Cho đến nay người Chàm còn truyền miệng nhau rằng Champa mất
nước chỉ vì 2 vua Champa cưới vợ Việt. (người Chàm tự gọi nước mình là Champa).
Đọc sử chúng ta biết vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con
là Anh Tông để lên làm Thái thượng hoàng. Tuy nhiên ngài chỉ lo tu hành và du
ngoạn đó đây. Năm 1301 ngài sang chơi Champa có hứa gả công chúa Huyền Trân cho
vua Chế Mân. Vụ này gây nên sự chống đối của cả 2 triều đình Việt và Champa.
Tuy vậy vua Anh Tông vẫn vâng mệnh Thái thượng hoàng gả em gái cho Chế Mân.
Ngoài sính lễ, Chế Mân còn nhượng châu Ô và châu Rí (cũng gọi
là Lý). Châu Ô sau đổi là Thuận Châu (nam Quảng Trị) và châu Rí đổi là Hóa châu
(từ bắc Quảng nam ra tới Quảng trị).
Nhưng sử không viết gì về trường hợp thứ nhì.
Vậy vua Champa thứ nhì lấy vợ Việt là ai? và người nối gót
công chúa Huyền Trân là người nào?
Câu hỏi này được hai người Chàm là DOHAMIDE và DOROHIEM đồng
tác giả của “Dân tộc Chàm - Lược sử” giải đáp một phần.
Các tác giả này tham khảo sử liệu bằng tiếng Pháp trong quyển “Les
Chams et leurs religions” (Người Chàm và tôn giáo của họ) của sử gia E.AYMONIER.
Sử gia Pháp được ông thủ từ (giữ việc thờ cúng) ở tháp Pô
Romê kể cho nghe sự tích tháp này.
Chúng tôi loại bỏ những chi tiết quá hoang đường, đại lược
câu chuyện như sau:
Pô Romê là con nuôi và sau trở thành con rể của vua Chàm Pô Mưh Taha. Không có
con trai, Pô Mưh Taha truyền ngôi cho Pô Romê.
Vì chính phi hiếm muộn nên Pô Romê cưới một phụ nữ gốc Ra đê
làm thứ phi. Pô Romê gả con gái của thứ phi này cho lãnh chúa Phik Chơk (Champa
theo chế độ phong kiến, dưới vua là các lãnh chúa).
Phản bội cha vợ, Phik Chơk tiết lộ với vua Yuôn (tiếng Chàm gọi
người Việt) rằng nhược điểm của Pô Romê là hiếu sắc.
Vua Yuôn cho một công chúa rất đẹp giả dạng làm thương nhân
sang Champa buôn bán.
Nghe tiếng người đẹp, Pô Romê cho gọi vào cung xem mặt. Thấy
nàng đẹp thật, vua liền tuyển làm thứ phi. Người Chàm gọi nàng là Bia Ut.
Sau 3 tháng Bia Ut giả bệnh đau nhức khắp mình. Vua cho gọi
các bà đồng vào hỏi duyên cớ căn bệnh.
Đã được Phik Chơk lo lót và dặn dò từ trước, các bà đồng cùng
nói căn bệnh này do cây Krêk trồng trước cung điện gây ra.
Krêk là cây lim xanh được người Chàm tin tưởng là thần hộ mạng
của Champa.
Pô Romê cho mời các vị chiêm tinh gia của triều đình tới hỏi
liệu có thể đốn bỏ cây Krêk được không? Các vị này đều nói nếu đốn bỏ, vương quốc
Champa sẽ sụp đổ.
Nghe nói vậy Bia Ut giả bệnh nặng hơn, lăn lộn đau đớn.
Vì mê đắm Bia Ut, vua hạ lệnh đốn bỏ cây Krêk. Nhưng sau mỗi
nhát búa rìu, vết chặt liền lành lại như cũ. Sau 3 ngày cây Krêk vẫn đứng yên.
Nổi giận, Pô Romê tự tay cầm búa rìu chặt cây Thần hộ mạng. Chỉ 3 nhát cây Krêk
ngã xuống rên rỉ, máu tuôn xối xả.
Ngay khi ấy có tin quân Yuôn theo đường biển vào đánh Champa.
Vua ra lệnh cho 2 tướng ở tiền đồn án binh bất động để chờ vua thân chinh ra diệt
giặc. Không tuân lệnh, 2 tướng xuất quân chống địch. Thấy vậy vua hạ lệnh sẽ
chém đầu nếu không tuân. Hai tướng trở về triều trả mũ áo rồi vào núi ẩn dật.
Pô Romê ra quân giết được nhiều giặc khiến giặc phải lui. Vua
thắng trận trở về; các chiêm tinh gia đều xin vua đuổi Bia Ut ra khỏi hoàng
cung.
Cho là lời xàm tấu, vua không nghe.
Quân Yuôn trở lại vài lần, các chiêm tinh gia lại khuyên vua
đuổi Bia Ut nhưng vô hiệu.
Vua ra quân phản công. Các thần linh phù trợ Champa đều bỏ
đi. Pô Romê bại trận, bị bắt nhốt vào cũi sắt giải về Huế. Con gái là Pô Mul
thúc quân đuổi theo tù xa để cùng quân Yuôn thương lượng.
Nhưng khi ấy quân Yuôn đã chém đầu vua; xác và đầu được quân
Yuôn trả cho Pô Mul đem về hỏa táng.
Bia Ut bị hành quyết theo lệnh của Pô Mul.
Cũng theo DÂN TỘC CHÀM - LƯỢC SỬ đã dẫn trên đây, người Chàm lưu vong ở Tây ninh,
Châu Đốc và Cam Bốt còn lưu truyền bài thơ nhan đề là Phiuh Đisak. Bài thơ có nội
dung tương tự câu chuyện do ông thủ từ tháp Pô Romê kể với E.AYMONIER.
Lược bỏ những tiểu tiết khác nhau, chúng tôi thấy 2 sử liệu
này đều nói đến vua Pô Romê, Bia Ut và cây Krêk. Tuy nhiên đoạn kết của Pô Romê
và Bia Ut theo bài thơ Priuh Đisak có khác:
Trước khi đánh Champa, vua Yuôn xin Pô Romê cho Bia Ut về thăm
mẹ đang bệnh nặng để trốn khỏi Champa.
Sau khi bị chém, đầu của Pô Romê được đem về Huế để Bia Ut
xác nhận. Nhìn đầu Pô Romê, vua Yuôn khen là anh hùng.
Pô Romê trị vì từ năm 1627 đến năm 1651. Tương ứng với thời
điểm này, sử nước ta chép như sau.
Năm 1653 chúa Chiêm là Bà Thấm (có sách chép là Bà Tầm, Bà Bật)
đem quân sang đánh phá vùng Phú Yên. Chúa Hiền sai tướng Hùng Lộc đi tiễu trừ.
Bà Thấm bị thua phải nhượng đất từ phía đông sông Phan Rang
(có sách chép là Phan lang) tới Phú yên; phía tây sông này vẫn thuộc về nước
Chiêm. Chúa Hiền đặt tên phần đất mới là phủ Thái Ninh, sau đổi là Diên Khánh
(nay là Khánh Hòa) và giao cho tướng Hùng Lộc trấn giữ.
Vậy Bà Thấm có thể là Pô Romê. Sử của ta và Chiêm sai biệt
nhau 2 năm (1651/1653) có thể do sử gia lầm lẫn.
Theo sử của ta, Bà Thấm (Pô Romê) chỉ thua trận và chịu nhượng
đất nay là Khánh Hòa và Nha Trang. Dã sử của Champa cho rằng Pô Romê bị bắt giải
về Huế và chết trong ngục có lẽ lầm với Bà Tranh.
Năm 1693 chúa Nguyễn Phúc Chu đem quân sang đánh chiếm phần đất
còn lại của Champa, vua Bà Tranh bị bắt giải về Huế và bị giam tại núi Ngọc Trản
(Hương Trà). Một năm sau Bà Tranh chết trong ngục.
Đoạn cuối bài này chúng tôi sẽ giải đáp Bia Ut là ai.
Bây giờ chúng tôi nói tới nàng công chúa thứ ba cũng “Nước
non ngàn dặm ra đi”.
Tập san Sử địa số 19-20 năm 1970 của Đại học sư phạm Sài Gòn có đăng bài “Nam
tiến Việt Nam”của giáo sư Nguyễn Đăng Thục. Trong bài này tác giả trích một đoạn
dịch trong quyển Histoire sommaire du Royaume de Cambodge (Sử lược vương quốc
Cam Bốt) của Henri Russier như sau.
“Chey chetta II (vua Cam bốt) sống từ nhỏ tới lớn ở nước Xiêm
nhưng không có vẻ giữ một kỷ niệm tốt đẹp nào với Xiêm (ngụ ý ác cảm với Xiêm).
Vừa lên ngôi, ông quan hệ thân thiện với các láng giềng trong đó có chúa Nguyễn.
Chúa Nguyễn đang hoàn thành việc chinh phục Chiêm Thành.
Vui mừng được Cam Bốt cầu thân với mình, chúa Nguyễn bèn gả một trong các công chúa cho vua Cam Bốt.
Truyền rằng nàng công chúa này rất đẹp, biết chiều chồng, được chồng yêu quý lập làm hoàng hậu. Người Việt bây giờ trở thành thân hữu và đồng minh của người Cam Bốt. Nhờ sự giúp đỡ của đồng minh ấy, vua Cam Bốt đã 2 lần chiến thắng những cuộc tấn công của quân Xiêm vào năm 1621 và 1623.
Năm 1623 sứ thần từ Huế đem lễ vật trọng hậu dâng lên vua Cam Bốt ở kinh đô Ou Dong. Nhân danh chúa Nguyễn, sứ thần xin phép cho dân Việt làm ruộng và buôn bán trên đất mà ngày nay là Sài Gòn và hồi đó là cực nam của Cam Bốt.
Bà Hoàng hậu can thiệp với vua chồng để nhà vua chấp thuận sự thỉnh cầu ấy. Kết cục vua Chey Chetta II ưng thuận.”
Vui mừng được Cam Bốt cầu thân với mình, chúa Nguyễn bèn gả một trong các công chúa cho vua Cam Bốt.
Truyền rằng nàng công chúa này rất đẹp, biết chiều chồng, được chồng yêu quý lập làm hoàng hậu. Người Việt bây giờ trở thành thân hữu và đồng minh của người Cam Bốt. Nhờ sự giúp đỡ của đồng minh ấy, vua Cam Bốt đã 2 lần chiến thắng những cuộc tấn công của quân Xiêm vào năm 1621 và 1623.
Năm 1623 sứ thần từ Huế đem lễ vật trọng hậu dâng lên vua Cam Bốt ở kinh đô Ou Dong. Nhân danh chúa Nguyễn, sứ thần xin phép cho dân Việt làm ruộng và buôn bán trên đất mà ngày nay là Sài Gòn và hồi đó là cực nam của Cam Bốt.
Bà Hoàng hậu can thiệp với vua chồng để nhà vua chấp thuận sự thỉnh cầu ấy. Kết cục vua Chey Chetta II ưng thuận.”
Trong quyển “Đất Việt trời Nam” của Thái Văn Kiểm,
tác giả tham khảo quyển “Histoire des Pays de l’Union Indochine” (Lịch sử
các xứ Liên bang Đông Dương) của Nguyễn Văn Quế, được biết thêm những điều
sau đây:
Công chúa là con của Sãi Vương (Nguyễn Phúc Nguyên), có danh
hiệu là Somdach Prea Peaccacyo-dey Preavoreac Ksattrey nhưng không có tên Việt.
Công chúa còn xin cho người Việt mở xưởng và buôn bán ngay tại
kinh đô Oudong. Một số người Việt cũng được làm quan ở Cam Bốt.
Những người Việt vào khẩn hoang ở Mỗi xuy (nay là Bà rịa) và
Đồng nai (Biên Hòa) trước năm 1620 được công chúa xin vua Cam Bốt cho hợp pháp
hóa.
Cũng trong “Đất Việt trời Nam”, tác giả tham khảo quyển “Nouvelles
recherches sur les Chams” (Những sưu tầm mới về người Chàm) của Antoine
Cabaton trong đó có bài hát “Ni Danak Pô Romê của người Chàm.
Bài hát nói đến mối tình của Pô Romê và công chúa Bia Ut.
Thứ phi gốc Ra đê của Pô Romê và Bia Ut ghen nhau. Bia Ut đòi
chặt cây Krêk để tỏ ra mình được vua yêu quý hơn.
Khi Pô Romê chết, Bia Ut (còn có tên là Ankara) về lại quê Việt.
Bà thứ phi gốc Ra Đê nhảy vào dàn hỏa chết theo chồng nên có tượng thờ chung với
chồng trong tháp Pô Romê. Tượng bà chính phi đặt ngoài tháp vì bà không chịu chết
theo chồng.
Để biết 2 công chúa “Nước non ngàn dăm ra đi” trên
đây là ai, Thái Văn Kiểm tra cứu gia phả họ Nguyễn.
Sãi Vương có 11 con trai và 4 con gái. Bà chính phi được 3
gái như sau:
Ngọc Liên có chồng là Nguyễn Phước Vinh.
Ngọc Vạn (bỏ trống, không ghi chồng con).
Ngọc Khoa (bỏ trống, không ghi chồng con).
Bà thứ phi có con gái là Ngọc Đỉnh lấy chồng là Nguyễn Cửu Kiểu.
Vậy 2 công chúa bỏ trống không ghi chồng con trong gia phả, một
người tất là vợ của vua Chey Chetta II, và một người tất là vợ của vua Pô Romê.
Tác giả đoán rằng nguyên nhân bỏ trống không ghi trong gia phả
vì Hoàng gia cho việc lấy chồng nước ngoài, nhất là nước đó hèn kém hơn nước
mình, là điều không vinh dự.
Bằng cách đối chiếu triều đại cùa chúa Sãi với triều đại vua
Cam Bốt và vua Chiêm, Thái Văn Kiểm đã giải được bài toán “ai lấy ai?”.
Sãi Vương trị vì từ 1613 tới 1635 (thọ 50 tuổi)
Chey Chetta II trị vì từ 1618 tới 1626.
Pô Romê trị vì từ 1627 tới 1651.
Sãi vương lên ngôi 5 năm trước Chey Chetta II.
Chey Chetta II lên ngôi 10 năm trước Pô Romê.
Là chị, Ngọc Vạn tất là Hoàng hậu Cam Bốt.
Là em, Ngọc Khoa tất là Bia Ut.
Truyện Bia Ut bị hành quyết (theo lời ông thủ từ kể với E.
Aymonier) có lẽ không xác thật. Bài thơ Phiuh Disak và bài hát Nidanak Pô Romê
còn lưu truyền trong dân gian Chàm đều nói Bia Ut về lại quê Việt.
Đời Trần, Trần Khắc Chung còn cứu được Huyền Trân về nước,
chúa Nuyễn chủ mưu tấn công Chiêm Thành không lẽ không có kế hoạch cứu được Ngọc
Khoa?
Việc chúa Sãi dùng mỹ nhân kế để đánh Chiêm Thành có thể tin
được vì ngay cả Nguyễn Hoàng là cha chúa Sãi cũng dùng kế này. Năm 1572 tướng
nhà Mạc là Lập Bạo theo đường biển vào đánh Nguyễn Hoàng. Chúa Nguyễn cho cô
gái đẹp và mưu lược là Ngô Thị Ngọc Lâm đem vàng bạc tới mời nghị hòa. Bị người
đẹp mê hoặc nên mất cảnh giác, Lập Bạo tới nơi nghị hội bị phục binh giết chết.
Nhiệm vụ chính cùa Ngọc Khoa có lẽ là tình báo, việc đốn bỏ
cây Krêk chỉ là cách Ngọc Khoa trắc nghiệm mối tình si của Pô Romê với nàng.
Pô Romê được người Chàm tôn thờ là anh hùng, không kém Chế Bồng
Nga, do đó có tháp thờ.
Chế Bồng Nga 3 lần đốt phá kinh thành Thăng Long và năm 1377
đánh bại cuộc tấn công của nhà Trần vào thành Đồ Bàn (Bình Định) khiến vua Trần
Duệ Tông tử trận.
Công đức của Tiền nhân trong cuộc Nam tiến cần được vinh danh
thêm hai công chúa Ngọc Vạn và Ngọc Khoa.
THAM KHẢO:
- Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim.
- Việt sử tân biên của Phạm Văn Sơn.
- Dân tộc Chàm - Lược sử của Dohamide và Dorohiem
- Đất Việt trời Nam của Thái Văn Kiểm.
- Tập san Sử Địa số 19-20 năm 1970 của Đại học sư phạm Sài Gòn.
- Po Romê.
- Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim.
- Việt sử tân biên của Phạm Văn Sơn.
- Dân tộc Chàm - Lược sử của Dohamide và Dorohiem
- Đất Việt trời Nam của Thái Văn Kiểm.
- Tập san Sử Địa số 19-20 năm 1970 của Đại học sư phạm Sài Gòn.
- Po Romê.
20/5/2020
Bùi Quý Chiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét