Cách trung tâm thành phố Quy Nhơn chừng 3km về phía Đông Nam
thuộc phường Ghềnh Ráng, “Ghềnh Ráng” là tên gọi quần thể thiên nhiên hội tụ đủ
kỳ sơn tú thủy, một tuyệt tác của tự nhiên làm liên tưởng đến nghệ thuật xếp đặt
của một nghệ sĩ tài ba, trở thành nguồn cảm hứng bất tận của giới văn nghệ sĩ
và còn đọng lại trong ký ức người địa phương với câu ca dao lý thú:
“Gió Cầu Tấn trưa chiều thổi mát,
Bãi Quy Nhơn mịn cát dễ đi,
Phương Mai - Ghềnh Ráng tương tri,“
Ngâm câu thủy tú sơn kỳ thảnh thơi...”
Bãi Quy Nhơn mịn cát dễ đi,
Phương Mai - Ghềnh Ráng tương tri,“
Ngâm câu thủy tú sơn kỳ thảnh thơi...”
THẮNG CẢNH BẬC NHẤT CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH
Cái tên Ghềnh Ráng nghe chân chất và mộc mạc, đã gợi nên bao
nỗi tò mò (!). Theo giải thích từ các bậc cao niên, mỗi khi đi ngang khu vực
nhiều ghềnh lắm rạn này, các ngư dân thường phải tìm cách hãm bớt gió cho thuyền
đi chậm lại hòng tránh va vấp với những dãi đá ngầm. Động thái “hãm” gió này giới
đi biển gọi là “ráng”. Như một quy luật, mỗi lần đi ngang “gềnh” này, các ngư
dân đều phải “ráng” và không biết từ lúc nào, cái tên “Ghềnh Ráng” đã tự nhiên
đi vào đời sống của người dân địa phương…
Ghềnh Ráng tụ hội đủ kỳ sơn tú thủy
Ảnh: Lam Linh (nguồn
VnExpress.net)
Với diện tích chừng 35ha, Ghềnh Ráng thật ấn tượng với những
bãi đá nối tiếp nhau tạo nên những hang hốc hay hình thù cổ quái. Đi dọc con đường
uốn lượn theo triền núi, du khách sẽ có dịp mục kích sự thành tạo kỳ diệu của tự
nhiên: này là khối đá có bức phù điêu hình mặt người, kia là khối đá được thiên
nhiên khéo đẻo gọt trông tựa đầu một con sư tử đang chồm ra biển Đông, đây là
khối đá Vọng Phu có hình dáng như một người vợ đang ngóng chồng, nọ là hai khối
đá xếp chồng chênh vênh được gọi Hòn Chồng vẫn nghìn năm kiên vững trước phong
ba bão táp…
Hòn Chồng tại Ghềnh Ráng
Ảnh: nguồn dulichbinhdinh.com.vn
Đứng từ đỉnh Ghềnh Ráng, du khách có thể phóng tầm mắt bao
quát cả bốn bề: phía Nam là những dãy núi dựng thành nhấp nhô dọc ven biển như
bức tranh sơn thủy kéo dài đến tận Quy Hòa, phía Đông nhìn ra biển cả bao la với
cù lao Xanh xa xa về phía Đông Nam, chếch về phía Đông Bắc là bán đảo Phương
Mai như tấm bình phong khổng lồ án ngữ cửa biển Thị Nại, phía Bắc từ sau những
dải cát vàng óng ả hiện lên thành phố Quy Nhơn với những đường phố dọc ngang,
phía Tây là khu đồi Xuân Vân rộng đến 168ha, nguồn dự trữ qúy báu cho phát triển
du lịch Ghềnh Ráng trong tương lai…
Bãi tắm Hoàng Hậu với những viên đá trứng
khổng lồ - Ảnh: nguồn
hiquynhon.com
Từ Hòn Chồng men theo ven biển về hướng Bắc, du khách sẽ gặp
những hang động bí hiểm được hình thành từ những khối đá nằm chồng chất lên
nhau. Xa thêm chút nữa, du khách lại gặp một bãi rộng chừng hơn 100m², nơi bày
la liệt những khối đá xanh được nước biển mài mòn tạo nên những khối hình tròn
có mặt nhẵn như những quả trứng nên được gọi là bãi Đá Trứng. Trước đây Nam
Phương hoàng hậu đã từng chọn nơi này làm điểm nghỉ mát nên về sau đã thành tên
gọi “bãi tắm Hoàng Hậu”…
Một góc Ghềnh Ráng khi đêm về - Ảnh: nguồn
Ảnh: nguồn
tuannguyentravel.com.vn
Ghềnh Ráng khoác lên mình vẻ đẹp dung dị mỗi khi đêm về. Trên
mặt biển, đèn của hàng ngàn chiếc thuyền câu mực lung linh tựa những đám sao sa
làm xao động cả mặt nước… Với vẻ đẹp độc đáo, Ghềnh Ráng được Bộ Văn hóa Thông
tin nay là Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch xếp hạng danh thắng Quốc gia năm
1991.
ĐỒI THI NHÂN - NƠI AN NGHỈ CỦA MỘT NHÀ THƠ
Ngoài vẻ đẹp tự nhiên, Ghềnh Ráng từng làm nặng lòng bao lữ
khách bởi nơi đây in đậm dấu ấn của một nhà thơ tài hoa mệnh bạc, một tên tuổi
lớn trong làng thi ca Việt Nam: Hàn Mạc Tử.
Tượng Hàn Mạc Tử đặt tại nhà lưu niệm trong
trại phong Quy
Hòa - Ảnh: nguồn moitruong24h.vn
Hàn Mạc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22-9-1912
tại làng Lệ Mỹ (Đồng Hới - Quảng Bình). Ông bắt đầu làm thơ từ năm 16 tuổi, lấy
hiệu là Phong Trần, rồi Lệ Thanh. Năm 1936 khi chủ trương ra phụ trương báo
Saigon, Ông mới đổi hiệu là Hàn Mạc Tử với nghĩa chàng trai đứng sau bức
rèm lạnh lẽo, trống trải… Sau đó, bạn bè đã gợi ý thêm vầng trăng khuyết vào bức
rèm lạnh lẽo để lột tả cái cô đơn của con người trước thiên nhiên, vạn vật… “Vầng
trăng khuyết” đã được đặt vào chữ “Mạc” để thành “Mặc” và “Hàn Mặc Tử” có nghĩa chàng
trai của bút nghiên…
Vườn thơ Hàn Mạc Tử trên đồi Thi Nhân
Ảnh: nguồn
Panoramio.com
Hàn Mạc Tử là người khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn hiện đại
Việt Nam và cũng là người khởi xướng ra “Trường thơ Loạn”. Do mắc chứng bệnh hiểm
nghèo, Ông đã phải sống gần hai tháng cuối đời tại trại phong Quy Hòa và qua đời
ngày 11-11-1940 khi mới 28 tuổi, để lại cho đời di sản thơ khá đồ sộ với “…
Một nguồn thơ rào rạt và lạ lùng…” (Nhà phê bình văn học Hoài
Thanh), “… tạo nên sự độc đáo đầy kinh ngạc và kinh dị đối với người đọc…” (Nhà
phê bình văn học Phan Cự Đệ)…
Mộ Hàn Mặc Tử tại trại phong Quy Hòa
Ảnh: nguồn
nld.vcmedia.vn
Theo lời kể của một số bạn bè, Hàn Mạc Tử đã có ước nguyện
khi mất được yên nghỉ trên đèo Son là một địa điểm ở đầu thành phố Quy Nhơn.
Tuy vậy, khi mới qua đời Ông đã được an táng tại khu nghĩa trang của trại phong
Quy Hòa. Đến tháng 2/1959, gia đình cùng các thân hữu mới được phép cải táng và
di dời phần mộ của Ông ra Ghềnh Ráng. Tháng 5/2008, Công ty Cổ phần Du lịch Sài
Gòn - Quy Nhơn đã đầu tư chỉnh trang để nơi đây trở thành khu tưởng niệm một
danh nhân giữa phong cảnh thích hợp với hồn thơ Hàn Mạc Tử.
Đường lên đồi Thi Nhân
Ảnh: nguồn tuannguyentravel.com.vn
Vượt qua đỉnh dốc Đá nay là dốc “Mộng Cầm” (*) đã
được đắp lại phẳng phiu, rẽ theo con đường dốc bậc thang khá đẹp dẫn lên đồi
Thi Nhân là đến nơi yên nghỉ của cố thi sĩ Hàn Mạc Tử, nằm trong khuôn viên nhỏ
giữa rừng cây xanh và gió biển rì rào… Ngôi mộ được làm đơn giản nhưng cũng khá
hiện đại, gắn liền với một đài cao ở phía sau, bên trên đặt tượng Đức Mẹ ban ơn
với đôi tay dang rộng như thể minh họa cho dòng chữ “Đây yên nghỉ trong tay Đức
Mẹ Maria” ghi ở phần bia phía dưới…
Mộ Hàn Mạc Tử trên đồi Thi Nhân
Ảnh: nguồn
clbxuandieu.vnweblogs.com
Từ nay mỗi khi có dịp đến Ghềnh Ráng, các thế hệ yêu thơ sẽ
có điều kiện bày tỏ lòng ái mộ đối với một hồn thơ tài hoa… Du khách đến đây
còn có dịp khám phá những vần thơ “Hàn” được viết bằng lối thư pháp điệu nghệ
trên những khối đá tự nhiên trong Vườn thơ Hàn Mạc Tử, được làm quen với nghệ
sĩ bút lửa Dzũ Kha, người đã “bỏ phố lên đồi” chỉ để chăm sóc mộ và lưu giữ hồn
thơ Hàn Mạc Tử, qua việc sưu tầm tư liệu, ngâm thơ và “thảo” thơ Hàn qua những
nét bút lửa điêu luyện như phượng múa rồng bay…
KHU DU LỊCH HẤP DẪN CỦA THÀNH PHỐ QUY NHƠN
Từ thành phố Quy Nhơn, theo quốc lộ 1D chừng 3km về hướng
Đông Nam, du khách sẽ đến với thắng cảnh Ghềnh Ráng nằm dưới chân
núi Xuân Vân. Tại đây ngoài cảnh đẹp của tự nhiên, còn có lầu “Ông Hoàng” được
xây dựng năm 1927 làm nơi nghỉ mát của Hoàng đế Bảo Đại (Bộ Văn hóa - Thông tin
xếp hạng di tích quốc gia năm 1991); Mộ phần nhà thơ Hàn Mạc Tử trên đồi Thi
Nhân; Ngôi nhà thờ núi nằm đối diện được xây dựng năm 1963 và tái thiết năm
2005, nay là Trung tâm Thánh Thể và Thánh Mẫu của Giáo phận Qui Nhơn, với không
gian thơ mộng và bố cục khá độc đáo làm ngỡ ngàng bao du khách…
Nhà thờ núi Ghềnh Ráng
Ảnh: nguồn Giaophanquynhon.org
Ghềnh Ráng đã từng được biết đến như một điểm du lịch nổi tiếng
của thành phố biển Quy Nhơn ngay từ năm 1977, khi ông Võ Xuân Đài cùng gia đình
đến đây làm rẫy trồng cây. Trước vẻ đẹp của Tạo hóa, ông đã phá đá làm thành điểm
du lịch tư nhân… Năm 1998, ông Đài đã trao trả khu du lịch này cho UBND tỉnh
Bình Định và UBND tỉnh Bình Định đã trao quyền cho Công ty Công viên và chiếu
sáng đô thị Quy Nhơn khai thác khu du lịch này.
Cổng chào khu du lịch Ghềnh Ráng
Ảnh: nguồn
anbinhtravel.com
Trong nỗ lực biến Ghềnh Ráng thành một khu vui chơi giải trí
cho người dân thành phố Quy Nhơn và khách du lịch, UBND tỉnh Bình Định đã có
qui hoạch khu du lịch Ghềnh Ráng thành chuỗi liên hoàn các cụm công trình phục
vụ mục đích nghỉ dưỡng, tắm biển, tham quan, vui chơi giải trí, bao gồm:
- Vùng bằng phẳng ven biển tiếp giáp ngã ba Ghềnh
Ráng, thuận lợi về địa hình gắn với bãi tắm và giao thông chính của thành phố,
sẽ được xây dựng các hạng mục: bãi tắm, câu lạc bộ du thuyền, quầy giải khát,
đường dạo, bãi giữ xe.
- Khu đồi Ghềnh Ráng sẽ xây dựng 3 cụm công trình
chính, gồm Công viên văn hóa với diện tích khoảng 1 ha tại khu vực mộ Hàn Mặc Tử
(sườn phía Tây) và khu bảo tồn sinh vật biển (phía Nam); Cụm các công trình vui
chơi giải trí tại khu vực bãi tắm Hoàng Hậu và khu leo núi kết hợp với tắm biển;
Xây dựng hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn…
Chỉ dẫn các điểm tham quan
Ảnh: nguồn Panoramio.com
Tháng 3/2005, Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn - Quy Nhơn đã
thuê 16 ha đất tại đây (gồm khu di tích danh thắng) để triển khai giai đoạn 1 của
dự án với tổng kinh phí khoảng 60 tỉ đồng, bao gồm các hạng mục: Xây dựng khu
nhà nghỉ liên kế, bungalow với hơn 90 phòng nghỉ, phục chế lầu “Ông Hoàng”, xây
dựng khu trung tâm với phòng họp, nhà hàng, khu giải trí. Đến nay, nhiều cây đã
được trồng tạo khuôn viên và thảm cỏ ở một số khu vực…
Nhà hàng Hoàng Hậu tại Ghềnh Ráng, xa xa là
Tp. Quy Nhơn - Ảnh:
nguồn tuannguyentravel.com.vn
Được biết dự án giai đoạn 2 sẽ gồm các hạng mục như nhà nghỉ,
sân golf, trồng rừng cảnh quan, xây dựng khu cắm trại, khu nuôi thú, các khu
công viên rừng, biển…
Theo đánh giá của khách du lịch trong thời gian gần đây, Ghềnh
Ráng mất điểm do ngoài cảnh quan tự nhiên, các dịch vụ vui chơi, giải trí vẫn
còn khá sơ sài, chưa kể vấn đề vệ sinh môi trường hiện đang bị lơi lỏng và nhiều
du khách thiếu ý thức đã tự nhiên xả rác làm ảnh hưởng xấu đến cả khu du lịch
(!)…
Rất nhiều khách du lịch tập trung đến Ghềnh Ráng
vui chơi,
nghỉ dưỡng - Ảnh: Phương Thảo (nguồn VnExpress.net)
Điểm son đáng ghi nhận là từ ý chí chủ quan của chính quyền tỉnh
Bình Định, du khách tham quan khu du lịch Ghềnh Ráng được miễn phí. Tuy nhiên nếu
chỉ dừng lại ở đó thôi thì chưa đủ, bên cạnh việc đầu tư hoàn chỉnh các hạng mục
dự án, vấn đề cấp bách hiện nay là phải giữ gìn cảnh quan và bảo đảm vệ sinh
môi trường cho khu danh thắng quốc gia…
Mong rằng Ghềnh Ráng vẫn sẽ là điểm đến thân thiện, đáp ứng
niềm kỳ vọng của bạn bè và khách du lịch bốn phương…
Chú thích:
(*): Nữ sĩ Mộng Cầm được biết đến là người tình trong
thơ Hàn Mặc Tử. Bà có tên thật là Huỳnh Thị Nghệ (1917 - 2007), là đối
tượng của mối tình đẹp và lãng mạn của nhà thơ. Tuy đã tỏ tình với Mộng Cầm
nhưng sau khi phát hiện mình bị mắc bệnh phong, Hàn Mặc Tử đã tuyệt
giao với các bằng hữu, kể cả với Mộng Cầm. Chuyện tình không thành nhưng giữa
hai người đã có những kỷ niệm thật đẹp, đã từng là đề tài làm hao tốn không biết
bao nhiêu giấy mực của các nhà văn, nhà báo, nhà soạn nhạc…
25/4/2017
Mai Kim Thành tổng hợp
Theo https://www.aseantraveller.net/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét