Thứ Tư, 8 tháng 7, 2020

Bùi Giáng trong chiếc kính vạn hoa

Bùi Giáng trong chiếc kính vạn hoa
Nhân dịp ra mắt một tuyển tập thơ Bùi Giáng, chúng tôi rất vui mừng và vinh hạnh được tham dự buổi tọa đàm hôm nay. Vào cuối năm 2008, kỷ niệm mười năm ngày mất của cố thi sĩ (17.12.2006 - 07.10.1998), Trung tâm Văn hóa Ngôn Ngữ Đông Tây đã tổ chức sưu tầm, biên soạn tập sách dày dặn: Bùi Giáng trong cõi người ta, tập hợp bài viết của hơn 30 tác giả trong Nam ngoài Bắc, trong nước và nước ngoài. Đó là một tập giai phẩm có chất lượng học thuật rất cao về Bùi Giáng quy tụ những tiếng nói từ nhiều chân trời khác nhau, đến với người đọc cả nước. Nhưng hôm nay, có lẽ là lần đầu tiên, một buổi tọa đàm về Bùi Giáng được tổ chức trang trọng tại thủ đô Hà Nội, trong không gian L’Espace thật thân quen này. Xin chân thành cám ơn Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam và trung tâm L’Espace đã có nhã ý mời và tạo điều kiện cho chúng tôi được ra Hà Nội dự buổi tọa đàm này. Xin rất cám ơn nhà văn Phạm Xuân Nguyên, người hướng dẫn tọa đàm và các diễn giả chính là nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và dịch giả Nguyễn Nhật Anh đã ưu ái cho tôi được phép phát biểu đầu tiên để có dịp thay mặt gia đình và thân nhân cố thi sĩ cảm tạ sáng kiến của ban tổ chức và bày tỏ sự xúc động của mình trước tình cảm nồng hậu của quý vị khách quý có mặt hôm nay dành cho cố thi sĩ.
Được phát biểu đầu tiên là sự ưu ái, đồng thời cũng là một khó khăn đặc biệt cho tôi khi phải mở đầu cuộc tọa đàm về một tác giả thật thú vị nhưng cũng rất độc đáo, đa diện và sâu thẳm như Bùi Giáng. Không phải là người sáng tác lẫn một người chuyên phê bình hay nghiên cứu văn học, tôi chỉ xin phép nêu vài cảm nghĩ với tư cách một độc giả bình thường đối với tác giả mình yêu thích.
Trước mắt tôi, Bùi Giáng xuất hiện như trong một chiếc kính vạn hoa. Với tôi, hình ảnh ấy là một sự nhìn nhận, một vinh hạnh và một niềm an ủi lớn lao đối với bất kỳ tác giả nào không đơn điệu và nhất phiến. Người đọc nhiều thế hệ - từ những người bạn văn sống đồng thời, những người có cơ duyên hạnh ngộ và kết giao, những bà con lao động lam lũ vốn quen thuộc với một Bùi Giáng “phóng túng hình hài, ngang tàng tính mệnh” giữa phố thị Sài Gòn suốt mấy mươi năm, cho đến những nhà nghiên cứu và các bạn đọc trẻ tuổi ngày càng tinh tường, uyên bác hiện nay - đều tha hồ đến với ông tùy theo sở thích, cảm nhận và “căn cơ” riêng của mỗi người. Bùi Giáng quả là một trường hợp đặc thù và lý thú cho một môn mỹ học tiếp nhận đang thịnh hành hiện nay!
Chỉ cần điểm qua một cách ngẫu nhiên nhan đề của một số trong rất nhiều bài viết về Bùi Giáng, ta hình dung phần nào về chiếc kính vạn hoa ấy: “Bùi Giáng dị biệt”; “Bùi Giáng, một hồn thơ bị vây khổn”; “Bùi Giáng, một tâm hồn mênh mông ảo diệu”; “Bùi Giáng, một năng lực phi thường của kẻ suốt đời rong chơi”; “Người lữ khách cuồng điên và khôn cùng kỷ niệm”; “Viết vào Bùi Giáng mong manh”; “Những sát-na của Bùi Giáng”; “Yêu đời hơn từ thơ Bùi Giáng”; “Bùi Giáng, một bài thơ lạc vận”; “Bùi Giáng, giang san một gánh dị thường”, “Bùi Giáng, nhà thơ cuối cùng của thế kỷ 20”; “Cuộc hòa giải vô tận: trường hợp thơ Bùi Giáng”; “Bùi Giáng, tận cùng chủ nghĩa hư vô”; “Bùi Giáng; tiếng ca chung cục”; “Bùi Giáng, ai người chia sẻ?”; “Bùi Giáng, từ phá thể đến hội nhập”; và mới đây nhất, “Bùi Giáng, nhà thơ của các nhà thơ” v.v.. và v.v..
Không phải các tác giả đều đồng ý với nhau trong cách hiểu, cách đánh giá về Bùi Giáng, nhất là về thơ của ông, mặc dù cùng chia sẻ chung một niềm cảm thông, trân trọng. Có người đan xen kỷ niệm riêng với những xúc cảm vô bờ trước những câu “thần cú”, những ý tình bát ngát của họ Bùi. Có người khảo sát thơ ông trong mối tương quan mật thiết với hồn thơ dân tộc, với các truyền thống tư tưởng Đông Tây. Có không ít tác giả thử nghiệm hệ khái niệm tinh vi của bộ môn phê bình văn học đương đại nhằm “thông diễn” thơ Bùi Giáng dưới nhiều bầu khí và ánh sáng khác nhau. Bùi Giáng chủ yếu là một nhà thơ lãng mạn cổ điển phá cách và hý lộng? Bùi Giáng là một nhà thơ tân kỳ, “là kẻ làm thơ trước hết với chữ”, bằng cảm thức và bút pháp hậu-hiện đại, cho dù một cách mặc nhiên? Đọc thơ ông bằng cách tiếp cận “hủy tạo và phá thể”? “Thơ tư tưởng phải hiểu bằng tư tưởng, không phải bằng câu chữ”? Vậy, Bùi Giáng có “cách tân” thơ không, và nếu có, ở phương diện nào? Giá trị đích thưc của thơ Bùi Giáng ở đâu? Ông là bậc thầy của những câu thơ hay?, của những bài thơ hay?, hay của một hồn thơ bất tuyệt, một nguồn thơ vô tận hiếm có, mà mọi bài, mọi câu chỉ là sự ngắt mạch theo quy ước giả tạo, từ đó cắt nghĩa được những chỗ trùng lặp như một ám ảnh khôn nguôi? Kỳ cùng, Bùi Giáng có làm thơ không, nếu hiểu làm thơ theo nghĩa “thêu thùa”, “bịa đặt” của từ “art” (nghệ thuật”) cổ truyền? Hay Bùi Giáng, nói thậm xưng, là một hiện thân của Nàng Thơ, ăn, ngủ, thở, sống với thơ và trong thơ?
Về bản thân tác giả, Bùi Giáng là một “hồn thơ bị vây khổn”, hoặc “thánh thiện và tự do tuyệt đối”? Là một “hành giả chỉ đạt tới tiểu ngộ mà không đạt tới đại ngộ của thực tướng vô tướng, thực tánh vô tánh”, hoặc là người “đã cuồng điên để sáng suốt” như một lựa chọn hiện sinh của một kẻ đạt đạo, “thỏng tay vào chợ” để thực hành “Bồ tát hạnh”? Thật không dễ trả lời và cũng thật không phải ngẫu nhiên khi Bùi Giáng là cả một kho giai thoại, thậm chí, huyền thoại. Soạn giả Huyền Li đã khéo chọn nhan đề: “Bùi Giáng, 99 giai thoại” (1999) cho bộ sưu tập của mình, khi con số 99 ngụ ý sự vô lượng, vô hạn, bất tận. Thông thường, trong văn chương, giai thoại là món quà thú vị cho người đọc, nhưng không có ý nghĩa gì nhiều lắm trong việc đọc tác phẩm, nhất là khi khắp nơi đang vang lên hồi chuông báo tử về “cái chết của tác giả”! Bùi Giáng có lẽ là một trong những ngoại lệ trong cách tiếp cận “thuần văn bản” chăng? Dù thật dù giả, dù trung thực hay thêm thắt, giai thoại là một phần không tách rời với văn nghiệp Bùi Giáng. Không chỉ để hiểu thêm chút ít tình tiết trong nhiều câu thơ đẹp và bí hiểm của ông (“Trời đêm tinh tú chạy vòng, Ruổi rong về bích ngạn hồng vàng chiêu” để nhớ ngày trẻ chạy “sô” theo tiếng hát ma mị của những “ngôi sao” Thanh Thúy, Bích Chiêu, và còn nhiều nữa: “Trang mờ em vẫn là em thu đầu”, “Về trong vân thạch em ngồi vén xiêm”, “Sông ơi em bỏ sa mù, đi thiêm thiếp cõi quân thù gọi nhau”, hay “Ngày mai cá sóng phiêu bồng, ngàn trăng ngậm bóng sương đồng ra đi”...) mà còn giúp “giải mã” phong độ “thần thông du hý” với nhiều mật ngôn, ẩn ngữ tràn lan trong một cuộc đời không biết và không hề phân biệt giữa thực và mộng, giữa sống và thơ. Do đó, ít nhất trong trường hợp Bùi Giáng, tôi e rằng nếu tách những giai thoại, hay đúng hơn, tách con người và cuộc đời của tác giả ra khỏi văn nghiệp, thì thơ văn Bùi Giáng sẽ mất đi sự bảo chứng. Thử hỏi những câu chuyện thiền, những bài thơ thiền sẽ còn lại gì, nếu bị tước mất đi kinh nghiệm tâm linh thực chứng của chúng?
Có tác giả mạnh dạn đi tìm cái tưởng như bất khả: bản chất của văn chương: “Bản chất của văn chương Bùi Giáng là sự tổng hòa những nghịch lý. Trong cái đùa rỡn có sự đau xót, trong bỡn cợt có nỗi ngậm ngùi, trong sự nghịch ngợm hồn nhiên trẻ thơ có sự uyên bác, trong điên loạn cuồng si là cõi mộng bát ngát đẫm tình... Cái nét riêng ấy không ai có được, không ai bắt chước được và không thể có người thứ hai” (Trần Đình Thu). Và có lẽ vì thế chăng, tuy không đồng ý hẳn với nhau, hầu như tác giả nào khi viết về Bùi Giáng cũng vô hình trung cảm nhận sâu sắc cái “không ai có được” ấy để chọn riêng cho mình một cách viết, một nhan đề thật đắc ý, thật “gan ruột”, như thể viết cho chính mình, về chính mình, nhờ đó, mở hết độ tinh nhạy của tai mắt, làm bùng vỡ nội tâm. Bùi Giáng, một cách âm thầm, trao tặng cho những ai đến với ông chiếc kính vạn hoa. Viết về Bùi Giáng, ai cũng thấy mình như vui hơn, đẹp hơn, sâu hơn, “vô ngần trong bóng nguyệt”, hay, nói như Paul Éluard: “thi sĩ không chỉ mang lại hồn thơ cho chính mình, mà còn trao cảm hứng cho người khác”. Thiết tưởng, đó cũng là một đóng góp hải hà của Bùi Giáng.
Gần đây, thật vui mừng khi thấy việc đọc Bùi Giáng đã được nâng lên một cấp độ đáng kể về chất lượng lý thuyết. Theo thứ tự thời gian, tôi muốn nhắc đến một số lượng không nhỏ các luận văn Cử nhân và Thạc sĩ văn học. “Thơ Bùi Giáng dưới lăng kính phê bình cổ mẫu”, luận văn thạc sĩ của Trần Nữ Phượng Nhi tại Khoa Văn Đai học KHXH&NV TP HCM (2011, do PGS TS Nguyễn Thị Thanh Xuân hướng dẫn) là một trong số đó (và tiếc rằng đây là luận văn duy nhất tôi may mắn được đọc). Bằng cách tiếp cận của phân tâm học miền sâu ở cấp độ vô thức tập thể, tác giả Phượng Nhi đã tìm cách phát hiện các cổ mẫu tự nhiên như Đất, Nước, Vườn và các cổ mẫu xã hội như tình yêu siêu năng (cổ mẫu Linh Âm/anima) và đường về bản thể (cổ mẫu Tự ngã/Self) để khai quật những mạch ngầm trong thơ Bùi Giáng, một khảo hướng đầy hứa hẹn. Gần đây nhất, là chuyên luận công phu còn ở dạng bản thảo của PGS TS Đỗ Lai Thúy, nhà nghiên cứu và phê bình văn học thẩm quyền: “Bùi Giáng, nhà thơ của các nhà thơ”. Từ ngôn ngữ-ký hiệu đến ngôn ngữ-sự vật, rồi từ chơi chữ đến trò chơi ngôn ngữ, tác giả đã dõi theo hành trình ngôn ngữ thi ca Bùi Giáng để đi đến nhận định: “Nếu trước đây Nguyễn Du mở ra thời kỳ trung đại cổ điển trong văn học Việt nam, nâng nó lên ngang tầm khu vực Đông Á, còn Tản Đà vào những thập niên đầu của thế kỷ XX đã mở đầu cho thời hiện đại, đưa văn học Việt nam vào quỹ đạo thế giới, tuy có sự lệch thời gian, thì Bùi Giáng ở những năm cuối của cùng thế kỷ ấy đã đi đầu trong việc mở ra một thời đại mới cho văn học Việt Nam, văn học hậu hiện đại. Có điều lần này, ít nhất với trường hợp Bùi Giáng, sự phát triển của văn học Việt Nam so với thế giới không còn là sự phát triển tương ứng nữa mà là đồng thời, tức nhịp bước cùng thế giới. Bởi thế, theo cái cách mà Heidegger gọi Hölderlin, tôi cũng muốn vinh danh Bùi Giáng, cũng như Nguyễn Du và Tản Đà trước đây, những thi nhân làm thay đổi hệ hình tư duy nghệ thuật của thời đại các ông, không phải là “nhà thơ giữa các nhà thơ, mà là nhà thơ của các nhà thơ”.
Nhân nhắc đến quan hệ giữa Heidegger và Hölderlin, giữa triết gia và thi sĩ, xin mạn phép lưu ý thêm rằng: thật bất công và đáng tiếc nếu ta bỏ quên một Bùi Giáng văn xuôi! 1000 trang của Lời Cố Quận và Lễ Hội Tháng Ba, Bùi Giáng đã dành để dịch công trình đồ sộ của Heidegger giảng giải thơ Hölderlin, thi sĩ Đức mà hình ảnh dường như song sinh với Bùi Giáng. Ý thức minh nhiên về thi ca và triết học của Bùi Giáng thể hiện đậm đặc nhất trong dịch phẩm này. Thời gian chỉ cho phép tôi trích dẫn một đôi lời của Heidegger qua ngòi bút dịch của họ Bùi: “Giữa tiếng ồn ào, những bài thơ giống như một chiếc chuông treo ở ngoài trời và chỉ cần một chút tuyết rơi nhẹ nhẹ chạm vào, đủ khiến chiếc chuông lạc đi âm điệu (...). Vì thế, thể theo ân tình của tiếng thơ mà lời giảng thơ phải gắng làm sao để tự khiến mình thành thừa thải (...). Từ đó, bài thơ đứng lên trong cốt cách, thể lệ của riêng nó, lập thời mang lại ánh sáng cho những bài thơ khác”. Bùi Giáng cũng đặc biệt nhấn mạnh đến tiêu ngữ (Leitwort) hay đúng hơn, Lời nhiếp dẫn thứ ba trong năm tiêu ngữ của Heidegger về “một nhà thơ của những nhà thơ: “Từ khi chúng ta là một hội thoại... (Seit ein Gespräch wir sind...)” là một trong những lời sâu thẳm nhất của Hölderlin. Bản chất của ngôn ngữ không ở nơi từ vựng và ngữ pháp mà ở trong đối thoại. Ngôn ngữ sống trong đối thoại. Đối thoại là thể cách để con người hiện hữu là người. Và, theo Hölderlin, chỉ có thể đối thoại, nhất là “hội thoại-suy tư”, khi chúng ta biết nghe nhau. Nói chỉ trở thành đối thoại, khi nó có thể được nghe. Nếu không, chỉ là những tràng âm thanh vô nghĩa.
Vì thế, mở đầu Lời tựa tiếng Pháp cho tập Dialogue (1966) của một số trí thức miền Nam gửi cho các trí thức Tây phương, Bùi Giáng viết: “Một cuộc đối thoại bao giờ cũng phơi mở, dễ trở thành một cuộc độc thoại. Mà một cuộc độc thoại lại có thể tràn trề sức sản sinh, nếu là cuộc độc thoại trong-mờ, qua đó xuyên một “ánh đêm”. Bản chất của độc thoại là ở chỗ Hiện Tồn tự phân thân: hai vũ trụ soi mình trong một thế giới; một thế giới chia thành hai được ngăn cách bởi một hố thẳm. Và bản chất của hố thẳm là ở chỗ nó có thể vượt qua bằng một cuộc nhảy. Và bản chất của cuộc nhảy lại là sự chấp nhận rủi ro. Nói khác đi, chấp nhận rủi ro là bản chất của chính cuộc sống vậy. Sống, tức là đánh liều. Mà đằng nào đã “một liều ba bảy cũng liều”, thì cớ sao không chọn cuộc liều trong-mờ?” (le risque diaphane).
“Trong-mờ” (“diaphane”) là bầu khí dịu dàng, “lung linh sương bóng”, cần thiết cho đối thoại, nhất là một cuộc đối thoại mạo hiểm.
Bùi Giáng cũng có khi gọi đối thoại là hội đàm:
Còn nguyên phố thị hội đàm
Với trăng châu thổ muôn vàn đã xa
Đạp Thanh hội cũ hào hoa
Giấc vàng buổi Tảo Mộ đà cáo chung...
Yêu thơ Bùi Giáng, xin hãy giữ nguyên Hội Đạp Thanh nao nức và Giấc Vàng long lanh!
(*): Bài phát biểu của Bùi Văn Nam Sơn trong buổi tọa đàm về Bùi Giáng tại trung tâm L’espace, Hà Nội, 20.12.2011.
Hà Nội, 20.12.2011
Bùi Văn Nam Sơn
Nguồn: tienve.org
Theo http://www.bichkhe.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Quan niệm của một số cây bút văn xuôi cuối thế kỷ XIX

  Quan niệm của một số cây bút  văn xuôi cuối thế kỷ XIX Nói đến quan niệm về văn xuôi quốc ngữ giai đoạn cuối XIX, người ta thường chú ý đế...