Thứ Tư, 8 tháng 7, 2020

Bích Khê - Con chim yến của thời gian

Bích Khê - Con chim yến của thời gian
Bích Khê là nhà thơ thứ hai của thế giới, sau Rimbaud (1854-1891) dám nuôi khát vọng chỉ sau sáu tháng trở thành một thi sĩ “phi thường” đồng thời hoàn tất sự nghiệp thi ca. Hành trình sáng tạo của Bích Khê thoát khỏi ràng buộc của không gian, thời gian và ông trở thành người bạn đồng hành của những thi sĩ sáng tác theo khuynh hướng, trường phái trừu tượng, siêu thực như: Edgar Poe (1809-1848), Baudelaire (1821-1867), Paul Valery (1871-1945)…
Thế giới thi ca của Bích Khê vượt lên trên sự bi thảm của bệnh tật, số phận và chuẩn mực thẩm mỹ của thời đại hướng về sự giao thoa muôn sắc màu, âm thanh và hương vị ảo diệu, lung linh của thế giới tâm linh… Sắc màu, âm điệu và vẻ đẹp của tình yêu trong thơ Bích Khê tràn đầy hào quang của ánh sáng và sự lặng im của vĩnh cửu. Nhịp điệu thơ ông luôn lay động, biến đổi với tốc độ của ánh sáng gây khuấy động không gian của đất trời của tâm tưởng và trái tim con người:
“Nàng bước tới như sông trăng chảy ngọc
Như nắng thơm hớp đặc cả nguồn hương
Tôi lạy trời tôi lạy cả vô biên
Tình tôi sững vì ăn nhiều ánh sáng
Hỡi trần gian! Hãy chết ngộp trong sao
Cho chân lý ngời ra như lưỡi kiếm
Cho tình tôi xô dồn sang cực điểm
Và hào quang khiêu vũ với hào quang
(Nàng bước tới)
Sự ra đời của chân lý dưới cái nhìn của Bích Khê không phải là sự chấp nhận mà thường buốt nhói, đôi khi gây nên xáo trộn và cả những bất hạnh của sự sống. Những câu thơ trên chứa nguồn năng lượng, chiếu rọi và thắp sáng hồn người trong những phút giây chán nản, tuyệt vọng…
Vẻ đẹp nhục thể và tâm hồn con người khúc xạ qua siêu cảm và linh thị của Bích Khê không mang vẻ trần tục và những cảm xúc bình thường của con người giữa trần thế mà chứa dáng vẻ và hình bóng của sự siêu phàm trong cõi diệu vợi, hư ảo:
“Dáng tầm xuân uốn trong tranh Tố Nữ
Ô Tiên Nương! Nàng lại ngủ nơi này?
Nàng ở mô? Xiêm áo bỏ đâu đây?
Đến triển lãm, cả tấm thân kiều diễm
Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm
Nàng là hương hay nhan sắc lên hương?
Mắt ngời châu rung ánh sáng nghê thường
Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc
Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc
Vài chút trăng say đọng ở làn môi…
(Tranh lõa thể)
Mùa xuân thông qua ấn tượng của Bích Khê không có dáng vẻ cụ thể mà mang nét tượng trưng, bao trùm toàn bộ vẻ đẹp, con người, vũ trụ. Mùa xuân trong thơ ông đượm vẻ quyến rũ linh thiêng của hồn người hòa quyện với sự sinh sôi của tạo vật:
“Hỡi lời ca man dại
Điệu nhạc thở hơi rừng
Đêm nay xuân đã lại
Thuần túy và tượng trưng
Nâng lên núm vú đồi
Sữa trăng nhi nhỉ giọt
Bay qua cụm liễu phơi
Những cườm tay điểm hột
Sương phất phơ lau lách
Khe uốn mình giai nhân
Đường non khéo điêu khắc
Những dáng hình khỏa thân
Hồn tôi như đỉnh hương
Bốc lên mình thánh giá
Ý xuân mát đến xương
Ngậm tuyết phun lả chả
(Xuân tượng trưng)
Bích Khê khát khao thứ thơ bao trùm và chứa đựng các ngành nghệ thuật khác như âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc. Bài thơ: “Duy tân” như một tuyên ngôn bằng thi ca của Bích Khê:
“Thơ lõa thể! Giai nhân tuần trăng mật
Nữ thần ơi! Ta nô lệ bên người!”
Sự tiên tri về số phận thi ca vừa bộc lộ khát khao giao cảm với sự vật của thi sĩ vừa thể hiện ý thức và năng lực thi ca của nhà thơ. Bích Khê - con chim yến của thời gian không chỉ biết nhả “tinh huyết” kết nên những chiếc tổ thi ca mà ông còn thấu triệt giá trị, sự mong manh và sức mạnh tồn tại của thi ca đối với tâm linh con người:
“Những tờ thơ nát đầy hơi hám
Tay khách đa tình sẽ chuyển trao”
(Nấm mộ)
Thế giới hiện đại biết có còn những người đa tình với nghệ thuật với nàng thơ? Dù thân phận thi sĩ có hẩm hiu, bạc bẽo như thế nào và dù trên trái đất chỉ còn duy nhất một người đọc thơ đi chăng nữa thì tôi vẫn tin niềm đam mê của những thi sĩ đích thực bao giờ cũng cháy sáng, sưởi ấm sự lạnh lẽo của hồn người. Người thi sĩ đích thực làm thơ để hướng về sự giao cảm với mọi người nhưng cuối cùng vẫn là sự giao cảm với chính họ bởi vì trong những khoảnh khắc sáng tạo cả thế giới tan chảy và hòa nhập trong tâm hồn và trái tim của nhà thơ. Phẩm hạnh của thi sĩ mãi mãi là sự sáng tạo đến cùng bất chấp sự thành công hay thất bại. Thi sĩ Bích Khê với hơn năm mươi bài thơ trong hai tập thơ: “Tinh huyết” và “Tinh hoa” đã không chỉ sáng tạo mà còn phóng rọi nguồn năng lượng thi ca thắp sáng bầu trời thi ca hiện đại. Những đám mây u ám một thời che phủ thi ca và cuộc đời ông đã bị thời gian và sự công bằng của lương tri xóa sạch. Những chiếc tổ yến thi ca của Bích Khê đã và sẽ là món ăn tinh thần vô giá cho những tâm hồn yêu nghệ thuật.          
Võ Tấn Cường
Theo http://www.bichkhe.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trời mưa bong bóng

Trời mưa bong bóng Từ đường Cao Thắng tôi cho xe rẽ vào Trần Quý Cáp. Con đường chạy đến công trường Con Rùa với hàng cây thẳng tấp, rơp b...