Rừng Trăng Lạnh:
Nhớ em!
Mười sáu tháng năm
Mười sáu tháng bảy
Anh tầm thăm em
Trăng khuya lờ rạng bóng thềm
Xa xa mấy tiếng chim đêm ngập ngừng
Gặp nhau nửa tủi nửa mừng
Nửa e tai vách mạch rừng khổ nhau
Thà đừng nghĩa trước tình sau
Yêu nhau chi tội lòng nhau hỡi lòng
Miệng đời rằng đục rằng trong
Đục trong lòng biết cho lòng thời thôi
Yêu nhau trót đã lỡ rôì
Đành cam cay đắng với đời biết sao
Đắng cay đổi chút ngọt ngào
Lạnh lùng hứng giọt nắng đào chiều thu
Lòng nhau ấp ủ lấy nhau
Lời nguyền sau trước trước sau một lời
Hai đêm mười sáu em ơi
Hai đêm mười sáu suốt đời không quên
Vì tình mà xuống mà lên
Đường đi cách suối ngăn ghềnh quản bao.
(Hai đêm mười sáu)
Riêng trong 2 tập thơ xuất bản vào thời gian thơ mới thịnh
hành là Một Tấm Lòng và Mùa Cổ Điển cũng đã chứa đựng nhiều tình thơ ý thơ đầy
chất thơ mới. Trong bài thơ Đây Thôn Vỹ Dạ Hàn Mặc Tử có câu:
Gió theo lối gió mây đường mây
Giòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay.
Thì Quách Tấn lại để tình mình vào trong bài Bên
Sông:
Gió rủ canh đi ngàn liễu khóc
Sông đừa lạnh đến bóng trăng run
Thuyền ai tiếng hát bên sông vắng
Ghé lại cho nhau gởi chút buồn.
Một bên mong cho “thuyền ai đậu bến sông
trăng đó có chở trăng về cho kịp tối nay”. Một bên thì đã có sẳn trăng rồi
song vẫn còn buồn và mong cho thuyền bên kia sông đang vang vọng tiếng hát “ghé
lại cho nhau gởi chút buồn”.
Sở dĩ thơ Đường của Quách Tấn chống chỏi được với thơ mới và bền vững với thời gian là vì Quách Tấn đã kết hợp được cái vi tế của thơ Đường
với cách dùng chữ dùng ý và nhất là cái chất thơ của lòng thi nhân hòa hợp với
sự thay đổi của thời đại. Thi nhân đã nói lên được tấm lòng của người
không cha mẹ:
Cảnh có núi sông nhiều thú lạ
Đời không cha mẹ ít khi vui.
Thì dù là thơ mới hay thơ cũ lời thơ cũng quyến được lòng người.
Quách Tấn đã thành công trong việc đưa thiên nhiên vào trong
thơ một cách tự nhiên hòa lẫn cùng với tâm hồn và tình cảm của con người. Như
trong bài Về Thăm Quê:
Côị tùng bóng ngã sương rơi lệ
Ngõ trúc mây che cuốc dục sầu
Cũng như trong bài Trơ Trọi:
Sầu mong theo lệ khôn rơi lệ
Nhớ gởi vào thơ nghĩ tội thơ
Mưa gió canh dài ngăn lối mộng
Bèo mây bến cũ quyện lòng tơ.
“Khép lại sự tranh chấp mới cũ của một thời đại trong
thi ca Việt Nam”.
Trong vấn đề tư tưởng, khi nhận thức được lẽ tuần hoàn của vũ
trụ, Quách Tấn đã chấp nhận sự biến chuyển của thi ca theo giòng trào lưu
tiến hóa nên nhà thơ không phản ứng cũng như không theo dòng mà lại hòa đồng
cùng với sự phát triển tích cực ấy. Các nhà thơ như Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Đông
Hồ v.v... đã tuân theo luật tiến triển của thơ ca từ bỏ thơ cũ theo thơ mới
và đã có một địa vị trong thơ ca Việt Nam. Riêng nhà thơ Quách Tấn vẫn giử
cho mình thể thơ Đường luật song đã làm phong phú thêm về hình thức lẫn nôị
dung với lời thơ trau chuốt, ý thơ giàu sang và đã được Văn học sử Việt Nam
dành cho một chổ ngồi trên Tao Đàn. Nhà thơ không lên tiếng trên thi đàn
để bên vực cho thơ cũ cũng như không bài xích thơ mới mà chỉ lặng lẽ phát huy
cái cao đẹp của thơ Đường và hòa hợp những cái mới có ích cho thơ Đường của
những dòng thơ mới. Bằng hai tác phẩm Một Tấm Lòng và Mùa
Cổ Điển nhà thơ Quách Tấn đã “khép lại sự tranh chấp mới cũ của một thời đại
trong thi ca Việt Nam”. Những ngừời yêu mến thơ Đường vẫn tìm được hứng thú
trong thơ Quách Tấn. Những người thích cái mới trong thơ mới vẫn tìm được hương
vị nồng thắm mới mẻ trong thơ Quách Tấn. Trong bài tựa của tập thơ Một Tấm
Lòng thi sĩ Tản Đà đã đặt thơ Quách Tấn ngang với thơ của Yên
Đổ, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan. Nhà thơ mới Chế Lan Viên đã viết
báo thừa nhận thơ của Quách Tấn có những câu thơ đẹp nhất trong những câu thơ đẹp nhất Việt Nam. Hoài Thanh cũng đã viết: “Quách Tấn đã tìm được những lời thơ
rung cảm chúng ta một cách thấm thía. Người đã thoát hẳn cái lối chơi chữ nó vẫn
là môn sở trường của nhiều người trong làng thơ cũ.(Một thời đại trong thi ca
Việt Nam)
Thơ của Quách Tấn gồm được cái uyên thâm, trong sáng của
thơ Đường, cái giản dị hồn nhiên của ca dao Việt Nam và những rung cảm
thiết tha của thơ mới. Thi nhân là sự hòa hợp trọn vẹn giữa thơ cũ và thơ
mới.
Và để kết lại bài nói chuyện này tôi xin được đọc một
bài thơ giản dị song cũng đầy hương vị thơ đọng trong tình cảm hòa sống với
thiên nhiên của nhà thơ:
Sân mận chiều nay hoa rụng đầy
Hương sầu theo gió chập chờn bay
Em ơi đừng quét em đừng quét
Anh chỉ yêu hoa những phút này.
(Sân Mận)
Bài thơ đã nói lên tấm lòng hòa hợp giữa ngườI và thiên nhiên
(cảnh vật), một tình yêu thiên nhiên không phân biệt giữa lúc hoa đang nở
trên cành và lúc hoa đã héo tàn và rơi rụng... Đây là một tình yêu thiên nhiên rộng
mở nơi mag tấm lòng thi nhân đã xem thiên nhiên như một đốI tác thân thương,
hoa và người là một.
Nhà thơ Quách Tấn và thơ mới cũng như Quách Tấn với
thiên nhiên vì Quách Tân là một nhà thơ có phong vị của một nhà thơ Đường có kỷ
thuật tinh vi của một nhà thơ Đường đã hòa hợp được cái cũ và cái mới
cũng như đã hòa lẫn thiên nhiên với con người.
Theo Wikipedia, những tác phẩm của tác giả Quách Tấn gồm:
Thơ:
· Một tấm lòng: tập thơ, 1939, gồm hai phần chính và một phần phụ lục, có lời "Tựa" của Tản Đà, lời "Bạt" của Hàn Mặc Tử.
· Mùa cổ điển: tập thơ, 1941.
· Ðọng bóng chiều: tập thơ, gồm 108 bài thất ngôn tứ tuyệt, Kim Lai ấn quán in năm 1965.
· Mộng Ngân sơn: tập thơ, gồm 135 bài ngũ ngôn tứ tuyệt, Nhà xuất bản Hoa Nắng (Paris) ấn hành năm 1966.
· Giọt trăng: tập thơ, gồm 60 bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt, Nhà xuất bản Rừng Trúc (Paris) ấn hành năm 1973.
· Trăng hoàng hôn: tập thơ, gồm 60 bài thơ lục bát tứ tuyệt, Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 1999.
· Tuyển tập thơ Quách Tấn: do Quách Giao (con trai ông) tuyển chọn, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành năm 2006.
Ngoài ra ông còn 13 tập thơ chưa xuất bản.
Văn:
· Trăng ma lầu Việt: gồm 2 tập, viết phỏng theo Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ đời Hậu Lê. Tập 1 xuất bản năm 1943. Năm 1947, viết thêm tập 2. Năm 2003, Nhà xuất bản Thanh Niên in chung thành một quyển.
· Nước non Bình Định: Tập địa phương chí Bình Định, Nam Cường xuất bản năm 1968. Nhà xuất bản Thanh Niên tái bản năm 1999.
· Xứ Trầm hương: tập địa phương chí Khánh Hòa, Nhà xuất bản Lá Bối ấn hành năm 1970.
· Đời Bích Khê: tập hồi ký của Quách Tấn viết về cuộc đời và thơ của thi sĩ Bích Khê. Nhà xuất bản Lửa Thiêng ấn hành năm 1971.
· Đôi nét về Hàn Mặc Tử: in trong Bán nguyệt san Văn số 7, Sài Gòn, 1967; in lại trong Hàn Mặc Tử - hôm qua và hôm nay, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 1996.
· Họ Nguyễn thôn Vân Sơn (1988)
· Nét bút giai nhân (1988)
· Bước lãng du: giới thiệu danh lam, thắng tích từ Huế đến Ninh Thuận, Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 1996.
· Thi pháp thơ Đường: gồm 26 bức thư và một bài tựa "Chút lòng" gởi cho các bạn trẻ yêu thích thơ Đường, Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 1998.
· Bóng ngày qua: hồi ký của Quách Tấn dày trên 2.000 trang đánh máy, xếp thành 10 tập. Đã xuất bản được các tập: Đời văn chương (1998), Bàn thành tứ hữu (2001), Tình thầy bạn (2003), Trường Xuyên thi thoại (2000), Những mảnh gương xưa (2001), Hương vườn cũ (2007), Nguồn đạo trong thơ văn (2007),...
Ngoài ra ông còn 20 tập văn chưa xuất bản.
Thơ văn dịch:
· Lữ Đường Thi tuyển dịch: tuyển dịch 56 bài thơ chữ Hán của Thái Thuận, một danh sĩ triều Hậu Lê. Trong tập còn có bài tổng luận về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của vị thi sĩ này. Nhà xuất bản Văn Học ấn hành năm 2002.
· Tố Như thi: tuyển dịch 72 bài thơ chữ Hán của thi hào Nguyễn Du. Nhà xuất bản An Tiêm ấn hành năm 1973. Năm 1995, Nhà xuất bản này tái bản tại Paris.
· Ngục trung thư: dịch tập thơ chữ Hán Nhật ký trong tù của Nguyễn Ái Quốc (?). Mặc dù chưa in, song một phần lớn thơ dịch đã được đưa vào Hồ Chí Minh toàn tập xuất bản năm 2000.
· Nghìn lẻ một đêm (4 tập, 1958)
Viết chung:
Ông viết chung với con trai là Quách Giao các tập:
· Nhà Tây Sơn (xb năm 1988, được tái bản nhiều lần)
· Võ nhân Bình Định (Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2001)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét