Thứ Hai, 13 tháng 7, 2020

Tây Du Ký - Đệ tam danh tác

Tây Du Ký - Đệ tam danh tác
Tây Du Ký (*) là một trong những tác phẩm kinh điển trong văn học Trung Hoa. Được xuất bản với tác giả giấu tên trong những năm 1590 và không có bằng chứng trực tiếp còn tồn tại để biết tác giả của nó, nhưng tác phẩm này thường được cho là của học giả Ngô Thừa Ân (**). Tiểu thuyết thuật lại chuyến đi đến Ấn Độ của nhà sư Huyền Trang để lấy kinh.
Tây du ký là tác phẩm văn học với chất lượng đạt tới đỉnh cao, đứng trong 4 tác phẩm vĩ đại nhất của văn học cổ điển Trung Hoa gọi là Tứ đại danh tác (cùng với Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, Thủy Hử của Thi Nại Am và Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần) (***).
Tây Du ký gồm một trăm hồi, ra đời vào năm Vạn Lịch thứ 29 (1601), triều Minh. Sau khi Tây du ký của Ngô Thừa Ân ra đời, trong thời Minh, Thanh xuất hiện những tác phẩm tiếp tục đề tài của Tây Du ký, nhưng cốt truyện và nhân vật có thay đổi như "Hậu Tây Du ký", "Tục Tây Du ký" và "Tây du bổ". Trong đó đáng chú ý và có giá trị nhất là "Hậu Tây du ký", không rõ tác giả.
Sự hình thành Tây du ký
Ngô Thừa Ân hoàn thành bộ Tây du ký gồm 100 hồi vào khoảng những năm Gia Tĩnh, Vạn Lịch - giữ đời Minh. Tây du ký đã mở ra lĩnh vực tiểu thuyết ảo tưởng với sự tưởng tượng phong phú, với những câu chuyện kỳ diệu và một kết cấu đồ sộ, đã khắc họa nên những hình tượng anh hùng lý tưởng có màu sắc độc đáo. Tây du ký đánh dấu văn học lãng mạn đã đạt tới một đỉnh cao mới.
Những chuyện trong Tây du ký đều bắt nguồn từ thần thoại và truyền thuyết dân gian. Chuyện Đường Tăng đi lấy kinh vốn là chuyện có thực trong lịch sử: đời Đường Thái tông (1), nhà sư trẻ Huyền Trang (2) một mình sang Thiên Trúc (Ấn Độ) lấy kinh, đi về mất 17 năm trời. Đường đi trên vạn dặm, qua 128 nước lớn nhỏ, đi về mất 4 năm, ở lại Ấn Độ tìm thấy học đạo 13 năm, đặc biệt lưu học những 6 năm ở chùa Na Lan Đà vốn là trung tâm phật học thời bấy giờ. Khi về nước ông phải dùng 24 ngựa tải, mang theo 657 bộ kinh Phật, 150 xá lợi tử (tinh cốt Phật), 6 tượng Phật. Ông để ra 19 năm trời, dich được 75 bộ kinh Phật, cho đến khi mất. Ông còn để lại một bộ Đại Đường Tây vực ký 12 quyển, ghi chép đầy đủ lịch sử, địa lý, phong tục tập quán của 128 nước mà ông đã đi qua. Khi ông mất có đến 1 triệu người đưa tang và 3 vạn Phật tử đã dựng lều cư tang gần phần mộ ông. Hành động phi thường ấy tự nó đã có chất huyền ảo, do đó đã nảy sinh các loại truyền thuyết thần kỳ trong dân gian xoay quanh chuyện đi lấy kinh độc nhất vô nhị đó. Những truyền thuyết ngày càng xa sự việc có thực ban đầu. Đời Tống, những người làm nghề kể chuyện đã lấy câu chuyện đi lấy kinh đó làm đề tài. Đến thời Nam Tống, một thoại bản được in có nhan đề Đại Đường Tam Tạng thủ kinh thi thoại, gồm có 17 tiết, kể sơ sài, xen lẫn văn ngôn và bạch thoại, kiểu như là một đề cương dùng để kể chuyện. Trong “Đại Đường…” này đã có bóng dáng của nhân vật Tôn Ngộ Không và Sa Tăng trong Tây Du ký sau này.
Đến đời Nguyên, qua sự gia công của nhiều người kể chuyện, đã xuất hiện bộ Tây du ký bình thoại - một bộ mặt mới của “Đại Đường…”. Bộ Tây du ký bình thoại không còn lưu truyền nguyên vẹn đến nay, nhưng theo như nhiều nhà nghiên cứu văn học thì nhiều tình tiết quan trọng trong Tây du ký 100 hồi đều có trong Tây du ký bình thoại.
Chuyện Đường Tam Tạng đi Tây Trúc lấy kinh được đưa lên sân khấu khá sớm. Đời Kim có vở viện bản Đường Tam Tạng. Đời Nguyên có vở tạp kịch Đường Tam Tạng Tây Thiên thủ kinh (Đường Tam Tạng đi lấy kinh ở Tây Thiên) của Ngô Xương Linh. Cả hai bản trên đều thất lạc. Cuối Nguyên đầu Minh có Tây du ký tạp kịch của Dương Nột (3).
Ngô Thừa Ân là người cuối cùng và thành công nhất trong việc tập hợp, biên soạn lại những chuyện thần thoại, truyền thuyết về việc đi Tây Trúc lấy kinh của Đường Tam Tạng trên cơ sở Tây du ký bình thoại và Tây du ký tạp kịch. Tây du ký kể chuyện Tôn Ngộ Không cùng Trư Bát Giới với Sa hòa thượng phò Đường Tăng sang Tây Thiên (Ấn Độ). Đường đi gặp phải biết bao gian nan trắc trở, tổng cộng 81 nạn, cuối cùng đến được xứ sở của Phật tổ, mang kinh phật về truyền bá phương Đông. Bộ Tây du ký với quy mô lớn gồm 100 hồi của Ngô Thừa Ân là một kết cấu nghệ thuật hoàn chỉnh và vượt xa những cái có trước về mọi mặt, đặc biệt là hình tượng nhân vật Tôn Ngô Không rất sinh động, độc đáo đã trở thành một trong những điển hình xuất sắc của nhân vật anh hùng mà văn học Trung Quốc đã sáng tạo nên.
Hệ thống Nhân vật của Tây Du ký
Tôn Ngộ Không, một con khỉ đá thành tinh có phép thuật mà biết quy y cửa Phật, ngày nay đã trở thành một trong những nhân vật được yêu mến nhất trong văn học Trung Hoa. Có nhiều giả thiết cho rằng nhân vật Tôn Ngộ Không bắt nguồn từ truyền thuyết của tướng khỉ Hanuman, một anh hùng khỉ Ấn Độ từ thiên sử thi Ramayana (4). Thực ra, giữa Tôn Ngộ Không và tướng khỉ Hanuman chỉ là sự trùng hợp về hình thức bên ngoài (đều có diện mạo Khỉ), còn từ hệ thống hành động cho đến tính cách nhân vật đều khác xa nhau.
Ngô Thứa Ân đã dành bảy chương đầu và viết khá tỉ mỉ để giới thiệu nhân vật Tôn Ngô Không với một loạt những hành tích độc nhất vô nhị: Tôn Ngộ Không, từ khi ra đời từ một hòn đá ở biển Đông, xưng vương ở Hoa Quả Sơn, tầm sư học đạo, đại náo Thủy cung và tìm thấy cây gậy Như Ý bịt vàng, “quậy” Địa phủ, đốt sổ sinh tử rồi đại náo Hội bàn đào, thoát khỏi lò bát quái của Thái Thượng Lão quân, sau đó bị Phật Tổ Như Lai bắt nhốt trong núi Ngũ Hành 500 năm.
Việc đưa chuyện “Đại náo Thiên cung” lên đầu sách và dùng tới bảy hồi rõ ràng tác giả muốn làm nổi bật vị trí của nhân vật Tôn Ngộ Không trong hệ thống hình tượng nhân vật của bộ tiểu thuyết. Bảy hồi này lại được tác giả viết bằng một lối văn vừa đẹp như thêu gấm dệt hoa, vừa phóng túng như mây bay gió thổi, đã tạo nên một ấn tượng đậm nét về hình tượng “anh hùng phản nghịch” Tôn Ngộ Không, tạo nên sức cuốn hút mạnh mẽ đối với công chúng văn học cho đến hôm nay. Dù ở những thời điểm lịch sử khác nhau, “ý nghĩa tư tưởng” của nhân vật Tôn Ngộ Không có xê dịch, thêm bớt thì hình tượng nhân vật vẫn thật rực rỡ huy hoàng và nhìn từ phía nào cũng đẹp một cách kỳ vĩ! Nhiều nhà nghiên cứu văn học đều nhận xét rằng bảy hồi mở đầu này là phần tinh hoa của Tây du ký, làm cho cả bộ sách thêm rực rỡ, chói lọi là hoàn toàn đúng.
“Đại náo Thiên cung” kết thúc bằng sự thất bại của Tôn Ngộ Không, là điều bất khả kháng và điều đó càng làm tăng vẻ đẹp bi kịch của hình tượng nhân vật. Mặt khác, Tôn Ngộ Không bị đè dưới núi Ngũ hành 500 năm và sau đó quy y Phật pháp cũng là đòi hỏi tất yếu trong sự phát triển tình tiết câu chuyện. Hơn nữa, cốt truyện Tây Du ký đã hình thành từ trước Ngô Thừa Ân, tác giả không thể thay đổi được một cách căn bản chỗ mấu chốt đó. Và cuối cùng thì ta cũng thấy rằng, cái “điều kiện” để Tôn Ngộ Không được giải thoát là phải đi hộ tống Đường Tăng sang Tây Trúc là hoàn toàn hợp lý!
Năm hồi tiếp theo, từ hồi thứ 8 đến hồi 12, tả Như Lai thuyết pháp, Quan Âm phụng chỉ, Đường Tăng xuất thế, Ngụy Trưng nằm mộng chém rồng sông Kinh, Thái Tông xuống địa phủ, tất cả chỉ là “dọn bãi” cho chuyện đi lấy kinh, không có gì đặc biệt.
Từ hồi mười ba trở đi mới chính thức bắt đầu câu chuyện sang Tây thiên lấy kinh. Đây là phần chính của bộ sách, tác giả đã giành cho một số lượng đồ sộ gồm tám mươi bảy hồi. Về câu chuyện, phần này nối tiếp bảy hồi đầu, tả cảnh ngộ của Tôn Ngộ Không sau khi bị chinh phục: quy y đạo Phật, phò Đường Tăng đi lấy kinh, song vẫn xuất hiện với tư thế ngoan cường dũng cảm, khôn khéo đối phó với mọi biến cố xảy ra dọc đường. Nó khác hẳn với bảy hồi trước ở chỗ đã chuyển sang một câu chuyện khác, miêu tả về cuộc đấu tranh giữa những người đi lấy kinh và những kẻ làm trở ngại việc đi lấy kinh, cuộc đấu tranh của bốn thầy trò Đường Tăng với các loại yêu ma quỷ quái. Việc đi lấy kinh ở đây được xem là một sự nghiệp cao cả, nhân vật chính phải trải qua muôn vàn gian khổ, kiên trì bền bỉ đấu tranh mới đạt được mục đích. Câu chuyện đó rõ ràng muốn nói lên tư tưởng: Muốn thực hiện một lí tưởng tốt đẹp, muốn hoàn thành một sự nghiệp vĩ đại, nhất định sẽ gặp muôn vàn khó khăn, và phải chiến thắng những khó khăn đó.
Bản thân chuyện sang Tây thiên lấy kinh bao gồm bốn mươi mốt câu chuyện nhỏ. Hầu hết trong đó đều có yêu tinh xuất hiện tác quái. Lai lịch của lũ yêu có khác nhau nhưng có một điểm chung là ngăn cản công việc đi lấy kinh. Ngô Thừa Ân đã miêu tả từng trận chiến đấu cụ thể, khó khăn, trở ngại ra sao, Tôn Ngộ Không đã giành được thắng lợi như thế nào. Từ đó, tư tưởng của tác phẩm được tô đậm: tinh thần khắc phục khó khăn, trở ngại, dũng cảm vươn tới, sẵn sàng đánh bại mọi thế lực đen tối và chinh phục thiên nhiên của nhân dân TQ, như  các nhà làm phim Tây Du ký đã thể hiện ở bài hát trong phim, đã làm nổi rõ tư tưởng của tác phẩm gốc Tây du ký:
… Thấp thoáng chân mây
biết phương nào
thấp thoáng
chân mây xa tít mù
về Thiên trúc
còn quá xa
bao khó khăn vượt qua
nguyện không lùi bước
khó khăn luôn vượt qua…
Hình tượng Trư Bát Giới cũng được xây dựng rất xuất sắc, tính cách hết sức rõ rệt. Bát Giới là một nhân vật kiểu hài kịch, luôn luôn làm cho người ta bật cười. Tính hài của nhân vật này có ngay từ tên gọi: Một tên gọi khác của Bát Giới là Trư Ngộ Năng do Quan Thế Âm Bồ Tát đặt cho nghĩa là “con lợn (tái sinh) nhận ra, ngộ ra khả năng của mình” để ám chỉ việc Bát Giới luôn tự đánh giá mình quá cao mà quên mất mình mang một hình hài kinh khủng. Tam Tạng đặt tên là Bát Giới với ý nghĩa là “Tám ranh giới bị kiềm chế” để nhắc nhở Bát Giới phải luôn biết tu sửa mình. Trư Bát Giới lúc đầu giữ chức Thiên Bồng Nguyên Soái, là người chỉ huy hơn 7.000 thủy binh ở Thiên Đình. Trong bữa tiệc lớn ở Thiên Đường, hội tụ đủ các chức sắc, Trư Bát Giới đã bị hút hồn khi lần đầu tiên nhìn thấy Hằng Nga. Cùng với men say của rượu, Bát Giới đã tán tỉnh Hằng Nga và bị nàng tâu với Ngọc Hoàng. Vì lí do này, Bát Giới bị đày xuống hạ giới.
Trong những hồi đầu của tiểu thuyết, thầy trò Đường Tăng và Tôn Ngộ Không đến trang trại gia đình họ Cao thì được biết con gái lớn của họ đã bị bắt cóc. Và tên bắt cóc còn để lại lời nhắn cầu hôn. Sau khi điều tra, Ngộ Không đã tìm được kẻ đứng sau vụ này chính là Bát Giới. Ngộ Không và Bát Giới đánh nhau. Rồi Bát Giới lại phát hiện ra rằng đây là đồ đệ của Tam Tạng, người mà Quan Thế Âm đã chỉ định để Bát Giới đi theo phò tá, chuộc lại lỗi lầm đã gây ra.
Lão Trư có mặt tốt như biết lao động, khả năng làm việc rất lớn, bản chất đơn thuần. Trong chiến đấu, vốn đã từng là Thiên bồng nguyên soái nên Trư Bát Giới là một trợ thủ khá đắc lực của Tôn Ngộ Không, hơn cả Sa Tăng. Khi bị địch bắt, không bao giờ có biểu hiện thỏa hiệp hoặc khuất phục.Trên đường sang Tây thiên, đã lập được một số công lao nhất định…Tuy nhiên, Bát Giới có rất nhiều khuyết điểm, như sợ khó khăn, đôi phần chây lười, thích nhàn nhã, ham những cái lợi nhỏ nhặt, dễ bị những lạc thú của cuộc sống vật chất bên ngoài cám dỗ, thường mong muốn bỏ về làm rể ở Cao gia trang. Có lúc cũng hay dùng những lời gièm pha, làm Đường tăng mờ mắt xiêu lòng. Tuy y thích ba hoa khoác lác, nhưng lại rất dễ bị lộ tẩy. Y thường hay “suy bụng ta ra bụng người”, nên thường vô tình tự “cởi áo cho người xem lưng”. Có một lần Đường tăng đuổi Tôn Ngộ Không đi, Tôn Ngộ Không không chịu đi, y nói bịa rằng Tôn Ngộ Không vì muốn chia hành lý, mong được mấy chiếc áo cũ, cái mũ rách, khỏi uổng công làm đồ đệ bấy lâu. Thực ra, đó là ý nghĩ trong đáy lòng của y. Buồn cười nhất là trên đường đi lấy kinh, y đã xoáy được bạc nén, nhờ thợ bạc đúc thành một cục, nhét vào tai, sau bị Tôn Ngộ Không giả dạng quỷ sứ bắt người, đánh lừa mới lôi ra được. Những khuyết điểm đó của Trư Bát Giới phản ánh tâm trạng của người tiểu tư hữu. Tác giả có thái độ chê cười những khuyết điểm đó, đồng thời cũng không gạt bỏ những cái tốt đẹp trong con người y. Nhờ cân nhắc cẩn thận xác đáng, nên khi xây dựng nhân vật này, tác giả tránh được bệnh sơ lược, vì thế, Trư Bát Giới tuy có không ít khuyết điểm, nhưng không phải là một nhân vật phủ định. Trong các đệ tử, Bát Giới được Đường Tăng “cưng chiều” hơn cả. Bát Giới tượng trưng cho các bản năng dục vọng tiềm tàng trong tâm mỗi người. Và chính ta, ta vốn vẫn thường có xu hướng bỏ qua, phớt lờ cái lẽ đúng mà nuông chiều theo thói hư tật xấu của mình?
Đến cuối tiểu thuyết, tất cả các nhân vật chính, bạn đồng hành của Bát Giới đều đạt đến mục đích cuối cùng của mình, tức là trở thành Phật hoặc La Hán. Chỉ riêng mình Bát Giới là không, bởi dù đã có nhiều cải biến, Bát Giới vẫn còn quá nhiều ham muốn. Vì vậy, Bát Giới được phong là "Tịnh đàn sứ giả" với phần thưởng là công việc: "Lau dọn bàn thờ", nơi mà Lão Trư có thể ăn thỏa thích những hoa quả thừa trên bàn thờ.
Một tên gọi khác của nhân vật Sa Tăng là Sa Ngộ Tĩnh do Quan Thế Âm Bồ Tát đặt, có ngiã là Giác Ngộ được Đạo Phật. Còn cái tên Sa Tăng là do Tôn Ngộ Không đặt khi Sa Tăng chịu phò tá Đường Tăng, vì thấy cách chào của Sa Tăng giống hoà thượng. Sa Tăng ngày trước vốn giữ chức Quyển Liêm Tướng Quân, là chức để coi việc trông rèm cho Ngọc Hoàng. Năm xưa làm vỡ chén lưu ly trong Hội Bàn Đào trong lúc say rượu nên bị đầy xuống sông Lưu Sa làm yêu quái. Vì thế mà Quan Thế Âm Bồ Tát đã cho phò tá Đường Tăng để chuộc lại lỗi lầm đã gây ra.
Sa Tăng là tánh cần cù, nhẫn nại. Ngô Thừa Ân bắt Sa Tăng phải nhọc nhằn gánh hành lý là lẽ ấy. Tề thiên mấy bận giận Thầy, mấy phen đào nhiệm, từng quay về Thủy liêm động quê xưa; Bát giới nào có thua, đã trăm lần ngàn lượt cứ lẻo nhẻo đòi chia của, rồi mạnh ai đường nấy, chàng về cố thổ lấy vợ cho xong. Chỉ riêng có Sa tăng suốt cuộc hành trình thiên ma bách chiết, vào yêu ra quỷ, một lòng một dạ quảy hành trang tiến tới. Không một lời thối lui. Không một lòng biến đổi. Sa Tăng là hình ảnh của tinh tấn, trì thủ, tâm bất thối chuyển. Dù khó khăn đến đâu, đã quyết rồi, thì cứ đi tới. Khí giới của Sa Tăng vì thế là bảo trượng có đầu dẹp và bén nhọn, để mà dễ dàng găm chặt vào, ghim chặt vào. Chí đã định rồi thì không biến đổi, lòng đã quyết rồi thì chẳng chuyển lay. Pháp danh của Sa Tăng vì thế là Ngộ tịnh: tịnh để mà khắc chế cái động, cái chưa thanh tịnh; tịnh để mà kham nhẫn, chịu đựng.
Đường tăng là con người có lòng từ bi, nhân hậu, bao dung, có quyết tâm tu hành vượt qua muôn vàn cám dỗ. Tuy nhiên, Ðường Tăng còn có tánh phàm, u mê, nhu nhược, ba phải. Một trăm lần Tề thiên cản: Yêu ma đấy, Thầy chớ có cứu. Và đủ một trăm lần Đường tăng cãi, cứ cứu, để rồi mắc nạn vương tai
Đường tăng cứ lặp đi lặp lại những sai lầm của mình, và không có sai lầm nào giống sai lầm nào. Con người cũng thế, cứ đi từ sai lầm này đến sai lầm khác mà thôi, nếu không nghe theo lý trí, lương tâm mà chỉ biết chìu theo vọng tâm, tình cảm nhất thời.
Trong Tây du ký , luôn luôn xảy ra những mâu thuẫn có khi gay gắt giữa Tôn Ngộ Không và Đường tăng, khiến cho thầy trò phải ba phen chia lìa... Đó cũng là cách biểu tượng hóa những đối nghịch giữa lý trí với tình cảm, cảm tính.
Hình tượng nhân vật Đường Tăng dưới ngòi bút Ngô Thừa Ân đã được phát triển thêm nhiều so với Tây du kí tạp kịch. Ngoài việc miêu tả ông ta là một tín đồ đạo Phật thành tâm, tác giả còn làm nổi lên cái khí chất trí thức phong kiến của ông ta. Ông ta là một người rất tốt, nhưng trước khó khăn thì đành chịu bó tay, mặt buồn ủ rũ, nước mắt tuôn rơi, hơn nữa nhát gan như thỏ, hơi một tí là khiếp sợ ngã lăn xuống ngựa. Ông ta hết sức coi trọng lễ giáo phong kiến và giới luật nhà Phật, cẩn thận dè dặt tới mức quá đáng. Trong việc giữ gìn những phép tắc giáo lý đó, ông ta lại rất ngoan cố, hầu như không thể nào lay chuyển được. Tai hại nhất là, ông ta đã tuyên truyền một thứ tư tưởng “từ bi” hoàn toàn vô nguyên tắc. Ông ta thường nói câu Phật giáo cửa miệng là: “không lúc nào xa rời lòng thiện”, “quét nhà sợ làm chết kiến, thương con thiêu thân bên bóng đèn”, “kẻ xuất gia này thà chết chứ không dám giết người”. Do đó, ông ta thường quở mắng Tôn Ngộ Không một cách vô cớ chẳng kể phải trái, cho những yêu tinh thay hình đổi dạng là người tốt. Kết quả, thực tế mỗi lần đều chứng minh rằng Tôn Ngộ Không phán đoán đúng, còn ông ta thì tự làm hại mình, bị yêu tinh bắt đưa vào động. Tôn Ngộ Không nói rất đúng: “Chỉ biết làm điều thiện, thì sẽ mất mạng. Yêu tinh là giống hại người, thương nó làm gì!”. Thông qua những việc ấy, tác giả đã phê phán ông rất mạnh.
Đường Tăng cứ lặp đi lặp lại những sai lầm của mình, và không có sai lầm nào giống sai lầm nào. Đó là chất “người phàm” trong Đường Tăng, cứ đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Đó cũng là giới hạn muôn thuở của con người mà không dễ dàng xóa bỏ.
Trong Tây du ký, luôn luôn xảy ra những mâu thuẫn có khi gay gắt giữa Tôn Ngộ Không và Đường Tăng, khiến cho thầy trò phải ba phen chia lìa. Đó cũng là cách biểu tượng hóa những đối nghịch giữa lý trí với tình cảm, giữa lý tính với cảm tính.
Chính vì thế, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Đường Tăng, Quan Âm Bồ Tát còn trang bị cho Đường Tăng áo cà sa và tích trượng.
Cà sa là áo giáp chở che, tích trượng để thêm sức mạnh cho đôi chân. Cà sa và tích trượng ấy chính là đạo đức chân chính của con người. Có đạo đức, con người đủ khả năng tự phòng thủ, tự bảo vệ mình khỏi sa chân vào tội lỗi, tránh xa được mọi cám dỗ tầm thường. Cho nên, khi Phật tổ Như Lai sai A nan và Ca diếp mang áo cà sa gấm và tích trượng chín vòng trao cho Quan âm Bồ tát, đã dặn dò rằng: «Tấm áo cà sa và cây gậy này đưa cho người lấy kinh dùng. Nếu người ấy (...) mặc tấm áo cà sa của ta, thì thoát khỏi luân hồi; cầm gậy tích trượng của ta thì không bị hãm hại». Và khi ở kinh thành Trường An, giải thích chỗ quý báu của cà sa, Quan âm Bồ tát cũng bảo: «Mặc tấm áo cà sa của ta thì không bị đắm chìm, không sa địa ngục, không gặp tai ương ác độc, không bị hoạn nạn sói lang».
Những hình tượng thần Phật trong Tây du ký đều mang màu sắc con người trần thế. Ngọc Hoàng Thượng đế trong bảy hồi đầu được miêu tả như một người u mê, không có chủ kiến. Cự Linh thần là một vị tướng thích phô trương thanh thế nhưng vừa xuất trận đã thảm bại. Thái Bạch Kim tinh thì phép thuật siêu phàm, có tài ứng đối, thường xuất hiện trong vai “người hòa giải”. Thập Đại Minh vương lâu nay tác oai tác phúc, nhưng thấy Tôn ngộ Không tướng mạo dữ tợn, đánh đến điện Sâm La, liền sắp hàng quần thần mà nói to: “Xin Thượng tiên cho biết tên! Xin Thượng Tiên cho biết tên!. Những nhân vật này đều có những nét nào đó của tầng lớp thống trị phong kiến, đều bị tác giả châm biếm. Từ hồi bảy trở đi, việc miêu tả thần phật chỉ còn là thứ yếu, trừ Phật Tổ Như Lai và Quan Âm Bồ Tát vì hai vị này khởi xướng và tổ chức việc đi lấy kinh.
Như Lai là một vị giáo chủ hết sức trang nghiêm, pháp thuật thần thông quảng đại ; Quan Âm là một vị bồ tát rất nhiệt tâm lo toan cho Phật pháp, hăng hái cứu thế độ nhân. Nhưng Tôn Ngộ Không cũng bỡn cợt đối với họ, rủa Quan Âm: “Làm gái già suốt đời là đáng lắm” ; và mỉa mai Như Lai, bảo ông ta là cháu ngoại yêu tinh. Cuối cùng, trong vùng đất thánh Linh Sơn, còn có cảnh A Nan, Già Diệp đòi ăn lễ của Đường tăng. Như Lai lại bào chữa cho họ, nói là trước kia bán rẻ kinh, nên con cháu đời sau không có tiền tiêu. Tất cả những điều đó chứng tỏ đối với thần phật, tác giả không lấy gì làm kính trọng lắm.
Những yêu ma trên đường sang Tây thiên là đối tượng đấu tranh trực tiếp của Tôn Ngộ Không. Hình tượng của chúng phần nhiều do sự ảo hóa những sức mạnh thiên nhiên mà ra. Trong truyền thuyết, người ta ảo hóa muôn vàn trở ngại gặp trên đường đi lấy kinh thành yêu quái. Trong sa mạc có cơn lốc thì tưởng tượng thành Hoàng Phong quái ; thấy cảnh ảo giác thì tưởng tượng thành Hoàng Mi đại vương trong chùa Lôi Âm giả ; rắn độc thú dữ cũng đều được hóa thành yêu tinh cả. Những yêu ma đó đứng về phía đối lập trong đấu tranh, là kẻ tử thù một mất một còn của bốn thầy trò đi lấy kinh. Chúng là đại biểu của thế lực gian ác, bản thân chúng có ý nghĩa xã hội.
Khi miêu tả chúng, tác giả thường phản ánh một số đặc điểm nào đó của giai cấp thống trị phong kiến. Lại còn có những yêu quái chuyên môn mê hoặc vua chúa ở cõi nhân gian, làm cho triều chính rối loạn. Rõ ràng đó là hóa thân của lũ quần thần gian nịnh trong cuộc sống hiện thực. Chuyện sang Tây thiên lấy kinh gồm bốn mươi mốt chuyện nhỏ, mỗi chuyện nhiều nhất chỉ chiếm bốn hồi, cho nên không thể miêu tả tỉ mỉ tính cách của từng yêu tinh xuất hiện trong đó, phần nhiều tác giả dùng bút pháp biếm họa, rất chú ý miêu tả chúng dùng các thứ bảo bối, nghĩ ra đủ các loại quỷ kế. Về mặt này, tác giả đã tha hồ phát huy sức tưởng tượng của mình, viết rất hấp dẫn sinh động, độc đáo bất ngờ. Lũ yêu quái đều rất tin vào sức mạnh bảo bối của chúng, nhưng cuối cùng Tôn Ngộ Không thường có thể làm cho chúng mất hết tác dụng. Chúng rất tài ngụy trang, khi thì biến thành trẻ nhỏ, khi thì biến thành phụ nữ, khêu gợi lòng thương của người ta, rồi thừa lúc sơ hở, đột ngột tấn công. Có loài lại giả chùa Lôi Âm, giả danh nhà Phật, trang điểm thành “hương hoa diễm lệ mà đứng đắn nghiêm trang” hòng đánh lộn sòng, dụ người vào bẫy.Những đoạn miêu tả đó rất có ý nghĩa đối với người đọc trong việc phân biệt cái giả, cái thật.
Sức sống lâu bền và lan tỏa của Tây du ký
Sau khi Tây Du ký của Ngô Thừa Ân ra đời, trong thời Minh, Thanh xuất hiện những tác phẩm tiếp tục đề tài của Tây Du ký, nhưng cốt truyện và nhân vật có thay đổi như “Hậu Tây Du ký”, “Tục Tây Du ký” và “Tây du bổ”. Trong đó đáng chú ý và có giá trị nhất là “Hậu Tây Du ký”, không rõ tác giả.
Và tiểu thuyết Tây du ký đã nhanh chóng lọt vào “Con mắt xanh” của các nhà làm Phim của “Nghệ thuật thứ Bảy”. Song, do quy mô làm phim quá lớn, chi phí làm phim quá cao nên phải tới năm 1982, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) mới đầu tư 6 triệu nhân dân tệ để làm bộ phim Tây Du ký do Đạo diễn Dương Khiết (5) thực hiện. Vào thời điểm bấy giờ, mức kinh phí 6 triệu là khoản đầu tư rất lớn, nhưng vẫn không đủ trang trải cho 25 tập phim. Vì thế, thù lao trả cho các diễn viên rất thấp, trong đó, Lục Tiểu Linh Đồng là người được trả thù lao cao nhất cũng chỉ 70 nhân dân tệ/tập phim, con số này kém xa so với cátsê của các diễn viên trẻ ăn khách hiện nay.
Làm bộ phim lớn trong điều kiện nhiều khó khăn, nhưng đạo diễn Dương Khiết và tập thể đoàn làm phim bằng nỗ lực rất lớn đã lần lượt vượt qua “81 kiếp nạn” chẳng khác gì tầy trò Đường Tăng. Ta hãy điểm qua vài việc:
1/ Ba lần thay đổi diễn viên đóng vai Đường Tăng: Trong phim Tây Du ký, nhân vật Đường Tăng do ba diễn viên thể hiện, đó là: Uông Việt, Từ Thiếu Hoa và Trì Trọng Thoại. Uông Việt là diễn viên đầu tiên được đạo diễn Dương Khiết mời đóng vai Đường Tăng, khi đó anh đang là học viên của Học viện điện ảnh Bắc Kinh, anh kể: “Lúc được tin đạo diễn Dương Khiết chấm mình đóng vai Đường Tăng, tâm trạng của tôi vừa mừng vừa lo. Tôi sợ mình chưa đủ khả năng đảm đương vai diễn lớn này, song đạo diễn Dương Khiết động viên rằng tôi có gương mặt rất phúc hậu và hiền từ, nhờ vậy mà tôi cảm thấy tự tin hơn”. Do thời gian quay bộ phim Tây Du Ký kéo dài quá lâu, trong khi Uông Việt lại muốn thử sức với những vai mới, nên anh đã xin “rút tên” khi phim vừa quay được vài tập. Đường Tăng “nhiệm kỳ thứ hai” là Từ Thiếu Hoa. Anh gắn bó với đoàn làm phim được 2 năm 5 tháng thì cũng nói lời tạm biệt, để chuẩn bị thi Đại học. Từ Thiếu Hoa hài hước nói, trong thời gian đóng phim Tây Du Ký, nỗi khổ lớn nhất của anh là quá... khỏe, bởi so với các “đệ tử”, vai Đường Tăng khá an nhàn, không cần vận động nhiều, lại ăn được ngủ được nên Từ Thiếu Hoa tăng cân vùn vụt, kết quả là anh bị đạo diễn buộc phải giảm cân. Ấn tượng sâu sắc nhất đối với Từ Thiếu Hoa là khi Uông Việt bàn giao vai Đường Tăng cho anh, Uông Việt đã “lo lót” mời anh dùng bữa cơm tốn hết 40 nhân dân tệ. Trì Trọng Thoại là diễn viên cuối cùng thể hiện vai Đường Tăng, từ đoạn thầy trò Đường Tăng đã thỉnh được chân kinh từ Tây Thiên trở về.
2/ Lồng tiếng: Các nhân vật trong phim mỗi người đều có một giọng nói đặc trưng do diễn viên lồng tiếng hỗ trợ, như vai Đường Tăng là do diễn viên lồng tiếng Trương Vân Minh phụ trách, vai Tôn Ngộ Không được diễn viên của đoàn Kinh kịch An Huy lồng tiếng, còn giọng của lão Trư là tiếng nói của một diễn viên lão thành trong hãng phim Quân đội Bát Nhất, chỉ duy nhất nhân vật Sa Tăng là do Diêm Hoài Lễ tự lồng 
tiếng.
3/ Diễn viên đóng thế: Do nguồn kinh phí eo hẹp, cộng thêm ngành truyền hình Trung Quốc đầu thập niên 80 vẫn chưa phát triển, đạo diễn Dương Khiết không có chủ trương mời diễn viên đóng thế, nên trong 25 tập phim Tây Du Ký, tất cả các cảnh quay võ thuật đều do diễn viên tự đóng.
4/ Chỉ đạo võ thuật: Phim Tây Du Ký có đến 3 nhà chỉ đạo võ thuật: Lâm Chí Khiêm (người đóng vai Nhị Lang Thần) - từng là huấn luyện viên võ thuật; Hạng Hán - huấn luyện viên võ thuật và Hạ Bách Hoa (người đóng vai Yêu đạo - câu chuyện “Trừ yêu Ô Kê quốc”).
5/ Quay Ngoại cảnh: Theo nhận xét của giới báo chí, phần ngoại cảnh tuyệt đẹp trong phim Tây Du Ký đã góp phần không nhỏ làm nên thành công cho bộ phim. Có thể nói, những chốn bồng lai tiên cảnh, non nước hữu tình đã che lấp đi phần kỹ xảo lạc hậu. Ngoại cảnh trong phim đã được quay tại rất nhiều nơi có những danh lam thắng cảnh nổi tiếng: Tập 1 - Bắc Đới Hà; tập 2 - Giới Đài tự - Bắc Kinh; tập 4,11 và 12 - Hồ Nam; tập 7 - Sơn Đông; tập 8 - Tam Hiệp; tập 9 - Tứ Xuyên; tập 10 - Trương Gia giới; tập 13 - Dương Châu; tập 17 - Thổ Lỗ Phồn Hỏa Diệm Sơn; tập 21 - Cửu Trại Câu; tập 23 - Quảng Châu; tập 24 - Thái Lan; tập 25 - Thái Lan và Hồ Nam.
6/ Thời điểm phát sóng: Do thời gian làm phim kéo dài, nên Tây Du Ký đã được quay và phát sóng theo kiểu cuốn chiếu. Tháng 8-1982, bấm máy câu chuyện “Trừ yêu Ô Kê quốc”, lễ Quốc Khánh cùng năm CCTV phát sóng câu chuyện đó. Năm 1983, quay các tập “Họa từ Quan Âm viện”, “Ăn trộm quả nhân sâm”, “Tam đả Bạch Cốt tinh”. Ngày 3-2-1984, CCTV phát sóng 2 tập phim “Thu phục Trư Bát Giới” và “Tam đả Bạch cốt tinh”. Tết Nguyên Đán năm 1986, CCTV chiếu 11 tập của bộ phim. Trong năm 1986, quay tiếp các tập: “Đoạt Bảo Liên Hoa động”, “Đại chiến Hồng Hài Nhi”, “Đấu phép hạ tam quái”, “Thỉnh kinh Nữ Nhi quốc”, “Tam điều Tì Bà phiến”, “Quét tháp biện kỳ oan”, “Đánh nhầm Tiểu Lôi Âm”, “Tôn hầu xảo hành y”. Năm 1987: quay tiếp “Rơi nhầm động Bàn Tơ”, “Tứ thám Vô đáy động”, “Truyền nghệ Ngọc Hoa Châu”, “Thiên Trúc thu Ngọc Thố”, “Ba thăng cực lạc thiên”. Ngày 1-2-1988, CCTV phát sóng trọn bộ phim Tây Du Ký gồm 25 tập.
Xung quanh việc thực hiện lại bộ phim Tây Du Ký, đầu năm 2007, báo chí Trung Quốc đã phỏng vấn nhà làm phim Trương Kỷ Trung - người đang lên kế hoạch thực hiện bộ phim Tây du ký phiên bản mới - và Lục Tiểu Linh Đồng - người đã rất thành công trong vai Tôn Ngộ Không.
Trương Kỷ Trung: Tái tạo lại một Tây du ký của thời đại này.
- Hỏi: Bộ phim Tây du ký thực hiện cách đây 20 năm rất thành công, thậm chí được đánh giá là bộ phim kinh điển, nhưng ông lại đánh giá phim thiếu sức tưởng tượng, xin hỏi lý do tại sao?
- Trương Kỷ Trung: Tôi không cảm thấy Tây du ký phiên bản cũ thành công lắm, đó là một bộ phim kinh điển, tôi không phủ nhận, nhưng là bộ phim kinh điển ở một thời đại nhất định, dưới điều kiện kỹ thuật nhất định. Đó chỉ là một hình thức biểu hiện của sân khấu hóa. Hầu vương đấy chưa phải là một “Tôn Ngộ Không” thực sự, chỉ có thể nói là “khỉ” trên sân khấu kinh kịch mà thôi. Nhưng vào thời điểm đó, quay được một bộ phim như thế, không phải là chuyện dễ.
- Hỏi: Một số người cho rằng, ông sẽ khó vượt qua được cái bóng của Tây du ký trước đây, ông nghĩ thế nào?
- Trương Kỷ Trung: Tôi không muốn vượt qua nó, tôi chỉ muốn tái tạo lại một Tây du ký của thời đại này. Trình độ kỹ thuật trước đây không thể sánh với bây giờ, rất nhiều cảnh muốn quay nhưng không thể nào thực hiện được, hoặc chỉ được thể hiện sơ sài. Phim chỉ mang chút “sắc màu thần thoại”, giống như những cảnh trong Harry Porter là những cảnh chúng ta không thể nào tưởng tượng được, chúng ta gọi đấy là “thời đại của những ý tưởng siêu phàm”.
- Hỏi: Ông có một đầu óc thương nghiệp, nghe nói ông định xây dựng công viên “Tây du ký”?
- Trương Kỷ Trung: Tôi vốn có ý định này. Hiện này, tài sản văn hóa của điện ảnh Trung Quốc rất ít, cần phải được khai thác, tôi muốn kiến tạo ra một nơi có thể khiến công chúng và điện ảnh tương tác nhau. Tôi hy vọng có thể gói gọn văn hóa TQ vào đấy.
Lục Tiểu Linh Đồng: Nghệ thuật chân chính khó mà phục chế.
- Hỏi: Anh đã từng vào vai Tôn Ngộ Không thật xuất sắc. Hiện nay, với trình độ kỹ thuật rất cao, anh có nghĩ Tây du ký phiên bản mới của Trương Kỷ Trung có thể vượt qua được phiên bản cũ không?
- Lục Tiểu Linh Đồng: Tôi cho rằng kỹ thuật quan trọng chỉ là quan điểm sai lầm của mọi người. Tôi vẫn luôn nhấn mạnh “Nghệ thuật trước, kỹ thuật sau”, phần quan trọng nhất của một bộ phim là nghệ thuật phục vụ cho nội dung phim. Kỹ thuật của phim Tây du ký phiên bản cũ cũng rất tinh xảo, cũng được công chúng đánh giá tốt.
- Hỏi: Nói như nhà làm phim Trương Kỷ Trung rằng, Tây du ký phiên bản cũ thiếu sức tưởng tượng, anh nghĩ sao?
- Lục Tiểu Linh Đồng: Tôi không cho là vậy, tuy tôi diễn không phải là thập toàn thập mỹ, nhưng, chúng tôi đều đã làm hết sức mình, suy cho cùng là điều kiện hạn chế.
- Anh nhìn nhận sao về việc thực hiện lại bộ phim kinh điển này?
- Tôi không biết nhận định sao, nhưng điều tôi muốn nói là, để diễn tốt vai Tôn Ngộ Không, tôi đã bỏ ra cả 17 năm, nghệ thuật chân chính không phải muốn phục chế là được.
Tây du ký (1986) là bộ phim truyền hình kinh điển với các nhân vật ghi dấu ấn sâu sắc. Gần đây, hai bản làm lại của Đài Truyền hình Chiết Giang (2009) và của đạo diễn Trương Kỷ Trung (2010) cũng gây chú ý.
Bản năm 1986 của nữ đạo diễn Dương Khiết thực hiện đã rất thành công và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả châu Á. Dàn diễn viên gồm có: Lục Tiểu Linh Đồng vai Tôn Ngộ Không, Mã Đức Hoa vai Trư Bát Giới, Diêm Hoài Lễ vai Sa Tăng và Từ Thiếu Hoa vai Đường Tam Tạng. Những vai diễn này được xem là kinh điển và khó có thể thay thế được.
Bản năm 2009 của Đài Truyền hình Chiết Giang của đạo diễn Trình Lực Đống, dàn diễn viên: Phí Chấn Tường vai Tôn Ngộ Không, Trần Tư Hàn vai Đường Tăng, Tạ Ninh vai Trư Bát Giới, Mưu Phụng Bân vai Sa Tăng. Phim có một số tình tiết không theo nguyên tác, ví dụ như việc Bạch Cốt Tinh có mối hận tình với Tôn Ngộ Không, nên gây nhiều tranh cãi.
Bản năm 2010 của đạo diễn Trương Kỷ Trung với Ngô Việt vai Tôn Ngộ Không, Nhiếp Viễn vai Đường Tăng, Tàng Kim Sinh vai Trư Bát Giới, Từ Cẩm Giang vai Sa Tăng. Phim có nhiều cảnh quay đẹp mắt. Đạo diễn đã chi mạnh tay thuê một đội ngũ hóa trang từ Hollywood. Tuy nhiên, tạo hình của một số nhân vật như Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới bị chê. Phim ra mắt trong năm 2010.
Hội thảo Văn hóa Quốc tế lần thứ nhất về Tây du ký (6) sẽ được tổ  chức  từ ngày 16 đến 17-10-2010 tại Sở Châu, thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Địa điểm này cũng chính là quê hương của tác giả Ngô Thừa Ân, cha đẻ của bộ sách Tây Du Ký. Hy vọng là tại Hội thảo này, sẽ có nhiều ý tưởng sáng tạo mới xung quanh tiểu thuyết Tây Du Ký …
Bộ phim Tây du ký 25 tập của nữ đạo diễn Trung Quốc Dương Khiết đã rất tài tình khi nhạc mở đầu cho phim là bài hát «Con đường nào ta đi...»:
Đây hành lý anh mang
tôi cầm cương dắt ngựa
nhìn ngắm
trời cao chập chùng
lòng lo lắng không yên.
Đường thỉnh kinh thật xa
không màng hiểm nguy
chân bước
ngày tháng cùng năm
trôi dần
ngọt bùi đắng cay
đều qua
biết đi hướng nào
về đâu.
Là la là la la
lá la là la
Thấp thoáng chân mây
biết phương nào
thấp thoáng
chân mây xa tít mù
về Thiên trúc
còn quá xa
bao khó khăn vượt qua
nguyện không lùi bước
khó khăn luôn vượt qua.
Thấp thoáng chân mây
biết phương nào
thấp thoáng
chân mây xa tít mù
về Thiên trúc
còn quá xa
bao khó khăn vượt qua.
Đây hành lý anh mang
tôi cầm cương dắt ngựa
nhìn ngắm
trời cao chập chùng
Lòng lo lắng không yên.
Đường thỉnh kinh thật xa
không màng hiểm nguy
cất bước
ngày tháng cùng năm
trôi dần
ngọt bùi đắng cay
đều qua
biết đi hướng nào
về đâu.
Là la là la la
lá la là la.
Thấp thoáng chân mây
biết phương nào
thấp thoáng
chân mây xa tít mù
về Thiên trúc
còn quá xa
bao khó khăn vượt qua
nguyện không lùi bước
khó khăn luôn vượt qua.
Thấp thoáng chân mây
biết phương nào
thấp thoáng
chân mây xa tít mù
về Thiên trúc
còn quá xa
bao khó khăn vượt qua
nguyện không lùi bước
khó khăn luôn vượt qua.
Chú thích:
(*) Tây du ký được dịch ra tiếng Việt với hai bản dịch thành công nhất là: 
1/ Bản dịch của Thụy Đình do Chu Thiên hiệu đính, NXB Phổ thông Hà Nội, 1960; NXB Văn học tái bản năm 1997; 
2/ Bản dịch của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh, do Lương Duy Thứ giới thiệu, chia thành 10 tập, NXB Văn học in từ năm 1982 đến 1988. Năm 2007 được tái bản thành 2 tập, kèm theo 204 hình minh họa theo bản tiếng Trung.
(**) Ngô Thừa Ân (1500? hoặc 1506?-1581), tự Nhữ Trung, hiệu Xạ Dương sơn nhân. Quê Hoài An, tỉnh Giang Tô. Gia đình ông làm nghề buôn bán nhỏ, chuyên bán chỉ và đồ thêu, nhưng lại có thú tàng trữ sách. Cả ông nội và cha Ngô Thừa Ân đều xuất thân là quan lại qua đường khoa cử. Tương truyền từ nhỏ, Ngô Thừa Ân đã say mê những truyện thần tiên yêu quái. Khi bị cha cấm, ông từng trốn cha mang những cuốn sách thể loại đó ra chợ ngồi đọc. Lớn lên, ông tỏ ra là người có tính tình khảng khái, những câu nói của ông lúc bấy giờ thể hiện tính cách của ông: “không để người đời thương hại", "trong lòng mài mãi dao trừ tà, muốn dẹp sạch đi, buồn không đủ sức”. Ngô Thừa Ân nổi tiếng văn hay chữ tốt, đặt bút xuống là thành thơ văn và rất thích hài kịch. Ông từng viết nhiều tạp kĩ, lừng danh một thời.
Tuy là người đa tài nhưng Ngô Thừa Ân lại lận đận trên đường thi cử. Ngô Thừa Ân thi nhiều lần, nhưng không đỗ. Mãi tới năm khoảng 43 tuổi, ông mới đỗ tuế cống sinh (tương đương với tú tài). Sau đó, ông còn đi thi hai lần nữa nhưng đều hỏng. Năm 51 tuổi, vì cảnh nhà quẫn bách, ông đến Nam Kinh tìm việc nhưng cô thế không có nơi nương tựa nên không toại nguyện. Sau mãi đến năm 67 tuổi, ông đến Bắc Kinh để được tuyển dụng làm quan, ông nhận một chức quan nhỏ (huyện thừa) tại huyện Trường Hưng. Chẳng bao lâu sau, vì không chịu được cảnh luồn cúi, ông từ chức ra về. Ngô Thừa Ân còn được tiến cử vào giữ chức kỉ thiện trong Kinh Vương phủ, chuyên coi việc lễ nhạc và văn thơ, nhưng được 3 năm thì bất đắc chí từ quan về nhà. Lúc đó Ngô Thừa Ân đã 70 tuổi. Từ đây, Ngô Thừa Ân sống bằng nghề viết văn, thơ, được hơn 10 năm thì mất. Sáng tác của ông khá phong phú, nhưng đã bị mất gần hết, hiện chỉ còn lại một số thơ văn được tập hợp lại thành bộ Xạ Dương tiên sinh tồn cảo. Ông còn viết một bộ Vũ đĩnh chí, cũng là chuyện thần tiên ma quái, nhưng vì nghèo túng, lại không con, chẳng ai bảo quản, nên nay thất lạc hết. Cuốn Tây du kí viết lúc họ Ngô đã ngoài 70 tuổi. Đương thời khi Ngô Thừa Ân còn sống, Tây du kí chưa được người đời biết đến, sau khi ông mất nhiều năm, một người cháu ngoại họ Dương mới mang công bố tiểu thuyết này.
(***) Xin xem các bài viết của cùng tác giả Đỗ Ngọc Thạch về Tứ đại danh tác:
Đệ Nhị Danh Tác: Thủy Hử Truyện  
Hồng lâu mộng – Tiểu thuyết ái tình hay nhất mọi thời đại
Đệ Nhất Danh Tác: Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa  
(1) Đường Thái Tông (599-649), tên thật là Lý Thế Dân là vị hoàng đế thứ hai của triều đại nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc, trị vì từ năm 626 đến 649. Ông là một vị vua tài ba, người đã thiết lập sự cường thịnh của Đại Đường.
(2) Huyền Trang (596-664) là một Cao tăng Trung Quốc, một trong bốn dịch giả lớn nhất, chuyên dịch kinh sách Phạn ngữ ra tiếng Hán. Sư cũng là người sáng lập Pháp tướng tông tại Trung Quốc. Vì tinh thông Kinh điển Phật giáo nên Sư còn mang danh hiệu là Tam Tạng (Pháp sư), là người tinh thông cả Tam tạng.
Huyền Trang tên tục Trần Huy (Trần Vĩ  hoặc Trần Y). quê tại Lạc Châu, huyện Câu Thị, tỉnh Hà Nam, trong một gia đình có truyền thống quan liêu. Đến cha của Huyền Trang là Trần Huệ thì dốc tâm vào Nho học, từ khước làm quan. Theo các truyện kí thì từ nhỏ Sư nổi danh thông minh đĩnh ngộ, sớm được thân phụ chỉ dạy những nghi thức Nho giáo.
Năm lên 13 tuổi Sư đã xuất gia và Thụ giới cụ túc năm 21 tuổi. Sư tu học kinh sách Đại thừa dưới nhiều giảng sư khác nhau và thấy có nhiều chỗ giảng giải mâu thuẫn. Đây là lí do chính thúc đẩy Sư lên đường đi Ấn Độ để tự mình tìm hiểu.
Mặc dù bị hoàng đế ra lệnh cấm đi du hành qua Ấn Độ, năm 629 Sư liều mình ra đi để hành hương chiêm bái quê hương Đức Phật, hi vọng sẽ tìm kiếm và nghiên cứu kinh điển mà hồi đó Trung Quốc chưa biết tới. Tập kí sự du hành của Sư (viết theo yêu cầu của nhà vua, người đã khâm phục và hỗ trợ Huyền Trang sau khi Sư vinh quang trở về năm 645), có tên là Đại Đường Tây vực kí, để lại cho hậu thế một nguồn tài liệu vô song về địa lí, xã hội và tập quán của miền Trung Á và Ấn Độ trong thế kỉ thứ bảy. Nhiều miêu tả của Sư về các vùng đất đó đã đạt tới độ chính xác mà trong thế kỉ 19, 20, nhiều nhà du khảo phương Tây như Ariel Stein đã tham khảo tập kí sự đó như một tập sách hướng dẫn nhằm tìm lại và xác định những vị trí đã được tìm ra và rồi bị lãng quên trong nhiều thế kỉ.
Sau khi trở về cố quốc, một phần nhờ trình độ uyên bác xuất chúng, một phần nhờ tiếng tăm vang dội mà Sư đã gặt hái được tại Ấn Độ và các nước Trung Á, một phần nhờ hoàng đế Trung Quốc đặc biệt hỗ trợ, như xây cất chùa chiền cho Sư trú ngụ cũng như thành lập một ban dịch thuật do chính nhà vua chọn lọc để giúp cho Sư hoàn thành công tác phiên dịch của hơn 600 kinh sách mang về Trung Quốc, Huyền Trang đã trở thành tu sĩ tiếng tăm nhất tại vùng Đông Á trong thế hệ đó. Học viên đến với Sư từ khắp Trung Quốc, kể cả từ Hàn Quốc và Nhật Bản, song song có nhiều tăng sĩ từ Ấn Độ và các vương quốc Trung Á đến để bày tỏ lòng hâm mộ. Ngoài việc truyền bá kinh sách Phật giáo và tư tưởng Ấn Độ mới mẻ vào Trung Quốc, Sư cũng gây ảnh hưởng lên nền nghệ thuật và kiến trúc Trung Quốc bằng những vật dụng và thiết kế do Sư mang về. Có một ngôi chùa được xây theo thiết kế của Sư tại Trường An (ngày nay là Tây An) để chứa dựng kinh sách và các tác phẩm nghệ thuật của Sư mang về. Ngôi chùa đó ngày nay vẫn còn và là một dấu ấn quan trọng của đô thị này.
Sư là một trong những dịch giả người Hán dịch các văn bản của Phật Giáo Ấn Độ vĩ đại nhất và mang lại thành quả lớn lao nhất (và cũng chính xác nhất). Nhiều dịch phẩm của Sư, như Tâm kinh và Kim Cương kinh, ngày nay vẫn còn đóng một vai trò quan trọng trong việc hành lễ Phật giáo hàng ngày. Qui mô của các dịch phẩm của Sư là vô song, không chỉ những kinh sách của Duy thức tông mà Sư quy phục, mà còn bao gồm đầy đủ những kinh tạng đạo Phật, từ phép chỉ quán và đà-la-ni, đến phép quán tưởng, đến a-tì-đạt-ma cũng như toàn bộ kinh bát-nhã ba-la-mật (bộ kinh này chiếm ba bộ của Địa tạng Trung Quốc), kinh A-hàm, kinh Đại thừa, các chú giải về kinh và luận, Nhân minh học (Sư là người duy nhất dịch kinh luận Nhân minh ra chữ Hán) và kể cả một văn bản Thắng luận của Ấn Độ giáo.
Trong thời Huyền Trang còn tại thế, Phật giáo Trung Quốc có nhiều trường phái và học thuyết được thành hình, họ tranh cãi nhau về các vấn đề cơ bản. Trong số đó, nhiều trường phái dựa trên các kinh sách không rõ xuất xứ nhưng được xem là phiên dịch từ nguồn gốc Ấn Độ. Một số khác dựa trên kinh sách đích thật nhưng các bản dịch thiếu chính xác đã sinh ra một loạt nhiều sai lầm, ngày càng phổ biến tại Trung Quốc và Hàn quốc. Sau 16 năm tại Trung Á và Ấn Độ, trở về Trung Quốc, Huyền Trang cống hiến đời mình bằng cách đưa Phật giáo Trung Quốc thời đó trở lại phù hợp với những gì Sư học hỏi được tại Ấn Độ. Sư thực hiện điều đó bằng cách phiên dịch lại các kinh sách quan trọng, trình bày lại một cách chính xác hơn cũng như giới thiệu những kinh sách mới và nhiều tài liệu chưa hề có tại Trung Quốc. Song song với công trình dịch thuật khổng lồ - 74 bộ kinh luận trong 19 năm - trong đó có một số kinh với quy mô to lớn, như bộ Ma-ha-bát-nhã-ba-la-mật-đa đã nhắc đến dài hàng ngàn trang - Sư còn đào tạo tăng sĩ học tập hệ thống Duy thức và Nhân minh Ấn Độ, đồng thời Sư là tăng sĩ biện giải số một của triều đình cho đến ngày nhập diệt. Công trình dịch thuật của Sư ghi dấu ấn sâu sắc sự thâm nhập của tư tưởng Phật giáo Ấn Độ vào miền Đông Á.
Trưa ngày mồng 5 tháng 2 năm 664, Thầy Huyền Trang gác bút nghìn thu tại chùa Ngọc Hoa, vì bịnh hoạn và già yếu. Thọ 69 tuổi. Ngày 14 tháng 4 thi hài Huyền Trang được an táng tại Bạch Lộc Nguyên. Ngày cử hành tang lễ có đến một triệu ngươì ở Trường An và các vùng lân cận qui tựu để tiễn chân thầy về nơi Cực Lạc. Ðám táng xong, có đến ba vạn người cất lều cư tang gần mộ phần. Từ xưa đến nay chưa có vị đế vương nào được ngưỡng mộ sùng bái bằng vị Thánh Tăng có một không hai này.
(3) Dương Nột: nguyên tên là Tiêm, tự Cảnh Ngôn, hiệu Nhữ Trai, người Mông Cổ, lấy theo họ anh rể, nhà ở Tiền Đường, cùng một thời với Giả Trọng Minh (1*). Ông đã viết 18 vở tạp kịch, chỉ còn lưu truyền hai vở, trong đó có vở Tây du ký, tuy kết cấu thô sơ nhưng đã làm nổi bật nhân vật Tôn Ngô Không với tính cách bất thường và hài hước. Vở kịch này có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành tiểu thuyết Tây du ký của Ngô Thừa Ân sau này.
(3*) Giả Trọng Minh (1343-sau 1422): hiệu Văn Thủy tản nhân, người Truy Châu, Tế Nam. Đã viết 17 vở tạp kịch, nay chỉ còn lưu truyền 4 vở.
(4) Ramayana là một sử thi cổ đại viết dưới dạng trường ca tiếng Sanskrit và là một phần quan trọng của bộ kinh Ấn Độ giáo. Đây là bộ sử thi bằng tiếng Phạn nổi tiếng thứ hai của Ấn Độ cổ đại. Người ta cho rằng tác giả của Ramayana là nhà thơ Valmiki.
Tên gọi Ramayana là một từ ghép của Rama và ayana "đi đến, tiến đến", được dịch ra là "những cuộc du hành của Rama". Ramayana bao gồm 24.000 câu trong bảy tập và kể về câu chuyện của một hoàng tử Rama của xứ Ayodhya, vợ là Sita bị bắt đi bởi vua quỷ (Rakshasa) vua xứ Lanka, Ravana. Trong dạng hiện tại của nó, Ramayana có niên đại có thể từ 500 TCN đến 100 TCN.
Câu chuyện nói về vương quốc Kosala có ông vua già yếu tên là Dasaratha, có bốn người con trai do bà vợ cả sinh ra. Con cả Rama hơn hẳn các em về tài đức. Vua có ý định nhường ngôi cho chàng, nhưng vì bị trói buộc bởi lời hứa với bà vợ thứ hai xinh đẹp cho nên đã đày Rama vào rừng 14 năm và trao ngôi lại cho Bharata, con của bà vợ thứ hai.
Vợ Rama, nàng Sita, cùng em trai Laksmana tình nguyện theo Rama vào rừng sống ẩn, luyện tập võ nghệ. Quỉ vương Ravana ở đảo Lanka lập mưu cướp nàng Sita đem về làm vợ. Hắn dụ dỗ và ép buộc nàng nhưng nàng đã kịch liệt chống cự. Mất Sita, Rama đau buồn khôn xiết. Chàng quyết tâm cứu bằng được vợ trở về. Trên đường đi, Rama gặp và giúp đỡ vua khỉ Xu-gri-va, sau đó chàng được tướng khỉ Hanuman cùng đoàn quân khỉ giúp. Cuối cùng Rama cũng c­ứu được Sita. Nhưng sau chiến thắng vẻ vang đó, Rama nghi ngờ tiết hạnh của Sita, nổi cơn ghen dữ dội, không muốn nhận lại nàng làm vợ. Để Rama tin ở lòng chung thủy của mình, Sita đã bước vào lửa. Thần lửa A-nhi biết được nàng trong sạch, đã cứu nàng. Thấy vậy Rama vô cùng sung sướng, giang tay đón nàng. Hai người đưa nhau trở về kinh đô trong cảnh chào đón nồng nhiệt của dân chúng.
Ramayana ngợi ca chiến công và đề cao đạo đức của hoàng tử Rama, ca ngợi mối tình chung thuỷ của nàng Sita, đồng thời phản ánh sự phát triển của xã hội người Arian. Tuy là một tác phẩm ca ngợi đẳng cấp quý tộc vũ sĩ nhưng đã khắc họa được những gương mặt có tâm hồn trong sáng. Rama là nhân vật lí tưởng kiểu mẫu của đạo Hinđu, của đẳng cấp vương công quý tộc đồng thời là khát vọng của nhân dân về một vị minh quân, một anh hùng tài ba, đức độ, đem lại hạnh phúc cho xã hội. Sita thánh thiện, là mẫu người phụ nữ Ấn Độ cổ đại, một người vợ tiết hạnh, một người con gái nhân hậu, quả quyết, hi sinh quên mình. Tướng khỉ Hanuman có trái tim nóng bỏng nhiệt tình, là hóa thân của lực lượng quần chúng nhân dân làm hậu thuẫn cho những anh hùng chiến đấu cho tự do và công lý, giải phóng bảo vệ đất nước.. Tác phẩm cũng đã nêu bật được khát vọng chiến thắng cái ác, đem lại nguồn an ủi cho quần chúng nhân dân bị áp bức, do đó được nhân dân rất ưa chuộng. Vì thế, những câu chuyện và những nhân vật trong Ramayana đã được nhiều văn nghệ sĩ khắc họa trong thơ ca và trong các công trình mỹ thuật - điêu khắc ở Ấn Độ và các nước Đông Nam Á.
Trong bài Tây du ký khảo chứng, Hồ Thích (4*) coi Tây du kí là "hàng nhập khẩu", Tôn Ngộ Không là hình bóng của Hanuman trong trường ca Ramayana của Ấn Độ, giá trị văn học của Tây du kí chỉ là "đùa cợt với đời". Lỗ Tấn (4**) đã bác bỏ quan điểm này, coi Tây du ký là tác phẩm lãng mạn kiệt xuất, cho rằng hình tượng Tôn Ngộ Không bắt nguồn từ Lý Thang truyện đời Đường .
(4*) Hồ Thích (1891-1962): là nhà thơ, nhà viết lý luận văn học, nhà triết học nổi tiếng của Trung Quốc. Quê ở Tích Khê, tỉnh An Huy.
(4**) Lỗ Tấn (1881-1936): tên khai sinh là Chu Thụ Nhân, là nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc. Ông được giới nghiên cứu văn chương coi là người đặt nền móng cho văn chương hiện đại TQ và là bậc thầy của thể loại truyện ngắn. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là AQ chính truyện
(5) Đạo diễn Dương Khiết và quá trình làm phim Tây Du ký:
Khởi quay từ 1982 và ròng rã 4 năm trời, đoàn làm phim Tây du ký đã cho ra đời một tác phẩm kinh điển sống cùng thời gian. Không nhiều người biết, đằng sau một tác phẩm hoành tráng mang đậm dấu ấn nghệ thuật, có những câu chuyện vui, có những tâm sự buồn, có những bước ngoặt có thể thay đổi cả một cuộc đời...
Gần 30 năm trôi qua, những thước phim Tây du ký được quay trong gian khổ và thiếu thốn đã chứng tỏ được sức mạnh của nghệ thuật chân chính, tồn tại vượt thời gian và sống trong lòng nhiều thế hệ khán giả. Tại nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, Tây du ký được chiếu lại thường xuyên, ít nhất là mỗi năm một lần để phục vụ các khán giả yêu thích bộ phim.Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc đã từng  thực hiện chương trình Tây du ký - 20 năm gặp lại. Gần đây nhất, sau 25 năm kể từ ngày đóng máy, đoàn làm phim Tây du ký lại tề tựu để nhớ lại chuyện xưa. Trong đó, nữ đạo diễn Dương Khiết cùng nhiều thành viên trong đoàn làm phim đã tiết lộ nhiều câu chuyện thú vị.Tây du ký: Những tưởng giữa đường đứt gánh
Trong cuộc gặp gỡ 25 năm đoàn làm phim Tây du ký, đạo diễn Dương Khiết đã tiết lộ, đoàn làm phim đã suýt nữa phải đứt gánh giữa đường. Khởi quay khi đất nước mới bước vào thời kỳ cải cách, đoàn làm phim Tây du ký gặp muôn vàn thiếu thốn. Nhưng đỉnh điểm của khăn chính là vấn đề... tiền. 6 triệu nhân dân tệ là một khoản tiền lớn, nhưng đoàn làm phim Tây du ký với nhân số lên đến hàng trăm, từ khâu tạo hình, kỹ thuật, ngoại cảnh, chỗ nào cũng đòi phải đầu tư. Vì thế, hơn hai chục năm trước đây, tập thể Tây du ký những tưởng phải chia tay nhau khi phim còn dang dở, vì mới quay đến tập 15, đoàn làm phim đã dùng hết số tiền được giao.Thời đó, kinh phí làm các bộ phim đều được lấy từ ngân sách nhà nước và chưa phổ biến chuyện kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp, tập thể như bây giờ. Trước tình hình đó, cấp trên đưa ra chỉ thị: "Hết tiền thì đóng máy, ngân sách không thể cho thêm!".
Nữ đạo diễn Dương Khiết đứng ở tình thế tiến thoái lưỡng nan: "Tôi lùi không xong, nhưng tiến cũng không được. Phim mới quay đến tập 15, hết tập Hồng hài nhi, còn nhiều câu chuyện hay còn chưa được lên hình. Tôi thực sự không muốn làm ra một Tây du ký có đầu mà không có cuối". Sau một thời gian suy nghĩ, đoàn làm phim quyết định kêu gọi sự đóng góp của tập thể, tích gió thành bão. "Chúng tôi, ai có tiền, góp tiền, ai có sức, góp sức. Thời đó đơn giản lắm, sinh hoạt, ăn uống của tập thể đều tiết kiệm, kham khổ, không có khái niệm phân biệt minh tinh hay diễn viên thường, ai cũng như ai, đồng tâm góp sức. Có những nhân viên hậu trường được huy động làm diễn viên, và diễn viên thì kiêm luôn cả những việc như dựng bối cảnh, khuân vác... Catse của các diễn viên cũng rất khiêm tốn, không như các ngôi sao bây giờ.Sau cùng, chủ nhiệm chế tác của bộ phim, Lý Hồng Lữ là người ra những đồng tiền cuối cùng, giúp đoàn làm phim có thể hoàn thành 25 tập phim trọn vẹn".
Nói là trọn vẹn, là có thể đưa thầy trò Đường Tăng đến được Tây phương thỉnh kinh, nhưng thực tế, do vấn đề kinh phí, đoàn làm phim đã phải lược bỏ rất nhiều những câu chuyện hay trong nguyên tác của tác giả Ngô Thừa Ân.
"Chúng tôi  không phải là một đoàn làm phim, mà là một tập thể, một gia đình gắn kết cùng vượt qua hoạn nạn" - bà bùi ngùi nhớ lại.
Không ai chịu diễn Bạch Cốt Tinh: Lực lượng diễn viên tham gia Tây du ký, từ chính đến phụ lên đến cả nghìn người, trong đó, các nữ diễn viên xinh đẹp tham gia những vai hoàng hậu, yêu tinh, công chúa... cũng đã lên đến hàng chục.
Những tưởng tìm những diễn viên diễn những vai như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới... mới khó, nào ngờ, đạo diễn Dương Khiết lại tâm sự, tìm diễn viên thể hiện vai Bạch Cốt Tinh là khó nhất.
"Mỹ nhân dễ tìm, nhưng diễn viên đóng vai Bạch Cốt Tinh quả thật khiến tôi đau đầu. Bạch Cốt Tinh là nhân vật phản diện, là yêu quái nổi tiếng, nhiều trẻ em nghe tên đã sợ, nên cuối cùng, không ai chịu tình nguyện diễn vai này. Tư tưởng thời đó còn khá bảo thủ, không như bây giờ, nhiều diễn viên nhờ vào vai phản diện mà nổi tiếng. Phim sắp bấm máy mà  Bạch Cốt Tinh còn tìm chưa ra người diễn, tôi thực sự đau đầu vì vấn đề này". Cuối cùng, nữ đạo diễn Dương Khiết nhớ đến một diễn viên xinh đẹp, sắc xảo - Dương Xuân Hà. "Khi nhắc đến Tây du ký, Dương Xuân Hà rất phấn khởi và đầy hứng thú. Nhưng sau khi tôi đề cập đến vai Bạch Cốt Tinh thì cô ấy tỏ vẻ giận. Tôi nói đến nửa ngày, Dương Xuân Hà vẫn rất phân vân. Cuối cùng, cô ấy ra điều kiện: nếu cô ấy đóng Bạch Cốt Tinh, thì đến tập Tây Lương nữ quốc, phải do cô ấy đảm nhận vai nữ vương để bù lại. Lúc đó, tôi đã gật đầu".Đạo diễn Dương Khiết bồi hồi nhớ lại. "Tìm được người diễn Bạch Cốt Tinh, tôi như nhẹ cả nỗi lòng. Nhưng nghĩ lại, Dương Xuân Hà thể hiện vai Bạch Cốt Tinh quá xuất sắc, gây ấn tượng, tự nhiên, bây giờ, để cô ấy diễn vai nữ vương của Tây Lương nữ quốc, e rằng không hợp. Cuối cùng, tôi quyết định cáo lỗi với Xuân Hà và để Chu Lâm diễn viên nữ vương. Tôi không hối hận quyết định này, và tin chắc khán giả cũng thấy cả Xuân Hà và Chu Lâm đã diễn xuất xuất sắc vai diễn của mình thế nào. Tuy nhiên, đến nay, tôi vẫn cảm thấy áy náy vì đã thất hứa với Xuân Hà".Đường Tăng - Tây Lương nữ vương: Có một chuyện tình...
Trong 25 tập phim của Tây du ký 1982, chắc hẳn khán giả ai cũng nhớ đến tập Tây Lương nữ quốc. Trong phim, Chu Lâm - nữ diễn viên xinh đẹp trong vai nữ vương và Đường Tăng - do nam diễn viên Từ Thiếu Hoa thể hiện đã có một mối duyên tình đầy xúc động. Không chỉ khiến
Trong 25 tập phim của Tây du ký 1982, chắc hẳn khán giả ai cũng nhớ đến tập Tây Lương nữ quốc. Trong phim, Chu Lâm - nữ diễn viên xinh đẹp trong vai nữ vương và Đường Tăng - do nam diễn viên Từ Thiếu Hoa thể hiện đã có một mối duyên tình đầy xúc động. Không chỉ khiến khán giả xao xuyến, hai nam nữ diễn viên chính cũng có một chuyện tình - một chuyện tình chưa thực sự bắt đầu nhưng với Chu Lâm, có lẽ là kéo dài đến suốt đời.Trong chương trình Nghệ thuật nhân sinh - Tây du ký 20 năm gặp lại, Tây Lương nữ vương - nữ diễn viên Chu Lâm đã không ngần ngại bày tỏ nỗi lòng mình với Đương Tăng, Từ Thiếu Hoa: "Hôm nay gặp lại đoàn làm phim, ánh mắt tôi chỉ muốn tìm lại một người. Cách biệt 20 năm, không biết Ngự đệ ca ca có khỏe hay không?"
Từ một thiếu nữ tuổi 18 đôi mươi khi đến với Tây du ký, đến giờ, Chu Lâm đã hơn 45, và ai cũng biết, bao nhiêu năm qua, dù có nhiều người đeo đuổi, nhưng Chu Lâm vẫn sống một mình với mối tình chưa kịp bắt đầu mà đã phải kết thúc cùng Từ Thiếu Hoa.Trong một lần phỏng vấn, Chu Lâm đã kể lại chuyện tình đẹp và buồn của mình. "Năm đó, đến với đoàn làm phim Tây du ký, tôi còn chưa biết ai sẽ đóng vai Đường Tăng. Đọc kịch bản của tập phim, không đánh yêu thì hàng ma, tôi cứ cảm thấy thiêu thiếu một điều gì đó, có lẽ là thiếu một chữ tình. Tôi đến tìm gặp đạo diễn để bày tỏ ý kiến của mình...".Chính trong lúc đứng chờ đạo diễn Dương Khiết, Chu Lâm đã gặp một chàng thanh niên, mà cô nhớ mãi "khuôn mặt phúc hậu, nồng ấm, ánh mắt thiết tha... mà sau này tôi mới biết, đó là "tình nhân" của tôi trong phim - Từ Thiếu Hoa".
Sự gần gũi trong quá trình đóng phim, tìm hiểu kịch bản, sinh hoạt tập thể, cùng những suy nghĩ trẻ trung đã kéo đôi bạn trẻ lại thật gần. Chu Lâm chia sẻ với khán giả những kỷ niệm đẹp mà cô trải qua cùng Từ Thiếu Hoa, cùng viết chữ, ngâm thơ, cùng lên núi ngắm cây ngân hạnh... "Từ Thiếu Hoa là chàng trai nhân hậu, ham học hỏi. Anh ấy từng chia sẻ với tôi, ước muốn lớn nhất của anh ấy là thi đậu đại học".
Chỉ tiếc, người con gái đã động lòng, tình yêu đầu đời đã nảy sinh và chàng trai vẫn dường như giữ ý. Trong đoàn làm phim, không nhiều người biết rằng, 3 ngày trước khi gia nhập đoàn làm phim, Từ Thiếu Hoa đã cưới vợ ở quê nhà. Với Chu Lâm, đây là một tin "sét đánh ngang tai".2 ngày sau khi biết tin này, Chu Lâm có trong tay kịch bản mới của tập Tây Lương nữ quốc - tập phim mà ở đó, Đường Tăng không chỉ là một vị cao tăng một lòng hướng Phật, và còn là con người có máu thịt, suy tư, tình cảm cùng những bối rối, trăn trở... "Cầm kịch bản, tôi đã trốn  trong phòng khóc rất nhiều" - nhiều năm sau, Chu Lâm bồi hồi nhớ lại. Không lâu sau, đạo diễn Dương Khiết cho hay - kịch bản của tập phim tràn đầy xúc cảm mà chúng ta được xem hiện giờ, chính là do Từ Thiếu Hoa viết lại từ kịch bản gốc vốn toàn là những cảnh đánh yêu, hàng ma.
Chu Lâm dường như hiểu được tình ý của Từ Thiếu Hoa. "Đường Tăng là người thân mang trọng trách, Tây Lương nữ vương cũng là người biết vì việc lớn. Họ lỗi hẹn với nhau kiếp này, xin đành hẹn đến kiếp sau" - và Từ Thiếu Hoa ngoài đời, cũng là người đàn ông có trách nhiệm với gia đình, vợ con. Tập phim Tây Lương nữ quốc đã được hoàn thành một cách xuất sắc với những hình ảnh, ảnh mắt dường như là "phim giả tình thật". Sau khi hoàn thành vai diễn, Chu Lâm đã ngay lập tức rời khỏi đoàn làm phim. Từ Thiếu Hoa lặng lẽ đứng ở sân ga tiễn cô, cả hai lặng im không nói lời nào.  20 năm cách biệt và Chu Lâm mang theo những ký ức về mối tình đầu tiên, cũng là duy nhất trong cuộc đời.20 năm sau gặp lại, cô chia sẻ: "Tuy trong phim từ đầu tới cuối chỉ là một giai thoại, lại là mối tình không có kết quả nhưng là một kỉ niệm theo tôi trọn đời. Tôi không hối hận vì tôi mãi mãi, hoàn toàn sống trong mối tình của Đường Tăng và Tây Lương nữ vương. Tình cảm con người đôi khi rất phức tạp, nhân sinh có nhiều cám dỗ. Giống như  Tây Lương nữ vương, là người hiểu tình, hiểu lý, biến tình yêu thành một mối duyên cầu, để một lòng khát khao, hướng về cũng là một cảnh giới. Cô ấy làm được, tôi hi vọng mình cũng làm được".
Bao nhiêu năm qua, nữ diễn viên xinh đẹp và nổi tiếng Chu Lâm vẫn sống một mình với mối tình đầu của riêng mình. Trong khi khán giả không ngừng quan tâm đến chuyện tình cảm của cô, thì Chu Lâm chỉ mỉm cười nhẹ nhàng trong đêm chia sẻ Tây du ký - 25 năm gặp lại: "Quan niệm của tôi về sự lựa chọn một nửa của mình có thay đổi gì sau khi tham gia Tây du ký không ư? Rất cảm ơn đạo diễn Dương Khiết đã cho tôi cơ hội được sống cùng với nàng nữ vương xinh đẹp, và tôi có thể nói với bạn rằng, sau Tây du ký, tôi không có cơ hội lựa chọn một nửa của mình, vì sau khi hoàn thành bộ phim, tôi cũng đã hoàn thành chuyện trọng đại trong cuộc đời mình".Và như thế, vai diễn nàng Tây Lương xinh đẹp đã hoàn toàn thay đổi số phận của Chu Lâm - nữ diễn viên nổi tiếng tại Trung Quốc cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ 20. Đến giờ, Chu Lâm không còn giấu diếm tình cảm của mình dành cho Từ Thiếu Hoa, cô đã biến nó thành một kỷ niệm đẹp và sống trọn với mối tình chưa thực sự có cơ hội bắt đầu này.
(6) Hội thảo Văn hóa Quốc tế về Tây du ký: Từ ngày 16 đến 17-10-2010, hội thảo đầu tiên về bộ tiểu thuyết nổi tiếng diễn ra tại Sở Châu, thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Địa điểm này cũng chính là quê hương của tác giả Ngô Thừa Ân, cha đẻ của bộ sách Tây Du Ký.
Hội thảo do chính quyền TP. Hoài An, Hội nghiên cứu văn hóa Tây Du Ký Trung Quốc, Đại học Nam Kinh, Học viện sư phạm Hoài Âm phối hợp tổ chức. Lục Tiểu Linh Đồng được xem là linh hồn của sự kiện này, và ông đại diện ban tổ chức mời dịch giả Việt Nam đến tham dự.
Hội thảo văn hóa quốc tế Tây Du Ký lần thứ nhất tập trung nhiều đại diện xuất bản trên thế giới từng ấn hành các ấn phẩm liên quan tới bộ Tây Du Ký. Sự kiện này hứa hẹn sự giao thoa văn hóa quốc tế đặc sắc, thu hút nhiều học giả của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Mỹ, Anh, Pháp…
Năm 2010 được coi là Năm Du lịch Văn hóa Tây Du Ký tại Sở Châu, Trung Quốc bởi các hoạt động khác liên quan tới bộ tác phẩm kinh điển này đã, đang và vẫn tiếp tục diễn ra suốt 6 tháng tại đây. Mở màn là hoạt động văn hóa quần chúng tại quảng trường “Sở Châu xinh đẹp” vào ngày 3-5-2010.
Cũng trong thời gian diễn ra hội thảo, có khoảng 20 hoạt động văn hóa khác với nội dung đặc sắc như: lễ công chiếu bộ phim truyền hình 3D đầu tiên Ngô Thừa Ân và Tây Du Ký (do Lục Tiểu Linh Đồng đóng 2 vai chính), Tuần lễ triển lãm văn hóa nghệ thuật dân gian về các nhân vật trong Tây Du Ký bằng các loại hình nghệ thuật dân gian như cắt giấy, múa rối, dân ca, tạp kỹ…
Cùng thời gian này, tại Bắc Kinh cũng tổ chức triển lãm nghệ thuật văn hóa Tây Du Ký, hội thảo sáng tạo mới về Tây Du Ký, cuộc thi sáng tác hoạt hình Tây Du Ký trên Internet toàn quốc, cuộc thi tranh thiếu nhi toàn quốc về "Mỹ hầu vương trong trái tim tôi"...
Lục Tiểu Linh Đồng đang kêu gọi xây dựng một công viên Tây Du Ký ở nước này.
Sài Gòn, tháng 9-2010
Đỗ Ngọc Thạch
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy Cuốn Anh hùng còn chi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa được NXB Hội Nhà văn ph...