Thứ Tư, 8 tháng 7, 2020

Lãng du "Bên ngoài cánh đồng"

Lãng du "Bên ngoài cánh đồng"
“Trong đôi mắt trẻ thơ của tôi/ Chân trời là nơi có dãy núi mờ tím” (Chân trời - Phạm Quốc Ca), tôi say mê khám phá nhưng trước mắt tôi chỉ thấy một căn hầm… Bây giờ, khi ba mươi tuổi tôi mới phát hiện ra bên ngoài căn hầm ấy là một cánh đồng… Bên ngoài cánh đồng vừa thực, vừa là ảo giác của những người sắp chết khát khi đi trên sa mạc. Gã lãng du Nguyễn Nho Khiêm bước chênh vênh trên ranh giới nhập nhằng giữa thực và hư, giữa say và tỉnh, giữa tâm thức và tiềm thức …
“những con chữ như gốc rạ nằm trơ trên
cánh đồng tháng ba”
“những con chữ như bầy kiến nối nhau
chạy rìa biển sóng
làm sao đọc được
câu thơ của núi
câu thơ bóng xanh
câu thơ sông xa
câu thơ cỏ lạ?
trong giấc mơ tôi hiểu mà không biết nói
trong giấc mơ tôi nói mà không ai hiểu”
(Bên ngoài cánh đồng)
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa Tượng trưng, Siêu thực xuất hiện ở Pháp và sau đó nhanh chóng lan rộng ra khắp thế giới. Các nhà thơ Việt Nam chủ động tiếp thu, làm cho nó nhanh chóng trở thành xu hướng sáng tác tương đối phổ biến ngay trong phong trào thơ Mới (1931 - 1945) với các sáng tác của Bích Khê, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử… Dòng chảy này vẫn tiếp tục ào ạt chảy trong sáng tác của các nhà thơ hiện đại như: Lê Đạt, Trần Dần, Đặng Đình Hưng… âm ỉ chảy trong sáng tác của Thanh Thảo, Vi Thùy Linh, mới nhất là Trương Đăng Dung với “Những kỹ niệm tưởng tượng”. Nguyễn Nho Khiêm thuộc trường hợp thứ hai, yếu tố tượng trưng, siêu thực trong thơ anh không xuất hiện một cách ào ạt mà nhẹ nhàng, âm ỉ như hương lài trong tách trà khiến cho thế giới Bên ngoài cánh đồng là thế giới mông lung siêu thực với những hình ảnh tượng trưng: “con chữ”, “đàn kiến”, “núi”, “bóng xanh”, “cỏ lạ”… tất cả được thiết lập trong trạng thái hòa quện giữa tâm thức và tiềm thức của lối viết tự động tâm linh “trong giấc mơ tôi hiểu mà không biết nói/ trong giấc mơ tôi nói mà không ai hiểu”. Nguyễn Nho Khiêm không mô tả khách quan hay trình bày cảm xúc một cách trực tiếp mà biểu hiện nó thông qua hệ thống biểu tượng. Biểu tượng trong thơ anh mang ý nghĩa phổ quát cao, chúng bắt đầu từ chủ thể bằng những cảm nhận rất riêng của Nguyễn Nho Khiêm nên nó không còn điểm tựa ở thế giới hiện thực mà hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm và trí tưởng tượng của chính anh. Thế rồi Khiêm cứ chạy tung trên cánh đồng ngổn ngang con chữ và chấp nhận nhiều giới hạn không thể vượt qua “làm sao đọc được”…
“Gặp nhau ấm lại môi son
Chéo tay uống nhớ những con sóng dài
Một đêm rượu nghìn đêm say
Ôi chao ánh mắt em dày vò tôi”
(Uống rượu với em gái mường tỉnh Hòa Bình)
Nguyễn Nho Khiêm lãng du trong những cơn say: say tình, say đời, say người, say em, say cuộc sống và còn say rượu nữa chứ? Các cơn say của Khiêm sao mà dễ thương đến lạ thường! Nó không ồn ào, không bốc đồng mà dịu nhẹ và dài chiền miên như một miền cổ tích ngày xưa “Một đêm rượu nghìn đêm say/ Ôi chao ánh mắt em dày vò tôi”. Rượu! Chưa bao giờ và không bao giờ là nguyên nhân của những cơn sau của kẻ lãng du Bên ngoài cánh đồng ấy.
“Em gái mường nhớ anh chưa?
Nơi này, ngày ấy anh vừa ra đi
Tay cầm rìu đá sử thi
Bay cùng chim lạc xanh rì nước non”.
(Uống rượu với em gái mường tỉnh Hòa Bình)
Nếu Khiêm thực sự say rượu thì làm sao anh nhận ngay ra và đưa ra câu hỏi “em gái mường nhớ anh chưa” gây bàng hoàng cho cả chính “em” và người đọc. Sự bất ngờ làm cho cô gái chưa thể nhận ra ngay... Nếu cô gái đã quên thì sao? Người đọc thực sự hồi hộp vì không biết gã lãng du ấy sẽ xử lý tình huống này ra sao? Rất nhanh nhẹn và có duyên, anh gợi ý ngay: “Nơi này, ngày ấy anh vừa ra đi/ Tay cầm rìu đá sử thi/ Bay cùng chim lạc xanh rì nước non”. Như vậy rượu chỉ là cái cớ để Khiêm được say sưa trong tình em, tình người tình đời… Anh đi trong men say, đi trong một thế giới đầy mộng ảo, siêu thực và nên thơ.
“đường lên Bà Nà hương rừng liêu xiêu
cầm tay em đi cùng mây bay
đường đồi vòng quanh cây xòe cành yêu
rừng và em trong anh như say”!
(Bà Nà)
Bản chất của sáng tạo là “giết chết” cái bình thường, tập trung năng lượng thổi bùng sự sống cho cái mới, lạ, bất thường…Nguyễn Nho Khiêm không chấp nhận những cái cũ mòn, quen thuộc, anh tìm đến thủ pháp lạ hóa kéo ập thế giới thực vào không-thời gian của sự mơ hồ biến ảo, khúc xạ đa chiều của những cơn say. Tất cả bật dậy một đời sống mới với: “hương rừng liêu xiêu”, “cầm tay em đi cùng mây bay”, “cây xòe cành yêu”, “rừng và em trong anh như say”… Nếu ở trên, anh vui vẻ chấp nhận các giới hạn thì đến đây, khi đã ngây ngất trong cơn say... Khiêm lại ngông cuồng đoạt quyền của tạo hóa.
“sắp xếp lại cơn mưa
sắp xếp lại ánh nắng
anh mơ hồ nghe một hồi còi báo động”
(Căn phòng hạnh phúc)
Anh muốn trở thành người điều khiển tạo hóa. Một khát vọng quá sức đối với loài người. Muốn dùng cái chủ quan để khống chế cái khách quan. Khi suy ngẫm về kết quả “anh mơ hồ nghe một hồi còi báo động”. Điều này khiến cho hơi thơ nồng nàn ở bề nổi nhưng lắng chìm ở bề sâu như ngàn con sóng ngầm trong lòng đại dương mênh mông. Biết giới hạn của con người nhưng anh vẫn không cúi đầu khuất phục, không dừng bước lãng du... Khiêm tìm ra cách khác…
“Những hòn đá nô đùa cùng biển xanh ngoài kia
là bạn tôi      
là bạn nghìn năn trước      
mãi là bạn ngàn sau  
lúc buồn đến với đá    
lúc vui đến với đá 
chúng tôi chơi với nhau không ai nói gì          
mà hiểu từng ngọn gió, giọt sương”.
(Bạn tôi)
Kết bạn với đá là cách làm thông minh nhất, hiệu quả nhất để chống lại mọi giới hạn về thời gian và không gian của con người. Tìm đến với đá là phương thức duy nhất có thể từ bỏ hữu hạn tìm đến vô hạn để tồn tại vĩnh viễn với tạo hóa. Có vẻ như sự hụt hửng trong hơi thơ và dòng cảm xúc đã được khắc phục bằng mối tương giao vi diệu với tạo hóa này. Mọi giới hạn bị phá bỏ, bằng thủ pháp tiểu đối: “ngàn năm trước”><”ngàn năm sau”, “lúc buồn”>< “lúc vui”, “không nói gì”>< “hiểu từng ngọn gió, giọt sương” tác giả tạo cho thơ những nét duyên dáng, mềm mại và e ấp… Đồng thời, biểu hiện hiệu quả mối tình thiên thu giữa Khiêm và đá. Tự tin hơn, mạnh mẽ hơn anh tiếp tục những bước chân lãng du của mình và rồi có lúc vấp ngã ngay bên ngoài cánh đồng.
“Chân vấp cỏ lăn nhoài trong cỏ
Chợt trời sao lấp lánh cao vời
Có một lần tôi là vì sao nhỏ
Băng xuống tìm em bốc cháy giữa trời”
(Viết tặng bâng quơ)
Tiến sĩ Nguyễn Đình Vĩnh khẳng định: “Nguyễn Nho Khiêm vẫn đang trên hành trình sáng tạo. Từ Khói toả về trời đến Bên ngoài cánh đồng đã là một khoảng cách. Khoảng cách của sự tiệm cận về với những giá trị nghệ thuật và ý hướng đổi mới. Những sáng tác đăng tải gần đây của anh như đậm nét hơn ở những cung đường ấy. Có phải vì thế mà chúng ta có quyền hy vọng, đón đợi ở tập thơ thứ ba của anh”(Thơ như sương khói). Đây là nhận định, là dự cảm thỏa đáng của người nghiên cứu khoa học giàu kinh nghiệm về các sáng tác của Nguyễn Nho Khiêm. Bỡi lẽ Khiêm “và thơ sống với nhau như duyên trời, như số phận. Có lúc hạnh phúc vô bờ, có lúc khổ đau cùng tận”(Nguyễn Nho Khiêm). Anh đã khéo léo chuẩn bị cho cú ngã đầy bất ngờ trong sự nghiệp sáng tác của mình “chân vấp cỏ lăn nhoài trong cỏ”. “Cỏ” là nguyên nhân đồng thời “cỏ” cũng dang đôi bàn tay nâng đỡ thi nhân đứng dậy để nhìn thấy “trời sao lấp lánh cao vời” đến “tôi là vì sao nhỏ” và “bốc cháy giữa trời”. Lúc này, “Người làm thơ có được hai niềm an ủi. Một là, được tham gia một tiếng nói với cuộc sống (tiếng nói gởi trao qua nhịp cầu thẩm mỹ), được chia sẻ gánh nặng tinh thần, tình cảm với tri âm. Và hai là, tác phẩm nếu chạm được đến chân trời nghệ thuật sẽ có thời gian sống dài hơn cuộc đời nhân thế của tác giả đã sinh thành ra nó”(Nguyễn Nho Khiêm).
“Một mai mai mình sẽ xa xôi
Còn đêm nào nữa để ngồi với nhau
Nâng ly rượu trắng, xin chào
Nâng ly uống tuổi mình vào đừng quên”…
(Thơ tặng sinh nhật bạn)
Dẫu có làm bạn với “đá núi ngàn thu” thì con người không thể thoát khỏi kiếp nhân sinh. Nhận thức sâu sắc về điều này, anh cho rằng mỗi con người chỉ viễn du bên ngoài cánh đồng có một lần duy nhất “còn đêm nào nữa để ngồi với nhau” nên hãy “nâng ly uống tuổi mình vào đừng quên”. “Nguyễn Nho Khiêm cũng dành nhiều những dòng thơ viết về những nét riêng của các miền quê yêu dấu. Đó là hình ảnh con thuyền trên sông Thu cắm neo dập dồn nhịp sóng, hình ảnh một Đại Bường: Góc biển mưa qua vùng nắng lạ/ Trong mắt người Quảng Nam (Đại Bường), một Bà Nà với hương rừng liêu xiêu, với đường đồi vòng quanh cây xoè cành yêu (Bà Nà). Đó là mùa thu Quảng Nam với nét đặc trưng “lọt giữa mưa và nắng”, và “tan nơi đâu không ai hay biết”; là thôn Vỹ với Ánh trăng chảy long lanh mắt lá/ Hương đồng dâng nhè nhẹ bay cao/ Hàng dừa đứng trầm tư Vỹ Dạ/ Bóng trăng vàng tắm dưới sông sâu (Thăm lại thôn Vỹ); là một Mỹ Sơn khi con người cùng đối diện với những huyền bí của những vương triều xa lăng lắc, những bức tượng thần, vũ nữ Chàm nghìn năm nhảy múa và cũng ở đó, con người được thảnh thơi nghe tiếng nhạc ve rừng và phóng mắt nhìn bạt ngàn hoa mua tím (Mùa hạ ở Mỹ Sơn, Trưa Mỹ Sơn). Đó là quê nhà bình yên với dòng sông con, lũy tre xanh, con đường đất. Và một Hà Nội xa xăm hoài nhớ với kí ức văn hóa đọng lại từ thuở nghìn xưa…Đó còn là men nồng từ rượu Mẫu Sơn, là vách đá khắc thời gian ở động Phong Nha, là Huế với lăng tẩm u trầm, với dòng Hương soi bóng nón lá vàng, là Bằng An tháp cổ để thời gian đọng trong kẻ gạch chảy về nguồn xưa. Bước chân của con người hay đi đã giúp Nguyễn Nho Khiêm thêm một lần nữa cảm và tái hiện nhẹ nhàng dấu ấn ở những vùng đất. Một điều thật lạ là, trong những bài thơ ở mảng này, nhân vật “em” thường xuất hiện, cũng có thể đó là một em có thật nhưng đa phần chỉ là một nhân vật trữ tình phiếm chỉ, là điểm cho hồn thơ dễ tựa phiêu bồng” (Nguyễn Đình Vĩnh). Để rồi anh vẫn tiếp tục phiêu du trong cõi nhân sinh.
“đầu trần   
chân đất   
áo bụi   
đi   
không sáng tối   
đi  
không đêm ngày”.
(Bùi Giáng)
Cứ thế anh lãng du bên ngoài cánh đồng với “đầu trần”, “chân đất”, “áo bụi” trong trạng thái chông chêng của những cơn say tình người, tình đời, tình em… Nguyễn Nho Khiêm để lại phía sau lưng mình những bàn chân không dễ phai mờ. Càng về cuối cùng của chặng đường ấy, ta càng có quyền hy vọng nhiều hơn vào những đóng góp cho nghệ thuật nước nhà của anh…
Nguyễn Thanh Tuấn
Theo http://www.bichkhe.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thoáng mây bay

Thoáng mây bay Chương 1 Loại hoa tím 1971 Thảo buông bút, thở một hơi dài thoải mái: – Xong xuôi … Nhìn qua Tuấn, thấy bạn còn đang hý hoá...