Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2020

Lê Khánh Mai - Những câu thơ hồn vía

Lê Khánh Mai - Những câu thơ hồn vía
(Đọc tập thơ CÁT MẶN của LÊ KHÁNH MAI
NXB Hội Nhà văn 2001)
Ở bài thơ ”Ảo” trong tập Cát mặn, Lê Khánh Mai viết: ”Câu thơ hồn vía gửi mây bồng bềnh“. Thế nào là câu thơ hồn vía? Nếu hiểu đó là cái bản ngã nhất, tinh túy nhất và cá tính nhất của một người thì riêng tập thơ này ta có thể nhặt ra được những câu thơ có thể gọi là hồn vía của Lê Khánh Mai muốn gửi vào cõi bồng bềnh.
Ngay câu lục bát trong bài ”Tự cảm” dùng để đề từ cho cả tập thơ ta đã thấy hồn vía của tác giả nữ này: “Trót dan díu với mưa nguồn/ Trái tim chớp bể mãi còn đa đoan”! Ở đây bất giác có sự liên tưởng đến một tác giả nữ khác, nhỏ hơn Lê Khánh Mai một phần tư thế kỷ, là Vũ Thị Tú Anh, đã trả lời phỏng vấn trên báo Người đẹp: “Là nữ thi sĩ đâu cứ nhất thiết phải đa đoan”! - Tại sao thế nhỉ? Một đã đứng tuổi, một còn trẻ măng; một ở tít mù xứ Bắc, một ở tít tận phương Nam; một người khi nói và một người khi viết, không hề hay biết gì ý nghĩ của người kia, vậy mà… như một thảo luận, tranh luận về quan điểm sống và sáng tác! Thì thôi vậy, cứ tùy quan niệm, tùy cách thức xử trí và số phận, thân phận từng người. Ở đây ta thử tìm cái nỗi đa đoan của riêng Lê Khánh Mai qua tập thơ Cát mặn.
Không đa đoan làm sao viết được những câu thơ này: “Thơ em chao giữa hai miền hư thực/ Cơn mơ lành cũng hóa chênh vênh/ Thơ và anh/ Em giằng xé phân thân/ Con thuyền nhỏ chòng chành hai phía sóng” (Khát). Không”đa đoan sao được khi mà, nhìn những chiếc lá xanh thường tình muôn thuở, tác giả lại bật thốt lên: “Dẫu là một kiếp phù sinh/ vẫn xanh vật vã hết mình thì thôi” (Lá). Cái hồn vía của câu thơ này là “vật vã hết mình”, sao mà đớn đau tội nghiệp cho kiếp lá đến thế! - Kiếp lá hay là kiếp người nữ sĩ?!
Ở một bài thơ khác- bài Nghĩ bên biển - Lê Khánh Mai viết:  “Vì sao biển không nguôi vị mặn/ Dưới lòng sâu/ quằn quại một niềm đau ”Còn ở bài nỗi niềm lại viết: “Buồn ơi gọi chẳng thành tên/ Sao như giằm sắt găm lên tim này/ Gía mà hóa kiếp loài trai/ Đau kia kết ngọc/ cho người long lanh”! Đích thị cái con người này là quá đa đoan! Đã nhận phận mình là kiếp lá vật vã sống, lại nhận mình là lòng biển quằn quại đau, còn nhận làm loài trai mang trong mình thương tích để kết ngọc cho đời! Những câu thơ không nguôi đau đáu nỗi đời ấy biết có hóa giải phần nào nỗi niềm nhân thế? Ta chỉ thấy sau những ưu tư thao thiết nhân tình ấy tác giả đã bằng lòng nhận về mình những thua thiệt cho thân phận: “Tôi gom hương sắc tháng ba/ Tặng riêng tôi/ một phận hoa lỗi mùa” (Viết cho một mùa sinh).
Nghiệp thơ đa sầu đa cảm ấy có lẽ sẽ không buông tha người thơ nữ này bởi vì: “Những câu thơ như chú ngựa bất kham trong lồng ngực” cứ mãi thôi thúc Lê Khánh Mai “khát viết những vần thơ định mệnh” (Khát)! Đúng là định mệnh! Định mệnh đã bắt Lê Khánh Mai làm thơ nên định mệnh đã buộc Lê Khánh Mai vào vòng khổ lụy khó lòng tránh khỏi, giống như: “Bao nhiêu con sóng đi hoang/ Vẫn không thoát được đại dương ngàn trùng”, mà người thơ thì có khác gì sóng đâu: “bạc đầu sóng vẫn dại khờ/ Khi yêu vồ vập như trò trẻ con“ (Sóng). Dại khờ, vồ vập, trẻ con vì quá nồng nhiệt nên: “Ngàn năm giấu lửa để nhen một chiều” (Giây phút tình cờ)... Ngọn lửa nén ngàn năm trong bao vỉa tầng tâm cảm này khi đã được nhóm nhen thì cũng bùng lên mãnh liệt: “Là mình ở giữa người ta/ Cháy lên ngọn lửa để mà tàn tro“ (Là mình).
Ngoài những câu thơ tự sự đằm sâu triết lý nhân sinh của một tâm hồn đa đoan mà đằm thắm ấy, Lê Khánh Mai còn có những câu thơ hay khác ở mảng tả cảnh, trữ tình. Hãy xem cảnh đêm ở núi rừng hoang dã Tây nguyên: “Những cơn gió la đà say ngật ngưỡng/ Kìa góc trời/ lơ lửng một liềm trăng” (Uống rượu với bạn thơ Đăklăk), hoặc chỉ hai câu thơ tả cảnh buổi sớm ở thôn quê mà người đọc phải vận động cả thị giác, thính giác và cảm giác khi thưởng thức: “Trâu ra chuồng lịch kịch phì phà sương/ Móng trâu gõ một điệu buồn vạn thuở” (Ký ức mùa đông). Cái đồng quê ấy, ngoài hình ảnh con trâu cày của cha đã khá hay lại còn có chiếc đòn gánh của mẹ cũng rất gợi hình tinh tế: “Lời ru mặn cả trưa nồng/ Mẹ tôi đòn gánh vít cong bóng chiều” (Cát mặn). Và, cái quê nhà ấy càng thêm vời vợi trong tâm tưởng khi ta đọc được lời tự thú rất đỗi ngậm ngùi của đứa con xa: ”Bây giờ thành thị ta say/ Quê nhà hoa khế rụng đầy vườn hoang” (Cây khế trong vườn mẹ).
Những câu thơ vừa nhặt trên đây trong tập thơ Cát mặn - tập thơ thú tư của Lê Khánh Mai - theo tôi là những câu thơ hồn vía của nhà thơ nữ này. Và tôi tin đó cũng là những câu thơ hay của thơ hiện nay.
Tạ văn Sĩ
Nguồn: Báo VĂN NGHỆ TRẺ, Số 42,
ngày 16-10-2005. Bản của tác giả
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXXThời của thánh thần 4

Thời của thánh thần 4 Chương 22 Người trở về Cơn mưa rả rích khiến đêm thật dài. Nghe rất rõ cành cây khô bên đầu trái nhà rơi xuống m...