Tiểu thuyết Lịch sử là cái “Lò bát quái” thử sức, thử
tài nhà văn cả về tri thức và khả năng sáng tạo nghệ thuật. Bởi ở đây nhà văn
phải đồng thời là nhà sử học. Nếu như M. Gorki đã nói “Nhà văn, chứ không phải
là nhà chép sử, mới là người viết sử thực của cuộc đời” thì chính là nói về loại
nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử vậy. Ta có thể thấy, khi viết về đề tài lịch sử,
nhà văn thường Khẳng định và ca ngợi hoặc phân tích và “giải
mã” lịch sử. Nói cách khác, đó là hai mạch cảm hứng chủ đạo của tiểu
thuyết lịch sử hiện đại. Trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh liên tục như
nước ta, mạch cảm hứng “Khẳng định và ca ngợi” đã mang lại cho tiểu thuyết lịch
sử một nội dung yêu nước thiết thực. Nó góp phần quan trọng trong việc giáo dục
lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Ta thường thấy những bài thơ “Nam quốc sơn
hà” của Lý Thường Kiệt, “Tụng giá hoàn kinh sư” của Phạm Ngũ Lão, “Bạch Đằng
giang phú” của Trương Hán Siêu, rồi “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi được các
nhà tiểu thuyết nhắc tới nhiều lần, thậm chí lấy ý tưởng đó làm “điểm tựa”, “bệ
phóng”, đã thể hiện rõ việc khẳng định truyền thống oai hùng của lịch sử là rất
quan trọng. Ở mạch cảm hứng phân tích và “giải mã” lịch sử- phát triển khá mạnh
từ sau phong trào “Đổi mới”, lịch sử không chỉ được tái hiện một cách “trung thực”
trên bề mặt các sự kiện mà còn được soi chiếu ở nhiều góc nhìn, ở cả “bề
sau, bề sâu, bề xa”. Những vùng sự thật ở phía “góc che khuất”, ở khu vực “thâm
cung bí sử” của lịch sử được đặc biệt quan tâm, những bí ẩn và xung đột của lịch
sử được phân tích, để rồi lịch sử được ngưng tụ ở chiều sâu số phận con người.
Lúc này, tiểu thuyết lịch sử trở thành ấn tượng và suy tư cá nhân, cá nhân trở
thành trung tâm của tự sự lịch sử.
Hoặc có thể nói, “lịch sử hóa” tiểu thuyết và “tiểu
thuyết hóa” lịch sử là hai khuynh hướng sáng tạo nghệ thuật chủ yếu của tiểu
thuyết lịch sử hiện đại. Ở khuynh hướng thứ nhất, tiểu thuyết lịch sử thường
tôn trọng sự chính xác của tư liệu lịch sử, bao quát hiện thực đời sống ở diện
rộng với chiều kích vĩ mô của tư duy “sử thi-anh hùng ca”. Thực chất, tiểu thuyết
lịch sử trong mô hình này là sự cụ thể hóa, sinh động hóa những chân lý lịch sử -
những “Trang sử Vàng”. Công việc của nhà tiểu thuyết trong trường hợp này xét đến
cùng là dùng khả năng tưởng tượng của mình để lấp đầy chỗ trống giữa những dòng
sử biên niên khô khan để càng làm sống động và giàu thuyết phục những chân lý đã “rạng rỡ trong sử sách”. Lúc này, tiểu thuyết lịch sử thiên về chất
truyện kể mà ít chất tiểu thuyết (hư cấu). Ở khuynh hướng thứ
hai, những tư liệu chính xác của lịch sử được chuyển hóa thành tiểu thuyết,
thành sản phẩm hư cấu của nghệ sĩ. Chỉ với một vài “điểm tựa” mong manh vào lịch
sử, nhà tiểu thuyết có thể tưởng tượng, sáng tạo một thế giới nghệ thuật riêng.
Nhà tiểu thuyết vừa làm sống lại lịch sử, vừa tạo cho nó một sức sống mới để lịch
sử có thể song hành cùng hiện tại. Đây là bước cách tân lớn trong mối quan hệ
giữa lịch sử và tiểu thuyết.
Khuynh hướng tiểu thuyết hóa lịch sử trong tiểu
thuyết lịch sử dường như trở thành khuynh hướng chủ đạo của tiểu thuyết
lịch sử hiện nay. Bây giờ, việc “mô phỏng”, “phục hiện” lịch sử bị coi là sơ đẳng,
là bậc thấp, là “chụp ảnh , coppy” lịch sử. Nhà tiểu thuyết bây giờ muốn
đứng ở tầm cao, thâm chí cao hơn lịch sử để “phán xét”, “giải mã” lịch sử. Vì
thế khuynh hướng tiểu thuyết hóa lịch sử được coi là “sân chơi của những đại
gia”, là “bãi chiến trường” để thử sức nhà tiểu thuyết khi muốn viết về đề tài
lịch sử.Tiểu thuyết vốn đề cao sự hư cấu, sáng tạo chủ quan, còn lịch sử lại
đòi hỏi sự chính xác, khách quan khi lưu giữ những tư liệu liên quan đến số phận
của một dân tộc. Tiểu thuyết hóa lịch sử nghĩa là nhà văn biến những
tư liệu chính xác của lịch sử thành tiểu thuyết, thành những sản phẩm hư cấu,
tưởng tượng của cá nhân nhà văn. Khi đó, lịch sử trở thành chất
liệu, là phương tiện để nhà văn viết tiểu thuyết. Đó là thứ lịch
sử đã được nhào nặn, thiết kế lại. Và nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử là sáng
tạo một lịch sử khác, đến lượt người đọc, họ cũng hưởng thụ lịch sử theo cách của
riêng mình. Với khuynh hướng sáng tạo này, nhà văn có thể phán xét cả lịch
sử, chưng cất lại lịch sử, “cãi ngầm” với sử học về nhân sinh, thế sự
để giúp nhận thức thêm, nhận thức lại lịch sử. Đọc những cuốn tiểu thuyết lịch
sử được viết theo khuynh hướng này, ấn tượng về lịch sử dù vẫn tồn tại, và vẫn
cần thiết như một không gian toàn thể nhưng đã không còn ở bình diện thứ nhất
mà nổi lên trước hết là ấn tượng của tiểu thuyết với bao vấn đề thế sự, đời thường
cùng những sáng tạo mới mẻ, riêng biệt. Độc giả không thể tìm thấy trong tiểu
thuyết lịch sử những phán xét duy nhất đúng về các chân lý mà là những giả thuyết
về đời sống của nhà văn. Hơn thế nữa, trên con đường tiểu thuyết hóa lịch sử, ở
những phóng thoát xa nhất của tư duy tự sự lịch sử mang cảm quan nghệ thuật hậu
hiện đại, tiểu thuyết càng thoát dần cái nhìn toàn trị của tư duy “sử thi-anh
hùng ca” để hướng đến cái nhìn phân tích vào tận những tầng sâu của cõi vô thức.
Ảnh hưởng tiếng gọi của trò chơi, tiểu thuyết lịch sử trở thành mảnh đất để nhà
văn tự do sử dụng các thủ pháp nghệ thuật khác nhau, tiến hành các thử nghiệm
khác nhau miễn là trình bày cảm nhận thế giới của mình một cách hiệu quả nhất.
Lịch sử nhìn từ góc độ khoa học là cái đã có, đã xong xuôi, tất yếu. Tiểu thuyết
lại chú trọng sự sáng tạo, quan tâm đến những khả năng có thể của lịch sử, do
đó lịch sử được hiện diện trong sự vận động không ngừng, không khép kín. Nhà
văn sáng tạo lại lịch sử và gieo vào lòng độc giả những câu hỏi, những vấn đề đối
thoại trong trang viết để cùng nghiền ngẫm, liên tưởng, tìm mối thông cảm và
chia sẻ với những con người trong câu chuyện xưa mà nay chỉ còn là vài dòng khắc
trên bia đá. Khuynh hướng “tiểu thuyết hóa lịch sử” đã gặt hái được khá nhiều
tác phẩm có những thành tựu đáng kể như: Khúc khải hoàn dang dở (Hà
Ân), Bão táp cung đình, Thăng Long nổi giận, Huyền Trân công chúa, Vương
triều sụp đổ (Hoàng Quốc Hải), Kinh đô Rồng, Một mất một còn, Thời
vàng son (Nguyễn Khắc Phục), Giàn thiêu (Võ Thị Hảo); Mẫu
Thượng ngàn (Nguyễn Xuân Khánh); Sắc đẹp khuynh thành (Kiều
Thanh Tùng); Gió lửa, Đất trời (Nam Dao); Sông Côn mùa lũ (Nguyễn
Mộng Giác); Hồ Quý Ly (Nguyễn Xuân Khánh); Đàn đáy (Trần
Thu Hằng); Trương Vĩnh Ký, bi kịch muôn đời (Hoàng Lại Giang), Nguyễn
Thị Lộ (Hà Văn Thùy)...Vấn đề nhà văn đặt ra trong tác phẩm là thân phận
con người trong những biến động của lịch sử, từ con người của chốn cung đình đến
những người dân dưới đáy xã hội. Kết thúc cuối cùng của mỗi số phận con người
như thế đều là bất hạnh, khổ đau. Phải khẳng định rằng, khi chú trọng đến yếu tố
tiểu thuyết thì lịch sử có thêm một sức sống mới. Lịch sử không còn là sự kiện
biên niên mà đã được tái tạo và mang theo những vấn đề mà con người hiện tại
quan tâm. Lịch sử chỉ được xem như một chất liệu để phản chiếu những vấn đề của
con người ở tầm phổ quát nhất. Thực ra, nhiệm vụ đặt ra cho nhà văn khi viết
về đề tài lịch sử là rất lớn: nhà văn phải làm sống lại Lịch sử quá khứ nhưng
không phải chỉ như nó vốn có (chính sử) mà cái Lịch sử đang sống lại đó phải
mang “hơi thở” của thời đại hôm nay. Nói như vậy thì dễ nhưng làm được thì
không hề đơn giản bởi lịch sử như người ta đã thấy (Chính sử) luôn có không ít
những khiếm khuyết, những khoảng trống, những tồn nghi mà ta thường nói là do
tư liệu lịch sử ít ỏi hoặc có khá nhiều những sự thực lịch sử còn ẩn tàng trong
cái gọi là “thâm cung bí sử”! Chính vì thế, ta thường nói là nhà văn phải “Giải
mã Lịch sử”. Hoặc nói như A. Pushkin (*): nhà văn phải “chất vấn
quá khứ để trả lời cho hiện tại và tương lai”. Và A. Pushkin đã làm cái
công việc khó khăn, nhọc nhằn ấy bằng việc viết cuốn tiểu thuyết lịch sử trứ
danh Người con gái viên đại úy.
Có thể nói, cho đến hôm nay, Người con gái viên đại
úy vẫn là một chuẩn mực tuyệt vời của tiểu thuyết lịch sử, đã giải
thuyết rất đầy đủ và tài tình “Tính lịch sử và tính thời sự của tiểu thuyết
lịch sử”. Sẽ không có gì là quá đáng nếu nói chỉ với Người con gái
viên đại úy, A. Pushkin đã trở thành một nhà tiểu thuyết lịch sử bậc thầy
lỗi lạc đã kỳ công mở đường cho thể loại tiểu thuyết lịch sử. Sau khi
đã thành công rực rỡ qua hàng trăm bài thơ trữ tình, gần chục bản trường ca,
truyện thơ Epgheni Oneghin cùng các truyện ngắn và kịch, Puskin chuyển
sang viết tiểu thuyết lịch sử. Người con gái viên đại úy lấy đề tài từ
cuộc khởi nghĩa nông dân Pugasov (1773-1775) trong lịch sử nước Nga ở cuối
thế kỷ XVIII. Sau Cuộc cách mạng tháng Chạp (1825) do một bộ phận
quý tộc tiến bộ cầm đầu bị thất bại, chính quyền chuyên chế Nga hoàng càng tìm
mọi cách kìm hãm đất nước trong vòng nô lệ tối tăm. Mọi hoạt động chống đối đều
bị đàn áp tàn bạo, đời sống nông dân vô cùng cực khổ. Trước tình hình nóng bỏng
của thời cuộc, Puskin không ngừng day dứt, suy ngẫm…Puskin đã viết cuốn Lịch
sử Pugasov (1833-1834) khẳng định và ngợi ca vai trò của Pugasov, vị
thủ lĩnh của phong trào nông dân khởi nghĩa. Cảm hứng về Pugasov thôi thúc nhà
thơ viết tiếp tiểu thuyết với mong muốn “chất vấn quá khứ để trả lời cho hiện tại
và tương lai”. Nhà thơ đã giành bốn tháng liền, đi về các vùng Uran, Cadan,
Orenbua, đến tận căn cứ của cuộc khởi nghĩa, và lần theo dấu vết của các đoàn
quân khởi nghĩa, đồng thời gặp gỡ các nhân chứng - lớp người cao tuổi từng chứng
kiến… Trong cuộc hành trình này, Nhà thơ đã chú ý tìm hiểu văn hóa, phong tục tập
quán những vùng dân cư dọc sông Vônga và hình ảnh Pugasov qua truyền thuyết,
thơ ca dân gian....Và Nhà thơ đã nhận thấy rằng, theo cách nhìn của nông dân
thì chỉ có đức vua Piôt Feđorovits, một con “chim đại bàng”, chứ không có
gã Côdăc Pugasov, càng không có “tên phiến loạn” Pugasov như triều đình thống
trị kết tội Pugasov. Điều nổi bật là khi viết Người con gái viên đại úy, chất
lãng mạn trong thơ trữ tình Puskin trước đây đã được chuyển hóa, hòa tan trong
từng chi tiết lịch sử cụ thể. Người con gái viên đại úy được kết cấu
xoay quanh biến cố lớn là cuộc khởi nghĩa nông dân từng lan rộng trên hai phần
ba lãnh thổ nước Nga, làm rung chuyển triều đình Sa hoàng, chứ không chỉ tập
trung vào hoạt động của thủ lĩnh Pugasov, hoặc nữ hoàng Ekaterina II như
một số truyện kể lịch sử khác thời đó. Mạch truyện được thể hiện đậm nét
hiện thực ở cả hai phía: thế giới quan lại quý tộc và thế giới bị trị - đông đảo
nông dân nghèo khổ - mà đại diện điển hình là lãnh tụ của cuộc khởi
nghĩa Pugasov. Trong mạch truyện tác phẩm được kết cấu song song đó là xung đột
tình yêu tay ba đầy gay cấn, éo le mang đậm tính tiểu thuyết. Đó là mối tình
lãng mạn giữa Masa - con gái viên đại úy Mirônov - và viên sĩ quan quý tộc trẻ
Grinhov, từng bị thương trong cuộc đấu kiếm với gã sĩ quan Svabrin do xung khắc
trong đơn vị. Chàng đã được nàng Masa cứu chữa, rồi từ đấy nẩy sinh tình yêu giữa
hai người. Bố mẹ nàng - đại úy Mirônov - trong khi chiến đấu bảo vệ đồn Belôgo
đã bị quân khởi nghĩa giết chết. Còn Grinhov vội vàng chạy về thủ đô xin cầu viện. Riêng
gã Svabrin, sau khi đầu hàng quân khởi nghĩa đã được Pugasov cho làm đồn trưởng.
Gã này lợi dụng thời cơ loạn lạc và chức vụ mới của mình tìm mọi cách cưỡng ép
nàng Masa lấy hắn. Câu chuyện tình rắc rối được kết cấu song hành trên nền lịch
sử bão táp của cuộc khởi nghĩa kéo dài trong thời gian ba năm. Tác giả không đi
sâu vào ngõ ngách của hệ thống sự kiện xã hội, mà chủ yếu mở rộng mạch cốt truyện
vừa hiện thực, vừa lãng mạn theo dòng thời gian và không gian được xác định. Mở
đầu là khung cảnh gặp gỡ ngẫu nhiên trong đêm bão tuyết dữ dội giữa viên sĩ quan
quý tộc Grinhov trên đường đi đồn trú ở phương xa và Pugasov, gã mugic dữ tợn
như một lục lâm thảo khấu - được khắc họa bằng chi tiết thú vị không
thể quên: đó là chiếc áo tulúp đắt tiền, mà Grinhov đã làm quà tặng cho Pugasov
để trả ơn việc gã chỉ đường cho chàng khỏi lạc giữa mịt mùng bão tuyết. Grinhov
vừa đến đồn Bêlogo thì quân khởi nghĩa đánh đồn, đại úy đồn trưởng bị giết chết,
rồi đến lượt viên sĩ quan trẻ Grinhov phải bước lên giá treo cổ. Nhưng may mắn
thay, người hầu trung thành với chủ đã nhận ra vị thủ lĩnh Pugasov chính là gã
mugic dữ tợn đã được Grinhov cho chiếc áo tulúp đắt tiền. Và viên sĩ quan trẻ
được tha bổng. Nhưng về sau, Grinhov lại bị triều đình bắt giam về tội đầu hàng
quân khởi nghĩa, do gã sĩ quan Svabrin tố cáo. Phần kết thúc có hậu vui vẻ đẫm
chất lãng mạn trong cảnh nàng Masa dũng cảm vượt hàng ngàn dặm đường muôn vàn
khó khăn đến tận kinh đô để cầu cứu nữ hoàng Ekaterina II, nhằm thanh minh cho
Grinhov. Xúc động trước mối tình trong sáng của cô gái mồ côi, mà bố mẹ đã chết
vì bảo vệ chính quyền, nữ hoàng mở rộng lòng nhân từ tha bổng cho chàng sĩ quan
và còn chúc phúc cho đám cưới của hai người. Nhân vật hư cấu Grinhov được
thể hiện sinh động trong vai trò người thuật truyện. Điều đáng chú ý là: giai cấp
quý tộc và Grinhov đều coi Pugasiov là “tên phiến loạn hung ác”, nhưng khi người
tráng sĩ này xuất hiện trên chiến trường, thì viên sĩ quan Nga hoàng lại nhìn
thấy một hình ảnh khác hẳn và phải nói là rất đẹp, rất oai phong, lẫm liệt:
“... khắp thảo nguyên đã đông nghịt những người cầm giáo và cung tên. Trong đám
họ có một người mặc áo caphơtan đỏ, cưỡi ngựa bạch, tay cầm một thanh gươm tuốt
trần: người đó chính là Pugasov...”. Mặc dù chàng thanh niên Grinhov không bao
giờ thừa nhận người thủ lĩnh nông dân là một “đức vua”, nhưng vẫn thành thật
công nhận đó là một “ân nhân”, có “nét mặt đều đặn dễ ưa, không lộ vẻ gì hung
ác”. Grinhov còn ngạc nhiên hơn nữa khi ở người này “có tiếng cười vui vẻ một
cách hồn nhiên”, cũng chính người này tha chết cho mình và lớn tiếng nói: “đã
giết là giết, đã tha là tha. Ngươi hãy đi khắp bốn phương trời, muốn làm gì thì
làm”; hơn thế nữa Pugasov lại còn cho Grinhov cả áo ấm, tiền, ngựa và cấp giấy
tờ để về chốn cũ, không quên chúc hạnh phúc đôi lứa cho họ. Hình tượng Pugasov được
tác giả xây dựng theo điểm nhìn của nhân dân: đó là một người giản dị, dễ mến,
gắn bó với đông đảo nông dân và hết lòng thương yêu mọi người, lại bộc trực, đầy
khí phách anh hùng hảo hán với những nét bình dân vui, buồn, giận thương... được
thể hiện rõ nét qua tiếng cười hồn hậu trong sinh hoạt đời thường, tiếng thét
hùng tráng khi xung trận. Có chi tiết thú vị là Pugasov không biết chữ, cầm giấy
đọc ngược và chỉ ký tên bằng một dấu chấm đen. Nét nhân từ càng hiện rõ khi biết
Grinhov nói về việc đi cứu cô gái Masa thoát khỏi vòng vây cưỡng ép dưới quyền
lực của gã sĩ quan Svabrin đểu cáng, Pugasov vội lớn tiếng quát: “Trong quân ta
có đứa nào dám bắt nạt một đứa mồ côi. Dù hắn có ba đầu sáu tay cũng đừng hòng
thoát khỏi trừng phạt. Người nói đi, đứa nào dám làm một việc khốn nạn như vậy.
Rồi ta cho thằng Svabrin biết tay. Hắn sẽ biết trong quân ngũ của ta mà lộng
hành và ức hiếp dân thì sẽ ra sao. Ta sẽ treo cổ lên cho mà xem”. Tính
cách Pugasov được khắc họa theo nghệ thuật tiểu thuyết, nhân vật được
cá tính hóa một cách sinh động, cụ thể tạo nên sức hấp dẫn mạnh mẽ. Từ vị trí một
gã Côdăc “ẩn náu” giữa thảo nguyên mênh mông, từng nếm trải bao nỗi đắng cay,
căm phẫn đối với bọn địa chủ quan lại, từng ôm ấp khát vọng tự do, rồi trở
thành thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa, được tôn sùng như một vị hoàng đế trong truyền
thuyết. Hình tượng này được ngòi bút tác giả miêu tả tập trung vào thời khắc lịch
sử hào hùng nhất, đó là hai năm thử thách quyết liệt - hai năm tung hoành
chiến đấu sinh tử với quân đội của triều đình, làm lay động cả nước Nga và được
nhân dân suy tôn là hoàng đế Piôt Fêđorovits... như “chim đại bàng”
tung cánh trên thảo nguyên bao la cho đến lúc phong trào thất bại. Người
con gái viên đại úy quả là một tiểu thuyết lịch sử đặc sắc: yếu tố hiện thực
lịch sử đan xen nhuần nhuyễn với yếu tố trữ tình lãng mạn xuyên qua hàng loạt
nhân vật bình thường tạo nên sức thu hút mạnh mẽ và bền vững. Tính hiện thực
sâu sắc, tính lịch sử hùng tráng, tính nghệ thuật cao và đậm đà tính nhân dân,
tác phẩm Người con gái viên đại úy được xếp vào loại cổ điển, đã góp
phần chắc chắn vào việc đặt nền móng cho thể loại tiểu thuyết nói chung
và tiểu thuyết lịch sử nói riêng trong văn học Nga vào nửa đầu thế kỷ
XIX. Đến cuối thế kỷ XX, Người con gái viên đại úy đã được dựng thành
phim và ngay lập tức trở thành một bộ phim cổ điển trong nền điện ảnh Xô-viết.
Nói đến tiểu thuyết lịch sử Việt Nam hiện đại, người
sớm đi vào đề tài lịch sử và lập kỷ lục cả về số lượng và chất lượng chính là
nhà văn xứ Huế Thái Vũ (1). Điểm đáng chú ý là chàng trai trẻ Bùi
Quang Đoài (BQĐ) đã khai mở nghiệp văn bằng cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tay “Cờ
nghĩa Ba Đình” và cũng từ đây bút danh Thái Vũ chính thức xuất hiện trên văn
đàn.
Thái Vũ từng “tuyên ngôn” rằng: “Viết tiểu thuyết lịch sử
trước hết phải tôn trọng lịch sử, không hư cấu, bịa đặt, tùy tiện. Viết cuốn
nào, mình cũng vẽ bản đồ khu vực diễn ra những sự kiện chính để tránh nhầm lẫn.…”
Nhưng ông cũng đã nói: là tiểu thuyết, dù là tiểu thuyết lịch sử, làm sao tránh
được “hư cấu”. Nhân vật hư cấu trong Cờ nghĩa Ba Đình là cô Thắm,
không ngờ “bông hồng” ấy do chính tác giả “khai sinh” ra với bến đò Thắm từ huyện
Hậu Lộc ra Nga Sơn, Thanh Hóa. Nói vậy để thấy rằng, ngay từ khi bắt tay vào viết
tiểu thuyết lịch sử, Thái Vũ đã theo xu hướng nhiều khó khăn nhọc nhằn nhưng có
nhiều cơ hội cho sự sáng tạo là xu hướng “tiểu thuyết hóa Lịch sử”.
Như là “Lịch sử chọn nhà văn” chứ nhà văn không được lựa chọn,
Thái Vũ chủ yếu viết về những sự kiện lịch sử lớn, những nhân vật lịch sử cũng
cỡ lớn cho nên vấn đề đặt lên hàng đầu là phải tái hiện chính xác các nhân vật
lịch sử và các sự kiện lịch sử. Vì thế, những thao tác tỉ mẩn, cẩn trọng trong
việc tra cứu, sưu tầm tư liệu lịch sử gốc với ai đó là “tra tấn” nhưng với Thái
Vũ hình như ông rất say sưa. Đi tìm hiểu thực địa, những nơi các nhân vật lịch
sử đã làm nên kỳ tích, những nơi những sự kiện lịch sử đã xảy ra là cả một kỳ
công nhưng ông hăm hở lên con tàu “ngược thời gian” với khát vọng tìm tòi, khám
phá mạnh mẽ. Chui vào Thư viện với những kho sách khổng lồ, miệt mài tra cứu tới
mức quên ăn quên ngủ không làm cho ông hóa thành “con mọt sách” hoặc trở thành
người ngơ ngẩn mà ông luôn ở tâm trạng “bừng sáng” khi phát hiện ra điều gì đó
mới mẻ! Hãy xem ông nói về chuyện 5 năm trời (từ 1958 đến 1963) đã viết cuốn tiểu
thuyết lịch sử đầu tiên “Cờ nghĩa Ba Đình” như thế nào?
Để có cuốn sách đầu tay Cờ nghĩa Ba Đình, có bao người
đã đứng bên ông, giúp ông vượt qua chặng “vạn sự khởi đầu nan” ấy. Năm 1958, được
Hội Nhà văn cho “vay” 100 đồng, ông đi Thanh Hóa tìm về những căn cứ và nhân chứng
cuộc khởi nghĩa Ba Đình (**). Năm 1963, lại vào Thanh Hóa sống với cảm hứng
bi hùng cùng những nghĩa quân Ba Đình như đang sống lại…Cũng năm 1963, lần đầu
tiên, bút danh “Thái Vũ” được các thầy “duyệt”, xuất hiện trên Tạp
chí Nghiên cứu lịch sử với bài viết khá chững chạc.
Thái Vũ kể: Khi tôi dự tính sẽ viết tiểu thuyết lịch sử về cuộc
Khởi nghĩa Ba Đình, Viện trưởng Viện Sử học Trần Huy Liệu rất đồng tình. Thầy
giáo tôi, Viện trưởng Viện Văn học Đặng Thai Mai cũng như cụ Lê Thước đều
khuyến khích. Nói chung các thầy, các bậc cha chú như Hoa Bằng Trần Thúc Trâm,
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lê Tất Đắc khi đó, nhất là các bạn bên Viện Sử học (có Lê
Văn Lan) đều ủng hộ cung cấp thêm tư liệu. Trong sự quan tâm động viên nhiệt
tình ấy, tôi đã cố gắng hoàn thành cuốn sách. Bản thảo “Cờ Nghĩa Ba Đình” viết
lần đầu chỉ có 370 trang, thầy Trần Huy Liệu đọc xong, bảo: “Cứ theo sườn này,
viết kỹ hơn nữa”. Lần hai, thành 600 trang. Nhà xuất bản lại nói: “Các cây đại
thụ làng văn in dày thế này còn khó, ông thì… Thôi, rút gọn xuống 300 trang!”.
Lại cặm cụi sửa chữa, nhưng Nguyễn Đức Đàn (2) nói: “Đừng gò bó.
Viết thoải mái mới hay được!”. Và Nguyễn Đức Đàn nhiệt tình đọc từng trang bản
thảo vừa ráo mực, có những ý kiến rất sâu sắc. Nhiều khi mải mê say viết quên
ăn, Nguyễn Đức Đàn chạy đi mua bánh mỳ nóng hổi… Trong 6 tháng sửa chữa, bổ
sung, bản thảo lần 3 lên tới hơn 1.000 trang được hoàn thành. Nhưng
trong điều kiện lúc đó chiến tranh bắt đầu “Leo thang”, sách chưa thể in ngay
được. Từ năm 1976 đến năm 1981, NXB Quân đội nhân dân đã cho in với số lượng
30.000 cuốn trọn bộ 2 tập “Cờ nghĩa Ba Đình” của tôi. Sau đó, NXB Thanh Hóa in
lại (1986-2000). Tuy vậy, viết mà vẫn áy náy về tên Quảng trường Ba Đình do
ai đặt, và ai cũng nghĩ tên Quảng trường Ba Đình là do Bác Hồ đặt… nên tôi rất
mừng khi biết được người đặt tên Quảng trường Ba Đình là bác sĩ Trần Văn
Lai (3).
Có một vài chuyện “lấy làm tiếc” cho BQĐ - Thái Vũ và hẳn người
ta sẽ nghĩ “giá như…” thì cuộc đời ông sẽ khác! Đó là chuyện BQĐ phải đổi tên
thay bằng bút danh Nhiên Vũ, Thái Vũ... Ba truyện ngắn của Nhiên Vũ gửi dự thi
chuẩn bị giành giải nhất, nhà văn Nguyễn Văn Bổng viết thư đòi gặp không được,
theo địa chỉ đã tìm đến nhà Thái Vũ ở phố Lãn Ông. Khi biết tác giả ba truyện
ngắn ấy là Bùi Quang Đoài, tác giả “Con trâu” cũng đành ngậm ngùi bỏ cuộc! Rồi
chuyện Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên gợi ý cho Thái Vũ về dạy ĐHSP Vinh. GS Phạm
Huy Thông khi đó là Hiệu trưởng ĐHSP Hà Nội gọi Thái Vũ về dạy. GS Đặng Xuân
Thiều, thầy học cũ viết giấy nhận anh về Viện Khảo cổ do GS phụ trách. Nhưng
Đoài không thích khảo cổ! Lại từ chối một lời mời sang Ấn Độ làm tùy viên văn
hóa... BQĐ thẳng thắn với những ân nhân lẫn lời mời ấy rằng chỉ muốn suốt đời
viết văn, cụ thể là viết tiểu thuyết lịch sử. Năm 1963, GS Đặng Thai Mai, Viện
trưởng Viện Văn học nhận anh về Viện, BQĐ lại từ chối: "Cháu mong học ĐH để
có trình độ và kiến thức để viết tiểu thuyết mà là tiểu thuyết về Việt
Nam...". Nhà văn Nguyễn Khắc Phê (4) , người bạn văn đàn em
thân thiết, trong một bài viết nhân sinh nhật lần thứ 80 của nhà tiểu thuyết Lịch
sử, có nhận xét về Thái Vũ - BQĐ như sau: “Cuộc chơi mà Bùi Quang Đoài bày ra từ
khi ấy dằng dặc cho đến cái tuổi chẵn bát tuần này có lẽ chả hoành tráng như
nhiều người nghĩ. Bằng cớ tiểu thuyết của BQĐ chưa hẳn đã ăn khách lẫn nổi trội
trong mặt bằng công luận! Tài năng lẫn những hay dở được mất... Tiêu chí ấy có
lẽ nó cũng chỉ lòa nhòa, tùy theo tạng của mỗi người và còn là hậu
xét nhưng tôi trộm nghĩ, dẫu có trục trặc ban đầu này khác nhưng trọn cả một
cuộc đời trang trải chăm chút cho thú vui niềm say mê mà tự bản thân mình đã
bày biện như Thái Vũ BQĐ lại cũng chả sướng sao! Cái bút danh Thái Vũ mà hai cụ
Trần Huy Liệu và Hoa Bằng Trần Thúc Trâm đặt cho BQĐ có lẽ cũng chả uổng?”. Tôi
nghĩ không hẳn là như vậy. Cái “Bằng cớ tiểu thuyết của BQĐ chưa hẳn
đã ăn khách lẫn nổi trội trong mặt bằng công luận!” mà Nguyễn Khắc Phê chưa ổn.
Bởi bằng cớ là cái “mặt bằng công luận” kia không phải bao giờ cũng là khuôn
vàng thước ngọc mà luôn có những sự không minh bạch (Xin xem “nội tình” cuộc chấm
giải đầu tiên của Hội Nhà văn VN trong bài viết: Ngự
Sử Văn Đàn Phan Khôi - Đỗ
Ngọc Thạch) và nữa, ở xứ ta, khi chấm văn, người ta thường “chấm người” là
chính chứ không phải là sự thẩm định công minh tác phẩm, chuyện nhà văn Nguyễn
Văn Bổng vừa nói trên chỉ là một ví dụ nhỏ (Xin xem thêm tích truyện Trạng
Me đè Trạng Ngọt). Chuyện nhóm bạn cùng khóa đầu Khoa Văn ĐH Sư Phạm Hà Nội
với BQĐ - Thái Vũ bị văng đi tứ tán, và hầu hết những người “thọ nạn” trong vụ
NV-GP đều là những văn tài nhưng “mặt bằng công luận” lúc đó đâu có chấp nhận?
Vì thế, đánh giá tác phẩm của một nhà văn, nhất là nhà văn “có vấn đề” thì phải
có được nhà phê bình có “Con mắt xanh”. Rất tiếc là ở xứ ta, những nhà phê bình
văn học có “Con mắt xanh” quả là “ngàn năm mới có một người”! Đành chờ vậy!... Dù
sao, tôi cũng phải nói rằng, tiểu thuyết lịch sử của Thái Vũ có thể xếp vào
hàng đặc sắc nếu chưa muốn nói là kiệt tác của văn học VN hiện đại, nhất là những
tiểu thuyết lịch sự viết về Huế và vương triều nhà Nguyễn: Biến động-Giặc
Chày Vôi (5), Huế 1885, Những ngày Cần Vương, Thành Thái - "người
điên" đầu thế kỷ XX.
Cuộc “bút chiến” với GS Hoàng Xuân Nhị
Sau sự kiện “ông chủ bút Đất Mới” BQĐ dám tranh biện với GS Hoàng Xuân Nhị (6) về một bài báo, người ta đã riệt cho BQĐ theo
đuôi nhân văn... Những đòn đánh “có tính hủy diệt” tới tấp giáng xuống
chàng trai đầy triển vọng…”Đất Mới” mới chỉ ra được 1 số thì bị đình bản và ông
chủ bút BQĐ bị đuổi khỏi trường ĐH Sư Phạm!... Vậy thực ra cuộc “bút chiến”
của chàng trai trẻ BQĐ với GS Hoàng Xuân Nhị là như thế nào? Hãy đọc lài bài viết
của Bùi Quang Đoài: Chủ nghĩa nhân văn của ông Hoàng Xuân Nhị”. Đây là một bài
viết khá sắc sảo của BQĐ về một vấn đề lớn của Lý luận văn học, không chỉ lúc
đó mà mãi về sau này: Tính Đảng trong văn học. Có thể nói bài viết của BQĐ là tuyệt bút bởi phê phán rất trúng những sai lầm của GS Hoàng Xuân Nhị! Hãy đọc
lại một đoạn sau:
“Trong vấn đề văn học của Đảng, Lê-nin viết: “Tất cả văn học
của Đảng, dù là địa phương hay Trung ương phải phục tùng một cách vô điều kiện
Hội nghị của Đảng và những tổ chức địa phương hay trung ương của Đảng. Sự tồn tại
của một văn học của Đảng mà không liên hệ với Đảng theo tổ chức thì không thể
dung nạp được.” (Lê-nin toàn tập cuốn X, trang 144). Đó là thời kỳ trước cách mạng
1905-1907, Đảng Bôn-sê-vik tích cực hoạt động chống bọn Men và báo chí của
chúng đang tuyên truyền xuyên tạc chủ nghĩa Mác-xít dưới danh nghĩa “mác-xít”.
Ông Hoàng Xuân Nhị đã máy móc đưa thời gian lịch sử của thời kỳ trước cách mạng
1905-1907 đem áp dụng vào hoàn cảnh xã hội ta hiện nay. Chính trong nguyên tắc
căn bản đó, Lê-nin đã nhắc nhở các nhà văn của Đảng là “Sự nghiệp văn học phải
trở thành một bộ phận trong toàn bộ sự nghiệp của giai cấp vô sản, phải trở
thành một bộ phận cấu tạo trong công tác của Đảng…” Theo tinh thần nguyên tắc
đó các nhà văn của Đảng, các nhà văn đảng viên, các nhà văn viết trên báo chí của
Đảng, tuyệt đối phải chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, của tổ chức của Đảng,
không được nhân danh Đảng để tuyên truyền những quan điểm chống Đảng (cuốn X,
trang 31), và khi Lê-nin viết “đả đảo những nhà văn học phi Đảng” (mà ông Hoàng
Xuân Nhị chú thích sai là chống lại Đảng thời ấy) chính là nhằm phản đối những
nhà văn đảng viên chủ trương đứng trên tổ chức của Đảng, phản đối những nhà văn
Men-sơ-vích tán thành sự công tác của nhà văn xã hội dân chủ với các tờ báo tư
sản (lúc bấy giờ là giai cấp cầm quyền). Nó hoàn toàn không giống một chút nào
với trường hợp của anh em Nhân văn và Giai phẩm đương đấu tranh đòi mở rộng tự
do dân chủ chống những tệ lậu của lãnh đạo. Gán ghép như ông Hoàng Xuân Nhị tỏ
ra rằng một là ông Nhị không tiêu hóa được tài liệu, hai là ông Nhị đã lợi dụng
tài liệu một cách xuyên tạc. Nó không đúng với tinh thần trung thực của người
trí thức.
Ông Nhị còn đề nghị:
“Bài của Lê-nin được viết ra cuối năm 1905 thời mà Đảng chưa lên nắm chính quyền.
Đến lúc Đảng đã nắm chính quyền rồi thì lẽ cố nhiên nguyên tắc Đảng lãnh đạo và
tổ chức lãnh đạo chuyên môn lại càng chặt chẽ hơn nữa”.
Sáng tỏ và chặt chẽ hơn, đồng ý. Nhưng chặt chẽ như thế nào? Có phải chặt chẽ
là văn học nhất cử nhất động phải tuân theo ý kiến của một phái, chặt chẽ là
chuyên môn vâng theo những ý kiến về chuyên môn của một số lãnh đạo không am hiểu
về chuyên môn không?
Danh từ chặt chẽ buông xuôi như thế, rất có thể dẫn đến những sai lầm tai hại.
Hoàng Xuân Nhị có nhớ kinh nghiệm đau xót của nhóm Prô-le-kun và nhóm R.A.P.P không?
Vấn đề thứ hai là vấn đề đảng tính trong văn học.
Lê-nin đã giải thích văn học có đảng tính như thế nào? Trong sự đấu tranh chống
lại văn học tư sản địa vị chủ nghĩa, cá nhân chủ nghĩa, vô chính phủ v.v…
“Lênin đã đề nghị sáng tạo ra một nền văn học xã hội chủ nghĩa, thực sự tự do
và liên hệ công khai với văn học của giai cấp vô sản. Theo ý Lê-nin thì nền văn
học đó phải thấm nhuần tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Nó phải phục vụ cho hàng triệu
triệu người lao động, những người con ưu tú, sức mạnh và tương lai của đất nước.
Nền văn học đó phải là mối dây nối giữa kinh nghiệm quá khứ và cuộc đấu tranh
hiện đại của giai cấp vô sản.” (B. Meilakh).
Văn học có đảng tính là như thế. Nó là một nền văn học “thấm nhuần tư tưởng xã
hội chủ nghĩa, công khai bênh vực quyền lợi của nhân dân đứng trên lập trường của
Đảng”. Cho nên văn học có đảng tính tuyệt đối không có nghĩa là văn học của những
nhà văn trong tổ chức của Đảng. Càng tuyệt đối không có nghĩa là bắt buộc tất cả
mọi nhà văn phải vào tổ chức của Đảng. Một tấm thẻ đảng viên không thể bảo đảm
được đảng tính của một tác phẩm văn học. Trái lại một tác phẩm văn học có đảng
tính rất có thể là của một nhà văn đứng ngoài tổ chức của Đảng.
Ví dụ: Mai-a-cốp-ski, Lỗ Tấn v.v…
Văn học có đảng tính nghĩa là văn học có lập trường đấu tranh
rõ rệt trong “ý nghĩa thống nhất và tự nguyện” của những người sáng tác văn học
xã hội chủ nghĩa. Như thế thì người sáng tác có đủ mọi quyền tự do của mình, tất
nhiên cả quyền tự do tư tưởng, có quyền đi sâu vào từng sở thích riêng của
mình. Lê-nin đã viết:
“Trong lãnh vực đó, tuyệt đối cần phải bảo đảm một sự tự do rộng lớn cho sáng
kiến cá nhân, cho các khuynh hướng cá nhân, bảo đảm sự tự do tư tưởng và sức tưởng
tượng, sự tự do về hình thức và về nội dung.” (Cuốn X trang 28)
Ta thấy ngày trước Lê nin đã có một quan niệm rộng rãi trong sự sáng tác văn học.
Chính Lê-nin đã khiêm tốn trả lời Clara Zetkin khi họa sĩ này hỏi ý kiến Lê-nin
về họa lập thể và vị lai:
“Tôi không biết nhiều về lãnh vực đó, nhưng tôi nghĩ rằng nếu những nhà nghệ sĩ trẻ tuổi biểu lộ nhiều cảm xúc của mình trước những xu hướng đó thì nó phải có một lý do hợp lý và người ta cần phải phân tích cái lý do đó theo quan điểm xã hội học”. (Les Lettres Francaices số 609).
“Tôi không biết nhiều về lãnh vực đó, nhưng tôi nghĩ rằng nếu những nhà nghệ sĩ trẻ tuổi biểu lộ nhiều cảm xúc của mình trước những xu hướng đó thì nó phải có một lý do hợp lý và người ta cần phải phân tích cái lý do đó theo quan điểm xã hội học”. (Les Lettres Francaices số 609).
Lê-nin đã không kết án phái họa đó và Lê-nin đã đặt vấn đề cần phải phân tích
nghiên cứu nội dung xã hội của nó…
Do sự không phân biệt nổi hai vấn đề văn học của Đảng và văn học có đảng tính
trên, nên chỉ quan niệm về tự do tư tưởng ông Nhị cũng đã ngã vào những sai lầm
nghiêm trọng:
Hoàng Xuân Nhị chứng minh rằng sở dĩ các nhà văn nghệ được tự do tư tưởng là nhờ
Đảng. Ông đã đem ví dụ con chim bay trên bầu trời xanh để làm chân lý phổ biến
muôn đời. Trong lịch sử tư tưởng của con người, người văn nghệ sĩ cũng như người
khoa học, triết học qua bao chế độ khác nhau, dù bị giai cấp thống trị hành hạ,
giết chết cũng không vì quyền uy mà hủy bỏ ý kiến sáng tạo của mình: M. Servet
và L. Vanini trên giàn củi lửa cũng không từ bỏ tư tưởng khoa học của mình; Cao
Bá Quát đâu có vì lưỡi đao bạo lực của triều Nguyễn mà mất cái khí thế ngang
tàng bất khuất của kẻ sĩ biết tự trọng.
Xuất phát từ lệch lạc đó, Hoàng Xuân Nhị cho rằng nhờ có Đảng mới có tự do tư tưởng. Như ý kiến tôi vừa trình bày, tôi hỏi lại ông Nhị là có Đảng rồi mới có quần chúng hay có quần chúng rồi mới có Đảng? Như thế thì rõ ràng là không phải có Đảng người văn nghệ sĩ mới có tự do tư tưởng mà ngay những thế kỷ trước cũng như thời kỳ trước cách mạng, mặc dầu thực dân đàn áp khủng bố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan vẫn kiên quyết tự do tư tưởng, tố cáo "cái xã hội chó đểu" buộc tội giới cầm quyền bấy giờ. Lúc ấy họ ấy họ có là đảng viên đâu; chỉ có là sáng tác phẩm của họ chịu ảnh hưởng ít nhiều của phong trào đấu tranh cách mạng mà thôi.
Xuất phát từ lệch lạc đó, Hoàng Xuân Nhị cho rằng nhờ có Đảng mới có tự do tư tưởng. Như ý kiến tôi vừa trình bày, tôi hỏi lại ông Nhị là có Đảng rồi mới có quần chúng hay có quần chúng rồi mới có Đảng? Như thế thì rõ ràng là không phải có Đảng người văn nghệ sĩ mới có tự do tư tưởng mà ngay những thế kỷ trước cũng như thời kỳ trước cách mạng, mặc dầu thực dân đàn áp khủng bố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan vẫn kiên quyết tự do tư tưởng, tố cáo "cái xã hội chó đểu" buộc tội giới cầm quyền bấy giờ. Lúc ấy họ ấy họ có là đảng viên đâu; chỉ có là sáng tác phẩm của họ chịu ảnh hưởng ít nhiều của phong trào đấu tranh cách mạng mà thôi.
Như thế thì tự do tư tưởng không phải là một vấn đề do Đảng ban ơn cho quần
chúng như ông Nhị đã lầm tưởng. Sở dĩ quần chúng văn nghệ sĩ mến Đảng, tin Đảng,
thừa nhận sự lãnh đạo là vì Đảng là người lính tiền phong trong đội quân tự do
tư tưởng đó, đã đấu tranh vì quyền lợi của nhân dân lao động cũng là mục đích của
họ đấu tranh trong sáng tác văn học. Đảng tạo điều kiện tốt cho người ta tự do
tư tưởng.
Trên đây, tôi đã trả lời ông Hoàng Xuân Nhị về một điểm lý luận chủ chốt trong bài của ông” (***).
Trên đây, tôi đã trả lời ông Hoàng Xuân Nhị về một điểm lý luận chủ chốt trong bài của ông” (***).
Cần phải nói thêm rằng “Đất Mới” của BQĐ không hề có quan hệ
với báo Nhân văn và các tập Giai phẩm và bản thân BQĐ cũng không “chơi” với
nhóm NV-GP mà họ chỉ gặp nhau ở quan niệm “tự do sáng tác” - một vấn đề lớn nổi
lên vào thời kỳ đó. Khi thấy nhiều người xúm vào “có ý đổ cho anh em Nhân
văn và Giai phẩm là muốn tách rời văn nghệ khỏi chính trị, chịu ảnh hưởng của
nhân văn tư sản, không chịu sự lãnh đạo của Đảng, nói xấu chế độ v.v…” thì BQĐ viết bài bênh vực. Đó là một hành động nghĩa hiệp, không phải ai cũng dám xả
thân!
Dù sao đi nữa, bài viết của BQĐ đã đối đầu với GS Hoàng Xuân Nhị, một người
có công lớn trong cuộc chống NV-GP nên BQĐ bị kết tội “theo đuôi NNV-GP” và bị
“xử lý” cùng nhóm NV-GP là điều không thể tránh khỏi. Nếu không có Bộ trưởng
Nguyễn Văn Huyên, GS Phạm Huy Thông, GS Đặng Thai Mai, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Hà
Huy Giáp vốn nhân ái lẫn liên tài... đã tìm nhiều cách kín đáo tháo gỡ, che chở
cho Bùi Quang Đoài thì hẳn là chàng trai trẻ còn phải chịu sự “xử lý” nặng hơn!
Mặc dù không được dạy bậc đại học, Bùi Quang Đoài vẫn yên ổn làm ở bộ phận
tuyên truyền đối ngoại của Bộ Giáo dục và ở Báo Người giáo viên nhân dân...
Cuốn Những Chiếc Lá Thời Gian (Tuyển tập
Thái Vũ) chỉ vừa chẵn 1000 trang. Phần tiểu thuyết lịch sử chọn trích in từ 7
tác phẩm chính đã xuất bản. Phần Thơ đã giúp bạn đọc biết rõ một
chân dung Thái Vũ hoàn chỉnh: đó là một Thái Vũ - nhà thơ. Thái Vũ đã dành phần
mở đầu của “Tuyển tập” bằng những bài thơ, trong đó có rất nhiều bài thơ tình.
Tuy Thái Vũ đã “khiêm tốn” mà nói rằng rằng: “Tôi không phải là “nhà thơ”,
ai gọi như vậy, tôi rất... ngượng”, nhưng chính là nhờ xuất hiện trên văn đàn bằng
thơ mà ông đã trở thành một hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam từ
năm 1957. Đó là bài thơ “Các anh” (viết về các Liệt sĩ) đăng trong “Tạp chí Văn
nghệ” xuất bản ở chiến khu Việt Bắc từ năm 1953. Phần Thơ của “Tuyển
tập Thái Vũ” chưa tới 50 trang sách, nhưng rất ấn tượng và cũng phần nào lý giải
tại sao trong tiểu thuyết lịch sử của Thái Vũ chan chứa cảm hứng trữ tình và
văn tự sự của Thái Vũ không chỉ có chất sử thi hùng tráng mà còn bay bổng chất
thơ. Phần Tiểu luận hơn 200 trang gồm ba chục bài viết thể hiện vốn
kiến thức sâu rộng và văn phong sắc sảo của Thái Vũ. Phần “Tiểu luận” còn
có những bài viết của các nhà phê bình về các tác phẩm của Thái Vũ và những
trang “nói lại cho rõ” quan điểm của tác giả về viết tiểu thuyết lịch sử, giúp
bạn đọc hiểu sâu hơn giá trị tác phẩm qua xuất xứ cũng như quá trình “mang nặng
đẻ đau” hàng ngàn trang tiểu thuyết lịch sử của ông…
Bản thảo Hồi ức Giọt nước thời gian (2010) của
Thái Vũ đã hoàn tất. Thái Vũ cho biết chuyện thân phụ và thân mẫu ông từng gặp
cụ Nguyễn Sinh Sắc và cả bà Hoàng Thị Loan không chỉ một lần. Thái Vũ đã ghi lại
lời kể của thân mẫu mình về những lần gặp gỡ đặc biệt này chỉ trong mấy trang
sách - một việc mà ông “đành khấn hương hồn Ba Má tôi, mong tạ lỗi cùng anh
linh các Người” vì “sinh thời Ba Má tôi đã “cấm” không cho viết trên sách.…”
Nhưng đến cuối đời, ông đã viết ra vì nhiều người - các nhà sử học, nhà văn, đã
khuyên ông hãy kể hết những gì mà ông biết, bởi lớp người ông - nhân chứng của
nhiều biến động lịch sử, nhiều người ra đi đã mang theo luôn “bí mật” của cuộc
đời, của lịch sử mà hậu thế cần biết.
Năm nay đã hơn 80 tuổi, nhưng Lão nhà văn Thái Vũ
chưa ngưng nghỉ chuyện viết lách mà đang soạn tiếp cuốn “Nghiệp văn chương”, ghi
lại những chặng đường đi tìm vẻ đẹp và những khúc bi tráng trong trang sử dân tộc;
đó cũng là quá trình hình thành những cuốn tiểu thuyết lịch sử đã xuất bản. Lịch
sử hào hùng của dân tộc ta là một kho báu mà các nhà văn khai thác không cùng -
suy nghĩ đó của ông lúc nào cũng đúng. Hy vọng cuốn “Nghiệp văn chương” sẽ mau
chóng hoàn thành…
Bài viết Những chuyến lữ hành của triết gia Trần Đức Thảo của
Thái Vũ (viết tại TP Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 12 năm 2006-talawas
3-3-2006) có thể nói là một bài viết “đinh”, có thể giúp chúng ta hiễu
rõ hơn cuộc đời cũng như văn nghiệp của Thái Vũ và phần nào những người liên
quan, trước tiên là GS Trần Đức Thảo. Bài viết khá dài, xin dẫn một vài đoạn
quan trọng:
- Về việc GS Trần Đức Thảo viết bài cho báo Nhân văn:
“Và tháng 10 năm 1956, trên số 3 tờ Nhân văn xuất hiện bài báo “Nỗ lực
phát triển tự do dân chủ” của GS Trần Đức Thảo. Thầy ơi, thầy đã suy tư từ hạt
nhân duy lý của Hégel đến “vấn đề con người” và “sự hình thành con người”,
nhưng từ năm 1956, phải chăng thầy như Prométhée thần thoại mang ngọn lửa về
cho nhân loại đã bị nạn?”.
Trường hợp GS Trần Đức Thảo tham gia viết bài cho tờ Nhân
văn là như vậy. Nhưng đâu chỉ riêng ông, ở nhóm đại học còn có GS Đào Duy
Anh, GS Nguyễn Mạnh Tường, GS Trương Tửu, chưa nói đến các học trò khoa Văn vừa
tốt nghiệp khóa đầu. Nói lan ra thì cả các bậc đàn anh, các nhà văn kỳ cựu từ
trước Cách mạng tháng Tám 1945 như Nguyễn Tuân, Văn Cao và Nguyễn Huy Tưởng…, mấy
ai có hơi hướng yêu cầu tự do dân chủ mà không bị ghép vào Nhân văn-Giai
phẩm trong cái thời Bắc-Nam hai ngả với hai chế độ xã hội khác nhau, đối
kháng nhau đó?
Để bạn trẻ sau này hiểu rõ hơn “vấn đề tự do dân chủ” được
đòi hỏi tức thời những năm đó, cho dù khi tờ Nhân văn chưa ra đời vào
hè 1956, nhất là khi bài báo “Trăm hoa đua nở” lại là “liều khởi động kích
thích”… với lớp trí thức trẻ từ kháng chiến chống Pháp về công tác và học tại
Thủ đô Hà Nội kể cả các địa phương khác và cả bên quân đội đều hưởng ứng...
Tôi cũng xin trích một đoạn sau đây của tác giả Phạm Thành
Hưng trong bài báo “Triết gia lữ hành Trần Đức Thảo” đăng trên báo Văn nghệ của
Hội Nhà văn số 17-18 (ra ngày 29/4/ và 6/5/2006): “Nội dung xã hội và những
hình thức của tự do” cùng một số bài khác (của TĐT), công bố trong hai năm
1955-1956, thực chất chỉ là những suy nghĩ tìm tòi rất tự nhiên, chân thành của
một học giả quen viết bằng tiếng Pháp và quen khái quát, trừu tượng hóa những vấn
đề vốn rất rối rắm trong thực tế…”. Như thế để thấy rõ rằng những năm đầu tiên
sau kháng chiến chống Pháp và tiếp quản thủ đô Hà Nội, cảng Hải Phòng, Hải
Dương, Nam Định vùng đất cũ thuộc Pháp quả thật là “hạ tầng cơ sở” đã chi phối
“thượng tầng kiến trúc”.
Quả là một nhận thức của một người có công tâm, cám ơn tác giả
Phạm Thành Hưng. Vậy cái nội dung xã hội “rất rối rắm trong thực tế” hai
năm 1955-1956, khi Trường ĐH Sư phạm Văn khoa nước VN Dân chủ Cộng hoà khai
trương trong lòng một thủ đô bị địch chiếm mới được giải phóng là như thế nào?
Đây là một xã hội được tiếp quản đang mang nhiều “sắc thái tự do” theo hướng
TBCN - có thể nói là không thuần nhất: tự do trong sinh hoạt kinh tế, tự do
trong sinh hoạt báo chí và xuất bản, tự do trong cả ngành giáo dục, cả tín ngưỡng
lẫn pháp luật v.v…; khi chính phủ ta chưa áp đặt một cơ chế chính trị ổn định
cũng là lúc Đảng và nhà nước ta đang sửa sai về CCRĐ (xem thêm bài của GS Tiến
sĩ luật khoa Nguyễn Mạnh Tường đọc tại cuộc họp của Mặt trận Tổ quốc Hà Nội
ngày 30/10/1956, đại diện cho trí thức ở thủ đô).
Triết gia Trần Đức Thảo vốn đã sống, học tập và sinh hoạt,
tham gia các cuộc hội thảo và tranh luận về triết học “thoải mái” ngay giữa
lòng thủ đô Paris mang nhiều sắc thái văn hóa châu Âu và thế giới. Ông “thanh
minh” với ông Hà Xuân Trường vì sao ông viết bài về “Tự do dân chủ” đăng trên tờ Nhân
văn số 3 vào tháng 10/1956, và cũng như tác giả Phạm Thành Hưng giải
thích: “Bối cảnh chính trị phức tạp thời kỳ chiến tranh lạnh, sự ấu
trĩ và lối nghĩ cơ hội của một số kẻ xấu bụng đã vô tình đẩy ông (TĐT) ra khỏi
giảng đường”. Mà chỉ riêng đâu một mình GS Trần Đức Thảo trong cảnh bàng hoàng,
ngơ ngác của những con người có “chủ nghĩa” mà các cụ ta xưa, thời Nho học tự
hào là nguyên khí quốc gia! Ôi, nguyên khí quốc gia mới hiếm làm sao!”.
- “Về báo chí và nhà xuất bản: sinh hoạt
này là “cơ chủ” đại diện cho cơ chế tự do dân chủ! Ngoài mấy tờ báo từ kháng
chiến chống Pháp “kéo về”, có chấn chỉnh đôi chút cho phù hợp với thủ đô, như
báo Nhân dân ở phố Hàng Trống, báo Quân đội Nhân dân ở đường
Lý Nam Đế gần ngã ba Phan Đình Phùng, vườn hoa Hàng Đậu; báo Văn nghệ có
2-3 cơ sở. Đảng Xã hội của Luật sư Nguyễn Xiển có tờ Tổ quốc, trụ sở ở
đường Nguyễn Du, phía trên ngã năm đường Bà Triệu (sau này nhà thơ Nguyễn
Bao, Đại học Sư phạm Văn khoa khóa II, 1957, về đây công tác). Nhưng thoải
mái nhất là tờ Độc lập (có Câu lạc bộ Dân chủ ở đường Tràng Tiền, gần
Nhà hát Lớn) của Đảng Dân chủ, do Thứ trưởng Bộ Văn hóa Đỗ Đức Dục và luật sư
Dương Đức Hiền đặc trách, có nhà thơ Ngô Quân Miện trong ban biên tập. Tờ báo
này “chiêu hiền đãi sĩ” rộng rãi, có nhạc sĩ Văn Cao minh họa. Mấy truyện ngắn
lịch sử của tôi trong những năm 1965-1975 ở báo này đều do Văn Cao minh họa.
Song hồi 1955-1956 tôi đã giới thiệu Thúc Hà đăng thơ ở báo này. Về báo chí,
mấy năm đó có tờ Thời mới, tờ Tia sáng (của chủ cũ Hà Nội đã
vô Nam, nhưng chỉ sống một thời gian ngắn), tờ Hòa bình của
nhóm ông Nguyễn Đức Thuyết, trụ sở bên số chẵn Hàng Trống, chếch với trụ sở
báo Nhân dân. Tờ báo này cũng chết yểu vì nội dung nghèo nàn như tờ Thống
nhất của Ban Liên lạc miền Nam, thuộc Hội Văn nghệ Việt Nam, đăng các
bài văn thơ hướng về Nam. Trong một cuộc thi truyện ngắn của báo này, tôi
có gửi 3 bài, được nằm trong giải thưởng, nhưng khi nhà văn Nguyễn
Văn Bổng đến báo tin mừng biết tên Nhiên Vũ chính là Bùi
Quang Đoài, thì nhà văn này “bay bổng” như chim bị tên… Xin nói rõ: chính vì
thế tôi ðã có lời nguyền là sẽ không bao giờ viết truyện ngắn đời thường
nữa! Như trên là khá đầy đủ về mặt “anh hào báo chí”, sau đấy là các nhà
xuất bản, đất “hào hoa” cho các nhà văn nhà thơ có thể dụng võ: thượng đỉnh
là NXB Văn nghệ của Hội Văn nghệ Trung ương lúc đó mới từ Việt Bắc về (Hội
Nhà văn VN thành lập giữa 1957). Nhà thơ Hoàng Cầm làm Phó giám đốc, còn giám
đốc là ông Hoài Chân, đồng tác giả cuốn Thi nhân Việt Nam với
Hoài Thanh. NXB Văn nghệ này đã in Tuyển tập thơ Việt Nam 1950-1954 lúc
mới về Hà Nội, trong đó có bài thơ “Các anh” của Bùi Quang Đoài. Bài này đã
được in trên báo Văn nghệ ở Việt Bắc năm 1953. Cũng bài này năm đó, NXB Giáo dục của Bộ Giáo dục in trong sách giáo khoa lớp 6, đến năm 1963 thời
bao cấp thì bỏ. Chính NXB Văn nghệ này cũng in tuyển tập thơ Dọc Trường
Sơn của các văn nghệ sĩ Liên khu 5 trong đó có các nhà thơ Tế Hanh,
Khương Hữu Dụng, Trần Mai Ninh, Lương An, Nguyễn Đình v.v…, có cả bài thơ
“Qua Bồ Bồ” của Bùi Quang Đoài. Tập thơ này do nhà sưu tầm Trinh Đường chủ
biên năm 1956-1957... NXB Quân đội cũng như báo Quân đội Nhân dân đều
có mặt từ năm 1955, khi NXB Quân đội mở rộng đề tài về truyền thống đấu tranh
bảo vệ đất nước, Thái Vũ đưa bản thảo lần đầu cuốn tiểu thuyết lịch sử Cờ
nghĩa Ba Đình do nhà thơ Minh Giang giới thiệu, dù biết rằng tác giả có
cảm tình với nhóm Nhân văn-Giai phẩm. Vậy là cả nhà thơ Minh Giang cũng
không thoát “tai nạn nghề nghiệp”…
Như trên là các nhà xuất bản trong biên chế. Sau đây là các
nhà xuất bản tư nhân: NXB Lúa mới ở góc ngã tư Bà Triệu-Lý Thường Kiệt, có
nhà in riêng là cơ sở cũ tờ báo Thời mới, chủ đã vô Nam. Số phóng
viên còn lại, tháng 5/1955 hết hạn cho phép di cư tự do vào Nam, cũng
vào Nam luôn. Một Việt kiều ở Pháp về thủ đô Hà Nội năm đó (1956) mở NXB Thép trên con đường ngắn Hàm Long đi lên đường Bà Triệu, song NXB này qua
năm 1956 cũng đóng cửa vì không có khách hàng nào đến gõ cửa, sợ liên luỵ với
tư sản…
NXB Minh Đức, tức NXB Xây dựng cũ từ Thanh Hóa về (Logo con
ngựa bay trắng - Pégase -, thi hứng) do anh chị Trần Thiếu Bảo làm chủ. Trong
kháng chiến chống Pháp ở thị xã Thanh Hóa lúc ấy có hai khu vực Rừng Thông và
Cầu Bố nổi tiếng sầm uất, vì đây là nơi tập trung dân tản cư chống Pháp từ
Vinh ra, nhất là dân buôn bán từ Liên khu 3, cả Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định
vào. Thị xã Thanh Hóa lúc đó được coi như thủ đô kháng chiến của toàn miền Bắc,
cuốn hút nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng và các tầng lớp trí thức, nhất là từ năm
tướng Nguyễn Sơn về Liên khu 4 làm Tư lệnh trưởng. Các cơ quan văn hóa và bên
quân sự đều tập trung ở đây. Thời gian này lớp dự bị đại học đầu tiên của nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng được sơ tán về Thanh Hóa, đóng ở Cầu Kè, trên
Hậu Hiền. Hiệu trưởng là giáo sư Đặng Thai Mai, Bí thư đảng ủy là giáo sư Trần
Văn Giàu cùng các giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu và các thầy Cao Xuân
Huy, Tôn Thất Chiêm Tế v.v… Thị xã Thanh Hóa tấp nập như thế, đã trở thành mảnh
đất văn hóa, cho nên anh chị Trần Thiếu Bảo mới lập NXB Xây dựng, Gs Trần Văn
Giàu và thầy Đào Duy Anh đầu tiên được in sách tại nhà xuất bản này. Về Hà Nội, NXB Xây dựng đổi tên là Minh Đức, trụ sở khá rộng ở góc đường Phan Bội Châu,
đầu ngã tư Lý Thường Kiệt đi lên. Trong năm 1955-1956 NXB Minh Đức đã cho in
nhiều tư liệu uy tín, đặc biệt sách của nhà văn Vũ Trọng Phụng với cuốn Số
đỏ rồi cuốn Vỡ đê, đáp ứng được nhu cầu về sách không những cho
sinh viên các khóa trường ĐH Sư phạm Văn khoa, mà cả các trường cấp 3 toàn miền
Bắc đang tìm hiểu về văn học hiện thực phê phán. Sau đó, Trần Thiếu Bảo được
Gs Trương Tửu đỡ đầu nên đã cho xây mộ nhà văn Vũ Trọng Phụng ở làng Mọc, mời
Gs chủ lễ khánh thành, có một số anh em sinh viên đại học cùng dự…
Tất cả những sự kiện trên về giáo dục, báo chí, xuất bản tạo
nên một hướng “tự do dân chủ” không có tổ chức, đúng hơn là tự phát, vào thời
điểm bài “Trăm hoa đua nở” của Chu Dương xuất hiện, lại được tờ Nhân văn đổ
thêm dầu, với NXB Minh Đức tạo thành một xu thế đòi “tự do dân chủ” với sự hưởng
ứng của các văn nghệ sĩ đàn anh cũng như một số trí thức cao cấp mấy năm đó.
Hẳn đây là “điểm xoáy”, với nhóm Nhân văn-Giai phẩm trương ngọn
cờ đầu đòi “tự do dân chủ” mà xông xáo nhất là một số nhà thơ nhà văn đối
lập với Hội Nhà văn, dù chỉ là với mấy vị cầm chịch. Như vậy, hai chữ “nhân
văn” mà triết gia Trần Đức Thảo thanh minh với ông Hà Xuân Trường không
nằm trong phạm vi đòi “tự do dân chủ” của nhóm Nhân văn-Giai phẩm mà
bao quát rộng hơn, như mệnh đề “cái gì có lý, cái ấy tồn tại, cái gì tồn tại,
cái ấy có lý” đâu phải theo “hạt nhân duy lý” từ Hégel…
Vì thế, Ban chỉ đạo học tập Trung ương đã có biện pháp cho
riêng nhóm Văn khóa đại học 1956 đang là cán bộ giảng dạy, học về “tự do dân
chủ”, cho anh em phát biểu… thoải mái! Để tránh lầm lẫn như hiện nay, “năm
2006”, dựa trên cơ sở hạ tầng của nội dung xã hội, chúng tôi xin nói
rõ: nhóm Đại học Sư phạm Văn khoa và nhóm Văn nghệ sĩ Hội Nhà
văn Việt Nam là hai nhóm cách biệt, tuyệt đối không hề có chút quan hệ
nào. Ví dụ, năm 1957, Trung ương cho học tập cải tạo và đi lao động thực tế
thì chỉ riêng các nhà văn nhà thơ bên Hội Nhà văn bị cấm viết lách từ đó mãi
đến năm 1990; còn bên nhóm đại học được “vô can”, kỷ luật không được dạy đại
học và trường tư vì tránh tuyên truyền cho “bọn” Nhân văn-Giai phẩm, khi
ký quyết định lại được Bộ trưởng Bộ Giáo dục “cải thiện”, cho về các thành phố
dạy các trường cấp 3 đầu tỉnh: Hà Thúc Chỉ (Thúc Hà) về Hải Phòng dạy trường
cấp 3 Ngô Quyền, nổi tiếng về dạy giỏi, Văn Tâm bị “biếm” lên tỉnh Phú Thọ, lại
được về Hà Nội dạy trường cấp 3 Nguyễn Trãi, Phan Kế Hoành về dạy trường cấp
3 Hà Đông, lại được chuyển về Ban Tu thư Bộ Giáo dục, tham dự làm sách giáo
khoa, nhưng anh lại rất mê viết về sân khấu…
Bùi Quang Đoài (Thái Vũ) được cho về Vinh dạy Đại học Sư phạm
Vinh hay hiệu trưởng một trưởng trung học phổ thông ở ngay thủ đô Hà Nội,
nhưng xin không nhận; Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên lại cho về Phòng
Tuyên truyền báo chí (nhà văn Trần Thanh Mại làm trưởng phòng) của Bộ lúc đó
(năm 1958), đảm nhận chức tùy viên văn hóa, quan hệ với tùy viên văn hóa các
nước Hungari, Indonesia, Tiệp Khắc, đã đi Nam Định, Hải Phòng có đoàn quay
phim và nhiếp ảnh đi theo.
Trường hợp “cải thiện” còn được Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Võ
Thúc Đồng thân ái xử trí, như với Ninh Viết Giao (tham gia viết Đất mới)
khi anh được phân công về Vinh (Nghệ An) dạy trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng. Gặp
Ninh Viết Giao trong một cuộc họp, vì đã được chi ủy nhà trường và thị ủy
Vinh báo cáo về việc Ninh Viết Giao “có ảnh hưởng Nhân văn-Giai phẩm”,
Bí thư đã thân mật nói: “Mình thì nghĩ, chẳng qua là các thầy mới ra trường,
có kiến thức đấy, song còn non người trẻ dạ, thấy cái mới thì vơ, chưa từng
trải cuộc sống, chưa biết sàng lọc đó thôi. Mình tin rằng các thầy sẽ vững
vàng đi lên trong cuộc sống, nên đã nói với nhà trường và thị ủy rằng đừng có
chấp những điều đó ở các thầy”. (Theo Xứ Nghệ và tôi của Ninh Viết
Giao, trang 49)
Chính nhờ đó, Ninh Viết Giao đã “đi tìm quặng Xứ Nghệ” (như
lời nhà sử học Chương Thâu) với một “kho tàng sách biên thảo” về mặt xã hội
văn hóa của xứ Nghệ mà chính ngay dân xứ Nghệ “gốc” cũng chào thua và anh đã
trở thành giáo sư, người cầm chịch trong thể loại “Văn học dân gian” toàn quốc.
Đặt biệt trường hợp Lê Bá Hán, khóa II ĐH Sư phạm năm 1957, tham gia Đất
mới khá tích cực, nhưng vẫn được giữ lại trường, sau đó về Vinh làm cán
bộ giảng dạy rồi Khoa trưởng khoa Văn ĐH Sư phạm Vinh, chưa nói đến một số
các bạn khác cũng tham gia tờ Đất mới sau này đều trở thành nhà văn
nhà thơ nổi tiếng của Hội Nhà văn Việt Nam, như Văn Tâm, Nguyễn Bùi Vợi. Riêng
chuyện buồn là trường hợp Hà Thúc Chỉ, thủ khoa lớp 1956, lại là nhà thơ trẻ
được Huy chương Vàng ở Đại hội Thanh niên Thế giới Warszawa, Ba Lan (1955) với
bài thơ “Chờ con Má nhé”, khi anh được phân công về Hải Phòng dạy trường cấp
3 Ngô Quyền. Là thầy dạy giỏi nổi tiếng luôn mấy chục năm ở đất Cảng, học trò
anh sau này nhiều người trở thành nhà văn nhà thơ, còn anh lại “bị bỏ quên hẳn”,
kể cả chính quyền Hải Phòng - thành phố Biển. Năm 2000, chuyển thế kỷ 20 qua
thế kỷ 21, thành phố cho in toàn tập Nhà văn Hải Phòng dày trên
1.400 trang mà “cho qua” tên Thúc Hà, dù rằng trước đó, anh đã có tập
thơ Mưa biển và chính nhạc sĩ Hồng Đăng lúc ấy có lấy một bài phổ
nhạc…
Tấm lòng lãnh đạo là thế mà tình đời phải chăng cũng là thế,
khi vô khối những dây bìm bìm bám theo dai dẳng qua thời gian thành kiến,
không biết anh sai lầm về vấn đề gì, chỉ mơ hồ nghe nói là theo Nhân
văn-Giai phẩm. Viết đến đây cũng buồn khi nghĩ đến nhà văn Nguyễn Bính, ông
cũng mê tự do dân chủ không kém chi ai, hẳn là đã chịu ảnh hưởng “Trăm hoa
đua nở” nên dù nghèo cũng bỏ tiền túi ra in một tờ Trăm hoa (trụ
sở ở đường Lê Văn Hưu). Đến khi Nhân văn-Giai phẩm bị kết án, nhà
thơ cũng chịu nạn chung, phải về thành Nam lánh nạn. Lúc ấy giám đốc
Sở Văn hóa Nam Định là nhà văn Chu Văn săn sóc quả là tận tình… đến
“cái chết khó hiểu” của Nguyễn Bính. Sau đó, thời Đổi mới, Chu Văn lại ca ngợi
Nguyễn Bính để lập công, khi đất nước đã mở rộng kinh tế thị trường. Cũng xin
ghi thêm trường hợp hai nhà thơ trẻ hồi đó là Phùng Cung và Nguyễn Hà (tên nữa
là Huyền), khi các anh vì mê văn thơ đúng lúc tờ Nhân văn nổi đình
nổi đám, lại hợp tác không lương trong nhóm biên tập Nhân văn, dưới bàn
tay tráo trở, lắm thủ đoạn của họa sĩ Trần Duy, thư ký biên tập tờ Nhân
văn. Tôi biết Phùng Cung qua bài “Con ngựa già của Chúa Trịnh” đăng trên tờ Nhân
văn, khi đến “Quán cơm sinh viên” cũng là CLB sinh viên bên số lẻ (gần một
cái chùa nhỏ) khoảng đầu ngã tư Bà Triệu và đường Hai Bà Trưng (không xa Hồ
Hoàn Kiếm). Gặp Nguyễn Hà cũng ở đó, quán cơm sinh viên rẻ tiền, ban quản lý
là mấy bà mẹ, mấy chị lớn tuổi buôn bán ở Hà Nội, sau vụ Nhân văn-Giai
phẩm cũng bị nạn là tan rã. Ôi Hà Nội hai năm đầu giải phóng!
Tháng 8/1956 tôi nghỉ hè nên về Vinh, nơi song thân tôi tản
cư từ Thái Yên, Đức Thọ ra, vì trước 1945 gia đình tôi có ở Vinh. Giữa thị xã
của nắng và gió Lào, đi ăn sáng về với ông anh rể thì gặp anh Phan Ngọc, chuyên
viên về học thuật của trường đại học mới vào Vinh. Qua anh tôi mới biết
có tập Giai phẩm mùa Thu, lại có cả tờ báo Nhân văn đang gây
dư luận ở Hà Nội. Là thằng mê văn chương, làm thơ rất sớm, nên mấy ngày sau
tôi đi tàu ra ngay Hà Nội.
Hà Nội mùa thu thật đẹp vào đầu tháng 9. Tờ Nhân văn đã
ra đến số 2 và có lẽ sắp ra số 3, đúng lúc dư luận trong đám văn chương đang
xôn xao về bài viết của ông Hoàng Xuân Nhị: “Tổ chức của Đảng và văn học có
tính Đảng” đăng trên tờ Nhân dân. Đây là một chuyên đề hấp dẫn thời đó ở
Hà Nội. Qua tài liệu sách báo, những năm đầu chính quyền Xô-viết, Lênin có
nói chuyện về tính Đảng trong văn học với nhà báo cách mạng Đảng Cộng sản Đức
Clara Zetkin. Tôi nói là “chuyên đề” vì chính tôi và một số bạn cùng lớp cũng
đang tìm hiểu nghiên cứu đề tài hấp dẫn đó. Nghĩa là đề tài “trúng tủ” của chúng
tôi, cũng có nghĩa là đề tài mà ông Hoàng Xuân Nhị đã chạm vào như giẫm phải ổ
kiến lửa.
Tôi đang loay hoay tìm tờ Nhân dân để đọc thì thật
tình cờ nhà thơ Vũ Đình Liên đến. Tôi đang ở 27 phố Lữ Gia, góc chéo đường Trần
Xuân Soạn phố Lò Đúc. Anh Vũ Đình Liên đến gặp tôi vì có tin là trường ĐH Sư
phạm mời anh về dạy năm tới, mà tôi là thư ký học thuật trong bộ môn Văn, tất
biết. Đúng vậy, thầy hiệu trưởng Đặng Thai Mai rất tin tôi, mọi công việc giấy
tờ thuộc “văn phòng” bộ môn Văn đều trong tay tôi, kể cả lý lịch cán bộ giảng
dạy. Ví dụ: sách báo thư từ từ Pháp gửi về thầy đều ghi Monsieur le
Doyen Đang Thai Mai, chứ không ghi là “Professeur” để tỏ lòng tôn kính
thầy là bậc trưởng lão cao niên trên hàng professeur. Về lý lịch, Hoàng Xuân
Nhị có một lý lịch đặc biệt buộc tôi phải chú ý: ông ta học ở Pháp; 1939 Đức
Quốc xã chiếm Paris, lập chính phủ bù nhìn bán nước Vichy với thống chế
Pétain, Hoàng Xuân Nhị đã theo quân Đức Quốc xã qua Berlin và được nuôi dưỡng;
năm 1945 Đức bại trận, Hoàng Xuân Nhị trở về Paris và… sau đó gia nhập Đảng Cộng
sản Pháp v.v… và v.v…, đến năm 1955 đã thấy ông ở Hà Nội dạy năm đầu ĐH Sư phạm
Văn khoa, khi tôi học năm thứ 3. Về trình độ học vấn của ông thì sau này, khoảng
sau năm 1970 còn có hai bài bàn tới, đăng trên hai số báo Văn nghệ, của
Hoàng Minh và Tạ Ngọc Liễn.
Chuyện viết bài “kê” ông Hoàng Xuân Nhị trên tờ Nhân
văn đúng là chuyện “không mời mà đến”, nhưng khoảng một tuần sau, họa sĩ
Trần Duy đến đưa thư cảm ơn và “xin miễn nhuận bút vì tờ báo đang nghèo”.
Song cùng lúc Trần Duy lại đưa ra một tập bản thảo viết tay, giấy đủ loại và
đủ cỡ, rồi nói tiếp: “Sau tập Giai phẩm mùa Thu này là tập Giai
phẩm Sinh viên”. Tôi thích thú vì đang định tập viết về chuyện sinh viên sau
khi đọc cuốn Les Etudiants của Liên Xô, vì lúc đó có nhiều chuyện
vui giữa sinh viên từ kháng chiến về Hà Nội và sinh viên Hà Nội cũ. Trần Duy
cho biết sau tập Giai phẩm Sinh viên sẽ là tập Giai phẩm Công
nhân, Giai phẩm Nông dân, gãi đúng mơ ước của tôi và các bạn ở đại học
lúc đó. Hơn nữa người đứng đầu trong tập Giai phẩm Sinh viên này lại
là Văn Tâm, bạn tốt nghiệp đại học cùng khóa, cũng là chỗ quen biết cũ ở thị
xã Thanh Hóa, tôi quen cô Mai em gái Văn Tâm. Hơn nữa Trần Duy mở tập bản thảo
có chữ ký của Văn Tâm là đã tuyển chọn kỹ, nay do tôi quyết định cuối cùng.
Tâm lý tuổi trẻ là háo danh, “ngựa non háu đá”, được tâng bốc tôi nhận ngay.
Tôi rủ Thúc Hà tuyển thơ, mới biết anh chị em sinh viên ai cũng mê văn
chương. Khi biết tôi là người quyết định cuối cùng tập Giai phẩm Sinh
viên, các tác giả có bài nhiều lần đến gặp tôi: ai cũng cho bài của mình là
hay. Vì vậy chọn bài rất khó. Tôi thấy Cao Huy Đỉnh có bài; vì là bạn khá
thân, Đỉnh là đảng viên, tôi bảo Đỉnh nên rút bài về. Đa số bài là chống tiêu
cực, chống bè phái theo kiểu như báo Nhân văn. Duy bài đầu chống tiêu cực
ở đại học, nhất là ở mấy năm dự bị đại học thì do Văn Tâm viết, liên quan đến
khóa II dự bị đại học và khóa đầu đại học, tốt nghiệp 1956. Tôi phải viết lại,
bổ sung việc của khóa dự bị đại học đầu tiên, chẳng hạn anh em rất bất mãn về
việc xử lý của thầy T.V.G trong Đảng ủy với nhóm Thành, Khái, Nhâm, sau này
là Ng. Duy Bình (như cắt học bổng của anh em Liên khu 4 và Bình Trị Thiên để
bồi dưỡng cho Hiệu đoàn trường là cánh Liên khu 3 giàu có). Cho nên sau này
phản ứng chính là từ tổ chức, lãnh đạo đại học chứ không phải từ các thầy dạy,
các giáo sư. Riêng về truyện ngắn ít đạt, tôi loại khá nhiều, tuy nội dung tốt
về chống tiêu cực tham ô, nói chung đó là tiêu điểm chính của nội dung tập Giai
phẩm Sinh viên. Do vậy chỉ trong thời gian rất ngắn tôi viết “Lịch sử một
chuyện tình” trong sinh viên mà các nhân vật đều có thật trong khóa học của
chúng tôi (cả bên Văn và Sử).
Nhưng gay cấn nhất là tên Đất mới mà Văn Tâm và
Trần Duy bảo lưu cho kỳ được, khi tôi phản ứng rằng cái tên đó là một địa điểm
xưa ở Huế, ngay sau sân vận động Huế (nơi đó hiện giờ có “Quán cơm Âm Phủ”),
trên làng Vân Dương, là nơi tụ tập đĩ điếm và dân nghiện hút. Khu vực này dân
Huế đều biết. Vì chủ sòng Trần Duy và Văn Tâm trong nhóm NXB Minh Đức quen
thân với anh Trần Thiếu Bảo, họ bỏ tiền in thì họ… có quyền giữ tên Đất
mới.
Chuyện đời là thế, tôi cũng buồn khi “gặp tai nạn”, chịu đựng,
vì dù sao tôi cũng là người lính trong kháng chiến chống Pháp, có công, cũng
nhẹ tội hơn anh em mà đa số là sinh viên mới toanh, từ trường phổ thông trung
học lên đại học. Hơn nữa gia đình, dòng họ tôi chống Pháp từ thời Cần Vương,
cụ Lê Thước và thầy Đặng Thai Mai biết rất rõ. Khi cụ thân sinh thầy Đặng
Thai Mai là Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn làm Đốc học tỉnh Hà Tỉnh những năm
1906-1908 chống sưu thuế, cụ và tiến sĩ Ngô Đức Kế bị bắt và đày đi Côn Đảo,
còn cố nội tôi là cụ Bùi Quang Thích trước đó là Tuần vũ Hà Tĩnh thì bị thực
dân cho “hưu dưỡng” vì tuổi già, kể từ những năm chống Pháp ngoài Bắc thời
vua Tự Đức, 1880 đến thời vua Thành Thái 1907. Ông nội tôi, thời Đồng Khánh bị
biếm ra giáo thụ tỉnh Phú Thọ từ thời tỉnh đó còn gọi là phủ Hưng Hóa. Cụ đã
theo nghĩa quân của Tuần vũ tiến sĩ Nguyễn Quang Bích chống Pháp nên bị chúng
đày qua Nam Mỹ, xứ Guyanna, 19 năm. Năm 1919 cụ được tha về, mất năm 1921
ngoài Phú Thọ, vì vậy thời Pháp thuộc, gia đình tôi bị liệt vào hàng “cừu gia
tử đệ”.
Hôm nay viết những dòng này không phải để “khoe công” mà vì
tôi đã giữ im lặng tuyệt đối bao năm, nay tuổi đã cao, có chăng vài dòng “sám
hối” khi tôi lấy nhân vật Kỳ nữ Thais qua bản nhạc của Massenet, cho nhân vật
Long kéo violông trong “Lịch sử một câu chuyện tình”, tập Đất mới…”.
- Về “Triết gia Trần Đức Thảo và nỗi buồn từ Hà Nội”:
Nghĩa là triết gia Trần Đức Thảo chưa hiểu được thấu đáo
sau trên 20 năm ở Pháp trở về Việt Nam, cũng là 2 năm chân ướt chân ráo về Hà
Nội, lại ở ngay trong khuôn viên trường đại học, chỉ gần gũi với các đồng
nghiệp và sinh viên Đại học Sư phạm. Như thế, hẳn sinh hoạt Paris đâu
có phai mờ, nhất là những cuộc tranh luận về triết học với nhà văn triết gia
J.P.Sartre. Trùm toàn bộ mọi mặt sinh hoạt của thầy hẳn vẫn là không
khí Paris “tự do và dân chủ” và những suy nghĩ của thầy “thực chất
chỉ là những suy nghĩ tìm tòi rất tự nhiên, chân thành” theo dòng suy tư quen
thuộc của thầy trong định hướng triết học mà thầy hằng ấp ủ.
Tai nạn Nhân văn-Giai phẩm mà sau này người ta
tránh né gọi là “tai nạn nghề nghiệp”, đúng ra chỉ đối với các nhà văn nhà
thơ bên nhóm Hội Nhà văn VN, còn bên nhóm đại học thì như “vết thương đầu đời”,
nhưng không ngờ nó lại bị khoét sâu thêm, khiến những dây “bìm bìm” thừa cơ
xuyên tạc, chụp mũ khi xẩy ra hai sự kiện “đổi tiền qua thuế công thương nghiệp”
và “đấu tranh cải tạo tư sản (mại bản)” trong các năm 1958-1960.
Đúng là “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết”. Ở Việt Nam, chống
chủ nghĩa xét lại đánh dấu từ sau đám tang Dương Bạch Mai - nguyên chủ tịch hội
Hữu nghị Việt-xô, người bị cho là “chủ bài” của chủ nghĩa xét lại ở VN. Đây
chính là lúc triết gia Trần Đức Thảo “lâm nạn” đi chu du lên Sơn Tây, thời điểm
mà một số giáo viên nắm quyền lên chức tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội ở Cầu Giấy
đấu tố chụp mũ để lập công và một số giáo viên khóa đại học 1956 vốn đã bị
quy là có dính dáng đến vụ Đất mới, nay lại thêm tội “theo chủ nghĩa xét
lại”, nên đã “được” đi lao động cải tạo, lên Phú Thọ trồng chè một thời gian…
Đúng là giây bìm bìm đâu có dứt, người bị “chụp mũ” mà không hề biết mình có
tội gì, cứ bị quy có dính dáng đến “chủ nghĩa xét lại” là ok! Gần đây đâu có
hết, cái đám dây bìm bìm đó vẫn tồn tại. Thời gian ngắn sau đó, trên
báo Nhân dân có tin đăng “học đại học” thì được gọi là “học sinh đại
học”, bỏ từ “sinh viên”. May sao, chuyện đó sớm bị bãi bỏ.
Đó chính là thời gian triết gia Trần Đức Thảo được chuyển
lên khu tập thể Kim Liên ở nhà B6, “xóm giáo sư”, thời gian mà tác giả Phạm
Thành Hưng nêu ở trang 44 báo Văn nghệ số 17-18 đầu năm 2006, khi vợ
chồng triết gia chia tay và triết gia “trở thành người đàn ông độc thân, nổi
tiếng thêm bởi sự đãng trí, hồn nhiên, cơ hàn trong sinh hoạt”.
Cũng xin cám ơn và trích đoạn sau đây của tác giả Phạm
Thành Hưng về thời gian trên của triết gia Trần Đức Thảo: ông “vẫn ung dung tự
tại chấp nhận hình thức cải tạo tư tưởng… một thời gian đúng với tư chất của
một hiền nhân Đông phương rồi lại say sưa với công việc mới, công tác biên dịch
tại NXB Sự Thật”. Chao ôi, đẹp thay và bình lặng thay một câu chữ đối với
trường hợp một trí thức bậc thầy, một triết gia lặn lội từ bên trời Tây về với
đất mẹ Việt Nam của phương Đông. Nghĩa là viết như thế chỉ có thể
đúng với một anh chăn bò vô tư và an phận, với vợ hiền con thảo khi được trở
về Hà Nội, từ đất cằn Sơn Tây… Vậy thì lý giải làm sao đối với trường hợp một
triết gia đã từng bao năm suy tư và giảng dạy trên giảng đường đại học về “cái
hạt nhân duy lý” mà Hégel đề xuất, về cái “hình thức ý thức và hoạt động khác
nhau của con người” dẫn đến thành quả trong phép biện chứng hiện tượng học để
rồi chính ông, triết gia Trần Đức Thảo đã đảo ngược lại trong Hiện tượng
học và phép biện chứng chủ nghĩa Mác? Rõ ràng là trong thời gian chu du với mấy
con bò, “kẻ lữ hành” đâu có “ung dung tự tại” để suy nghĩ về công trình Logic
của cái hiện tại sống động “của một hiền nhân phương Đông khi làm biên dịch
ở NXB Sự Thật”?
… Người tu hành thường chịu khổ hạnh để mong lên được Niết
bàn, triết gia Trần Đức Thảo cũng thế, dù có đói khát cơ hàn trong sinh hoạt,
mất mát trong tình cảm, thầy cũng mong qua được nước Pháp để hoàn tất công
trình triết học của mình, như nhà văn nhà thơ quên đời khi thai nghén để hoàn
chỉnh tác phẩm… Nhưng buồn thay, lần trở về nước thứ hai này từ đất Pháp lại
là đống tro tàn “cát bụi trở về cát bụi”… Vậy, hẳn ai đâu có quên cái câu chữ
của Descartes: “Je pense, donc je suis”!
Ở phần hai bài viết nói trên của Phạm Thành Hưng là về sinh hoạt đời thường của triết gia Trần Đức Thảo, như chuyện mà bà hàng nước ở Kim Liên kể lại, chuyện tự đi chợ mua rau mua củi “hỏi giá hàng rồi trả giá”, chuyện “nằm ngủ” ở nhà tang lễ Phùng Hưng Hà Nội mà nhà thơ Phùng Quán đã kể khá tỉ mỉ. Tuy nhiên, đó chỉ là chuyện kể của những người ngoài cuộc, những người xa lạ, những người “không hề biết tên Trần Đức Thảo là ai”! Xin nói rõ rằng những dây bìm bìm có leo và bịa chuyện này nọ để mong thăng quan tiến chức chứ ai đâu xa lánh thầy khi thầy về nhận công tác ở NXB Sự Thật, vì có trong biên chế mới có lương để sống. Thưa rằng, thầy chỉ có mấy người học trò, ít thôi, vẫn âm thầm tìm cách giúp đỡ thầy trong cơn hoạn nạn và người duy nhất tôi xin được nêu tên và thắp nén hương tưởng nhớ hương hồn là anh bạn học khóa hai ĐH Sư phạm, tốt nghiệp năm 1957, anh Đoàn Mai Thi.
Mỗi lần cần mua cái gì trong sinh hoạt thường ngày, nhất là
mật ong khó kiếm thời bao cấp, thầy cũng chậm chạp trên chiếc xe đạp “mini”
kiểu Liên Xô cũ, đến lối ngã 5 đường Lò Đúc Phan Chu Trinh, dừng xe đứng chờ
anh Đoàn Mai Thi vì nhà anh ở gần đó…
… Riêng tôi thời gian này cũng rất bận vì cuốn Ba Đình được NXB Quân đội “bảo vệ và giúp đỡ”, song 1973 vì tình hình viện trợ cách mạng
miền Nam nên 1976 mới in xong. Từ đó, tôi vào Huế cuối năm 1980, trở thành
nhà văn được nhiều NXB xin bản thảo, nên tôi không ra Hà Nội gặp thầy được.
Đúng ra tôi đã lầm nghĩ là thầy đã an bài làm công tác dịch thuật ở Nhà xuất bản
Sự Thật, cũng như tác giả Phạm Thành Hưng mới chỉ hiểu được một mức độ nhất định
khi ông viết về Trần Đức Thảo. Phạm Thành Hưng không phải là học trò của triết
gia Trần Đức Thảo, nên khó hiểu nổi “tư duy kiểu Trần Đức Thảo”, tuy bài của
ông ta có công tâm, khách quan. Thầy từ nước Pháp về Việt Nam theo
“đường zigzag” bằng tiền túi, nhưng nay muốn qua Pháp để hoàn tất công trình
triết học của mình thì chẳng qua như “nước đại dương kết giọt chốn không bờ”,
như “giữa mênh mông sa mạc mà mây trời không ánh”. Cho nên khi được
chính phủ ta trợ cấp cho qua Pháp 3 tháng để viết “công trình triết học” như
vậy, thầy đâu có “ung dung, tự tại”, vì 3 tháng là thời gian quá hạn chế cho
một công trình triết học đòi hỏi thời gian một năm, có khi đến vài năm…
Khi thầy từ Hà Nội vào TP.HCM, tôi đâu có biết vì đó là thời
gian tôi đang ở Huế, viết mấy cuốn tiểu thuyết lịch sử, có tiền nhuận bút tôi
mới về lại TP.HCM.
Tôi đến Viện Khoa học Xã hội gặp Nguyễn Công Bình, đại diện
cho các tỉnh phía Nam (anh là bạn cũ từ Hà Nội), tình cờ thấy cuốn Vấn đề con
người và chủ nghĩa lý luận không con người với tên tác giả: Giáo sư Trần
Đức Thảo, mới biết hiện thầy đang ở khách sạn Bến Nghé, đường Nguyễn Trung Trực.
Tôi định tìm mua một cuốn, mừng thầy được in sách thì Nguyễn Công Bình cho biết
ngoài Hà Nội đã có lệnh vào là phải thu hồi cuốn đó lại, nhưng khó
khăn là sách đợt một đã bán hết sạch, sách tái bản lại vừa in xong, có cả phần Kết
luận bổ sung, nên trước “lệnh” từ Hà Nội, Nguyễn Công Bình đành bất lực.
Nghe cái “lệnh” thu hồi cuốn Vấn đề con người… tôi đã buồn, nhưng
tin sách đã lỡ tái bản, tôi chợt hiểu mặt sau của vấn đề và lại thấy vui vui,
nên sáng đó tôi vội vã đến ngay khách sạn Bến Nghé…
Cuốn sách hấp dẫn chẳng những đối với giới trí thức TP.HCM mà cả với các nhà giáo và sinh viên, vì thời gian từ 1980 người đọc dễ liên hệ
tình hình diệt chủng dã man của bọn Pol Pot -Ieng Sary bên Kampuchia. Nhưng
tác phẩm của thầy lại không hề nói mảy may đến vấn đề đó. Triết gia chỉ nêu
những quan điểm triết học chung quanh những vấn đề con người, xã hội, giai cấp
và lịch sử cũng như các vấn đề về quan điểm con người dưới góc độ
triết học trong dân chủ hóa và đấu tranh chống tiêu cực mà tác giả
đã từng quan tâm. Đây là một phương pháp luận của vấn đề Con Người.
- Về “Triết gia Trần Đức Thảo và con đường lữ hành về với… đất”:
… Đến khách sạn Bến Nghé, nhân viên phục vụ hướng dẫn tôi lên lầu 2. Tôi đứng
nín thở lát sau mới gõ cửa, nghĩ lâu năm có lẽ Thầy đã quên mình. Nhưng
không, Thầy vẫn nhớ, ôm lấy hai vai tôi lắc lắc. Nước mắt ngấn trên mi, tôi
chỉ hỏi Thầy có khỏe không. Phòng khách sạn đúng ra chỉ là một phòng trọ tạm
thời, một cái giường đôi trải nệm chiếm gần trọn căn phòng, nhưng đặc biệt
ngay từ lối vào là hai cái tủ đứng… đầy sách, đến một cái bàn nhỏ để sách báo
và phía ngang pḥòng lại một cái bàn nữa và hai cái ghế gỗ có nệm, trên bàn có
mấy tập Tạp chí Cộng sản và mấy tờ Tin Moscow bằng
tiếng Pháp. Vậy là Thầy vẫn mê Liên Xô, tuy là để lấy tin tức, vì năm 1988
này là thời gian Gorbachev đang làm Tổng Bí thư và quan hệ chặt chẽ với Mỹ từ
1985. Gần đó trên một cái ghế nhỏ có một bếp điện nối dây may-so, cũng lại của
Liên Xô vốn đang được dùng ở Việt Nam từ Bắc chí Nam. Thêm một
tờ báo Sài Gòn Giải phóng mở rộng nằm trên giường, có lẽ thầy đang
đọc.
Tất nhiên hai thầy trò ngồi bên mép giường nói chuyện.
Nhìn đồ vật trong phòng, tôi thấy một cái làn nhựa, trong đó có mấy quả cà
chua chín đỏ và linh tinh mấy thứ thuộc về bếp núc, lại ở sát cửa phòng WC.
Té ra là Thầy vẫn tự nấu ăn, kiểu ăn chay với gói mì tôm hay bánh mì, cả một
túi gạo nhỏ có lẽ để nấu cơm. Trời ơi! Thiếu hẳn một bàn tay chăm sóc của người
đàn bà…
… Năm 1988, tôi gần triết gia Trần Đức Thảo nhiều nhất cũng
là thời gian thầy tặng tôi cuốn Vấn đề con người và vấn đề lý luận không
con người, đúng lúc đất nước đang chuyển bước sang kinh tế thị trường, rồi
chuyện “giá-lương-tiền” ra rả trên đài, nhưng thầy không chú ý. Thầy biết là
thầy sắp được qua Pháp vì lãnh đạo Thành ủy có cử người đến khách sạn thăm sức
khỏe của thầy. Thành ủy muốn thầy thật khỏe để thầy sang Pháp. Điều này có lẽ
làm thầy suy nghĩ vì đơn thương độc mã, thầy chỉ biết lo cho thầy. Từ tình cảm
đó tôi xin kể mấy chuyện sau đây, rất thân tình thầy mới nói với tôi.
Ở khách sạn, khách đến trọ thường chỉ ngắn ngày. Vì vậy
nhân viên phục vụ phải lễ độ, nhưng với trường hợp thầy vì ở quá lâu, mỗi lần
họ lên dọn dẹp phòng biết cuộc sống đơn chiếc của thầy nên thái độ của họ
cũng có khác: họ đề nghị với thầy không được cắm phích điện để nấu thức
ăn, nếu muốn nấu thì xuống tầng trệt ở dưới. Họ chỉ gợi ý thôi nhưng có lẽ thầy
thấy “tủi thân” kiếp ở nhờ, nên một lần tôi đến, thầy bảo: nếu có thể thuê
giúp thầy một căn phòng nhỏ ở dưới đất để thầy dọn đến, sống tự do, độc lập. Tôi
có hỏi về gia đình người cháu, thầy không nói gì, chỉ nhún nhẹ đôi vai đã xệ
xuống. Tình cảnh của thầy làm tôi đau xé lòng, vì không thể mời thầy đến ở
cùng tôi, nhà tôi cũng khá chật. Tôi đến Sở Nhà đất và công trình công cộng
xin nhà khác để có phòng riêng viết sách nhưng họ bắt chờ đến cả năm. Rõ ràng
cái bếp điện có dây may-xo đã làm khổ một triết gia đang khổ hạnh. Điều đó,
có lẽ Thành ủy Thành phố HCM biết nên sau đó thầy được đưa đến ở riêng một
căn nhà nhỏ, trong phạm vi Quận 1, phía Nam chợ Bến Thành, khi khách sạn Bến
Nghé bị phá bỏ, cải tạo mở rộng, lớn hơn. Nhưng không lâu sau, thầy được
Thành ủy mời đến nơi ở mới của khách sạn Bến Nghé, trên đường Điện Biên Phủ,
phía Quận 3. Đây là nơi ở cuối cùng của thầy ở Việt Nam trước khi
thầy được qua Pháp. Nhưng lại là điều buồn đối với tôi, vì không được gặp thầy,
tạm chia tay với thầy. Đó là thời gian tôi ra Huế và Quảng Bình (khi đó còn
thuộc tỉnh Bình-Trị-Thiên), đi Tuyên Hóa lấy tài liệu theo con đường của ngự
đoàn vua Hàm Nghi “bá thiên” tránh sự truy lùng của bọn Pháp, để viết cuốn Những
ngày Cần Vương. Ngày nay nghĩ lại, tôi thấy quả là linh ứng giữa tình
nghĩa thầy trò, vì trước khi ra Huế, tôi có đến tạm biệt thầy, như những lần
trước từ Huế về, tôi cũng đến thăm thầy. Hôm đó, vào tháng 8/1989, khi còn ở
khách sạn Bến Nghé cũ, thầy tiễn tôi ra cửa, khác mọi hôm thầy nắm tay tôi, rồi
nói: “Mình chẳng sống may ra được 4 năm nữa”!
Chao ôi, linh nghiệm thay, năm 1993 thầy đang ở Pháp, thứ Bảy
ngày 24-4-1993, lúc 20 giờ đài RFI của Pháp báo tin là giáo sư Trần Đức Thảo
vừa từ trần, thọ 76 tuổi. Sáng 28-4-1993, thầy được chôn ở nghĩa trang Père
La Chaise cùng các danh nhân nước Pháp. Vâng, thưa thầy vậy là đúng 4 năm,
tính từ tháng 8/1989, thầy chợt nói câu nói đó và nay thầy mất là vào giữa
năm 1993. Lòng tôi buồn lặng khi viết những dòng này.
Điều thứ hai, định không viết, nhưng đành phải viết: Những
ngày ở khách sạn Bến Nghé, gặp trắc trở về sinh hoạt như thế, thầy muốn có một
nơi ở cho được “độc lập, tự do”, tất phải có tiền và thuê nhà ở riêng. Mà tiền
đâu để thuê nhà? Có lẽ thầy nghĩ đến căn phòng B6 khu Kim Liên, nên khi biết
tôi sắp ra Huế, có thể tranh thủ ra Hà Nội, thầy đột nhiên nói với tôi: “Bán
nhà đó, thầy mong được độ 2 lạng vàng, nếu được, có thêm tiền lúc qua
Pháp”. Chuyện nhà cửa mua bán, nhất là “mấy lạng vàng” làm tôi phân vân. Thứ
nhất tôi rất sợ vàng, thứ hai có được phép bán nhà đó không? Rồi lại bị quy
là “tích lũy tư bản” như hồi bao cấp, của công thành của tư! Có lẽ thầy cũng
nghĩ như vậy, nên mấy ngày sau, tôi đến, thầy bảo thôi để nhờ người ngoài Hà
Nội. Nhờ ai? Tôi rất ngại… Song vì khi tôi về lại Thành phố HCM, thầy đã qua ở
nơi mới của khách sạn Bến Nghé trên đường Điện Biên Phủ rồi qua Pháp. Lại
không được gặp thầy! Đến nay chuyện đó tuyệt nhiên tôi không thể biết được.
Chuyện thứ ba là sách, có chăng còn là di cảo? Nếu có vợ và
có con thì chuyện thừa kế di cảo sách của thầy đâu có khó, mà thầy thì rõ
ràng “tứ cố vô thân”! Toàn sách về triết học, đa số lại là sách ngoại ngữ. Thầy
có nói với tôi là trước đây thầy có gửi tặng một số sách cho Thủ tướng Phạm
Văn Đồng, khi còn ở Hà Nội. Nay ở Thành phố HCM, nếu qua Pháp thầy chỉ có thể
mang theo một số cùng với bản thảo sách đang viết… Thầy có nói là có thể thầy
gửi người cháu, khi về Việt Nam sẽ nhận lại. Đó là việc lâu dài, vì
thầy nghĩ “có ra đi, tất có ngày sẽ trở về”! Cho nên vì không được gặp thầy
trước ngày thầy qua Pháp, tôi cũng không thể biết số phận những sách di cảo,
một đời người trên trang giấy của thầy, nếu thầy có gửi nay ai giữ? Điều duy
nhất tôi hy vọng là người cháu đã nhận. Nhưng khổ nỗi là tuy không gặp người
cháu đó lần nào, tôi có ý nghĩ là họ có đến gặp thầy cũng chỉ là chuyện bất đắc
dĩ trong tình thân, ruột thịt, vì hẳn họ vẫn sợ thầy về vụ Nhân văn-Giai
phẩm sẽ có liên quan, nên chắc họ tránh không nhận số sách đó. Tôi lại
không biết nơi ở của người cháu đó, nên “số phận di cảo triết học của triết
gia Trần Đức Thảo” vẫn không nơi trú ngụ.
Vậy “người có lòng nhân mà tìm không ra cõi thiện”, có
thể là như thế, cả với di cảo chứ nói gì đến số phận con người. Đúng là thầy
“như nước đại dương kết giọt chốn không bờ”…
Chú thích:
(1) Thái Vũ: sinh năm 1928: Sau cách mạng tháng
8/1945, ông đã từ giã Trường Quốc học Huế trở thành lính Trung đoàn Trần Cao
Vân, rồi sung vào đoàn quân Nam tiến và từ năm 1948-1950 là giáo viên trường
“Trung học bình dân quân sự Liên Khu 5”… Sau “kháng chiến Chín năm”, Bùi Quang
Đoài được ra Hà Nội học tại Khoa Văn trường Đại học Sư Phạm Hà Nội. Năm 1956,
tốt nghiệp Đại học Sư Phạm, anh trở thành giảng viên của trường, nhưng rồi
“tai nạn nghề nghiệp” (bởi “Đất Mới” chứ không dính gì đến nhóm Nhân văn -
Giai phẩm như không ít người đã lầm tưởng) khiến anh phải rời bục giảng cùng
với Cao Xuân Hạo (1*), Thúc Hà (1**) Văn Tâm (1***)… năm 1958, Thái Vũ
đã chuyển về Phòng Tuyên truyền báo chí Bộ Giáo dục, rồi ở Báo Người
giáo viên nhân dân...
Tác phẩm: “Đường vô Huế”- ký, NXB Thuận Hóa -1972; tiểu
thuyết lịch sử: “Cờ nghĩa Ba Đình” - NXB QĐND (2 tập - 1100 trang), NXB Thuận
Hóa 1987, NXB Thanh Hóa in lần thứ ba; “Xứ Ròn-Di Luân, thời gian và lịch
sử”, “Tuổi xanh Nguyễn Đình Chiểu”; Hịch truyền - NXB
QĐND; bộ ba “Biến động - Giặc Chày Vôi”- NXB Thuận Hóa,
1984; “Huế 1885”(NXB Thuận Hóa, 1985, tái bản 2002), “Những
ngày Cần Vương”- NXB Thuận Hóa (1200 trang), “Trần Hưng Đạo -
Thế trận những dòng sông” (300 trang), “Tình sử Mỵ Châu” - NXB Trẻ,
1988 (300 trang); Những Chiếc Lá Thời Gian (Tuyển tập Thái
Vũ), NXB Thanh Hóa, 2004; Thành Thái - "người điên" đầu
thế kỷ XX - NXB Thuận Hóa, 2004;
(1*) Cao Xuân Hạo (1930 - 2007): là một nhà ngôn ngữ học
với nhiều đóng góp trong việc định hình phương pháp phân tích cấu trúc câu tiếng
Việt và là một dịch giả, giáo sư văn chương uyên bác. Thân phụ là Cao Xuân
Huy. Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng với giai thoại tự học nghe, nói và viết thành
thạo tiếng Pháp chỉ từ việc chơi với một người bạn Pháp. Ông từng làm giảng
viên ngôn ngữ học, khi đó ông đảm nhận phần lớn công việc dịch sách và hiệu
đính các sách dịch tại bộ môn ngôn ngữ học, tại Đại học tổng hợp Hà Nội. Ông
nổi tiếng cả với tư cách nhà ngôn ngữ học và dịch giả, và là thành viên Hội
Nhà văn Việt Nam. GS Cao Xuân Hạo đã được trao tặng Giải thưởng về dịch
thuật năm 1985 của Hội Nhà văn VN. Cao Xuân Hạo đã dịch một lượng tác phẩm
văn học khổng lồ: hơn 30.000 trang sách, chủ yếu từ tiếng Pháp và tiếng Nga.
Mãi tới năm 1991, tức lúc bước qua tuổi 60, Cao Xuân Hạo mới xuất bản chuyên
luận ngôn ngữ học đầu tiên: Tiếng Việt: Sơ thảo ngữ pháp chức năng. Cuốn
sách thật sự gây sửng sốt đối với giới ngôn ngữ học VN. Trước khi viết công
trình này, Cao Xuân Hạo đã dịch khá nhiều tác phẩm ngữ học của thế giới:
Nguyên lý âm vị học (N. S. Trubezkoy), Giáo trình ngôn ngữ học đại cương (F.
de Saussure), Ngôn ngữ và cấu trúc (A. Martinet)...
(1**) Thúc Hà (1934-1994) tên thật là Hà Thúc Chỉ,
sinh năm 1934 tại TP. Vinh, Nghệ An; quê gốc ở Hương Trà, Thừa Thiên - Huế.
Năm 1956 Hà Thúc Chỉ đỗ thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp Khóa 1 Đại học
Sư phạm Hà Nội, được giữ lại trường làm "Trợ lý giảng dạy Đại học",
rồi chuyển về ban Tu thư (Bộ phận soạn sách giáo khoa) thuộc Vụ Giáo dục phổ thông,… Sau vụ “Đất Mới”, từ năm học 1960-1961, Hà Thúc Chỉ chuyển về dạy văn ở trường THPT Ngô Quyền, THPT thông Thái Phiên (hệ chuyên Văn) rồi trở lại trường THPT Ngô Quyền, Hải Phòng cho đến ngày ra đi. - Tác phẩm: Khi trời mới sáng (thơ, NXB Xây dựng, 1956); Mưa biển (NXB Hải Phòng, 1990); Xem ảo thuật (Tuyển tập Thơ lục bát Việt Nam - NXB Văn hóa, 1994); Vầng trăng gặp lại (Thơ tình Việt Nam thế kỷ 20 - NXB Quân đội Nhân dân, 1996).
(1***) Văn Tâm (1930 - 2004): nhà nghiên cứu văn
học - nhà giáo ưu tú. Thuở nhỏ học trung học ở xứ Thanh. Sau 1954, Văn
Tâm cùng với Cao Xuân Hạo, Thái Vũ, Ninh Viết Giao, Bạch Diệp... là
lớp sinh viên văn khoa đầu tiên của Đại học sư phạm Hà Nội. Thật tiếc
là sau đó vì “mắc tội”, anh phải gác bút hơn 1/4 thế kỷ, cần mẫn làm người thầy
gieo niềm yêu thích văn chương cho bao lớp học sinh đất Hà thành. Mãi cho đến
thời kỳ đất nước đổi mới, cây bút tài hoa Văn Tâm lại “tái xuất giang hồ” với
những tác phẩm được đánh giá cao như Suy nghĩ mới về “Nhật ký trong tù”, Giảng
văn văn học lãng mạn và Góp lời thiên cổ sự (1992 - tặng thưởng
Hội Nhà văn VN), Thơ Việt Nam 1930-1945 - Tuyển và b́nh chú (viết
chung, 1993)... Nhớ Phùng Quán (NXB Trẻ, 2004). Và những cuốn sách từng
được giới phê bình đánh giá cao như Vườn khuya một mình, Tản Đà khối
mâu thuẫn lớn, Góp lời thiên cổ sự, Đoàn Phú Tứ - con người và tác phẩm, Tác
phẩm Vũ Trọng Phụng - nhà văn hiện thực (với lời giới thiệu của GS
Trương Tửu, in lần đầu năm 1957) đã hợp thành Tuyển tập Văn Tâm bề
thế: hơn ngàn trang, khổ lớn do NXB Văn Hóa Sài Gòn xuất bản
năm 2006…
(2) Nguyễn Đức Đàn (1928-1997): Bút danh khác: Việt
Trung Liên, Hoàng Nguyễn. Quê quán: xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh
Nghệ An. Đảng viên Đảng CSVN. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1968).
Đã học qua các trường Sư phạm cao cấp, đại học Sư phạm (Văn khoa) và thực tập
ở Liên Xô (1962-1963). Tham gia Cách mạng từ 4-1945, đảm nhiệm chức
trách Bí thư Việt Minh xã. Từ đó đến nay đã kinh qua nhiều công tác: nghiên cứu
văn học ở Viện Văn học, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật (Bộ Văn
hóa), Hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du.
(3) Bác sĩ Trần Văn Lai (1894-1975): quê gốc của ông là Tức Mặc,
Phủ Thiên Trường,thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Trần Văn Lai sinh ra
trong một gia đình làm nghề khảm trai có tiếng đất kinh kỳ nhưng cụ lại theo
học ngành y và trở thành một bác sĩ có tên tuổi. Luôn mang trong mình tư tưởng
chống Pháp, nên dù là một bác sĩ tài năng ở nhà thương Phủ Doãn (nay là bệnh
viện Việt Đức), người thanh niên Trần Văn Lai từng bị Pháp giam giữ tại nhà
tù Sơn La và nhà tù Hỏa Lò với những người như Hoàng Công Khanh, Phạm Khắc
Hòe. Đầu năm 1945, khi Nhật đảo chính Pháp, bác sĩ Trần Văn Lai được mời ra
giữ chức Đốc lý Hà Nội (tương đương với chức thị trưởng). Có lẽ đó
là nhiệm kỳ của một ông Thị trưởng ngắn nhất hành tinh (từ 20/7/1945 đến
19/8/1945) nhưng ông đã làm được không ít việc lợi cho quốc dân: Vừa nhận chức, BS
Trần Văn Lai đã thể hiện ngay tư tưởng yêu nước của mình bằng việc cho
phá bỏ tất cả những pho tượng mà trước đó Pháp đã cho dựng ở Thủ đô (ví như
tượng Toàn quyền Đông Dương Paul Bert ở Bờ Hồ (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ),
tượng "mụ đầm xòe" ở vườn hoa Cửa Nam…). Tiếp theo là đặt lại hàng
loạt tên phố mang hơi hướng thực dân ở Hà Nội. Những đại lộ đẹp nhất Hà
thành như Briére de L'isle đã trở thành Hùng Vương, Carnot đã trở
thành Phan Đình Phùng, Henri d'Orléans là đường Phùng Hưng,
Gambetta trở thành Trần Hưng Đạo, F. Garnier trở thành đường Đinh
Tiên Hoàng,... Không chỉ lấy tên những võ tướng với chiến công hiển
hách trong lịch sử dân tộc mà nhiều tên các danh sĩ nổi tiếng được
dùng để đặt tên mới cho những đường phố Hà Nội như Lê Quý Đôn, Nguyễn Gia Thiều,
Nguyễn Du, v.v… cũng một tay ông Thị trưởng này đặt ra cả! Có lẽ tên hai người
Pháp duy nhất ông Thị trưởng cho giữ nguyên mà bây giờ ta vẫn quen gọi
là phố Yersin cũng như bức tượng nhà khoa học nổi tiếng này cùng với
tượng nhà khoa học Pasteur ở vườn hoa Pasteur; Vườn hoa
trước phủ khâm sai (nay là Nhà khách Chính phủ số 12 phố Ngô Quyền), dân quen
gọi là “vườn hoa con cóc”, ông đặt là Diên Hồng; vườn hoa Paul Bert được đổi
là vườn hoa Chí Linh. Còn con đường mang tên vị linh mục Puyghiniê được
đổi là đường Điện Biên Phủ. Cuối con đường này, ở mạn Bắc có một
bãi đất trống cỏ dại mọc có tên là poanh (Point: điểm bắt đầu phố).
Bác sĩ Trần Văn Lai đã đặt tên cho bãi đất trống ấy là Quảng
trường Ba Đình lấy tên căn cứ của nghĩa quân Đinh Công Tráng chống
Pháp rất anh dũng ở huyện Nga Sơn, Thanh Hóa mà người ta thường gọi
là Khởi nghĩa Ba Đình. Và chỉ hơn một tháng sau khi có tên Quảng
trường Ba Đình: Ngày mồng 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa... Sau thời điểm đó, Quảng trường Ba Đình có tên mới là Quảng trường
Độc Lập. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Pháp chiếm lại đặt tên là Quảng
trường Hồng Bàng. Sau năm 1954, lấy lại tên Quảng trường Ba Đình cho đến bây giờ… Trong thời gian kháng chiến, bác sĩ Trần Văn Lai ở lại Hà Nội,
nhưng người con trai duy nhất của ông là Trần Mạnh Chu (1926-1991) đi theo
kháng chiến và tiếp tục làm nghề thầy thuốc như cha và sau này là Giáo sư, Tiến
sĩ, Chuyên viên đầu ngành ngoại khoa Tiết niệu Quân y, Chủ nhiệm Khoa phẫu
thuật Tiết niệu Quân y viện 108. Sau 1954, BS Trần Văn Lai được cử
làm Thứ trưởng Bộ Thương binh - Xã hội (cụ Vũ Đình Tụng là Bộ trưởng), rồi
sau làm Phó Chủ tịch ủy ban hành chính thành phố Hà Nội, BS Trần Duy Hưng làm
Chủ tịch.
(4) Nguyễn Khắc Phê: Sinh năm 1939 tại Huế. Có sách in từ
năm 1968 và học Trường ''Bồi dưỡng những người viết văn trẻ'' khóa 3
(1969-1970), về Hội văn nghệ Quảng Bình từ năm 1974. Hội viên Hội Nhà
văn Việt Nam từ 1977, Hiện là Thư ký Chi hội Nhà văn Việt Nam tại
Thừa Thiên Huế. Tiểu thuyết dày 700 trang Biết đâu địa ngục
thiên đường là cuốn sách hay nhất của Nguyễn Khắc Phê vừa được
giải C cuộc thi tiểu thuyết lần thứ ba (2006 - 2010) của Hội Nhà văn Việt Nam.
(5) Thân mẫu của Thái Vũ quê làng An Truyền (Thừa
Thiên-Huế) là cháu Đoàn Trưng - Đoàn Trực - thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa
“Chày Vôi”.
(6) Hoàng Xuân Nhị (1914- 1991): Quê Hà Tĩnh... Sau khi
đỗ bằng tú tài toàn phần, Hoàng Xuân Nhị ghi tên theo học tại Khoa Luật Trường
Đại học Hà Nội. Năm 1936, ông được Hội Khuyến khích du học cho một nửa suất học
bổng đi du học tại Pháp. Sau hội nghị Fontainebleau, Hoàng Xuân Nhị
cùng một số trí thức yêu nước khác hưởng ứng lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã lên tầu về nước rồi vào chiến khu Đồng Tháp Mười tham gia kháng
chiến. Năm 1947, Chính phủ kháng chiến bổ nhiệm Hoàng Xuân Nhị làm Giám đốc
Viện Văn hóa kháng chiến. đặc biệt, khi ngành văn hóa thống nhất với ngành
giáo dục, Hoàng Xuân Nhị được bổ nhiệm làm Giám đốc Nha Giáo dục nam Bộ.
Ngoài ra, ông còn được cử làm Ủy viên Ủy ban kháng chiến Hành chính Nam Bộ và
tham gia Ban chấp hành ĐCS khu Ủy khu 9. Sau 1954, Hoàng Xuân Nhị tập kết ra
Miền Bắc và dạy học tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội…
(*) Aleksandr Sergeyevich Pushkin (1799-1837) là
đại thi hào - “Mặt trời của Thi ca Nga”. Pushkin còn là nhà văn,
nhà viết kịch tài ba. Ông đã có những đóng góp to lớn trong việc phát triển
ngôn ngữ văn học Nga hiện đại. Ông mất khi mới 37 tuổi nhưng đã để lại nhiều
kiệt tác như "Evegny Onegin", "Người con gái viên đại
úy", "Con đầm bích", "Boris Godunov"... Ông được coi
là biểu tượng của dòng văn học lãng mạn và tả thực nước Nga thế kỷ 19. Sau
này, Bá tước Lev Nikolayevich Tolstoy (1828 -1910) là một tiểu
thuyết gia vĩ đại nhất trong tất cả các nhà viết tiểu thuyết, đặc biệt nổi tiếng
với kiệt tác Chiến tranh và hoà bình, thì không vì thế mà "Người
con gái viên đại úy” bị lu mờ đi!
(**) Đinh Công Tráng (1842 - 1887) là lãnh tụ chính của khởi
nghĩa Ba Đình trong phong trào Cần vương chống Pháp ở cuối thế kỷ 19 tại
VN. Quê làng Trinh Xá, huyện Thanh Liêm (nay là xã Thanh Tân, huyện Thanh
Liêm, tỉnh Hà Nam). Khi quân Pháp tiến hành công cuộc xâm chiếm Bắc Kỳ,
đang là một chánh tổng, ông đến gia nhập đội quân của Hoàng Kế Viêm, rồi tham
gia trận Cầu Giấy ngày 19 tháng 5 năm 1883. Tháng 7 năm 1885, sau khi kinh
thành Huế thất thủ, tướng Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi lên chiến khu Tân
Sở (Quảng Trị) ban dụ Cần Vương kêu gọi toàn dân kháng chiến. Hưởng ứng, Đinh
Công Tráng bèn cùng các đồng chí của mình đã chọn Ba Đình (trên
vùng đất thuộc ba làng: Mậu Thịnh, Thượng Thọ, Mỹ Khê thuộc huyện Nga Sơn,
Thanh Hóa) làm căn cứ kháng chiến lâu dài.Vào mùa mưa, căn cứ này trông như một
hòn đảo nổi giữa cánh đồng nước mênh mông, tách biệt với các làng khác. Căn cứ
này gọi là Ba Đình vì mỗi làng có một cái đình, từ làng này có thể nhìn thấy
đình của hai làng kia. Có thể nói căn cứ Ba Đình có vị trí tiêu biểu nhất, là
một chiến tuyến phòng ngự quy mô nhất thời kỳ Cần Vương cuối thế kỷ 19. Chính
người Pháp đã phải thừa nhận “1886-1887, cuộc công hãm Ba Đình là quan trọng
nhất, cuộc chiến đấu này thu hút nhiều quân lực nhất và làm cho các cấp chỉ
huy lo ngại nhiều nhất". Chính vì vậy, mà quân Pháp rất quyết tâm đánh dẹp. Trận
ngày 18 tháng 12 năm 1886: Quân Pháp gồm 500 lính, có đại bác 80 ly
yểm hộ, tấn công căn cứ Ba Đình từ hai hướng, nhưng đều bị nghĩa quân đánh
lui. Sau trận này, thấy không thể thắng nhanh được, nên quân Pháp chuyển sang
phương án bao vây. Trận ngày 6 tháng 1 năm 1887 - 21 tháng 1 năm 1887: Ngày
6 tháng 1 năm 1887, quân Pháp lại cho quân tấn công đợt nữa, nhưng cũng không
thành công, ông bèn cho quân rút ra xa, tổ chức bao vây và chờ viện binh. Sau
khi cắt đứt xong đường tiếp tế của nghĩa quân, Đại tá Brissaud liền cho quân
tiến đánh căn cứ Ba Đình. Lần này, Brissaud vừa cho phun dầu đốt cháy các lũy
tre, vừa cho nã pháo tới tấp, biến căn cứ Ba Đình thành một biển lửa. Trước sức
mạnh của đối phương, đêm 20 rạng 21 tháng 1 năm 1887, Đinh Công Tráng cho
quân phá vòng vây, rút về căn cứ dự phòng ở Mã Cao. Sáng ngày 21 tháng 1 năm
1887, quân Pháp chiếm được cứ điểm Ba Đình. Sau khi ra sức tàn phá, họ còn bắt
buộc triều đình nhà Nguyễn phải xóa tên ba làng trên bản đồ hành chính. Trận
đồn Mã Cao: Đinh Công Tráng vừa đến Mã Cao, chưa kịp củng cố lực lượng,
thì đã bị quân Pháp đuổi theo tấn công. Sau 10 ngày giao tranh ác liệt, đến
ngày 2 tháng 2 năm 1887, căn cứ Mã Cao mới bị đánh hạ. Sau đó, một số đông
nghĩa quân rút lên Thung Voi, Thung Khoai, rồi lên miền Tây Thanh Hóa sáp nhập
với đội nghĩa quân của Cầm Bá Thước. Một số khác theo Đinh Công Tráng rút về
Nghệ An. Về Nghệ An, Đinh Công Tráng định gây lại phong trào, nhưng đến ngày
5 tháng 10 năm 1887 Ngày Đinh Công Tráng hy sinh trong một trận chiến đấu với
đối phương tại làng Tang Yên, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An .
(***) Xin xem nguyên văn bài viết: Bùi Quang
Đoài: Chủ nghĩa nhân văn của ông Hoàng Xuân Nhị
Trên báo Nhân dân ngày 16 và 17-10-56 có đăng bài “Chủ nghĩa nhân văn của chúng ta” của ông Hoàng Xuân Nhị. Bài này trên căn bản cũng không khác gì những bài của các ông Nguyễn Chương, Xuân Trường, Quang Đạm cũng đăng trên báo Nhân dân và cùng nằm trong phạm trù những ý kiến là có ý đổ cho anh em Nhân văn và Giai phẩm là muốn tách rời văn nghệ khỏi chính trị, chịu ảnh hưởng của nhân văn tư sản, không chịu sự lãnh đạo của Đảng, nói xấu chế độ v.v…
Sau đây là những ý kiến tôi đặt lại vấn đề với ông Hoàng
Xuân Nhị. Trong nhận thức sai lầm của ông và ý kiến văn học của Lê-nin.
Trong bài “Tổ chức của Đảng và văn học của Đảng” mà ông
Hoàng Xuân Nhị dịch là “tổ chức của Đảng
và văn học có Đảng tính” của Lê-nin đã nêu lên hai vấn đề:
1. Vấn đề văn học của Đảng nghĩa là văn học tuyên truyền
cho những nguyên lý tư tưởng và tổ chức của Đảng Bôn-sê-vik.
2. Vấn đề đảng tính trong sự sáng tác văn học, theo nghĩa rộng
của nó. (Những ý kiến này chúng tôi dựa vào tập Lê-nin và những vấn đề văn học
Nga của Boris Meilakh. NXB Xã hội 4-4-56).
Sự phân biệt hai vấn đề này rất quan trọng, nếu không rất dễ đi đến những hành động máy móc, hẹp hòi, thô bạo.
Trong vấn đề văn học của Đảng, Lê-nin viết: “Tất cả văn học
của Đảng, dù là địa phương hay Trung ương phải phục tùng một cách vô điều kiện
Hội nghị của Đảng và những tổ chức địa phương hay trung ương của Đảng. Sự tồn
tại của một văn học của Đảng mà không liên hệ với Đảng theo tổ chức thì không
thể dung nạp được.” (Lê-nin toàn tập cuốn X, trang 144). Đó là thời kỳ trước
cách mạng 1905-1907, Đảng Bôn-sê-vik tích cực hoạt động chống bọn Men và báo
chí của chúng đang tuyên truyền xuyên tạc chủ nghĩa Mác-xít dưới danh nghĩa
“mác-xít”. Ông Hoàng Xuân Nhị đã máy móc đưa thời gian lịch sử của thời kỳ
trước cách mạng 1905-1907 đem áp dụng vào hoàn cảnh xă hội ta hiện nay. Chính
trong nguyên tắc căn bản đó, Lê-nin đã nhắc nhở các nhà văn của Đảng là “Sự
nghiệp văn học phải trở thành một bộ phận trong toàn bộ sự nghiệp của giai cấp
vô sản, phải trở thành một bộ phận cấu tạo trong công tác của Đảng…” Theo
tinh thần nguyên tắc đó các nhà văn của Đảng, các nhà văn đảng viên, các nhà
văn viết trên báo chí của Đảng, tuyệt đối phải chịu sự lãnh đạo trực tiếp của
Đảng, của tổ chức của Đảng, không được nhân danh Đảng để tuyên truyền những
quan điểm chống Đảng (cuốn X, trang 31), và khi Lê-nin viết “đả đảo những nhà
văn học phi Đảng” (mà ông Hoàng Xuân Nhị chú thích sai là chống lại Đảng thời
ấy) chính là nhằm phản đối những nhà văn đảng viên chủ trương đứng trên tổ chức
của Đảng, phản đối những nhà văn Men-sơ-vích tán thành sự công tác của nhà
văn xã hội dân chủ với các tờ báo tư sản (lúc bấy giờ là giai cấp cầm quyền).
Nó hoàn toàn không giống một chút nào với trường hợp của anh em Nhân văn và
Giai phẩm đương đấu tranh đòi mở rộng tự do dân chủ chống những tệ lậu của
lãnh đạo. Gán ghép như ông Hoàng Xuân Nhị tỏ ra rằng một là ông Nhị không
tiêu hóa được tài liệu, hai là ông Nhị đã lợi dụng tài liệu một cách xuyên tạc.
Nó không đúng với tinh thần trung thực của người trí thức.
Ông Nhị còn đề nghị: “Bài của Lê-nin được viết ra cuối năm 1905 thời mà Đảng
chưa lên nắm chính quyền. Đến lúc Đảng đã nắm chính quyền rồi thì lẽ cố nhiên
nguyên tắc Đảng lãnh đạo và tổ chức lãnh đạo chuyên môn lại càng chặt chẽ hơn
nữa”.
Sáng tỏ và chặt chẽ hơn, đồng ý. Nhưng chặt chẽ như thế nào? Có phải chặt chẽ
là văn học nhất cử nhất động phải tuân theo ý kiến của một phái, chặt chẽ là
chuyên môn vâng theo những ý kiến về chuyên môn của một số lãnh đạo không am
hiểu về chuyên môn không?
Danh từ chặt chẽ buông xuôi như thế, rất có thể dẫn đến những sai lầm tai hại.
Hoàng Xuân Nhị có nhớ kinh nghiệm đau xót của nhóm Prô-le-kun và nhóm R. A.
P. P không?
Vấn đề thứ hai là vấn đề đảng tính trong văn học.
Lê-nin đã giải thích văn học có đảng tính như thế nào? Trong sự đấu tranh chống
lại văn học tư sản địa vị chủ nghĩa, cá nhân chủ nghĩa, vô chính phủ v.v…
“Lênin đã đề nghị sáng tạo ra một nền văn học xã hội chủ nghĩa, thực sự tự do
và liên hệ công khai với văn học của giai cấp vô sản. Theo ý Lê-nin thì nền
văn học đó phải thấm nhuần tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Nó phải phục vụ cho
hàng triệu triệu người lao động, những người con ưu tú, sức mạnh và tương lai
của đất nước. Nền văn học đó phải là mối dây nối giữa kinh nghiệm quá khứ và
cuộc đấu tranh hiện đại của giai cấp vô sản.” (B. Meilakh).
Văn học có đảng tính là như thế. Nó là một nền văn học “thấm nhuần tư tưởng xã hội chủ nghĩa, công khai bênh vực quyền lợi của nhân dân đứng trên lập trường của Đảng”. Cho nên văn học có đảng tính tuyệt đối không có nghĩa là văn học của những nhà văn trong tổ chức của Đảng. Càng tuyệt đối không có nghĩa là bắt buộc tất cả mọi nhà văn phải vào tổ chức của Đảng. Một tấm thẻ đảng viên không thể bảo đảm được đảng tính của một tác phẩm văn học. Trái lại một tác phẩm văn học có đảng tính rất có thể là của một nhà văn đứng ngoài tổ chức của Đảng.
Ví dụ: Mai-a-cốp-ski, Lỗ Tấn v.v…
Văn học có đảng tính nghĩa là văn học có lập trường đấu tranh rõ rệt trong “ý
nghĩa thống nhất và tự nguyện” của những người sáng tác văn học xã hội chủ
nghĩa. Như thế thì người sáng tác có đủ mọi quyền tự do của mình, tất nhiên cả
quyền tự do tư tưởng, có quyền đi sâu vào từng sở thích riêng của mình. Lê-nin
đã viết:
“Trong lãnh vực đó, tuyệt đối cần phải bảo đảm một sự tự do rộng lớn cho sáng
kiến cá nhân, cho các khuynh hướng cá nhân, bảo đảm sự tự do tư tưởng và sức
tưởng tượng, sự tự do về hình thức và về nội dung.” (Cuốn X trang 28)
Ta thấy ngày trước Lê nin đã có một quan niệm rộng rãi trong sự sáng tác văn
học. Chính Lê-nin đã khiêm tốn trả lời Clara Zetkin khi họa sĩ này hỏi ý kiến
Lê-nin về họa lập thể và vị lai:
“Tôi không biết nhiều về lãnh vực đó, nhưng tôi nghĩ rằng nếu những nhà nghệ sĩ trẻ tuổi biểu lộ nhiều cảm xúc của mình trước những xu hướng đó thì nó phải có một lý do hợp lý và người ta cần phải phân tích cái lý do đó theo quan điểm xã hội học”. (Les Lettres Francaices số 609).
Lê-nin đã không kết án phái họa đó và Lê-nin đã đặt vấn đề cần phải phân tích
nghiên cứu nội dung xã hội của nó…
Do sự không phân biệt nổi hai vấn đề văn học của Đảng và văn học có đảng tính
trên, nên chỉ quan niệm về tự do tư tưởng ông Nhị cũng đã ngã vào những sai lầm
nghiêm trọng:
Hoàng Xuân Nhị chứng minh rằng sở dĩ các nhà văn nghệ được
tự do tư tưởng là nhờ Đảng. Ông đã đem ví dụ con chim bay trên bầu trời xanh
để làm chân lý phổ biến muôn đời. Trong lịch sử tư tưởng của con người, người
văn nghệ sĩ cũng như người khoa học, triết học qua bao chế độ khác nhau, dù bị
giai cấp thống trị hành hạ, giết chết cũng không vì quyền uy mà hủy bỏ ý kiến
sáng tạo của mình: M. Servet và L. Vanini trên giàn củi lửa cũng không từ bỏ
tư tưởng khoa học của mình; Cao Bá Quát đâu có vì lưỡi đao bạo lực của triều
Nguyễn mà mất cái khí thế ngang tàng bất khuất của kẻ sĩ biết tự trọng.
Xuất phát từ lệch lạc đó, Hoàng Xuân Nhị cho rằng nhờ có Đảng mới có tự do tư tưởng. Như ý kiến tôi vừa trình bày, tôi hỏi lại ông Nhị là có Đảng rồi mới có quần chúng hay có quần chúng rồi mới có Đảng? Như thế thì rõ ràng là không phải có Đảng người văn nghệ sĩ mới có tự do tư tưởng mà ngay những thế kỷ trước cũng như thời kỳ trước cách mạng, mặc dầu thực dân đàn áp khủng bố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan vẫn kiên quyết tự do tư tưởng, tố cáo "cái xã hội chó đểu" buộc tội giới cầm quyền bấy giờ. Lúc ấy họ ấy họ có là đảng viên đâu; chỉ có là sáng tác phẩm của họ chịu ảnh hưởng ít nhiều của phong trào đấu tranh cách mạng mà thôi.
Như thế thì tự do tư tưởng không phải là một vấn đề do Đảng ban ơn cho quần
chúng như ông Nhị đã lầm tưởng. Sở dĩ quần chúng văn nghệ sĩ mến Đảng, tin Đảng,
thừa nhận sự lãnh đạo là vì Đảng là người lính tiền phong trong đội quân tự
do tư tưởng đó, đã đấu tranh vì quyền lợi của nhân dân lao động cũng là mục
đích của họ đấu tranh trong sáng tác văn học. Ðảng tạo điều kiện tốt cho người ta
tự do tư tưởng.
Trên đây, tôi đã trả lời ông Hoàng Xuân Nhị về một điểm lý luận chủ chốt trong bài của ông.
Tôi xin nói qua một số điểm khác. Để chứng tỏ những non yếu trong kiến thức của
ông Nhị, và đề nghị ông nên khiêm tốn học hỏi hơn.
Dưới cái đầu đề rất to "Chủ nghĩa nhân văn của chúng ta", dưới những
đề mục có vẻ khoa học ông Nhị đã có những lập luận nông cạn và sơ đẳng.
Chẳng hạn trong mục "Quan điểm khoa học" ông viết: "không sùng
bái cá nhân vì bản thân mình quá sùng bái cá nhân mình thì không hay ho gì
hơn và chắc cũng đã kém hay ho hơn là sùng bái lãnh tụ".
Thật là lý luận buồn cười. Theo ông Nhị thì có lẽ khuyết điểm sùng bái cá nhân nặng nhẹ tùy theo cấp bực, sùng bái cán bộ cao cấp thì hay ho hơn sùng bái cán bộ trung cấp v.v… Thật là phê bình bệnh sùng bái cá nhân mà bệnh sùng bái cá nhân nó lại thò ra ngay từ túi mình. Quan điểm ông đưa ra không khoa học như ông tưởng.
Đấy là về khoa học. Bây giờ về nghệ thuật. Nói về chủ nghĩa lập thể và
Picasso, ông Nhị viết: "Trong khoảng 8 năm họa sĩ đã tiến nhiều… chúng
ta không hoan nghênh phần lập thể hoặc đa đa chủ nghĩa nơi họa sĩ là đúng
thôi" (thật là oan cho Picasso vì Picasso có theo chủ nghĩa đa đa bao giờ
đâu, có lẽ ông Nhị nên nghiên cứu thêm về văn học và nghệ thuật thế giới hồi
đầu thế kỷ XX để nắm vững hơn) "… Và phần tiến bộ của họa sĩ vượt khỏi hẳn
chủ nghĩa đa đa, như con chim bồ câu hòa bình…"
Chết thật! Nói về tác phẩm nghệ thuật của Picasso mà chỉ nhắc đến con chim bồ
câu hòa bình thôi thì tai hại quá. Chúng ta không phủ nhận giá trị của con
chim bồ câu, nhưng không biết ông Nhị có biết đến bức Guernica hồi chiến
tranh Tây Ban Nha và bức Chiến tranh và Hòa bình hồi gần đây không? Nó vẫn lập
thể đấy ông Nhị ạ! Mà hội họa thế giới vẫn công nhận nó,
mà Aragon người phụ trách văn nghệ của Đảng Cộng sản Pháp vẫn ca ngợi
nó.
Ông Nhị thường hay dẫn Lê-nin, sao ông Nhị không học Lê-nin về thái độ khiêm
tốn, tôn trọng tự do sáng tác và nghệ thuật độc đáo, tôn trọng cá tính con
người? Ông Nhị đã vội vàng chê trách người ta là quá ư nông nổi…
Ông Nhị sa vào sai lầm đó cũng dễ hiểu. Bởi lập luận như Palisse thì nguyên
nhân chính là vì Lê-nin là Lê nin và ông Hoàng Xuân Nhị mặc dầu luôn nhắc đến
Lê-nin cũng vẫn chỉ là ông Hoàng Xuân Nhị.
Trong một bài báo ngắn tôi đã cố gắng trình bày vài sai lầm hoặc vài thiếu sót của ông Nhị về mặt kiến thức. Tôi xin đề nghị với ông Nhị một điều mà ông Nhị đã từng đề nghị với anh em Nhân văn và Giai phẩm: cố gắng nghiên cứu, suy nghĩ để giữ cho được bản chất trung thực của người trí thức. |
Sài Gòn, cuối năm 2010
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét