Văn hóa là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. Bởi vậy nước Việt chúng ta có kho tàng Văn hóa dân tộc rất đồ sộ; trong đó có nền văn hóa cổ - còn được gọi là Văn hóa Xưa - nền Văn hóa đương đại - còn gọi là nền Văn hóa nay - góp phần hình thành nền Văn hóa phương Đông vĩ đại. Xét theo định nghĩa này, giáo sư Tô Ngọc Thanh cho rằng, không nên chia ra nền Văn hóa dân tộc và nền Văn hóa hiện đại, hay Văn hóa tiên tiến. Bởi vì Văn hóa là Văn hóa, nó đã tồn tại, đang tồn tại và tiếp tục tồn tại, trên cơ sở có kế thừa và bổ sung, có phát triển và có gạn lọc. Và như vậy, nền Văn hóa dân tộc chính là nền Văn hóa bao trùm qua mọi thời đại, mọi giai đoạn phát triển của lịch sử. Nếu chúng ta quan niệm Văn hóa dân tộc khác nền Văn hóa hiện đại, nghĩa là chúng ta phải lấy mốc từ Cách mạng tháng 8 năm 1945. Như vậy, chẳng lẽ Văn hóa trước tháng 8 năm 45 được coi là Văn hóa dân tộc, còn Văn hóa từ sau tháng 8 năm 45 được coi là Văn hóa hiện đại và Văn hóa tiên tiến. Điều này không khoa học, và không đáp ứng được định nghĩa về Văn hóa đã được từ điển tiếng Việt quy định.
Chúng ta cần phải nhận thức rằng, những hoạt động của con người, bao giờ và lúc nào, cũng nhắm vào mục đích nhằm làm thỏa mãn nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần của con người. Văn hóa chính là hoạt động sáng tạo của con người. Các hoạt động này đã góp phần sáng tạo ra một hiện thực thứ hai, không có sẵn trong thiên nhiên, đáp ứng hiện thực ngày càng hoàn thiện và phát triển của con người. Chẳng hạn tộc người Việt của chúng ta đã di cư từ vùng núi Tản Viên xuống khu vực đồng bằng, tức là đi từ vùng đất cao xuống vùng đất thấp, chúng ta đã biết trồng lúa để thỏa mãn nhu cầu ăn mà sống. Từ đó chúng ta sáng tạo ra cày, bừa, liềm, đòn gánh, đòn xóc. Ở Nam Bộ, do nước ngập sâu, cha ông chúng ta còn sáng tạo ra cây phảng, cây cù nèo. Tất cả những sáng tạo đó, cùng với phương thức sản xuất, đã sản sinh ra nền Văn hóa cây lúa nước. Trải qua hàng ngàn năm, những giá trị đó có thể thay đổi, như từ cày đồng bằng trâu đến cày đồng bằng máy, từ gieo mạ, cấy lúa bằng tay đến xuống giống bằng máy, từ gặt lúa bằng liềm đến gặt lúa bằng máy liên hợp… Nhưng chung quy chúng ta vẫn là tộc người ăn cơm. Và như vậy nền Văn minh cây lúa nước vẫn tiếp tục tồn tại bằng những phương thức sản xuất cao hơn. Đó chính là dòng chảy không ngừng của văn hóa dân tộc, mặc dù ngoài cơm, chúng ta còn ăn bún, ăn phở, ăn ngô, ăn khoai, ăn bánh mì, ăn bo bo. Nếu quan niệm Văn hóa hiện đại chỉ có từ sau tháng 8 năm 45 thì chắc chắn chúng ta sẽ phạm sai lầm, bởi vì sau 45, nền Văn hóa của dân tộc chúng ta bị ảnh hưởng rất lớn của các nền Văn hóa phương Tây, trong đó ảnh hưởng lớn nhất chính là Văn hóa Pháp, Văn hóa Mỹ. Chẳng lẽ chúng ta lại cho rằng Văn hóa phương Tây là Văn hóa hiện đại. Ngay cả đổi từ Văn hóa hiện đại sang Văn hóa tiên tiến cũng không chính xác. Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã kể một chuyện rất hay về vấn đề này.
Đó là lần ông đi sưu tầm các di sản Văn hóa Tây Nguyên, đúng vào thời điểm Bộ VH-TT ban hành các nghị định công nhận ấp Văn hóa, xã Văn hoáóa, nhà Văn hóa. Không biết chúng ta xuất phát từ tiêu chí nào mà quy định điều đó. Bởi vì giữa Văn hóa và Văn minh có những tiêu chí đánh giá riêng. Theo từ điển, Văn minh là trình độ phát triển đạt đến một mức nhất định của xã hội loài người, có những nền Văn hóa vật chất và tinh thần với những đặc trưng riêng; như nền Văn minh sông Hằng, nền Văn Minh Ai Cập. Và như vậy, Văn hóa chính là cái nền của Văn minh, nó có trước và nó có tính bao trùm. Chính vì vậy, một già làng đã nói với giáo sư Tô Ngọc Thanh: Cán bộ à, buôn bên kia tại sao được công nhận là buôn Văn hóa, còn buôn của mình thì không? Buôn mình có Lễ hội đâm trâu, có kể khan, có đánh chiêng cồng từ mấy chục đời rồi. Trai gái yêu nhau cũng cột chỉ cổ tay, cũng cưới hỏi hàng chục ché rượu cần to nhỏ. Đó không phải là Văn hóa à? Trước câu hỏi đó, rõ ràng không chỉ giáo sư Tô Ngọc Thanh giật mình, mà chính Bộ Văn hóa - Thông tin của chúng ta cũng cần phải suy nghĩ lại. Nếu một gia đình nào đó cha con, dâu rễ hòa thuận, làm ăn phát đạt, học hành thành danh, thì có lẽ nên công nhận gia đình đó là gia đình Văn minh, vì nó đúng hơn với tiêu chí công nhận là gia đình Văn hóa tiên tiến như hiện nay.
Từ dẫn chứng trên, tôi muốn nhấn mạnh lại lần nữa: hoạt động sáng tạo là bản chất của Văn hóa, nó đã cùng tồn tại với con người từ khi con người xuất hiện trên trái đất. Nghĩa là, Văn hóa chính là tài sản chung của con người, do con người sáng tạo ra từ khi trái đất có con người. Thủy tổ của con người đã có ngôn ngữ, và ngôn ngữ từng bước được hoàn thiện theo thời gian, cho hay hơn, đẹp hơn, và cho đáp ứng được tốt hơn nhu cầu giao tiếp của con người. Tiếp sau ngôn ngữ là chữ viết, là công cụ giúp con người giao tiếp trên phương diện rộng hơn, tích cực hơn. Chính nhờ chữ viết mà con người sáng tạo ra các văn bản thành văn để truyền đời cho các thế hệ hiểu được quá khứ lịch sử. Chính nhờ ngôn ngữ mà trẻ con sáng tạo ra trò chơi “bịt mắt bắt dê”, “đánh chắt”, “đánh chuyền”, “bắt kim thang” với những lời hát rất ngộ nghĩnh. “Rồng rắn lên mây, có cây xúc xắc, có giặc bên Ngô, có tô bánh đúc, có chục mâm xôi, có nồi cơm nếp, có xệp bánh chưng, có lưng cơm nguội, có muội đèn dầu, có đầu con ngựa, có lửa cháy nhà, có bà bán thịt, có vịt dưới ao, có sào phơi áo, có gáo nước mưa, có dừa để uống, có ruộng để cày, có tay để bắt, dắt rồng lên mây”… Rõ ràng mục đích chính ở đây là để hát cho có vần mà chơi. Đơn giản là để chơi cho vui với nhau. Ngoài ra lời đồng dao không nhắm tới những mục đích cao hơn, như để giáo dục, để làm chính trị cho trẻ nhỏ…
Nói tới Văn hóa, chúng ta còn nói tới sự phát triển Văn hóa, tức nói đến tri thức, kiến thức khoa học. Và chúng ta cũng phải nói tới trình độ Văn hóa, tức trình độ phát triển cao trong sinh hoạt xã hội, mà chúng ta vẫn thường dùng từ Văn minh để gọi. Văn là đẹp, nó có năm tầng: trên cao chót vót là Văn hóa, kế đó là Văn minh, tới Văn hiến, rồi văn chương, và cuối cùng là Văn học. Tới đây, chúng tôi muốn đề cập đến một vấn đề mà chúng ta rất quan tâm, đó là trình độ phát triển Văn hóa.
Ngày xưa, thế hệ chúng tôi lội bộ đi học, đeo tòn ten trên vai cái xắc cốt vải. Con trai có thể đem theo cây nạng giàn thun (ngoài Bắc gọi là ná cao su), hay vài hòn bi, vài đồng xu và con đáo… Còn con gái thì đem theo có thể là sợi dây để nhảy dây, hay vài que tre với trái chanh để chơi đánh chắt, đánh chuyền. Chúng tôi chơi với những đồ vật này rất say mê. Có thể cùng nhau lấy trúc làm ống thổi bắn đạn bằng trái trâm ổi xanh. Có thể cắt ống hóp, luồn dây vào làm con rối. Có thể đẻo khúc cây làm con cù, con gụ. Có thể dùng đất sét nắn con tò he, dùng là mít xỏ que tăm làm con trâu. Vui hơn thì chơi ù, chơi kéo cưa lừa xẻ, chơi rồng rắn lên mây… Tất cả chữ nghĩa đều học ở thầy cô ngay tại lớp. Và tất nhiên là chúng tôi rất trọng thầy, kính thầy, gọi thầy và xưng con. Ngay nay học sinh gọi thầy xưng em. Chúng đeo sau lưng cái cặp khủng bố chiều cao, to và nặng đến trỉu cả vai, oằn cả lưng. Chúng đựng gì trong ấy. Xin thưa là đủ thứ hằm bà lằng. Hàng loạt sách vở, bút bi, bút chì, thước này thước nọ, con dao, cái kéo, chai nước, quà vặt, dụng cụ lắp ghép con số, chữ viết, cả lắp ghép đồ chơi. Có đứa còn tha theo con Robot điện tử, khẩu súng nhựa có thể bắn tên khiến chuột cũng phải chết lăn quay nếu bị nhắm trúng. Và nhà trường thì thì liên tục đòi hỏi phải mua sắm thêm đồ dùng học tập mà nền công nghệ hiện đại của chúng ta thi nhau sản xuất và cải tiến. Chuyện bán quà trong trường học là chuyện đương nhiên. Có nơi còn sáng tạo ra siêu thị tuổi thơ, siêu thị mi ni. Trẻ con được tập hợp vào sao nhi đồng, vào đội thiếu niên để học đi đứng cho nghiêm trang, nói năng cho đứng đắn, phát biểu cho đàng hoàng, tập hợp và hành tiến cho đúng nhịp kèn đồng, nhịp trống ếch. Nhiều trường học còn bị bao vây bởi phòng chơi games, phòng đá banh bàn, phòng karaoké vi tính, nhà hàng, cửa hiệu. Giờ ra chơi thì nhất định cứ phải tập thể dục theo nhạc, phải có bông sợi, có gáo dừa để múa sân trường, phải nghe loa phóng thanh đọc tin tức trích ra từ báo chí… Rốt cuộc, có trường còn dạy học sinh làm việc theo ký hiệu, như gõ một tiếng thì khoanh tay, gõ hai tiếng thì mở sách ra, gõ ba tiếng thì gấp sách lại; hỏi tới đâu cả lớp cũng giơ tay đều tăm tắp. Biến trẻ con thành gần như cái máy học. Học ở trường, học ở nhà thầy cô, học cả mùa hè, học cả ngày chủ nhật. Bởi vậy, thú vui của chúng là cái máy chơi games, cái đầu máy VCD, cái ti vi… và hàng đống truyện tranh nhiều tập của nước ngoài. Nhờ sáng kiến học thêm ở thầy cô mỗi ngày mà lớp có 40 học trò thì 10 đứa cuối tháng được xếp hạng xuất sắc, 30 đứa đạt loại giỏi; cuối năm, trăm phần trăm học trò đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc. Có đứa học năm năm tiểu học thì năm năm liền là học sinh xuất sắc, được cử đi thi học sinh giỏi cấp quận, thi về, cha mẹ hỏi làm bài được không thì trả lời: chưa biết, còn phải chờ hên xui. Sự phát triển Văn hóa theo cái mà chúng ta gọi là xu thế hiện đại, đã và đang tiếp tục phát phì hóa, cận thì hóa hàng loạt thế hệ học sinh của chúng ta ngay từ những năm đầu của tuổi thơ.
Theo nhận xét của chúng tôi, hiện nay, con người ngày càng có nguy cơ trở thành vật tiêu thụ, chứ không còn là chủ thể sáng tạo. Và như vậy, Văn hóa có nguy cơ trở thành độc quyền của một số người. Tôi tạm dùng từ “Văn hóa đồ hộp” để nói về xu hướng phát triển Văn hóa hiện nay. Một hãng nào đó sản xuất ra ô tô điện tử, robot điện tử, búp bê điện tử… cả nước đua nhau mua sắm để chơi, để làm giàu tích cực cho hãng đó. Các cô gái ra đường, hầu như ai cũng vũ trang phòng thủ theo xu hướng bịt kín mặt của các tín đồ được thánh Allah nắm phần hồn. Nếu họ chào ta, nhất định ta phải lúng túng, bởi không thể biết họ là ai, bạn bè hay con cháu. Bé cái nhầm ngoài đường là chuyện cơm bữa. Rồi thì mắt nâu, môi trầm, tóc vàng, tóc đỏ. Rồi thì áo hở lưng, hở rốn, quần trễ sâu xuống bụng dưới, váy ngắn siêu mi ni… Xu thế chung là càng hở nhiều càng tốt, chỉ có cái mặt là phải bịt cho kín. Trong câu chuyện, người ta nhắc nhiều đến vua Càng Long, đến Hoàn Châu công chúa, đến Chi Yang Sun, đến Sa Ku Ra hay đến một cô nàng, một anh chàng Mỹ quốc nào đó. Khuôn rập từ cách ăn mặc, nói năng, đi đứng, tóc tai đến bộ tạng ngồi xe máy, nghe di động. Tây hóa đã thành mốt “à la dua” tới chóng mặt. Ngay cả trong lĩnh vực sáng tạo âm nhạc, nhiều người cũng bệ nguyên si tiết tấu, giai điệu của người ta mà phang lời Việt vào, rồi đình huỳnh ký tên mình để lòe thiên hạ.
Tất nhiên, Văn hóa là một hệ thống các giá trị được tinh lọc từ qúa trình sáng tạo của người dân, hình thành một hệ thống các giá trị. Đó chính là bản sắc Văn hóa, truyền thống Văn hóa. Nhưng không phải mọi sáng tạo đều là Văn hóa, mà Văn hóa phải là các giá trị phục vụ con người. Ai đó đã sáng tạo ra cái vòng thòng lọng để chạy honda bắt chó thiên hạ ngoài đường. Ai đó lại nghĩ ra cái bộ phận làm chạy ngược kim đồng hồ điện, kim đồng hồ nước. Lại cả cách vào mạng chuyển tài khoản của người khác vào tài khoản của mình, hay tung virus làm tê liệt máy vi tính và điện thoại di động của người khác. Họ giỏi lắm chứ. Nhưng chẳng lẽ chúng ta lại gọi đó là hoạt động sáng tạo Văn hóa? Chúng ta từng thống nhất với nhau: lòng yêu nước là bản chất của nhân loại, nhất là từ thời điểm mà thế giới chia ra nhiều quốc gia. Người Nhật, người Pháp tìm cách giữ gìn bản sắc văn hóa của họ, họ yêu nước theo cách của họ. Người Nhật tìm cách tràn ngập hàng hóa. Người Pháp tìm cách tràn ngập ngôn ngữ. Nghĩa là họ đang tìm kiếm thuộc địa theo cách của họ. Và họ cho đó là yêu nước. Còn chúng ta là người Việt, chúng ta nhất thiết phải yêu nước theo kiểu Việt Nam; nghĩa là chúng ta phải tìm cách giữ gìn những giá trị Văn hóa của dân tộc, và tìm cách phát triển nâng cao nó lên trên nền tảng Văn hóa Việt Nam. Chính vì vậy mà chúng ta phải nói đến các giá trị Văn hóa di sản của cha ông. Mà đặc trưng của di sản là nó thuộc xã hội nào, mang đặc trưng xã hội nào, và nhất thiết nó phải có thời gian tồn tại để thử thách qua thời gian từ 50 năm trở lên.
Có người nói với tôi: nhìn Văn Thánh Miếu (Vĩnh Long) cứ trầm tư dầu dãi mưa gió mà tiếc tới muốn khóc nấc lên. Ở Huế, người ta đã bắt đầu biết khai thác triệt để cung điện, đền đài, nhã nhạc triều đình để biến thành festival hai năm một lần. Họ làm giàu từ di sản. Nghĩa là từ cái nhà rường, từ cơm hến, từ dòng sông, từ khu vườn, từ ngọn núi, đến cả cái chất giọng Huế mượt mà của họ. Người trong nước đổ về, người tứ xứ lục địa đổ về; thi nhau vung tiền mua từ cái nón lá, đến đôi guốc mộc; thi nhau móc bóp lôi tiền ra để ăn một ly chè bắp, một dĩa bánh bèo. Lại còn lục tục rủ nhau đóng tiền để được xuống thuyền nghe các ông già bà cả hát những bài ca xưa cũ. Vì sao vậy? Vì họ cho rằng đó là di sản Văn hóa mang đậm đặc trưng của Huế. Tôi đã nhiều lần đi thăm miếu bà chúa xứ ở núi Sam - Châu Đốc. Tôi biết gốc tích nơi đây thờ nam thần, không biết do cơn cớ làm sao lại thành nữ thần, thành bà chúa ban ơn mưa móc cho cả một vùng đất sơn thủy hữu tình. Cái cô gái tự vẫn chết trên núi ấy, có gì là hay, vậy mà bỗng chốc lại thành linh thiêng tới mức mỗi năm có hàng chục vạn người kéo về cúng tiền, cúng heo quay, trái cây, vàng mã và đốt nhang khấn bái, cầu khẩn. Niềm tin tín ngưỡng đã biến đền miếu nơi đây thành di sản, thành bạc tỉ. Năm 2003, Châu Đốc bỏ ra 2 tỉ đầu tư cho Lễ hội miếu bà chúa xứ, tiền thu về 9 tỉ. Ta thử tính ta sẽ làm gì, phải làm bằng cách nào để chỉ trong vòng có vài ngày mà thâu lời tới 7 tỉ đồng. Một xí nghiệp hàng chục công nhân làm cật lực cả năm có được ngần ấy tiền không? Hay là có khi còn lỗ trắng ra hàng tỉ. Bỏ đi phần tín ngưỡng cực đoan, phần lời kinh tế là ràng ràng trước mắt. Cái giỏi là giữa nhân dân bổn xứ và chính quyền địa phương đã biết kết hợp khai thác giá trị di sản của họ, làm giàu cho họ. Tại Lễ hội năm 2003, Ban Lễ hội bà chúa xứ dám bỏ ra 250 triệu đồng để mời hơn 200 sinh viên trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh xuống dựng cả một sân khấu rước bà hoành tráng, cọng thêm hàng chục đoàn nghệ thuật của các tỉnh, các huyện; người Châu Đốc đã biến cả núi Sam, cả thị xã của mình thành một sân khấu lớn, bởi vậy họ đã níu được chân khách ở lại với mình hàng mấy ngày trời. Như vậy, ngoài khoản lời 7 tỉ ra, còn những khoản lời từ khách sạn, từ dịch vụ, từ hàng hoá là bao nhiêu nhỉ? Chưa có thống kê chính thức, nhưng chắc chắn phải là hàng chục tỉ. Lại còn những cái lợi hữu hình và vô hình khác nữa. Đã đến núi Sam không lẽ không lên núi Cấm, không thăm đồi Tức Dụp, không đi thăm bè cá dưới sông, không đi thăm làng Chăm trên bờ. Lại còn chợ cửa khẩu vùng biên, chợ Sa Mát bên kia biên giới. Cái lợi này kéo cái lợi kia. Lợi nhất là tiếng đồn về một vùng du lịch, vừa toại nguyện tâm linh, vừa thỏa mãn vui chơi, thư giản.
Khai thác giá trị di sản để phục vụ cuộc sống, chính là cách làm cho di sản hội nhập tích cực hơn vào cuộc sống. Ngày nay, dưới ánh sáng các nghị quyết của Đảng về Văn hóa, chúng ta càng cần phải thấy sức mạnh của Văn hóa, coi Văn hóa là một vũ khí tư tưởng; và chính từ ý tưởng này, ta cũng cần phải tỉnh táo để ý thức rằng, không phải mọi sáng tạo Văn hóa đều có tính giai cấp. Xin lấy ví dụ về cái khăn đống, cái áo dài truyền đời của dân tộc. Bên trong cái áo dài thùng thình là cái áo phin trắng, bên ngoài là áo the. Điều đó cho thấy ông bà ta có quan niệm về cái đẹp kín đáo và khiêm tốn, diện mà không diện. Còn cái khăn đống có chín lớp đội trên đầu, là ngụ ý chúng ta đội trên đầu cả chín tầng trời. Đôi dép da trâu di dưới chân, chính là tượng trưng của con vật cha ông ta dùng để hiến tế cho trời đất, tổ tiên. Nói Văn hóa có mang ý thức hệ tư tưởng là đúng, nhưng chúng ta cũng cần phải tách ra giá trị sáng tạo và giá trị sử dụng, cũng như chúng ta cần phải thấy Văn hóa là nền tảng tinh thần của dân tộc. Và như vậy, nếu một dân tộc đánh mất Văn hóa của mình thì cũng đồng nghĩa với việc đánh mất bản sắc dân tộc của mình.
Chúng ta biết rằng, đế quốc Mông Kha là một đế quốc lớn, nhất là dưới triều đại Thành Cát Tư Hãn, họ đã đánh chiếm hàng loạt nước ở Châu Âu, nhưng khi chiếm Trung Quốc, họ lại bị đồng hóa bởi chính bản sắc Văn hóa Trung Quốc, vì vậy Mông Cổ ngày nay không còn bản sắc Văn hóa riêng của mình. Điều đó cũng tương tự với sự tràn ngập của tiếng Anh, tiếng Pháp đã làm mất đi bản sắc Văn hóa của Châu Phi rất trầm trọng.
Đảng ta cho rằng, Văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển xã hội; xã hội càng có Văn hóa bao nhiêu càng phát triển bấy nhiêu. Thời kỳ sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà nước ta có chủ trương đưa dân miền xuôi lên miền núi để phát triển kinh tế mới. Đó là một ý tưởng tốt, nhưng đồng thời nó cũng bộc lộ một mặt trái rất nguy hiểm, đó là việc người ta phá rừng để trồng chè, để lập nông trường, đến nổi rừng cứ dần dần mất đi. Bởi thế đồng bào dân tộc đã châm biếm:
Thái đen, Thái trắng, Thái Bình
Ba Thái đồng tình tàn phá rừng xanh
Điệp khúc ấy phải chăng đang có nguy cơ lặp lại ở Tây Nguyên, khi mà đang liên tục xãy ra nạn di cư vô tổ chức một cách ồ ạt từ các vùng Tây Bắc vào. Chúng ta vẫn biết, con người luôn luôn là mục tiêu hướng tới của Văn hóa. Bởi đúng như Unessco đã nói: Con người là mục tiêu để chúng ta nâng cao trình độ Văn hóa của họ. Và như vậy, chúng ta cần phải quan tâm hơn nữa đến mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, giữa con người với bản thân con người, và giữa con người với thiên nhiên. Vì một lẽ rất đơn giản, văn hóa là sự ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên và với chính bản thân của con người. Từ đó chúng ta có 5 loại văn hóa, là: Văn hóa sản xuất, Văn hóa sinh hoạt, Văn hóa xã hội, Văn hóa tâm linh, Văn hóa Nghệ thuật.
Sau 1954, nước ta có 42% rừng tự nhiên che phủ, nhưng ngày nay chỉ còn 2%. Điều này đã trở thành vấn nạn cần báo động khẩn cấp, khi mà nhiều động thực vật đang có nguy cơ biến mất, khi mà voi rừng bắt đầu nổi loạn dày chết con người. Chúng ta đang phải trả giá cho chính nền Văn hoá sản xuất phá rừng trồng các loại cây công nghiệp. Ta cần phải nhớ rằng, trong Văn hóa sinh hoạt, con người trước hết là con (con vật) sau đó mới là người (con người), cho nên những gì thuộc về con người đều không thể xa lạ với chúng ta. Lấy ví dụ như vấn đề tình dục. Con vật hoạt động tình dục theo mùa, còn con người thì tình dục được coi là một hoạt động Văn hóa, không thể theo mùa và cũng không thể bừa bãi. Ông bà ta từng có quan niệm rất đúng về tứ khoái, bởi vì điều đó là bản chất thật của sinh vật người. Bởi vậy trong hoạt động tình dục, chúng ta dễ dàng chấp nhận tình dục vợ chồng là tình dục hợp pháp, còn các kiểu hoạt động tình dục khác thì bị coi là xấu xa và đáng lên án. Theo một thống kê, người kinh là người có quan niệm khó khăn nhất, khắt khe nhất về tình dục, cho nên người kinh chính là dân tộc có nhiều con nhất trong cộng đồng 54 dân tộc của cả nước. Còn người Thái, họ có quan niệm về tình dục dễ dãi hơn, nên họ là dân tộc rất ít con - cũng gần giống như người phương Tây vậy. Thế nhưng người Kinh lại có quan niệm rất dễ dãi trong lĩnh vực bài tiết, bởi vậy ở Hải Dương mới có câu thành ngữ: ăn nước ao, đái bờ rào, ỉa chuồng lợn. Về Văn hóa xã hội, chúng ta biết rằng các tục lệ là do cộng đồng xã hội của con người quy định. Chẳng hạn phải trải qua rất nhiều thế hệ chúng ta mới ý thức được không nên để anh em ruột cưới nhau, vì sự cận huyết sẽ dẫn tới thoái hóa nòi giống. Thế nhưng ở Hải Dương thì con cái hai chị em ruột lại được phép cưới nhau, vì họ cho rằng chúng khác dòng máu với nhau - gọi là con dì, con dà. Và cũng từ quan niệm này, có nơi ở nước ta, người ta cho phép con anh trai được lấy con em gái. Vấn đề là chúng ta phải phấn đấu để đưa luật đi vào đời sống xã hội. Về Văn hóa tâm linh, chúng ta luôn phải đứng trước bài toán giải quyết mối quan hệ tâm linh của con người với những điều không trông thấy, không nhận thấy, nhưng con người lại tin là có thật. Từ xưa tới nay, toàn thế giới đều đau đáu một điều: con người sau khi chết đi đâu? Về đâu? Tôn giáo sinh ra chính là để đón lấy con người sau khi chết. Quy luật của niềm tin là, con người đã tin vào điều gì đó thì sẽ rất khó lay chuyển được niềm tin ấy của họ. Và niềm tin bao giờ cũng có gốc gác sinh học của nó. Chẳng hạn con trâu có thể tin con nai mà cùng ung dung gặm cỏ, nhưng con trâu không bao giờ tin vào con cọp, bởi nó thừa biết cọp là giống ăn thịt. Cũng như vậy, con người rất cần chỗ dựa tâm linh cho niềm tin của mình. Chúng ta hãy nghe một câu khấn của đồng bào Tây Nguyên trong lễ hội đâm trâu của họ: Hỡi ông Trời! Hỡi các thần! Thần núi, thần cây, thần sông, thần nắng, thần mưa! Hôm nay ta đâm trâu cho các thần ăn, cầu các thần ban phước cho cây lúa, cây bắp, cây mì, cho vật nuôi mau lớn, cầu cho con cái chúng ta lớn lên, yêu nhau, cưới nhau và sinh ra con đàn khỏe mạnh. Trong Văn hóa nghệ thuật, con người nhận thấy con dao bị trơn bởi mồ hôi khi lao động, thay bằng khía vào cán dao, họ đã chạm trổ hoa văn, họa tiết lên. Đây chính là Văn hóa của cái đẹp. Cái đẹp có nguồn gốc sinh học mà chúng ta không thể không công nhận. Chẳng hạn con gà trống, con công trống, con chim thiên đường trống, con thia thia trống. con sư tử đực… đều đẹp hơn con cái. Nhưng cuối cùng, khi quan niệm về cái đẹp vĩnh cửu, chúng ta phải nghĩ tới nền Văn hóa nghệ thuật hướng tới tính chân - thiện - mỹ. Nhưng không nên vì thế mà chúng ta khu biệt rồi tách biệt giữa Văn hóa Nghệ thuật chuyên nghiệp với hoạt động Văn hóa có tính xã hội của con người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét