- Hừ, thế đấy. - Phát vớ can bia dốc ồng ộc vào cốc, tu một
hơi. Những giọt bia nhểu cả ra ngoài, bám đầy bọt vào hàng ria mép đen ánh làm
nó ướt sũng như một mớ rễ bèo. - Tao biết mày là một thằng ngu từ lâu rồi. Ngày
ở đội sà lan mày đã nổi tiếng là một thằng ngu. Không ai tự dưng đi cà khịa với
mấy thằng lãnh đạo, khước từ những món hời rồi đùng đùng xin đi bộ đội. Bốn năm
ở bộ đội mày được cái gì? Chắc là hiếm hoi lắm mày mới nhìn thấy một bữa ăn như
thế này? Cái thằng tao, hơn chục năm trước cũng đã từng khốn nạn như thế. Bảo rằng
tao không có lí tưởng ư? Xin lỗi. Tao xung phong đi bộ đội trong lúc những thằng
bạn tao cạy cục xin vào đại học, xin đi nước ngoài. Khi biết tin thằng Phúc hi
sinh ở chiến trường Khe Sanh, tao đã thề sẽ quyết trả thù cho nó. Tóm lại tao
là một thằng lính sống chết với lí tưởng và ngu tín hơn cả những con chiên tử
vì đạo. Nhưng rồi sao? Trở về nhà với hai bàn tay trắng trong cảnh vợ yếu con
còi. Không thể mài cái lí tưởng thành sâm để ngậm mỗi ngày. Mà dẫu có là sâm đi
nữa thì nó cũng chỉ có ý nghĩa với những người sắp chết. Những người khoẻ mạnh
chúng ta hằng ngày cần có thứ nhét vào cái dạ dày. Và mày thấy đấy. Tao đã đi một
nước cờ xoay chuyển toàn bộ cuộc đời - Phát khoát tay. Căn phòng như cao rộng hẳn
ra, lung linh màu sắc bởi cái khoát tay ấy. Trong ánh đèn nêông, chiếc Cup DD70
rực lên như một khối lửa, ba chiếc xe đạp ngoại sáng loáng như trưng bày trong
quầy hàng, chiếc cát xet hai cửa còn để trong hộp xốp. Và tủ li, tủ đứng láng
bóng màu vân gỗ lát, tủ lạnh sáng loá dòng chữ mạ. - Mày xem đó, so với nhiều
thằng ở Hà Nội này tao còn kém xa chúng, nhưng mày phải nhớ là mới mười năm. Đó
là công sức của mười năm tao đã “đổi mới tư duy” trước cả những điều mà người
ta đang hô hào bây giờ. Không có chiếc Ipha ngoài kia, không có cửa hàng của chị
thì đến giời cũng chịu bó tay. Nhà nước trao cho chúng ta công cụ, phương tiện
và ta phải biết biến nó thành tài sản của mình, nguyên tắc sống này đã là kim
chỉ nam cho tất cả những kẻ thức thời bây giờ. Làm sao mà tồn tại nổi mọi thứ tài
sản xã hội chủ nghĩa ở cái thời buổi mà đồng lương chỉ đủ nuôi người ta trong một
tuần? Anh cán bộ bàn giấy ra vẻ đến công sở đúng giờ, ra vẻ hí húi với tài liệu
sổ sách, kì thực là anh ta chỉ ngồi vào bàn một cách chiếu lệ và đầu óc bắt đầu
nghĩ đến xổ số, cám lợn và cái xăm xe đạp vừa bị châm kim. Anh ta tranh thủ mỗi
ngày vài giờ chạy qua chỗ này chỗ kia xếp hàng đong gạo, mua dầu, nhờ xin cho đứa
con vào học hoặc xin cái đơn thuốc. Các phòng ban, vụ viện thì đầy chật các kĩ
tư, tiến sĩ, nhưng chất xám của họ mỗi ngày cứ bạc phếch ra vì chẳng ai cần đến
nó. Tiền bồi dưỡng một ca mổ không bằng tiền vá một cái xăm xe đạp. Một sáng kiến
thu lợi hàng triệu đồng nhưng tiền thưởng chỉ đủ chiêu đãi bạn bè chầu phở. Nhà
văn Lữ Hành của làng ta đây chứ đâu, cái tiểu thuyết của ông ấy chiếu trên tivi
làm xôn xao cả Hà Nội mà tiền nhuận bút chỉ đủ mua vài trăm cuốn sách biếu bạn
bè… Đó, nếu anh tự sống bằng lao động của mình, bằng tài năng của mình thì hưởng
thế thôi. Vậy là người giữ phương tiện thì chiếm hữu, lợi dụng phương tiện, kẻ
giữ vật tư ăn vật tư, giữ tiền ăn tiền, những kẻ không giữ gì cả thì ăn cắp thời
gian của nhà nước…
Cái đầu nóng bỏng của Phú nguội dần. Cho đến lúc này thì nó
đã nguội lạnh hẳn và dường như đang bị rã ra bởi những lời nói thao thao của
Phát. Trong ý thức của anh luôn luôn thường trực một phản ứng cưỡng lại, như thể
anh đã xây chắn sẵn một bức tường thép để ngăn không cho những điều Phát nói lọt
vào tâm trí anh. Vậy mà vẫn vô hiệu.
- Phát nói đúng - Phú nghĩ - Anh ấy không bịa đặt. Anh ấy chỉ
nói lại những điều lâu nay người ta vẫn nói công khai ở các bến tàu xe, quán nước,
thậm chí ở các công sở, các cuộc họp. Những điều này, mấy tháng nay, với quan
điểm nhìn thằng vào sự thật, một loạt các báo chí cũng công khai lên tiếng,
phanh phui hàng loạt vụ việc tiêu cực ở tất cả các ngành, các lĩnh vực của đời
sống. Nhưng có điều nguy hại là Phát nói ra những điều ấy như một người ngoài
cuộc, như là tất cả những tệ nạn những bê bối của xã hội ấy, là sẩn phẩm của những
người khác chứ anh ấy hoàn toàn vô can. Bản thân vợ chồng anh ấy khi khoe
khoang về chuyện làm giàu cũng không bao giờ dám tự nhận rằng họ đã lợi dụng
phương tiện, tài sản của nhà nước như những kể biển lận, những tên ăn cắp…
Tự nhiên Phú có một ý liên tưởng. Anh nghĩ tới một ngôi nhà.
Nó dẫu chưa to đẹp, nhưng đã có một thời là tổ ấm của những người anh em. Thế rồi
một hai người có ý định muốn sống riêng. Họ nậy gạch, phá của, đỡ ngói quây cho
mình những chỗ riêng ấm cúng và kín đáo. Ngôi nhà chẳng mấy chốc sẽ tan hoang dần…
Cái cách lí luận của Phát vừa rồi có khác nào lối bào chữa của kẻ dỡ gạch ngói
đi xây nhà riêng ấy. Nhiều kẻ làm như thế sẽ dẫn đến cảnh kẻ xây được nhà đẹp
và có người không có chỗ ở…
- Tôi biết có nhiều người lái xe như anh nhưng họ không làm
giàu như anh. Chắc anh biết bác Tài Đen, bạn của bố?
Phú kể lại câu chuyện sáng qua ở bến xe.
- Tao còn lạ gì cái lão Tài hâm ấy. Không có thằng phụ nào nó
muốn đi xe với lão. Đói dài ra mà cứ còn muốn dạy đời. Cái danh hiệu chiến sĩ
thi đua ấy của lão, bọn tao cứ coi như tờ giấy loại…
- Vậy thì tôi với anh hết cách nói chuyện với nhau rồi - Phú
đứng dậy. Anh cảm thấy mệt mỏi rã rời và không có hứng thú gì để tranh luận.
- Ở lại để tao bàn với mày dứt khoát về chuyện con Xoan.
- Việc tôi tôi lo. Anh không có chuyện gì phải tham gia vào.
- Đừng có láo - Phát bỗng đấm mạnh xuống bàn, đĩa bát nảy lên
bần bật.
- Kìa anh, sao lại ầm ĩ lên thế? - Năm tất tả chạy từ bếp
lên. Gương mặt mấy đứa trẻ đầy vẻ sợ sệt thập thò sau tấm ri đô.
- Mày đừng có bỉ mặt tao. Tao thách mày lấy được vợ, nếu mày
còn cái thói lếu láo đó.
- Tôi không lếu láo mà tôi chỉ không chịu được cái lối sống của
anh. Với anh bây giờ không có gì hết, ngoài đồng tiền. Vì đồng tiền anh có thể
quên tất cả. Chắc anh đã quên hẳn anh Tựu rồi. Cái người vì anh mà bị hỏng cả
hai con mắt ấy…
- Tao đ. cần nhớ đứa nào hết - Phát gầm lên, chồm người về
phía Phú - Tao không nợ nần gì ai cả. Tám năm ở chiến trường sổ nợ của tao vẫn
chưa được trả hết. Đừng có lên mặt dạy đời. Loại người như mày không dạy nổi ai
đâu.
- Vậy thì tôi cũng không cần anh dậy tôi. Mỗi người đều có
con đường đi của mình.
Phú lùi lũi đi ra cửa. Anh hoảng hốt đứng sững lại khi con
Ních bỗng chồm lên sủa ông ổng một cách giận dữ.
Ngay đêm ấy Phú quyết định huỷ toàn bộ kế hoạch mà anh và
Xoan đã dự định khi họ chia tay nhau ở Thái Bình. Sáng sớm hôm sau Phú ra bưu
điện gửi cho Xoan một bức điện khẩn:
“Có việc gấp anh phải về đơn vị. Bố và anh Phát không xuống
được. Hết phép, em lên thẳng nông trường”.
CHƯƠNG VI
Chiếc Ipha đang mở hết ga lao vun vút trên đường nhựa bỗng
hãm phanh đột ngột, bốn bánh rê cháy mặt đường. Đã qua đoạn rẽ, Phát mới phát
hiện ra anh bị nhầm đường. Thế là đành phải lùi lại một quãng ngắn để bẻ lái
cho xe rẽ vào đoạn đường đất đỏ.
Ngày hôm qua đoàn xe của Phát gồm ba chiếc nhận lệnh đi chở
phân đạm cho một hợp tác xã ở bên kia sông Cầu. Chủ hàng là một người khó tính
và có vẻ keo kiệt. Hình như ông ta là phó chủ nhiệm phụ trách vật tư. Hợp đồng
chở năm mươi tấn đạm. Theo lệnh điều xe, mỗi xe chở một chuyến năm tấn. Bọn
Phát bàn nhau “linh động” “cõng” thêm mỗi chuyến ba tấn, tiết kiệm được bốn
chuyến xe, với điều kiện chủ hàng bỗi dưỡng mỗi tấn chở thêm một ngàn đồng. Lão
chủ hàng cứng nhắc quá, không nghe:
- Đề nghị các đồng chí cứ chở đúng như lệnh điều xe và hợp đồng
đã kí. Chở mười chuyến, có chậm một ngày, hợp tác xã chúng tôi xin nuôi cơm rượu.
Chở quá tải, chúng tôi được sớm chút thời gian, nhưng xe nhà nước bị hư hại. Vả
lại hợp tác chúng tôi nghèo lắm, lấy đâu ra hai mươi ngàn đồng trả tiền quá tải.
Xã viên giao cho tôi đi áp tải hàng là họ đã tính chi li từng cân cước vận chuyển…
Lằng nhằng mãi cũng không thể bóp thêm hầu bao được xu nào của
cái con người keo kiệt ấy. Ba chàng lái xe bàn nhau: Để hai xe “cõng” hàng quá
tải, mỗi xe thêm ba chuyến không lấy tiền bồi dưỡng. Riêng xe của Phát tách ra
đi “đánh quả” cho một chủ hàng khác, lấy tiền chia nhau. Rất may là gặp ngay một
chủ hàng có hai mươi tấn đạm đang méo mặt vì không có phương tiện. Phát nhận đi
luôn ba chuyến, xơi tái hai mươi ngàn đồng. Giải quyết xong “phi vụ”. Phát thống
nhất với hai người đồng nghiệp thời gian “giong” xe về xí nghiệp, rồi anh tranh
thủ đánh xe lên nông trường.
Con đường này, sáu năm trước, với Phát, đã xiết bao quen thuộc.
Chao ơi, mới đó mà đã sáu năm. Sáu năm qua, với Phát mới chính thức là đoạn đời
của một tay xế đầy kinh nghiệm trong việc hưởng thụ cuộc đời, về đủ mọi phương
diện. Nghĩa là anh đã khôn ngoan lọc lõi và đáo để hơn nhiều. Bây giờ, nếu so
Phát với sáu năm trước cũng ví như so một gã lái buôn với một anh nông dân ra
chợ, một cô gái ngoại tỉnh đủ món thập thành với một cô gái quê. Đúng là ngày ấy
Phát sống thật lành hiền và lại có phần còn mơ mộng nữa chứ. Con người ta kể
cũng kì lạ thật. Dẫu là một tên tướng cướp hay một ả giang hồ thì cũng vẫn có
những ngày lương thiện, những mối tình trong sáng, thơ ngây…
Đường vào nông trường không khác gì đường vào Trường Sơn. Chiếc
Ipha ngả nghiêng trên những thùng vũng nhưng cũng không hề làm ngắt đoạn những
dòng kỉ niệm đang ào ạt hiện về trong tâm trí Phát.
Phát nhớ, hồi ấy vào mùa thu. Những vạt rừng bồ đề nông trường
mới trồng đã bắt đầu trút lá. Những cây sau sau dọc hai bên đường lá ánh vàng
như trong bức tranh mùa thu Nga. Từng tốp chim cu gáy từ đâu đó trong những
cánh rừng thưa kéo nhau ra đường nhặt sỏi, dạn dĩ và láu lỉnh như những con
chim nhà.
Mùa thu ấy sao những con suối ở vùng đồi nước trong đến thế.
Qua một đoạn ngầm có thể ngồi trên xe mà soi gương được. Cánh lái xe khi qua ngầm
thường cho xe dừng hoặc đi chậm lại. Sau một đoạn đường rừng quanh co, đầy bụi
đỏ, đây là lúc họ có thể thư giãn, nghiêng đầu qua ô cửa buồng lái để ngắm trời,
ngắm cây, nghe một tiếng chim hót hoặc thích thú nhìn một đàn cá đang bơi lội
quanh một ngầm đá. Có thể coi những lúc ấy là thời điểm nghệ sĩ của người lái
xe. Họ thanh thản và mơ mộng thả hồn vào trong thiên nhiên trữ tình và khoáng đạt.
Một lần, xe Phát xuống ngầm, êm và nhẹ đến mức chính anh cũng
không biết rằng máy vẫn nổ hay xe đang trườn xuống theo quán tính và độ dốc của
đoạn ngầm. Và Phát bỗng bàng hoàng, ngơ ngẩn: Xế trên đoạn ngầm, chỗ con suối
xoáy vào bờ đá tạo thành một vũng rộng và sâu, nước trong vắt và xanh biếc màu
ngọc bích, có ba cô gái đang tắm. Phát đã nghe và đọc những câu chuyện về các
nàng tiên tắm suối. Giờ thì anh đã nhìn thấy. Các cô còn đẹp hơn cả các nàng
tiên. Dưới làn nước trong, những khuôn ngực trần nở căng, nõn nà. Những thân
hình con gái thật mềm mại, duyên dáng, đầy sức quyến rũ. Phát ngây ngất nhìn ngắm,
đến nỗi quên bẵng cả chiếc xe đang chết máy giữa ngầm.
Cũng cần phải nói thêm rằng, cho đến thời điểm ấy. Phát vẫn
còn là một thanh niên hiền lành và khá đức độ về chuyện trai gái. Ngoài Năm ra,
Phát chưa hề biết đến một người đàn bà nào. Tám năm ở chiến trường, coi như một
thời kì gian khổ luôn vật lộn giữa cái sống và cái chết. Thời gian Phát lái xe
trên tuyến đường Trường Sơn, có nhiều lúc thiên nhiên hoang sơ và trữ tình lắm
nhưng lại vô cùng thiếu vắng những gương mặt phụ nữ. Người ta thường thêu dệt về
những mối tình giữa các cô gái mở đường, giao liên với những người lính, nhưng
có lẽ đó là chuyện ở đâu đó, hoặc của những anh chàng tốt số nào đó, chứ với
Phát thì đó quả là những câu chuyện hoang đường. Bốn năm làm lái xe ở đội cầu
Thăng Long, Phát chí thú lo làm lụng xây nhà, lo cho vợ con cái sổ gạo nhà nước,
thế nên cái chuyện trăng hoa anh không màng tới. Vậy là, ba mươi tuổi, gần chục
năm cầm tay lái, Phát vẫn là một chàng lái xe đứng đắn, hoàn toàn đúng theo cái
nghĩa đen của nó.
Bây giờ, trước mặt anh là những nàng tiên đang tắm suối, những
nàng tiên đang có thực trong cuộc đời. Nên bấm còi đánh động cho họ biết hay cứ
coi như một người vô tình đi lạc vào chốn thiên đường?
- Trời ơi, ghét chưa kìa. Xe xuống mà không báo còi cho người
ta biết. - Một cô gái bỗng kêu lên khi chợt nhận ra có người lạ đang nhìn.
Thế là, quáng quàng, hốt hoảng, cả ba cô chạy túa lên bụi
cây: nơi họ để quần áo.
Phát thở dài, gục đầu lên tay lái. Trước cái vẻ đẹp của tạo
hoá, chỉ có những con người bằng gỗ đá mới không biết đắm say.
Cứ tưởng rồi Phát sẽ mất hút ba cô gái ấy, nào ngờ duyên số lại
run rủi cho anh gặp họ. Chiếc xe chết đứng giữa ngầm cho tới nửa đêm, mặc dù
Phát đã xoay trần sửa chữa mấy tiếng đồng hồ.
Phải chờ một chiếc xe nào dó đến kéo khỏi ngầm. Phát nôn nao
mong ngóng đến thắt ruột một chiếc xe lâm nghiệp hoặc một chiếc xe tải của ai
đó bỗng đến. Buồn thay cái đoạn đường miền núi heo hút. Không có một bóng xe
nào. Phát chui lên cabin, bụng đói cồn cào, toàn thân mỏi rã rời và hai mi mắt
cứ trĩu nặng vì cơn buồn ngủ.
Có tiếng động ở cửa kính xe. Phát choàng tỉnh đậy. Trăng hạ
tuần đã lên ngang ngọn cây, sáng vằng vặc. Và thấp thoáng ở dưới kính xe, một vầng
trăng khác, đầy đặn, huyền ảo giữa suối tóc đen dày.
- Anh ơi, dậy đi. Ăn một chút gì không có đói lả đi mất. - Giọng
cô gái trong và ấm quá. Và liền sau đó tất cả khứu giác của anh bị đánh thức dậy
bởi cái mùi xôi nếp sắn thơm lừng, như thể có cả một chõ xôi ai vừa đồ ở đâu
đây.
- Thấy xe anh chết từ chiều, em đoán là anh chưa có hạt cơm
nào vào bụng. Đói và lạnh thế này, khéo anh ốm mất.
Phát đã nhận ra cô gái tắm suối ban chiều. Cô gái xinh nhất
trong ba cô gái. Dưới ánh trăng, gương mặt trái xoan của cô có một vẻ đẹp thật
hiền dịu, một vẻ đẹp mà người ta chỉ có thể tôn thờ, che chở chứ không dám làm
điều gì khiếm nhã.
- Sao em biết anh đói? - Ngay phút đầu Phát đã có thể xưng hô
một cách tự nhiên thân mật như vậy, bởi anh thấy cô còn trẻ quá, kém anh có dễ
đến tám tuổi. Anh đỡ gói xôi từ tay cô gái. Và anh cố chạm tay mình vào cái cổ
tay tròn lẳn ấy một giây, một giây thôi, vì anh thấy cô khẽ lắc đầu sợ hãi và
anh phải rụt nhanh tay lại.
- Em cũng là người nên em biết chứ. Anh ăn đi và nếu có lạnh
thì đến lán đội chúng em nghỉ tạm. Đội bảo dưỡng giao thông chúng em ở chỗ ngã
ba kia.
- Anh phải thức chờ ở đây để đợi xe kéo.
- Phải đến tám giờ sáng mai mới có xe lâm nghiệp - Cô gái
nhìn anh, giọng ái ngại và lo lắng, như thể cô đã quen và hiểu anh từ lâu lắm rồi.
- Thôi em về. Bọn bạn em nó biết thì phiền lắm.
Cô gái toan đi, nhưng Phát vội gọi lại.
- Này em. Thế em tên là gì?
- Em đấy ư? - Dưới ánh trăng, hàm răng cô bỗng trắng ngời, và
một tiếng cười rất khẽ ngân lên - Em là Mến. Nhưng thôi, tên xấu lắm. Anh nhớ
làm gì.
Cô chạy lắp bắp trên đoạn đường ngầm làm vỡ ra những mảng
sóng trăng lấp lánh. Phát nhìn theo đôi bắp chân trần nhoà trong ánh trăng và
tim anh bỗng rộn lên một tình cảm yêu mến, biết ơn mà lâu lắm rồi anh mới gặp lại
ở chính mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét