Thứ Năm, 2 tháng 7, 2020

Câu chuyện ở Lạc Dương

Câu chuyện ở Lạc Dương 
- Tôi còn muốn kể cho cậu nghe một chuyện, câu chuyện ở Lạc Dương, bởi vì cậu là người viết văn, nhưng mà tôi phải về rồi, tiếc thật!
Ông Hùng chấm dứt cuộc trò chuyện với tôi như vậy trước khi bắt tay tôi và bước lên xe, ông còn vẫy tay chào khi xe lăn bánh. Tôi tình cờ gặp ông Hùng tại quán anh Toàn, một dược sĩ thích làm thơ ở hồ Tuyền Lâm. Sáng hôm đó tôi đi chơi với anh bạn họa sĩ, hai người vui vẻ trò chuyện mà không để ý đến tay lái, tay lái tôi bẻ vào con đường Triệu Việt Vương từ Dinh 3 đi về hồ Tuyền Lâm lúc nào chúng tôi cũng không biết. Đến khi đi ngang qua quán anh Toàn, chúng tôi mới biết mình đã đến hồ. Vậy thì tại sao lại không vào quán làm vài ly rượu sâm Ngọc Linh trứ danh của anh Toàn? Tôi gợi ý và anh bạn ô kê ngay. Một con gà được chế biến thành 2 món, gà luộc lá chanh chấm muối ớt, còn bộ lòng làm món miến gà, quá đã! Mới cạn ly thứ hai, một chiếc xe du lịch màu đen đỗ xịch trước quán, nhóm du khách có lẽ là người Sài Gòn bước vào, họ râm rang trò chuyện, một người đàn ông đứng tuổi đi sau cùng, có vẻ trầm tư. Tôi ngờ ngợ, trông ông ta quen quá, chắc là tôi đã gặp người này ở đâu rồi. Tôi tin chắc thế, có lẽ ông già cũng tin chắc như tôi vậy, ông đứng sững trước cửa căn chòi tôi đang ngồi và bước vội vào:
- Chào cậu, không ngờ tôi gặp cậu ở đây!
Tôi hơi bất ngờ:
- Chú là… tôi thấy chú quen lắm?
- Cậu không nhận ra tôi sao, cũng hơn 20 năm rồi còn gì, lúc ấy cậu gầy chứ không  như bây giờ, tôi nhận ra cậu ngay bởi ánh mắt của cậu. Cậu nhớ chứ, mỗi khi cậu đi học ở Sài Gòn, cậu đều ghé vào nhà tôi, nhà tôi ở Xóm Mới, Gò Vấp cậu nhớ ra chưa? Cậu mang quà cho cái Hồng con dâu tôi, lúc thì ít trái bơ, lúc thì cân khoai tây vợ cậu biếu con tôi!
Tôi nhớ rồi, nhớ cô bạn của vợ tôi ở Xóm Mới. Mỗi khi đi học ở Sài Gòn tôi đều ghé thăm cô Hồng. Tiếp tôi trong căn nhà ở Xóm Mới bao giờ cũng là ông Hùng, bố chồng cô Hồng. Cô Hồng chỉ xuất hiện chào tôi, hỏi thăm đôi câu, nhận quà rồi rút lui ngay, bỏ lại tôi ngồi nói chuyện trên trời dưới đất với ông bố chồng. Bao giờ tôi cũng chỉ ngồi chừng mươi phút rồi xin phép cáo lui sau khi hết mệt vì đoạn đường dài từ quận 3 lên Xóm Mới với một chiếc xe đạp kẽo kẹt như người ốm đói. Sau này tôi mới biết chồng Hồng lúc ấy đã vượt biên, ông bố chồng ý tứ giữ gìn cho con dâu. Thực ra tôi cũng không để ý lắm đến chuyện ấy, tôi đơn thuần chỉ thực hiện “mệnh lệnh” của vợ mà thôi. Lần cuối cùng tôi gặp ông Hùng đâu như năm 88, năm sau tôi ghé lại nhưng người chủ căn nhà ở Xóm Mới lúc ấy không còn là ông Hùng nữa, người chủ mới cũng không biết ông sống ở đâu. Vậy mà hơn 20 năm sau tôi lại gặp ông Hùng ở hồ Tuyền Lâm, tôi không bất ngờ sao được?
Tôi và ông bạn mời ông Hùng uống rượu với chúng tôi, ông vui vẻ nhận lời nhưng chỉ xin uống 3 ly thôi. Tôi nói đây là rượu sâm Ngọc Linh của anh Toàn, dược sĩ, chú yên tâm đi, rượu này không những vô hại mà còn tốt cho sức khỏe nữa, nhất là người già! Nói vậy mà ông Hùng cũng chỉ cạn với chúng tôi thêm một ly nữa, uống xong thì úp ly không cho tôi rót. Thì thôi vậy, tôi tặc lưỡi, rượu bất khả ép mà. Ông Hùng hỏi thăm đủ chuyện, hỏi tôi làm gì, ông bạn họa sĩ tức thì giới thiệu tôi là “nhà văn”. Tôi vội đính chính liền, quả cháu có viết lách đôi chút, cũng có bài đăng lên báo, trên tạp chí nhưng nói là nhà văn thì hơi quá, nhà văn là cái gì lớn lao kìa, nói vậy người ta cho cháu có thói hợm đời chú ơi! Ông Hùng cười cười ông nói làm người viết văn thì phải là người có trí lực, luôn ngẫm ngợi chuyện đời? Tôi không muốn nói tiếp chuyện ấy nên tức thì bẻ qua chuyện khác, chuyện của ông Hùng. Ông Hùng cho biết rằng gia đình ông vượt biên năm 89, chuyến tàu ra khơi an toàn, nhưng bị cướp biển tấn công, rồi được 1 tàu Phi vớt. Trên đảo, ông suýt bị trả lại Việt Nam bởi ra đi trái phép, nhưng nhờ ơn Chúa, ông đậu qua mấy kỳ phỏng vấn. Tôi hỏi cô Hồng giờ ra sao, có về thăm quê với ông không, ông Hùng cười buồn, thôi cậu chuyện con dâu tôi, tôi không muốn kể cho ai nghe nữa, nó đã trở thành quá khứ rồi. Tôi ngạc nhiên nhất định đòi kể, nhất là có mấy ly rượu tưng tưng nên nói năng thuyết phục lắm. Ông Hùng cau mặt:
- Tôi xin cậu, hãy để cho con tôi yên, dù sao nó cũng chết rồi mà!
Tôi điếng hồn, tôi xin lỗi, tôi chuộc lỗi bằng cách ực trọn một ly rượu tràn đầy sau câu khấn thầm trong bụng “cô Hồng tôi xin lỗi cô, tôi không biết cô lại ra đi sớm như vậy!”. Ông Hùng trầm ngâm sau câu nói, ông nhìn ra hồ. Lúc này họa sĩ Văn Lại đang vẽ tranh, anh chỉ chăm chú vào nét cọ, không để ý bất cứ chuyện gì. Tôi để mặc anh với cảm hứng của mình, tôi và rượu và ông Hùng với câu chuyện quá khứ còn chưa rõ nét. Ông Hùng cho tôi biết qua đến Mỹ ông chẳng làm gì, ở nhà trông cháu cho con, đi đâu cũng phải có người chở, mà đi đâu bây giờ, chỗ tôi ở cũng không đông người Việt, nhưng nói chung sống được. Nói vậy chứ khi tôi nhìn vào mắt ông, tôi thấy một nổi buồn vời vợi, nổi buồn cứ muốn đông cứng trong ấy bởi không có ai chia sẻ. Tôi cũng vậy, chắc là không chia sẻ được chút xíu nào với ông Hùng, tôi đâu biết ở Mỹ con người sống với nhau ra sao, đâu biết những nổi niềm triền miên của một người già? Vậy thì tôi quay ra an ủi, mà an ủi điều gì khi mình không chắc lắm với những điều mình biết?
Cả hai chúng tôi im lặng, ngoài kia tiếng chim hót líu lo trong vườn nhà anh Toàn, rừng thông bên kia hồ nổi bật trên nền trời trong xanh, đang độ xuân mà. Tôi biết Văn Lại đang bắt cái thần của nắng, của gió, của rừng, của không gian để đưa vào nét cọ của mình lên tấm vải toan căng sẳn trong một khung tranh. Anh lắng nghe thiên nhiên và để hồn vào đó, một bức tranh sẽ ra đời và được góp vốn với nhóm “Những mảng màu tháng hai” tuần sau mở cửa triển lãm. Sau phút im lặng, ông Hùng hỏi tôi:
- Cậu biết Lạc Dương chứ?
Tôi trả lời cháu nhiều lần lên đó, huyện Lạc Dương cũng không xa nhà cháu lắm. Ông Hùng nói tiếp, cậu xem cánh rừng bên kia hồ có giống cánh rừng khi qua khỏi cây cầu chia đôi ranh giới giữa Đà Lạt và Lạc Dương? Tôi nói giống, cũng rừng thông, cũng bầu trời trong xanh, cũng một góc nhìn nên giống lắm. Lúc này, người trong đoàn du khách Sài Gòn lục tục kéo ra khỏi nhà chòi, một người trông khá giống ông Hùng, nhưng trẻ hơn nhiều gọi ông ra xe. Đúng là chồng cô Hồng rồi, tôi ngắm người đàn ông chết vợ, dáng anh ta lại hạnh phúc mới thật lạ kỳ? Bất ngờ một người phụ nữ quàng tay anh kéo anh đi chỉ chỏ cái gì đó dưới hồ. Thì ra anh có vợ, chắc là cô vợ sau, cô Hồng ở đâu trong cái đầu được chăm chút cẩn thận của anh? Tôi thấy anh tỏ ra vui vẻ, hạnh phúc, có lẽ cô Hồng mờ phai trong trí nhớ của anh rồi!
Lạc Dương, Lạc Dương, tôi thầm nghĩ trong đầu, cái gì ông Hùng muốn kể ở Lạc Dương? Ở Lạc Dương tôi quen đôi người, anh K’Pia, người mà khi viết bao giờ cũng viết tên mình là K’Pière, một tên Pháp chính tông, cho dù anh chẳng liên quan chút nào đến cái xứ xa xôi ấy. Ngày trước, anh K’Pière dẫn nhóm sinh viên chúng tôi thăm đỉnh núi Lang Bian có cái tháp địa chính, ở đó nhìn xuống Đà Lạt thì đẹp tuyệt trần. Anh K’Pière chắc là không liên quan gì đến chuyện ông Hùng. Hay là anh Hoàng? Tôi biết anh Hoàng từ lâu lắm, năm 75 anh là cán bộ cốt cán của Đà Lạt, rồi được cử tham gia vào Đội công tác khi chuẩn bị tách huyện Lạc Dương ra khỏi huyện Đơn Dương vào năm 80. Anh nắm nhiều vị trí công tác, cho đến chức vụ cuối cùng là phó Bí thư Huyện ủy rồi về hưu. Anh Hoàng này làm sao biết ông Hùng cho được? Hay là anh Tuất, anh Tuất bộ đội chuyển ngành làm sao có liên quan đến ông Hùng cơ chứ? Tôi chịu! Còn những người tỷ như thằng Cường chụp hình, thằng Dũng lùn làm ở Trung tâm Văn hóa, những đứa bạn học trò xưa của tôi thì làm sao có mặt trong câu chuyện của một người xa xứ? Lạc Dương bây giờ khác xưa nhiều lắm, lúc tôi theo K’Pière đi chơi núi, xã Lat còn là một buôn với những dãy nhà dài buồn thảm và nghèo, con suối chúng tôi lội qua nước trong xanh, bên dưới là những hòn đá cuội trắng phau. Lạc Dương bây giờ người dân sống trong những ngôi nhà xây khang trang, trồng rau, trồng hoa như dưới Đà Lạt. Hoa Hồng trồng trên đất ruộng ở Lạc Dương cứ gọi là nhất, Đà Lạt không sánh được, chắc vài năm sau một làng hoa sẽ hình thành mang tên gọi Lạc Dương. Tôi để tâm trí mình bay bỗng với Lạc Dương, mặc cho họa sĩ Văn Lại vẽ cảnh hồ, Lạc Dương, Lạc Dương….
Buổi sáng ấy tôi ra về mà lòng thì mang mang buồn, chắc là tôi bắt gặp cái vẻ phởn phơ của chồng cô Hồng nên buồn chăng? Hay nổi buồn ẩn chứa trong mắt ông Hùng là nguyên nhân tôi không vui trong một buổi sáng đẹp, ở một cảnh đẹp với một anh bạn họa sĩ chép thiên nhiên vào tranh của mình? Nhưng dù sao chuyện buồn cũng mau qua, tôi quên ngay chuyện buổi sáng ở hồ, cho đến một ngày tôi vào mạng 2 tháng sau. Tôi lục trong cuốn sổ lịch túi tìm địa chỉ một người bạn, lật trang cuối tôi thấy một địa chỉ viết bằng nét bút lạ: lvhungxommoigv@gmail.com. Tôi vỗ vỗ vào trán, hóa ra địa chỉ ông Hùng, bữa rượu sâm Ngọc Linh khiến tôi quên mất ông chuyện ông viết địa chỉ cho tôi.
“- Chú kể tiếp đi, câu chuyện ở Lạc Dương mà chú định kể khiến cháu tò mò bấy lâu nay?
- Câu chuyện này lúc mới gặp cậu tôi không muốn kể, nhưng khi biết cậu hay viết văn, nên tôi muốn cậu viết, chí ít là một truyện ngắn, hay hơn nữa là một tiểu thuyết, ok?”
Tiểu thuyết? Điều hấp dẫn đang kích thích tôi, chắc là một chuyện tình, chuyện tình ở Lạc Dương?
Tôi trả lời ông Hùng:
“- Chú ạ, cháu luôn thích những chuyện tình, bây giờ là thời gian của chú, cháu xin lắng nghe!
- Trước năm 75, tôi là Quận phó quận Lạc Dương, ông Quận trưởng là một Đại tá quân đội, cậu biết đấy, chế độ cũ quy định như vậy mà. Chúng tôi khá hợp tính nhau, trong những cuộc rượu cả hai trò chuyện chuyện gia đình, tôi và ông Quận trưởng hứa gả con cho nhau. Tưởng là chuyện trà dư tửu hậu, vậy mà thằng Dũng nhà tôi lại ưa cái Hồng con anh Hải thật. Lúc anh Hải cải tạo ở phía Bắc, tôi làm đám cưới cho hai đứa. Cậu đừng ngạc nhiên, tôi cũng phải học tập mười lăm tháng, song nhờ ông cậu là “cách mạng” bảo lãnh nên mới được trở về Xóm Mới. Thằng con tôi vượt biên năm bảy tám, bỏ cái Hồng ở lại với vợ chồng tôi. Lúc cậu vào thăm, tôi sợ hàng xóm dị nghị, nên không cho cái Hồng tiếp chuyện cậu, cậu thông cảm!
Qua Mỹ, tôi cứ bần thần mãi, cảnh cái Hồng lao xuống biển cứ ám ảnh tôi hoài. Tôi trách tôi tại sao lại bỏ đi ra đằng sau tàu để không kịp kéo con dâu khi nó lao xuống biển? Cậu ơi, tôi vẫn hằng xem nó là con gái, vậy mà tôi không cứu được con tôi khỏi nanh vuốt hải tặc Phi… Thằng Dũng con tôi cũng không hơn gì, nó không khóc khi nghe tôi kể chuyện cái Hồng. Mắt nó ráo hoảnh, im lặng nhìn vào khoảng không vô tận, nó ủ dột như không còn sinh khí. Thằng Dũng cứ như vậy hoài, tôi khuyên lơn đủ điều nhưng nó không nghe. Năm ngoái nó về Việt Nam, tôi không biết nó làm gì trong một tháng nghỉ phép. Khi về lại Mỹ, nó báo với vợ chồng tôi rằng nó vừa cưới vợ, vợ nó tên Lam, là cháu họ gọi nhà tôi bằng dì. Thằng Dũng vui ra mặt.
Lúc nhìn ảnh cái Lam lần đầu, tôi sửng người bởi nó giống cái Hồng như lột. Khi về lại quê hương, lên Lạc Dương thăm nhà sui gia, gặp mặt cái Lam tôi tin chắc cái Hồng sống lại vì lời ăn tiếng nói, cử chỉ, vóc dáng…đều là của cái Hồng. Tôi rợn người khi nghe anh sui kể năm 89, ngày ấy tháng ấy cái Lam bị một trận ốm suýt chết khi vừa lên tám. Tôi giật mình nhẩm tính, ngày ấy tháng ấy năm 89 cái Hồng lao xuống biển, làm sao tôi quên được cái thời khắc đau đớn tột cùng của một người cha? Cái Hồng hơn cái Lam 20 tuổi.
Cậu là người viết văn, tôi muốn nhờ cậu chắp nối những khoảng thời gian của tôi, của thằng Dũng, của cái Hồng cái Lam để viết thành một truyện ngắn hay truyện dài gì đấy, đó là chất liệu sống mà?”
Đến đây không hiểu sao skype không liên lạc được, mặt ông Hùng biến mất khỏi màn hình.
Tôi không hứa với ông Hùng, qua email tôi giải thích rằng tôi tài mọn không đủ sức để viết một chuyện tình như vậy bởi tình yêu của họ đã cứu vớt một con người, cái đó vượt quá sức của tôi.
Anh Văn Lại gọi điện cho tôi rủ chiều mai lên Thung lũng trăm năm chơi. Thung lũng trăm năm nằm dưới chân núi Lang Bian huyện Lạc Dương, tôi sẽ đi ngang qua cánh rừng bên kia Huyện ủy, không biết có nhận ra gốc thông nơi Dũng gặp Hồng để bắt đầu một cuộc tình?
4/2012
Võ Anh Cương
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dấu ấn văn hóa Trung Hoa trong truyện ngắn Lỗ Tấn

Dấu ấn văn hóa Trung Hoa trong truyện ngắn Lỗ Tấn Lỗ Tấn là nhà văn lớn có vai trò đặt nền móng cho văn học hiện đại Trung Quốc, từng được...