Tập thơ Chân dung nhà văn gồm 100 chân dung
100 nhà văn, nhà thơ được viết bằng thơ (đa phần là thơ tứ tuyệt) của Xuân
Sách (1) viết từ năm 1962 đến 1992 mới được in thành sách, tính đến nay đã
gần 20 năm tuổi. Song, ngay từ khi ra đời từng chân dung thì Chân dung nhà
văn đã được “truyền miệng” rộng rãi không chỉ trong giới văn nghệ mà cả
trong đông đảo công chúng văn nghệ. Sự tiếp nhận của người đọc, nhất là trong
giới văn nghệ, đặc biệt là những người có tên trong danh sách 100 chân dung thật
đa dạng với đủ các cung bậc phản ứng khác nhau. Có một chi tiết thật bất ngờ là
có một số người phản đối Chân dung nhà văn chỉ vì không có chân dung
của mình, cứ như là phải được Xuân Sách viết chân dung thì mới là nhà văn có
giá!
Có thể nói tập thơ Chân dung nhà văn của Xuân
Sách là một hiện tượng văn học độc nhất vô nhị của văn học Việt Nam hiện đại.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một sự phê bình, phán xét thỏa đáng của giới
nghiên cứu văn học trên diễn đàn công khai. Và do vậy, cách hiểu Chân dung
nhà văn còn bị nhiễu cũng như những giá trị đích thực của nó vẫn chưa được
phân định rõ ràng. Và xung quanh việc ra đời và tồn tại của Chân dung nhà
văn cùng Tác giả của nó có ngàn lẻ một câu chuyện vừa thật, vừa có tính
giai thoại, khiến cho việc tiếp nhận và thẩm định tác phẩm ngày càng khó
khăn…Dường như tiên đoán được “sẽ có ngày hôm nay” nên Xuân Sách đã để lại một
cuốn Hồi ký (2) nhằm giúp chúng ta giải mã tập thơ Chân dung nhà
văn. Vì nhiều lý do, cuốn Hồi ký của Xuân Sách chưa được xuất bản mà mới
chỉ công bố một phần nhỏ trên một vài trang Web. Cuốn Hồi ký của Xuân
Sách có nhan đề Giải mã Chân dung, bao gồm 20 phần: Khúc mở đầu và
19 phân đoạn được đánh số từ 1 đến 19. Đọc xong tập Hồi ký Giải mã Chân
dung của Xuân Sách, tôi nghĩ rằng tập Hồi ký này, xét về toàn cục còn vượt
xa tập thơ Chân dung nhà văn về giá trị văn học bởi nó vừa “điểm
nhãn” cho 99 chân dung nhà văn, nhà thơ ở tập Chân dung Nhà văn,
vừa viết thêm những chân dung mới dù chỉ bằng những nét phác họa. Và tất
nhiên, đời sống văn học, cả một thời kỳ dài gần nửa thế kỷ, chỉ
tính từ khi Xuân Sách về làm việc ở Tạp chí Văn Nghệ Quân đội là năm 1960, cho
đến khi ông qua đời (2-6-2008), được tái hiện thật là sống động. Vì thế, bài viết
này của tôi sẽ gồm hai phần: Phần Một là về tập thơ Chân dung Nhà văn và
phần Hai là về Hồi ký Giải Mã Chân dung. Tuy nhiên, do đây chưa phải là một
bài viết theo thể loại nghiên cứu với đủ các trình tự lớp lang nên
việc diễn đạt còn tùy hứng và các ý kiến chưa phải là đã hoàn chỉnh mà còn phải
bổ khuyết.
Thơ Chân dung được hình thành như thế nào? Phản ứng với thơ
Chân dung truyền khẩu? Tập thơ Chân dung Nhà Văn được xuất bản ra
sao? Phản ứng với tập thơ Chân dung Nhà văn? Đó là những vấn đề mà
bài viết này sẽ cố gắng thể hiện một cách đại lược trong một “rừng câu chữ” của
cuốn Giải mã Chân dung của Xuân Sách, trong đó, tác giả đã “trả lời
những bạn đọc yêu quý xa gần của tôi là tôi đã nghĩ, đã viết những bài thơ chân
dung như thế nào? Tôi còn muốn làm thêm cái khung cho những bức tranh ấy. Đấy
là hoàn cảnh, môi trường, có thể gọi là chân dung một thời các nhà văn
chúng tôi đã sống và viết”.
Bài thơ chân dung đầu tiên Xuân Sách viết năm 1962 trên vỏ
bao thuốc lá Tam Đảo trong một buổi chỉnh huấn của quân đội phê phán chủ nghĩa
Xét Lại. Bài thơ thuộc dạng hiền lành, vậy mà tức thì anh Nguyễn Khải nhận xét
nghiêm túc: “ Thằng này không đùa nữa rồi”. Chân dung số l đó là thiếu
tướng nhà văn Hồ Phương, đã từng giữ chức TBT tạp chí Văn nghệ Quân đội. Bức
chân dung số 1 như sau:
Trên biển lớn mênh mông sóng nước
Ngó trông về Xóm mới khuất xa
Cỏ non nay chắc đã già
Buồn tênh lại giở thư nhà ra xem.
Trong Hồi ký Giải mã Chân dung, Xuân Sách viết: “Tôi viết
về Hồ Phương khi ấy mới ngoài tuổi 30, mới đeo quân hàm đại úy, nhưng uy tướng
chẳng liên quan gì đến chuyện hay dở của văn chương. Sự thật ai cũng biết cho đến
lúc đó những tác phẩm của anh chưa có cái nào vượt được Thư nhà, điều đó
ai chả buồn nhưng rất nên biết. Thời chống Mỹ, Cồn cỏ là hòn đảo nhỏ giữa biển
khơi, là tiền đồn theo dõi máy bay địch của ta, nên Mỹ đánh phá ác liệt. Bộ đội
ta ở đấy đương đầu với gian khó, với hiểm nguy từng giờ. Anh Nguyễn Trọng Oánh
là phóng viên của tạp chí tự liên hệ với đơn vị để ra Cồn Cỏ. Tôi vốn quý anh
là con người ít nói nhưng có suy nghĩ sâu sắc, gan dạ và nhất là tính trung thực,
đúng chất ông Đồ Nghệ. Khi trở về đất liền, anh viết cho báo bài bút ký dài. Với
đường hướng văn nghệ thời đó, bài bút ký của anh không được ủng hộ, vì anh viết
thật về người lính, dù rất dũng cảm nhưng không phải là không có tâm trạng gọi
là yếu đuối hay tiêu cực. Nhưng yêu cầu của tuyên truyền lúc đó, báo chí hay
văn nghệ cũng vậy, chỉ tập trung miêu tả những con người phải có ý
chí cao, tư tưởng chỉ hướng tới tiêu diệt quân thù. Sau đó ít lâu , đồng chí Bí
thư chi bộ của Đảo vào đất liền để báo cáo thành tích. Nhà văn Hồ Phương vốn là
người nhanh nhẹn hoạt bát, anh “bắt” ngay đối tượng của mình để hỏi han ghi
chép. Và rất nhanh quyển sách “Chúng tôi ở Cồn Cỏ” hoàn thành, được NXB
Quân đội nhân dân in với số lượng hàng vạn bản. Quyển sách và tác giả trở nên nổi
tiếng và được biểu dương khen ngợi. Không ra Cồn Cỏ, chỉ nghe lời kể của một bí
thư chi bộ mà viết được quyển sách hàng trăm trang phải nhận là anh Hồ Phương
có tài. Nhưng với tôi, tôi vẫn thấy tác phẩm ấy không bằng “Thư nhà”. Chẳng
lẽ thật lòng tôi nghĩ thế và tôi biết người anh lớn càng nghĩ thế, nhưng anh
không nói ra - ít nhất là trước mặt tác giả - còn tôi nói ra là thiếu
lễ phép. Lại một chuyện nữa, hồi ấy anh Nguyên Ngọc chưa
vào Nam, anh làm thư ký tòa soạn. Anh làm cái mục điểm sách hàng tháng
trên tạp chí. Thời đó sách được xuất bản ít quá nên quyển nào ra làng
văn đều quan tâm. Anh Hồ Phương cũng có một tập truyện ngắn mỏng. Sau khi điểm
một vài tác phẩm khác, mỗi quyển mười dòng. Đến quyển của anh Hồ Phương, nhà
phê bình Nguyên Ngọc chỉ hạ một dòng sửng sốt: “Tôi không có ý kiến gì về quyển
sách này vì nó không phải là văn học”.
Người xưa dạy: “Người khen ta đúng là bạn ta. Người chê ta
đúng là thầy ta”. “Không biết Hồ Phương có coi Nguyên Ngọc là thầy ? Nhưng
tính anh vốn nhẹ, xởi lởi, bên ngoài coi như qua mưa lại nắng. Đó là một nét đặc
biệt trong mối quan hệ của đồng nghiệp trong cơ quan mà tôi cho là lành mạnh.
Như anh Vũ Cao, thủ trưởng của chúng tôi , nói: “Ở cái nhà số 4 này thằng nào
ra thằng ấy, lãnh đạo một tập thể như vậy khó nhưng rất thú vị”
Nhà văn Hồ Phương vẫn viết đều in đều, có quyển anh viết người
thực việc thực như truyện dài về nữ sinh Kan Lịch rồi một pho tiểu thuyết nghìn
trang “Những tầm cao” viết về Hà Nội thời chống Mỹ chia làm hai tập.
Thành phố Hà Nội đặt ra giải thưởng Hồ Gươm năm năm một lần, xét tặng những tác
phẩm xuất sắc của anh chị em văn nghệ sĩ thành phố. Anh Hồ Phương gốc Hà Nội
tham gia Hội Văn nghệ thành phố và được bầu vào Ban chấp hành. Lần đó anh có
chân trong Ban Giám khảo xét thưởng do nhà văn Tô Hoài làm chủ tịch. Đây không
phải cuộc thi nên những người trong Ban Giám khảo cũng được nộp tác phẩm để dự
xét.Hồ Phương gửi “ Những tầm cao”. Nhưng có điều trớ trêu: theo quy định
chỉ được xét những tác phẩm in ra trong 5 năm đó, tập một Những tầm cao không
nằm trong thời gian xét nên Hồ Phương gửi tập hai, trúng giải A. Phần thưởng là
một chiếc xe đạp Thống Nhất vừa xuất xưởng. Thời đó chiếc xe này là loại quý hiếm,
là ước mơ của những nhà văn đi bộ. Trong buổi lễ phát thưởng có một nhà văn thắc
mắc: “Tôi thấy bất hợp lý, tác phẩm phải xét toàn bộ, sao lại chỉ xét tập
hai, nếu tập một có vấn đề thì sao? Làm thế này chẳng khác gì thi hoa hậu chấm
từ rốn trở xuống”. Ý kiến ấy cũng chỉ là nói ra tràng cười vui vẻ chứ không làm
thay đổi được kết quả cuộc xét tuyển. Buồn tênh lại giở thư nhà
ra xem vậy…”.
Chân dung nhà văn Vùng mỏ Võ Huy Tâm cũng hình
thành như một “Tia chớp”. Hãy nghe lời kể lại sự ra đời bài thơ chân
dung Võ Huy Tâm và phản ứng của nhà văn vùng mỏ bằng lối văn “phong cách
Võ Huy Tâm” của Xuân Sách trong Hồi ký Giải mã Chân dung:
“Năm 1998, nhà văn vùng mỏ Võ Huy Tâm qua đời, nhà
thơ Nguyễn Hoàng Sơn có viết bài báo: “ Nhà văn của những người thợ mỏ đã ra
đi” đăng trên tờ Tiền Phong chủ nhật số 44 ra ngày 3/11/96 trong đó
có một đoạn liên quan đến tôi và bài thơ chân dung viết về nhà văn họ Võ. Tôi
xin trích:
“Tôi có một kỷ niệm nho nhỏ với nhà văn Võ Huy Tâm. Năm 1993
nhân ra Bãi Cháy dự Đại hội văn học nghệ thuật Quảng Ninh, tôi đã chứng kiến cuộc
hội ngộ lý thú giữa Võ Huy Tâm và Xuân Sách, tác giả tập thơ Chân dung nhà
văn đầy tai tiếng xuất bản một năm trước đó. Nhưng tôi thấy hai nhà văn
chuyện trò với nhau khá vui vẻ, có thể nói là tâm đắc nữa. Võ Huy Tâm là vậy,
luôn luôn hồn hậu và độ lượng, khác xa những ai kia được khen cả trăm lần vẫn
chưa “đã” mà mới bị chê dù chỉ một lần là lập tức nhảy xếch lên , khiếu kiện đủ
cửa” .
Mãi đến năm 1960 tôi về công tác ở Hà Nội mới gặp anh Võ Huy
Tâm, tác giả Vùng mỏ nổi tiếng từ lâu. Anh Tâm là một người không ưa
la cà nên chúng tôi ít lần gặp nhau, nhưng chúng tôi lại có thể chơi với nhau
được. Tôi rất thích cách nói chuyện của anh, ít lời nhưng lại cung cấp cho người
nghe nhiều thú vị. Chúng tôi hợp nhau trong cách gây cười và nói thật, không e
dè xã giao. Sau khi cuốn Vùng mỏ được in, được giải thưởng, được dư
luận khen ngợi, anh được điều về Hà Nội, rồi làm biên tập ở tờ Văn Nghệ.
Trò chuyện với tôi, anh thường thân mật xưng mày tao, còn tôi gọi anh là đại
ca:
-Xem chừng đại ca về đây đeo cái đèn ló trên trán đi vào hầm
lò văn chương, hành trình rất vất vả phải không?
-Vất vả lắm nhưng phải cố, cuốc văn còn khó hơn cuốc than. Mà
từ cách ăn ở đi lại, giao tiếp tao vẫn chưa quen. Giống như mấy anh ở
miền núi về thành phố xem phố xá cũng vui mắt nhưng chóng chán, đi đường nhựa
không quen, ăn không quen, nói cũng không quen, lớ ngớ lắm. Tao cũng học được
nhiều điều hay, nhưng khó tiêu hóa nên vẫn viết như cũ thôi.
Sau đó Võ Huy Tâm viết Những người thợ mỏ, rồi một số
truyện vừa, trong đó có tập Chiếc cán búa. Rồi các nhà phê bình
chính thống không thích lối viết quá trần trụi của anh, cách biểu hiện suy
nghĩ của người thợ mỏ không đi đúng vào quỹ đạo “tuyên truyền”, thật
quá, gay cấn quá. Có lần anh nói với tôi, có lẽ tao phải trở về than đá thôi,
mày đi với tao ra chợ Đồng Xuân ăn lòng lợn chấm mắm tôm đi. Và quả thật tôi thấy
anh có vẻ hoang mang bất định.
Vào một ngày mùa đông, tôi đang đứng ở cổng tòa soạn chợt thấy
một người mặc bộ com lê màu gạch non, tay khoác chiếc áo khoác cùng màu. Thời
đó ít người ăn mặc như vậy. Ông khách rảo bước vào cổng, tôi nhận ra đó là Võ
Huy Tâm. Có việc gì mà ông đến đây với bộ dạng trịnh trọng như vậy? Tôi cầm tay
anh kéo vào phòng khách, anh khum tay che miệng ghé vào tai tôi: “Sách ơi, cho
mình đi ỉa nhờ một cái”. Tôi nhận ra tình trạng khẩn cấp của ông anh, liền vội
đưa anh ra khu vườn cỏ dại phía sau tòa soạn.
Ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế là một trong hai ngôi nhà
sang trọng của Hà Nội có kiến trúc Á Đông, mái cong, lợp ngói ống, sàn nhà, cửa
bằng gỗ tốt, nhưng quân ta ăn ở thế nào mà qua mấy năm hệ thống ống nước hỏng hết,
toilet không đi được. Chúng tôi cải tiến thành phòng văn mini. Mùa hè đánh trần
trên nền nhà gạch non mát lạnh. Phía sau là khu đất trống, trước đây quân đội
Pháp xây dựng một số phòng giam nhỏ để nhốt binh lính bị kỷ luật. Chúng tôi cải
tạo những phòng giam ấy thành nhà xí, đặt một tấm bê tông có lỗ tròn, bên dưới
đặt thùng “ đặc dụng” bằng sắt tây quét hắc ín, do một công ty vệ sinh thành phố
quản lý, gọi nó là hố xí thùng, tiền thân của hố xí hai ngăn. Cứ khoảng 4giờ
sáng chị nhân viên vệ sinh đi ủng cao su, quần áo bảo hộ màu xanh đậm, một tay
xách chiếc thùng rỗng, một tay cầm đèn bão đến đập vào cánh cổng rầm rầm rồi gọi
to: “Số 4 , thùng”. Đó là cách rút gọn một câu văn dài: “Nhà số 4 mở cửa để đổi
thùng”
Nhà văn Võ Huy Tâm đã trở ra, mặt mày phởn phơ, cười hơ hơ:
- Sách ơi, các cụ tổng kết con người có “tứ khoái” cấm sai.
Cám ơn, mình đi!
Tôi nhìn theo ông “Tây gỗ” bước thẳng đơ trên đường phố, vừa
buồn cười vừa thương cảm. Tôi lên phòng, viết ngay bài thơ về ông:
Đem than từ vùng mỏ
Về bán tại thủ đô
Bị đập chiếc cán búa
Hóa ra thằng ngẩn ngơ!
Tôi cười một mình nghĩ sẽ tới gặp Võ Huy Tâm đọc cho anh nghe
và bổ sung vào bộ tứ khoái thêm cái nữa là ngũ khoái, tức là viết được cái gì vừa
ý cũng là cái khoái đáng kể của giống người.
Hôm sau, anh bạn thơ trẻ Định Nguyễn đến: - Anh ơi, có bài
nào mới cho em xin. Tôi đưa bài vừa viết. Định Nguyễn đọc hai ba lần rồi cười
phá lên bình: - Hay, đúng là thơ ông Võ, cái chữ “thằng” rất ngon, đích thị
ngôn ngữ thợ mỏ. Ngày mai chủ nhật em lại được một chầu bia hơi-bánh tôm ở Hồ
Tây rồi. Chủ nhật trước có mấy ông cỡ bự bên Viện Sử, Viện Triết cũng tới nghe
em đọc, hay ngày mai anh đi cùng em xem sao?
- Tuyệt đối không được, có mặt mình ở đó trở nên vô duyên.
Không có mình cậu mới nghe được những lời bình phẩm thật, nghe các bố ấy bình
tán rồi về kể lại cho mình nghe mới có lợi!
- Ai ngại quá, em chỉ mang cái mồm đi hưởng nhuận
khẩu, còn anh nát óc ra mà chẳng được gì, có khi lại bị tai họa.
- Sao lại không được gì? Hãy đợi đấy!
Trở lại sự việc trong bài báo của anh Nguyễn Hoàng Sơn. Năm
1993 tôi là đại biểu duy nhất phía Nam, kể từ Huế trở vào được mời đi dự Đại hội
Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh. Khi tôi di chuyển xe ôm từ Hòn Gai sang Bãi
Cháy dừng trước cửa khách sạn Anh Đào, nơi diễn ra Đại hội, người đầu tiên chạy
ra đón tôi là nhà văn lão thành Võ Huy Tâm. Ông ôm chầm lấy tôi, cười nói oang
oang trước đông đảo quan khách văn nhân:
“Hoan hô mày, mày chửi tao làm tao nổi tiếng. Tao sướng! Rồi
ông hạ giọng: Mà từ ngày tao trở về vùng mỏ thì hết ngẩn ngơ”.
Đoạn nói về viết chân dung nhà thơ Chính Hữu thật
sâu sắc và cảm động. Tuy là viết về Chính Hữu nhưng ta thấy được cả một thế hệ
những nhà thơ, nhà văn mặc áo lính như Thanh Tịnh, Nhị Ca, Nguyễn Minh Châu…đã
phải “lao tâm khổ tứ” như thế nào để cho ra đời những câu thơ “gan ruột” của
mình:
… “Cho nên thời kỳ ấy, năm 1951 ấy tôi rất khâm phục Chính Hữu
khi đọc hai bài thơ của anh “Hà Nội đêm 51” và “Đồng chí”. Hai bài thơ
hay, hai câu tuyệt tác “Mái buồn nghe sấu rụng” và “Đầu súng trăng treo”
Nhưng rồi Chính Hữu cũng không vượt qua được bế tắc, không thấy
anh công bố bài thơ nào nữa. Sau hàng chục năm, sau năm 54 anh về làm biên tập
cho Nhà xuất bản Quân đội và anh cho in quyển tiểu thuyết “Tấc đất” dịch của
Liên Xô. Chính Hữu cũng không tránh khỏi hệ lụy nhưng anh vốn là người chỉn
chu, mẫn cán, anh chuyển về làm cán bộ phòng văn nghệ trong đó có bọn chúng
tôi. Trong chống Mỹ anh bắt đầu sáng tác trở lại. Thơ anh vẫn thế, ngắn, súc
tích nhưng thiếu cái bay bổng của thời trước. Anh được đề bạt làm cục phó Cục
Tuyên huấn quân đội đặc trách giới văn nghệ mặc áo lính về văn học, âm nhạc, hội
họa, các đoàn văn công quân đội. Lũ chúng tôi rất vui, thời buổi đó có được vị
thủ trưởng như Chính Hữu thì còn mong gì nữa. Một người có bản lĩnh, trình độ vừa
nguyên tắc tỉ mỉ nhưng cũng rất tế nhị, chỉ trộm lo cái con người “vào trong
phong nhã ra ngoài hào hoa” kia lại chưa có vợ. Liệu có thoát khỏi cái vòng vây
của hàng trăm chị em văn công dưới trướng. Anh Nhị Ca là nhà phê bình của tạp
chí chúng tôi, người bạn của Chính Hữu từ thời trên chiến khu nói:
Ông này ngoài thì tươi nhưng trong lại khô, mình đang mong có
em nào vật ngã được gã quân tử lạc thời này mới khoái.
Nhị Ca nói đúng. Chính Hữu không làm việc tại công đường
trong thành mà chuyển ra ở cùng chúng tôi. Ông ở một căn phòng trong dãy nhà cấp
4 phía sau tạp chí, như một nhân viên cấp thấp vậy, mà tự nhiên thoải mái.
Nhưng rồi một sự kiện xảy ra với ông , có nhiều người cho là
nhỏ nhưng với tôi lại là lớn: Chính Hữu cho in một tập thơ của mình. Ông viết
ít và thơ thường ngắn. Một tập thơ mỏng, in bình thường. Ông tặng tôi một quyển.
Tôi vốn thích thơ ông nên đọc kỹ. Cả tập thơ chỉ có một chỗ sửa chữa câu : “mái
buồn nghe sấu rụng” thành “phố dài nghe sấu rụng”. Hai chữ phố dài làm hỏng câu
thơ, tôi đinh ninh rằng Chính Hữu phải biết điều đó hơn tôi. Vậy tại sao ông lại
chữa? Tại sao vậy? Tôi muốn hỏi ông nhưng lại ngại. Buổi tối nhà số 4 thường vắng, phần đông anh em đều có gia đình ở Hà Nội, tối về nhà, còn lại một bác quản
gia vợ con vẫn ở Nghệ An, một cậu thường trực, còn cả tầng gác mênh mông chỉ
có tôi và nhà thơ Thanh Tịnh, người ăn cơm tập thể nằm giường cá
nhân. Tôi nằm trong phòng đọc sách nghe tiếng chân đi ngoài hành lang, hé cửa
nhìn ra thấy hai người, Nhị Ca đang đưa Chính Hữu về phòng mình. Lát sau tôi nhẹ
nhàng đi tới, nếu hai người chỉ tán chuyện thì ghé vào, tôi rất thích hóng chuyện
các bậc đàn anh, học được rất nhiều điều. Đến cửa tôi dừng lại vì nghe Nhị Ca
hơi to tiếng: - Tại sao ông phải chữa câu thơ ấy? Húy kị thì không , đầu đề ông
đã ghi rõ Đêm Hà Nội năm 1951 tức là khi thủ đô Hà Nội còn bị tạm chiếm
chứ có phải hôm nay đâu! Và kể cả ngay hôm nay ông cứ hơn hớn suốt ngày đêm
không bao giờ buồn chứ? Mà mái buồn thành phố dài thì hỏng
mẹ nó câu thơ rồi, điều đó ông biết rõ hơn tôi. Vậy vì cái gì? Tôi hiểu rồi, vì
cái chức vụ mới của ông, cái chức cục là cái….gì, ông là nhà thơ kia mà. Tôi biết
có người còn tự tuyên bố, còn viết ra giấy từ bỏ những tác phẩm nổi tiếng của
mình thì bỏ 2 chữ của ông chẳng là gì, nhưng vì tôi là bạn của ông, tôi quý
ông, quý thơ ông, làm thế tôi không chịu nổi…
Nhị Ca nổi tràng ho, anh vốn bị lao phổi đã phải sang Trung
Quốc chữa cắt đi một lá rồi. Chính Hữu nói gì đó tôi nghe không rõ.
Tôi trở về phòng buồn thấm thía. Một lần Nguyễn Minh Châu đã
nói : “Mình buồn thật, mà cũng không được viết, được nói ra cái buồn ấy, quỷ
quái thật”. Có niềm an ủi là Nhị Ca đã nói ra điều đó, lại là nói với người
đang lãnh đạo trực tiếp, lại nói tới vấn đề lớn là mối quan hệ giữa chính trị
và văn nghệ, giữa bản lĩnh người viết và nỗi sợ hãi đớn hèn…
Lúc sau 2 người ra về, trả lại sự vắng lặng. Có tiếng gõ cửa,
anh Thanh Tịnh ở cạnh phòng tôi, anh nói nhỏ: - Sách có diêm cho mình xin một
que, một que thôi!
Không phải anh muốn xin que diêm mà muốn được nghe tiếng người.
Anh Thanh Tịnh trở về phòng mình. Tôi chợt nhận ra tôi đang có một khoảnh khắc
tự do sáng tạo một mình, không có gì ràng buộc. Tôi viết bài thơ chân dung
Chính Hữu.
Cơ quan chúng tôi có tục lệ sau các cuộc họp sơ kết tổng kết
thường có mục vui cười. Lần này cũng vậy, Nguyễn Khải khởi xướng: Tôi đề nghị
anh Sách đọc những bài thơ chân dung mới ra lò. Thời phong kiến vua
uy quyền đến thế mà vẫn để một khe hở, tha chết cho quan ngự sử khi
có lời trái ý hoàng thượng, anh Sách cũng được hưởng cái quyền miễn trảm ấy nên
cứ đọc thoải mái. Xin đọc về tôi trước. Thực ra lúc đó tôi chưa
chính thức viết chân dung Nguyễn Khải, chỉ có mấy câu đùa tếu, Nguyễn Khải vẫn
cứ đọc làm mồi. Rằng trước khi tôi đi ra đảo Cồn Cỏ, vợ tôi lo lắng, tôi có an ủi: “Em đừng tính quẩn lo quanh, họ chiến đấu chứ có phải anh đâu”, rồi
khi tôi gặp đồng chí bí thư huyện ủy Hòa Vang được triệu tập ra Bắc để báo cáo
thành tích chiến đấu, vợ tôi lại tưởng tôi đi B nên tôi phải nói: “Anh đi một
lát về ngay. Hòa Vang chính ở ngoài này đó em”. Chờ mọi người cười xong, Nguyễn
Khải tiếp: “Tôi chỉ nhớ có vậy, vả lại tôi vốn nhạt nên ông Sách khó viết hay,
bây giờ đề nghị anh đọc bài mới, những bài về anh em ngồi đây càng tốt.
Và tôi đọc bài về Chính Hữu:
Tấm áo hào hoa bạc gió mưa
Anh thành đồng chí tự bao giờ
Trăng còn một mảnh treo đầu súng
Cái ghế quan trường giết chết thơ.
Mọi người đổ dồn mắt nhìn thủ trưởng. Tôi cũng nhìn và thấy
anh hơi nhếch mép, mắt nháy nhanh sau cặp kính cận như thường thấy ở anh. Không
khí chùng xuống một lát. Nguyên Ngọc bảo tôi đọc lại rồi anh vỗ bàn khen hay.
Tôi biết mình đã chọc vào nỗi đau của Chính Hữu, nhưng tôi biết
anh đã chấp nhận. Tôi chắc rằng anh đã hối hận kể từ bữa gặp Nhị Ca.
Sau buổi đó, anh Nhị Ca gặp riêng tôi: - Cậu chọc đúng vào vết
thương của Chính Hữu. Đau lắm, nhưng không sao. Cậu đừng lo, ông ấy là bậc quân
tử. Nhưng thánh còn sai, tôi cũng khen cậu bạo miệng đấy, coi chừng sinh ư
nghệ tử ư nghệ. Này còn bài nào độc hơn, đọc mình nghe!
Chân dung Tố Hữu là một trong những “độc chiêu” của
Xuân Sách. Được viết từ năm 1973 khi Tố Hữu có bài thơ “Máu và Hoa” nhưng không
được “phát hành miệng” như những chân dung khác mà phải nằm đợi 19 năm sau, tức
năm 1992 khi sách thơ Chân dung Nhà văn được in ra mới được mọi người
biết đến. Đó cũng là một “Kỷ lục”. Trong câu chuyện về bức chân dung đặc biệt
này, có nhiều chi tiết thú vị:
“Ông Tố Hữu là người ngồi ở ngôi cao trong hàng ngũ
lãnh đạo của Đảng và Nhà nước,với văn nghệ ông là đại thủ lĩnh, không có
gì phải bàn cãi.Về thơ, ông là ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng, của hiện thực
xã hội chủ nghĩa như những nhà phê bình có tên tuổi xưng tụng.Về nghệ thuật thơ
cũng vậy: “thì treo giải nhất chịu nhường cho ai”như một nhà thơ lão làng đã viết.
Hai câu thơ trong bài Điện Biên của Tố Hữu đã viết “Mường Thanh Hồng Cúm
Him Lam/ Hoa mơ lại trắng vườn cam lại vàng”, theo phân tích của nhà thơ nọ là
hai câu thơ mẫu mực vừa kinh điển vừa hiện đại.Ai dám cãi hoa mơ không trắng,cam
không vàng.Các cán bộ đi thuyết giảng ai cũng có thuộc và trích dẫn vài câu thơ
của Tố Hữu, để thêm phần hấp dẫn cho bài nói. Tôi đã một lần bị một đồng chí
chính trị viên đơn vị mời tôi về nói chuyện thơ với bộ đội, gửi thư lên Tổng cục
Chính trị phê phán tôi là nói thơ mà chỉ trích thơ Chế Lan Viên mà không trích
thơ Tố Hữu. Hú vía! Bài thơ văn trung học đại học năm nào mà chẳng có đề về thơ
Tố Hữu, nó đã trở thành sổ gạo của từng nhà. Tôi cũng được biết, vào những năm
“Nhân văn giai phẩm”, có một nhà thơ bộ đội viết bài phê bình thơ Tố
Hữu có câu: “Thơ Tố Hữu như cốc xi rô pha loãng”. Như thế thì nhiều phen “lên bờ
xuống ruộng”, thân bại danh liệt một đời là phải. Cũng chẳng biết kêu ai, cũng
chẳng ai nói cho biết vì tội gì. Anh có viết một vở kịch có tên là “Mưa bóng
mây”. Tôi đùa, ông nên coi tai nạn như là mưa bóng mây dù đó là mưa
đá. Tôi cũng được nghe kể lại hồi còn ở trên chiến khu Việt Bắc, một lần Tố Hữu
định đọc thơ cho nhạc sĩ Văn Cao nghe, nhưng ông nhạc sĩ vội gạt đi: “Thơ cậu
như ca dao, hò vè có gì mà đọc!”. Chết là phải, tôi lập lại câu nói của ông bác
tôi mắng bọn con cháu mỗi khi lười biếng hoặc mắc lỗi. Vì thế khi làm thơ chân
dung về các nhà văn tôi phải nghĩ tới ông, làm thế nào để bài thơ xứng tầm với
ông. Có thể nói, đó là bài tôi viết đi viết lại hoài mà vẫn chưa ưng ý. Hơn nữa, viết
về ai ngoài đọc tác phẩm của họ ra tôi cũng tìm cách tiếp xúc với họ để biết
ý kỹ hơn về tính cách con người họ. Tôi đã từng được hầu chuyện các bậc
đàn anh, bằng cách này hay cách khác, và học hỏi được nhiều điều. Nhưng với Tố
Hữu thì không.
Tôi biết ông, thấy ông thì nhiều lần đều là trong những buổi
họp hành về văn nghệ, tôi còn nhớ một lần ông đến cơ quan tôi nhân tập thơ “Cửa
mở” của Việt Phương mới ra đời. Khi nói đến tập thơ, đôi mắt ông lim dim nhìn
xuống chúng tôi, giọng cao lên một chút: “Đó là tập thơ ba lăng nhăng, tư tưởng
ba lăng nhăng”. Tôi không thể bắt chước nhà văn nọ, có tiếng là “đãng
trí”, quên nhiều chuyện nhưng ông lại nhớ kỹ ngày sinh của Tố Hữu.
Hàng năm tới ngày đó ông lại tới nhà tặng nhà thơ lớn một bông hoa hồng. Tôi
cũng không thể lấy cớ có tác phẩm mới in đem tới tặng Đại thủ lĩnh của mình.
Tôi nhớ đời một chuyện. Một hôm tôi cùng một ông bạn vàng cùng cơ quan đạp xe
đi dạo ở đường Phan Đình Phùng. Con đường có ngôi biệt thự có “cành táo đầu hè
rung rinh quả ngọt”, có truyện ngắn cây táo ông Lành” của anh thương
binh viết và cái truyện đó đã khiến anh bị “trúng thương” nặng hơn nhiều vết
thương anh mang trong chiến tranh.
Khi đi qua đó, anh bạn nói với
tôi: - Này, cậu có nghĩ đến là bao giờ cậu được ở trong một
biệt thự như thế này không?
Tôi trả lời: - Cậu tưởng mình nằm mơ chắc? Ba mươi
tuổi rồi mới là thằng trung úy quèn, sao lại nghĩ được ở ngôi nhà như thế này,
có họa là làm đảo chính!
Không ngờ trong một buổi họp chi bộ sau đó ông bạn vàng của
tôi đem câu chuyện đó ra trình làng:
- Tôi cũng biết đồng chí Sách nói đùa, nhưng đùa
như thế là xuất phát từ tư tưởng không lành mạnh!
Cũng còn may, tôi chưa bị ghép tội có tư tưởng phản động.
Vậy thì làm sao tôi còn dám vào ngồi nhà đó. Nhưng rồi tôi
cũng hoàn thành bài thơ về ông vào năm 1973 sau khi có Hiệp định Paris về
Việt Nam, nói đúng hơn là sau khi nhà thơ Tố Hữu viết bài “Máu và hoa”,
do cảm xúc của sự kiện đó. Tôi còn nhớ sau khi đọc bài thơ đó tôi cứ
lẩm bẩm máu và hoa… máu và hoa, rồi bật ra cảm hứng viết: “Máu ở chiến trường
hoa ở đây”.
Hằng năm rồi mỗi khi Tết đến hầu như tất cả các tờ báo đều
đăng thơ Tết của Bác Hồ và đăng thơ Tố Hữu, và các báo đều đăng một bài thơ ấy,
mà nếu theo quy ước thì các tác giả không được gửi đăng một bài trên nhiều tờ báo
cùng một thời điểm. Ai làm thế sẽ bị cắt nhuận bút và bị nhắc nhở phê bình.
Nhưng thơ Tố Hữu là ngoại lệ: ai cũng thấy thế là phải, thơ hay càng đăng nhiều
càng tốt! Thơ hay trả nhuận bút cao bao nhiêu cũng chưa xứng! Một bài thơ bình
thường lúc đó được trả từ tám đến mười đồng ở báo Trung ương. Cỡ như Huy Cận,
Xuân Diệu, Chế Lan Viên… có thể được trả từ mười hai đến mười lăm đồng. Như thế
cũng là tươm, vì theo Nguyễn Tuân lấy giá bát phở chín làm bản vị ba hào một
bát thì một bài thơ cũng được vài ba chục bát, đủ ấm bụng hàng tháng trời ăn điểm
tâm buổi sáng. Còn nhuận bút báo Tết của thủ lĩnh thì sao? Tôi được biết một tờ
báo nọ phải đưa ra ban biên tập bàn bạc, đi đến thống nhất là: tiền năm trăm đồng
cộng với một cành đào, một cặp gà trống thiến. Riêng tiền, nếu tính bằng phở là
một nghìn bát. Câu này thì tôi được nghe nói lại không biết có đúng không. Khi
nhà thơ nhận nhuận bút như vậy có nói: “Nhuận bút trả như ri các
nhà thơ của ta sống khỏe hí!”
Trở lại với bài thơ tôi viết về Tố Hữu. Chín mươi chín bài
thơ tôi viết xong đều được anh em đem truyền khẩu (hoặc tôi đọc trước những người
tôi viết, trừ bài thơ về Tố Hữu).
Viết xong bài thơ tôi hiểu ngay rằng không thể nào truyền bá
ra được, cũng phải viết trời viết đất chứ làm sao bây giờ. Tôi biết có một nhà
văn gửi một bản tường trình lên thủ lĩnh tố cáo tôi đã làm thơ bôi xấu các nhà
văn, rồi trích ra một số bài, nhưng ông ấy nếu không có bài thơ về Tố Hữu thì
chưa đủ sức nặng. Ông liền ghi mấy câu ở vỉa hè nhại bài thơ Bầm
ơi của Tố Hữu: “Bầm ơi có biết không bầm. Vôn ga con cưỡi, gà hầm con xơi.
Con nay đã khác xưa rồi (…) Bầm ra ruộng cấy bầm rung/ Con ngồi sưởi ấm mà
thương lại bầm… Làm thế nhà văn nọ vô tình đã phạm thượng. Xuân Sách đã viết về
những nhà văn như thế không thể viết về tôi như vậy, tôi chờ.
Và tôi cũng phải chờ. Một lần nhà văn Đặng Thai Mai gọi tôi đến
nhà. Cụ bảo tôi đọc bài thơ tôi viết về Tố Hữu cho cụ nghe. Thấy tôi chần chừ,
cụ nói: “Cậu sợ tôi phản cậu hay sao?”
- Thưa bác, cháu đâu dám nghĩ về bác như thế, có điều
cháu nghe lời ông Hàn Phi rằng vua là con rồng nhưng có thể gần được thậm chí
có thể cưỡi lên mình nhưng tuyệt đối không được sờ vào cái vuốt dưới hàm. Cháu
muốn giữ được cái đầu để hoàn thành tập thơ.
- Thế là phải, nhưng cậu đọc riêng cho tôi nghe cơ
mà!
- Thưa bác - tôi lại múa mép - Cái đạo của những trí
giả như bác có cái hay trong bụng không thể truyền cho người khác. Cho phép
cháu khoe một chút, bài này là bài hay.
Chúng tôi ngồi trên sàn nhà bằng gỗ, cụ gác cằm lên đầu gối
cười khục khục rồi mắng yêu tôi: - Thằng tiểu quỷ!
Mùa hè năm 1982, tôi lên Tam Đảo nghỉ mát vài hôm. Hồi đó
khách còn vắng. Một buổi chiều tôi một mình đi dạo trên con đường dưới bóng
thông, tôi nhìn thấy nhà thơ Tố Hữu đang đi về phía tôi. Tôi nghĩ ông không biết
tôi nên cứ lẳng lặng đi qua ông. Không ngờ ông gọi:
- Xuân Sách đó à?
- Thưa vâng, chào anh.
- Sách lên đây để viết hay sao?
- Dạ không. Tôi được cơ quan cho đi nghỉ mát ít
hôm.
- Ra rứa! Còn mình thì lên đây có việc.
Tất nhiên là tôi không hỏi ông việc gì. Ông đặt nhẹ tay lên
vai tôi, nói nhẹ nhàng.
- Bên công an họ thu thập được những bài ca dao đồng dao, và
những truyện tiếu lâm thời bây giờ, có đến gần hai trăm trang đánh máy. Mình
lên đây để đọc cho yên tĩnh.
- Thưa anh, anh thấy thế nào? Tôi mạnh dạn hỏi.
Và tôi nhận được câu trả lời ngắn khá bất ngờ: “Cực kỳ
phản động, cực kỳ hay.”
Có hai ông Tố Hữu trong câu nói này. Tôi nghĩ vậy và chợt
nghĩ giá như lúc này tôi đọc bài thơ viết về ông mà ông cũng phán một câu như vậy
thì tôi yên lòng. Xưa nay đã từng có những nho sĩ nhờ có câu thơ hay, vế đối
hay mà thoát chết đó sao. Nhưng rồi tôi không đọc, và đến
năm 1992 khi tập thơ được Nhà xuất bản Văn Học ấn hành mọi người mới biết”.
Bài thơ chân dung Tố Hữu “nằm chờ” suốt 19 năm đó như sau:
Ta đi tới đỉnh cao muôn trượng
Mắt trông về tám hướng phía trời xa
Chân dép lốp bay vào vũ trụ
Khi trở về ta lại là ta
Từ ấy tim tôi ngừng tiếng hát
Trông về Việt Bắc tít mù mây
Nhà càng lộng gió thơ càng nhạt
Máu ở chiến trường, hoa ở đây.
Trở lại việc in ấn tập Chân dung Nhà văn năm 1992.
Hãy nghe Xuân Sách kể lại trong Hồi ký Giải mã Chân dung:
Một ngày tháng tư-1992. Tôi nhận điện từ chi nhánh NXB Văn Học
ở Sài Gòn: Sách đã ra lò. Lên ngay!
Từ khi cầm bút, tác phẩm ra lò của tôi chưa đến nỗi nhiều
nhưng cũng đủ làm nguội cái cảm giác hồi hộp sung sướng của thuở ban đầu. Lần
này thì khác, đứa con tinh thần của tôi ra đời là tập thơ Chân dung nhà
văn. Hành trình của nó đã đi qua một chặng đường dài đến ba mươi năm. Ba mươi
năm ấy biết bao nhiêu chuyện…
Nhưng như cái nghiệp đã vận vào thân, không đùa thì còn biết
làm gì! Các chân dung lần lượt xuống chiếu với nhiều cung bậc khác nhau. Có bài
đùa một tí, có bài đùa dai, có bài xót xa đồng cảm, có bài nghẹn ngào uất ức,
có bài “mỗi lời là một vận vào khó nghe”. Ra bài nào truyền tay bài đấy, truyền
khẩu ở mọi nơi mọi lúc, ở giờ nghỉ các cuộc họp, ở quán nước vỉa hè, ở cửa hàng
bia hơi bánh tôm Hồ Tây, ở quán thịt chó Hàng Lược… Và tất nhiên cũng được đặt
lên bàn các cuộc họp của Ban Thường vụ Hội Nhà văn, cuộc họp Ban Tuyên huấn
Trung ương và các cơ quan chức năng về văn hóa, văn nghệ, cơ quan bảo vệ văn
hóa văn nghệ. Tôi cứ ngu ngơ như kẻ điếc không sợ súng, hay nói như nhà phê
bình VTN, “ông Sách bị quỷ ám”. Cũng có lúc bị bầm dập tôi thấy cô đơn trơ trọi,
cũng có lúc ngộ ra cái khoái cảm tuyệt vời trong sự sáng tạo văn chương, tôi lặng
lẽ đi tới. Biết đâu, “Dại chốn văn chương ấy dại khôn”!
Ba mươi năm sàng lọc được trăm bài, chín mươi chín bài xưng tụng
các anh các chị đồng nghiệp, bài thứ một trăm tự vẽ mặt mình!
Nhưng làm thế nào để in ra thành sách? Nhiều người góp ý cho
tôi. Anh Phùng Quán nói: Thơ ông tuy truyền miệng truyền tay cũng coi như “một
sàng trong xó bếp” , in ra mới được coi là “ một miếng giữa làng”! Có người
khuyên không nên in ra mà để lưu truyền như một thứ văn học dân gian, có khi tạo
nên một dòng thơ Chân dung như dòng thơ Bút Tre vậy, tạo việc làm cho các nhà
sưu tầm khảo cứu hậu thế.
Có người cảnh báo từ truyền khẩu mà in ra giấy trắng mực
đen của loại thơ độc hại này là một khoảng cách “chết người”. Trăm năm bia đá,
nghìn năm bia miệng, đâu phải chuyện chơi!
Tôi ghi nhận những lời khuyên ấy. Tôi nhớ lại một chuyện: Năm
1978, tôi đi học ở Học viện Chính trị quân đội. Trước ngày khai giảng, các học
viên nêu những thắc mắc chính của mình. Phần lớn ý kiến là chưa hiểu quan điểm
“làm chủ tập thể”. Tôi chú ý đến một học viên là Chính ủy một sư đoàn nổi tiếng
về chiến tích và vị Chính ủy là một cán bộ tiêu biểu. Anh nhận thức
cuộc đời là bể khổ, khi hết khóa học anh nói: - Tôi cảm ơn các đồng chí trong
khóa học này đã góp ý về nhận thức của tôi. Có đồng chí nói đây là một nhân
sinh quan yếm thế, không phù hợp với tư tưởng cách mạng. Đó là một tư tưởng hơi
kỳ quặc của một Chính ủy, là phần tiêu cực trong giáo lý đạo Phật…Tôi thành khẩn
tiếp thu, có thể các đồng chí đúng nhưng với riêng tôi cho đến lúc này tôi vẫn
đinh ninh cuộc đời là bể khổ.
Còn tôi cũng đinh ninh rằng phải in được tập thơ Chân
dung. Một việc cực khó. Phải thông qua một nhà xuất bản và Tổng biên tập các
báo đã có nhiều bài học chua cay trong việc này. In một cuốn sách, đăng một bài
báo có “vấn đề” mà cơ cực ở chỗ những vấn đề ấy có khi chỉ là ý kiến một số người,
không được tổ chức công khai bàn luận rộng rãi. Lỗi nhẹ thì kiểm điểm nghiêm khắc,
lỗi nặng thì các vị Giám và Tổng lặng lẽ cắp cặp đi chơi chỗ khác. Một lần tôi
được tới nhà hát dự buổi tổng duyệt một vở kịch, khán giả là một số bạn bè do
tác giả mời, một số phóng viên văn hóa văn nghệ của các báo, và các vị có chức
trách phê duyệt. Và quan trọng hơn cả là một vị lãnh đạo ở bậc cao. Hôm đó vị
lãnh đạo cao cấp không phải là người phụ trách về văn nghệ mà là người phụ
trách lĩnh vực mà nội dung vở kịch đề cập tới. Vị này là người vốn xuề xòa
không quan cách. Tác giả vở kịch rất mừng khi ông này tới dự. Một việc bất ngờ
xảy ra: lúc vở kịch đã diễn được một nửa thì vị lãnh đạo lặng lẽ cùng người bảo
vệ ra về. Từ đầu tác giả đã để ý tới nhân vật quan trọng ấy, lúc này hết hồn.
Thế là hết, chỉ vài hôm nữa, là báo chí sẽ lên tiếng “thăm hỏi sức khỏe” vở kịch
và tác giả. Cũng may tác giả là người đã có tên tuổi, đã được vua biết mặt,
chúa biết tên. Ngay sáng hôm sau, ông đến nhà riêng vị lãnh đạo để thỉnh thị. Cấp
trên cười hồn nhiên:
- Làm gì có chuyện mình bỏ về vì vở kịch có vấn đề! Mình chưa
xem hết nên chưa có ý kiến tổng kết được. Những gì mình đã xem cũng thấy được,
cái cô gì đóng vai cô nông dân diễn vui ra phết.Ông về họp anh em lại lấy ý kiến
anh em rồi nâng tầm tác phẩm lên là được. Xin lỗi nhé, mình phải về vì cái bệnh
của mình trở chứng không chịu được. Yên tâm đi, nhà văn trước hết phải chịu
trách nhiệm về tác phẩm của mình, cốt nhất là không sai lạc về chính trị là được.
Thế nhá!
Vậy thì tác phẩm, hay dở chưa biết nhưng chắc chắn là có “vấn
đề”. Làm sao mà tìm được một ông giám đốc xuất bản dám chịu trách nhiệm với
mình. Có một nhà văn làm giám đốc một nhà xuất bản ở địa phương đã đến tuổi
hưu, ông đang làm thủ tục. Có người bạn quen đem tác phẩm đến , ông giám đốc biết
là tác phẩm hay nhưng cũng có vấn đề nên còn e ngại. Ông bạn xúi ông làm sao
sách in xong đúng vào lúc ông xách gói về vườn là yên chuyện. Giám đốc xuôi
lòng, tác giả vui mừng về nhà chờ đợi rồi một bức thư gởi tới: “ Ông, sách của
ông tôi đã làm xong thủ tục chỉ còn đem xuống nhà in thì anh em trong cơ quan họp
lại nói với tôi, thủ trưởng sắp về hưu còn niêu cơm để lại cho anh em chẳng lẽ
lại bị đập vỡ. Ông thông cảm nhé, là người nhà cả mà. Tôi vẫn giữ bản thảo, nếu
ông cần tôi sẽ gửi trả”.
Mấy anh em văn nghệ ở Vũng Tàu thường hỏi tôi: “ - Anh vẫn định
in tập Chân Dung chứ? Liệu bao giờ thì in được?” Một lần
tôi buột miệng: “Năm 92 in được. Tôi nói vậy bởi thường nhẩm tính, năm 30 tuổi
bắt đầu viết, năm 60 tuổi in ra, vừa lúc về hưu là đẹp. Vậy mà sau này khi sách
in ra có nhà văn lên án tôi là “cố ý in sách đúng vào năm kỷ niệm Hội Nhà văn
35 tuổi, là có dụng ý xấu”. Thật oan uổng, tôi hơi đâu mà để ý đến tuổi tác của
Hội. Nói đặng, nếu sau này tập thơ của tôi lại được khen chẳng hạn, chắc người ấy
lại nói, “Xuân Sách rất có ý thức khi in sách của mình đúng dịp Hội ta 35
xuân”.
Cuối năm 1991, anh Hoàng Lại Giang, nhà văn, trưởng chi nhánh
Nhà xuất bản Văn Học ở Sài Gòn xuống Vũng Tàu:
- Tôi xuống là để bàn với ông về việc
in thơ Chân dung, ông đồng ý không?
Ông Hoàng vừa nói vừa cười.
- Đừng đùa làm tôi tổn thọ!
- Không chỉ ý riêng tôi mà đã được
Giám đốc tôi đồng tình. Chuyện không dễ nhưng ông thử tính xem, bây giờ là thời
điểm sau đổi mới, Văn nghệ được “cởi trói”, tôi biết ông “máu” in, chúng tôi
cũng liều…Thân với ông không chớp lấy thời cơ này thì hỏng!
Tôi vỗ mạnh vào bàn tay Hoàng Lại Giang: - Tiên sư “Tào
Tháo”. Chúng ta làm!
Việc đầu tiên là tôi nộp bản thảo để gửi ra Hà Nội duyệt. Chợt
lóe lên một ý nghĩ, tôi nói: - Gửi ra Hà Nội, dù ông giám đốc Lữ Huy Nguyên ngồi
trong phòng riêng đóng kín cửa mà đọc cũng không ổn, ông ấy sẽ cảm thấy những
ánh mắt xuyên tường nhìn vào khiếp lắm. Hay là chúng ta mời ông ấy vào trong
này coi như một chuyến đi nghỉ mát Vũng Tàu, rồi chúng ta làm việc. Ông ấy gật
đầu là xong!
Hoàng Lại Giang đồng ý tức thì: - Ông nói có lý, tôi sẽ về Sài
Gòn thực hiện ngay!
Hôm sau, Giang gọi điện thoại với giọng hồ hởi: Lữ Huy Nguyên
đồng ý và sẽ thu xếp vào sớm.
Những năm ở Hà Nội, tôi có quen biết anh Lữ Huy Nguyên. Anh
tính lành, làm việc cẩn trọng và chu đáo. NXB Văn học do anh làm
giám đốc có uy tín lớn. Ra được nhiều sách không chỉ đúng mà hay, có
nhiều phát hiện đổi mới. Nhà văn cỡ tầm tầm như tôi mà có sách được in ở Văn Học
là hãnh diện lắm. Trong những lần gặp anh Nguyên chuyện trò, chưa bao giờ tôi đả
động đến Chân dung. Nhưng tôi biết anh không thờ ơ với những bài “tai tiếng”
ấy và anh lại càng biết nếu in nó ra thì sẽ thế nào. Tôi còn biết cấp trên rất
chú ý đến tài đức của anh và việc cất nhắc anh lên bậc cao hơn là chuyện có thực
và rất gần.
Khoảng một tuần sau, anh Nguyên và anh Giang có mặt ở nhà
tôi. Sau một buổi chiều cùng nhau đi dạo loanh quanh thành phố, buổi tối chúng
tôi làm việc. Tôi mời Lữ Huy Nguyên ra bãi biển. Ngồi trên chiếc ghế đá,dưới ngọn
đèn sáng, chúng tôi thông qua từng bài thơ một và trao đổi một số ý kiến ban đầu.
Trong khung cảnh trời cao biển rộng chúng tôi chẳng e ngại điều gì, bộc lộ hết
ý nghĩ, thỉnh thoảng còn xen vào những chuyện đời, chuyện người, và không thiếu
những tràng cười thú vị. Đến khuya chúng tôi mới quay về.
Sáng hôm sau, thêm anh Hoàng Lại Giang bàn bạc, có thể tóm tắt
như sau. Anh Nguyên đề nghị bỏ hai bài, không, gọi là để lại, một bài viết về
nhà thơ Sóng Hồng. Lý lẽ của anh Nguyên là bài ấy chưa đến tâm của tác giả,
chưa đến tâm của đối tượng. Bài thứ hai viết về một nhà lý luận phê bình. Bài
này hay - lời anh Nguyên - nhưng chưa nên đụng vào ông này gay lắm.
Ông ấy sẽ dồn tôi và anh đến cùng. Cũng chẳng sao, nhưng đáng sợ là ông ấy có đủ
khả năng làm cho tập thơ in xong cũng phải đắp chiếu mà nằm đấy. Ông ấy là một
cây lý luận hàng đầu của Đảng về văn hóa văn nghệ. Như tôi biết, ngoài danh
xưng “ nhà” ông còn một danh xưng cao hơn với tên gọi tắt là “Trung ủy” dù chỉ
là dự khuyết suốt hai khóa. Anh em văn nghệ thường thầm thì với nhau
đó là một cây quan điểm lập trường, một tay bảo hoàng hơn vua.
Ngoài ra, còn sửa hai chữ ở hai bài khác. Tôi chấp nhận dù
hơi tiếc, và “điều” luôn hai bài khác ngồi ghế dự bị vào sân cỏ.
Lữ Huy Nguyên nói với tôi bằng giọng nghiêm túc và nhã nhặn vốn
có:
- Tôi đề nghị anh cho nhà xuất bản
chúng tôi được ấn hành tập thơ này. Tôi muốn hỏi anh vài chuyện bên lề có được
không?
- Vâng, mời anh.
- Nghe nói có người nước ngoài tới mua bản thảo tập thơ?
- Có hai người, một từ Nhật đến gặp tôi, một người Mỹ qua
trung gian.
- Họ đặt số tiền ứng trước khá lớn?
- Với ta thì thật lớn. Tôi tính ra một
nhà văn xứ ta viết được quyển tiểu thuyết nghìn trang, với chất lượng xứng tầm
thời đại thì nằm mơ cũng không nghĩ đến số tiền nhuận bút như vậy! Người Nhật
còn hứa với tôi xin phép Nhà nước Việt Nam để xuất bản hợp pháp.
- Và anh từ chối?
- Đơn giản là vì tôi tâm niệm phải xuất bản trong nước!
Nguyên quay sang Hoàng Lại Giang:
- Anh xem có thể ứng trước cho anh
Sách một số tiền được không? Chắc chắn là không nhiều, nhưng có lẽ anh Sách xài
tiền Việt dễ hơn tiền đô!
- Khỏi cần! Cuối năm 1967 tôi đã vào
chiến trường miền Nam, NXB Giải Phóng có ý tốt ứng trước cho tôi 200 đồng. Thời
giá hồi đó một bát phở ngon Hà Nội năm hào, còn thuốc lá thì Trường Sơn một
dãy ba hào/ Điện Biên lịch sử hai bao một đồng/ Nghìn năm văn vật Thăng Long/ Một
đồng một gói bằng lòng thì mua. Tôi đi dịp đó dự cuộc Tổng tiến công Mậu Thân. Ở
chiến trường ra tôi nộp cho nhà xuất bản khoảng ba chục bài thơ. Sách in ra tôi
tới lĩnh nhuận bút. Nhà thơ “Ý Nhi xinh đẹp, biên tập viên bắt tay tôi cười.
Khó cho anh rồi, thơ của anh theo barem thì nhuận bút hẻo lắm! Cũng tại thơ anh
viết ngắn, lại không “leo thang” nên ít dòng. Bọn tôi đã ưu đãi đưa một số bài ở
bậc B1 lên bậc A, ngồi chung chiếu nhất với các cụ mà cộng lại chỉ được 180 đồng,
như vậy đáng ra anh phải nộp lại hai chục, nhưng anh khỏi lo, nhà xuất bản đã
quyết định xóa nợ cho anh! Tôi nói lời cảm ơn và tiếc rằng không có tiền mời Ý
Nhi đi ăn phở. Vậy các anh khỏi ứng trước dẫu tập thơ này của tôi có trăm bài
nhưng bài nào cũng ngắn, dài nhất cũng chỉ mươi dòng, chẳng được bao nhiêu nhuận
bút đâu!
Lữ Huy Nguyên cười rồi cầm bút ký vào bản thảo:
- Chúng tôi sẽ làm nốt vài thủ tục cuối cùng, anh Giang sẽ
bàn với anh về chuyện in ấn, sao cho càng nhanh càng tốt.
Hoàng Lại Giang “đế”: -“Cưới vợ thì cưới liền tay”…
Khi tiễn chân Lữ Huy Nguyên , tôi nói với riêng
anh: - Lư có gì phân vân nữa không? (Tên cúng cơm của anh là Nguyễn Huy Lư, tôi
gọi thế là để biểu lộ tình cảm chân thành và khâm phục).
Nguyên đáp lại: - Anh yên tâm, tôi nghĩ suốt đời cũng làm được
điều gì đó!
Chúng tôi ôm nhau chia tay.
Hai hôm sau, Hoàng Lại Giang trở lại, đem theo bản thảo, một
xấp giấy can và mấy cây bút kim:
- Cái khó nó ló cái khôn, tôi nghĩ ta đưa vào nhà in để họ xếp
chữ là không ổn. Cái thứ thơ ngắn của ông thế nào công nhân cũng đọc khi xếp chữ
xong và in thử, lập tức những bài thơ sẽ bay ra ngoài và điều gì đến chắc ông
rõ: Chết từ trong trứng. Vì vậy, tôi đem giấy bút đặc biệt xuống để ông viết
tay các bài thơ, viết bằng chữ thường, chữ mẫu mà hồi bé chúng ta phải tập ấy.
Khi đưa vào nhà in cứ thế họ cho vào máy chạy. Cùng lắm hai ngày là gọn ba
nghìn cuốn theo số lượng mà nhà xuất bản đăng ký. Đúng ra thơ ông đã được truyền
miệng rộng rãi, có thể số lượng bản in gấp nhiều lần ba ngàn, nhà xuất bản có
lãi và tác giả cũng được ấm chân răng, nhưng làm thế nguy hiểm lắm, bị nghi ngờ
ngay lập tức.
- Cảm ơn Giang nhá, ông quan tâm chu đáo với tôi quá!
- Mà tôi nói để ông rõ: Thường ở nước ngoài, phải là tác giả
có cỡ lắm tác phẩm mới được in bút tích của mình, mà cũng chỉ vài ba trang
thôi, còn ông cả trăm bài, nhất ông rồi đấy!
- Đúng là mèo mù vớ cá rán!
Tôi bắt tay ngay vào việc. Tôi nắn nót viết cái thứ chữ tập
viết hồi xưa ở trường làng với ông hương sư mặc áo dài the đen đứng lớp cầm tay
thước gõ vào ngón tay học trò với lời dạy: “ Các con nên nhớ luyện chữ là luyện
tâm tính con người”. Gọn một ngày tôi viết xong, Hoàng Lại Giang ưng ý đem về
Sài Gòn và êm đẹp làm sao, sau một tuần tôi nhận được điện đi lấy sách.
Ngồi trên xe từ Vũng Tàu lên Sài Gòn tôi mừng nhưng vẫn canh
cánh nỗi lo. Đã sống một thời gian dài trong chiến tranh, nhiều hoàn cảnh, nhiều
luật lệ khắc nghiệt éo le khiến số phận con người gặp nhiều bất trắc; cái sướng
cái khổ, cái rủi cái may đến bất ngờ không kịp đối phó. Trong cõi văn chương chẳng
lấy gì làm to lớn cũng đã có quá nhiều chuyện. Một cây bút trẻ có tài, lại chịu
khó đi vào những nơi là mũi nhọn của cuộc sống viết những trang sáng giá được
biểu dương, sách được đưa vào loại in số lượng tính bằng vạn. Ít lâu sau anh biến
mất. Anh bị đi tù mà chẳng kịp biết vì sao không có phiên xử, cứ lặng lẽ lên đường
không kịp từ biệt gia đình. Phúc cho anh sau bảy năm tu nghiệp trong nhà tù khi
trở về viết được gần nghìn trang sách thuộc loại có giá trị. Nhưng cũng khốn
khó lắm mới in ra được, cũng nhờ một ông giám đốc xuất bản có lương tâm và dũng
khí. Dù quyển sách không hề được dư luận công khai bình luận, bị thu gom không
công bố, nhưng bằng mọi cách tác phẩm vẫn đến được với người đọc. Sang thế kỷ
21, không khí văn nghệ được dễ thở hơn, chúng tôi đã được đón tiếp tác giả Chuyện
kể năm 2000 - nhà văn Bùi Ngọc Tấn tại Vũng Tàu.
Năm 1973, một nhà văn ở cùng tạp chí Văn nghệ Quân đội với
tôi đeo quân hàm đại úy, được cử đi trong đoàn đại biểu Việt Nam dự đại
hội Liên hoan Thanh niên thế giới được tổ chức tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Rất mừng.
Được cử đi đã là một niềm vui lớn vì sự tín nhiệm chính trị. Trong thời chiến lại
được đi dự một ngày hội lớn thế giới còn phải nói gì nữa. Dù hoàn cảnh khó
khăn, anh bạn tôi vẫn cố gắng tổ chức vài cuộc liên hoan nhỏ để khao bạn bè.
Tôi lúc đó đêm đêm đeo một balô gạch tập hành quân chuẩn bị cho cuộc đi B dài.
Anh chở tôi đi ăn một bát mì hoành thánh đặc biệt ở cửa hàng người Tàu ngõ Hàng
Lược. Chạm chén rượu, anh nói:
- Mình với Sách cùng đi. Sách đi vào, mình đi ra. Là người
viết, được đi là vui rồi!
- Anh đi Đông Đức, tôi đi Đức Cơ, chúng ta cùng đi, cùng vui.
Một tuần trước khi lên đường anh bỗng nhận được lệnh ở lại.
Người ta phát hiện ra trong lý lịch của anh có chút tì vết ở mức độ “đi Liên Xô
thì được nhưng đến Đức nơi tuyến đầu giáp giới giữa hai phe có thành phố Berlin phân
chia đông tây hai phe thì không được.”
Lại một chuyện xảy ra ở sân bay. Một cậu sinh viên được chọn
đi du học nước ngoài. Cậu ta con một gia đình bình thường nhờ học giỏi mà được
đi. Việc lo hành trang, thủ tục giấy tờ quá vất vả, cuối cùng được ra sân bay.
Làm thủ tục xuất cảnh, gửi hành lý xong, chỉ còn chờ giờ tàu cất cánh. Không biết
ma xui quỷ khiến thế nào, khi ngồi xuống chiếc ghế ở phòng chờ, cậu ta ngả lưng
vươn vai kêu lên một câu cảm thán: “Thế là sắp được làm người”. Chợt từ phía
sau e é - đôi tay cậu ta bị xiết chặt và cậu bị nhấc bổng ra khỏi ghế, và rời
khỏi sân bay, tan biến giấc mơ làm người do cậu ta dại dột thốt ra. Số phận
chàng trai bất hạnh ấy sau này như thế nào thì tôi không rõ…
Nghĩ lan man thế rồi chột dạ, biết đâu cuốn sách của mình bị
trắc trở phút chót, hãy đợi đến lúc được cầm nó trên tay mới chắc ăn.
Xe dừng trước nhà xuất bản gần chùa Vĩnh Nghiêm.
Tôi không xuống vội, qua cửa kính tôi nhìn vào trong sân thấy đông người, trong
đó có nhiều nhà văn mà tôi quen. Họ đến mua sách của tôi, người cầm vài ba cuốn,
có người ôm nách hàng chồng. Có chuyện gì vậy, chẳng lẽ tác phẩm của tôi được
chào đón đến vậy ư? Hoặc là cái của này không nhanh tay mà bị cấm thì hết mua?
Tôi có một tâm trạng, một động thái kỳ cục, nhờ một người đi cùng vào nhận sách
bản quyền và mua thêm đem ra rồi quay đầu xe dông thẳng về Vũng Tàu.
Trên xe, tôi nâng niu cuốn sách vừa vặn bàn tay, giống loại
sách bỏ túi. 99 nhà văn và tôi nằm mỗi người một trang, chật chội một chút
nhưng không ai chen lấn ai, nhòm ngó ai. Bìa cũng khá đơn giản, trên nền hoa
văn li ti màu xám nhạt điểm một bông hoa màu đỏ. Tôi giở nhanh từng trang
- chưa cần đọc lại vì in đúng như bản tôi viết tay nên không sợ mắc
lỗi đến cuối sách thì hiện ra sự cố. Một tờ in rời dán vào, đó là “Lời cuối
sách” của nhà xuất bản mà tôi chưa được biết. Tôi xin trích ra một số đoạn
chính:
“… Đây là những ký họa có tính đặc tả của Xuân Sách, những
chân dung vốn đã khá phổ biến trong và ngoài giới văn học suốt vài chục năm
qua. Tác giả không nêu đích danh một ai, nhưng dưới nét bút phác thảo, những độc
giả và người làm văn học vẫn có thể nhận ra từng đối tượng. Dĩ nhiên thể loại
này thường cố ý phóng to những đặc điểm và khi nhìn vào những nét đặc tả ấy -
tuy mất cân đối và đôi khi phiến diện - vẫn dễ dàng nhận ra diện mạo, cốt cách
từng nhân vật.
Chất vui hóm và nhất là khả năng chơi chữ có thể khiến người
ta ngạc nhiên một cách thú vị, nhưng cũng có thể gây nên những sự không hài
lòng đây đó..
Chúng tôi chỉ coi đây là nét tự trào của giới cầm bút, cười đấy
nhưng cũng tự nhận ra những xót xa hạn hẹp của chính mình, những gì chưa vượt
qua được trên các chặng đường quanh co của lịch sử và thời đại. Tự soi mình, học
hiểu mình thêm qua cách nhìn của người cùng hội cùng thuyền lắm khi cũng hữu
ích. Cái cười trong truyền thống dân gian vốn là vũ khí, ngày nay còn có thể là
sức mạnh thúc đẩy đi tới phía trước.
… Rất mong độc giả và các nhà văn nhận xét ra mối chân tình
trong cuộc vui của làng văn, và lượng thứ cho những khiếm khuyết.”
Một lần nữa tôi lại thông cảm với Lữ Huy Nguyên. Anh đã kịp
thời dùng chiến thuật lập lá chắn phòng ngự trong bóng đá. Còn có cách nào khác
khi đối phương có một hàng tiền đạo đông đảo và hăng hái tranh nhau bắn phá
khung thành đối phương không thương xót, cố mà phòng thủ kéo dài được thời gian
không bị thủng lưới chừng nào hay chừng ấy để có thể đưa sách ra thị trường.
Sự cố thứ hai còn bi hài hơn. Ở trang cuối nơi ghi những người
chịu trách nhiệm về cuốn sách có một mảnh giấy trắng dán kín một dòng, như người
bị vết xước phải dán miếng băng keo y tế. Đó là chỗ in tên người chịu trách nhiệm
về bản thảo ( Nguyễn Bảo ). Mãi đến phút cuối khi sách đã in xong,
nghe ngóng thấy có sự bất an, ông này năn nỉ với giám đốc cho rút tên ra, ông sắp
về hưu rồi, muốn được hạ cánh cho an toàn.
Đề nghị của ông ấy được chấp thuận, nhưng tiếc rằng sách đã
in xong không thể in lại nên bất đắc dĩ phải làm chuyện cắt dán. Cầm sách soi
lên có thể đọc được dòng tên người chịu trách nhiệm bản thảo, giống như con trẻ
trong trò chơi trốn tìm sau khi có chỗ ẩn nấp kín đáo rồi lại kêu tướng: Xong!
Thế là đứa con ra đời. Vì mẹ nó không được “tròn” nên nó cũng
không được “vuông”, phải mang dị tật, báo hiệu những ngày sắp tới
không bình yên. Mấy hôm sau, tôi nhận được những thông tin không tốt lành: có lệnh
mồm xuống nhà xuất bản, phải giữ lại và niêm phong những tập thơ chưa kịp phát
hành. Ở Hà Nội có nhiều cuộc họp phê phán tập thơ, một số nhà xuất bản
viết kiến nghị xử tội tác giả. Tuy nhiên, tác giả không nhận được trực tiếp bản
kiến nghị ấy. Họ gửi vào một số cơ quan Trung ương và hai bản gửi về Vũng Tàu,
một cho lãnh đạo và một cho Hội Văn nghệ.
Xin trích nội dung bản kiến nghị ấy:
“… Cuốn Chân dung nhà văn dẫu không nêu tên người, nhưng
Xuân Sách đã lấy tên tác phẩm để miêu tả thì chẳng khác gì gọi tên người đó ra.
Dưới con mắt của Xuân Sách, chân dung nhà văn trở nên méo mó
dị dạng. Cố nhiên Xuân Sách cũng tỏ ra xu phụ nịnh một số ít người.
Bằng giọng thơ châm chọc, giễu cợt, bằng thái độ cao ngạo răn
dạy kẻ khác, kích động kẻ khác, Xuân Sách đã mượn cách tả Chân dung để:
- Bôi nhọ, phỉ báng, thậm chí vu khống đối với nhiều
nhà văn đáng kính đã quá cố.
- Xuyên tạc lăng mạ đời tư nhà văn một cách vô trách nhiệm, đặc
biệt là các nhà văn nữ, gây những hậu quả cực kỳ xấu đối với họ.
- Với vị trí văn học hạn chế của mình, Xuân Sách đã gây không khí
bất lợi cho sự đoàn kết nội bộ của Hội.
Chúng tôi coi đây là một vết xấu trong sinh hoạt văn hóa của
chúng ta, đặc biệt trong quản lý xuất bản.
Chúng tôi xin kiến nghị lên các cấp thẩm quyền mấy điểm:
1. Xem xét lại trách nhiệm của người cấp giấy xuất bản, của
giám đốc Nhà xuất bản Văn Học và các biên tập viên đã cho in cuốn sách.
2. Phải có biện pháp thực sự thu hồi và hủy bỏ cuốn sách.
3. Ban chấp hành Hội Nhà văn xem xét tư cách của nhà văn Xuân
Sách và có kỷ luật thích đáng chiếu theo điều lệ Hội vì đã xúc phạm nhân cách
gây mất đoàn kết nội bộ. Kỷ luật cần được thông báo cho toàn thể hội viên biết.
Kính mong Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Bộ Văn hóa Thông
tin Thể thao, Ban Chấp hành Hội nhà văn xem xét bản kiến nghị này”.
Sau những lời luận tội đanh thép và các biện pháp xử lý
nghiêm túc là mấy trang chứa đựng những chữ ký như rồng bay phượng múa của Bốn
Mươi Mốt nhà văn đáng kính. (Tôi chợt nhớ tới bộ phim Người thứ bốn mốt khá
hay của Liên Xô trước đây). Có nhà văn còn ghi thêm trước khi ký. “Tôi không
thể nào tưởng tượng được, với nội dung toàn nói xấu gần như toàn bộ Hội nhà văn
như vậy lại có thể được in tới 3000 cuốn và nghe nói đã “lập tức” bán được 600
cuốn rồi. Ông ấy nghĩ thế cũng phải, sự thật nhiều khi khác xa trí tưởng tượng
của nhà văn.
Tôi phát hiện ra trong số 41 người ký tên có ông ấy và 26 nhà
văn nữa không có chân dung trong tập thơ. Tôi không hiểu làm sao lại thế.
Một nhà văn bậc đàn anh giải thích cho tôi. Hoặc giả họ có
tính bầy đàn cao, đụng tới đồng loại là đụng tới họ. Hoặc giả… chuyện này có thật,
một ông nhà văn tai tiếng thì to nhưng tác phẩm lại nhỏ nói với mình “cái thằng
Xuân Sách văn thơ tầm tầm chẳng ai chú ý, nên bày trò Chân dung để
chơi trội. Chẳng qua hắn mượn tên tác phẩm và vài câu thơ, ý thơ của người ta
rồi xào xáo lắp ghép vào, có gì sáng tạo đâu”. Nghe vậy mình bảo “thế thì ông
quan tâm làm gì cho rách việc?”. Bất ngờ, ông ấy cao giọng: Nhưng một
người như tôi tại sao nó lại không đưa vào? Láo!”.
Đối với các “Bậc Trưởng Lão” từ thời 30-45, những tưởng Xuân
Sách sẽ bị mắng mỏ là “phạm thượng”, “hỗn láo” hay đại loại như vậy. Nhưng Thơ
Chân dung đã nhận được sự đối xử rất quân tử. Chỉ ví dụ như với ba Đại gia
là Nguyễn Tuân, Xuân Diệu và Hoài Thanh:
Chân dung Nguyễn Tuân:
Vang bóng một thời đâu dễ quên
Sông Đà cũng muốn đẩy thuyền lên
Chén rượu tình rừng cay đắng lắm
Tờ hoa lại trót lỡ ưu phiền.
Cụ Nguyễn Tuân, con người vốn thích đùa một cách... cao sang và thâm
trầm, thích ăn nem rán nóng
bỏng thì gắp lên đặt xuống cái nem, nghe thơ và phán: “Hóm,
thằng này hóm”.
Chân dung Xuân Diệu:
Hai đợt sóng dâng một khối hồng
Không làm trôi được chút phấn thông
Chao ơi ngói mới nhà không mới
Riêng còn chẳng có, có gì chung.
Và phản ứng của Xuân Diệu: Xuân Sách kể: Một lần gặp Xuân Diệu trong quán
bia hơi, tôi nâng cốc bia chúc mừng ông vừa được bầu làm viện sĩ của Viện hàn
lâm nghệ thuật nước CHDC Đức, ông chạm cốc: Chúc mừng họ Ngô nhà ta, những bài
thơ của cậu đi vào cõi bất tử!
Chân dung Hoài Thanh:
Vị nghệ thuật nửa cuộc đời
Nửa đời sau lại vị người ngồi trên
Thi nhân còn một chút duyên
Lại vò cho nát lại lèn cho đau
Bình thơ tới thuở bạc đầu
Vẫn chưa thể tất nổi câu nhân tình
Giật mình mình lại thương mình
Tàn canh tỉnh rượu bóng hình cũng tan.
Trong Lời cuối sách nhân NXB Văn học tái bản cuốn Thi
Nhân Việt Nam, nhà Phê bình văn học Từ Sơn viết: “Một lần khác, vẫn ở bên
giường cấp cứu, sôi nổi, vui vẻ, chúng tôi bàn về thơ “chân dung nhà văn” đang
lưu hành trong giới văn chương. Cha tôi khe khẽ đọc lại mấy câu “thơ chân dung”
nói về ông mà ai đó đã đọc cho ông:
Vị nghệ thuật một nửa đời
Nửa đời lại phải vị người cấp trên
“Thi nhân” còn một chút duyên
Chẳng cầm cho vững lại lèn cho đau!...
Đọc xong, cha tôi bình: “Tay này nó biết mình mê Kiều
nên nó dùng lối lẩy Kiều để vẽ chân dung mình thì khéo thật. Tuy vậy câu thứ
hai nói oan và nói ác quá. Cha biết có không ít người nghĩ như thế về cha”. Nói
xong, cha tôi có vẻ hơi buồn buồn”.
Trong bài viết Lời cuối sách này, Từ Sơn cũng đã
nói rõ tại sao Hoài Thanh lại có cái “nhìn lại” rất nghiêm khắc với “Thơ Mới”
và nhất là tự phê phán Thi Nhân Việt Nam tới mức như Xuân
Sách đã viết “Thi nhân còn một chút duyên/ Lại vò cho nát lại lèn cho đau”!
Những câu chuyện về Nguyễn Minh Châu, Phù Thăng và
chân dung về hai nhà văn này, theo tôi là hay nhất về cả chân dung bằng thơ và
chân dung bằng văn xuôi. Với hai nhà văn này và cộng thêm Xuân Sách ta có “Bộ
ba” điển hình độc đáo về cả văn tài cũng như cuộc đời đầy bất trắc của những
nhà văn chân chính. Tôi sẽ trở lại ba nhà văn này khi có điều kiện…
Xuân Sách có bài thơ “triết lý” rất nhẹ nhàng mà sâu sắc về
nhân tình thế thái và tuy thường nói là mình liều mạng “điếc không sợ súng”
nhưng chính Xuân Sách là một trong số ít nhà văn, nhà thơ rất “biết mình, biết
người”, đã tự nhận thấy hạn chế của mình trong sự nhận thức thế giới,
câu đầu bài thơ cũng là nhan đề bài thơ:
Có nhiều điều mà tôi chưa biết
Hòn núi kia có tự bao giờ
Con kiến bé tí teo đến vậy
Còn con voi to lớn khổng lồ?
Có nhiều điều mà tôi chưa biết
Lá mâm xôi giống lá mãn đình hồng
Một bên nảy ra chùm quả dại
Một bên hoa rực rỡ đến nao lòng?
Có nhiều điều mà tôi chưa biết
Nước suối trong mát ngọt lịm người
Rồi suối chảy ra sông ra biển
Muối ở đâu mà biển mặn biển ơi?
Có nhiều điều mà tôi chưa biết
Tằm ăn dâu xanh lại nhả tơ vàng
Nguyễn Du viết Kiều bao đêm trắng
Bao sợi tóc xanh bạc trắng bên đèn?
Một cô Kiều sắc tài nhường ấy
Trải qua nhiều chìm nổi truân chuyên
Không dứt được lòng tham danh lợi
Khiến Từ công chết đứng trận tiền.
Nhưng có lẽ cuộc đời vốn vậy
Biển cứ mặn mòi, suối cứ ngọt êm
Voi cứ khổng lồ, kiến thì bé tẹo
|
Cái tốt dù nhiều cái xấu vẫn kề bên.
Chú thích:
(1) Xuân Sách (4/7/1932 - 2 /6/2008) tên thật
là Ngô Xuân Sách, bút danh khác: Lê Hoài Đăng, là hội viên Hội Nhà
văn VN. Ông được nổi danh khi là tác giả phần lời các ca khúc Đường chúng
ta đi (dựa trên tứ thơ của Hoàng Trung Thông và Chế Lan Viên), Cùng
anh tiến quân trên đường dài (nhạc Huy Du), đặc biệt nổi bật qua tập
thơ Chân dung nhà văn.
Quê tại xã Trường Giang, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Nơi
ở trước khi ông qua đời: TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Quá trình hoạt động: Từ năm 1960 đến1980: Biên tập viên Tạp
chí Văn nghệ Quân đội. Từ năm 1981 - 1984: Phó giám đốc NXB Hà Nội. Từ năm
1985 đến 1995: Chủ tịch Hội Văn nghệ Bà Rịa -Vũng Tàu...
Đêm 2 tháng 6 năm 2008, ông qua đời tại bệnh viện Thanh Nhàn
(Hà Nội), sau hai tháng nằm viện tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội do tai biến mạch
máu não. Ngày 6 tháng 6 năm 2008, linh cữu nhà văn Xuân Sách được đưa về an
táng tại quê nhà Thanh Hóa, theo nguyện vọng sinh thời của ông.
Tác phẩm: Cô giáo làng (truyện ngắn, 1962); Đội
du kích thiếu niên Đình Bảng (truyện, 1964); Mặt trời quê hương (tiểu
thuyết, 1971); Đêm ra trận (truyện ngắn, 1974); Con suối mặt
gương (thơ, 1974); Phía núi bên kia (tiểu thuyết, 1977); Nơi
đi và đến (thơ, 1979); Rừng bên sông (tiểu thuyết, 1984); Đường
xa (thơ, 1986); Cuộc hôn nhân bị đánh tráo (tiểu thuyết,
1991); Chân dung nhà văn (thơ, 1992); Người ơi, người ở lại (truyện
ngắn, 1995); Cõi người (thơ, 1996).
100. Xuân Sách (Tự họa)
Cô giáo làng tôi đã chết rồi
Một đêm ra trận đất bom vùi
Xót xa Đình Bảng người du kích
Đau đớn Bạch đằng lũ trẻ côi
Đường tới chiến công gân cốt mỏi
Lối vào lửa sởn tóc da mồi
Mặt trời ảm đạm quê hương cũ
Ở một cụm đường rách tả tơi.
(2) Tập Hồi ký Giải mã Chân dung của Xuân
Sách do ông Nguyễn Hòa VCV cung cấp. Những dẫn chứng không đánh số chú
thích là đều lấy từ Hồi ký Giải mã Chân dung này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét