Thứ Tư, 8 tháng 7, 2020

Tư duy nghệ thuật thơ Bích Khê - Nhìn từ các cấp độ hình tượng thơ

Tư duy nghệ thuật thơ Bích Khê
Nhìn từ các cấp độ hình tượng thơ 
1. Cuộc đời - “thơm như sữa lúa”
“Bất cứ hiện tượng nào được xây dựng lại một cách sáng tạo trong tác phẩm nghệ thuật, đều là hình tượng nghệ thuật” [18;594]. Thơ là hình thức nghệ thuật sử dụng ngôn từ làm chất liệu xây dựng hình tượng. Hình tượng trong thơ phong phú, đa dạng với những biến hóa ngẫu hứng phụ thuộc vào cảm xúc và độ nhạy của tâm hồn nhà thơ. Vì thế, hình tượng trong thơ, ở một chừng mực nào đó, không nhất thiết phải là một hình hài cụ thể có thể nhìn thấy hoặc sờ mó được như trong hội họa, điêu khắc hay một số hình thức nghệ thuật khác. Người ta chỉ có thể cảm nhận được hình tượng thơ bằng linh cảm và vẽ lại những hình tượng ấy bằng óc tưởng tượng của mình để chiêm nghiệm và chiêm ngưỡng nó. Với các nhà thơ, cuộc đời luôn là một hình tượng mang tính bao trùm và thâu tóm mọi cảm xúc từ họ. Mỗi người nhìn và phản ánh cuộc đời theo cách riêng của mình. Bích Khê cũng vậy, với một tư duy nghệ thuật hiện đại nhưng vẫn không mất đi chất phương Đông vốn có, cuộc đời trong thơ ông gần gũi nhưng cũng lại hết sức bí ẩn. Ông nhìn cuộc đời từ phía sắc màu và hương thơm - những thứ mà nếu thiếu nó, chắc hẳn cuộc đời sẽ không còn thi vị nữa. Đọc thơ Bích Khê, cho phép ta hình dung cuộc đời trong mắt ông lúc nào cũng “thơm như sữa lúa” – thứ hương thơm tự nhiên, bình dị và thuần khiết, rất thân thuộc nhưng không dễ nắm bắt. Đó là thứ hương thơm mà bản thân nó hàm chứa ngàn vạn sắc hương tỏa ra từ mọi ngõ ngách của cuộc sống con người. Và dĩ nhiên, ngàn vạn sắc hương ấy được nói đến theo cảm quan của riêng nhà thơ. Viết về cuộc đời, thơ Bích Khê thực sự là những “đường kiến trúc nhịp nhàng theo điệu mới” như ông quan niệm.
1.1. Muôn sắc màu khoái lạc
1.1.1. Sắc màu của thiên nhiên thường được Bích Khê nói đến khi mở lòng mình ra với cuộc đời. Nhưng đó không phải là những sắc màu rực rỡ nhất. Dường như, Bích Khê ưa nói đến những gam màu lạnh và dịu nhưng không thiếu vẻ gợi cảm như: trắng, xanh, lam nhung, xanh nhung…, đặc biệt là vàng. Và, có lẽ, chính những gam màu ấy đã mang lại cho ông rất nhiều cảm hứng sáng tạo. Bích Khê như tìm thấy bên trong những gam màu mà ông yêu thích sức mạnh của sự lan tỏa. Từ Tinh Huyết đến Tinh Hoa, ta bắt gặp rất nhiều những hình ảnh:
- Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trắng
- Vàng sao nằm im trên hoa gầy
- Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông                 
- Lam nhung ô! màu lưng chừng trời;
Xanh nhung ô! màu phơi nơi nơi.
- Ô trời hôm nay sao mà xanh?
Ngọc trăng xây vàng trên muôn cành…
- Khung trắng trời mây trắng lạ thường
- Với đôi dòng suối sữa trắng như tinh
Rồi lá vàng, trăng vàng, hoa vàng, sao vàng, đêm vàng, sóng vàng, lệ vàng… tất cả hợp thành một mảng màu đầy ám thị đối với người đọc. Từ đó, gợi ra những liên tưởng thú vị về thế giới tự nhiên. Thế giới ấy, không độc lập với con người mà gắn liền với những khoái cảm dậy lên từ phía tâm tư con người. Bích Khê không cố ý miêu tả lại những màu sắc vốn có của thiên nhiên, những màu sắc ấy thường bật ra từ cõi vô thức khi ông miên man, chìm đắm trong cõi mộng:
Trăng gây vàng, vàng gây nên sắc trắng
Của gương hồ im lặng tợ bài thơ.
Chân nhịp nhàng, lòng nghe hương nằng nặng
Đây bài thơ không tiếng của đêm tơ.
Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trắng
Của hồn thu đi lạc ở trong mơ…
(Mộng cầm ca)
Vì thế, có cảm giác như màu sắc không ăn nhập gì với ý tưởng nhưng kỳ thực, nó lại hết sức lôgic trong mạch tư duy của nhà thơ. Màu sắc như là cách để Bích Khê có thể dồn vào đó những ý nghĩ không thể diễn đạt được. Cứ đều đặn thế, trong những bài thơ ông viết, khi mà cảm xúc bị đẩy đến tận cùng thì bật ra màu sắc. Màu sắc xuất hiện đột ngột và đem đến nhiều bất ngờ cho người đọc:
Buồn lưu cây đào xin hơi xuân
Buồn sang cây tùng thăm đông quân
Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông.
(Tỳ bà)
Khi mà nỗi buồn như đang mải miết tìm nơi trú ngụ, bỗng dưng “vàng” từ đâu túa ra, phủ tràn không gian khiến thu bỗng trở nên “mênh mông” diệu vợi. Hình ảnh nỗi buồn, cây ngô đồng hay thu mênh mông chỉ còn là những hình ảnh mơ hồ trong ý niệm. Còn lại duy nhất một sắc vàng rơi đầy ám ảnh. Sắc vàng làm tan chảy mọi ưu phiền, lòng người bỗng nhẹ tênh trong miên man hoài nhớ về những buồn vui, đắng ngọt của một mối tình thi vị nhưng ngắn ngủi đã đi qua.
Cũng có lúc màu sắc xuất hiện ngay từ những câu mở đầu của một bài thơ, bài Hoàng hoa là một ví dụ:  
Lam nhung ô! màu lưng chừng trời;
Xanh nhung ô! màu phơi nơi nơi.
Vàng phai nằm im ôm non gầy…                        
Từ lam nhung, xanh nhung, vàng phai, Bích Khê mở ra những cảm xúc chan chứa trong ông khi nghĩ về nỗi nhớ nhung, nỗi sầu mong và những khát khao của một người thiếu phụ ngóng trông chồng…  
1.1.2. Nếu sắc màu thiên nhiên giúp Bích Khê mở lòng mình ra với cuộc đời thì sắc màu của thiếu nữ và ái ân luôn làm cho ngòi bút sáng tạo của Bích Khê giàu cảm hứng. Đó là những sắc màu quyến rũ và thánh thiện, nó bật ra từ mắt, từ môi, từ da thịt… Nhìn bức tranh Tố Nữ khỏa thân, Bích Khê thả hồn vào tranh và mê đắm hỏi: 
Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm?
Nàng là hương hay nhan sắc lên hương?
Mắt ngời châu rung ánh sóng nghê thường;
Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc
Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc.
Một chút trăng say đọng ở làn môi.
(Tranh lõa thể)
Cả bức tranh lõa thể “lồ lộ một tòa hoa nghiêm động” khiến thi nhân vừa “miên man uống mộng quỳnh dao”, vừa tưởng tượng ra bao điều kỳ thú:
Bóng thời gian phải quỵ dưới chân nàng
Xuân muôn đời đi giữa một vùng tang! 
Để rồi thốt lên không giấu giếm: “Người thi nhân, vẻ đẹp của khiêu dâm”. Ngòi bút của Bích Khê thực sự thăng hoa khi đứng trước vẻ đẹp của những nàng thục nữ yêu kiều, ông như đọc ra từ nhan sắc ấy tất cả những ái - ố - hỉ - nộ của cuộc đời. Cả bài thơ Sắc đẹp bộc lộ rõ nét một tư duy nghệ thuật phức hợp, đa chiều trong cách thể hiện hình tượng của Bích Khê. Hình ảnh thơ cứ đối nhau chan chát, khi thì “đẹp như trăng”, khi lại “như thanh gươm vấy máu”, khi “thơm tho như xạ”, khi lại “như một điềm quái lạ”… Dù vậy, chúng vẫn gợi ra những khao khát ái ân: “Hồn người mê Sắc đẹp trên giường”. Thậm chí, trước sắc đẹp của “cô gái ngây thơ”, Bích Khê hình dung ra cả “màu trụy lạc vờn trên không khí mộ”. Có thể nói, chiêm ngưỡng và khát khao chiếm đoạt cái đẹp là bản chất tự nhiên của cuộc sống, con người. Bích Khê đã biến bản chất tự nhiên ấy thành những sắc màu lung linh trong thơ ông. Nói đúng hơn, Bích Khê đã họa lại bằng thơ vẻ đẹp thiếu nữ và những đam mê trần tục của con người hết sức tinh tế, đầy gợi cảm nhưng vẫn giữ được nét kín đáo cần thiết. Đọc Đồ mi hoa, Bàn chân, Quả măng cụt, Cô gái ngây thơ hay nhiều bài thơ khác nữa, ta đều cảm nhận rất rõ lối tư duy nhất quán ấy của Bích Khê.           
1.1.3. Bên cạnh những đối tượng mê đắm mà ta vừa xác nhận, Bích Khê còn khám phá cuộc đời từ sắc màu của bệnh tật và chết chóc. Dù nói đến bệnh tật và chết chóc, nhưng Bích Khê không đưa người đọc vào nhà thương hay bãi tha ma. Không hề có dáng dấp của ám khí và nỗi ghê rợn ở đây. Bích Khê nhận ra từ bệnh tật và chết chóc vẻ rạng rỡ, kiêu sa tiềm ẩn trong nó. Ông đã “khám phá ra mối liên hệ mới, chưa từng thấy” trong quá trình kiến tạo tư duy nghệ thuật của mình. C.Baudelaire quan niệm rằng: cái đẹp không ở trong một thế giới riêng mà nằm ngay trong những điều tầm thường nhất. Bích Khê đã tiếp thu quan niệm mới mẻ này của Baudelaire khi biến chiếc sọ người thành:
Ôi khối mộng của hồn thơ chếnh choáng!
Ôi buồng xuân hơ hớ cánh đào sương!
Ôi bình vàng! ôi chén ngọc đầy hương!
Ôi hồ nguyệt đọng nhiều trăng lấp loáng!
Ôi thần tình! Người chứa một trời thương.
(Sọ người) 
Người đọc như thả hồn phiêu lãng trong thế giới Sọ người của Bích Khê với “khối mộng”, “buồng xuân”, “bình vàng”, “chén ngọc”, “hồ nguyệt”, “đêm vàng”, “nhựa thơm”, “biển ngọc bích”, “hoa thần bí”, “động đào nguyên”… Tất cả đều gợi lên bóng dáng của một thế giới thần tiên, đẹp lộng lẫy; mọi cảm giác sợ hãi như tan biến vào cõi hư vô, chỉ còn lại những tê mê choáng ngợp.
Ai cũng biết Bích Khê phải sớm từ giã cuộc đời vì căn bệnh lao phổi quái ác. Dù luôn sống trong nỗi giày vò của bệnh tật: “Muôn u phiền đầy đặc ứ trong đầu - Muôn sầu hận xây mồ ngay giữa phổi” nhưng Bích Khê lại tìm thấy ở đó những phút giây khoái cảm nhất:
Nhạc khiêu vũ đâu đây lan sóng múa
Tôi tưởng chừng… da thịt biến ra thơm
Những đầu lâu rã hết khí xanh dờn
Những xiêm áo bay rờn trong cảnh mộng
Cả địa ngục đi vào trăm lỗ hổng
Bắn tinh ra trộn trạo giữa nguồn hương
Khổ thơ này được lặp lại tới 5 lần trong phần III của bài Châu. Như vậy, rõ ràng trong quan niệm của Bích Khê, cái chết và bệnh tật không phải là điều đáng sợ nhất đối với con người, nó nhẹ nhõm và thú vị biết bao, nó có thể mang lại cho con người những tưởng tượng đẹp đẽ về một tương lai khác, ở một thế giới khác. Bởi một lẽ giản đơn, nó luôn là một phần không thể thiếu của cuộc đời này. Vì thế, trong bài Cặp mắ Bích Khê đã thực sự thanh thản khi nói về cái chết:
Hơn một bận ta đi vào cõi chết
Cạy nắp hòm tìm thi vị cao sang
“Cõi chết” là nơi ông vẫn có thể tìm ra “thi vị cao sang”, tìm ra những ý vị sâu xa của thế giới bên kia.         
Tóm lại, “muôn sắc màu khoái lạc”, như Bích Khê đã thể hiện trong thơ, là một phần không thể tách rời trong hình dung mới mẻ của ông về cuộc đời.     
1.2. Những hương thơm thanh khiết
Trong bài thơ Ăn mày, Bích Khê đã gọi tên C.Baudelaire với sự ngưỡng vọng và niềm tôn kính sâu xa:
Baudelaire! Người là Vua Thi Sĩ!
Cho xin trụm bao nhiêu mùi thi vị,
Phả hơi lên, truyền nhiễm thấu trần ai…
Nối bước tiền nhân, Bích Khê đã khám phá “bao nhiêu mùi thi vị” từ cuộc đời để làm đẹp thơ mình với tinh thần “phả hơi lên, truyền nhiễm thấu trần ai”. Bích Khê quả thực xứng đáng là “bề tôi” trung thành của “Vua Thi Sĩ”, khi ông không chỉ cho người đọc thấy được chân dung cuộc đời qua những sắc màu huyền diệu mà ông còn phác họa cuộc đời bằng những hương thơm thanh khiết, để người đọc có thể tận hưởng trọn vẹn những dư vị ngọt ngào trong lòng nó.
1.2.1. Linh cảm đặc biệt của một hồn thơ nhạy cảm đã giúp Bích Khê tìm thấy muôn ngàn hương thơm của vạn vật trong thế giới mà ông đang có mặt. Và, trong quá trình tư duy sáng tạo nghệ thuật, Bích Khê đã biến những hương thơm ấy thành đối tượng nghệ thuật trong thơ ông. Hương thơm như là chất keo kết dính những tầng bậc cảm xúc vốn rất giàu có nơi ông. Bích Khê luôn cảm thấy hưng phấn và sảng khoái khi đắm mình giữa bát ngát mùi hương:
Đây bát ngát và thơm như sữa lúa;
Nhựa đương lên: sức mạnh của lòng thương;
Mùi tô hợp quyện trong tơ trăng lụa;
Đây dạ lan hương, đây đỉnh trầm hương;
Đây bát ngát và thơm như sữa lúa;
- Hồn xạ hương phơ phất ở trong sương.
Ngòi bút của ông, vì thế, cũng thỏa thích vẽ nên những đường hương rộng mở. Đoạn thơ trên là mở đầu cho Mộng cầm ca, Bích Khê đã tụ hội về đây những hương thơm tinh túy nhất mà cuộc sống ban tặng cho con người. Chính chúng là cánh cửa mở toang thế giới tâm hồn dạt dào cảm xúc trong ông để ông có thể phát huy tối đa sức tưởng tượng của mình, khi lạc bước giữa mộng cầm ca ngập tràn âm sắc. Có rất nhiều những bài thơ của ông như: Nàng bước tới, Cô gái ngây thơ, Nhạc, Xuân tượng trưng, Châu, Một cõi trời…, hình ảnh nắng thơm, nhạc thơm, hoa thơm, cỏ thơm, khí trời thơm, nụ cười thơm… đã trở nên quen thuộc. Trong bài thơ Nàng bước tới, ông viết:                             
Nàng bước tới như sông trăng chảy ngọc;
Như nắng thơm hớp đặc cả nguồn hương
Là nơi đây đoàn tụ nhạc mười phương
Ứ thành xuân cho niên hoa bất tuyệt.
Hình ảnh nàng bước tới “như sông trăng chảy ngọc” không phải là một kiểu tư duy lạ trong thơ, nhưng khi nói “như nắng thơm hớp đặc cả nguồn hương” thì có lẽ chỉ trong thơ Bích Khê ta mới gặp. Từ đây, Bích Khê cho thấy sự tương giao, tương hợp của vạn vật. Đó là lối tư duy bất chợt đầy cảm xúc, khó lý giải nhưng lại gợi lên nhiều ám ảnh thú vị đối với người đọc. Đọc thơ Bích Khê, hẳn không ai trong chúng ta lại có thể bỏ qua những câu thơ như thế này:                          
Những cặp môi cười gươm sắc lẹm
Chóa lên không khí dội hương vang.
(Mộng lạ)
Hương thơm đột ngột xuất hiện cuối khổ thơ, làm mềm lại hình ảnh “những cặp môi cười gươm sắc lẹm” và mở ra một không gian ngây ngất mùi hương. Điều đặc biệt là, mùi hương ấy vang xa chứ không bay xa: “dội hương vang”. Đây lại là một kiểu tư duy lạ nữa của Bích Khê. Không chỉ có vậy, lời nói cũng “nức ra hơi hương”, mỗi cái “liếc yêu” cũng “phảng phất mùi hương”, đến cả “hồn tôi” cũng “như đỉnh hương”… Có thể thấy, vạn vật mở ra trước mắt Bích Khê, đâu đâu cũng dậy nức mùi hương. Những hương thơm ấy như ào ra từ hồn phách ông, từ ý nghĩ ông và cứ thế tự nhiên tuôn chảy trong nguồn mạch thơ bất tận trong ông. Đây cũng có thể xem là một điểm khác biệt giữa tư duy nghệ thuật thơ Bích Khê và các nhà Thơ Mới thế hệ ông.
1.2.2. Nếu hương thơm từ vạn vật được Bích Khê thâu tóm bằng linh cảm đặc biệt của mọi giác quan thì hương thơm toát ra từ da thịt của con người được ông cảm nhận bằng những khát khao tinh tế. Đó là thứ hương rất đời, rất người, vừa trần tục lại vừa thánh thiện. Bích Khê thực sự bị hấp dẫn bởi hương thơm của da thịt. Trong thơ ông, nó tạo ra rất nhiều những liên tưởng bất ngờ. Không phải ngẫu nhiên mà ông ví hương vị của trái măng cụt “múi mát tợ thịt thơm”. Không bị hấp dẫn, Bích Khê cũng sẽ không có những câu thơ tuyệt vời thế này:
Có cặp lông mày phớt ráng đêm
Dậy như men rượu gợi mơ thèm
Có gì uyển chuyển trên da thịt
Nức một đường thơm một điệu êm
(Châu)
Hay:
Gió thiệt đa tình hôn mặt hoa
Thơm tho da thịt bắt say ngà
(Hiện hình)
Tinh tế trong từng hình ảnh, từng chi tiết, Bích Khê đã diễn tả xuất thần thứ hương thơm quyến rũ từ da thịt. Nó không chỉ được cảm nhận bằng khứu giác “nức”, “thơm tho” mà bằng cả thị giác “đường thơm” và thính giác “điệu êm”. Bích Khê nhận ra rằng, “hương da thịt còn thơm hơn chất xạ”. Nên khi cảm xúc dâng lên đến tột đỉnh, ông không kìm chế được và đã thốt lên đầy ngưỡng mộ: “Hoan hô xác thịt chiếm ngôi thần” (Mộng lạ). Táo bạo, Bích Khê đã có một bước đột phá mạnh mẽ trong tư duy nghệ thuật khi thay cái nhìn e dè vốn có trong tư tưởng con người phương Đông bằng cái nhìn trực diện về xác thịt. Vì vậy, ý nghĩ “tưởng chừng… da thịt biến ra thơm” luôn đồng hành cùng ông, tạo cho ông cảm giác “khoái lạc ửng hồng như quả gấc”, dù đứng trước niềm hạnh phúc hay những mất mát, đau thương của cuộc đời. Có thể nói, để định vị hương thơm của da thịt, Bích Khê đã “chạm đến tận cùng của nhục dục để rồi nó bật tung lên vời vợi của sự thanh khiết” [34;47]. Chính ảnh hưởng quan niệm của chủ nghĩa tượng trưng và nỗi đau đớn của bệnh tật đã làm bật lên trong ông những khát khao khoái lạc, để từ đó làm thăng hoa những ý nghĩ trần tục nơi ông:
Tôi nhìn đâu thấy cặp đùi non
Một vẻ tơ mơ một vẻ ngon…
Tôi hốt ghen tuông hình ảnh mộng
Rêm rêm khoái lạc - khói sương vờn
(Châu)
Không hề bị dị ứng bởi lối nói theo kiểu “lột trần” hiện thực của Bích Khê, người đọc vô hình trung bị cuốn theo những câu thơ chứa đựng cảm xúc bản năng đầy hấp lực trong các sáng tác của ông. Và, tự lối nói ấy đã bộc lộ một tư duy nghệ thuật độc đáo và bản lĩnh của người thi sĩ đa tài này. 
1.2.3. Trong thơ Bích Khê, ta còn bắt gặp một hương vị đặc biệt khác. Đó là hương thơm của cái chết. Nghe ra thật khó tin, nhưng thực tế, thơ Bích Khê cho thấy điều đó là có thật. Bích Khê đã tìm thấy ở Sọ người, ở Nấm mộ, một thứ hương thơm huyền hoặc, quyến rũ. Sọ người là cái thường gợi cho ta cảm giác bất an, sợ hãi. Nhưng khi viết về cái vật thể còn lại ấy, Bích Khê lại tạo cho người đọc cảm giác ngược lại, yên ổn và thi vị:
Một đêm vàng - một đêm vàng âm điệu
Đầy nhựa thơm, xanh mịt ngàn phi lau
Mộng ngời lên bay đến một bến tàu –
Biển ngọc bích, thuyền buồm say sóng dịu;
Hương ngọt ngào, ánh sáng chớp mau mau.
Thế giới của cái chết, bên cạnh những sắc màu rực rỡ còn tràn ngập hương thơm: “đầy nhựa thơm”, “hương ngọt ngào”. Tình yêu cuộc sống và nghệ thuật đã giúp người nghệ sĩ tài hoa mở ra những chân trời xa thẳm của sự sáng tạo. Từ hình ảnh cái sọ người, Bích Khê gợi lên bao điều kỳ thú và một trong những điều kỳ thú ấy, chính là việc ông phát hiện ra màu vị của sự chết chóc. Nó cũng ngọt ngào và quyến rũ như ngàn vạn thứ hương thơm khác trên đời góp phần làm đẹp cho đời. Hay nói đúng hơn, “sọ người” chỉ là cái cớ để Bích Khê nói về một thế giới khác do ông tưởng tượng ra.
 Bệnh tật thường đi kèm với những ám ảnh về cái chết. Bích Khê cũng ở trong hoàn cảnh như vậy, nhưng điều đó dường như chỉ làm ông tỉnh táo hơn và làm giàu có hơn óc tưởng tượng của ông mà thôi. Dự cảm cuộc ra đi của mình về thế giới bên kia trong bài thơ Nấm mộ, Bích Khê xem cái chết - tức giây phút “hồn tôi đã thoát để tiêu dao” là một cuộc “trở về” giữa một không gian bát ngát hương:                        
Rồi những mùa thu vô hạn thương
Trở về dưới biếc chập chờn hương…
“Đặc trưng nghệ thuật của hình tượng được xác định không chỉ ở việc nó phản ánh và lý giải thực tại, mà còn bởi việc nó sáng tạo ra một thế giới mới, khác thế giới thường – thế giới mang tính hư cấu. Bên cạnh bản chất nhận thức, hình tượng còn có bản chất sáng tạo. Hình tượng nghệ thuật là kết quả của hoạt động tưởng tượng, nhằm tạo ra một thế giới với những nhu cầu và định hướng về tinh thần của con người, ứng với hoạt động có chủ đích, với lý tưởng của con người”[18;594].
Mang đến cho người đọc một ấn tượng khác về hình ảnh cuộc đời từ màu sắc và hương thơm, Bích Khê thể hiện một tư duy sáng tạo nghệ thuật hoàn toàn mới mẻ theo tinh thần ấy.
2. Con người - “chứa một trời thương”
Trong tác phẩm nghệ thuật, “thông thường và quan trọng nhất là hình tượng con người” [18;594]. Cũng là tác phẩm nghệ thuật, nhưng do đặc thù của thơ, tác phẩm thơ khác với tác phẩm văn xuôi trong việc thể hiện hình tượng con người. Nếu truyện hay tiểu thuyết xây dựng hình tượng con người cụ thể, có hình hài, tên tuổi thì trong thơ hình tượng con người được cảm nhận qua cái tôi trữ tình của nhà thơ. Đọc thơ Bích Khê, hình tượng ấy là thế giới tinh thần phong phú và một tâm hồn rộng mở, chan chứa yêu thương dành cho cuộc sống, con người, cái đẹp, nghệ thuật. Hình tượng con người mà chúng tôi muốn nói đến ở đây, không ai khác, chính là hồn thơ Bích Khê - “thi sĩ thần linh”.
2.1. Tình yêu cuộc sống
2.1.1. Với Bích Khê, cuộc sống là kho báu với ngàn vạn điều tốt đẹp. Ông luôn nhìn ngắm cuộc sống từ phía tích cực, vì thế, ở bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả khi nỗi đau bệnh tật và nỗi đau nhân thế giày vò, cuộc sống vẫn luôn luôn đáng yêu trong mắt ông. Bích Khê có cách thể hiện tình yêu cuộc sống rất khác lạ. Ông không bày tỏ tình yêu cuộc sống theo cách mà Xuân Diệu từng bày tỏ:
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng...
Rồi để thỏa mãn, Xuân Diệu đã phải thốt lên thèm khát: “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi!”. Quyết liệt đấy, nhưng cũng mới chỉ dừng lại ở “muốn”, nghĩa là vẫn chỉ tiềm tàng trong khát vọng. Còn với Bích Khê, chúng ta đọc ra tình yêu ấy của ông trong một giọng điệu thơ rất “quái”, đầy ắp những hình ảnh và âm thanh kỳ thú:
Người cho ta một thanh gươm rất sắc?
Ô vung lên…cắt mạch nguyệt vàng xanh!
Xẻ mạch trời, - xô mây sao răng rắc!
Phăng mạch đêm, - hương vỡ, ứa ngầm tinh!
Ta điên rồ… múa giữa áng bình minh.
(Mộng cầm ca)
Không phải chỉ dừng lại ở khát thèm (muốn) như Xuân Diệu, Bích Khê biến “muốn” thành hành động để thực hiện khát thèm. Mạnh mẽ và quyết liệt trong cách thể hiện, hàng loạt những ngữ động từ mạnh liên tiếp xuất hiện: vung lên… cắt mạch nguyệt vàng xanh, xẻ mạch trời, xô mây sao, phăng mạch đêm… Có cái gì đó cuồng say khác thường trỗi dậy trong mạch ngầm cảm xúc của nhà thơ. Bích Khê thấy mình như đang hội tụ đầy đủ sức mạnh để chế ngự những tinh hoa của đất trời bằng “một thanh gươm rất sắc” mà đấng linh thiêng nào đó (Người) đã trao cho ông. Hay nói cách khác, ông tự mình tưởng tượng ra một sức mạnh huyền bí và cứ thế, hành động theo ý mình, nhằm thỏa mãn tham vọng được sở hữu tất cả những vẻ đẹp bí ẩn nhất của cuộc sống. Dù đối diện với hình ảnh Bích Khê “điên rồ... múa giữa áng bình minh”, người đọc cũng chẳng thể nào nắm bắt được bản chất những siêu ý nghĩ mà ông đã thổ lộ. Ta chỉ có thể tự trả lời một cách mơ hồ rằng, chắc là ông đang bay lên cùng với niềm hạnh phúc vô biên, khi trước đó, ông đã đọc ra được những ý nghĩa đẹp đẽ khác thường của cuộc sống, từ “mùi tô hợp quyện trong tơ trăng lụa” đến “không gian tơ gợn sóng”, từ “suối tóc mát, nhúng trong vùng mộng tuyết” đến “vú non non? Da dịu dịu, êm êm?”, từ “đôi mắt mùa thu xanh tợ ngọc” đến “hồn thu đi lạc ở trong mơ”.
Bích Khê đón nhận cuộc sống bằng trực cảm; trực cảm đã giúp ông vẽ nên những bức tranh tuyệt đẹp qua một tư duy tưởng tượng đa chiều:
Ô trời hôm nay sao mà xanh!
Ngọc trăng xây vàng trên muôn cành,
Nhung mây tê ngời sao kim cương,
Dạ lan tê ngời say men hương;
(Nghê thường)
Hình ảnh không thật cụ thể với những kết hợp lạ mà vẫn rất giàu cảm xúc. Hồn Bích Khê như say với cuộc sống muôn màu, muôn sắc. Ông cảm nhận một cách tinh tế những va chạm trong bản chất của các sự vật và khắc họa chúng bằng những nét vẽ tượng trưng hết sức ấn tượng:
Ôi thiên tượng!
- Ngai vàng vừa xuất hiện:
Trăng dệt gấm mà sao thêu kim tuyến;
Cả không gian ngời kết ngọc kim cương
Đây người thơ lùa báu giữa lòng thương;
Miệng như đàn nói ra thành điệu nhạc;
Mắt có phép trào ra hương khoái lạc;
Tay hoa tay liền nở chữ phương phi…
(Một cõi trời)
Bích Khê luôn nhìn cuộc sống bằng cái nhìn đầy thiện cảm, ông thường đọc ra từ phía không nhìn thấy hoặc khó nhìn thấy những điều kỳ diệu. Điều đó vừa mang lại cho người đọc sự ngỡ ngàng, vừa khơi dậy trong họ khả năng xét đoán và nắm bắt nhiều mặt các hiện tượng đời sống. Như thế, Bích Khê đã không chỉ thể hiện một tư duy nghệ thuật phức hợp của bản thân mà còn tạo cho người đọc một tư duy cảm thụ phức hợp khi tiếp nhận thơ ông. Và có khi hơn thế nữa, với người đọc cao cấp, họ sẽ trở thành người đồng sáng tạo.
2.1.2. Trong mắt Bích Khê, nếu cuộc sống luôn hiện diện với ngàn vạn điều tốt đẹp thì con người là tụ hội của yêu thương. Bích Khê yêu thương tất thảy những gì đã đi qua đời ông, dù hạnh phúc hay đau khổ. Chúng ta rất ít khi bắt gặp trong thơ Bích Khê những lời oán thán, ông bình thản chấp nhận những nghiệt ngã của số phận mình. Sau những mất mát, những thiệt thòi, cái còn lại nơi trái tim tràn đầy nhiệt huyết của ông là chan chứa tình người.
Nguời ta thường nhớ về những mối tình không trọn vẹn bằng tiếc nuối, tủi hờn, đôi khi là nỗi cay đắng. Còn Bích Khê thì khác, vẫn nguyên vẹn trong ông những khao khát nồng nàn dành cho mối tình dang dở ấy:
Anh tính ôm chầm lấy mắt mơ
Lấy môi lấy má… lấy ngây thơ
Để anh nút ớn mùi hương ấm
Của một tình yêu giận hững hờ!
(Ảnh ấy)
Những thổ lộ chân thành của Bích Khê, khi mường tượng về hình ảnh của một “người em lãng mạn” từng đi qua đời ông, đã mang đến một cách nhìn mới về tình yêu. Với ông, tình yêu tự nó luôn nói lên tiếng nói của những khao khát yêu thương, kể cả khi nó chỉ còn lại trong mộng tưởng, sau những đổ vỡ, bất thành. Cho nên, ta thường hay gặp trong thơ Bích Khê những nỗi buồn lạ lắm:
Có người buồn quá không sao khóc
Làm mùi thanh khí quyện tiên nương.
Có người buồn quá không sao khóc
Cười thơm như ngọc dội hương vang.
(Sầu lãng tử)
Đây là một kiểu tư duy lạ về nỗi buồn. Bích Khê đã biến cái không thể thành có thể. Nỗi buồn của Bích Khê hóa thành “mùi thanh khí quyện tiên nương”, thành nụ “cười thơm như ngọc dội hương vang”. Nói đúng hơn, nỗi buồn đã hóa thành sắc (ngọc), thành hương (mùi thanh khí, thơm, dội hương), thành âm thanh (cười) nhưng không tách bạch. Sắc - hương - âm thanh quyện vào nhau làm thành vóc dáng riêng của nỗi buồn Bích Khê - nỗi buồn đầy nhân bản. Yêu thương là điểm tựa của mọi nỗi đau, Bích Khê đã hóa giải trong thơ mình mọi nỗi ưu phiền bằng tấm lòng ưu ái của ông dành cho con người, cho cuộc sống. Cho nên, khi tưởng tượng ra mình đã chết, Bích Khê vẫn rất lạc quan bày tỏ:
Tôi chết rồi! Tiếng nói như châu
Ánh sắc phương phi rất nhiện mầu
Tôi sú tình trong đôi mắt ướt
Mơ màng phối hiệp ở chiêm bao!
(Châu)
Còn có khao khát yêu thương nào ngọt ngào hơn thế, nồng nàn hơn thế? Người ta có nhiều quan niệm về cái chết, số đông cho rằng chết là hết, là tan biến mọi hy vọng; số ít đồng ý với quan điểm của đại thi hào Nguyễn Du: “Thác là thể phách, hồn là tinh anh”; Bích Khê nằm trong số ít. Bích Khê nặng nợ với cuộc đời. Và, nặng nợ với cuộc đời cũng là một cách để ông có thể sống hết mình cho cuộc đời, để được yêu thương đến kiệt cùng sức lực. Hiểu được khát vọng sống của Bích Khê, chúng ta mới hiểu vì sao trái tim của ông luôn rung lên những nhịp đập khác thường. Ví như, trước một cô đào hát bộ mà “đẹp bỏ cô khi cởi lốt tuồng”, Bích Khê đã không ngại ngần bày tỏ nỗi cảm thông đối với cô đào này qua đối lập: sân khấu và cuộc đời.
Mặt cô buồn quá! - tôi yêu quá!
- Nghệ thuật tràn ra giữa bể đêm.
Tôi chợt ôm cô trong giấc mộng
Nút bao thanh khí, đã nư thèm…
(Cùng một cô đào hát bộ)
Bích Khê thực đúng là thi sĩ của lòng thương, của trái tim đa chiều tâm trạng và cảm xúc.                         
2.2. Tình yêu nghệ thuật
2.2.1. Tình yêu cuộc sống đã làm thăng hoa hồn thơ Bích Khê. Mọi sắc vẻ của cuộc sống bước vào thế giới thơ ông đều trở nên lung linh, huyền diệu. Tâm hồn Bích Khê luôn hướng tới cái đẹp của nghệ thuật. Ông đặc biệt đam mê âm nhạc và sự thật, âm nhạc đã trở thành nét chủ đạo trong bản giao hưởng thơ tuyệt vời của ông. Âm nhạc và những biến tấu kỳ ảo của nó đã tạo nên một âm sắc riêng cho giọng điệu thơ Bích Khê. Trong tư duy nghệ thuật của mình, Bích Khê đã biến âm nhạc thành những trạng thái vật chất cụ thể. Âm nhạc, với ông, không chỉ thưởng thức bằng thính giác mà còn có thể thưởng thức bằng mọi giác quan. Sự tương giao cảm giác này đã được Bích Khê thể hiện rất thành công trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Qua thơ, ông đưa người đọc đến với một không gian âm nhạc giàu có với những giai điệu khác thường. Giai điệu ấy có thể là hương thơm, là màu sắc:
Ô! Nắng vàng thơm…rung rinh điệu ngọc,
Những cánh hồng đơm, - những cánh hồng đơm…       
Nhạc gây hoa mộng, nhạc ngát trong mây
Nhạc lên cung hường, nhạc vô đào động,
Ô nàng tiên nương! - hớp nhạc đầy hương.           
(Nhạc)
Là đường nét với những “điệu ca thần diệu vẳng đưa lên” qua hình ảnh “cung thiềm vắt vẻo cài lên mây” (Nghê thường) lãng mạn và tình tứ. Có khi lại là cái hé môi đa tình thiếu nữ:
Nường hé môi ra. Bay điệu nhạc
Mát như xuân và ngọt tợ hương.
(Hiện hình)
Hay là tiếng nói từ rất nhiều những cung bậc khác nhau của cảm giác được diễn tả thật tinh tế trong bài thơ Tỳ bà:
Cây đàn yêu đương làm bằng thơ
Dây đàn yêu đương run trong mơ
Cũng có khi cả thiên nhiên đầy ắp nhạc: “Nhạc thiên nhiên nhạc đầy pha lê” (Lên kim tinh). Bích Khê đã dành cho âm nhạc tất cả tình yêu của mình. Hầu như bài thơ nào của ông cũng có bóng dáng của âm nhạc, mọi thứ mà Bích Khê nói đến trong thơ đều có thể nảy nở ra âm nhạc. Âm nhạc đã len lỏi vào mọi ngõ ngách cảm xúc của ông và làm nên những giai điệu đẹp cho thơ ông, làm nên những hình ảnh tân kỳ hiếm thấy. Hiệu quả nghệ thuật trên, chính là sự tích hợp sáng tạo của Bích Khê từ tinh thần của Thuyết tương hợp (correstrondances) mà C.Baudelaire rất đề cao và trở thành thi pháp phổ biến của chủ nghĩa tượng trưng. Và đây chính là âm nhạc của Bích Khê:
Ròng âm nhạc của lòng trai ấp mái
Người họa điệu với thiên nhiên ân ái
(Duy tân)
Thật không thể nào nói hết được cái độc đáo trong tư duy nghệ thuật của Bích Khê khi ông lấy một hình ảnh vừa cụ thể vừa trừu tượng “lòng trai ấp mái” nói về một hình ảnh cũng vừa cụ thể vừa trừu tượng là âm nhạc, để rồi từ đó đọc ra bản hòa ca tuyệt diệu của cuộc sống: “Người họa điệu với thiên nhiên ân ái”. Thế mới biết, âm nhạc, suy cho cùng, đó là kết quả của những yêu thương tận cùng mà cả cuộc đời Bích Khê dành cho nghệ thuật.
2.2.2. Khám phá vẻ đẹp hội họa cũng là niềm đam mê tuyệt đích đồng hành cùng Bích Khê trên con đường thơ nhiều ý tưởng của ông. Trong bài Duy tân, Bích Khê đã chẳng thốt lên sung sướng: “Hỡi hội họa, đến muôn đời nức nở!”. Cho nên, nếu âm nhạc là nét chủ đạo trong bản giao hưởng thơ tuyệt vời của Bích Khê, như đã nói ở trên, thì hội họa cũng chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong tư duy nghệ thuật của ông. Hội họa là mảnh đất thiêng giúp Bích Khê phát huy tối đa trí tưởng tượng thần tình của mình, có thể thấy rất rõ những nét vẽ tài hoa của hồn thơ Bích Khê trong các sáng tác của ông. Ông họa vào thơ những bức tranh bằng trí tưởng tượng khó ai bì kịp:
Dáng tầm xuân uốn trong tranh Tố Nữ,
Ô tiên nương! nàng lại ngự nơi nầy?
Nàng ở mô? Xiêm áo bỏ đâu đây?
Đến triển lãm cả tấm thân kiều diễm.
(Tranh lõa thể)
Bức tranh Tố Nữ khỏa thân kiều diễm với làn da “tuyết điểm”, ánh “mắt ngời châu” với “lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc”, mái tóc chứa cả một “đêm u huyền” với giấc “ngủ mơ”, cặp vú chứa cả “dòng sâm ngọt lộng”, “hai tay rơi chén ngọc lưu ly”, “hai chân nở màu sen ẻo lả”… hiện lên gợi cảm, đầy quyến rũ qua từng nét vẽ điêu luyện và mới mẻ với trùng trùng những liên tưởng thú vị của Bích Khê. Ông vẽ lên những đường nét ấy từ trái tim nồng nàn khoái cảm, từ trí tuệ mẫn tiệp của một bậc kỳ tài luôn mở rộng tầm nhìn ra thế giới xung quanh. Dồn cả tinh lực vào ngòi bút, Bích Khê đã biến bức tranh Tố Nữ vô tri vô giác thành một thực thể sống động, hút hồn người. Đến với Nàng bước tới… hay Sắc đẹp, chúng ta cũng sẽ được chứng kiến khả năng hội họa siêu cảm giác ấy của Bích Khê.
Ngũ Hành Sơn là một thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng với cảnh non nước hữu tình, nhưng khi được diện kiến, Bích Khê đã họa lại cho Ngũ Hành Sơn một hình ảnh mới. Ông khai thác triệt để vẻ đẹp của hội họa Tây và Ta để hoàn thành bức tranh thơ non nước Ngũ Hành vừa hiện đại vừa truyền thống. Nghĩa là, ở đó, những đường nét của hồn cốt phương Đông đằm thắm đi bên cạnh những đường nét phương Tây tân kỳ, khiến Ngũ Hành Sơn vừa quen vừa lạ, thôi thúc khát vọng khám phá tận cùng cái đẹp của người thưởng ngoạn. Đó là một Ngũ Hành Sơn không chỉ có cảnh:
Tiên đồng bước giữa hoa,
Mục đồng lưng trâu cỡi…         
Phật Như Lai ẩn hiện
Trên bảy sắc cầu vồng
Mà còn có cảnh:
Kề môi say ân ái…                                    
Nhàu nhàu đệm rêu xanh,        
Dầu dầu màn sương quynh,      
Là là buông ren lụa,             
Gót trổ gần mà xa…
Bức tranh Ngũ Hành Sơn thật tuyệt, nó cho thấy, Bích Khê đúng là một họa sĩ tài hoa. Hội họa trong thơ ông là tiếng nói của cảm xúc, của hồn người, vừa thanh tao thánh thiện vừa trần tục đời thường.
Có thể nói, rất thần tình, Bích Khê đã vẽ nên hình ảnh của chính mình bằng một tình yêu say đắm và những đam mê cháy bỏng dành cho nghệ thuật. Nhạc và họa thực sự đã trở thành người bạn đồng hành tri kỷ trên con đường thơ giàu sáng tạo của ông. Chẳng thế mà, hồn thơ Bích Khê lúc nào cũng mang mang những phút giây lãng mạn đến ngất ngư trong suối nhạc thơ và những hình ảnh thơ rất lạ:
Từ phương mô nhạn mang thơ về,
Đàn thơ cơ hồ lên cung âm điệu.
Đây dây trinh bạch khóc mướt trong mơ;
Đây hồn ngọc thạch xanh xao như tờ?
Ô! côi lầu mây ánh gì kim cương,
Áo nàng thơ ngây nao nao nghê thường.
(Nhạc)
3. Thi ca - “những rung động truyền thần”
Xét cho cùng, Bích Khê làm thơ là vì thơ. Chúng ta đã biết, cả cuộc đời sáng tạo nghệ thuật, Bích Khê chỉ có một tâm nguyện duy nhất là mang đến cho thơ một hình ảnh mới, hiện đại, tân kỳ nhưng vẫn không xa lạ. Ngòi bút tài hoa và tư duy nghệ thuật thơ độc đáo của Bích Khê đã lần đầu tiên đưa thi ca trở thành một hình tượng thơ khá đặc biệt. Bên cạnh cuộc đời và con người, thi ca là đối tượng nghệ thuật mà Bích Khê hướng tới theo lối đi riêng của mình. Ông làm thơ để nói rất nhiều về thơ. Thế nên, trong hành trình sáng tạo của mình, có lẽ cũng chỉ Bích Khê mới có được cơ hội dạo bước cùng nàng thơ lên cung trăng. Trong bài Nghê thường, ông bày tỏ:
Đêm ôm hồn tôi chơi phiêu diêu
Bắt gặp nàng thơ diện yêu kiều;
Man mác cho nên nhớ chị Hằng:
Hai tôi nhịp nhàng lên cung trăng…
Khi nói “hai tôi”, nghĩa là Bích Khê đã xem “nàng thơ” như một người tình đồng hành cùng ông trong cuộc phiêu du lãng mạn và tình tứ của tâm hồn. Và, Bích Khê đã dựng lên trong thơ mình một gương mặt thi ca đầy cá tính – gương mặt của “những rung động truyền thần”. 
3.1. “Đường kiến trúc nhịp nhàng theo điệu mới”
3.1.1. Để thơ thực sự là những“đường kiến trúc nhịp nhàng theo điệu mới”, Bích Khê đã phát biểu rất rõ ràng quan niệm mới mẻ về thơ trong tư duy nghệ thuật của mình. Xin được nhắc lại, quan niệm về thơ, Bích Khê cho rằng, thơ phải là nhạc, là họa, là điêu khắc, là nhiếp ảnh, là vũ đạo, là tổ hợp của nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Thơ phải là “một hỗn độn đẹp xô bồ say dậy”. Duy tân là bài thơ Bích Khê nói lên đầy đủ nhất ý tưởng ấy của ông. Bích Khê không muốn thơ chỉ là tiếng nói một chiều của cảm xúc, ông muốn thơ phải mang đến cho người đọc những rung động thẩm mỹ đa chiều. Từ Tinh Huyết đến Tinh Hoa, Bích Khê đã chứng minh điều đó một cách khá thuyết phục. Trong bài Nhạc, Bích Khê dùng thơ để nói về nhạc, nhưng đọc bài thơ, chúng ta lại thấy, bằng nhạc, Bích Khê phác họa hình ảnh thơ thật sống động:    
Thơ bay! thơ bay vô bàn tay ngà,
Thơ ngà ngà say! Thơ ngà ngà say!
Nàng ơi! đừng động… có nhạc trong giây
Theo hướng ấy, Bích Khê đã cho ra đời những bài thơ mà ở đó, hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, đường nét, màu sắc, giai điệu thơ hòa quyện vào nhau, nhịp nhàng uyển chuyển: Tranh lõa thể, Nàng bước tới, Xuân tượng trưng, Lên kim tinh… Tất cả tạo nên một bản hòa ca của rất nhiều vẻ đẹp từ những lĩnh vực nghệ thuật khác nhau. Điều này, dù Bích Khê không tuyên bố như Xuân Diệu trong bài thơ Huyền diệu với câu thơ đề từ: “Les parfums, lescouleurs et les sons se répondent” (Hương thơm, màu sắc và âm thanh cùng nhau tương hợp) lấy từ Baudelaire, nhưng qua thực tiễn sáng tạo, ta thấy Biách Khê thể hiện các yếu tố trên đậm đặc và đa dạng hơn Xuân Diệu. Vì vậy, thơ, trong tư duy Bích Khê, cũng không còn đơn thuần là nghệ thuật ngôn từ mà là một kiến trúc tổng hợp bao gồm cả nghệ thuật ngôn từ và những yếu tố nghệ thuật phi ngôn ngữ khác, tạo thành thế giới hình tượng độc đáo. Sự kết hợp này đã mang lại cho thơ nhiều tầng ý nghĩa, nhiều khả năng biểu đạt cuộc sống, nhiều liên tưởng bất ngờ. Chẳng thế mà, Bích Khê viết về ăn mày nhưng chỉ thấy:         
Nắng có nhạc chớp đầy hơi hương lạ
Nấc âm thanh chết lịm giữa triền miên;
Gió mang thư bay cho đến cung thiềm
Thổi chữ gấm bằng khí điên cuồng vọng;
Và trăng bỗng ngây khờ nên nổi sóng
Xuống không gian như bể sáng kim cương;
Cho ta xin trong một tối du dương
Muôn thớ đàn run trên da thịt tuyết,
Đàn và thơ kết thành dây tinh huyết
Có nguồn thương trào vọt miếng phong cầm
(Ăn mày)
Ngòi bút thần tình của Bích Khê luôn tạo ra những bước ngoặt ý tưởng hết sức đột ngột, và chính sự đường đột ấy đã giúp ông có được những trang thơ tràn ngập hình ảnh, âm thanh, màu sắc, hương thơm. Bích Khê đã thực sự mang vào thơ “điệu mới” của hồn ông.             
3.1.2. Không trói buộc ý tưởng vào những lớp vỏ ngôn ngữ cứng nhắc, Bích Khê cho thấy, thơ là tiếng nói của những xúc cảm nghệ thuật bất chợt, tự nhiên, bay bổng không định trước. Cứ thế, ông mặc nhiên bộc lộ ý tưởng bằng một lối tư duy rộng mở, khoáng đạt, đôi khi rất tự do, không tuân thủ theo một trật tự nào trong quá trình sáng tạo. Trong bài Xuân tượng trưng, Bích Khê để cho ý tưởng thả sức tung hoành, trên tinh thần:
Hỡi lời ca man dại
Điệu nhạc hơi thở rừng
- Đêm nay xuân đã lại
Thuần túy và tượng trưng
Khu vườn “xuân tượng trưng” của ông để lại những ấn tượng hết sức tượng trưng. Từ hình ảnh: “Nâng núm vú lên đồi - Sữa trăng nhi nhỉ giọt; - Bay qua cụm liễu phơi - Những cườm tay điểm hột - Sương. Phất phơ lau lách - Khe uốn mình giai nhân; - Đường non khéo điêu khắc - Những dáng hình khỏa thân; - Lụa mây mẩy vàng chạm - Tia ngọc bén màu ngân” đến hình ảnh: “Xòe xòe màu lông công - Vườn thơm khua sắc mát - Rồng uốn vóc tùng cong - Áo bạch mai khoát khoát - Môi đào chờ khoái lạc...” đều thể hiện một năng lực tổng hợp những đặc trưng nghệ thuật từ nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau: điêu khắc, hội họa, nhiếp ảnh, vũ đạo… hết sức điêu luyện. Chính vì vậy mà dù tiếp cận với rất nhiều hình ảnh khác nhau trong khuôn khổ một bài thơ, người đọc vẫn không cảm thấy bị dồn ép hay bội thực, trái lại, cảm thấy hưng phấn khi những khát khao thưởng thức nghệ thuật được thỏa mãn.
Mơ tiên là một trong hai bài thơ lục bát hiếm hoi trong Tinh Huyết. Về hình thức, Bích Khê vẫn tuân thủ chặt chẽ cách phối thanh hiệp vần vốn đã trở thành nguyên tắc của thể thơ truyền thống này, nhưng đọc bài thơ, ta không bị trôi theo chiều cảm xúc như thường thấy khi đọc những bài thơ lục bát khác. Bích Khê đã đem vào Mơ tiên một không khí là lạ, những ý nghĩ thường hiện ra bất chợt trong ông được giãi bày qua một điệu nói mới có vẻ ngang tàng, tài tử:
Hồn bay! hồn bay! hồn bay!
Ngửa nghiêng tắm mát vàng lay, nhạc hường;
Đêm nay no ớn nguồn hương,
Một trời thanh khí mười phương đa tình.
Hồn tôi mất cả đồng trinh
A ha! mê luyến những hình tiên nga?
Bao giờ cho mộng nở hoa
Bao giờ xuân chín nõn nà trên môi?
Để tôi đi cướp mây trời
Vén ra cho thấy một vài nường tiên.
Ô coi! hồn đương say nghiền
Đã nư khoái lạc trong miền chiêm bao!
Đúng là một giấc mơ tiên tuyệt vời. Hồn ông bay giữa “mười phương đa tình” để “hớp” lấy nhạc, lấy hương, lấy “xuân chín nõn nà trên môi” và “say nghiền” trong niềm khoái lạc vô biên. Thật hạnh phúc, khi trong “miền chiêm bao” của riêng mình, hồn thơ Bích Khê được thỏa thích vẫy vùng giữa những lạc thú mê li. Người đọc, vì thế, cũng tự mở ra cho hồn mình những lối đi kỳ thú để cùng Bích Khê đồng hành vào những giấc mơ bất tận.
Đọc Ngũ Hành Sơn mới thấy Bích Khê thật tài hoa. Đứng trước cảnh non nước hữu tình, tâm hồn Bích Khê dạt dào cảm xúc:
Ta trên đài vọng hải
Ngất ngưởng mặt thần đồng
Khôi ngô và lẫm liệt,
Cất tiếng hát trong veo:
Trước chơi hòn Non Nước
Vần điệu ngọc vàng reo!
Nay chơi hòn non Nước
Thi hứng suối tuôn đèo!
Quả đúng là “thi hứng suối tuôn đèo”, với Ngũ Hành Sơn (Tiền, Hậu), Bích Khê đã để cho thi hứng tự tuôn trào. Tầm mắt vượt thời gian, không gian và sự chuyển kênh liên tiếp trong tư duy thơ Bích Khê mang đến cho Ngũ Hành Sơn một sắc vóc mới ở cả cảnh và tình. Bích Khê đã khiến người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi diện kiến Ngũ Hành Sơn.
Đúng như C.Baudelaire đã nói: “Trong một số trạng thái tâm hồn hầu như có tính chất siêu nhiên, chiều sâu của cuộc sống bộc lộ toàn vẹn trong một cảnh tượng bày ra trước mắt con người…” [12;155]. Qua những gì đã thể hiện trong Ngũ Hành Sơn (Tiền, Hậu), Bích Khê đã chứng minh những “đường kiến trúc nhịp nhàng theo điệu mới” của thơ ca, khi từ một cảnh tượng quen thuộc bày ra trước mắt, ông đã tạo ra nhiều “liên tưởng xa xôi, bất ngờ, có sức ám gợi những hàm nghĩa sâu xa, ám gợi tâm trạng” [12;155].
3.2. “Những lời thơ lóng đẹp hạt châu trong”
3.2.1. Gương mặt thi ca với “những rung động truyền thần”, không chỉ dừng lại ở “đường kiến trúc nhịp nhàng theo điệu mới” mà còn ở những “lời thơ lóng đẹp. Hạt châu trong”. Bích Khê đã mang vào thế giới nghệ thuật của mình một lớp ngôn ngữ thơ tượng trưng thuần túy. Trong thơ ông, ta bắt gặp những con chữ “biến hình”, “trong vắt”, “trong ngâm” - những con chữ chuyển tải những hình ảnh đa sắc màu của cuộc sống. Và, Bích Khê đã diễn tả một cách hình ảnh những con chữ ấy:
Chữ biến hình ảnh mới, lúc trong ngâm,
Chữ trong vắt sánh nghệ thuật sầu câm
Đầy thẩm mỹ như một pho thần tượng,
Lúc trong ngâm giữa kho vàng mộng tưởng,
Múa song song khiêu vũ dưới đêm hồng.
(Duy tân)          
 Đến với Sắc đẹp, Nghê thường, Sọ người, Tranh lõa thể, Nàng bước tới, Đồ mi hoa, Hàn Mặc Tử… của Bích Khê mới thấy hết cái thần diệu của những lời thơ “múa song song khiêu vũ dưới đêm hồng”. Hãy xem Bích Khê miêu tả vẻ đẹp của mắt, của môi, của vú:
Những đôi mắt, kho tàng muôn châu báu,
Có những hàng đũa ngọc gắp hương yêu;
Những môi son phản ảnh một trời chiều,
- Một trời chiều mà muôn hoa nín thở;
Những vú nõn: đồi cong thon, nho nhỏ,
Với đôi dòng suối sữa trắng như tinh.
(Sắc đẹp)
Lời thơ đẹp như một bức tranh. Bỏ qua lối miêu tả thông thường, Bích Khê mang đến cho mắt, cho môi, cho vú những ấn tượng đặc biệt bởi một lối miêu tả mang đậm dấu ấn tượng trưng. Cách nhìn mới, cách nói lạ về sắc đẹp của Bích Khê có lẽ chỉ có trong tư duy thơ hiện đại. “Đó là tư duy bằng liên tưởng, bằng ấn tượng, cảm giác, bằng âm thanh, nhịp điệu, biến cái trừu tượng thành cụ thể, nối dài cái cụ thể bằng cái trừu tượng, nội tâm hóa ngoại giới, ngoại giới hóa nội tâm…” [13;77]. Từ những hình ảnh rất quen thuộc (là mắt, là môi, là vú), Bích Khê mở ra thế giới đa dạng của cuộc sống (kho tàng châu báu, đũa ngọc gắp hương yêu, trời chiều muôn hoa nín thở, đồi cong, suối sữa trắng như tinh), mọi thứ đều trở nên lung linh, lấp lánh khác thường.
Người đọc cũng chẳng thể nào quên được những câu thơ đẹp như nhung của Bích Khê trong Tỳ bà:
Nàng ơi! Tay đêm đang giăng mềm
Trăng đan qua cành muôn tơ êm
Mây nhung pha màu thu trên trời
Sương lam phơi màu thu muôn nơi
Những câu thơ được làm bằng nhạc, bằng họa, bằng điệu tâm hồn đầy ắp tưởng tượng của Bích Khê. Mỗi câu thơ là một sáng tạo. Mỗi câu thơ là một phát hiện tinh tế. Cái tài của Bích Khê là ở chỗ, ông nắm bắt rất nhanh các hiện tượng và kết nối tất cả chúng thành những lời thơ “lóng đẹp”, dịu dàng và vô cùng sang trọng. Mà thật vậy, đọc những câu thơ này của Bích Khê, mới thấy hết cái tài ấy ở ông:
Tiếng ngọc, màu trăng quấn quýt nường
Phút giây người lộ mỏng như sương.
- Nường tan ra nhạc? - tan ra nhạc!
Khung trắng trời mây trắng lạ thường!
(Hiện hình)
Chỉ có 4 câu thơ mà chứa đựng thật nhiều hình ảnh, hình ảnh nào cũng đẹp, cũng trong sáng lạ thường. Cứ nhìn lại toàn bộ thi đàn Thơ Mới, xem mấy ai đã nói đến “tiếng ngọc”, “màu trăng” hay người “mỏng như sương” rồi “tan ra nhạc” như Bích Khê đã nói?
3.2.2. Trong tư duy nghệ thuật của Bích Khê, ta luôn bắt gặp thế giới của ánh sáng. Có lẽ vì quan niệm thơ là nhiếp ảnh, nên Bích Khê luôn chú ý đến độ sáng của những khuôn hình mà ông “chụp” trong thơ mình. Những câu thơ của ông luôn tràn ngập ánh sáng, ánh sáng toát lên từ bàn tay búp sen của giai nhân “đi trong chiêm bao ẻo lả”, biến thành cái nhìn ảo giác chỉ có trong tưởng tượng huyền diệu:
Tay búp sen kẻ lên vàng óng ả
Những đường thêu kim tuyến rúng đêm huyền.
(Đồ mi hoa)
Ánh sáng toát ra từ:
Ôi! cặp mắt của người trong tựa ngọc
Sáng như gươm và chấp chóa kim cương!
Hai mắt ấy chói hào quang sáng ngợp
Dẫn hồn ta vào thế giới thiêng liêng.
(Cặp mắt)
Ánh sáng tràn ra từ bước chân thiếu nữ, đẹp đến nao lòng:
Nàng bước tới như sông trăng chảy ngọc
Như nắng thơm hớp đặc cả nguồn hương
(Nàng bước tới…)
Và ngay cả khi “chàng Lãng Tử” buồn đến rơi lệ thì ánh sáng vẫn bừng lên khác thường:
Đây chàng LãngTử buồn rơi lệ
Miệng cứng hào quang chảy tợ vàng...
(Sầu lãng tử)
Có thể nói, ánh sáng là một phần đặc biệt quan trọng trong tư duy nghệ thuật của Bích Khê. Ánh sáng đã khiến những câu thơ của ông luôn ngời sắc và thật nhiều ám ảnh, kể cả khi tâm tư Bích Khê ở trong trạng thái tĩnh lặng nhất để chiêm nghiệm những nỗi buồn mông lung, xa vắng:
Nơi đây: làng cũ buồn thu quạnh
Anh có khi nào trở lại chưa?
Ngày đi chậm lắm. Giòng sông biếc
Hừng sáng trong trời sợi sợi mưa.
(Làng em)  
Song nỗi buồn ấy cũng không mang dáng vẻ u uẩn, sầu não mà trong trẻo, mênh mang, lan tỏa và thấm nhẹ vào cả một khoảng không gian rộng lớn. Hai câu thơ: “Ngày đi chậm lắm. Giòng sông biếc - Hừng sáng trong trời sợi sợi mưa” là những câu thơ thật đẹp. Đó là vẻ đẹp dịu dàng, trong sáng tựa như tâm hồn dào dạt tình yêu cuộc sống của Bích Khê vậy. Có được điều này là bởi, Bích Khê luôn hướng thơ mình về phía ánh sáng - thứ ánh sáng lấp lánh của nghệ thuật đích thực.
Ở một khía cạnh nào đó, ta thấy, Bích Khê đã thực sự giúp người đọc hình dung được khuôn mặt của thi ca trong những sáng tác của ông. Bích Khê cố gắng đem hết nội lực sáng tạo của mình và lao động nghệ thuật cật lực để hầu mong mang đến cho thơ một hình hài mới. Và, Bích Khê đã thành công. Người đọc đã nhìn thấy trong thơ ông ý nghĩa của “những rung động truyền thần” mà thi ca mang lại.
Đúng như nhà thơ Thanh Thảo đã nói, Bích Khê là một “thi sĩ tự nguyện dò tìm, đưa cả mạng mình ra để dò tìm” [34;6]. Bích Khê đã thực sự gắn cuộc đời mình với những cuộc “dò tìm” không mệt mỏi để khám phá tận cùng những giá trị vĩnh cửu từ cuộc đời, con người và thi ca. Bích Khê nhìn cuộc đời, con người và thi ca ở phía không hiện hữu - cái phía mà người ta dễ bỏ qua vì ngại nhọc nhằn tìm kiếm. Bích Khê đã thực sự làm được điều ông mong muốn. Hình tượng cuộc đời “thơm như sữa lúa” với “muôn sắc màu khoái lạc” và “những hương thơm thanh khiết”, con người “chứa một trời thương” với tình yêu cuộc sống và tình yêu nghệ thuật, thi ca “những rung động truyền thần” với “đường kiến trúc nhịp nhàng theo điệu mới” và “những lời thơ lóng đẹp hạt châu trong” hiện lên rõ nét qua một tư duy nghệ thuật tinh tế và giàu sức tưởng tượng nơi ông. Có được như vậy là bởi Bích Khê đã tích hợp được những đặc điểm nổi bật của tư duy nghệ thuật phương Tây hiện đại, và sáng tạo một cách công phu trên nền tảng tư duy nghệ thuật phương Đông truyền thống. Tất cả đã mang lại cho người đọc cảm xúc mới lạ về một thế giới nghệ thuật thơ sang trọng, đầy biến ảo mà vẫn hết sức dung dị và vô cùng thân thuộc.
 Trần Thị Thu Hà
Theo http://www.bichkhe.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Má lúm đồng tiền

Má lúm đồng tiền Hắn ngồi cặm cụi cưa loẹt xoẹt. Mạt ốc bay bụi mù. Hắn hít phải khá nhiều. Cái mùi bụi ốc hôi hôi cộng thêm cái mùi sơn ở...