Trước khi xét với tư cách thành viên cộng đồng, con người đã
là một hữu thể tại thế chịu sự chi phối bởi cảm quan thiên nhiên. Bởi vậy, bài
học đầu tiên chính là tình yêu dành cho người Mẹ hiền vĩ đại của thiên nhiên, đất
trời với bốn mùa đổi đắp.
Theo văn hóa phương Đông truyền thống, mùa xuân tượng trưng
cho sự hồi sinh của vạn vật, mùa thu gắn với mùa thu hoạch. Cả hai mùa xuân thu đều chiếm khoảng thời gian ngắn ngủi trong năm. Tuy nhiên, ca khúc viết về
hai mùa này lại chiếm số lượng áp đảo so với mùa hạ và mùa đông. Trong xã hội
nông nghiệp, xuân thu là hai mùa quan trọng. Mùa xuân khởi đầu cho một vụ
mùa, mùa thu kết thúc bằng thu hoạch. Hai mùa xuân thu tập trung nhiều nghi lễ
quan trọng, từ đó sản sinh ra tư duy xuân thu nhị kỳ khắc sâu vào ký ức.
Tư duy về mùa không chỉ hiển thị qua sinh hoạt lễ hội mà còn
đi vào thơ ca, văn chương, âm nhạc cho tâm hồn lưu trú. Trong bốn mùa, mùa xuân
và mùa thu đều không xác lập thời điểm đến (chí) như mùa đông và mùa hạ (đông
chí, hạ chí) mà ngăn cách bởi xuân phân và thu phân, hiểu là khoảng thời gian
mùa bị chia đôi. Việt Nam nằm ở gần bờ xích đạo, khí hậu nhiệt đới, gió mùa…
càng khiến cho đặc điểm về mùa không phân biệt rõ rệt. Vào đến Nam Bộ, bốn mùa
bị rơi rớt còn lại hai mùa mưa nắng. Song, trước khi mùa thu và mùa đông mất
đi trong trời đất, thi ca, âm nhạc đã kịp làm nhiệm vụ gom cả bốn mùa vào tác
phẩm. Bởi vậy, trong kho tàng âm nhạc để lại di sản đồ sộ với đủ mọi cung bậc
tình cảm tượng trưng cho bốn mùa quanh năm. Tâm thức bốn mùa còn đưa đẩy con
người tới tình trạng chấp vào thời gian bốn mùa. Đó là mối tình nồng nàn còn
sót lại sau khi đất trời kịp phân chia thành hai mùa cùng hai miền Nam Bắc.
Theo tư duy “Xuân sinh, hạ trưởng, thu thu, đông tàng”, mùa
xuân gánh trọn ý nghĩa mở màn cho cây cối sinh sôi, cảnh vật bừng tỉnh sau cơn
mê dài của mùa đông tĩnh lặng. Âm nhạc viết về mùa xuân thường dâng tràn khí thế
ban man, đam mê chất ngất, như: “Xuân đã về” của Minh Kỳ, “Đón
xuân” của Phạm Đình Chương, “Xuân và tuổi trẻ” của La Hối, “Em
ơi mùa xuân đến rồi đó” của Trần Chung, “Xuân họp mặt” của Phan
Đình Tùng, “Mùa xuân làng lúa làng hoa” của Ngọc Khuê, “Xuân chiến
khu”, “Mùa xuân bên cửa sổ” của Xuân Hồng, “Lời tỏ tình của mùa xuân” của
Thanh Tùng…
Trong văn hóa, mùa xuân gắn liền với Tết, lễ hội, nên âm nhạc
về mùa xuân có khuynh hướng gắn kết vào Tết. Tết trở thành thời khắc thiêng
liêng nhấn chìm ý nghĩa của mùa xuân vào khung cảnh hoa mộng, sự hòa quyện tuyệt
vời giữa thiên nhiên, đất trời và lòng người, như ca khúc “Ngày Tết quê
em”, nhạc sĩ Từ Huy phỏng theo tiếng nhạc múa lân để đưa người nghe vào
không khí lễ hội tưng bừng:
“Tết tết tết tết đến rồi
Tết tết tết tết đến rồi…” lặp đi lặp lại bồi hồi.
Mùa xuân vốn là mùa của lễ hội, của Tết, nên ca khúc về mùa
xuân cũng theo đó chuyển tải bức thông điệp của trần gian vào ngày lễ linh
thiêng, trọng đại này. Tết như cảnh địa đàng giữa cõi nhân gian, nơi gặp gỡ quá
khứ, hiện tại và tương lai. Con người cảm nhận được từng nét chuyển động nhịp
nhàng, êm như ru trên mặt đất của thời gian lặng lẽ. Ca khúc mùa xuân như đôi
cánh thiên thần cất lên trên vẻ đẹp lung linh sắc màu. Nhưng, “Xuân đương
đến nghĩa là xuân đương qua. Xuân còn lo nghĩa là xuân sẽ già…” (thơ Xuân
Diệu). Sự không viên mãn của mùa xuân nơi trần gian luôn ám ảnh con người về thời
gian biến đổi. Nhan sắc nàng xuân cũng vô thường như cỏ cây, hoa lá cùng muôn vật.
Bởi vậy, trong nhiều ca khúc bất tử về mùa xuân, giai điệu không giấu nỗi niềm
tiếc nuối mênh mang về sự hữu hạn của thời gian mất đi liên tục, từ bản “Happy
new year” bất tử của ban nhạc ABBA cho đến “Gửi người em gái” của
Đoàn Chuẩn, “Đón xuân này nhớ xuân xưa” của Châu Kỳ, “Xuân này
con không về” của Trịnh Lâm Ngân, “Đón xuân” của Phạm Đình
Chương, “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao, “Đi qua vùng cỏ non” của
Trần Long Ẩn, “Lắng nghe mùa xuân về” của Dương Thụ, “Khúc giao
mùa” của Huy Tuấn, “Phút giao thừa lặng lẽ” của Anh Quân,...
Ca khúc viết về mùa xuân thường chú ý đến tiết tấu, tương
quan trường độ nối tiếp nhau được xử lý sinh động, biến hóa nhịp nhàng. Cách sắp
xếp âm thanh này khác hẳn với ca khúc viết về mùa thu. Theo đó, ca khúc về mùa
thu thiên về phác họa không gian, chủ ở giai điệu, tiết tấu ít biến động và tốc
độ chậm. Ca khúc viết về mùa thu chiếm tỉ lệ buồn nhiều hơn vui. Ca khúc về mùa
xuân có cả niềm vui và nỗi buồn, nhưng vui vẫn chiếm ưu thế. Cả hai mùa xuân và
thu đều chiếm trữ lượng phong phú trong kho tàng ca khúc. Nó chỉ ra tính chất
thiên vị của tình cảm con người và đặc ân của đất trời ban cho thế gian.
Bước vào mùa hạ, số lượng ca khúc bắt đầu giảm dần và nổi lên
trên không gian âm nhạc là những tác phẩm viết cho trẻ thơ, lứa tuổi học trò,
như “Hè về” của Hùng Lân, “Tiếng ve gọi hè” của Trịnh Công
Sơn, “Mùa hoa phượng nở” của Hoàng Vân, “Phượng hồng” thơ Đỗ
Trung Quân, nhạc Vũ Hoàng, “Bồ câu không đưa thư” của Nguyễn Văn
Hiên, “Mùa hè yêu thương” của Quốc An… Có lẽ, mùa hè từ lâu đã gắn với
kỳ nghỉ học của tuổi thơ, nên những đặc điểm vây quanh đã tạo nên đường nét cho
một mùa hè đong đầy ký ức học trò trong ca khúc. Song, không hẳn vì thế mà mùa
hè thiếu đi ca khúc hay dành cho người lớn, thậm chí với số lượng ít ỏi đã sản
sinh ra nhiều tác phẩm để đời, như “Hạ trắng” của Trịnh Công Sơn, “Còn
thương rau đắng mọc sau hè” của Bắc Sơn, “Nỗi buồn hoa phượng”, “Phượng
buồn” của Thanh Sơn, “Vào hạ” của Lê Hựu Hà, “Chiều hạ
vàng” của Nguyễn Bá Nghiêm, “Hát với chú ve con” của Thanh Tùng…
Và kỳ lạ thay, đa số ca khúc viết về mùa hạ dẫn ra trên đây đều sản sinh trong
không gian yên ả của vùng đất Nam Bộ. Có lẽ, do đặc trưng thời tiết miền Nam,
mùa hạ chẳng hề khắc nghiệt như miền Bắc, mùa này lại thường gắn với những cơn
mưa, thứ “mưa rồi chợt nắng” từng làm xao xuyến con người và đi vào ca khúc “Em
còn nhớ hay em đã quên” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Số lượng ca khúc viết về mùa hạ ít ỏi có thể xuất phát từ tâm
lý thiên vị, giống như trái tim đặt lệch của con người hướng cảm xúc về mùa
xuân, mùa thu. Mùa hạ trở nên lẻ loi, cô đơn giữa bốn mùa thay đổi. Ngoài ra,
tư duy tứ quý, chia năm thành bốn mùa vốn thuộc về “quy ước văn hóa”. Bởi vậy,
mới “Vào hạ” mà nhạc sĩ Lê Hựu Hà đã sớm cho heo may của mùa thu len
lỏi qua tác phẩm (Rì rào ngọn heo may thở than qua muôn khóm cây), thậm
chí “Tuyết rơi mùa hè” trong ca khúc của Trần Lê Quỳnh, rồi cả hai ca
khúc viết về mùa xuân bất hủ là “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao
và “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh” của Xuân Hồng đều ra đời vào
mùa hè. Từ đó cho thấy, tư duy về mùa đã khởi đi từ thiên nhiên, sau khi kết
duyên với văn hóa đã tạo nên đường biên mong manh làm chệch hướng cảm xúc con
người. Tuy chiếm số lượng khiêm tốn, mảng ca khúc viết mùa hè cũng đủ ghi nhận
khoảng thời gian quan trọng diễn ra trong năm qua những ngày hè yên ả, êm đềm.
Ca khúc viết về mùa thu chiếm số lượng áp đảo so với các mùa
khác trong năm. Tính riêng ba nhạc sĩ lãng mạn thời Tiền chiến là Đặng Thế
Phong, Văn Cao và Đoàn Chuẩn đã có một khối lượng lớn ca khúc viết về mùa thu.
Đặng Thế Phong sớm từ bỏ thế gian ra đi ở tuổi 24, nhưng đã kịp để lại ba tác
phẩm viết về mùa thu là “Giọt mùa thu”, “Con thuyền không bến” và “Đêm
thu”. Văn Cao cũng si mê, đắm đuối nàng thu và để lại hàng loạt ca khúc về
mùa này, như “Suối mơ”, “Trương Chi”, “Cung đàn xưa”, “Sông Lô”, “Thu cô
liêu”, “Buồn tàn thu”… Còn Đoàn Chuẩn được mệnh danh là nhạc sĩ của mùa thu. Hầu
hết sáng tác của ông đều dành cho mùa thu bất tử, từ tác phẩm đầu tay “Ánh
trăng mùa thu” sáng tác năm 1947 đến “Màu nắng có bao giờ phai đâu” viết
năm 1989 cuối đời. Đoàn Chuẩn đem hết tình yêu phụng sự cho mùa thu. Trong gia
tài âm nhạc gồm 18 tác phẩm (được công bố), phần lớn ca khúc đều liên quan hoặc
trực tiếp viết về mùa thu, như: “Thu quyến rũ”, “Gửi gió cho mây ngàn
bay”, “Lá đổ muôn chiều”, “Lá thư”, “Chuyển bến”, “Tà áo xanh”, “Dạ lan hương”… thậm
chí, mùa thu còn lẩn sang mùa khác trong năm theo tư duy sáng tác của ông, như
ca khúc “Gửi người con gái”. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tuy chủ yếu viết
tình ca, nhưng trong gia tài âm nhạc của mình cũng không thiếu mùa thu,
như: “Nhìn những mùa thu đi”, “Gọi tên bốn mùa”, “Nhớ mùa thu Hà Nội”,
“Chiếc lá thu phai”… Mùa thu chiếm khoảng thời gian ngắn ngủi, chóng
vánh trong năm, nhưng đã làm ngẩn ngơ biết bao thế hệ nhạc sĩ. Cảm quan về bốn
mùa cũng tựa như chuyện sinh lão bệnh tử. Nên, chu kỳ mang tính vòng đời này ám
ảnh từng cơn, miên trường vào nỗi niềm muôn thuở của người nghệ sĩ. Và cứ thế
tiếp tục nối tiếp hết thế hệ này sang thế hệ khác, gia tài âm nhạc về mùa thu
(chỉ tính riêng ca khúc) không ngừng được bổ sung bằng nhiều sáng tác,
như “Thu vàng” của Cung Tiến, “Thu ca” của Phạm Mạnh
Cương, “Hà Nội mùa thu” của Vũ Thanh, “Có phải em mùa thu Hà Nội” của
Trần Quang Lộc, “Mùa thu cho em”, “Em về mùa thu” của Ngô Thụy
Miên, “Ngàn thu áo tím” nhạc của Hoàng Trọng, lời Vĩnh Phúc, “Hoài
thu” của Văn Trí, “Mùa thu mây ngàn” của Từ Công Phụng, “Em
ra đi mùa thu” của Phạm Trọng Cầu, “Thu sầu” của Lam
Phương, “Đâu phải bởi mùa thu” của Phú Quang, “Mùa thu trong
mưa” của Trường Sa, “Anh đã quên mùa thu” của Tùng Giang, “Thơ
tình cuối mùa thu” của Phan Huỳnh Điểu, thơ Xuân Quỳnh, “Trăng chiều” của
Đặng Hữu Phúc, “Không còn mùa thu” của Việt Anh…
Giống như nắng xế buổi hoàng hôn chiếu vào không gian chiều
tà chóng vánh, chập chờn… Con người chỉ còn biết dõi theo bước chân thời gian
trong niềm khắc khoải, vô vọng. Sáng tác về mùa thu như tiếng lòng thổn thức muốn
níu kéo cả đất trời ở lại trong phút thu chưa đi.
Giống như tình cảnh mùa hạ, mùa đông cũng bị thờ ơ, ít đi vào
ca khúc. Giữa hai thái cực nóng - lạnh, mùa đông càng khiến cho người sáng tác
“quay lưng”. Thêm vào đó, cảnh tượng thiếu vắng âm thanh, cảnh vật chìm vào giấc
ngủ dài của mùa đông cũng gây khó khăn cho âm nhạc cất tiếng! Âm nhạc vốn “chấp”
vào âm thanh để thể hiện tình cảm, phác họa không gian lại không phải sở trường
của loại hình nghệ thuật này. Ở quốc gia miền ôn đới, mùa đông đi vào âm nhạc
thông qua vai trò trung gian của lễ hội, cảnh bên lò sưởi, tiếng nhịp xe tam
mã, những chuyến đi săn… Trong không gian văn hóa Việt Nam, như trên đã đề cập,
vào đến Nam Bộ, mùa đông đã mất đi trong trời đất. Nên, càng có cơ sở để thiếu
vắng trong kho tàng âm nhạc viết về mùa. Song, tuy hiếm hoi, ít ỏi, ca khúc viết
về mùa đông lại tập trung nhiều tác phẩm để đời, như “Đêm đông” của
Nguyễn Văn Thương, “Nỗi nhớ mùa đông” của Phú Quang, lời thơ Thảo
Phương, “Mùa đông sắp đến trong thành phố” của Đức Huy, “Lời ru
mùa đông” của Đặng Hữu Phúc, “Chuyện tình người đan áo” của Trường
Sa, “Mùa đông của anh” của Trần Thiện Thanh, “Xa rồi mùa đông” của
Nguyễn Nam, “Một ngày mùa đông” của Bảo Chấn… Mùa đông trong ca khúc
trở thành hoài niệm, tiếng lòng trắc ẩn trong cảnh vắng đìu hiu. Giai điệu
trong ca khúc viết về mùa đông ít ồn ào, náo nhiệt, tình cảm hướng nội, tốc độ
chậm, trữ tình… Dường như chúng không muốn phá vỡ khung trời bình yên của một
mùa đi qua bằng giấc ngủ.
Xuân - Hạ - Thu - Đông không giống như bản giao hưởng
dài bốn chương mở đầu bằng mùa xuân và kết thúc vào mùa đông, mà như khúc Rondo
(múa vòng) tuần hoàn bất tận khởi từ vô thủy đến vô chung. Dòng thời gian lưu lạc
phiêu du qua bốn mùa cuốn theo tư duy đổi thay thổi từ tâm hồn vào tác phẩm. Ca
khúc bốn mùa trở thành tiếng lòng thổn thức trước bản hòa tấu với nhịp điệu
bình ổn và sắc màu biến ảo trong tuyệt tác thiên nhiên.
Lê Hải Đăng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét