Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2024

Truyện ngắn Hoàng Minh Tương

Truyện ngắn Hoàng Minh Tường

Chính danh
Lẽ ra lão Từ nghỉ hưu từ ba năm trước, khi lão tròn một hoa giáp. Tôn lên hàng lão cho oai, chứ mỗi tháng lão nhuộm tóc hai lần, khối cô còn gọi bằng anh. Sáu mươi ba tuổi mới nghỉ hưu, chẳng phải lão Từ khai man lý lịch như khối kẻ thích làm trò ma bùn. Cũng chẳng phải tổ chức nhầm lẫn. Ông viện trưởng cơ quan lão, một giáo sư tiến sỹ trẻ tuổi, biết nhìn xa trông rộng, trọng vốn kiến thức uyên thâm và mối quảng giao của lão (học trò lão nhiều người làm quan to ở Trung ương và các Bộ, Tỉnh), mời lão ở lại để hoàn thành dự án phi vật thể: “Bảo tồn kho tàng phi vật thể tiếu lâm dân gian vùng Cổ Hến”, quê hương của ông viện trưởng, để trình lên tổ chức UNESCO.
Cái vùng Cổ Hến ấy cũng lạ. Tất cả con gái đàn bà từ lọt lòng trở lên đều gọi là Hến, ví dụ Hến Thúy, Hến Mộng Tuyết, Hến Mai vv…Còn đàn ông thì gọi là Cu, thằng Cu Sửu, anh Cu Tuấn, chú Cu Bòi, bác Cu Luận vv… Giống như làng Gabrovo của Bungari, cả vùng nói trạng, ai cũng nói kiểu tiếu lâm, cười vỡ bụng. Hầu hết các câu ca dao, tiếu lâm hiện đại được lưu truyền đều phát tích từ vùng Cổ Hến. Ví dụ, câu ca dao có hơi hướng thơ của bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương này: “ Một đoàn ngô ngọng đến Ngọ Môn/ Chúng bảo nhau rằng ỬA Ọ ÔN”. Ví dụ chuyện “Thi bơi”: Vùng Cổ Hến mở hội thi bơi truyền thống. Thể lệ cuộc thi là vận động viên nào bơi qua hồ cá sấu dài năm trăm mét sẽ được tặng một hoa khôi nhất vùng làm vợ. Hàng nghìn kình ngư khắp địa cầu kéo nhau về thi tài. Nhìn hàng nghìn con cá sấu chúa cỡ vài tạ, con bơi lội như những chiếc tàu ngầm, con nằm giả vờ ngủ, kềnh càng trên bờ, các nhà vô địch Nauy, Ytalia, Nhật Bản, Brazin, Anh, Mỹ… đều chắp tay xin hàng. Bỗng từ đích xuất phát, một vận động viên lao xuống nước như mũi tên bắn, và chỉ năm giây sau đã về đích ở bờ hồ bên kia. Tiếng vỗ tay như sấm rền. Hàng trăm phóng viên trong và ngoài nước xô đến phỏng vấn nhà vô địch. Hóa ra nhà vô địch là một thanh niên còi của vùng Cổ Hến. Phóng viên hỏi: “ Động cơ nào khiến anh vượt qua hồ cá sấu đoạt chức vô địch?”. Nhà vô địch, mặt xanh như đít nhái, chân còn run cầm cập, nhớn nhác nhìn quanh như tìm ai đó: “Mẹ cha đứa nào chơi đểu tôi, chứ tôi có dự thi đâu. Tôi đang đứng xem thì từ phía sau, nó đẩy tôi xuống nước…” Đại loại như vậy. Tiếu lâm cười ra nước mắt. Tự trào, thâm thúy mà sâu cay.
Dự án “Tiếu lâm dân gian vùng Cổ Hến” tiến hành trong ba năm, các chuyên gia đi về hàng trăm lượt. Đăng ký đề tài. Vận động hành lang. Xin tài trợ. Điền giã. Viết đề cương. Thẩm định. Phản biện. Bảo vệ cấp cơ sở, cấp tỉnh, cấp quốc gia, rồi đệ trình lên UNESCO ở Liên hợp quốc... Nghe nói Công trình văn hóa phi vật thể
“ Tiếu lâm dân gian vùng Cổ Hến ” được UNESCO đặc biệt chú ý, được xếp hàng top 10 trong số 1948 hồ sơ toàn cầu.
Sau thắng lợi của dự án, ông viện trưởng càng quí lão Từ.
- Bác phải nghĩ giúp em tiếp một dự án nữa - Ông viện trưởng nói - Ví dụ dự án bảo tồn điệu hò “Giã gạo” quê em chẳng hạn. Giã gạo theo từng cặp. Đàn ông đứng dưới, đàn bà đứng trên. Mỗi lần dận chân nhún chày, đàn ông ưỡn người lên, cất giọng: “Hò ơ, ta giã mạnh vào…” Người nữ khom mông, cười khúc khích, hò tiếp: “Cho chày nện thủng cối, để em trao anh tình…” Ông viện trưởng vừa hò, vừa nhún nhảy thị phạm. Lão Từ ngượng tím mặt, nhưng viện trưởng lại tưởng lão cảm động.
- Bác thấy quê em có tuyệt vời không? Dự án “Tiếu lâm dân gian vùng Cổ Hến” vừa rồi khiến các anh ở trên càng tín nhiệm viện ta. Bác về nghỉ thì gay. Xong một dự án này nữa thì bác có thể yên tâm hồi hưu
Trong câu nói chân tình của viện trưởng, không giấu giếm chất cơ hội, thực dụng và cục bộ địa phương. May mà trong lão còn cái chất kẻ sỹ, nó như cái cần ăng ten nhạy cảm, nhận ra ngay bước sóng lạ.
- Nhảm.
Lão buông một câu rồi về.
Nhưng rồi cả đêm lão nghĩ ngợi. Nghĩ lung lắm. Đắn đo giữa danh và lợi, giữa bổng lộc và niêu cơm hàng ngày, giữa phẩm giá kẻ sỹ và chất thực dụng tầm thường … Suốt hai đêm lão mất ngủ. Lão mơ thấy thầy lão về. Thầy lão nối nghiệp ông nội làm hương sư ở làng. Năm cải cách, bị quy địa chủ, bị đấu tố, sau uất, sinh bệnh mà chết. Ông cụ mặc áo the, quần chúc bâu, đi guốc mộc, cầm chiếc quạt giấy phết nhựa sung, chỉ mặt lão, giọng uất nghẹn: “ Giấy rách phải giữ lấy lề. Thầy buồn vì anh lắm. Kho tàng phi vật thể tiếu lâm dân gian vùng Cổ Hến thì có thể đệ trình lên Unesco được, chứ cái điệu hò “Giã gạo” thì có gì đáng bảo tồn. Kẻ sỹ như anh mà ham a dua, tung hô những thứ phản văn hóa, háo danh, vào hùa với những kẻ dốt nát, cơ hội, tham nhũng… thì quốc nhục, dân khổ…” Rồi thầy phẩy chiếc quạt, bỏ đi.
Đã chục năm nay lão Từ không mơ thấy ông cụ. Báo mộng thế này là thầy lão đau lắm.
Chỉ hai đêm mà tóc lão Từ bạc xóa, râu đâm tua tủa.
Như đi guốc trong bụng chồng, vợ lão dường như đoán được giấc mơ của lão.
Vợ lão Từ là một người đặc biệt. Không nói chuyện bà từng là hoa khôi lớp văn K12 trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngày trước, mà hãy nói chuyện bây giờ. Bà kém lão bốn tuổi, nghỉ hưu ba năm rồi, nhưng hầu như chưa chịu qua tuổi mãn kinh. Đàn bà như thế là rất hiếm. Nhiều đêm bà làm tình làm tội lão đến khổ. Lão Từ lấy cớ làm việc trí óc, nghiên cứu khoa học…, mất khả năng sinh lý, xin bà tha. Vợ lão Từ thương tình, coi như lão xin “hưu”, xếp cho lão ngủ riêng. Ngủ riêng, nhưng bà biết hết. Hai đêm vừa rồi bà rình lão ở đầu giường, xem trong lúc ú ớ lão có nói tên cô Bích cô Hường nào không? có phát rồ phát dại vì gái trẻ nào không?
Bà nói với lão Từ:
- Ông xin nghỉ hưu đi. Đừng nghe trẻ xui bốc cứt gà. Về mà dưỡng cái thân già cho nó thanh thản.
Ơ cái bà này, hay nhể? Trẻ nào xui tôi bốc cứt gà? Người ta giáo sư tiến sỹ, bằng cấp đầy người chứ còn trẻ dại gì? Lão Từ định cãi vợ, nhưng lại thôi. Hóa ra vợ lão, chứ không phải ai khác, mới nhận ra nỗi đau và sự già nua của lão. Đau vì lão dối lương tâm mình, luôn dằn vặt, nhức nhối. Còn già nua thì rõ quá đi. “Lương tâm ông đang cắn dứt, đúng không? Ông thở dài, trở mình suốt đêm, làm tôi không ngủ được. Đã bất lực về thể trạng, lại dằn vặt về tâm hồn thì dễ tổn thọ lắm…” Bà ấy an ủi lão Từ như mẹ nựng con.
Lão Từ viết đơn xin nghỉ hưu.
Lão nói với ông viện trưởng:
- Tôi nghĩ kỹ rồi. Tôi khác anh. Anh là người của thể chế, của tầm vĩ mô… Tôi thì suốt đời chỉ gắng làm một công bộc cho nó ra hồn.
Ông viện trưởng quả là người tình nghĩa. Mặc dù lão Từ không có bằng cao cấp chính trị, nhưng ông viện trưởng vẫn bảo bộ phận tổ chức cố chạy cho lão một chân chuyên viên cao cấp trước khi nhận quyết định hưu.
Tưởng qua thời kỳ bao cấp rồi, hòa cả làng. Hóa ra cái ngạch chuyên viên cao cấp vẫn rất giá trị. Lương cao hơn. Đi bệnh viện hưởng chế độ A, thuốc tốt, hai người một phòng chứ không phải chen chúc mấy người một giường như hưu trí bình thường.
Hôm đến Phòng Lao động Xã hội quận làm sổ hưu, cô nhân viên nhìn lão Từ tròn mắt.
- Bác không đi bộ đội, công an ngày nào mà lương cao quá.
- Cháu giễu bác làm gì? Cử nhân loại ưu từ năm 22 tuổi. Bốn mươi năm dạy học, nghiên cứu, viết hơn hai chục đầu sách mà về hưu mỗi tháng chỉ đáng hơn hai trăm đôla, thảm hại chứ cao sang gì?
- Bố cháu cũng thầy giáo cấp ba mà về hưu lương có ba triệu, chỉ bằng nửa lương bác. Mà trông bác vẫn phong độ. Cháu tưởng bác còn chưa đến tuổi hưu cơ…
Lão Từ nóng bừng mặt, tưởng cô gái chế giễu mái tóc mới nhuộm của lão.
Có một bàn tay trắng mũm mĩm dúi một tập hồ sơ trên bàn. Đập vào mắt lão là một cái tên quá quen thuộc: Đào Thu Loan. Lão quay lại. Không tin ở mắt mình. Kìa, Loan. Đúng là Loan rồi. Loan cũng đi làm chế độ hưu đấy ư?
Người đàn bà có bàn tay trắng mũm mĩm nhuộm tóc màu hạt dẻ, nhưng không giấu nổi hàng chân tóc trắng, lấy tay che miệng, như sợ bật lên tiếng kêu không kìm giữ.
- Trái đất tròn mà. Loan biết về Hà Nội thể nào cũng gặp anh…
Trong lúc chờ bà Loan làm thủ tục, lão Từ chợt nghĩ đến cái năm sinh của bà Loan ghi trên tờ quyết định nghỉ hưu mà lão vừa thoáng đọc được. Sao Loan lại sinh năm 1956? Học cùng khóa đại học với nhau, sao kém lão tới tám tuổi?
Những kỷ niệm của cái thời “nhất quỉ nhì ma” ấy bỗng ào ạt hiện về. Năm ấy trường đại học của lão Từ sơ tán về Hưng Yên. Loan là hoa khôi số một của lớp. Má cô nàng lúc nào cũng đỏ hây hây như táo chín, làm nhiều gã trong lớp thèm nhỏ dãi. Loan ngồi bàn trên, nhưng rất thích nói chuyện và hỏi bài bọn con trai bàn dưới. Tất nhiên trong bốn gã cùng bàn, Loan mê nhất anh chàng Dũng tóc xoăn, có bộ râu quai nón và đôi mắt sâu hút hồn.
- Đúng là Từ “phẫn” chẳng thay đổi là mấy - Bà Loan ngoái lại hàng ghế sau, nói với lão - Tội các ông to tày đình, hôm nào phải tụ hội với nhau để tôi trừng trị…
Bà Loan làm lão Từ nhớ lại cái húy danh ngày đại học. Quê lão gọi cái vung nồi là cái “phẫn”. Trực nấu cơm chủ nhật ở bếp tập thể, Từ cứ kêu: “ Lấy cho tớ cái phẫn”. Chẳng ai hiểu gì. Đến khi Loan phát hiện ra “phẫn” là “vung”, thì nồi cơm đã trương phềnh. Từ đó lão được đặt cho biệt danh là Từ Phẫn.
Loan có vẻ đẹp đài các rất quyến rũ bọn con trai. Nhưng Từ Phẫn thì bị hê ra rìa. Loan chỉ thích anh chàng Dũng râu quai nón, kỳ thủ bóng bàn.
- Mày có thấy cái Loan nó nhìn như muốn nuốt chửng mày không? - Từ Phẫn khích Dũng.
- Nhưng kiểm chứng bằng cách nào? - Dũng háo hức.
- Dễ thôi. Mày hãy gửi cho cô nàng vật làm tin…- Từ Phẫn ghé tai Dũng nói nhỏ - Món ấy như một thứ bùa ngải. Một bà mế trên rừng cho tao bí quyết này. Nó sẽ làm cho cô nàng say mày như điếu đổ.
Anh chàng Dũng râu đỏ bừng mặt, nhưng cũng làm theo. Một lá “tình thư” được dán kín, cả nhóm cử Từ Phẫn trao cho Loan và bảo: “Dũng nhờ bọn mình gửi cho Loan”. Cả bọn hồi hộp rình xem cô ả phản ứng ra sao. Giờ giải lao, Loan lẻn ra sau trường rất lâu, khi vào hai mắt đỏ mọng, mặt cúi gằm không thèm nhìn bọn Từ, Dũng, Luận, Hưng, Đạo, Việt… Cả bọn hoảng hốt. Chắc Loan đã đoán ra đó là chùm lông…của Dũng. Nếu Loan mang báo cáo khoa “lá tình thư” này thì cả bọn có thể bị đuổi học.
Một tuần liền Loan không thèm quay xuống bàn dưới bắt chuyện. Nhưng đến ngày thứ tám thì Dũng râu kéo mấy thằng bạn ra một góc, khoe:
- Tao hôn được Loan rồi. Môi nàng mềm ngọt và thơm mùi chuối tiêu chúng mày ạ.
- Nói phét. Làm sao mày hôn được Loan?- Hưng bĩu môi đầy ngờ vực.
- Tao nói với nàng rằng đừng hiểu lầm. Tóc của Dũng trong phong bì đấy… Dũng muốn cắt tóc để chứng tỏ tình yêu với Loan... Nàng mở tròn mắt, thế a, thế a? Tao ôm ghì lấy nàng và …hôn.
Trời đất quỉ thần ơi. Không ngờ chuyện tục tĩu nhố nhăng nhất thế giới mà lại là duyên cớ tác thành…
Tình yêu của Dũng - Loan là cuộc tình xứng đôi vừa lứa nhất của lớp Từ Phẫn, đẹp như tiểu thuyết.
Vậy mà số phận trớ trêu. Máy bay Mỹ rải bom B52 Hà Nội, Tổng thống Mỹ muốn biến Việt Nam trở lại thời đồ đá. Lệnh tổng động viên toàn quốc. Năm sau, Dũng râu vượt Trường Sơn, vào chiến trường Đông Nam Bộ.
Tốt nghiệp, Loan vào dạy học ở tuyến lửa Nghệ An, được phân tít lên huyện miền núi Quế Phong, giáp biên giới Việt - Lào. Như nàng Tô Thị, Loan chờ Dũng suốt bốn năm. Rồi tin sét đánh: Dũng râu đã hy sinh trước cầu Bình Triệu ngày quân ta tiến vào Sài Gòn.
Có nên nói với Loan về cái bức “tình thư” của Dũng râu ngày ấy không? Lão Từ bỗng cười thầm nghĩ lại cái trò tinh nghịch quỉ quái của lũ học trò ngày xưa. Chắc chắn rằng, khi yêu nhau, Dũng cũng không dám lộ trò chơi chết người ấy. Và, ngay cả bây giờ, có khi Loan vẫn giữ “mớ tóc xoăn” của Dũng như một kỷ vật thiêng liêng?
- Anh cười gì vậy? Lại cười cái trò nghịch ngợm phải gió thời ấy phải không?
Mặt lão Từ nóng bừng. Có thể Loan đã biết cái phong thư tai quái ấy. Nhưng lão lại nói lảng:
- Loan có biết không, hồi ấy cả bốn đứa bàn dưới chúng mình đều yêu Loan. Nhưng chỉ có Dũng là toại nguyện…
- Toại nguyện ư? - Bà Loan thở dài. Hình như bà đang hồi tưởng lại mối tình ngày xưa - Giá như Dũng còn...? Ban đầu Loan tính chuyện ở vậy. Anh Từ biết không, ngôi trường Quế Phong nơi Loan dạy ngày ấy, là chốn rừng sâu heo hút, học trò còn nhiều tuổi hơn cô giáo, nhiều cậu học trò đã có vợ… Sống ở khu tập thể trường mà chẳng khác gì ở chùa. Tuổi trẻ, tình yêu đều là chuyện phù phiếm. Nhưng rồi không ai chống trả được số mệnh. Ông Bí thư huyện góa vợ, nhờ người mối manh. Đắm đò thì giặt mẹt luôn. Loan đồng ý về làm vợ kế, nuôi giúp ông Bí thư đàn con lít nhít bốn đứa. Rồi thêm hai đứa của mình. Ông chồng Loan là một người làm chính trị chuyên nghiệp, biết nhìn xa trông rộng. Ông ấy bảo Loan: “Trông chờ nghề dạy học thì chết đói, làm sao nuôi nổi sáu đứa con?...” Ông ấy bảo Loan sửa lý lịch, thêm một nét móc vào số không, biến năm sinh 1950 thành 1956, rồi bắt Loan bỏ lũ học trò, chuyển lên Hội Phụ nữ tỉnh…Mười năm sau ông ấy về Trung ương thì Loan cũng về theo…Nhờ ông chồng có chức, có quyền mà Loan về hưu chậm sáu năm và được hưởng ngạch chuyên viên cao cấp như anh đấy…
Loan vẫn giữ vẻ thật thà, thơ ngây như thời đại học. Kể về sự trí trá, biển lận, cơ hội …mà vẫn hồn nhiên vô can như chuyện của ai.
Từ hôm ấy, lão Từ và bà Loan hay gặp nhau ở phòng khám bệnh viện.
Chao ôi, tuổi già và bệnh viện, như người tri âm và chốn tương ngộ. Đến phòng khám bệnh viện, lão gặp hầu hết người quen, bạn bè. Những mái đầu bạc trắng, những gương mặt nhăn nheo đụng nhau chan chát trong dãy hành lang phòng khám. Nhiều lão nghiện gặp bạn như gặp người tình. Có mấy lão già góa vợ còn tìm được “người yêu” là những bà lão góa chồng, bỏ chồng. Họ rủ nhau ra công viên, hẹn nhau đi tập dưỡng sinh, tập nhảy đầm…Căn phong chờ xếp sổ khám bệnh thành câu lạc bộ. Trong lúc chờ lấy số, mấy lão già hăng hái bàn chuyện thời sự, chuyện Quốc tế, sôi nổi quá, nhiều khi phun cả nước bọt vào mặt nhau.
Có một ông già chống cái ba-toong bốn chân, mặt vênh váo như cái diệp cày, người như muốn đổ về phía sau mặc dù đang lê chân về phía lão Từ, khiến lão bỗng chú ý. Trời ạ. Dương Hanh, tay trưởng phòng biên tập Tạp chí Cá của lão. Ngày ấy, ông Bộ trưởng nọ muốn ra tờ báo Ngư trường, rủ lão Từ về làm Tổng biên tập. Lão Từ tạm phụ trách tờ Tạp chí Cá để chờ xuất bản tờ báo Ngư trường. Trưởng phòng Dương Hanh, vốn học Đại học Ngư nghiệp, từ lâu đã muốn nhảy lên chức Tổng biên tập tạp chí, thấy lão Từ về, lồng lộn lên như hổ mất mồi, tìm mọi cách chống phá lão. Ba năm sau, sáp nhập Bộ, việc xuất bản tờ báo Ngư trường không thành. Lão xin chuyển về Viện X. Trước khi ký quyết định cho lão Từ chuyển công tác, ông Bộ trưởng an ủi lão bằng một chuyến đi dự hội nghị nghề cá bên Mỹ. Dương Hanh tức muốn phát điên, tìm mọi cách phá đám. Cuối cùng, một người khác lấy suất của lão đi Mỹ, lão Từ đành phải đi Hội chợ thủy sản Thanh Đảo, Trung Quốc.
Buồn thay, trong khi lão Từ đi Thanh Đảo, Dương Hanh phá khóa phòng lão, kê bàn ghế chễm trệ ngồi. Hanh vẫn hy vọng được thay lão làm Tổng biên tập. Rõ thảm hại! Đồ đạc, sách vở của lão Từ bị Dương Hanh ném ra ngoài hành lang. Một cuộc “đảo chính” bỉ ổi và trắng trợn.
Nhưng rồi tham thì thâm. Tổ chức đời nào cho Dương Hanh ngồi vào cái ghế Tổng biên tập Tạp chí Cá? Hanh uất, huyết áp tăng 200, rối loạn tiền đình, nằm bệt một năm, giờ phải đi gậy chống bốn chân thế kia.
- Thế mới biết cái ghế quyền lực nó mê hoặc người ta ghê gớm anh ạ - Bà Loan rỉ tai lão Từ - Anh có thấy ông già mắt lồi ngồi đầu dãy ghế kia không? Tổng Cục trưởng Trần Liêu, bạn với nhà tôi đấy. Nhận quyết định về hưu, mà cả tháng trời, cứ bẩy giờ sáng là ông ấy lại xách ca táp ra đứng chờ ở đầu phố. Thấy chiếc xe Toyota đen nào đi qua, ông ấy lại giơ tay. Quen tài xế đưa đón đến cơ quan rồi mà. Một lần, chiếc Toyota đen quen thuộc và tay lái xe của ông đến thật. Ông vẫy tay và chạy theo xe. Nhưng chiếc xe vụt qua. Và ông nguyên Tổng Cục trưởng Trần Liêu ngã sấp mặt xuống hè đường, trượt đi một đoạn dài. Tội nghiệp, lần ấy ông gãy bốn răng cửa, phải khâu tám mũi ở mặt và nằm viện hai tháng…
Lão Từ thở dài, nghĩ sao giống cảnh ngộ ông giám đốc Quy Hòa, sát nhà lão. Nhận quyết định hưu rồi, nhưng ông giám đốc không muốn vợ và hàng xóm biết mình phải về vườn. Ông gặp lãnh đạo mới, xin chiếu cố hoàn cảnh, cho ông tiếp tục thuê xe và điều lái xe cơ quan một tuần đến đón hai lần, như đi làm việc. Chỉ cần đúng giờ đến đón, rồi thả ông xuống chỗ nào cũng được. Chiều ông sẽ hẹn một chỗ nào đó để đưa về. Ông hứa trả tiền xăng và bồi dưỡng lái xe chu tất.
- Nhiều chuyện về hưu tức cười lắm - Bà Loan lại kể - Nghe nói, có ông giám đốc nhà hát về hưu, tối nào cũng đến công viên, đứng trên bục sân khấu ngoài trời hàng giờ. Ông tưởng tượng như mình đang sắm vai nghệ sỹ, hoàng đế, thi nhân… Và dưới kia là bạt ngàn người xem, với hoa tươi và những tràng vỗ tay, hoan hô cuồng nhiệt…
Lão Từ bắt đầu “nghiện” bệnh viện. Hai tuần không đến phòng khám là lão lại thấy nhớ.
Nhưng rồi, lão chẳng phải mong ngóng lâu. Một cơn gió lạ làm lão đột qụy, phải vào nằm viện, phòng cấp cứu.
Bỗng nhớ câu thơ Đỗ Phủ: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Lão sáu ba tuổi, còn bẩy năm nữa mới đạt tới câu thơ của người xưa. Vào nằm viện để ngẫm nghĩ cái sự đời. Như Abutalip của Gamzatốp khuyên phải đến bệnh viện để chiêm nghiệm lại đời mình. Hóa ra con người, dù kinh bang tế thế đến đâu cũng không cưỡng được quy luật sinh học.
Cuối đợt điều trị, bác sỹ chuyển lão về bệnh viện Đông y để kết hợp trị liệu, hồi phục sức khỏe. Lão như qua một cuộc đại tu. Như chiếc xe bò được lắp động cơ, muốn vận động và thử gân cốt.
Một ngày đẹp trời, lão Từ chống cây thiền trượng, một loại ba-toong hiện đại do đứa cháu đi hội chùa Yên Tử mua tặng, dạo bộ quanh khu phố viện Đông y. Ơ, cơ quan lão kìa, quá gần với viện Đông y. Lão Từ đứng tần ngần một hồi, nhớ lại những ngày làm dự án, xây dựng đề tài…Nghe nói dự án bảo tồn “ Kho tàng tiếu lâm dân gian phi vật thể vùng Cổ Hến” sắp được UNESCO đưa ra xét duyệt…Như một phản xạ tự nhiên, như cảm thấy mình còn gắn bó máu thịt với cơ quan, đôi chân đưa lão vào cổng tòa nhà, mới được tân trang, như một tháp ngà. Kia, trên tầng hai ngôi nhà cổ kiến trúc từ thời Pháp kia, là căn phòng lão từng có một chiếc bàn nhỏ. Cái bộ phô-tơi bọc da nâu bóng chắc vẫn chỗ cũ. Cái bàn gỗ gụ chân chạm đầu hổ phù, suýt nũa bị phòng hành chính bán đồng nát, may mà lão cứu được, chắc vẫn kê chỗ cửa sổ nhìn ra công viên…Và hàng ngày, bộ phô-tơi ấy, vẫn được phục vụ các “nguyên khí quốc gia”, căn phòng vẫn tràn ngập tiếng cười hào sảng và những bình phẩm khi thì tục tĩu như của bọn chợ giời, khi thì thâm thúy cao siêu như của các bậc hiền triết… Cái cơ quan Viện X của lão Từ hay thật. Ai cũng biết đó là một thứ trang sức, một thứ phù du, có cũng được, mà không có cũng chẳng sao. Nói trắng phớ ra, nó vô bổ. Tuyên truyền thì đã có cơ quan tuyên huấn, báo chí, xuất bản. Giáo dục đã có hệ thống các trường đại học, phổ thông, viện X không đến lượt. Phản biện thì không ai dám… Vậy nó tồn tại để làm gì nhỉ? Có trời mà biết được. Khối người đã kiến nghị với cấp trên xóa sổ nó đi cho đỡ tốn kinh phí. Nhảm. Xóa thế đếch nào được. Thử động vào coi?
Ban đầu lão Từ đi phăm phăm. Lão nhớ ra mình còn có một hòm thư lưu ở hành lang. Có thể lão có sách tặng, có thư mời họp…
- Ông cần gặp ai?
Một giọng lạnh và sắc, khiến lão giật bắn người.
- Đồng chí không biết tôi à? - Lão Từ nhìn anh nhân viên bảo vệ, cố nhớ xem đã gặp anh ta lần nào - Tôi…làm việc trên tầng hai kia mà…
Gã bảo vệ mới, mắt to trắng dã, cằm bạnh, mặt thâm như đồ tể, nhìn lão từ đầu xuống chân. Hình như gã đang thầm nhận xét lão: Một lão già gàn dở, kệch cỡm, nhố nhăng. Quần áo bệnh viện, mũ phớt, giày ba ta, gậy gỗ chẳng ra ba-toong, chẳng ra thiền trượng…
- Ông tâm thần rồi…Không nhìn thấy tấm biển cơ quan vàng chóe ngoài cổng à? Đây là Viện X, chứ không phải bệnh viện, càng không phải là cơ quan từ thiện nhà ông đâu nhá…
Lão Từ thấy đắng chát trong cổ họng. Bị đuổi ngay trước cổng cơ quan mình. Cái cơ quan mà mới mấy tháng trước lão còn uy quyền nghiêng thiên hạ, có lẽ chỉ dưới ông viện trưởng. Chữ ký của lão để lấy về sáu tỷ đồng cho dự án “Kho tàng phi vật thể tiếu lâm dân gian vùng Cổ Hến” vẫn còn tươi rói trong kia. Thế mới đau chứ!
Lão Từ bỗng nghĩ đến cái thuyết chính danh của đức Khổng Tử bên Tàu. Tiếm quyền để mà làm vua thì không chính danh. Không ai bầu mà tự coi mình là thủ lĩnh thì không chính danh. Lừa bịp, biển lận để làm lãnh đạo thì không chính danh. Quá qui định của tuổi sinh học mà vẫn tham quyền cố vị là không chính danh. Về hưu rồi mà vẫn muốn đến cơ quan làm việc là không chính danh…Không chính danh thì đến một người gác cổng cũng đuổi được lão ra ngoài. Lão Từ có thể nhờ ông viện trưởng ăn gian được ba tuổi mới chịu về hưu. Ba năm ăn gian ấy, lão không chính danh, nhưng vẫn nhơn nhơn làm dự án này đề tài kia, vì nghĩ mình vẫn chính danh. Nhiều lúc máu kẻ sỹ nổi lên, biết mình ăn gian, thấy da mặt mình bì bì dầy, nhưng lão còn tự an ủi vì có người bảo lãnh. Bây giờ, chính gã bảo vệ kia vừa cho lão một cái tát. Ông vào đây làm gì? Ông già khú đế thế kia, quần áo bệnh viện thế kia, lại chống gậy nữa… thì vào chốn thâm nghiêm này thế nào được?
Đau quá. Lão Từ chực khuỵu xuống. Lão chới với nhìn bầu trời và vòm cây quay cuồng…
Rất xa, như ở đâu đó, như thoảng trong gió, lão nghe thấy kêu:
- Kìa, gọi xe cấp cứu ngay… Người cơ quan ta đấy... Tôi mới ký giấy cho ông cụ về hưu…
Đúng là tiếng ông giáo sư tiến sỹ, viện trưởng của lão.
Hiếm có người trên đời tốt như thế.
Xuân Tân Mão, 2011
Tết Nhâm Thìn 2012
Người Khách Ở Lòng Chảo Điện Biên
Nhà văn Lê Dân là một du khách lẻ. Ông lên Điện Biên Phủ theo chương trình riêng, với kỳ vọng sẽ cho ra đời một cuốn tiểu thuyết về vùng lòng chảo kỳ vĩ này.
Đã hai tuần nay, ông đi tha thẩn khắp cánh đồng Mường Thanh, cánh đồng lớn nhất, trù phú nhất vùng Tây Bắc. Câu ca“Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”.(Thứ nhất Mường Thanh, thứ nhì Nghĩa Lộ, thứ ba Than Uyên, thứ tư Phù Yên), quả không sai. Mường Thanh thực sự là một “vương quốc”, của thiên nhiên kỳ vĩ, của văn hoá đặc sắc, của lịch sử hào hùng, và… của gái đẹp.
Nơi nhà văn dành nhiều thời gian để nghiền ngẫm, là bảo tàng Điện Biên. Vì thế, đã ba lần ông nhập trong các đoàn du khách, để được ngồi lại khu sa bàn nghe thuyết minh viên tường thuật lại toàn bộ chiến dịch Điện Biên lịch sử. Như thế, ông sẽ hiểu sâu hơn, kỹ hơn, thậm chí, sau hai lần, ông đã như một học trò thông minh, có thể thuật lại toàn bộ diễn biến chiến dịch, đạt trình độ như chính cô thuyết minh xinh đẹp người Thái kia.
Lần thứ ba, khi mọi người đã đi khỏi khu sa bàn, nhà văn Lê Dân vẫn cố nán lại, chụp một kiểu ảnh. Ngoái nhìn hàng ghế sau, ông sững sờ: Một người đàn ông ngoại quốc, đang chống hai tay lên mái tóc bạch kim, lặng lẽ khóc.
Nhà văn toan bước đi. Nhưng rồi có gì như bất nhẫn, khiến ông đến bên người khách.
- Monsieur, Can I be of help to you? (Thưa ngài, tôi có thể giúp gì được ngài? ) - Ông nói bằng tiếng Anh, thứ tiếng không phải sở trường nhưng đủ để ông diễn đạt cảm xúc của mình.
Vị khách ngẩng lên. Một gương mặt xương gầy, bộ râu quai nón thưa màu nâu nhạt, mũi cao, đôi mắt trũng sâu nhoà sau đôi kính trắng gọng vàng.
- Thank you. I am French - Canadian. Can you speaking French? ( Cám ơn. Tôi là người Canada gốc Pháp. Ông có thể nói tiếng Pháp được không?) - Người khách ngoại quốc nói tiếng Anh một cách khó khăn. Ông ta đứng lên, chìa tay và hơi nhún vai lịch thiệp. Rồi cả khuôn mặt ông dãn ra, hồ hởi, hứng thú, vì hình như ông đã gặp được người cần gặp ở xứ sở xa xôi này.
- Ô, rất sẵn sàng. Tôi vốn học tiếng Pháp từ nhỏ - Bằng một giọng Paris chuẩn đầy ngữ điệu và biểu cảm, nhà văn đã làm cho người khách sửng sốt và kính trọng.
- Tôi như đang gặp chính đồng hương mình ở giữa mảnh đất lịch sử này, thưa ngài. Rất cám ơn ngài đã quan tâm. Vừa nãy tôi quá xúc động vì được xem lại tấn thảm kịch của người Pháp ở đây sáu mươi năm trước.… Tôi là Ferdinand Fremont, người Pháp. Lẽ ra tôi phải đến đây từ rất lâu… Cha tôi chết trận ở vùng lòng chảo này… Bây giờ tôi vẫn không biết xương cốt người ở đâu?
- Cha ông ư? Xương cốt ư? - Lê Dân hỏi lại. Vì ông sợ mình nghe nhầm.
- Vâng. Cha tôi là một sĩ quan quân đội Pháp. Ông đã bị pháo binh quân đội của Tướng Giáp hạ sát trong một cuộc nhảy dù xuống Điện Biên Phủ.
Cuộc gặp tình cờ ở bảo tàng Điện Biên, là duyên cớ của một tình bạn giữa nhà văn Lê Dân và Tiến sĩ sinh học người Canada gốc Pháp Ferdinand Fremont.
Cha đẻ Ferdinand Fremont là Christian Garrand, một người dòng dõi quý tộc, quê ở vùng Moret sur Loing, gần lâu đài Fontainebleau nổi tiếng. Thế chiến thứ hai, thời kỳ phát xít Đức chiếm đóng Paris, ở tuổi mười sáu, Garrand đã tham gia phong trào yêu nước do tướng Charlles de Gaulle lãnh đạo. Năm 1948, tốt nghiệp xuất sắc trường Quân sự Saint Syr, Garrand được xung vào đội quân viễn chinh, chiến đấu ở chiến trường Bắc Phi. Cuối năm 1953, Đông Dương nguy cấp, Garrand, với lon đại uý, được điều gấp sang Đông Dương, phục vụ trong Tổng hành dinh của tướng Cogny, tư lệnh quân đội Pháp ở miền bắc Việt Nam, đóng bản doanh tại Hà Nội.
Ngày Christian Garrand tạm biệt vợ con lên đường sang Đông Dương, cậu bé Ferdinand mới chập chững tập đi. Cậu không nhớ rõ mặt cha và không hề có ý niệm gì về cuộc tiễn đưa đẫm nước mắt của người mẹ, mà chỉ mấy tháng sau đã trở thành goá phụ khi mới ở tuổi 25.
- Sang Hà Nội được ba tháng thì cha tôi được lệnh tăng cường cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - Ferdinand Fremont mở đầu câu chuyện khi hai người ngồi uống cafe ở phòng bar khách sạn Mường Thanh - Đây là thời kỳ đội quân của đại tá De Castries đang hấp hối. Cánh cửa thép phía bắc với ba pháo đài mà báo chí Pháp khoe là bất khả xâm phạm: Beatritx (Him Lam), Gabrien (Độc Lập), An Mari (Bản Kéo) bị phá toang. Trung tá pháo binh Pirôt vì sợ hãi và xấu hổ phải tự sát. Quân của Tướng Giáp từ trên núi cao tràn xuống bủa lưới bao vây sân bay Mường Thanh, cắt đường tiếp tế. Tướng Cogny nói với cha tôi: “Tổng hành dinh điều đại uý mang mật lệnh của tướng Hăngri Nava và là sĩ quan đốc chiến tăng cường cho Điện Biên Phủ. Đây là cơ hội để chúng ta chứng tỏ bổn phận và sứ mạng với nước mẹ Đại Pháp. Đại uý hãy viết di chúc để lại cho vợ con…”
- Di chúc ư? - Nhà văn Lê Dân kinh ngạc, không kìm được, vội hỏi.
- Vâng. Di chúc, theo đúng nghĩa đen của văn bản này. Ngài là một nhà văn, nên tôi rất hân hạnh được ngài tận mắt xem những gì cha tôi viết ở Hà Nội đúng 60 năm trước.
Vị tiến sĩ người Pháp lấy từ trong cuốn sổ một chiếc bì thư đã ố vàng, rồi thận trọng bày lên bàn, trước mặt nhà văn, những trang viết còn ố vàng và cũ kĩ hơn. Những dòng ghi chép vội vã, nét chữ run rẩy, xô lệch, chứng tỏ người viết đang trải qua một cơn chấn động tinh thần và cảm xúc ghê gớm.
Hà Nội, ngày 13 tháng 4 năm 1954.
Alice thân yêu!
Chắc em cũng như anh, chúng ta đều không thể quên những dòng thư cuối cùng trong cuốn tiểu thuyết bất hủ của Ethen Lilian Voynich? Arthur Rivarex (Ruồi Trâu) đã viết cho Giemme: “Và bây giờ, tôi như con cá nhỏ trong cuốn sách trẻ con của chúng ta, “sống và quẫy đuôi…”, thật thế, quẫy đuôi lần cuối cùng… còn sáng mai thì đã “ Finita la commedia!” (1) Đối với Dim và tôi, điều đó có nghĩa là: Trò xiếc đã diễn xong rồi.”
Ôi, giá anh có được một tuần lễ, chỉ một tuần lễ thôi, anh sẽ viết cho hai mẹ con cả ngàn trang. Phải ngần ấy giấy mực mới diễn tả hết tình yêu của anh đối với em và con. Và dĩ nhiên với cả nước Pháp kiêu hãnh một cách thảm hại của chúng ta.
Nhưng em thân yêu. Hãy tha lỗi cho anh. Anh chỉ còn đúng mười tiếng đồng hồ. Sáng mai, máy bay đã đưa anh lên lòng chảo Điện Biên, địa ngục Điện Biên, cái xứ sở mà lẽ ra nước Pháp không nên biết đến, bởi vì nó chính là mồ chôn chế độ thực dân và niềm kiêu hãnh Gôloa. Chỉ sáng mai thôi, anh sẽ như Ruồi Trâu,“Finita la commedia!”
Tại sao anh lại viết về cái lòng chảo địa ngục ấy như thế? Không phải anh run sợ và khiếp đảm. Anh muốn sau này, khi con trai Ferdinand của chúng ta khôn lớn, em hãy kể cho con về nơi ấy, cái nơi mà người ta sẽ thả anh xuống như thả một con mồi. Thật nực cười cho giọng lưỡi tuyên truyền của những tờ báo lá cải của Pháp và Mỹ. Mới ba tháng trước đây, các tay bồi bút có hạng của những tờ Le Figaro, Le Monde, L,Observateur, France Soir…ca ngợi Điện Biên Phủ như một pháo đài bất khả xâm phạm, một Verdum thứ hai ở Viễn Đông. Chính tướng Cogny, vào đầu tháng 1 năm 1954 đã vênh váo trả lời đài Mỹ rằng: “Tôi chắc chắn rằng Bộ chỉ huy Pháp sẽ làm cho Việt Minh thua to ở Điện Biên Phủ”. Còn đại tá De Castries thì khoác lác:” Pháo Việt Minh ư? Cái gì nhỉ? Được. Nếu có pháo binh Việt Minh thật, tôi sẽ đội mũ đỏ cho họ trông rõ mục tiêu hơn”.Vậy mà chỉ hơn hai tháng sau, sáng 13 tháng 3, trước giờ quân Việt Minh mở màn tấn công, tướng Cogny bay lên Điện Biên Phủ trực tiếp kiểm tra “con nhím” và gặp De Castries để động viên nhắc nhở, thì tâm trạng của ông ta đã khác hẳn. Em biết không, chuyến bay ấy chính anh tháp tùng tướng Cogny. Đây là lần đầu tiên anh lên Điện Biên Phủ. Từ trên máy bay, nhìn xuống phi trường Mường Thanh bị đạn pháo Việt Minh nã liên tiếp, một khu trục bị bốc cháy, một máy bay khác bị hạ, tướng Cogny tưởng máy bay của ngài không thể tiếp đất được. Ngài kinh hoàng vì sao Việt Minh lại có quá nhiều đại bác. Ngài nhớ tới bản báo cáo mà quân Pháp thiệt hại sau một trăm ngày (kể từ 20 tháng 11 năm 1953). Chưa giáp trận mà hàng trăm sỹ quan binh lính đã chết và trạm quân y dã chiến của bác sỹ Grovanh đã chật ních thương binh. Trong buổi thị sát vội vã vỏn vẹn hơn một giờ đồng hồ đó, có lẽ chỉ mình anh đọc thấy nỗi sợ hãi khiếp đảm trong ánh mắt của hai nhà quân sự “lỗi lạc” của nước Đại Pháp là Cogny và De Castries. Và, rạng sáng hôm sau, ngày 14 tháng 3, khi Cogny nhận được điện báo từ Điện Biên Phủ: “Không có liên lạc với Beatritx, Gose đã chết”, thì Cogny đã phải than thở với hai nhà báo Pháp đang ở Hà Nội: “Điện Biên Phủ quả là một cái bẫy, cái bẫy không phải cho Việt Minh mà là cái bẫy đối với chúng ta”.
Alice của anh ơi, mười giờ nữa anh sẽ bay lên cái bẫy dành cho nước Pháp. Và những con thiêu thân của chúng ta dường như đang dồn sức cho cuộc dấn thân cuối cùng. Hầu như toàn bộ lực lượng không quân, nhất là không quân vận tải ở Đông Dương đều dành cho cái “dạ dày” Điện Biên Phủ. Bây giờ thì dường như mọi loại máy bay cuả nước Pháp không thể hạ cánh xuống sân bay Mường Thanh được nữa, vì pháo binh đối phương không cho chúng ta hạ cánh, và máy bay chỉ dám lượn trên lòng chảo để thả dù. Các phi công thiện chiến của chúng ta, họ đều là con của Chúa, sức lực có hạn, nhiều người đã phải bay mười bẩy giờ một ngày, vừa bay vừa ngủ gật và không biết rơi bất cứ lúc nào…
Những dòng cuối cùng trước giờ bay.
Alice vô cùng yêu dấu!
Đang viết dở cho em thì có lệnh mới. Chiếc lon General de brigade ( Thiếu tướng) của nước mẹ Đại Pháp tưởng thưởng cho người anh hùng dòng dõi quí tộc Critstian Mari Ferdinand de la Croa de Castries mà anh có sứ mệnh mang lên cho ngài, nhưng đến phút chót, quân hàm cao quí ấy vẫn chưa từ Paris đến kịp. Nếu chiến sự ác liệt, rất có thể những phần thưởng cao quí của nước mẹ Đại Pháp dành cho tướng De Castries đành phải thả theo đường dù, như một trò chơi bi hài từ tít trời cao(!) Riêng anh thì vẫn phải thực thi sứ mệnh cao cả của mình. Thay vì chiếc lon thiếu tướng, anh sẽ mang lên cho ngài De Castries một bó lay-ơn tuyệt đẹp, loài hoa lưỡi kiếm, mang từ Đà Lạt, và một chiếc hộp khảm ngọc của bà mệnh phụ thiếu tướng phu nhân đang ở Hà Nội, mà nghe nói trong đó là một chai rượu cognac tuyệt hảo, nhãn hiệu Napoleon Fine Champagne của hãng Bisquit Dubouche danh tiếng thành lập từ năm 1819, và chiếc khăn muxoa cộng với những dòng thư đẫm nước mắt trộn lẫn nước hoa Chanel số 5. Sứ mệnh cái mẹ gì anh. Người ta thí một sỹ quan ở tổng hành dinh chỉ cốt để an ủi cho một viên tướng đang giờ hấp hối để nhắc nhở ông ta rằng, dù bất kỳ trong hoàn cảnh nào, thà rằng tự sát để bảo toàn danh dự, chứ nhất định không thể làm nhục nước mẹ Đại Pháp bằng việc kéo cờ trắng đầu hàng.(!)
Em hãy coi đây như những trăn trối cuối cùng. Dim thân yêu, finita la commedia(*)! Nhưng đây không phải là những lời than thở của một kẻ hèn nhát, mà là ngọn lửa vĩnh cửu của Tình yêu…Xin em đừng cho Ferdi biết câu chuyện này. Hãy mang con đi một nơi nào đó thật xa nỗi ô nhục mà nước Pháp sắp gặp phải. Hãy đợi con mười tám tuổi, hoặc một ngày nào đó khi con đủ khôn lớn. Hãy nói với con rằng cha sẵn sàng chết vì nước mẹ Đại Pháp, vậy mà số phận trớ trêu thay, cha phải chết vì một cuộc chiến tranh tàn khốc, phi nghĩa …
Nhà văn Lê Dân ngồi lặng trước những trang giấy vàng ố. Tưởng như thời gian trôi ngược về quá vãng sáu mươi năm trước. Dường như ông nhìn thấy trên trời Điện Biên Phủ từng đàn máy bay, như những con diều hâu quần đảo. Đạn pháo cao xạ của Việt Minh như pháo hoa chụp kín bầu trời, đẩy máy bay lên cao tít. Nhiều chiếc bốc cháy. Hàng ngàn cánh dù trắng, chiếc thả người, chiếc thả nhu yếu phẩm, đạn pháo… chới với, như những bông gạo.
Người bạn Pháp nói với nhà văn, khi ông vừa tháo cặp kính và khẽ thở dài:
- Cách đây ba năm, trước khi qua đời, mẹ tôi mới tiết lộ những dòng di chúc của cha tôi. Cả mẹ và cha dượng tôi đều không muốn tôi biết câu chuyện bi thương này. Nhưng họ cũng giống như anh chàng nhà quê trong câu chuyện cổ, không thể giấu được mãi chuyện vua Miđát có cái tai lừa. Ngài có biết, mẹ tôi đã nói gì không? Bà bảo, suốt mấy chục năm qua, mỗi lần chạm tới kỷ vật của cha, người bà lại như bị bao bọc bởi nỗi sợ hãi đến ngợp thở. Cả bà và dượng đều không muốn cho tôi biết cha tôi là kẻ thua trận, nước Pháp là nước chiến bại. Điện Biên Phủ như một vết thương mỗi ngày lại tấy lên trong bà, nhức nhối. Nhưng bà không thể im lặng ra đi, không thể chối bỏ quá khứ. Bà vừa khóc vừa nói với tôi rằng: “ Ferdi, mẹ ngàn lần có lỗi với con. Lẽ ra mẹ phải cho con biết từ lâu. Cha đẻ con chính là đại uý quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương Chritstian Garrand, sỹ quan Tổng hành dinh của tướng Cogny, đã tử trận ở Điện Biên Phủ ngày 14 tháng 4 năm 1954. Con hãy nhớ cái ngày bi thương ấy. Con phải đến Việt Nam. Bằng giá nào con cũng phải tìm đến Điện Biên Phủ…”
- Bây giờ thì tôi hiểu, vì sao ông không mang họ Garrand - Nhà văn Lê Dân nói.
- Đó là một dòng họ cao quí mà tôi đã lấy lại cho các con tôi. Chúng sẽ mang cả hai dòng họ Garrand và Fremont. Tin cha tôi hy sinh tại Điện Biên Phủ, khiến mẹ tôi suy sụp tưởng không thể phục hồi được. Ngài hãy tưởng tượng, một người mẹ trẻ hai mươi nhăm tuổi với một đứa con lẫm chẫm bước đi, khi nghe tin chồng chết mất xác ở tận xứ sở Đông Dương xa xôi, đau đớn đến mức nào. Rất may, khi đó số phận đã mang đến cho mẹ tôi một vị cứu tinh. Pierre Francois Fremont, cha dượng của tôi sau này, vốn là bạn học của cha đẻ tôi. Ông từng yêu mẹ tôi say đắm. Một mối tình tay ba mà người chiến thắng là cha đẻ tôi. Fremont đã bỏ đi biệt xứ khi Critstian Garrand và Alice Catherine Bonnet tổ chức lễ cưới. Biết tin cha tôi hy sinh, đang từ xứ Quebec Canada, Pierre Francois Fremont vội vã trở về. Ông cầu hôn mẹ tôi, đổi họ cho tôi, rồi hai người mang tôi đi khỏi nước Pháp.
- Và từ đó ngài đã mang tên Ferdinand Fremont?
- Vâng. Tôi chỉ được biết mình đã từng có tên Ferdinand Garrand sau khi mẹ tôi cho xem lá thư tuyệt mệnh của cha và nói về Điện Biên Phủ, nỗi kinh hoàng của nước Pháp. Hơn năm mươi năm cha dượng tôi coi tôi như con đẻ, còn hơn cả con đẻ. Dòng họ Fremont là một dòng họ lớn, từng khám phá và khai khẩn xứ Quebec. Tôi lớn lên, vào trường đại học, lấy vợ, sinh con và lập nghiệp ở Montreal, một thành phố tuyệt vời…
Vị tiến sĩ đang dở tập album cho Lê Dân xem những bức ảnh về gia đình và thành phố Montreal tuyệt đẹp thì có khách đến tìm nhà văn. Đó là một ông già cao gầy, tóc bạc trắng, với bộ quân phục màu cỏ úa, trên ngực lấp lánh những huân chương đỏ rực.
- Ôi, người mà tôi muốn giới thiệu với ngài đây rồi. Đại uý Phạm Đức Cư, cựu chiến sĩ pháo binh của chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa.
Tiến sĩ Ferdinand Fremont vụt đứng dậy, chắp hai tay và hơi cúi người, cử chỉ đầy tôn kính.
Lão cựu chiến binh cũng đáp lại bằng cái bắt tay vồ vập, hiếu khách.
- Đây là hình mẫu nhân vật trong cuốn tiểu thuyết mà tôi đang khởi thảo - Sau khi giới thiệu hai người, nhà văn Lê Dân nói với Fremont - Bác Cư là một trong số hơn một trăm cựu chiến binh Điện Biên, những chứng nhân lịch sử vẫn còn sống trên mảnh đất anh hùng này.
- Rất hân hạnh được gặp ngài. Tôi là lính thuộc trung đoàn 367 pháo cao xạ mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954, quê gốc Hưng Hà, Thái Bình, nhưng đã lập nghiệp ở Điện Biên sáu mươi năm rồi - Người cựu chiến binh nói chậm rãi để nhà văn phiên dịch.
Nhà văn Lê Dân nói tiếp:
- Tôi phải nói dài dòng về nhân vật này một chút. Ông là một trong những người đầu tiên của binh chủng pháo cao xạ mới, một binh chủng lần đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam xuất hiện trên chiến trư ờng Điện Biên. Trung đoàn pháo 367, gồm sáu tiểu đoàn của ông cũng là đơn vị pháo cao xạ đầu tiên do Liên Xô tặng. Từ Việt Bắc, họ sang Trung Quốc học và nhận pháo về. Nghe tin được đi chiến dịch Trần Đình (2), ai nấy vô cùng hứng khởi. Vượt đèo lội suối, dòng dã tám ngày mới về tới biên giới, rồi mười bẩy ngày nữa về tới Tuyên Quang. Gian khổ nhất là vượt đèo Lũng Lô, đèo Pha Đin. Đưa những khẩu pháo nặng 2,4 tấn vượt qua những địa hình hiểm trở Việt Bắc, Tây Bắc, trên trời lúc nào cũng bị dòm ngó, bắn phá của máy bay Pháp, quả là một kỳ tích. Chính trong giai đoạn này, đã xuất hiện người anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo …
Fremont nhìn lão cựu chiến binh như nhìn một vị cứu tinh, rồi vội vã cắt ngang:
- Thưa ngài, vậy là ngài có tham gia trận hạ máy bay ngày 14 tháng 4, ngày cha tôi từ Hà Nội lên…?
Phải một lúc sau, khi nhà văn Lê Dân kể lại câu chuyện về đại uý Christian Garrand và sứ mệnh của ông lên Điện Biên Phủ, người cựu chiến binh mới hiểu ra. Ông nhíu mày suy nghĩ một lát, rồi à lên:
- Tôi nhớ ra rồi. Ngày 15 thì máy bay Pháp thả dù cái lon thiếu tướng cho De Castries. Phải rồi, ngày 14 tháng 4 là ngày chúng tôi thắng trận giòn giã. Sáng ấy, khi sương mù chưa kịp tan, thì đại bác quân Pháp cấp tập giã xuống trận địa chúng tôi. Tưởng kho của tập đoàn cứ điểm đã hết đạn, nào ngờ sáng ấy pháo binh Pháp lại hùng hổ đến thế. Việt Minh cũng phản pháo đáp trả. Riêng lính pháo cao xạ vẫn im lặng mật phục. Rồi từ hướng đông nam xuất hiện từng đàn mấy chục chiếc Dakota lao đến thả dù xuống khu trung tâm Mường Thanh. Tiểu đoàn 394 pháo cao xạ 37 ly của tôi khi ấy bố trí ở phía tây bắc. Chúng tôi được lệnh bắn cấp tập không cho chiếc máy bay nào chạy thoát, hoặc buộc chúng phải bay lên cao thả dù lạc sang trận địa phục kích của ta. Nghe lính kháo nhau, tình báo của ta cho biết máy bay Pháp hôm nay có mang theo lon cấp tướng mà Chính phủ Pháp vừa quyết định tấn phong tại trận địa cho De Castries. Vì thế pháo binh ta quyết tóm gọn lon thiếu tướng từ trên trời.
- Và các ngài đã hạ sát được một đại uý thuộc Tổng hành dinh quân viễn chinh Pháp tại Hà Nội? - Đôi mắt tiến sĩ Fremont như lồi ra khỏi cặp kính trắng.
- Rất có thể khẩu pháo của bác Phạm Đức Cư đây đã bắn trúng chiếc máy bay định mệnh đó? - Nhà văn Lê Dân đưa ra giả thiết.
Ông già cựu binh Điện Biên cười hồn hậu:
- Sáng ấy toàn mặt trận hạ được bẩy máy bay Pháp, trong đó có một pháo đài bay B24. Sau này, nghe lính bộ binh nói rằng, họ có bắt được một chiếc dù mang theo một bó hoa lay- ơn và một chai rượu cognac nhãn hiệu Napoleon Fine Champagne thượng hạng…
- Thôi đúng rồi. - Tiến sĩ Ferdinand Fremont ngồi thừ, rồi gục đầu, hai tay ôm lấy mặt.
Tất cả lặng đi, như để qua một phút mặc liệm.
Từ buổi đó, họ có ba người. Nhà văn Lê Dân đảm trách phần phiên dịch, còn ông già cựu chiến binh đóng vai trò một hướng dẫn viên du lịch.
Họ đưa nhau đi thăm hầm De Cástries, đồi A1, D1, tượng đài chiến thắng, các nghĩa trang đồi A1, Độc Lập, Him Lam, cầu Mường Thanh
Đứng trước khu đất có tấm bảng ghi nơi trung tá pháo binh Pirot tự sát, Ferdinand Fremont bần thần hồi lâu.
- Hình như ngài có điều gì muốn nói? - Nhà văn Lê Dân hỏi.
Fremont nhìn người cựu binh già:
- Thưa ngài, ngài có nhớ nơi chiếc dù có bó hoa lay- ơn và chai rượu…
Ông già Phạm Đức Cư buồn bã lắc đầu:
- Sáu mươi năm rồi… Không thể nhớ nổi.
Nhà văn Lê Dân chợt hiểu ra:
- Chúng ta quả là vô tâm. Còn một địa chỉ này mà chúng ta chưa đưa ngài tiến sỹ Fremont đến thăm. Đó là khu nghĩa địa Tây.
Ông già chắp hai tay xin lỗi:
- Tại tôi. Tôi đã viết sẵn ra giấy các nơi cần đến rồi mà lại sao nhãng đi. Ngày Tổng thống Pháp Francois Mitterrand sang thăm Việt Nam n ăm 1994, ngài đã đến thắp hương tưởng niệm những sỹ quan và chiến sĩ quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương đã tử trận tại chiến trường Điện Biên Phủ. Người dân ở đây quen gọi là khu mả Tây. Cũng giống như gò Đống Đa chôn quân Thanh ở Hà Nội, nhưng mả Tây ở đây chỉ là một khu đất bằng…
Họ ghé qua chợ, mua hoa quả và hương nến.
Trong khói hương nghi ngút, tiến sỹ Ferdinand Fremont quì gối, chắp hai tay, thành kính cầu khấn như một người Việt. Vị tiến sĩ sinh học theo đạo Cơ đốc dòng Tên tin rằng linh hồn cha ông, đại uý Christian Garrand, sĩ quan Tổng hành dinh của tướng Cogny tại Hà Nội vẫn còn vương vấn trên mảnh đất này. Bởi vì từ đây về xứ sở Goloa quê hương ông cách trở cả ngàn trùng non nước, mà máy bay của ông thì đã bị pháo cao xạ Việt Minh hạ từ sáu chục năm trước rồi.
Vào ngày cuối trong chuyến viếng thăm Điện Biên Phủ, tiến sĩ Fremont có một đề đạt với hai người bạn:
- Chuyến đi này của tôi chưa thể viên mãn, nếu như tôi chưa đến để kính cẩn nghiêng mình trước một con người vĩ đại.
Nhà văn Lê Dân và người cựu binh già đưa mắt nhìn nhau, như thầm phỏng đoán. Rồi cả hai cùng nói:
- Ngài muốn đến thăm Mường Phăng?
Mắt Fremont sáng lên. Ông làm một cử chỉ như tạ ơn Chúa:
- Vâng, thưa các ngài. Trước khi đến đây, đọc trên báo chí, tôi biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã lãnh đạo quân dân Việt Nam làm nên chiến thắng vĩ đại Điện Biên, vừa qua đời. Hôm đến thắp hương cho cha tôi ở khu tưởng niệm những người lính viễn chinh Pháp, tôi đã cầu khấn cho linh hồn ông và nói rằng, ông là vị Tướng vĩ đại không chỉ của Dân tộc Việt Nam, mà của toàn nhân loại.Tôi không thể đến kính viếng mộ con người huyền thoại này ở Quảng Bình quê hương ông, nhưng tôi muốn đến Đại bản doanh tại Mường Phăng của ông để thắp một nén hương bái vọng...
Vừa lúc đó, một cặp uyên ương xuất hiện. Đó là một chàng trai tóc nâu và một cô gái tóc vàng mắt xanh biếc màu trời Địa Trung Hải. Nhà văn Lê Dân khẽ reo lên. Ông đã nhận ra đôi trai gái này, khi họ đi phượt bằng xe máy trên đường lên cửa khẩu Tây Trang. Quả thật, họ là cặp tình nhân đẹp một cách hoàn hảo đến mức không thể lẫn với ai được.
Fremont vẫy cặp uyên ương đến bên và giới thiệu với hai người bạn vong niên người Việt:
- Đây là Jeane Fremont Garrand, con gái tôi và Mac Bekenbau, chồng mới cưới của cháu. Chúng nhất định theo tôi thực hiện tuần trăng mật đến Việt Nam để tưởng nhớ ông nội. Từ Điện Biên Phủ hai đứa vừa làm một chuyến du lịch sang Luông Prabang bằng xe máy…
Cặp uyên ương vái chào hai ông già Việt rồi sốt sắng chuyển đồ lên xe. Không biết họ đã chuẩn bị từ khi nào mà trên xe đã có sẵn một lẵng hoa rất đẹp và cả hương nến, trái cây.
Trời Điện Biên sáng ấy nắng như dát vàng trên những vòm lá. Chiếc xe Land Cruize chở ba người bạn Việt Pháp và cặp uyên ương như đi trong mây, trong sương, hướng về thánh địa Mường Phăng.
Điện Biên, tháng 12- 2013
Hà Nội, tháng 1- 2014.
(1) Tiếng Ý: Bi hài kịch, trò diễn đã kết thúc
(2) Mật danh chỉ Điện Biên Phủ
Tôi Là Bánh Khúc Đây
Anh nằm thiếp đi trên chiếc đi-văng kê cạnh giường nàng. Đã ba đêm nay anh mới thiếp đi như thế. Sức khoẻ con người cũng có hạn. Không thể lúc nào cũng gồng lên, dù vận hết ý chí.
Đêm qua, đêm kia, có lúc anh tưởng Miên đã đi.
Căn bệnh ung thư quái ác chỉ mới lộ diện ba tháng nay. Trước đó, Miên là một thiếu phụ xinh đẹp, quyến rũ, một cô giáo dạy văn giỏi vừa được bầu làm tổ trưởng bộ môn. Hầu hết những bạn gái cùng trang lứa đều ngầm ghen với Miên. Một người đàn bà đang ở đỉnh điểm của sắc đẹp và danh vọng, có một gia đình hạnh phúc: chồng là giảng viên cao cấp một trường đại học, con trai đang học lớp 11 phổ thông đã có học bổng đi du học ở Mỹ. Và còn bất ngờ này nữa: Đúng giao thừa năm ngoái, khi vợ chồng anh đến chúc tết nhà ngoại, thì được bố mẹ vợ mừng tuổi cho chiếc chìa khoá một căn hộ trong khu chung cư cao cấp Royal Cty. Chiếc “chìa khoá vàng” được chính bà mẹ vợ trao cho con rể, với lời nhắn gửi đầy yêu thương nhưng cũng ngầm cảnh báo: “Chúng tôi trao chìa khoá này cho thằng cháu ngoại tôi. Nhưng anh chị phải cùng nhau giữ đến đầu bạc răng long đấy nhé”.
Sửa sang căn hộ xong, định chuyển về nhà mới, thì Miên trọng bệnh. Bác sỹ viện K nói, bệnh Miên không chữa được, dù có hàng núi tiền, dù đưa ra nước ngoài. Nàng bị ung thư máu thể plus. Căn bệnh quái ác mà nền y học tiên tiến nhất thế giới vào thời điểm này cũng đành bó tay. Bệnh viện khuyên đưa Miên về nhà, một tuần nay. Nhưng bố mẹ Miên và anh chưa chịu đầu hàng. Còn nước còn tát. Anh đang thu xếp đầu tháng tới sẽ đưa nàng sang Singapore.
- Anh ơi, em thèm ăn bánh khúc.
Tiếng Miên yếu ớt, xa xôi như ở đâu đó. Vậy mà anh giật mình bừng tỉnh. Lắng tai, anh nhận ra có tiếng rao ngoài phố, tiếng của một chiếc loa pin văng vẳng trong đêm khuya khoắt:
- Bánh khúc đây… Tôi là bánh khúc đây…
Anh nhìn đồng hồ: Hai giờ mười lăm. Sao bỗng dưng Miên lại thèm ăn bánh khúc vào giờ này? Đã ba hôm nay, nàng không muốn ăn gì. Vất vả lắm mới chịu nuốt một thìa sữa và một thìa nước sừng tê giác mài bằng chiếc máy li tâm. Mà cái ông bánh khúc cũng lạ. Dường như ông ta đạp xe suốt đêm, hay là ông ta phải bán cho đến chiếc bánh khúc cuối cùng? Ái ngại cho những thân phận người. Đổi cả một đêm dài trong mưa gió lạnh chỉ mong kiếm được mấy ngàn đồng.
Anh vén lại chăn cho Miên và cúi sát bên nàng:
- Em muốn ăn bánh khúc thật à?
Miên mở to mắt nhìn anh và khẽ gật đầu. Cái nhìn của nàng cho anh biết rằng hình như nàng đang trở lại tuổi thơ.
Đã bao lần Miên kể với anh về những năm tháng nàng về quê sống với bà nội. Đó là những năm cha biền biệt ở chiến trường Tây Nam, còn mẹ đang học hàm thụ ở trường Đại học Sư phạm để hy vọng chuyển vùng về Hà Nội. Chớm đông, sau vụ gặt, là mùa rau khúc. Rau khúc, giống như một loại cải cúc bé xíu mọc đầy đồng, có khi tạo thành những thảm màu xanh bạc như được phủ nhẹ một lớp sương khói. Bà nội thường dẫn Miên ra những chân ruộng chờ gieo mạ, tìm những đám rau khúc nếp lá to và dày hơn đám rau khúc tẻ. Hương rau khúc thật khó tả. Nó được ướp đẫm sương đêm và có mùi thơm ngọt thật quyến rũ. Chỉ chừng nửa giờ đồng hồ, hai bà cháu đã có một rổ rau khúc tươi non.
- Bố mày ngày trước thích nhất món bánh khúc - Bà nội nói - Lần nào bà làm bánh khúc, bố mày cũng tranh phần các anh chị, ăn đến no bụng, không thiết cỗ bàn gì.
- Con cũng giống bố, con ăn no bánh khúc được - Nàng nói và hau háu nhìn vào chõ bánh khúc đang toả mùi thơm ngậy.
- Cha bố cô. Chỉ cái tinh vi. Rau khúc bà giã nhỏ, bao nhân đậu xanh với thịt ba chỉ, hành tươi, lại đồ trong xôi gạo nếp cái hoa vàng. Đặc sản đấy cô ạ. Ngày xưa chỉ nhà quan mới được ăn bánh khúc này, chứ dân đen làn gì có mà ăn.
- Sao lại thế hả bà? Tưởng rau khúc đầy đồng. Ai muốn ăn, cứ việc…
- Cái loài rau khúc này lạ lắm con ạ - Bà vừa nhai trầu bỏm bẻm, vừa giảng giải cho Miên - Nói là loại rau của người giàu cũng đúng, mà bảo là rau của người nghèo cũng không sai…
- Bà nói con chẳng hiểu gì cả.
- Cái thằng bố mày. Chỉ hay cãi. Món ăn của nhà giàu là như bánh khúc bà đang làm đây. Một năm may ra nhà ta cũng chỉ được ăn một lần vào đầu mùa, chứ làm gì có tiền mà ăn mãi được. Có rau khúc rồi còn phải có thịt lợn, đậu xanh, hành, tiêu, và nhất thiết phải có gạo nếp cái hoa vàng. Vào mùa chim mòng két, tức là mùa lúa tháng mười, có thêm con mòng, con két đồ hấp lên chõ xôi, đi xa hàng cây số đã chảy nước chân răng… Nhưng những thứ ấy không phải nhà nào, mùa nào cũng có. Đa phần người nghèo hái rau khúc độn vào cơm, như độn ngô, độn khoai. Những nhà phòng xa, mùa rau khúc còn đi hái về phơi khô để dành, tháng ba giáp hạt, ghế lẫn với cơm cho đỡ đói…
- Thế thì con biết rồi - Miên bảo bà nội - Sau này con sẽ kiếm thật nhiều tiền dành mua thịt, đỗ xanh, gạo nếp để bà làm bánh khúc cho con ăn trừ bữa.
Ao ước của Miên vậy mà cũng chẳng thành. Khi đứa cháu kiếm được tiền, thì bà nội cũng khuất núi. Mùa rau khúc, mỗi lần về quê tảo mộ, sau khi thắp hương mộ bà nội, Miên thường đi tha thẩn hàng giờ khắp những dược mạ để hồi nhớ về một quá vãng đầy thương mến êm đềm.
Hẳn bây giờ, vào lúc giữa đêm giá lạnh, Miên bỗng chợt nhớ đến bà nội. Bánh khúc chỉ là cái duyên cớ.
Và anh vội vàng khoác áo ấm, ào xuống cầu thang.
Trời lất phất mưa. Cái lạnh như hàng ngàn mũi kim chích vào da thịt. Người bán hàng rong nghe tiếng anh gọi liền quay xe lại. Dưới ánh đèn đường, không nhìn rõ gương mặt giấu dưới chiếc mũ áo mưa, lại được chiếc mũ cối xụp xuống mắt, nhưng qua giọng nói, anh biết người bán bánh khúc còn rất trẻ.
- Em bán bánh khúc suốt đêm à? - Anh hỏi một cách ái ngại, khi chàng trai mở chiếc vỉ buồm, thúng xôi bánh khúc bốc khói, toả thơm ngào ngạt.
- Dạ, mọi đêm giờ này em đã về… Nhưng hôm nay mưa rét…
Anh nghe thấy tiếng răng đánh lập cập trong câu nói của chàng trai.
- Tôi mua giúp cậu. Còn bao nhiêu gói hết vào đi - Anh đỡ lấy túi xôi và dúi tiền vào tay chàng trai - Không cần phải trả lại. Đêm nay tôi và cậu đã đem đến niềm vui cho một người. Thế là chúng ta cùng hạnh phúc…
Anh đỡ Miên, rồi kê cả chiếc chăn bông phía sau cho nàng ngồi tựa. Lâu lắm rồi anh mới lại nhìn thấy gương mặt nàng ngời sáng. Dường như món bánh khúc đã gọi nàng trở lại tuổi thơ.
Hai mắt Miên khép nhẹ. Cánh mũi nàng phập phồng. Nàng đang vận dụng hết khíu giác để tận hưởng hương vị đặc sản quê hương.
Anh lấy ra đĩa một chiếc bánh khúc được bao quanh xôi lạc, lấy đũa gắp cho nàng miếng nhân đậu xanh có thịt.
- Ngon lắm. Nào, để anh bón…
Cánh mũi nàng lại phập phồng. Rồi nàng lấy tay đẩy nhẹ đĩa bánh ra.
- Không phải bánh khúc của bà nội… Em không muốn ăn…
Cái lắc đầu của Miên khiến anh nghi ngờ. Anh nhìn kỹ đĩa bánh. Anh ngửi thật sâu. Cũng có mùi bánh khúc. Nhưng phải ngửi kỹ mới nhận ra.
- Bánh khúc đấy em ạ - Anh dỗ dành vợ - Không thể ngon bằng bánh bà nội làm, nhưng là bánh khúc đặc sản bà Cả Tầm đấy. Cậu bán rong nói thế. Mỗi ngày lò bánh bà Cả Tầm xuất vài tạ, nức tiếng khắp Hà Nội.
- Bà nội ngày xưa không làm bánh khúc xôi lạc. Chỉ đồ bằng nếp cái hoa vàng - Nàng thều thào.
- Bây giờ ít rau khúc, người ta phải độn thêm lạc. Nào, đừng phụ công anh đội gió đội mưa mua bánh khúc về cho em. Cố ăn một miếng đi em… - Vừa bón cho nàng miếng bánh khúc đầu tiên, anh vừa kể một câu chuyện cho nàng vui lên - Mà buồn cười lắm nhé. Ban đầu, khi nghe tiếng rao anh cứ tưởng người bán rong muốn gây ấn tượng với khách hàng, cố tình rao: “ Tôi là bánh khuc đây”. Khi đến gần, nghe rõ tiếng loa pin, lại thấy thúng xôi lạc trộn bánh khúc, anh mới vỡ lẽ.
Miên nhìn anh lạ lẫm, như lâu lắm nàng mới gặp anh, rồi bỗng bật cười:
- Người ta rao: “Xôi lạc, bánh khúc đây” mà anh lại nghe gà hoá cuốc. Buồn cười anh thật đấy.
- Thì lâu nay anh vẫn nghe nhầm. Cứ tưởng người ta mới phát minh ra lối bán rao ấn tượng. Nhưng mà cô giáo ơi. Trông gà hoá cuốc, chứ không phải nghe gà hoá cuốc đâu nhé.
- Người ta thì trông. Còn anh thì nghe. Em bắt trúng mạch anh đấy…
Đang cười, nàng bỗng dừng đột ngột. Có vật gì đó vướng trong cổ họng nàng.
- Chết rồi. Để anh xem. Em bị hóc xương à?
May mà nàng chưa kịp nuốt miếng bánh đầu tiên. Anh phát hiện ra ngay miếng nhân thịt có một mảnh xương dài, tròn như một mẩu tăm. Không còn nghi ngờ gì nữa, bánh khúc đã làm bằng nhân thịt chuột.
Sẽ không bao giờ Miên biết món bánh quê hương mà nàng thèm muốn, món ăn dân giã cuối cùng của đời nàng, lại là món bánh khúc nhân thịt chuột.
Không ai biết, ngoài anh.
Quãng thời gian từ khi ấy trở về sáng, đợi Miên thiếp đi rồi, anh ngồi như hoá đá bên cửa kính, nhìn đăm đắm xuống con phố dưới kia, nước mắt nhạt nhoà. Có thiếu gì một miếng thịt lợn, mà sao người ta nỡ lừa dối cả Miên. Người ta có thể lừa dối anh. Và hàng trăm ngàn người nữa. Nhưng với Miên, một cô giáo suốt đời chỉ biết dạy học trò lòng trung thực, đức tin, tình yêu thương…, một thiếu phụ đang gần đất xa trời, đang níu từng ngày vào cõi nhân gian…, thì đó là tội ác. Còn hơn cả tội ác.
Anh sẽ không nói điều này với ai, nhưng nhất định phải nói với kẻ đêm đêm đang đi đi gieo giắc sự dối lừa kia.
Đêm hôm sau, anh thức đợi.
Nhưng anh không phải chờ đến hai giờ.
Kia rồi. Chừng mười một giờ ba mươi, tiếng loa pin đã vọng lên từ đầu phố: “ Xôi lạc bánh khúc đây”. Thấy chiếc xe đạp từ cua ngoặt góc phố nhô ra, anh đã chạy ra đón đường.
Nhưng người bán bánh khúc đêm nay không phải là cậu thanh niên mà là một ông già.
- Bánh khúc nhân thịt chuột à? - Sau khi nghe anh nói, ông già trợn tròn mắt không tin - Chú xem lại đi. Chú có nhầm không đấy? Tôi bán bánh khúc rong cho bà Cả Tầm hơn hai chục năm trời, có khách nào kêu ca gì đâu? Đời nào một nhà hàng như thế lại lấy thịt chuột làm nhân bánh.
- Tiếc là tôi không giữ lại túi bánh. Đêm qua tôi bỏ vào thùng rác rồi - Anh ức đến nghẹn lời - Vợ tôi bị ung thư. Cô ấy muốn ăn miếng bánh khúc cuối cùng…
Ông già đờ đẫn như chính mình có lỗi. Rồi ông chợt à lên:
- Thôi chết rồi. Tôi nghĩ ra rồi. Đêm qua thằng Nguyện lấy thêm bánh nhà vợ chồng Sa Béo. Chỉ có nhà ấy thôi. Bánh nhà Sa Béo chỉ rẻ bằng nửa bánh bà Cả Tầm. Vợ chồng nhà ấy chỉ làm bánh mà xây được nhà lầu, lại xin cho hai đứa con vào cơ quan nhà nước, toàn ngân hàng với hải quan, hốt ra bạc. Tôi biết thằng Nguyện đang rất cần tiền. Mẹ nó bị ung thư đang nằm viện chú ạ. Đang năm thứ hai đại học, đành bỏ, phải đi rao bánh khúc đêm để lấy tiền cứu mẹ. Nó về quê sáng nay rồi…
Hai tay anh buông thõng. Rã rời. Trời ạ, để cứu một người bệnh ung thư người ta nỡ đi lừa dối một người bệnh ung thư khác sao? Ý nghĩ chua chát như sát muối vào lòng bỗng tan đi khi anh chợt thấy gương mặt thiểu não của ông già.
- Xin lỗi bác. Thế mà tôi cứ trách bà Cả Tầm…
Ông già đứng tần ngần, rồi dè dặt đưa cho anh chiếc bánh ông vừa lấy ra.
- Thế này nhé. Tôi thay mặt mẹ con thằng Nguyện xin lỗi chú. Và đây là tấm lòng của tôi. Chú cầm chiếc bánh này về ăn thử. Bánh khúc bà Cả Tầm chính hiệu đấy. Lá khúc thứ thiệt với nhân thịt ba chỉ, đậu xanh bao trong nếp cái hoa vàng. Chú cứ mang về cho cô. Mai thấy ngon thì mua tiếp. Hôm nay tôi không dám lấy tiền của chú đâu.
Kẻ chối người đưa mãi, cuối cùng anh cũng phải nhận cho ông già vui lòng. Anh muốn nhảy chân sáo về với Miên. Ước gì chiếc bánh khúc này có phép thần làm cho Miên thấy lại tuổi ấu thơ.
12/2013
Hoàng Minh Tường
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cây nghiêng bóng thẳm

Cây nghiêng bóng thẳm Sim ngồi đầu hiên chải tóc cho mẹ mà mắt không thôi ngó cây sấu già trước nhà. Cây sấu này Sim nhổ ở hàng rào nhà ng...