Thứ Tư, 1 tháng 7, 2020

Thanh Thảo với những câu thơ mềm mại mà mãnh liệt

Thanh Thảo với những câu thơ 
mềm mại mà mãnh liệt
Với thi phẩm "Hoa niên", Tế Hanh nhận giải thưởng Tực lực văn đoàn từ năm 1939, trước khi Thanh Thảo ra đời 7 năm. Là một người có vị trí vững chắc trong nền thi ca Việt Nam, lúc sinh thời, nhà thơ Tế Hanh đã từng nói về những nhà thơ của quê hương ông như sau: "... Tôi chỉ là cái gạch nối giữa Bích Khê và Thanh Thảo...". Với một lời nhận xét như thế, chúng ta trân trọng sự khiêm tốn của Tế Hanh. Và, thấy ông đánh giá cao về Thanh Thảo. Theo thời gian, chúng ta càng nhận thấy những đánh giá của Tế Hanh về Thanh Thảo càng chính xác.
Thanh Thảo tên thật là Hồ Thành Công, sinh năm 1946 tại xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ngay sau khi tốt nghiệp đại học ở Hà Nội, Thanh Thảo xung phong trở về miền Nam chiến đấu góp phần giải phóng quê hương. Ở chiến trường miền Nam, Thanh Thảo làm phóng viên, công tác tại đài phát thanh Giải Phóng. Sau ngày đất nước thống nhất, Thanh Thảo chuyên hoạt động trên lĩnh vực văn học nghệ thuật và báo chí.
Qua vài nét tiểu sử cuộc đời của Thanh Thảo, chúng ta thấy có một sự trùng hợp lý thú: Năm 1946, Bích Khê "Nhà thơ có những câu thơ hay vào bậc nhất trong thơ Việt Nam" vĩnh biệt trần gian; Cũng là năm Thanh Thảo cất tiếng khóc đầu đời chào quê mẹ Quảng Ngãi thân thương.
Thanh Thảo xuất hiện trên bầu trời thi ca Việt Nam vào những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những trang thơ của Thanh Thảo viết từ chiến trường miền Nam khói lửa, ác liệt, nóng bỏng, dữ dội, trần trụi đã tạo được nét riêng:
"Cả thế hệ xoay trần đánh giặc
Mặc quần đùi khiêng pháo lội qua sông"
Thanh Thảo đã viết những câu thơ đầy cảm xúc, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người yêu thơ:
"Phải thương lắm mới đi làm cách mạng
Phải thương nhiều hơn mới giữ nổi lòng tin
Nhưng phải thương đến tận cùng đau đớn
Mới làm người mẹ..."
Bằng tất cả tâm huyết của mình, Thanh Thảo đã từng viết:
"Hạnh phúc nào cho tôi
Hạnh phúc nào cho anh
Hạnh phúc nào cho chúng ta
Hạnh phúc nào cho đất nước...
Những câu hỏi chưa thể nào nguôi được
Mảnh đất hôm nay bè bạn chúng ta nằm
Nơi máu đổ phải sống bằng thực chất...
Nơi cao nhất thử ta lòng yêu nước
Thử lòng ta chung thủy vô tư
Nơi vỡ vụn bao mảnh đêm hèn nhát
Những gương mặt ngẩng lên lấp lánh chất người"
(Thử nói về hạnh phúc)
Không dừng lại với thành công bước đầu, Thanh Thảo luôn luôn trăn trở tìm cho mình một hướng đi, một nét riêng trên con đường sáng tạo thơ ca. Theo dõi cuộc đời, sự nghiệp thơ văn của Bích Khê và Thanh Thảo, chúng ta càng thấy cả hai đều có điểm giống nhau. Đó là, tính kiên trì, quyết liệt, sống hết mình với thơ, vì cái đẹp. Cũng như Bích Khê trước đây, Thanh Thảo luôn luôn tìm tòi sáng tạo, đổi mới về hình thức, nghệ thuật, mở rộng biên độ sáng tác thơ. Luôn luôn mới mẻ trong thơ, Thanh Thảo sáng tạo một cách phong phú, đầy tài hoa. Thật là đa dạng, đa diện. Thơ của Thanh Thảo mềm mại mà mãnh liệt, có sức chuyển tải lớn về chiều sâu nội dung, tạo ra độ rung lớn đối với người đọc. Chúng ta vô cùng kinh ngạc đến khâm phục về sức làm việc, sức viết của Thanh Thảo. Từ năm 1977 đến năm 2002, bên cạnh các tập thơ: Dấu chân qua trảng cỏ; 1,2,3; những tác phẩm thơ lẻ, báo chí, văn học khác, chỉ tính riêng trường ca Thanh Thảo đã viết và xuất bản 09 tập trường ca. Gồm: Những người đi tới biển (1977), Trẻ con ở Sơn Mỹ (1997), Những nghĩa sĩ ỏ Cần Giuộc (1980), Bùng nổ của mùa xuân (2000), Đêm trên cát (1985), Một trăm  mảnh gỗ vuông (1988), Khối vuông rubic (1885), Cỏ vẩn mọc (2002), Trò chuyện với nhân vật của mình (2002).
Trong thế kỷ 19, Chu Thần Cao Bá Quát là một trong những nhà thơ lớn của đất nước. Cùng với Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Nguyễn Văn Siêu, ông được xem là tứ kiệt trên văn đàn. Sau gần 128 năm, Cao Bá Quát qua đời (sau khi cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương thất bại, ông bị triều đình nhà Nguyễn xử chém), năm 1982, Thanh Thảo viết trường ca Đêm trên cát, viết về cuộc đời thơ của Cao Bá Quát với tất cả sự quý trọng, cảm kích. Mở đầu trường ca Đêm trên cát, chỉ với những câu thơ mềm mại, đầy hư ảo, Thanh Thảo đã vẽ chân thực được cảnh suy tàn của một vương triều trong quá khứ (thời kỳ Cao Bá Quát sống và làm việc):
Những con cá vàng ngủ mê trong điện Thái Hòa
Cặp mắt dấu sau bóng tối
Tiếng thở dài
Bàn tay nơi không thấy bàn tay
Phút chốt đốm lửa lòe sáng
Người lính canh bên con nghê già bao giờ
Có lẽ, sau 135 năm từ khi viết Trà giang thu nguyệt ca, Cao Bá Quát mới gặp được người tri kỷ. Đó là Thanh Thảo. Trong trường ca Đêm trên cát, Thanh Thảo viết:
… Trăng trong chén anh
Là giọt rượu cặn cuối cùng
Của Sông Trà một đêm khói sóng
Nhìn mắt bạn thấy bóng mình lẳng lặng
Mối hận bỗng trào lên cuộn xoáy con thuyền…
Những câu thơ trên của Thanh Thảo đã đưa chúng ta gặp, tiếp xúc với hình ảnh thi nhân uống rượu trong đêm trên Sông Trà ngày xưa đầy hào sảng, và cũng đầy nghĩa tình. Đọc những câu thơ của Thanh Thảo trong trường ca Đêm trên cát, chúng ta nhớ lại bài thơ Trà Giang dạ bạc và bài Trà Giang thu nguyệt ca của Cao Bá Quát viết cách đây 135 năm. (trong bài Trà Giang dạ bạc Cao Bá Quát viết:
… Sa hồi giang tự sầu trường khúc
Mộ tĩnh phong như tửu lực vi
Di địa bất câm Vương Xán cảm
Đương niên thuỳ phóng Thái Ung quy?...
(Bãi uốn, sông như sầu quặn khúc
Tối chìm, gió tựa rượu hơi say
Thái Ung năm ấy về ai để?
Vương Xán hồn quê rộn lúc này)
Bản dịch của Hoa Bằng
Và trong Trà Giang thu nguyệt ca, Cao Bá Quát đã viết:
… Cử bôi thí yêu nguyệt
Nguyệt nhập bôi trung hành
Hàm bôi dục yết cánh phi khứ
Chỉ hữu nhân ảnh tương tung hoành
Đình bôi  thả phục trí,
Hựu kiến cô quang sinh… 
(Cất chén thử mời trăng
Trăng vào đi trong chén
Đỡ chén lên môi, trăng vụt biến
Chỉ còn bóng người đang dọc ngang
Ngừng chén và đặt xuống
Trăng hiện về, bóng lại long lanh
(Bản dịch của Vũ Khiêu)
Đối chiếu những câu thơ tài hoa của Cao Bá Quát với những câu thơ của Thanh Thảo trong trường ca Đêm trên cát, cả hai đều viết về đêm uống rượu với bạn trên sông Trà với những dòng thơ đầy tâm trạng. Hai nhà thơ sống vào hai thời đại khác nhau, cách nhau hơn 135 năm, chúng ta thấy Thanh Thảo có những đồng cảm sâu sắc với người xưa. Phải chăng những con người trung thực, tài hoa, khí phách thường gặp nhau và có nhiều sáng tạo làm rung động lòng người trong nghệ thuật thơ ca. Trong trường ca Đêm trên cát, Thanh Thảo đã nói lên nỗi lòng của Cao Bá Quát - một con người tài hoa, khí phách, một tâm hồn phản kháng, nhiều hệ luỵ trong cuộc đời. Nhưng, cao đẹp như hoa mai:
… Thì cứ đi cứ đi và đi mãi
Như nước kia chảy không bến không bờ
Ta ném thơ mình vào thác xiết
Một sợi chỉ mành mỏng mảnh treo chuông
Một tiếng thét khi đầm lầy giăng ngập cổ
Trước mõm chó trước vó ngựa
Lần đầu thơ biết đến hiểm nguy...
Mỗi tập trường ca của Thanh Thảo là một khám phá mới. Nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học đã gọi: Thanh Thảo là ông vua trường ca, ông hoàng của trường ca. Đối với thơ nói riêng và trường ca của Thanh Thảo nói chung, chúng ta càng đọc nhiều lần càng thấy hay, thấm đẫm, đầy chất thơ. Như những vì sao trong đêm, chúng ta càng nhìn càng thấy sáng và rực sáng hơn. Khác với những tác giả cùng thời, trường ca của Thanh Thảo là những bản giao hưởng hoành tráng với nhiều cung bậc, ngữ nghĩa đa dạng, độc đáo và đầy thông minh. Thanh Thảo đã đưa hơi thở thời đại, hơi thở Việt Nam vào trường ca của mình. Và anh đã thành công. Thanh Thảo đã xác lập, khẳng định vị trí của mình trong nền thi ca Việt Nam. Năm 1979 Thanh Thảo nhận giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam, năm 1995 nhận giải thưởng văn học của Hội nhà văn Việt Nam, năm 2001 được trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Thơ của Thanh Thảo đã trở thành tác phẩm kinh điển, được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy trong trường học.
Ngày xưa, trước khi qua đời, Bích Khê đã viết những câu thơ mang tính dự báo về sự nghiệp thơ của mình:
"Mây, tuyết, thời gian bay tợ nhạc
Hồn tôi đã thoát để tiêu dao
Những tờ thơ nát đầy hơi hám
Tay khách đa tình sẽ chuyển trao".
(Nấm mộ, thơ Bích Khê)
Ngày nay, trong Bài ca ống cống, Thanh Thảo đã viết những câu thơ như một tuyên ngôn nghệ thuật, khẳng định sự vĩnh cửu của nghệ thuật thơ ca và của cái đẹp:
"... Bài hát của hôm nay
Thô sơ mà hực sáng
Mang lẽ đời đơn giản
Nói được tới ngày mai..."
Hôm nay và mãi đến mai sau, tôi tin chắc một điều: Sự nghiệp thơ của Thanh Thảo mãi mãi trong xanh, ngọt ngào như giòng nước sông Trà và rực sáng như những vì sao trên đỉnh trời Thiên Bút phê vân của quê hương Quảng Ngãi.
Tài liệu tham khảo và trích dẫn:
- Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Hoài Chân (1942)
- Sự tìm kiếm tiếp nối không ngừng của Ngô Thế Oanh (Văn hiến Việt Nam số 5/2005)
- Thanh Thảo - nhà thơ của những cách tân đầy sáng tạo của Đỗ Quang Vinh (2008)
- Thơ phải mang tính dự báo của Nguyễn Văn Học - Ngô Ngọc Trang (Văn nghệ trẻ 2008)
- Thơ miền Trung thế kỷ 20 của NXB Đà Nẵng (1995)
- Thanh Thảo ông hoàng của trường ca của Mai Bá Ấn (thinhanquangngai.wordpress.com - 16/2/2009)
- Thơ chữ Hán của Cao Bá Quát (NXB Văn học, 1976).
- Trường ca Đêm trên cát của Thanh Thảo (1985).
Lê Ngọc Trác
Theo https://vanchuongviet.org/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Truyện ngắn của Đỗ Xuân Thu: Lão “Chõe Bò” Nhà văn Đỗ Xuân Thu vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Ông sinh năm 19...