Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2020

Ca khúc vượt thời gian 3

Ca khúc vượt thời gian 3
Như cánh vạc bay – Trịnh Công Sơn
Tôi thấy một vấn đề với nhiều ca khúc Trịnh Công Sơn là tâm tư người đàn ông - thường là của chính Trịnh Công Sơn - được thể hiện bằng giọng nữ. Trong một chừng mực tôi đành chấp nhận, nhưng thâm tâm vẫn muốn nghe giọng nam thổ lộ tâm tư của tác giả, có khi cũng là tâm tư của chính mình. Có như vậy ta mới thấy thấm thía với câu như Từ lúc đưa em về, là biết xa nghìn trùng.
Theo nhạc sĩ Trần Long Ẩn thì “Nhân vật của Như cánh vạc bay là một cô gái Huế đã định cư ở nơi xa. Không được ở bên nhau, sống với nhau, anh vẫn luôn mong người ấy hạnh phúc, dù anh âm thầm đau khổ” (P.V., 2014).
Như có Bác trong ngày đại thắng – Phạm Tuyên
Tên gọi chính xác của bài hát được Phạm Tuyên đặt là Như có Bác trong ngày đại thắng. Tuy vậy bài hát vẫn thường được nhiều người quen gọi là Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, bởi vì nhiều người không biết tên gọi nhưng vẫn nhớ câu hát mở đầu của bài.
Wikipedia - Như có Bác trong ngày đại thắng cho biết bối cảnh của bài hát này là như sau.
Đầu tháng 4 năm 1975, Phạm Tuyên được Trần Lâm - Tổng giám đốc của đài tiếng nói Việt Nam giao nhiệm vụ sáng tác một tác phẩm lớn để mừng ngày chiến thắng sắp đến. Ông chuẩn bị và phác thảo một bản hợp xướng, nhưng cuối cùng lại ngừng việc hoàn thành bản hợp xướng trên vì ông cho rằng:”Dựng lên như vậy nhưng vẫn cảm thấy có cái gì đó gờn gợn trong lòng. Hơn nữa, nếu đất nước giải phóng, người dân sẽ đổ ra đường chứ chẳng ai ở nhà mà nghe hợp xướng cả.”
Đêm ngày 28 tháng 4 năm 1975, sau khi nghe bản tin cuối cùng của đài có tin phi công Nguyễn Thành Trung ném bom sân bay Tân Sân Nhất, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tiếng đồng hồ từ 9 giờ 30 phút tối đến 11 giờ Phạm Tuyên đã viết xong bài Như có Bác trong ngày đại thắng.
Sáng ngày 30 tháng 4, nhạc sĩ được ban biên tập đài triệu tập và bài hát Như có Bác trong ngày đại thắng được chọn để phát vào chương trình thời sự đặc biệt lúc 17h chiều khi chính thức công bố tin giải phóng miền nam trước toàn thế giới.
Những tàn tích chiến tranh rồi sẽ xóa nhòa, những đau thương rồi sẽ dịu xuống, nhưng bài hát này vẫn vang vọng một cách đột xuất, không cần ai chỉ đạo và dàn dựng - dĩ nhiên là ngoại trừ cộng đồng những người còn cay đắng với cuộc chiến. Ít khi thấy bài hát được trình diễn trên sân khấu ngoại trừ trong những dịp có mục đích tuyên truyền, nhưng dần dà bài hát vượt quá chủ thuyết để trở thành một bài hát đại chúng trong các sự kiện thể thao nhằm cổ vũ cho đội bạn. Phải công nhận sức hút của bài hát thật là mãnh liệt, chủ yếu bởi vì ca từ dễ nhớ, nhịp điệu sôi nổi, thế nên nếu một nhóm nhỏ hay đám đông muốn hát chung với  nhau một bài hát gì đó thì đa số trường hợp họ sẽ chọn bài hát này. Khi hát lên với nhau bài này, thể nào họ cũng vỗ tay với nhau mà không còn nhớ gì đến ngày 30/4. Đó là lý do chính mà người tuyển chọn xếp hạng bài hát này là vượt thời gian theo ý công tâm đối với bài hát, không xem xét đến yếu tố chính trị.
Những bước chân âm thầm – Kim Tuấn - Y Vân
Theo nhà thơ Kim Tuấn do Trần Hữu Ngư (2017) kể lại.
Vào mùa nắng tháng 5 năm 1956, tôi theo bố tôi lên cao nguyên lập nghiệp. Lúc bấy giờ, Pleiku chỉ là một khu phố nhỏ với vài trăm người Kinh cư ngụ. Khu phố núi nằm giữa rừng thông xanh, những cội thông già xác xơ buồn thảm do những người tù thời Pháp thuộc trồng trên những ngọn đồi đất đỏ, đứng mờ khuất trong những chiều sương mù.
Vào những ngày tháng đó, cả một thời tuổi trẻ, tôi chỉ còn lại những buổi chiều. Đôi khi với một hai người bạn thân, hoặc một mình thơ thẩn dạo trong rừng thông để thấy mình như trôi giữa trời đất. Những lần như thế, không có gì để vội vã, nên chân thường bước chậm, từng bước một, để nghe được tiếng lá thông khô xào xạc dưới chân mình, lẻ loi giữa chiều yên ắng mênh mông.
Giữa khung cảnh và nỗi lòng như thế, tôi viết bài thơ Kỷ niệm với câu mở của bài thơ: Từng bước, từng bước chân… Và nhạc sĩ Y Vân phổ thành Những bước chân âm thầm từ thập niên 1960.
Những bước chân âm thầm mang giai điệu boston rock, theo Y Vân nó rất thích hợp với bài thơ. Nhưng khi tôi đem bản nhạc này đến hãng đĩa Việt Nam để bán lấy tiền trả bữa nhậu với bạn bè ở nhà hàng Thanh Thế, thì bà chủ hãng dĩa đồng ý mua với điều kiện phải đổi sang nhịp boléro cho phù hợp với thị hiếu là vừa vỗ thùng đàn, vừa hát lúc bấy giờ. Và Những bước chân âm thầm từ boston rock phải đổi sang boléro từ đó.
Đã là mùa nắng nóng, vậy tại sao “Những bước chân âm thầm” lại “Hoa vòng rừng tuyết trắng”?
Đúng là bài thơ này, tôi viết ở Pleiku vào mùa nắng, tháng 5, trời lúc đó chỉ vừa chớm những cơn mưa. Nhưng khi thành nhạc đã chuyển mùa đông lạnh giá, tuyết trắng phủ đầy. Có nhiều bạn tinh ý hỏi tôi điều này, nhưng tôi chưa có dịp công khai cùng các bạn. Sự thật thì trong bài thơ tôi viết: “Từng bước từng bước thầm/ Hoa VÔNG rừng tuyết trắng…”. Bởi lúc đó những cây vông trong rừng thông đã nở bung những trái vông trắng xoá, và rơi xuống rừng thông như những hoa tuyết lơ lửng trong gió. Nhưng khi phổ nhạc, chữ “VÔNG” biến thành chữ “VÒNG”, nên hoa đã trở thành tuyết trong mùa đông!.
Hoa vông rừng tức gòn rừng (WorldOfStock.com)
Ghi chú: Vông rừng hoặc gòn rừng, là loại cây to và cao, có trái to và dài, khi chín thì vỏ nứt ra, những sợi bông trắng như tuyết bay ra. Ở các vùng nông thôn có loại cây gòn tương tự, vỏ thân cây thường vẫn giữ màu xanh lục tuy cây rất to, người dân thường thu hoạch trái khô trước khi nứt ra để lấy sợi gòn độn vào trong túi vải làm gối - thay cho sợi lấy từ cây bông, và bây giờ có sợi tổng hợp. Người tổng hợp bài này thời thơ ấu vẫn ngủ trên những chiếc gối độn bông gòn như thế.
Bài thơ: Kỷ niệm - Kim Tuấn (1961)
Từng bước từng bước thầm
hoa vông rừng tuyết trắng
rặng thông già lặng câm
hai đứa nhiều hối tiếc
Sương mù giăng mấy đồi
tay đan đầy kỷ niệm
mưa giữa mùa tháng năm
dật dờ cơn gió thổi
Một tháng không trăng rằm
mây núi ôm trời thấp
giá rét về căm căm
cao nguyên mù đất đỏ
Từng bước từng bước thầm
cúi đầu in dấu mỏi
tuổi trẻ buồn lặng câm
núi nghiêng đầu thủ thỉ
Từng bước từng bước thầm
hoa vông rừng tuyết trắng
tuổi trẻ buồn lặng câm
víu hồn hoang cỏ dại
Từng bước từng bước thầm…
Do lỗi in ấn, câu thứ hai của bài hát trở thành Hoa vòng rừng tuyết trắng, lại có người chỉ nghe bài ca qua đài nên hát là Hoa vọng rừng tuyết trắng.
+ Video âm thanh, Tường Nguyên và Tường Khuê, với âm điệu như thường được trình diễn trong cuối thập niên 1960s và đầu thập niên 1970s:
https://www.youtube.com/watch?v=SHRpgY0DNmc
+ Video trình diễn sống, Mỹ Tâm, bài hát rất thích hợp với phong cách của ca sĩ, nhạc đệm, hát bè và múa minh họa đều tuyệt vời, như là cung cách giao thời giữa bài trên và bài dưới đây:
https://www.youtube.com/watch?v=AP5zyfKuD2g
+ Video trình diễn sống, Khưu Huy Vũ, nhịp điệu, nhạc đệm, hát bè và múa minh họa đều theo cách hiện đại:
https://www.youtube.com/watch?v=6y5E1zuisR0
Video trình diễn sống, Hoàng Mỹ An, nỗ lực đáng khen:
https://www.youtube.com/watch?v=eRlI0J6ISt8
Những đồi hoa sim – Hữu Loan - Dzũng Chinh
Có một câu chuyện dài về ba cuộc đời gắn kết với hoa sim tím và liên quan đến ca khúc Những đồi hoa sim của Dzũng Chinh. Mời xem:
Tóm tắt kết cục của câu chuyện như sau:
Dzũng Chinh
Dưới chân núi Chà Bang, nơi Dzũng Chinh ngã xuống là một vùng đầy hoa sim. Tác giả nhạc phẩm Những đồi hoa sim phổ thơ Màu tím hoa sim cuối cùng nằm xuống trên ngọn đồi bạt ngàn hoa sim tím.
Còn nhà thơ Hữu Loan, khi sống gắn kết với hoa sim tím, sau khi qua đời cũng thế: mộ ông nằm trên đồi sim tím thuộc xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Cộng thêm cô vợ Hữu Loan: từng dạo chơi với nhà thơ trên các đồi sim rồi ngã xuống nước ở vùng mọc đầy sim tím, thế là cuộc đời ba người gắn kết với hoa sim tím – trong những vần thơ và dòng nhạc và cuộc đời đầy bất hạnh.
Ít nhất có hai ca khúc khác phổ nhạc bài thơ Màu tím hoa sim. Trên một bài phát biểu trong tạp chí Kiến thức ngày nay, Hữu Loan cho biết ông thích nhất bản phổ nhạc của Dzũng Chinh.
Bài thơ: Màu tím hoa sim - Hữu Loan (1949)
Khóc vợ Lê Đỗ Thị Ninh
Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê…
Nhưng không chết
người trai khói lửa
Mà chết
người gái nhỏ hậu phương

Tôi về
không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh
Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
không được nghe nhau nói
không được trông nhau một lần
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
một mình đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa…
Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường Đông Bắc
Được tin em gái mất
trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng chân mộ chí
Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu…
Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm
Tím tình ơi lệ ứa
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ dù lâu…
Bài thơ này có nhiều dị bản truyền tụng khác nhau, đây đã được xác nhận là bản gốc.
Video âm thanh, Như Quỳnh:
https://www.youtube.com/watch?v=txhNRbau5eQ
Video trình diễn sống, Phương Dung:
https://www.youtube.com/watch?v=wyWZow8Kj74
+ Video trình diễn sống, Lưu Ánh Loan:
https://www.youtube.com/watch?v=HJYl44aBd3I
Niềm tin chiến thắng – Lê Quang
Ca khúc Niềm tin chiến thắng đã lan tỏa trong lĩnh vực thể thao, như thế càng rộng lớn hơn so với sân khấu âm nhạc, và chẳng bao lâu đã vượt thời gian. Mỹ Tâm vẫn thường được mời trình bày ca khúc này trong các buổi mừng công đội tuyển thể thao lập thành tích.
+ Video âm thanh, Mỹ Tâm, lời Việt và lời Anh:
https://www.youtube.com/watch?v=vyS4uqlEKwY
Niệm khúc cuối – Ngô Thụy Miên
Theo Wikipedia - Ngô Thụy Miên.
Ngô Thụy Miên
Ngô Thụy Miên, tên thật là Ngô Quang Bình (1948- ), sinh tại Hải Phòng. Trong thập niên 1960s, Ngô Thụy Miên theo học vĩ cầm với Giáo sư Đỗ Thế Phiệt và nhạc pháp với Giáo sư Hùng Lân tại Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn.
Năm 1963, ông bắt đầu viết nhạc. Tình khúc đầu tiên mà ông sáng tác là bài Chiều nay không có em, hoàn tất vào tháng 2 năm 1965, được giới sinh viên học sinh lúc bấy giờ hưởng ứng nồng nhiệt. Trong thập niên 1990s, nhạc sĩ tiếp tục sáng tác
Ngô Thụy Miên sáng tác tổng cộng được trên 70 bài hát, với khoảng 20 bài từ trong nước. Theo đánh giá của nhiều người, thì Ngô Thụy Miên chính là “một nhạc sĩ tài hoa đích thực”. Điều thú vị ở chỗ âm nhạc chỉ là nghề tay trái của ông. Trong thời gian 1970-1975, Ngô Thụy Miên làm kiểm soát viên không lưu tại phi trường Tân Sơn Nhất. Qua năm 1980, ông bắt đầu đi làm về ngành điện toán cho Đại học California - Los Angeles tại Thành phố Olympia thuộc Bang Washington.
Nói về việc bén duyên với các bản tình ca, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên cho biết: “Với tôi, chiến tranh chỉ là giai đoạn. Tình yêu mới là vĩnh cửu. Từ khi bắt đầu viết nhạc, tôi đã chọn cho mình một hướng đi, đó là tình ca. Và trước tôi cũng như sau tôi đã có nhiều nhạc sĩ viết về chiến tranh, về quê hương, về thân phận… Tất cả chúng tôi đều đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam, mỗi người một khuynh hướng khác nhau. Tôi chỉ xin được nhớ đến như một người viết Tình Ca không hơn không kém.”
Trí Lực (2018) cho biết:
Niệm khúc cuối được viết năm 1971. Theo nhạc sĩ Ngô Thụy Miên thì có thể bài hát này đã được thu thanh, thu hình nhiều nhất trong các tác phẩm của ông.
Có một thông điệp mà nhạc sĩ Ngô Thụy Miên muốn gửi gắm qua tình khúc trong sáng và lãng mạn này, đó là: “Tình ơi! Dù sao đi nữa, xin vẫn yêu em. Đó là điều duy nhất tôi muốn nói về tình yêu. Hãy cho, hãy chấp nhận và hãy tha thứ để tình yêu vĩnh viễn mãi là niềm tin và hy vọng của chúng ta’’.
Bất kể ai đã từng lắng nghe Niệm khúc cuối, thì đều cảm nhận được một giai điệu thiết tha, êm ái mà lay động lòng người. Lời bài hát khiến cho ta như đang nghe một lời thì thầm đã quen thuộc, như tiếng của lòng mình. Lời ca mộc mạc, chân chất nhưng mang theo sự chân thành của một chàng trai với sự chung thủy và tình yêu mãnh liệt dám bước qua mọi trở ngại để đến với người mà mình yêu.
Những ca khúc nổi tiếng nhất của Ngô Thụy Miên gồm có Áo lụa Hà Đông (thơ Nguyên Sa), Bản tình cuối, Chiều nay không có em, Dấu tình sầu, Em về mùa thu, Mùa thu cho em, Niệm khúc cuối, Paris có gì lạ không em (thơ Nguyên Sa), Riêng một góc trời, Tháng sáu trời mưa (thơ Nguyên Sa).
Trang web của Cục Nghệ thuật Biểu diễn được truy cập ngày 26/3/2019 liệt kê 24 ca khúc của Ngô Thụy Miên được phép phổ biến tại Việt Nam:
+ Video âm thanh, Lê Hiếu, với ca từ:
https://www.youtube.com/watch?v=4e817MplrMQ
+ Video âm thanh, Trọng Tấn:
https://www.youtube.com/watch?v=GlMZG8bEvqg
+ Video trình diễn sống, Khánh Ly - Elvis Phương:
https://www.youtube.com/watch?v=JOFBt65TQUw
+ Video trình diễn sống, Sĩ Phú - Quốc Khanh:
https://www.youtube.com/watch?v=oXr11RSmkAQ
Nối vòng tay lớn – Trịnh Công Sơn
Trong số khoảng 230 ca khúc được biết đến rộng rãi của Trịnh Công Sơn, Nối vòng tay lớn tạo hiệu ứng lan rộng và mạnh mẽ nhất.
Nối vòng tay lớn được sáng tác vào năm 1968 nhưng tới năm 1970 ca khúc mới được hát vang tại trại “Nối vòng tay lớn” dành cho thanh niên, sinh viên, học sinh miền Nam được tổ chức trong ngày 24 và 25/4/1970. Từ đó, ca khúc này vẫn được hát giữa giới trẻ hoạt động xã hội bên ngoài trường học. Ca khúc không được trình bày trên đài phát thanh, không được in ấn để bán như nhiều ca khúc thương mại khác, nên đại đa số quần chúng rất ít được nghe Rừng núi giang tay nối lại biển xa. Cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Khoảng 3 giờ chiều ngày đó, những người mở radio đón nghe tin tức qua Đài phát thanh Sài Gòn đột nhiên có cảm giác khác lạ khi chương trình chợt lặng đi một chút và tiếp ngay đó là tiếng của Trịnh Công Sơn: “Tôi là Trịnh Công Sơn”, rồi anh cất tiếng hát bài Nối vòng tay lớn.
Ca khúc được Richard Fuller dịch ra tiếng Anh với tựa đề The great circle of Việt Nam, với ca từ như sau.
From jungled hills to the distant sea,
We form a giant circle to unite our country.
From far and wide, we now return,
With joy, like a sandstorm, to the far horizons,
Let’s now join hands:
A great circle of Viet Nam
Flags in the wind, happy nights and days,
Of one blood our hearts ablaze,
Reconciled, a new day.
Hamlet, town now joined as one,
Remember the dead as we bask in the sun,
And one by one, we spread our smiles.
From North to South, we all join hands,
From fields long abandoned to mountainous lands,
We’ll ford deep streams, climb over hills.
From hamlets to the cities,
We embrace with glee an eternal circle:
Dead and living, one are we.
Video âm thanh, Khánh Ly:
https://www.youtube.com/watch?v=NRSM80ncRbI
Bản thu âm, Richard Fuller lời hát tiếng Anh The great circle of Việt Nam và tiếng Việt:
https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/the-great-circle-of-viet-nam-richard-fuller.GtfciSy-sj.html
Video trình diễn sống, Dàn hòa tấu kèn HS-SV khoa Kèn - Gõ, Nhạc viện Tp HCM:
https://www.youtube.com/watch?v=tYlNrsA3a7M
Nụ tầm xuân – ca dao - Phạm Duy
Bài ca dao:
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay!
– Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh không hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá cắn câu, biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng, biết thuở nào ra!
Bài ca dao hay là thế, ca khúc chuyển thể hay là thế, nhưng ít khi được trình diễn!.
+ Video âm thanh, Thu Hiền:
https://www.youtube.com/watch?v=i4kW_2qRsvE
Video trình diễn sống, Tiêu Châu Như Quỳnh - Hòa Minzy - Giang Hồng Ngọc, trong chương trình “Cặp đôi hoàn hảo”, ba cô có giọng tốt, nhưng đều nở những nụ cười tươi trong khi hát nội dung đầy tiếc nuối:
https://www.youtube.com/watch?v=AZptuc7go8I
Nửa hồn thương đau – Phạm Đình Chương
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương (19291991) sinh tại Hà Nội, khi soạn nhạc ông lấy tên thật là Phạm Đình Chương, lúc làm ca sĩ lấy nghệ danh là Hoài Bắc. Sau khi cuộc hôn nhân với ca sĩ Khánh Ngọc tan vỡ, Phạm Đình Chương gần như cắt đứt mọi liên hệ xã hội và giảm thiểu mọi hoạt động âm nhạc trong một thời gian khá dài.
Do sự trùng hợp về thời gian nên có dư luận cho rằng vì gia đình tan vỡ nên sau đó Phạm Đình Chương đem tâm trạng đau thương của mình vào bài hát da diết Nửa hồn thương đau.
Thật ra, theo Thụy Vi (2017), lý do chính để cho ra đời Nửa hồn thương đau là do một hãng phim đặt Phạm Đình Chương viết một bài hát để dùng cho cuốn phim Chân trời tím.
Còn cho rằng Phạm Đình Chương phổ thơ Thanh Tâm Tuyền thì không hẳn chính xác. Ông viết nhạc rồi đặt lời cho toàn bài hát, rồi không biết phải viết phần kết thức (coda) ra sao cho hợp với nội dung bài hát. Khi bị thúc bách bởi đoàn làm phim, tác giả thấy bài hát Lệ đá xanh của Cung Tiến phổ thơ Thanh Tâm Tuyền có coda thích hợp với Nửa hồn thương đau. Vì cả Cung Tiến và Thanh Tâm Tuyền đều là bạn rất thân của tác giả nên ông đưa coda đó vào bài hát của mình. Cho nên trong toàn bài hát, chỉ có đoạn coda là từ thơ Thanh Tâm Tuyền qua trung gian của Cung Tiến.
Bài thơ: Lệ đá xanh - Thanh Tâm Tuyền
tôi biết những người khóc lẻ loi
không nguôi một phút
những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình
em biết không
lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi
đôi khi anh muốn tin
ngoài đời chỉ còn trời sao là đáng kể
mà bên những vì sao lấp lánh đôi mắt em
đến ngày cuối
đôi khi anh muốn tin
ngoài đời thơm phức những trái cây của thượng đế
mà bên những trái cây ngọt ngào đôi môi em
nguồn sữa mật khởi đầu
đôi khi anh muốn tin
ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết
mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em
vòng ân ái
đôi khi anh muốn tin
ôi những người khóc lẻ loi một mình
đau đớn lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi.
Video âm thanh, Phan Đinh Tùng, với ca từ:
https://www.youtube.com/watch?v=h8KSNECkKIM
Video âm thanh, Bằng Kiều:
https://www.youtube.com/watch?v=xdNa3SPYgqw
Video trình diễn sống, Thế Sơn:
https://www.youtube.com/watch?v=YjU2d2IJR_c
Ô mê ly – Văn Phụng - Văn Khôi
Văn Phụng
Văn Phụng, tên thật là Nguyễn Văn Phụng (1930-1999), đoạt giải nhất độc tấu dương cầm tại Nhà hát Lớn Hà Nội năm lên 15 tuổi. Ông viết bản nhạc đầu tay Ô mê ly năm 1948, khi ông mới 18 tuổi. Lời ca của Văn Khôi là tiếng hát đồng quê, riêng nét nhạc của Văn Phụng là nhịp điệu fox, giật và nhẹ, rất mới thời bấy giờ nhưng vẫn tạo sự giao thoa giữa đồng quê Việt và giai điệu Tây phương. Vợ ông, ca sĩ Châu Hà, cho biết tiết tấu sôi động của bài Ô mê ly làm cho người nào nghe cũng thích nên được cả các ban nhạc nước ngoài đàn lên mà không biết tác giả là ai.
Từ lúc viết ra Ô mê ly, Văn Phụng bắt đầu trở thành một nhạc sĩ thuộc nhóm đa tài và đa diện nhất của nền tân nhạc Việt Nam.
Văn Phụng để lại cho đời khoảng 60 ca khúc, từ những bài Ô mê ly, Tiếng vọng chiều vàng, Trăng sơn cước với các tiết tấu lạ tai vào thời đó; ca khúc sống động vui tươi như Tiếng hát với cung đàn; bài hát xuân như Xuân họp mặt, Xuân miền Nam; tình ca như Suối tóc; nhạc khúc mang âm điệu cổ điển phương Tây như Mưa trên phím ngà, Tiếng dương cầm, Tôi đi giữa hoàng hôn… tới ca khúc chứa chất tình cảm quê hương như Bức họa đồng quê; Ghé bến Saigon, Mưa, Nhớ bến Đà giang, Trở về Huế; ca khúc đậm tình dân tộc như Trăng sáng vườn chè phổ ý thơ Nguyễn Bính; và trong bối cảnh chiến tranh, có những bài Các anh đi, Bóng người đi, Lời nhi nữ, Chung thủy, Nhắn người lạc lối…
Năm 1994, Trung tâm Thúy Nga thực hiện Paris by Night 27: “Văn Phụng - Tiếng hát với cung đàn” vinh danh ông và các sáng tác của ông.
Video trình diễn sống, Ánh Tuyết:
https://www.youtube.com/watch?v=GDjL4aEulJE
Video trình diễn sống, Như Quỳnh, Thanh Hà, Ngọc Anh, Thế Sơn, Don Hồ, Trần Thái Hòa:
https://www.youtube.com/watch?v=wxDljTM-buU
+ Video trình diễn sống, Đoàn Khánh Linh, trong chương trình “Tuyệt đỉnh song ca nhí”:
https://www.youtube.com/watch?v=wiWEhsrUUh8
+ Video trình diễn sống - Liên khúc Đoàn lữ nhạc - Ô mê ly - Dừng bước giang hồ:
https://www.youtube.com/watch?v=uwsGl8SL1ag
Ông trăng xuống chơi – đồng dao - Phạm Duy
Ca từ của bài hát cho trẻ em này dựa trên đồng dao, được Phạm Duy viết thành nhạc thiếu nhi. Có vẻ như số phận của bài hát này khá hơn một bài hát cho thiếu nhi khác là Thằng Cuội của Lê Thương.
Bản thu âm, Thái Hiền:
https://www.youtube.com/watch?v=iwIQrRQZJHg
Video âm thanh, với ca từ:
https://www.youtube.com/watch?v=hd11SrKs1PE
Video trình diễn sống, Tốp ca thiếu nhi:
https://www.youtube.com/watch?v=RTmqYJ4geg8
Video trình diễn sống, Ca múa Thiếu nhi SiĐô:
https://www.youtube.com/watch?v=0xTeqmEKzJU
+ Video trình diễn sống, Bé Bào Ngư - Vũ đoàn Candy kids, bài hát thiếu nhi được trình bày bởi giọng hát đúng chất thiếu nhi và không có kiểu cách của người lớn, thêm dàn dựng:
https://www.youtube.com/watch?v=HWCCULOXEYI
Qua cơn mê – Trịnh Lâm Ngân
Tác giả Trịnh Lâm Ngân là tên ghép của một nhóm nhạc sĩ được thành lập năm 1962 và hoạt động đến năm 1975 Nhật Ngân. Tên lấy từ nghệ danh ghép của các nhạc sĩ: Trần Trịnh, Lâm Đệ (không tham gia việc sáng tác) và Nhật Ngân, tên thật Trần Nhật Ngân (1942-2012). Qua cơn mê là một trong những ca khúc được biết đến nhiều nhất của nhóm này.
Bài hát Qua cơn mê làm nên tên tuổi của Băng Châu (tên thật là Xuân Mai, gốc ở Cần Thơ). Tôi yêu thích tiếng hát của cố nhân Băng Châu trong ca khúc này ngay cả khi cô hát lại nhiều năm sau khi hát lần đầu. Điều đáng ngạc nhiên là lớp ca sĩ trẻ sau này đều hát rất đạt. Tôi muốn rút ngắn danh sách dưới đây nhưng không biết phải loại bỏ ai. Tất cả các yếu tố giọng hát, nhạc đệm và hình ảnh đều đáng khen, mà tôi không ngần ngại cho điểm cộng, ngoại trừ đối với giọng ca nữ mà tôi nghĩ không thích hợp lắm với ca từ.
+ Video trình diễn sống, Huỳnh Thật:
https://www.youtube.com/watch?v=_wd0yQ5P0pM
* + Video trình diễn sống, Duy Phương, trong Chương trình “Sàn chiến giọng hát”, 2019, giọng hát tôi thích nhất trong nhóm ở đây:
https://www.youtube.com/watch?v=1h6IxWWFLDM
Video trình diễn sống, Diễm Thùy:
https://www.youtube.com/watch?v=YXbMixilzro
Video trình diễn sống, Hồng Phấn:
https://www.youtube.com/watch?v=UUOYYG5u2-M
+ Video trình diễn sống, Phan Ngọc Luân trong chương trình “Người kể chuyện tình”:
https://www.youtube.com/watch?v=v4iW9nTkXw0
MV - Hà Anh Tuấn, cung cách mới lạ:
https://www.youtube.com/watch?v=fxCAy2m0zTY
Quê hương tuổi thơ tôi – Từ Huy
Từ Huy tên khai sinh là Tạ Từ Huy (1948-2006), quê ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thuộc lớp nhạc sĩ đầu tiên trưởng thành sau 1975, ông nhanh chóng được biết đến qua những sáng tác trẻ trung như Chiều thứ bảy, Lời yêu thương, Một thoáng quê hương, Mong đợi ngậm ngùi, Mùa xuân tình yêu, Những lời em hát, Ngày em đến…
Là một trong bảy nhạc sĩ thuộc nhóm Những người bạn, Từ Huy vừa sáng tác vừa tổ chức Câu lạc bộ Nhạc sĩ nhằm giới thiệu các tác phẩm mới của các nhạc sĩ trẻ và giới thiệu các ca sĩ trẻ. Bên cạnh đó, ông cũng cho xuất bản nhiều tuyển tập thơ, ca khúc và album tác giả. Ông từng là họa sĩ báo Phụ nữ TP.HCM và là thư ký tòa soạn tờ Thế giới Âm nhạc.
+ Bản ghi âm, Quang Linh, với ca từ:
https://nhac.vn/bai-hat/que-huong-tuoi-tho-toi-quang-linh-so4YoRj
+ Video trình diễn sống, Ngọc Hạ:
https://www.youtube.com/watch?v=43DiJi3tBlo
Quê nghèo – Phạm Duy
Bài này ban đầu có tựa: Bao giờ anh lấy được đồn Tây. Hồi ký của Phạm Duy thuật lại bối cảnh:
… Sau gần một tuần lễ leo núi, chúng tôi tới được trụ sở của Ủy ban Kháng chiến Tỉnh Quảng Bình. Trụ sở là một cái nhà làm bằng nứa được dựng lên tại một bìa rừng cách thị xã và làng mạc ở dưới đồng bằng cũng không xa lắm. Được nghỉ ngơi vài ngày rồi được dẫn xuống một làng phụ cận, và dù rằng đồn canh của Pháp chỉ cách đây có vài cây số, chúng tôi cũng tổ chức một đêm trình diễn văn nghệ tuy đơn sơ nhưng rất hào hứng. Sau 3 năm chiến tranh và chịu đựng rất nhiều sự khủng bố của lính Pháp, đây là lần đầu tiên mà dân chúng Quảng Bình được gặp những văn nghệ sĩ nổi tiếng do Bộ Tư lệnh Quân khu gửi vào. Sự có mặt của chúng tôi cần thiết hơn là những vở kịch hay những bài hát của chúng tôi.
Làm xong công tác có tính chất ủy lạo rồi, chúng tôi sống với đồng bào vài ngày để lấy chất liệu sáng tác. Chúng tôi được nghe nhiều chuyện rất thương tâm của người dân ở trong vùng này và tôi soạn ngay tại đây một bài hát nhan đề Bao giờ anh lấy được đồn tây:
Chiều qua, tôi đi qua vùng chiếm đóng
Không bóng trâu cầy bên đồng
Vắng tiếng heo gà trên sân
Chiều qua gánh nước cho Vệ quốc quân
Nghe tiếng o nghèo kể rằng:
Quân thù về đây đốt làng.
Tuy đã đi kháng chiến từ 1945, đây là lần đầu tiên [năm 1948] tôi thấy được sự thống khổ của người dân trong vùng bị Pháp chiếm… Do đó, người dân ở đây ai cũng mong chờ Vệ quốc quân về đánh đồn: Bao giờ anh lấy được đồn Tây, hỡi anh? Để cho cô con gái không buồn vì chiến tranh.
Sau này, khi tôi trở về Thanh Hoá và lên Việt Bắc, qua bài hát này, có nhiều người có nhiệm vụ lãnh đạo văn nghệ phê bình tôi là tiêu cực. Họ nói: “Dân chúng phải tự động đứng lên đánh đồn. Đừng chờ Vệ quốc quân”.
Tôi buồn và nghĩ rằng có lẽ những người này chưa bao giờ nhìn thấy cảnh quê nghèo ở miền Trung trong chiến tranh, chưa có dịp nhìn thấy những ruộng khô có những ông già rách vai, cuốc đất bên đàn trẻ gầy và chỉ có người bừa thay trâu cầy… như tôi nhìn thấy vào năm 1948 này. Hay là đã chưa có dịp nghe được tiếng o nghèo, miệng thì thở dài, đôi bàn tay khẳng khiu thì vỗ về trẻ thơ bùi ngùi trong những nửa đêm thanh vắng không một bóng trai… Không một bóng trai, bởi vì bao nhiêu người trai ở trong làng đều đã bị giết chết cả rồi. Lấy đâu ra trai làng để đi đánh đồn Tây? Hỡi những người sẽ trở thành “nhất tướng công thành vạn cốt khô”? Nhờ ở chuyến đi công tác tại đây mà tôi thấy được bộ mặt khác của kháng chiến. Trong vinh quang của chiến đấu có thống khổ của chiến tranh.
Bạn cùng lớp SPCN của tôi, Hoàng Lan Chi, nhận xét:
Chỉ là môt bản nhạc nói về quê nghèo. Nhưng nhạc dịu dàng, ca từ đẫm lệ (còm tả tơi, rách vai, o nghèo, hiu hắt, thoi thóp) đến thơ mộng (không buồn vì gió đông, áo dài đùa trong tiếng cười, xây nhịp cầu bước sang…) làm cho nguời nghe phải bồi hồi, rung cảm đến tận tâm can.
Qua Quê nghèo, chúng ta lại thấy môt lần nữa, ngôn ngữ tiếng nuớc ta (tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi-thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi!) quả là phong phú. Vẫn đủ để diễn cảm. Không cần đến những gì cao siêu bí hiểm. Không cần đến những cỏ bồng, phiêu lãng, non cao, thác đổ… Chỉ là o nghèo bùi ngùi, chỉ là áo dài đùa trong tiếng cười mà đã vẽ lên đây đủ một Quê nghèo.
Qua Quê nghèo, một  tác phẩm viết từ thời tiền chiến, tôi chỉ muốn đuợc xin phép nói với các nhạc sĩ thời nay: ngôn ngữ Việt không thiếu. Xin các vị hãy xem nhiều hơn, đọc nhiều hơn, đi nhiều hơn, sống thực hơn để cống hiến cho đời, những bản nhạc sống mãi hay ít ra cũng sống đuợc muời năm!
Video âm thanh, Thái Thanh:
https://www.youtube.com/watch?v=fG8lKgjs3Bg
Video âm thanh, Hương Lan:
https://www.youtube.com/watch?v=wZWiXLreViA
Nhạc sĩ Phạm Duy từng trả lời một nhà báo rằng đã 30 năm nay [2013] chưa ai hát Quê nghèo hay hơn nam ca sĩ Quang Linh:https://infonet.vietnamnet.vn/hong-ngoc-hat-ve-chuyen-tinh-cua-pham-duy-voi-nguoi-ky-nu-post84630.info
+ Video trình diễn sống, Quang Linh, trong đêm nhạc “Ngày trở về” (2006), với lời giới thiệu của Phạm Duy:
https://www.youtube.com/watch?v=IDVOmt548wI
* Video trình diễn sống, Thụy Vân trong chương trình “POPS Music”:
https://www.youtube.com/watch?v=l4DtLY_tSGs
Rồi mai tôi đưa em –  Trường Sa
Trường Sa
Trường Sa chào đời tại Ninh Bình, gia nhập Hải quân VNCH. Là Hạm phó tuần dương hạm Trường Sa nên để kỷ niệm, ông lấy tên Trường Sa làm bút hiệu.
Ông đến với âm nhạc là do sở thích. Hồi còn trẻ, ông tìm sách để tự học về ký âm pháp. Sau đó, nghiên cứu bộ Traité Dubois gồm có những phần hòa âm thuận, hòa âm nghịch, ký âm đối điểm… Ông cũng gặp gỡ những bạn như Anh Việt Thu chẳng hạn, và họ thường thảo luận về hòa âm này kia.
Nhạc sĩ Từ Công Phụng là người khích lệ Trường Sa viết tình ca, và năm 1967 từ một cuộc tình đành đoạn, Trường Sa viết những nốt nhạc đầu tiên của bài Rồi mai tôi đưa em, nhưng phải 2 năm sau mới hoàn tất. Đó cũng là ca khúc được biết đến nhiều nhất của ông. Xin còn gọi tên nhau là ca khúc tiếp theo, và cũng trong năm 1969, Mùa thu trong mưa là nhạc bản mà do cảm hứng dâng tràn, ông viết chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Ba nhạc bản đó được đưa ra liên tiếp, chẳng khác nào đợt sóng lãng mạn từng lớp ập đến với người nghe.
Ngô Thụy Miên nhận xét: “Lời ca của Trường Sa sâu lắng, man mác buồn, chau chuốt nhưng không kiểu cách, không làm dáng.”
Video âm thanh, Trần Thái Hòa, với ca từ:
https://www.youtube.com/watch?v=LFJGsq2ElT8
Video trình diễn sống, Nguyên Khang, với Trúc Hồ (piano), trong chương trình “Nhạc thính phòng SBTN”:
https://www.sbtn.tv/ro%CC%82i-mai-to%CC%82i-du%CC%9Ba-em-sang-tac-truong-sa-nhac-thinh-phong/
+ Video trình diễn sống, Bằng Kiều, Thiên Tôn, Đình Bảo:
https://www.youtube.com/watch?v=STuAk91rj7g
Mùa thu trong mưa – Trường Sa
Đây là ca khúc thứ hai của Trường Sa, sau Rồi mai tôi đưa em. Cả hai ca khúc đều rất được yêu thích.
Đây là ca khúc thứ hai của Trường Sa, sau Rồi mai tôi đưa em. Cả hai ca khúc đều rất được yêu thích.
Video âm thanh, Trọng Tấn:
https://www.youtube.com/watch?v=IbW8gnLbr4Q
Video âm thanh, Bằng Kiều:
https://www.youtube.com/watch?v=vJIbHnm0t3g
Riêng một góc trời - Ngô Thụy Miên
Ca khúc Riêng một góc trời được Ngô Thụy Miên sáng tác năm 1997.
Đinh Quý Anh (2015) chia sẻ:
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên luôn có một góc riêng trong cuộc đời, dành riêng cho mình. Ông sống và sáng tác mà không để tâm đến hoạt động showbiz. Đó cũng là nhận định chung của nhiều giọng ca gạo cội, nổi danh cùng dòng nhạc Ngô Thụy Miên. Thể loại âm nhạc của Ngô Thụy Miên không lẫn vào bất cứ ai. Ngô Thụy Miên cũng là nhạc sĩ luôn đi đúng con đường âm nhạc mình chọn trong suốt mấy chục năm qua.
Đó có lẽ cũng là tóm tắt cốt lõi cho ca khúc Riêng một góc trời.
Nguyễn Ngọc Quang (2018) cho biết:
Ngô Thụy Miên nói “Tôi không viết nhạc để sống, nhưng sống để viết nhạc”, cho thấy ông là người sống vì nghệ thuật hơn là nô lệ cho đồng tiền bằng tác phẩm của mình, do ông còn có một nghề khác là chuyên viên của ngành điện toán. Vì thế cho đến nay Ngô Thụy Miên chỉ đến với âm nhạc bằng những cảm xúc riêng tư, không hề có mục đích thương mại, như ông đã tuyên bố, do đó những tình khúc của ông đã thoát ra sự gò bó khi dùng âm nhạc và lời ca làm sinh kế như nhiều nhạc sĩ cùng thời. Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên muốn viết cho chính ông, bằng những cảm xúc thật của mình, “tôi không viết cho mọi người”.
Ngô Thụy Miên cũng cho biết, sáng tác của ông không hề nhắm vào một giọng ca nào theo kiểu “đo ni đóng giày” như một số nhạc sĩ đã thể hiện, như một Mạnh Phát viết cho Thanh Tuyền, Phương Dung, một Phạm Đình Chương viết cho Thái Thanh, một Tâm Anh viết cho Phương Hồng Quế v.v… vì vậy Ngô Thụy Miên cũng từng nói: Như bài Riêng một góc trời, tôi đâu có nghĩ là Tuấn Ngọc hát như vậy đâu, thế mà ông ấy hát ra nó lại thành công như vậy thôi! Tuấn Ngọc hát bài đó tới lắm.
Tôi có thể cho điểm + đối với một vài bản trình bày dưới đây. Tuy nhiên Ngô Thụy Miên cho biết “Tuấn Ngọc hát bài đó tới lắm”, nên tôi sẽ không cho điểm cộng hoặc điểm trừ cho ai cả. Tùy bạn đánh giá.
Video âm thanh, Phan Đinh Tùng với ca từ:
https://www.youtube.com/watch?v=xBF_HL1WEDc
Video âm thanh, Trọng Tấn:
https://www.youtube.com/watch?v=O94DvUUNhWQ
Video trình diễn sống, Lê Hoàng Hiệp:
https://www.youtube.com/watch?v=-KgaSvDIkT4
* Video trình diễn sống, Hồ Hoàng Yến - Lê Anh Quân, trong chương trình Asia 69, hình ảnh mờ nhưng hai tiếng hát ngọt ngào:
https://www.youtube.com/watch?v=3mjN2COPbew
Rước tình về quê hương - Hoàng Thi Thơ
Hoàng Thi Thơ nổi tiếng bởi những ca khúc thuộc thể loại tình tự quê hương. Sau ca khúc Duyên quê được giới thiệu ở trên, Rước tình về quê hương là một ca khúc tiêu biểu khác thuộc thể loại này.
Video trình diễn sống, Khánh Băng và Hồ Quang Lộc:
https://www.youtube.com/watch?v=aQ9uRwWF4Uk
Video trình diễn sống, Phi Nhung, Mạnh Quỳnh, Đức Huy…:
https://www.youtube.com/watch?v=DKXOtuc9mbQ
Sáng rừng – Phạm Đình Chương
Theo Nguyễn Đình Toàn (2000).
Nghe nhạc Việt Nam, nói chung, hẳn có lúc chúng ta phải giật mình vì hình như nhạc của chúng ta quá buồn. Một nhà phê bình âm nhạc có nhận xét rằng: “Âm nhạc ở đâu dễ nghe, đời sống ở đó dễ sống.” Không biết có phải vì đời sống của chúng ta khó sống, nên đã tạo ra một nền âm nhạc như thế?
Không phải chúng ta không có nhạc vui. Nhưng cái vui, cái trong sáng của nhạc Hoàng Quý mới chỉ là cái vui, cái hớn hở của một buổi họp đoàn hướng đạo. Dương Thiệu Tước, Nguyễn Xuân Khoát, Hùng Lân cũng có những bài hát vui. Nhưng đằng sau cái vui của nhạc Dưong Thiệu Tước, Hùng Lân hay Nguyễn Xuân Khoát vẫn lẩn khuất một chút buồn.
Phải chờ đến Phạm Đình Chương, chúng ta mới được nghe, được hát những ca khúc thật sự vui tươi, thật sự khỏe mạnh. Nhạc Phạm Đình Chương bát ngát sức trai, nồng nàn hương sắc của núi rừng đồng nội. Căn cứ vào những ca khúc đầu tiên của ông Leo rừng, Được mùa, Tiếng dân chài hay Ra đi khi trời vừa sáng, người ta cảm nhận một sức sống rạt rào, nao nức. Cái nao nức của một cuộc lên đường, một bước vào đời có gian lao vất vả nhưng cũng phơi phới tin yêu. Có một vẻ gì đó giống như một thách thức hào hứng.
Nhạc như thế, lòng người như thế, tuổi xuân như thế, phải được hát lên không phải chỉ bằng một người, một giọng mà phải bằng nhiều người, nhiều giọng. Có lẽ điều này cũng giải thích vì sao Phạm Đình Chương đã xuất hiện cùng một lúc với ban hợp ca Thăng Long. Rừng núi, sông biển, ruộng đồng đều được nhắc tới trong nhạc Phạm Đình Chương. Nói như vậy cũng không chính xác. Phải nói rằng, những cảnh sắc ấy, những thực thể ấy, chính là một phần nhạc của ông, một phần tâm hồn ông.
Có bao nhiêu người đã viết về rừng núi, nhưng ca khúc Sáng rừng của Phạm Đình Chương vẫn cứ bừng bừng một nét riêng biệt. Cái âm u không bí hiểm, cái hoang dã không đe dọa. Mà ở đó là thơ. Ở đó là cuộc lễ linh thiêng của con người tiếp nhận tặng phẩm của Thượng Đế. Đó là sự chan hòa giữa thiên nhiên và con người. Tiếng chim hót như thế người ta chỉ có thể nghe thấy trong một sáng rừng. Và rừng là ân sủng của Thượng Đế ban cho. Rừng là của ta. Có lẽ không còn hình thức tiếp nhận nào hơn là hình thức tiếp nhận bằng âm nhạc trong một cuộc lễ như thế.
+ Video âm thanh, Ban Hợp ca Thăng Long:
https://www.youtube.com/watch?v=_OQqhCpfNPk
+ Video âm thanh, Phạm Thành thực hiện:
https://www.youtube.com/watch?v=sCcGI6z8qqM
+ Video trình diễn sống, Lạc Việt:
https://www.youtube.com/watch?v=eM3eOhAJrZU
Sắc màu – Trần Tiến
Theo Minh Minh (2018).
Ca sĩ Trần Thu Hà cho biết, nhạc sĩ Trần Tiến viết ca khúc Sắc màu  vào khoảng năm 2000. Khi đó, cô cũng đã đi hát một thời gian, hát nhạc của Trần Tiến cũng nhiều, nhưng chưa có bài riêng. “Chú cứ viết gì là tôi hát thôi, chẳng nghĩ đến chuyện “giành” riêng cho mình một bài nào. Chắc chú cũng có chút áy náy nên bảo: “Để bố viết cho con một bài”.
Những giai điệu của Sắc màu thực ra chú dành cho một bài khác, nhưng duyên bài hát chưa tới, chỉ giữ lại nốt nhạc, còn lời ca thì đã bị chú vứt vào… sọt ngẫu hứng, tức là sọt rác. Chỉ đến khi chú trải qua ca phẫu thuật ruột thừa chú mới viết Sắc màu trọn vẹn và tặng tôi, đề hẳn hoi là “Tặng cháu yêu Trần Thu Hà”. Từ đó, tôi mới chính thức có một ca khúc của riêng mình”, nữ ca sĩ chia sẻ.
Tuy nhiên, Trần Thu Hà cho biết, cô nhận ca khúc chú mình tặng trong một tâm trạng không biết phải diễn tả như thế nào cho chính xác. Lúc đó, nhạc sĩ Trần Tiến bị đau ruột thừa nhưng chậm mổ vì chủ quan và còn liều trốn ra khỏi bệnh viện, thế nên bệnh tình rất nặng. Lúc nằm mê sảng trên giường bệnh, ông mơ thấy một đường hầm ngập tràn ánh sáng, nhìn thấy hình hài của mình thật lẻ loi, và những ca từ ngập sắc màu buồn bã của ông được khởi nguồn từ đó. “Thực ra, lúc đó tôi mới tuổi đôi mươi, mà chú tặng cho tôi cả… cái chết lâm sàng của chú! Tôi nhận cũng dở, từ chối cũng dở, không biết làm gì với tác phẩm đó. Bởi trọng lượng của nó quá nặng với tôi. Tôi mới hơn 20 tuổi một chút thôi! Nhưng tôi đã phải cố gắng tìm cách để hát, tìm phương án hợp lý để ca khúc được vang lên đúng nghĩa nhất, đúng với tinh thần của một người vừa chết lâm sàng trở lại cuộc đời này”, Hà Trần nói.
Nữ ca sĩ cũng cho rằng cô bị… già bởi âm nhạc của Trần Tiến! “Âm nhạc của chú quá ám ảnh. May mà… nó không vận vào người tôi. Nhưng nó làm cho tôi già trước tuổi!” Hà Trần nói, thật quá khó khăn để một gái lứa tuổi đôi mươi như cô hát một ca khúc chở sức nặng trăn trở của một người đàn ông từng trải như chú mình. “Tôi tự lý giải, đó là sự chuyển giao năng lượng. Tôi cảm thấy chú đã sống hộ tôi một quãng đời và những gì ông chắt lọc được đã truyền lại cho tôi, để tôi nạp năng lượng đó vào mình thông qua tác phẩm. Tôi gọi đó là… “mã gen không ngủ yên”, được di truyền từ người cùng huyết thống”, cô bộc bạch.
Trong suốt gần 20 năm qua, khó có thể liệt kê được Hà Trần đã hát bao nhiêu lần ca khúc Sắc màu trên sân khấu. Cô cũng thể hiện Sắc màu với rất nhiều bản phối, nhiều phong cách khác nhau và giành không ít giải thưởng âm nhạc với ca khúc này. Nhưng khác với trước kia, Trần Thu Hà thường hát Sắc màu với gam màu trắng đen buồn bã thì gần đây, cô thể hiện bài hát sự tươi mới, tràn đầy năng lượng. Cũng là tâm trạng của người vừa đi ra từ cái chết nhưng khi còn trẻ với khi đã hiểu lẽ sinh tử, người ta lại có cách thể hiện bài hát khác nhau.
Đặc biệt, trong đêm nhạc Hà Trần hát Trần Tiến cách đây một thời gian, Trần Thu Hà hát Sắc màu khác lạ đến nỗi nhạc sĩ Trần Tiến phải bước lên sân khấu thốt lên những lời khen ngợi cô cháu gái mình và nhạc sĩ phối khí Hồng Kiên: “Tôi hết sức bất ngờ. Không ngờ bài hát của mình được phủ lên sự sang trọng đến thế. Đây là âm nhạc của thưởng thức đích thực!”
+ Bản thu âm, Trần Thu Hà, với ca từ:
https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/sac-mau-thu-ha.-Vrb71aRJ-.html
+ Video trình diễn sống, Vũ Thảo My, Bảo Trâm, trong chương trình “Những bài hát còn xanh”:
https://www.youtube.com/watch?v=XcvkBsHhQl0
Video trình diễn sống, Thanh Hà, Live Laugh Love. Livestream 3 V Studio Dallas:
https://www.youtube.com/watch?v=0RJ4vRaPbiE
Video trình diễn sống, Team ST, remix:
https://www.youtube.com/watch?v=wdSPiaGKRSI
Suối tóc – Văn Phụng - Thy Vân
Theo Quỳnh Dao (2016).
Khi kết duyên cùng ca sĩ Châu Hà, nhạc sĩ Văn Phụng viết bài Suối tóc, với lời của Thy Vân. Ca khúc có nét tân kỳ quý phái với điệu Boston dìu dặt như nhịp bước của đôi tình nhân. Không biết tác giả có lời yêu cầu với ông Thy Vân không, mà lời ca thì rõ là để tả mái tóc thời ấy của cô Châu Hà. Buông dài đến tận lưng, mầu nâu nhạt óng ả. Cho đến nay, ca khúc này vẫn còn được hát, đơn ca hay song ca, tam ca đều hay. Và dĩ nhiên người hát bài này tình tứ nhất là Châu Hà. Chứ còn ai nữa!..
Video âm thanh, Thùy Dương:
https://www.youtube.com/watch?v=yBQLYBHQE2M
Video trình diễn sống, Châu Hà, Văn Phụng (piano):
https://www.youtube.com/watch?v=24Xbw-nj0KY
+ Video trình diễn sống, Phi Khanh trong chương trình “Celebrity Dancing”:
https://www.youtube.com/watch?v=W03jRT_6TSw
Video trình diễn sống, Vũ Khanh:
https://www.youtube.com/watch?v=VTPfNI7PW1Q
Tàu đêm năm cũ – Trúc Phương
Một bản bolero vốn bị cho là thuộc dòng nhạc ủy mị được ca sĩ thuộc thế hệ sau này làm mới một cách đáng khen.
Video trình diễn sống, Diễm Thùy:
https://www.youtube.com/watch?v=T0BViwRMk7Q
Video trình diễn sống, Ý Linh:
https://www.youtube.com/watch?v=sgTJpyR5NrU
Thà làm hạt mưa bay - Lý Thiện Ngộ - Trần Thanh Tùng
Tôi có chủ yếu chỉ giới thiệu giọng nam để ta có thể đồng cảm với tâm tư Thà như bướm bay phiêu du trong giòng đời/ Còn hơn anh phải nói yêu em!
Video âm thanh, Khắc Trí:
https://www.youtube.com/watch?v=5G2Mrveeto8
Thành phố buồn – Lam Phương
Theo Wikipedia - Thành phố buồn.
Thành phố buồn là một ca khúc gắn liền với tên tuổi nhạc sĩ Lam Phương. Nội dung trong bài hát miêu tả mối tình giữa đôi nam nữ trong bối cảnh thành phố Đà Lạt với rừng thông bao phủ sương khói tạo nên cảm giác buồn.
Vào năm 1970, nhạc sĩ Lam Phương cùng ban văn nghệ Hoa Tình thương của quân đội lên Đà Lạt biểu diễn. Khi Lam Phương đang ở nơi nghỉ ngơi, ông nhìn xuống dưới đồi núi sương khói che phủ bao quanh rừng thông nên có cảm xúc viết Thành phố buồn. Sau khi về Sài Gòn, Lam Phương đem xuất bản bài hát và lập tức bán rất chạy, thu bản quyền gần 12 triệu đồng tiền Việt Nam Cộng hòa. Ca khúc được xem là một kỷ lục xuất bản nhạc lúc đó.
+ Video âm thanh, Lệ Quyên:
https://www.youtube.com/watch?v=tkHxjNKONj4
* + Video trình diễn sống, Lan Anh, trong Album “Chuyện tình Bolero”:
https://www.youtube.com/watch?v=qJl2Iz8-i44
+ Video trình diễn sống, Phương Anh hát và đệm guitar:
https://www.youtube.com/watch?v=OHEN0FAhJJU
Video trình diễn sống, Diễm Thùy:
https://www.youtube.com/watch?v=QE-Jmr0dcc4
Video trình diễn sống, Jang Mi:
https://www.youtube.com/watch?v=f4w6XZCzmus
Thành phố mưa bay – Bằng Giang
Bằng Giang tên thật là Trần Văn Khôi (1939– ), người Biên Hòa, là tác giả một số ca khúc được nhiều người biết đến trước năm 1975. Thành phố mưa bay là ca khúc nổi tiếng nhất của ông.
+ Video âm thanh, Trọng Tấn:
https://www.youtube.com/watch?v=a_JdfKcHi0s
Thằng Cuội – Lê Thương
Ca khúc này từng vang vọng mỗi dịp Trung thu trước đây, sau này càng được biết đến nhiều hơn khi có cuốn phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ.
Theo Phan Kỷ Sửu.
Lê Thương
Nhạc sĩ Lê Thương cùng Nguyễn Xuân Khoát được khẳng định là những nhạc sĩ đầu tiên mở đầu cho dòng nhạc thiếu nhi. Ông chính là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của âm nhạc tiền chiến Việt Nam. Năm 1970, Lê Thương cùng nhạc sĩ Lê Cao Phan, Hùng Lân, Trần Hữu Đức thực hiện chương trình “Phát thanh học đường” trên Đài Phát thanh Sài Gòn. Ông đã sáng tác trên 100 ca khúc thiếu nhi.
Thằng Cuội được Lê Thương viết khoảng thời gian 1946-1954 với những ca từ chân chất, dân dã, dễ nhớ và dễ hát như một khúc đồng dao.
Video âm thanh, Ban Tuổi Xanh:
https://www.youtube.com/watch?v=VO_8M-ARVao
+ Video âm thanh, Ngọc Hiển, với ca từ,  nhạc phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh:
https://www.youtube.com/watch?v=UlhavmkX1CU
+  Video trình diễn sống, Sam & Khuong Nguyen, acoustic cover:
https://www.youtube.com/watch?v=FwOX1Y-wnhc
Thiên thai  – Văn Cao
Tôi không ngần ngại mà đồng ý với một đánh giá cho rằng đây là ca khúc hay nhất của Văn Cao.
Theo Wikipedia - Văn Cao.
Văn Cao (1923-1995) là một nhạc sĩ, họa sĩ, và nhà thơ. Ông được giới chuyên môn và công chúng yêu nhạc đánh giá một cách rộng rãi là một trong ba nhạc sĩ nổi bật nhất của nền âm nhạc hiện đại Việt Nam trong thế kỷ 20, cùng với Phạm Duy và Trịnh Công Sơn.
Văn Cao
Tài năng nghệ thuật đa dạng của Văn Cao bộc lộ ngay từ những năm còn chưa thành niên. Không được đào tạo một cách thực sự chính quy cả về âm nhạc và hội họa, những thành tựu của Văn Cao trong hai lĩnh vực này bắt nguồn chủ yếu từ thiên năng nghệ thuật sẵn có của ông (nói theo lời của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Kha thì “Văn Cao là trời cho”). Ông được nhiều người xem là một hiện tượng hiếm có trong lịch sử phát triển của văn hóa Việt Nam - ở nơi “dòng chảy” của sáng tạo cá nhân một con người có sự “hợp lưu” xuyên suốt của ba nhánh nhạc-họa-thơ trong gần như toàn bộ những sáng tác đa dạng của ông.
Sau sự kiện Nhân văn - Giai phẩm, Văn Cao phải đi học tập chính trị. Trừ Tiến quân ca, tất cả những ca khúc của ông - giống như những nhạc phẩm tiền chiến khác - không được phép lưu hành ở miền Bắc nhưng vẫn được tự do trình bày ở miền Nam cho dù tác giả sống ở miền Bắc. Đến cuối thập niên 1980s, những nhạc phẩm này mới được biểu diễn trở lại ở Việt Nam.
Tổng kết về sự nghiệp văn nghệ của Văn Cao, nhiều người thường nhắc đến ông như một nghệ sĩ đa tài, thích “lãng du” qua những địa hạt nghệ thuật khác nhau. Dù không gắn bó liên tục quá lâu với một địa hạt nào trong số đó nhưng đối với những “miền” nào ông đã bước qua thì Văn Cao cũng đều lưu dấu không ít sáng tạo mang tính khai phá dành cho những người đến sau ông. Như Phạm Duy nhiều lần xác nhận, sự nghiệp sáng tác của ông chịu một ảnh hưởng lớn từ những khai mở (về chuyên môn) và khích lệ (về tinh thần) từ Văn Cao, với tư cách là một người bạn văn nghệ tri kỷ của Phạm Duy.
Thiên thai được xem là tuyệt phẩm đích thực do Văn Cao soạn nhạc và viết lời, riêng phần lời có ghi thêm tên Hoàng Thoại.
Trần Chí Phúc (2015b) nhận xét:
Ca khúc hay nhất của Văn Cao là Thiên thai được xếp hạng vào những ca khúc đặc biệt nhất của làng tân nhạc Việt Nam. Tác phẩm này vượt lên trên công thức khuôn sáo của ca khúc bình thường.
Bản này được sáng tác vào năm 1941, lúc ông lên 18 tuổi, đầu óc tràn đầy mộng mơ. Với chiều dài hơn một ca khúc bình thường, có 94 khuôn nhạc, được coi là truyện ca, có thể dựng thành nhạc cảnh Lưu Nguyễn Lạc Thiên Thai.
Theo truyện cổ tích thì Lưu Thần và Nguyễn Triệu vào rừng núi hái thuốc, gặp hai cô gái đẹp - hai nàng tiên, ở lại với họ trong vòng mấy tháng. Nhớ nhà cả hai chàng từ biệt tiên nữ về quê. Về đến nơi mới biết chốn trần thế đã trải qua cả trăm năm, không ai nhận ra họ, anh em bà con đã qua đời. Cả hai trở lại tìm tiên cảnh thì đã lạc dấu.
Đề tài cõi thiên thai này được nhiều thi văn nhạc sĩ sáng tác, nói lên ước mơ đẹp tình yêu và cuộc sống.
Với những khúc nhạc chuyển đổi tài tình theo câu chuyện kể, lời ca đẹp như thơ, ẩn chứa nhiều hình ảnh màu sắc, ca khúc Thiên thai được coi là một bản trường ca, nhạc cảnh thay đổi phong phú.
Nhiều ca sĩ đã cố gắng thể hiện bài hát này nhưng ít người thành công. Nó đòi hỏi làn hơi sung mãn, kỹ thuật điêu luyện mà truyền cảm, thêm dàn nhạc đệm bề thế thì mới diễn tả được hết cái hay của nhạc phẩm Thiên thai.
Trong cuộc sống đầy phiền muộn, có lúc thả hồn về một cõi ước mơ núi non phong cảnh đẹp với tình yêu thơ mộng, đó là cõi tiên, cõi thiên thai. Và nhạc phẩm Thiên thai của Văn Cao cho người nghe những giây phút thần tiên, được coi là một ca khúc kinh điển của dòng tân nhạc Việt Nam.
Theo Hoài Ân (2019).
Văn Cao viết ca khúc Thiên thai này từ ám ảnh sông Hương xứ Huế mà ông có dịp tới thăm mùa thu năm 1940 và ấn tượng khi đi thuyền trên sông Phi Liệt (Thủy Nguyên, Hải Phòng) và nghe ca trù năm 1941. Năm 1944, Văn Cao đã viết lời tựa cho bài Thiên thai để chính thức xuất bản:
… Ảnh hưởng sông nước khúc Thiên Thai cổ trong khung cảnh huyền diệu của Đường Thi với hai truyện Thiên Thai và Đào Nguyên. Người Sông Ngự đã lạc cảm xúc rồi…
“Người sông Ngự” là biệt danh mà Văn Cao tự chọn cho mình - ngay khi gặp Huế Hương ông đã cảm thấy mình là một phần của địa phương cổ kính và mơ mộng này. Nhưng mãi tới năm 1944 Thiên thai mới được nhà xuất bản Tinh Hoa ở Huế phát hành. Tác giả Trác Như viết:
Tuy sông Hương là nguồn sữa nuôi nấng giấc mộng bồng lai, nhạc sĩ đã chọn điển tích Trung Hoa làm bối cảnh cho bài hát, và sau cùng thì thanh âm phong phú và lả lơi của các ả đào đất Cảng đã giúp cảm xúc ông chín mùi để hoàn tất tác phẩm cổ điển này.
Wikipedia - Thiên Thai (bài hát) trích một số nhận xét khác như sau:
Một bài hát, theo tôi thật là tuyệt diệu! Nó vừa có tính chất trường ca, vừa có tính chất nhạc cảnh. Nếu hình thức ca khúc trong tân nhạc Việt Nam cho tới năm 1944 này vẫn còn nằm trong khuôn khổ một đoản khúc được ước định trong một số khuôn nhạc nào đó, với một lối chuyển cung, chuyển điệu công thức nào đó… thì Thiên thai của Văn Cao đã vươn lên một thức rất lớn, chia ra nhiều đoạn, nhiều cảnh, gồm tới con số chín mươi bốn khuôn nhạc, chan chứa những giai điệu thần tiên và những lời ca thần diệu…
- Phạm Duy (Hồi ký)
Thiên thai là một bài hát hiếm hoi của Việt Nam sử dụng đến ba loại ngũ cung trong cùng một bài hát: ngũ cung Việt Nam, ngũ cung Trung Hoa và ngũ cung dân tộc Tây Nguyên.
- Vĩnh Lạc
Biến đổi tiết tấu và thang âm của ca khúc, hiện tại, nghe lại vẫn thấy mới. Cái thế giới thần thoại của cổ tích không phải chỉ được Văn Cao minh họa bằng những màu sắc tuyệt vời mà hình như ông còn tạo dựng bằng pha lê nữa. Mọi góc cạnh đều rắn, chắc. Màu sắc của nó còn có thể biến đổi tùy thuộc chủ quan của người thưởng ngoạn nữa.
- Nguyễn Đình Toàn
Đối với tuyệt phẩm Thiên thai này, tôi không giới thiệu video vì không muốn bạn bị phân tâm bởi hình ảnh khiến cho việc thưởng thức tiếng hát và tiếng đàn về cõi tiên thiếu trọn vẹn. Đừng bận tâm với hình ảnh, hãy trải lòng thưởng thức từng tiếng hát và từng cung bậc (nếu được thì mở âm thanh cho vang cả căn phòng của bạn), theo thứ tự thời gian được thu âm với ba tiếng hát hàng đầu của nền âm nhạc Việt.
Thì thầm mùa xuân – Ngọc Châu
Ngọc Châu (1967- ) người Hà Nội, tốt nghiệp Khoa Sáng tác ở Nhạc viện Hà Nội khóa 1983-1993. Ông sáng tác chưa nhiều, và Thì thầm mùa xuân là ca khúc được biết đến nhiều nhất của ông. Đây là một trong những ca khúc luôn được trình diễn ở Việt Nam mỗi dịp xuân về.
Theo Huy Hùng (2014).
Thì thầm mùa xuân là ca khúc ca sĩ Ngọc Châu viết riêng để tặng cho mối tình đầu của mình. Anh chia sẻ những cảm xúc thăng hoa khi sáng tác ca khúc này: “Tôi sáng tác như trong cơn mê sảng. Cô ấy có nghe và cũng nhận ra một vài cung bậc tình cảm mà tôi trao dâng. Bài hát này tôi viết vào thời gian cô ấy đi xa… và xa cả tôi. Sau khi học phổ thông, cô ấy ra nước ngoài học tiếp. Chúng tôi vẫn thỉnh thoảng thư từ cho nhau. Tình yêu của tôi không thay đổi nhưng tôi linh cảm rằng, nếu không có tôi thì cô ấy hạnh phúc hơn… Chúng tôi chia tay nhau.
Sau này, cô ấy lấy chồng và ở lại bên đó. Tình yêu chỉ có duy nhất. Nếu tôi có nhiều mối tình thì hẳn tôi không thể sáng tác âm nhạc, vì đơn giản đó không phải là tình yêu đích thực. Trong ca khúc của tôi, tình yêu như mang đầy niềm vui, sự sống… nhưng ngoài đời, tôi không được may mắn sống thực với một tình yêu như thế”.
Bản thu âm, Mỹ Linh, với ca từ:
https://nhac.vn/bai-hat/thi-tham-mua-xuan-my-linh-solz78j
Video trình diễn sống, Liên khúc Thì thầm mùa xuân & Chiều xuân, 10 ca sĩ trình diễn áo dài:
https://www.youtube.com/watch?v=mp2-cFAyO3g
+ Video trình diễn sống, Minh Thư, Ái Phương:
https://www.youtube.com/watch?v=0gFVpm4ksNA
Thoi tơ – Đức Quỳnh - Nguyễn Bính
Trước 1975 tên tuổi nhạc sĩ Đức Quỳnh ít được công chúng biết đến. Ông sáng tác ít, chỉ khoảng trên dưới 10 tác phẩm. Riêng bài hát Thoi tơ được nhiều người thích hát nhưng tên tác giả bài hát thì lại không biết (tôi cũng thế!). Điều đó chứng tỏ tiết tấu của bài hát có sức lan tỏa khá rộng.
Đức Quỳnh phổ nhạc bài thơ thành ca khúc cùng tên năm 1950, ca sĩ Mộc Lan thu âm lần đầu năm 1952. Tính thứ tự thì đây là bài thơ thứ ba của Nguyễn Bính được phổ nhạc - sau Cô hái mơ (Phạm Duy, 1942) và Cô lái đò (Nguyễn Đình Phúc, 1944).
Bài thơ: Thoi tơ - Nguyễn Bính
Em lo gì giời gió
Em sợ gì giời mưa
Em buồn gì mùa hạ
Em tiếc gì mùa thu
Em cứ yêu đời đi
Yêu đời như thuở nhỏ
Rồi để anh làm thơ
Và để em dệt lụa
Lụa dệt xong may áo
Áo anh và áo em
May áo nếu lụa thiếu
Se tơ em dệt thêm
Bài thơ làm xong anh đọc
Bên anh em lắng nghe
Và để lòng thổn thức
Theo vần âu yếm kia
Mộng đẹp theo ngày tháng
Đi êm đềm như thơ
Khác nào trên khung cửi
Qua lại chiếc thoi tơ…
Video âm thanh, Hoài Nam và Như Hảo:
https://www.youtube.com/watch?v=qdFTnZAmLp8
MV, Thu Mai - Tran Phu, già mà dễ thương:
https://www.youtube.com/watch?v=ffRyVHCaYQg
Thôi – Nguyễn Long - Y Vân
Nguyễn Long tên thật Nguyễn Ngọc Long (1934-2009), người Hải Phòng, là tài tử nổi tiếng ở miền Nam hồi trước 1975. Ông tham gia nhiều bộ phim, đóng vai chính trong hàng chục vở kịch trên sân khấu và truyền hình. Ông còn là đạo diễn của nhiều cuốn phim khá nổi tiếng bấy giờ: Mưa lạnh hoàng hôn (1961), Thúy đã đi rồi (1962)… Tổng cộng 14 cuốn phim.
Ở Mỹ, ông tiếp tục làm đạo diễn một số phim, video ca nhạc, làm tờ tuần báo Kịch ảnh. Ông còn là tác giả của hơn 10 đầu sách, trong đó có Việt Nam 66 Năm Nhạc, Kịch và Điện ảnh: 1937-2002, ghi chép tiểu sử của hàng trăm nghệ sĩ, đạo diễn, tài tử Việt Nam.
Ông có một bài thơ lấy tên Thôi, được Y Vân phổ thành ca khúc cùng tên. Nguyên tác bài thơ như thế nào thì chưa tìm được.
Theo Nam Lộc (2009): Những cuốn sách do Nguyễn Long viết (11 cuốn) đều là Bản quyền Việt Nam. Bất luận người Việt Nam nào cũng có quyền tự do sử dụng miễn phí. Được phép trích từng đoạn hay cả bộ sách, kể cả việc in lại mà không cần phải hỏi sự đồng ý của tác giả.
+ Video trình diễn sống, Nguyên Khang, mới lạ theo phong cách jazz nhưng vẫn lột tả được tinh thần ca khúc:
https://www.youtube.com/watch?v=naXWsMPGZ7Y
+Video trình diễn sống, Khắc Minh - Hồng Gấm, trong chương trình “Người kể chuyện tình”:
https://www.youtube.com/watch?v=yXka8TcJRTE
Thu ca – Phạm Mạnh Cương
Phạm Mạnh Cương
Sau trên 50 năm hoạt động, Phạm Mạnh Cương (1933- ) sáng tác vào khoảng hơn 100 nhạc phẩm. Thật ra nhạc phẩm đầu tiên ông sáng tác là Mái trường xưa từ năm 1951, được phổ biến mạnh tại Huế, nhưng đến năm 1953 ông mới bắt đầu được biết đến với nhạc phẩm Thu ca, sáng tác tại Hà Nội.
Sau khi hoàn tất, Phạm Mạnh Cương gửi nhạc phẩm này đến đài phát thanh Hirondelle để sau đó được nữ ca sĩ Thanh Hằng phổ biến trên làn sóng điện. Một thời gian sau, Thu ca được rất nhiều ca sĩ trình bày cho đến sau này tại hải ngoại.
Dù Thu ca được coi như một nhạc phẩm thành công của Phạm Mạnh Cương trong bước đầu sáng tác, nhưng phải một thời gian khá dài sau đó, tên tuổi ông mới thật sự chiếm được một chỗ đứng cao kể từ năm 1959.
Thật ra, dạy học mới là là nghề tay phải của Phạm Mạnh Cương. Từ năm 1955, ông dạy các môn Việt văn, sử địa và triết học tại trường Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho. Sau 3 năm, ông về dạy tại trường Pétrus Ký, Sài Gòn, cho đến năm 75. Ngoài ra ông còn bận dạy tại nhiều trường tư khác như Hưng Đạo, Văn Học, Lê Bảo Tịnh, Bồ Đề, Nguyễn Văn Khuê, Văn Hóa… mà ông ví von như những ca sĩ hiện nay chạy show!
Mặc dù là một người sống nhiều với những tư tưởng triết học trên cương vị một giáo sư, nhưng Phạm Mạnh Cương chưa bao giờ đưa những tư tưởng đó vào tác phẩm của mình.
TVTS (2009) cho rằng nhạc phẩm được Phạm Mạnh Cương ưa thích nhất vẫn là Thu ca, được coi là một trong những bài tango hay nhất của Việt Nam.
Video âm thanh, Thu Phương:
https://www.youtube.com/watch?v=YTNO08VA8Gk
+ Video trình diễn sống, Đoan Trang, với giọng hát và hòa âm đúng là thích hợp cho bài tango như thế này:
https://www.youtube.com/watch?v=jsQSGi08Uo8
Video trình diễn sống, Hoàng Thúy Vy:
https://www.youtube.com/watch?v=b59_hfzI0oA
Thu vàng – Cung Tiến
Dòng Nhạc Xưa (2015b) nhận xét:
Mặc dù trong ca từ Thu vàng của Cung Tiến có câu “Nhớ nhớ, buồn buồn với chán chường,” nhưng toàn cảnh vẫn là một trong rất ít những ca khúc viết về mùa thu không bi lụy hóa, hoặc sầu thảm hóa như nội dung của hầu hết những ca khúc viết về mùa thu, đã thành khuôn sáo từ hơn nửa thế kỷ trước.
Khi được một hỏi về ca khúc Thu vàng viết từ thời 14-15 tuổi, nhạc sĩ Cung Tiến tiết lộ, đại ý, sự thực đó chỉ là một bài tập trong thời gian ông mới bước vào khu rừng nhạc thuật mà thôi. Nhưng không vì thế mà Thu vàng có thể ra khỏi ký ức rộn rã những bước chân tung tăng, nhảy nhót thương yêu của rất nhiều thế hệ. Ðó là những bước chân tung tăng đuổi theo không chỉ những chiếc lá vàng rơi, mà còn đuổi theo cả một mùa thu thơ dại trên đường phố nữa.
+ Video âm thanh, Hồng Nhung, giọng hát dễ thương và nhạc đệm tạo ấn tượng, hình ảnh lại đẹp:
https://www.youtube.com/watch?v=qfsorhKjFq8
Video âm thanh, Trọng Tấn:
https://www.youtube.com/watch?v=O10EfSJTyfs
Video âm thanh, Thanh Lan:
https://www.youtube.com/watch?v=kMvPoTYKmjo
Thuyền viễn xứ – Huyền Chi - Phạm Duy
Huyền Chi là bút danh của Hồ Thị Ngọc Bút (1934-), người gốc Bắc Ninh, theo gia đình vào Nam từ trước năm 1954. Lúc mới vào Nam (1948-1949), cô ở với chị gái tại Đà Lạt, sau đó về Sài Gòn (1950) vừa đi học vừa phụ mẹ trông nom một sạp vải ở chợ Bến Thành.
Trong quyển Hồi ký Phạm Duy (tập 3, ấn bản 2008), Phạm Duy viết:
Gần hai năm đã trôi qua kể từ khi tôi bỏ vùng quê vào Hà Nội, rời miền Bắc vào miền Nam, lo ổn định nơi ăn chốn ở và thu xếp công kia việc nọ ở Sài Gòn… Vào thời điểm này (trước cuộc di cư 1954), Huyền Chi, một cô em bán vải ở cửa Nam chợ Bến Thành đưa cho tôi phổ nhạc bài thơ nhan đề Thuyền viễn xứ. Bài thơ này nói lên tâm trạng một người Bắc Việt phải rời bỏ bến Đà Giang để vào sinh sống tại miền Nam.
Bài thơ: Thuyền viễn xứ - Huyền Chi
Ra khơi sương khói một chiều
Thùy dương rũ bến tiêu điều ven sông
Lơ thơ rớt nhẹ men lòng
Mây trời pha ráng lụa hồng giăng ngang
Có thuyền viễn xứ Đà Giang
Một lần dạt bến qua ngàn lau thưa
Hò ơi! Câu hát ngàn xưa
Ngân lên trong một chiều mưa xứ người
Đường về cố lý xa xôi
Nhịp sầu lỡ bước, tiếng đời hoang mang
Sau mùa mưa gió phũ phàng
Bến sông quay lại, hướng làng nẻo xa
Lệ nhòa như nước sông Đà
Mái đầu sương tuyết lòng già mong con
Chiều nay trời nhẹ xuống hồn
Bao nhiêu sương khói chập chờn lên khơi
Hai bờ sông cách biệt rồi
Tần Yên đã nổi bốn trời đao binh
Ngàn câu hát buổi quân hành
Dặm trường vó ngựa đăng trình nẻo xưa
Biết bao thương nhớ cho vừa
Gửi về phương ấy mịt mờ quê hương
Chiều nay trên bến muôn phương
Có thuyền viễn xứ lên đường… lại đi…
+ Video trình diễn sống, Ngọc Hạ:
https://www.youtube.com/watch?v=JvTsofdTOow
MV, Kim Chung (guitar solo):
https://www.youtube.com/watch?v=qnBuAMeXjtM
Tiếng dân chài – Phạm Đình Chương
Tôi đồng ý với nhận xét cho rằng Tiếng dân chài của Phạm Đình Chương là ca khúc hay nhất về cuộc sống của ngư dân.
+ Video trình diễn sống, Như Quỳnh, Hoàng Lan, Phi Nhung, Thế Sơn, Nguyễn Hưng, trong chương trình “Paris by night”:
https://www.youtube.com/watch?v=ka77L0q1UuI
+ Video trình diễn sống, Huỳnh Đức Thanh, trong chương trình “Thử tài siêu nhí”:
https://www.youtube.com/watch?v=06eUYF9d6SU
Tiếng hát với cung đàn  – Văn Phụng - Vĩnh Phúc
Hẳn Văn Phụng rất tâm đắc với bài hát này, bởi vì tên của bài hát “Tiếng hát với cung đàn” được khắc trên mộ của ông.
Ánh trăng đi vào một số ca khúc của Văn Phụng, như Hình ảnh một đêm trăng, Suối tóc và Trăng sáng vườn chè (ý ca dao), riêng trong ca khúc Tiếng hát với cung đàn “ánh trăng êm đềm trong sáng” làm nền cho những cung điệu vui tươi và lạc quan.
Bạn đừng tìm xem video vốn có hình ảnh mờ nhòe khiến bạn khó chịu mất tập trung, hãy nhắm mặt lại mà nghe bản thu âm với cung điệu và bốn tiếng hát hòa với nhau một cách tuyệt vời.
Bản thu âm, Thái Hiền, với ca từ:
https://nhac.vn/bai-hat/tieng-hat-voi-cung-dan-thai-hien-soLR5yx
Video âm thanh, Tâm Hảo & Phan Anh Dũng, với ca từ:
https://www.youtube.com/watch?v=0Aw0160yD8E
Tiếng sáo thiên thai – Thế Lữ - Phạm Duy
Đây là một kết hợp tuyệt vời giữa những vần thơ tuyệt vời và những cung điệu tuyệt vời!
Theo Trần Lê Túy Phượng (2016b),
Nhà thơ Thế Lữ tên thật là Nguyễn Đình Lễ (1907-1989) là nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động sân khấu Việt Nam. Ông nổi danh trên văn đàn vào những năm 1930, với những tác phẩm thuộc trường phái Thơ Mới. Ông cũng đóng góp nhiều vào việc chuyên nghiệp hóa kịch nói ở Việt Nam.
Như bút danh “người khách đi qua trần thế” của mình, Thế Lữ được xem là người đầu tiên đề xướng con đường thoát ly bằng nghệ thuật, công khai tuyên bố chỉ đi tìm cái Đẹp. Thơ ông thể hiện niềm say mê với cái Đẹp, đi tìm cái Đẹp ở mọi nơi, ở âm thanh (Tiếng trúc tuyệt vời, Tiếng sáo thiên thai, Tiếng gọi bên sông) và cảnh sắc thiên nhiên. Thiên nhiên trong thơ Thế Lữ là một thiên nhiên của “một không gian tươi đẹp, rộng mở, rộn ràng sắc màu và thanh âm”, là “những bức tranh lộng lẫy và huyền ảo, có khi hùng vĩ uy nghi, có khi thơ mộng bí ẩn”.
Nhiều bài thơ của Thế Lữ thể hiện hình ảnh cõi tiên, với tiên nga, ngọc nữ, tiếng sáo Thiên Thai, hạc trắng hoa đào… Hoài Thanh nhận định: “Ở xứ ta từ khi có người nói chuyện tiên, nghĩa là từ khi có thi sĩ, chưa bao giờ ta thấy thế giới tiên có nhiều vẻ đẹp đến thế”; tuy nhiên ông cũng cho rằng Thế Lữ đã đi nhầm đường, bởi “thi nhân tưởng quê mình là tiên giới và quên rằng đặc sắc của người chính ở chỗ tả những vẻ đẹp của trần gian”.
Vũ Ngọc Phan không tán thành với Hoài Thanh, ông cho rằng cái đẹp tưởng tượng kia của Thế Lữ một ngày nào đó có thể trở thành cái đẹp có thực nơi trần thế. Thơ Thế Lữ cũng thể hiện cảm hứng dồi dào với nghệ thuật và với nàng Thơ, mà theo Uyên Thao, nghệ thuật đã là “một phần cuộc sống”, “một người bạn tâm giao” hay được ông coi như “một người yêu” của chính mình.
Bài thơ: Tiếng sáo thiên thai  - Thế Lữ
Tặng Ngô Bích San
Ánh xuân lướt cỏ xuân tươi
Bên rừng thổi sáo một hai Kim Đồng
Tiếng đưa hiu hắt bên lòng
Buồn ơi! Xa vắng, mênh mông là buồn…
Tiên Nga tóc xõa bên nguồn
Hàng tùng rủ rỉ trên cồn đìu hiu
Mây hồng ngừng lại sau đèo
Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi.
Trời cao, xanh ngắt. - Ô kìa
Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai
Theo chim, tiếng sáo lên khơi
Lại theo giòng suối bên người Tiên Nga.
Khi cao, vút tận mây mờ
Khi gần, vắt vẻo bên bờ cây xanh
Êm như lọt tiếng tơ tình
Đẹp như Ngọc Nữ uốn mình trong không.
Thiên Thai thoảng gió mơ mòng
Ngọc Chân buồn tưởng tiếng lòng xa bay…

Các ca sĩ ở những độ tuổi khác nhau dưới đây đều thể hiện rất đạt cung điệu của ca khúc.
+ Video âm thanh, Ái Vân - Hương Lan, với ca từ:
https://www.youtube.com/watch?v=GqrRjKtGEnc
+ Video trình diễn sống, Phạm Thu Hà:
https://www.youtube.com/watch?v=-xx1plGEkt8
+ Video trình diễn sống, Đức Tuấn:
https://www.youtube.com/watch?v=Z4PQIwo5BbY
+ Video trình diễn sống, Quỳnh Như - Thiên Vũ, trong chương trình “Solo cùng Bolero”, hay và đẹp, hay hơn nữa ở chỗ đây không phải là solo và cũng không phải là bolero:
https://www.youtube.com/watch?v=r10hv3Bim7Q
Tình – Văn Phụng
Cũng như một số ca khúc khác cúa Văn Phụng, Tình có giai điệu mang hơi hướng phương Tây hoặc thậm chí Latin, nhưng vẫn có bản sắc Việt Nam.
+ Video âm thanh, Thanh Lan:
https://www.youtube.com/watch?v=PLBFFC_T5Gw
+ Video trình diễn sống, Hữu Khương:
https://www.youtube.com/watch?v=q1tGCyVEp5g
Tình ca – Phạm Duy
Tình ca được nhạc sĩ Phạm Duy (1921-2013) sáng tác năm 1953. Bài hát mang đậm nét dân ca Bắc Bộ này rất nổi tiếng ở Việt Nam, được trình diễn lần đầu với giọng hát của Anh Ngọc và sau đó gắn liền với tiếng hát Thái Thanh.
Trong Hồi ký Phạm Duy, tác giả viết:
Những bài như Tình ca, Tình hoài hương với âm vực rất rộng, lúc đó được tôi soạn ra cốt để cho Thái Thanh hát và chỉ có cô mới hát nổi những nốt rất trầm (nốt Sol dưới) hoặc rất cao (nốt Sol trên) của hai tác phẩm này.
Phạm Duy cũng giải thích thêm:
Bài Tình ca này không còn thẳng băng ruột ngựa như những bài ca kháng chiến trước đây. Bây giờ nó muốn gắn bó tất cả người dân trong nước bằng một tình cảm thống nhất: tôi yêu tiếng nước tôi, yêu đất nước tôi, yêu người nước tôi. Thật là may mắn cho tôi là nói lên được phần nào bản sắc quốc gia (identité nationale) qua bản Tình ca này.
Nhạc phẩm Tình ca nói lên tình quê hương đất nước của một người Việt Nam qua sự phân chia làm 3 đoạn:
Đoạn 1: tình yêu với tiếng Việt, bắt đầu với câuTôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, rồi diễn giải cái ‘tiếng nước tôi’ đó qua tiếng mẹ ru, câu hò, câu hát, tiếng khóc cười theo mệnh nước nổi trôi.
Đoạn 2: tình yêu với non sông Việt, bắt đầu với câu Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh, đưa ra hình ảnh của ruộng đồng, nhắc đến dãy Trường Sơn, sông Hương, sông Cửu Long, sông Hồng.
Đoạn 3: tình yêu với con người Việt, từ “Tôi yêu bác nông phu, đội sương nắng bên bờ ruộng sâu”, đến trẻ quê và đàn trâu trong chiều dài lịch sử mở nước từ rừng sâu đến Cà Mau, qua các triều đại Lý, Lê, Trần… đầy những anh hùng thời xa xưa và sẽ có anh hùng ngày mai.
Ở cuối mỗi phần lời, Phạm Duy dùng bốn câu thơ lục bát, là thể thơ riêng của Việt Nam.
Thái Thanh
Tình ca của Phạm Duy là bài rất khó hát. Trong một thời gian dài, tiếng hát Thái Thanh là vô đối trong cách diễn đạt bản Tình ca, và những ca sĩ khác muốn tiếp nối không tránh khỏi bị so sánh! Có người cố ý trình bày một cách khác lạ: tiết tấu đều đều, đơn giản, không luyến láy, nhưng vô hình trung lại nghe như không truyền tải được cái hồn của ca khúc.
Một số người không thích giọng ca Thái Thanh vì cho rằng cô luyến láy quá nhiều. Tôi nhận thấy bài trình diễn dưới đây của Thái Thanh ít luyến láy hơn trước, làm cho chất giọng ngọt ngào và thanh thoát hơn trước.
Đối với tuyệt phẩm này, tôi để tùy bạn đánh giá mỗi cách diễn đạt.
Video âm thanh, Thái Thanh:
https://www.youtube.com/watch?v=x9g0KJSvwFo
Video âm thanh, Mỹ Linh:
https://www.youtube.com/watch?v=s2kpmlITdfU
Video trình diễn sống, Đức Tuấn:
https://www.youtube.com/watch?v=q0nly1wHKF0
Video trình diễn sống, Hà My - Duy Đạt, hỗ trợ bởi Minh Tuyết - Quang Lê và Vũ đoàn Chuông Gió, trong chương trình “Tuyệt đỉnh song ca”:
https://www.youtube.com/watch?v=f6sljD4So_E
Tình hoài hương – Phạm Duy
Đây là ca khúc mà mỗi khi vang lên ở xứ người, nhiều người nghe thường chảy nước mắt.
Trong Hồi ký Phạm Duy, tác giả kể về bối cảnh sáng tác hai năm sau ông khi bỏ vùng quê về Hà Nội, rời miền Bắc vào miền Nam:
Khi bắt đầu sáng tác lại, tôi soạn bài Tình hoài hương (1952). Nằm trong loại huyền thoại quê hương mà tôi tạo ra nhờ có cơ hội đi khắp ba miền đất nước trong thời bình và trong thời chiến… bài hát này không còn là một bài đối cảnh sinh tình như trước đây nữa. Nó là một bài hát hoài cảm, là sự nhớ nhung của riêng tôi đối với một nửa mảnh đất quê hương mà tôi vừa phải xa lìa…
Bài hát nói tới sự nhớ thương con sông đào xinh xắn, nhớ phiên chợ chiều xa tắp, nhớ vòm tre non và làn khói ấm hương thôn nơi đó, trong mảnh đời thơ ngây của tôi, có con trâu lành nằm mộng bên đàn em bé, có mẹ già yêu dấu ngồi nghe tiếng sáo chơi vơi… Chao ôi là nhớ nhung! Ngày hôm nay nhắc tới bài hát Tình hoài hương tôi còn thấy từ lúc ngồi nhớ con sông đào ngây ngất ở chốn quê cũ vào năm 1952, tôi đã mơ ước có một chiều xoay hướng để tôi được vượt qua những đại dương sâu thẳm, đi khắp các lục địa bao la, sống vui trong mối tình muôn đường…
Khi xem trình diễn bằng tốp ca trong đó mỗi người thay phiên nhau hát một câu, tôi thấy có vẻ như cảm xúc bị loãng đi. Thế nên tôi giới thiệu những bài đơn ca và song ca của các thế hệ nghệ sĩ khác nhau.
+ Video thu thanh, Thái Thanh, trong CD Diễm Xưa - Thái Thanh Hải Ngoại 4, với giọng hát trong thời gian sau này ngọt ngào hơn trước và nhạc đệm cũng hay hơn trước, hình ảnh tạo thêm cảm xúc:
https://www.youtube.com/watch?v=eBdaJ0gCPy4
Video trình diễn sống, Hương Lan, trong chương trình “Paris By Night Divas”:
https://www.youtube.com/watch?v=ufJ1uDq9UlA
+ Video trình diễn sống, Đức Tuấn:
https://www.youtube.com/watch?v=XtvxEvduyRY
Video trình diễn sống, Nguyên Phượng - Tiến Long, trong Liveshow “Nguyên Phượng - Tí tách ngày xưa”:
https://www.youtube.com/watch?v=60l-Ig89fNM
Video trình diễn sống, Nguyễn Tuấn Hoàng, trong chương trình “Solo cùng Bolero”:
https://www.youtube.com/watch?v=gMqCuJB1350
Tình cầm – Hoàng Cầm - Phạm Duy
Hoàng Cầm và Phạm Duy
Hoàng Cầm và Phạm Duy là hai nghệ sĩ sinh tử đồng thời. Hoàng Cầm (1922-2010) và Phạm Duy (1921-2013) cùng trưởng thành trong thời loạn ly, rồi theo tiếng gọi của non sông lấy lời thơ tiếng nhạc để cùng toàn dân chống Pháp. Rồi hai người cách xa nhau một thời gian dài, cả hai đều vẫn phải mang số phận con người trong vận nước nổi trôi.
Sau cùng cả hai, kẻ trước người sau, kẻ Nam người Bắc cũng nằm trong lòng đất Mẹ. Phạm Duy về Hà Nội gặp lại bạn thời niên thiếu rồi đưa tiễn Hoàng Cầm về nơi yên nghỉ cuối cùng ở miền Bắc. Phần Phạm Duy, hai năm sau ông qua đời và được an táng tại miền Nam.
Thi sĩ Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt (1922-), người Bắc Giang. Thuở nhỏ, ông học tiểu học, trung học đều ở Bắc Giang và Bắc Ninh; đến năm 1938, ra Hà Nội học trường Thăng Long. Năm 1940, ông đỗ tú tài toàn phần và bước vào nghề văn, dịch sách cho Tân Dân Xã của Vũ Đình Long. Từ đó, ông lấy bút danh là tên một vị thuốc đắng trong thuốc bắc: Hoàng Cầm.
Năm 1944, do Thế chiến 2 xảy ra quyết liệt, ông đưa gia đình về lại quê gốc ở Thuận Thành. Cũng tại nơi này, ông bắt đầu tham gia hoạt động Thanh niên Cứu quốc của Việt Minh. Sau đó ông về Hà Nội, thành lập đoàn kịch Đông Phương. Khi Chiến tranh Đông Dương bùng nổ, ông theo đoàn kịch rút ra khỏi Hà Nội, biểu diễn lưu động ở vùng Bắc Ninh, Bắc Giang, Sơn Tây, Thái Bình một thời gian rồi giải thể.
Cuối năm 1955, ông về cộng tác ở Hội Văn nghệ Việt Nam, làm việc xuất bản. Tháng 4 năm 1957, ông tham gia thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, và được bầu vào Ban Chấp hành. Tuy nhiên, không lâu sau, do vụ án “Nhân Văn Giai Phẩm”, ông phải rút khỏi Hội Nhà văn vào năm 1958 và về hưu non năm 1970 lúc 48 tuổi.
Ông nổi tiếng với vở kịch thơ Hận Nam Quan, Kiều Loan và các bài thơ Lá diêu bông, Bên kia Sông Đuống. Ngoài bút danh Hoàng Cầm ông còn có các bút danh: Bằng Việt, Lê Thái, Lê Kỳ Anh, Bằng Phi.
Bài thơ: Nếu anh còn trẻ - Hoàng Cầm (1941)
Nếu anh còn trẻ như năm cũ
Quyết đón em về sống với anh
Những buổi chiều buồn phơ phất lại
Anh đàn em hát níu xuân xanh
Nhưng thuyền em buộc bờ sông hận
Anh chẳng quay về bến trúc thương
Năm tháng em ca trong ánh nguyệt
Bao giờ em hết nợ Tầm Dương?
Nếu có ngày mai anh trở gót
Quay về thăm lại bến thu xa
Thì đôi mái tóc không xanh nữa
Mây trắng đêm vàng sẽ thướt tha
Theo Trần Lê Túy Phượng (2016a), Phạm Duy kể lại về bối cảnh của ca khúc Tình cầm.
Một tập thơ khác - cũng là thơ chép tay - đã đến với tôi, lại là thơ của một người bạn cũ, đã từng cùng tôi đi làm công tác văn nghệ trên những nẻo đường kháng chiến hồi 1946-47… Ðó là tập thơ của Hoàng Cầm mang tên Ðường về Kinh Bắc… Tập thơ giúp tôi soạn ra những bài hát rất ngọt ngào nhưng cũng rất đắng cay mà tôi gọi là Hoàng cầm ca.
Trước hết, tôi - và họa sĩ Tạ Tỵ - ngồi nhớ lại những mẩu thơ tình của Hoàng Cầm, soạn ra vào lúc chàng ta mới 17 hay 18 tuổi. Nhớ ra một mẩu thơ ngắn vô đề, tôi bèn phổ nhạc ngay, có thêm thắt vài câu cho đủ nhịp, đủ phách. Hoàng cầm ca số 1 này mang tên Tình cầm, nghĩa là “mối tình của Hoàng Cầm” hay “mối tình của người cầm đàn” cũng được.
Video âm thanh, Tuấn Ngọc:
https://www.youtube.com/watch?v=zmjb7uMHGZc
Video âm thanh, Quang Dũng:
https://www.youtube.com/watch?v=YYQF_iMmFvQ
+ Video trình diễn sống, Đình Bảo:
https://www.youtube.com/watch?v=ywHNp7qNNbo
Tình khúc – Quốc Bảo
Vừa mới nghe qua vài câu đầu trong ca khúc này, tôi có cảm tưởng như mình nghe một bài hát thuộc thể loại âm nhạc cổ điển, và tôi phải công nhận ngay đây là một ca khúc hay.
+ Video âm thanh, Đức Tuấn, với ca từ:
https://www.youtube.com/watch?v=8O5PPSxYEyk
Tình nhớ  – Trịnh Công Sơn
Đây là một trong những ca khúc của Trịnh Công Sơn mà tôi thấy ca từ thật thấm thía, những đoạn lặp đi lặp lại với “ngỡ” và “nhưng”, như: Tình ngỡ đã phôi pha/ Nhưng tình vẫn còn đầy/ Người ngỡ đã đi xa/ Nhưng người vẫn quanh đây. Trong nhạc có thơ và trong thơ có nhạc, vừa thực tế vừa ẩn dụ, không quá sầu não mà chỉ một thoáng bâng khuâng.
+ Video âm thanh, Khánh Ly:
https://www.youtube.com/watch?v=K1MdJqjol5c
Video âm thanh, Quang Dũng:
https://www.youtube.com/watch?v=hTIDw5C0tyo
+ Video trình diễn sống, Hoàng Nhung:
https://www.youtube.com/watch?v=6gne9V2R6JU
Video trình diễn sống, Đinh Hương, đáng lẽ có điểm + nếu không vì nhạc dạo mang âm hưởng “Moonlight” của Beethoven:
https://www.youtube.com/watch?v=fSxqMcC1rOs
Tình khúc chiều mưa – Nguyễn Ánh 9
Tôi đồng ý với ý kiến cho rằng Tình khúc chiều mưa là ca khúc hay nhất của Nguyễn Ánh 9.
+ Video trình diễn sống, Bằng Kiều, Lương Tùng Quang, Trần Thái Hòa, Minh Tuyết, Ngọc Liên, Angela Trâm Anh:
https://www.youtube.com/watch?v=rc1XjZCve6Q
Tình khúc thứ nhất - Vũ Thành An - Nguyễn Đình Toàn
Năm 1965, khi mới 22 tuổi, Vũ Thành An vụt nổi tiếng với Tình khúc thứ nhất, phần nhạc Vũ Thành An và phần lời của Nguyễn Đình Toàn. Đây là sáng tác đầu tiên của Vũ Thành An được công chúng biết đến.
Nhận xét của Trần Hoàng Trường Hải (2015):
Tình khúc thứ nhất là là một trường hợp rất thú vị khi một người nhạc sĩ trẻ (năm ấy vừa tròn 22 tuổi) được công chúng yêu mến và trở nên nổi tiếng ngay từ nhạc phẩm đầu tiên. Lắng nghe Tình khúc thứ nhất, chúng ta sẽ bất giác chợt nghĩ: một bản nhạc có giai điệu hay, lạ và… rất khó hát. Nhạc sĩ Vũ Thành An là giáo dân Công giáo La Mã, nên trong âm hưởng những sáng tác của ông có hơi hướm của một thể loại thánh ca nhà thờ. Trong tiết tấu chầm chậm và trầm lắng, lời ca khúc như một lời kinh nguyện gieo rắc cung bậc cảm xúc cho người nghe. Cái hay, cái đẹp của nhạc Nguyễn Thành An có lẽ là sự đa dạng về tiết tấu và sự mô tả tâm trạng người nghe bằng nốt nhạc. Lắng nghe Tình khúc thứ nhất, mở đầu bài hát là sự gợi mở chậm rãi và đượm buồn.
Lời ca như hơi thở, nồng nàn và da diết. Mở ra một bài kinh nguyện tình yêu và nỗi đau nhân thế trong cõi ái tình. Sự kết hợp đẹp đẽ giữa giai điệu thanh khiết ngân nga âm hưởng giáo đường và lời nhạc sâu lắng đã khác họa một không gian cô quạnh, Tiết tấu khi trầm ấm, lúc cao vút nhưng vẫn giữ mạch cảm xúc, tựa như tâm tình giằng xé và rối bời của những người đang chơi vơi trong tình yêu. Lời ca là lời xưng tội với tấm chân tình, tựa lời thở than và cũng là nỗi riêng mang chất chứa bi ai. Nhưng ở đó, chúng ta vẫn thấy được hy vọng. Sự tuyệt vọng không hiện diện trong nỗi buồn của Vũ Thành An và Nguyễn Đình Toàn
Video âm thanh, Bằng Kiều:
https://www.youtube.com/watch?v=pFdm6QmhsdQ
Video âm thanh, Tuấn Ngọc:
https://www.youtube.com/watch?v=3WEDHLvecGs
Tóc mai sợi vắn sợi dài – Phạm Duy
Ca khúc của Phạm Duy dựa trên hai câu ca dao miền Nam:
Tóc mai sợi vắn sợi dài
Lấy nhau chẳng đặng thương hoài nghìn năm.
+ Video trình diễn sống, Ngọc Hạ - Trần Thái Hòa:
https://www.youtube.com/watch?v=jxdY_f1d_gE
+ Video trình diễn sống, Saigon Soul Revival, theo phong cách mới lạ:
https://www.youtube.com/watch?v=sPVOSgiEKA8&t=160s
Tôi đi giữa hoàng hôn – Văn Phụng
Giữa thị trường âm nhạc trong ngày đó vang đầy những âm hưởng u buồn, Tôi đi giữa hoàng hôn mang đến không khí thanh thoát qua những tiết tấu dìu dặt, ngọt ngào trong điệu slow rock của phương Tây thể hiện nỗi buồn nhẹ nhàng và trầm ấm chất phương Đông.
+ Video âm thanh, Tuấn Anh, với ca từ:
https://nhac.vn/bai-hat/toi-di-giua-hoang-hon-tuan-anh-soB4v4y
+ Video âm thanh, Khánh Duy:
https://www.youtube.com/watch?v=CbtO9thWXYg
Video trình diễn sống, Nguyên Khang:
https://www.youtube.com/watch?v=auEmYbePSCE
Video trình diễn sống, Đức Phúc - Trung Quang:
https://www.youtube.com/watch?v=hnqzRfXPLkE
Trăng sơn cước – Văn Phụng & Văn Khôi
Thêm một ca khúc với giai điệu mới lạ mang lại làn gió mát cho thị trường âm nhạc. Ca khúc tạo nền thích hợp cho múa minh họa với trang phục dân tộc thiểu số lạ mắt.
Video trình diễn sống, Hồng Phượng:
https://www.youtube.com/watch?v=wvuV0rhw-0Q
Video trình diễn sống, Hoàng Nhung - Hà Thanh Xuân:
https://www.youtube.com/watch?v=Me7LBtrT3wA
Video trình diễn sống, Cao Mỹ Kim:
https://www.youtube.com/watch?v=f46n7lnORdQ
Trên đỉnh Phù Vân – Phó Đức Phương
Trên đỉnh Phù Vân là một trong những ca khúc được yêu mến nhất của Phó Đức Phương. Với âm hưởng dân gian đương đại cùng những tiết tấu nhanh, chậm cùng giai điệu và ca từ ma mị, ca khúc khiến không ít khán giả phải thừa nhận từng bị ám ảnh suốt một thời gian dài.
Năm 1996, nữ ca sĩ Mỹ Linh hát Trên đỉnh Phù Vân và ngay lập tức nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ khán giả yêu nhạc. Nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng từng chia sẻ: “Mỹ Linh là người thể hiện đúng và hay nhất sáng tác này”. Sau 2 thập kỷ trôi qua, ca khúc không ngừng mới lạ hơn qua những phiên bản đặc biệt từ nhiều nghệ sĩ.
+ Video trình diễn sống, Mỹ Linh:
https://www.youtube.com/watch?v=uoOG03JNZc8
+ Video trình diễn sống, Ngọc Hạ:
https://www.youtube.com/watch?v=x4BWjGJYkaM
+ Video trình diễn sống, Tùng Dương:
https://www.youtube.com/watch?v=etfIGNGCJEk
Trống cơm – dân ca
Bài dân ca quan họ Bắc Ninh này được hát rộng rãi trong giới học sinh, sinh viên khi đốt lửa trại hoặc trình diễn văn nghệ, và cũng được nhiều ca sĩ cùng vũ đoàn biểu diễn. Thế nên từ lâu bài hát này đã vượt thời gian rồi.
Con xít
Chỉ có điều là trong một thời gian dài trước đây, vì thiếu tài liệu đáng tin cây, người ta vẫn chép tay chuyền cho nhau (kể cả cho tác giả bài này!) ca từ mà hát câu Một đàn tang tình con nít, với ý nghĩa lạc lõng. Đúng ra, bài hát dựa theo bốn câu dân ca quan họ:
Trống cơm khéo vỗ nên bông
Một đàn con xít lội sông đi tìm
Thương ai con mắt lim dim
Một bầy con nhện đi tìm giăng tơ.
Bởi vì không biết con xít là con gì, nhiều người bèn thuận tiện hát thành “con nít”. Con xít là một loài chim nước lớn gần bằng con gà, chân cao, mỏ đỏ, lông đen ánh xanh.
+ Bản ghi âm, Thanh Thảo, remix theo phong cách hiện đại:
https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/trong-com-thanh-thao.dCMhX5sGgmCA.html
Video trình diễn sống, Ngọc Mai, với cách trình diễn mới lạ, cuốn hút:
https://www.youtube.com/watch?v=uCGhxIWFxQY
Video trình diễn sống, dân vũ theo điệu bài hát Trống cơm:
https://www.youtube.com/watch?v=B6ShJhfD65o
Trở về bến mơ – Ngọc Bích
Theo Wikipedia - Ngọc Bích - Nhạc sĩ.
Ngọc Bích
Ngọc Bích (1924/1925 - 2001) có tên thật là Nguyễn Ngọc Bích, sinh tại Hà Nội. Từ năm 10 tuổi, Ngọc Bích đã tỏ ra co năng khiếu về âm nhạc, ông bắt đầu học về ký âm pháp với một số thầy trong đó có nhạc sĩ Nguyễn Hiền.
Sau khi tốt nghiệp tiểu học, Ngọc Bích đậu vào trường Bưởi. Cùng năm đó, ông tham dự đơn ca ở Nhà hát lớn Hà Nội, chương trình ca nhạc giữa các màn kịch, do nhạc sĩ Thẩm Oánh đặc trách. Năm 1942, Ngọc Bích chơi đàn với ban nhạc tại vũ trường TaKara ở khu phố Khâm Thiên, vốn là tiệm khiêu vũ đầu tiên chơi nhạc sống tại Hà Nội.
Ngọc Bích bắt đầu sáng tác từ năm 1947, khởi sự với các bản tình ca viết theo theo nhịp swing và blues mới lạ.
Tại Hoa Kỳ, ông tham gia nhóm AVT hải ngoại của nghệ sĩ Lữ Liên cùng Vũ Huyến. Sau đó ban AVT cùng Thúy Liễu, vợ của nghệ sĩ Lữ Liên, thành lập ban thoại kịch Gió Nam, cùng đoàn nghệ sĩ của Hoàng Thi Thơ qua châu Âu trình diễn từ năm 1976. Sau đó họ cùng biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới.
Năm 1988, khi nhạc sĩ Nguyễn Hiền đến Hoa Kỳ thì Ngọc Bích và Nguyễn Hiền cùng một vài người bạn lập ra ban Saigon Band, chơi nhạc giúp vui cho mọi người ở Little Saigon, Westminster, California.
Theo lời nhạc sĩ Nguyễn Hiền, Ngọc Bích rất thận trọng trong lĩnh vực sáng tác, chú ý nhiều về cách sử dụng các âm trình, cung bậc, tránh tối đa những quãng mang tính cách phương Tây. Ngọc Bích luôn cố giữ bản sắc Việt Nam trong nhạc của mình, sợ mình làm nhạc có khuynh hướng Tây phương. Nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn nhận xét: “Nhạc của Ngọc Bích biểu tượng cho tuổi trẻ thành thị một thời, cái thời ông gọi là “chiến chinh” nhưng “ngát hương thanh bình” (Trở về bến mơ)”
Phạm Duy (2001) kể lại:
… Với Ngọc Bích thì chúng tôi có cả một thời gian ba năm sống gần nhau, chia cơm, sẻ áo, ngủ chung, tắm chung… và nhất là cùng chung đem tiếng đàn giọng hát tươi trẻ của mình vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, khi chúng tôi mới vừa ngoài hai mươi tuổi…
Trong những năm đầu của thập niên 50, vài ba nhạc phẩm của anh đã được rất nhiều người ưa thích khi được phóng đi trên Đài Phát thanh Hà Nội, như các bài Hương tình, Trở về bến mơ v.v… qua giọng ca Tâm Vấn. Thanh niên Hà Nội ưa nhạc Ngọc Bích vì tính chất jazz của nó, đa số soạn theo nhịp swing rất mới mẻ so với những ca khúc khác. Vào lúc Tân Nhạc vừa phát triển, có ba ca sĩ thành danh vì chuyên hát nhạc của ba soạn giả : danh ca Minh Trang với nhạc Dương Thiệu Tước, nữ ca sĩ Thái Thanh với nhạc Phạm Duy, còn tài tử Anh Ngọc vì chuyên hát nhạc Ngọc Bích mà được nhiều người biết tới. Nhạc mang tính chất lãng mạn của Ngọc Bích lúc đó có phần ngang ngửa với nhạc Đoàn Chuẩn, Từ Linh…
Không là bạn với nhau trước đó, nhưng khi cuộc kháng chiến toàn quốc xẩy ra vào tháng chạp năm 1946 thì Ngọc Bích là một nhạc sĩ đi theo tôi trên rất nhiều chặng đường… Khi tôi ở lại Lào Kai với Văn Cao thì Ngọc Bích cũng ở lại đó luôn. Và anh đã hát cùng với tôi tại một cái quán có cái tên đích thực là quán Biên Thùy, vốn là nơi tôi soạn ra bài Bên cầu biên giới. Ngọc Bích cũng soạn ra những bài hát kháng chiến hay những bản nhạc tình và vào lúc đó hay về sau, anh thường nhờ tôi giúp một tay trong việc sửa lời hay soạn lời, ví dụ những bài như Bà già giết giặc, Giấc mơ ngàn v.v… Thêm vào các loại nhạc ra đời tại vùng kháng chiến như dân ca mới, hành khúc, nhạc cảnh, tiểu nhạc kịch… bây giờ với Ngọc Bích, nhạc kháng chiến có những bài soạn theo nhạc jazz của Hoa Kỳ.
… Trong kháng chiến, Ngọc Bích soạn những bài hát vui cho Vệ quốc quân, như bài Bộ đội tập bò, trong đó anh khuyên họ hạ mông xuống không thì đạn tông vào đít! Ngoài ra còn những bài như Anh nghiện súng và bài Say chiến công. Trong bài Say chiến công, Ngọc Bích đưa ra chuyện ba anh bộ đội thi đua lập chiến công và chia nhau mỗi người hát một đoạn. Tôi phục Ngọc Bích vì dám đem một điệu nhạc Mỹ vào một bài hát kháng chiến. Đó là điệu swing. Do đó bài hát có một hành điệu rất vui.
Nhưng phải nói là bài Bà già giết giặc của Ngọc Bích mới là bài được dân chúng ưa thích nhất. Trong bài này, Ngọc Bích kể chuyện khi quân Pháp tới đóng tại một làng kia thì có một bà già phải nấu cơm cho chúng ăn. Bà già bèn cho thuốc độc vào nồi cơm khiến cho giặc chết hết. Bài hát - nói như Hoàng Cầm - tuy ngô nghê, nhưng lại có tác dụng tuyên truyền đối với đa số dân quê. Về sau, danh từ “bà già giết giặc” trở thành một “thành ngữ” dùng để gọi phái nữ vào tuổi trung niên.
Ngày đất nước bị phân chia, Ngọc Bích vào sinh sống tại Saigon, nghĩa là sau tôi chừng một vài năm. Những năm 50-60 phải là thời kỳ tốt đẹp nhất của Tân Nhạc. Nếu chỉ tạm phân tích sơ sơ về sự nghiệp âm nhạc thì Ngọc Bích là một nhạc sĩ của mơ mộng, của nhớ nhung… vì đa số soạn phẩm của anh là những giấc mơ, những cơn mộng, những niềm nhung nhớ
Nếu chỉ tạm phân tích sơ sơ về sự nghiệp âm nhạc thì Ngọc Bích là một nhạc sĩ của mơ mộng, của nhớ nhung… vì đa số soạn phẩm của anh là những giấc mơ, những cơn mộng, những niềm nhung nhớ.
Một số ca khúc nổi tiếng của Ngọc Bích gồm có: Bến đàn Xuân, Chờ một kiếp mai (cùng với Xuân Tiên), Khúc nhạc chiều mơ, Mộng chiều Xuân, Trở về bến mơ.
+ Video âm thanh, Sĩ Phú:
https://www.youtube.com/watch?v=7dvcVpvIFpo
+ Video âm thanh, Thùy Dương:
https://www.youtube.com/watch?v=jOXW096Ja8g
Video âm thanh, Trần Thái Hòa:
https://www.youtube.com/watch?v=87pkcpyDROk
Trương Chi – Văn Cao
Theo Wikipedia - Trương Chi - Bài hát.
Trương Chi là bài hát được Văn Cao sáng tác năm 1942, một trong những ca khúc lãng mạn góp phần tạo nên tên tuổi của nhạc sĩ. Trong hồi ký Nhớ, nhạc sĩ Phạm Duy nhận xét về bài này là “vào lúc tân nhạc mới chập chững biết đi mà Văn Cao đã viết được những câu nhạc diễn tả giọt mưa tài tình như vậy, thật là hiếm có.” Nhà nghiên cứu Trần Quang Hải thì cho rằng “Và cũng như hình ảnh cây đại thụ, Văn Cao đã kiêu hùng trải qua những bão táp của thế sự.”
Qua ca khúc này, Văn Cao mượn dòng nhạc và lời hát để kể lại chuyện tình tuyệt vọng của Trương Chi với Mỵ Nương. Nhưng Văn Cao đi xa hơn các nhạc sĩ khác: từ cảm hứng chuyện tình Trương Chi và Mỵ Nương, ông mượn hình ảnh xấu xí và tiếng hát tài hoa của Trương Chi để nói về con người và số phận đồng thời nói về chính mình. Nhưng chàng Trương Chi của thời đại, tức Văn Cao, không đi tìm cái chết mà chấp nhận sống để tiếp tục.
Video âm thanh, Thái Thanh, với ca từ:
https://www.youtube.com/watch?v=tzaY7prTPbk
+ Video âm thanh, Trần Thái Hòa:
https://www.youtube.com/watch?v=Xr1ppusmkuw
+ Video âm thanh, Thụy Long:
https://www.youtube.com/watch?v=vXq_GEn4ppk
Trường làng tôi – Phạm Trọng Cầu
Nhiều thế hệ học sinh (trong đó có người tổng hợp bài này) được thầy cô dạy hát bài Trường làng tôi, từ đó giai điệu thể hiện một kỷ niệm đáng nhớ. Ca khúc này cũng được cất lên trong các buổi họp mặt và trình diễn văn nghệ của cộng đồng người Việt xa xứ.
Bản thu âm, Trang Thanh Lan, với ca từ:
https://nhac.vn/bai-hat/truong-lang-toi-trang-thanh-lan-soOxGXm
Video âm thanh, Tốp ca cựu nữ sinh Gia Long: Hoàng Nga - Phương Mai - Tuyết Minh - Mỹ Ngôn:
https://www.youtube.com/watch?v=D2kelFvfiV0
Và con tim đã vui trở lại – Đức Huy
Đức Huy
Đức Huy (1947- ) là người Sơn Tây, Hà Nội. Sáng tác đầu tay của ông, Cơn mưa phùn (năm 1969), khi trình diễn cùng ca sĩ Thanh Tuyền được khán giả trẻ đón nhận nồng nhiệt. Hình ảnh mộc của cặp song ca, cùng chơi guitar, hát ca khúc nhẹ nhàng về tình yêu in sâu trong tâm trí nhiều khán giả. Từ đây, Đức Huy xác định con đường mình đi là trở thành ca sĩ - nhạc sĩ. Sau năm 1975, ông bắt đầu con đường âm nhạc chuyên nghiệp, từng cùng ban nhạc biểu diễn trên du thuyền, đi khắp Tahiti, Caribean, Jamaica, Mexico. Ca khúc Và con tim đã vui trở lại được sáng tác trên một trong những chuyến hải hành như thế.
Là một nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc hải ngoại, Đức Huy nổi tiếng với những bản tình ca nhẹ nhàng, sâu lắng, dễ đi vào lòng người nghe như Bay đi cánh chim biển, Đừng xa em đêm nay, Lời yêu thương, Một tình yêu, Như đã dấu yêu, Người tình trăm năm, Sao vẫn còn mưa rơi, Tiếng mưa đêm, Và con tim đã vui trở lại, Và tôi cũng yêu em.
Bài hát Và con tim đã vui trở lại lan tỏa rộng vì một phần được trình diễn trong các tiệc cưới của người Việt trong nước và hải ngoại.
Video trình diễn sống, nhiều ca sĩ:
https://www.youtube.com/watch?v=5LU4N6AK2Bk
Video trình diễn sống, Đức Huy, Anh Khoa, Hồng Hạnh, Phương Thanh:
https://www.youtube.com/watch?v=4FaevPF78_I
Về đây nghe em – Trần Quang Lộc
Trần Quang Lộc (1945- ), người Quảng Trị, theo học âm nhạc tại Trường Quốc gia Âm nhạc Huế năm ông 20 tuổi. Ông bắt đầu sáng tác vào cuối thập niên 1960. Tuyển tập đầu tiên của ông Hát trong dòng sông xưa được xuất bản năm 1970.
Trần Quang Lộc viết và phổ nhạc những bài hát mang tình người, tình quê hương, như bản Về đây nghe em, Em còn nhớ Huế không, Có phải mùa thu Hà Nội, Chợt nghe em hát, Định mệnh…
Ca khúc Về đây nghe em rút từ bài thơ của A Khuê, ra đời năm 1967 nhưng bị lãng quên sau năm 1975 và mãi đến năm 1990 mới được phổ biến ở Việt Nam. Ca từ nghe mộc mạc, gần gũi với nhiều người Việt.
Theo Mặc Lâm (2010).
Nhạc phẩm Về đây nghe em tuy xuất hiện trước năm 1975 nhưng người nghe hải ngoại gần 40 năm sau vẫn tưởng Trần Quang Lộc sáng tác cho mình!
Những ca từ hết sức dễ thương này như đi thẳng vào lòng người nghe với tất cả ngạc nhiên thích thú. Người con trai thầm thì bên tai cô gái những lời ru buồn nhưng thanh khiết, có khả năng lay động những bức tường kiên cố nhất cản trở bước chân cô.
Chàng trai không có gì để trao đổi lại với lời yêu cầu nhưng cô gái biết rằng những âm thanh ngập ngừng đứt quãng này phát xuất từ một trái tim rất hồng đang đập những nhịp điệu yêu thương về cô, người con gái bé nhỏ đang chơi với giữa giòng đời lạ lẫm.
Người nghe những lời thầm thì này bên ngoài đất nước Việt Nam sẽ nghĩ rằng từ nơi đất mẹ xa xôi, chàng trai xưa cũ đang cố thuyết phục người yêu làm một cuộc trở về, trở về với quê hương thanh tú chứa đầy kỷ niệm.
Hình ảnh đôi guốc mộc bình dị là thế nhưng lại có khả năng gây xao động cả một giòng sông ký ức. Người xa quê ai mà không nhớ những hình ảnh chân quê, mộc mạc này.
Trần Quang Lộc kể lại tiểu sử bài hát:
Tôi viết năm 69-70, thời điểm đó ở Sài Gòn thì chiến trang đang ở cao trào. Buổi tối ở Sài Gòn lúc đó thời tôi còn đi học tối thì đi đánh đàn ở các quán bar. Thành phố Sài Gòn giới nghiêm, ban đêm chỉ còn lại những người lính viễn chinh ở Mỹ. Còn trong mấy quán bar chỉ còn lại những cô vũ nữ, cave… những cô sinh viên mặc mini jupe phục vụ trong những quán bar này…
Lúc ấy mình là con người Việt Nam nên có cái nhìn hình như có điều gì đó ray rức trong lòng… cảm nhận có cái gì đó mình không diễn đạt được. Mình cảm nhận có một sự mời gọi để quay về với quê hương, những day dứt đó mình viết thành ca khúc Về đây nghe em.
Bài hát này sau đó được nhiều ca sĩ hát. Bài hát này thuận lợi cách nào đó cho nên thành công. Cho mãi đến bây giờ tuy đã mười mấy năm nhưng cũng còn nhiều ca sĩ chọn để hát. Trong những cuộc thi Tiếng hát truyền hình Việt Nam người ta cũng chọn nó.
Thì ra là vậy! Ca khúc Về đây nghe em có tuổi đời già hơn nhiều người lầm tưởng!
Bản ghi âm, Khánh Ly - Nguyễn Ngọc Ngạn, với ca từ, rất hiếm khi được nghe ông Ngạn hát:
https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/ve-day-nghe-em-khanh-ly-ft-nguyen-ngoc-ngan.sDTz8y1z8X1a.html
+ Video âm thanh, Phan Đình Tùng, với ca từ:
https://www.youtube.com/watch?v=lquC5T6ipP8
+ Video âm thanh, Trung Quang:
https://www.youtube.com/watch?v=Mgo9_mmZ3Es
+ Video trình diễn sống, Đăng Nguyên:
https://www.youtube.com/watch?v=19iPwuTQWqg
Xóm đêm – Phạm Đình Chương
Có một câu trong ca khúc này mà nếu không hiểu thì khó thấm thía với nội dung của ca khúc: “Hắt hiu vàng ánh điện câu.”  Vào thời viết nên ca khúc này, nhà nghèo không được nhà máy điện (thời đó được gọi là “nhà đèn”) đấu nối điện một cách chính thức, thế nên họ phải xin hàng xóm cho câu điện. Điện dùng như thế tức là điện câu, có điện áp yếu, nên đèn cho ánh sáng vàng vọt, hắt hiu. Chỉ một câu ngắn ngủi, Phạm Đình Chương phác họa một cách sinh động khung cảnh nghèo khó thời đó.
Về ca từ, tôi tìm thấy một số dị biệt.
Một bản in sheet nhạc năm 1957 ghi câu “Xa nghe tiếng ai ru mơ mòng”. Có vẻ như Ban Hợp ca Thăng Long hát như thế (tuy âm thanh không rõ lắm), lại nghe rõ Thanh Lan hát như thế. Mơ mòng có nghĩa như mơ màng, nhưng nghe thi vị hơn, như trong Chinh phụ ngâm: “Gác nguyệt nọ mơ mòng vẻ mặt, Lầu hoa kia phảng phất hơi hương”. Mơ mòng cũng thích hợp hơn nhằm tạo vần với câu trước: “Đường dài không bóng”.
Sau đó, một bản in sheet nhạc năm 1967 ghi câu “Xa nghe tiếng ai ru mơ màng”, và một bản in khác ghi “Xa nghe tiếng ai ru mơ mộng”. Hoặc là do lỗi nhà in: họ không hiểu từ “mơ mòng” nên tự sửa đúng thành sai, hoặc là tác giả ca khúc khi cho in lại sheet nhạc sửa thành từ ngữ dễ hiểu hơn. Nhiều ca sĩ chọn một trong hai từ này, nhưng tôi thấy tiếc vì nét thi vị không còn, và lời ca lại mất vần điệu.
+ Video âm thanh, Ban Hợp ca Thăng Long:
https://www.youtube.com/watch?v=njW4Fc6AEf8
+ Video âm thanh, Lệ Quyên:
https://www.youtube.com/watch?v=zcJr0KtkfWM
+ Video trình diễn sống, Anh Khoa, Tường Nguyên - Tường Khuê:
https://www.youtube.com/watch?v=bS0FEdKKb1M
+ Video trình diễn sống, Minh Tuyết:
https://www.youtube.com/watch?v=ZwFVFCgwi0Q
Xuân ca – Phạm Duy
Xuân ca được viết vào năm 1961, trong giai đoạn Phạm Duy viết những ca khúc có cái nhìn mang tính triết học về luật tử sinh của một kiếp người. Trong ca khúc này, tác giả cho thấy mùa xuân đã có trong ông từ lúc cha mẹ mới lấy nhau, rồi ông trở thành một bào thai trong bụng mẹ, cất tiếng khóc chào đời, rồi lớn lên với biết bao nỗi vui buồn của tình đời. Phạm Duy yêu cuộc sống, cho nên mong rằng nếu mai này có chết đi, thì lại được tái sinh làm người, để tiếp tục sống trong những mùa xuân nhân loại.
Có lẽ vì cho rằng mùa xuân trong một đời người là bất tận, Phạm Duy đưa ca khúc Xuân ca vào liveshow đầu tiên ở Việt Nam, dù lúc đó không phải vào mùa xuân.
Video âm thanh, Hợp ca Asia:
https://www.youtube.com/watch?v=-11eT3Q6bGk
Xuân họp mặt – Văn Phụng
Những ngày Tết là dịp để những người đi làm và học hành nơi xa trở về họp mặt cùng nhau trong không khí ấm áp và thiêng liêng. Chính truyền thống sum họp đó mang lại cảm hứng cho Văn Phụng sáng tác nên ca khúc Xuân họp mặt vào năm 1973.
+ Video trình diễn sống, hợp ca:
https://www.youtube.com/watch?v=fQQ7YAw4JwQ
Một số ca khúc khác
Có một số ca khúc tôi yêu thích nhưng ít khi được trình diễn, có lẽ vì không hợp với lòng yêu thích của số đông chăng? Cũng có ca khúc không phổ biến lắm nhưng tôi tìm thấy cách trình bày độc đáo. Lại có ca khúc một thời vang tiếng nhưng rồi dần dà có thể chìm trong quên lãng vì lý do này hoặc lý do khác. Thế nên ở đây tôi giới thiệu ca khúc thuộc những trường hợp đó.
Ba ơi con muốn hát Ba nghe - Yên Lam
Phần trình diễn dưới đây nghe thật sảng khoái! Thiếu nhi hát ca khúc thiếu nhi đúng chất thiếu nhi. Hy vọng bài hát này sẽ vượt thời gian!
+ Video trình diễn sống, Bé Bào Ngư & Quách Tuấn Du:
https://www.youtube.com/watch?v=gjZ-hlu5Gq0
* Đêm giã từ - Y Vân
Tôi thích âm điệu và ca từ của ca khúc này, nhưng chỉ tìm được một bản trình diễn mình ưng ý (tính đến tháng 1/2020). Có thể nào ca khúc hay như vậy lại không vượt thời gian!
Video âm thanh, Lưu Hồng:
https://www.youtube.com/watch?v=oS5NtdcOPD0
Giọt mưa thu - Đặng Thế Phong
Theo Wikipedia.
Đặng Thế Phong (1918-1942) là nhạc sĩ thuộc thế hệ tiên phong của tân nhạc Việt Nam, một trong những gương mặt tiêu biểu nhất cho giai đoạn âm nhạc tiền chiến. Ông mất năm 24 tuổi và chỉ để lại ba nhạc phẩm: Đêm thu, Con thuyền không bến và Giọt mưa thu.
Cả ba ca khúc của ông đều viết về mùa thu và hai trong số đó - Con thuyền không bến và Giọt mưa thu - được xếp vào những tác phẩm bất hủ của tân nhạc Việt Nam. Giọt mưa thu cũng là cảm hứng cho nhạc sĩ Hoàng Dương sáng tác bài Tiếc thu nổi tiếng. Nhiều ý kiến cho rằng Trịnh Công Sơn chịu ảnh hưởng bởi Giọt mưa thu khi viết ca khúc đầu tay Ướt mi.
Ngay từ những ngày xưa, tôi nghe cả ba ca khúc của Đặng Thế Phong và thấy sao mà giai điệu bài nào cũng buồn quá! Nghe rồi thì không thấy tâm hồn mình thư giãn gì cả, lại còn nặng nề thêm. Riêng bài Đêm thu có điệp khúc với điệu valse dìu dặt nhưng ca từ toàn bài vẫn nghe u buồn. Vì thế tôi chỉ đưa bài Giọt mưa thu ở đây như là một tư liệu về lịch sử âm nhạc.
Video âm thanh, Ngọc Hạ:
https://www.youtube.com/watch?v=rwB7jAvreco
Khúc ru - Hồng Kiên
Sau bài Lòng mẹ của Y Vân, thêm một ca khúc về người mẹ thật cảm động và sâu lắng. Nhưng vì sao tôi chỉ có thể kiếm được một bài trình diễn hay của Khánh Linh???.
+ Bản thu âm, Khánh Linh, với ca từ:
https://nhac.vn/bai-hat/khuc-ru-khanh-linh-soB4n0J
Kiếp nghèo - Lam Phương
Bài hát có nội dung u buồn nhưng điệu tango giúp bài hát này thanh thoát hơn, thậm chí với cách phối khí và trình diễn thích hợp có thể cho thấy niềm vui trong nỗi nghèo.
Video trình diễn sống, Lệ Quyên:
https://www.youtube.com/watch?v=eqpRrGuOQrs
Video trình diễn sống, Hoàng Bá Huy, trong chương trình “Thần Tượng Bolero”:
https://www.youtube.com/watch?v=6h6FGHj14yE
Làng tôi - Chung Quân
Theo Dòng Nhạc Xưa (2012b).
Nhạc sĩ Chung Quân là một trong số những nhạc sĩ chỉ để lại cho đời một vài tác phẩm nhưng lại là những sáng tác để đời. Làng tôi là một nhạc phẩm đẹp từ giai điệu đến ca từ.
Chung Quân tên thật là Nguyễn Đức Tiến, sinh năm 1936. Năm 1952, khi mới 16 tuổi, bản Làng tôi của ông đã giành được giải của công ty điện ảnh, tuồng cải lương Kim Chung ở Hà Nội để làm bản nhạc nền cho phim Kiếp hoa, một trong số ít những phim Việt Nam được thực hiện trong thời kỳ này.
Chung Quân dạy môn nhạc tại hai trường trung học Chu Văn An và Nguyễn Trãi. Thời gian giảng dạy ở trường Nguyễn Trãi, Chung Quân là thầy dạy nhạc của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng sau này như Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Đức Huy, Nam Lộc…
+ Bản ghi âm, Mỹ Tâm,  với ca từ:
https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/lang-toi-my-tam.Q4vKNS0Kh6.html
Lời kinh đêm - Mán Thuần - Việt Dzũng
Bài hát gây xúc động sâu sắc cho nhiều người. Nhạc sĩ Trúc Hồ cho rằng “đây là một nhạc phẩm tuyệt vời.” Tôi đưa Lời kinh đêm ra đây như là một tư liệu lịch sử về âm nhạc chứ không mong ca khúc cứ vượt thời gian mãi, bởi vì thiển nghĩ chúng ta cần tiến tới để lo cho cuộc sống ngày một tốt hơn chứ không mãi vướng bận vào những buồn đau trong quá khứ.
Ngứa cổ hát chơi - Trần Thanh Sơn
Một ca khúc dễ thương như thế này, tôi tự hỏi tại sao rất ít khi được trình bày.
+ Video âm thanh, Tam Ca 3A:
https://www.youtube.com/watch?v=aE6DLjLqZKY
Như một lời chia tay - Trịnh Công Sơn
+ Bản ghi âm, Trịnh Công Sơn, với ca từ, hiếm hoi tiếng hát của tác giả được thu âm với dàn nhạc chỉn chu:
https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/nhu-mot-loi-chia-tay-trinh-cong-son.drEgbtAohfkv.html
Trở về Huế - Văn Phụng
Thêm một bản tango hiếm hoi với giai điệu phương Tây và đầy tình tự quê hương phương Đông - là nét đặc trưng của Văn Phụng.
+ Bản thu âm, Nguyễn Hưng, với ca từ:
https://nhacdanca.net/tro-ve-hue.html
+ Video âm thanh, Ngọc Hạ:
https://www.youtube.com/watch?v=LVwbsGb_L5A
Kết luận:
Chỉ khi tổng hợp bài này, tôi mới nhận ra rằng nhiều ca khúc được giới thiệu ở trên được những ca sĩ, dàn nhạc và nghệ sĩ múa sau này trình diễn rất hay, phần đông thoát ra khỏi trạng thái ủy mị thường nghe ở ngày xưa. Đặc biệt là những cuộc thi ở Việt Nam giúp phát hiện tài năng mới, làn điệu mới và cách dàn dựng mới, lại thêm chăm chút về phối khí nhạc đệm và hát bè – tất cả đều nâng nghệ thuật âm nhạc lên tầm cao mới và mang thêm nhiều sảng khoái cho người thưởng thức. Vẫn có điệu buồn, nhưng không buồn nặng nề, mang lại đúng giá trị giải trí cho khán/thính giả. Qua âm nhạc, cá nhân tôi muốn được thư giãn nhẹ nhàng chứ không muốn vận vào mình những nỗi sầu.
Nhưng trong việc phát hiện tài năng trẻ, đặc biệt tài năng nhí, có vấn nạn phát triển trẻ quá sớm, ở tuổi còn thơ mà trông già dặn quá mức, hát tỉ tê về mối tình, tình sầu… Các bậc phụ huynh và các huấn luyện viên âm nhạc ơi!, hãy để các em phát triển tự nhiên theo độ tuổi của chúng, đừng tập cho các em hát như người lớn. Đừng khuyến khích các ca sĩ nhí nỉ non kể lể Buồn riêng một mình ai/ Chờ mong từng đêm gối chiếc, hoặc Ngày xưa, ngày xưa đã hết rồi, hoặc Tâm tư cô đơn trách con tàu nỡ sao đành/ Đem yêu thương đi đến nơi nào cách đôi tình, hoặc Anh gối tay tôi để nói chuyện xưa cũ/ Gói trọn trong nỗi nhớ (do bé trai hát, và kế tiếp các giám khảo bấm nút liên tục để chấp nhận).
Mặt khác, đã có thành công rực rỡ khi các em trình diễn những bài thuộc dạng khó về tình tự quê hương và tình tự dân tộc như Hội trùng dương hoặc Hòn Vọng Phu. Tôi cũng như nhiều khán giả khác vô cùng xúc động với hai bài trình diễn đó. (Tôi chảy nước mắt khi xem bài đầu, và hóa ra một giám khảo khóc thật sự vì bài đó). Còn nữa: Bài ca đất phương Nam, Nhạt nắng, Tiếng dân chài… Và nhất là bài Ba ơi con muốn hát Ba nghe (tôi nghe bài này mà nổi da gà!) Cần khai thác âm nhạc thiếu nhi theo đường hướng đó. Còn chuyện tình sầu, tình cô đơn, nhớ nhung, đổ vỡ… thì xin đừng! Mang các em ra khoe “tài không đợi tuổi” kiểu đó thì không hay chút nào. Hoặc là, tản mạn một chút, tập cho các em múa điệu dân gian Việt, múa Chăm hay tương tự thì được, nhưng múa bụng kiểu Ả Rập thì nên nghĩ lại.
Còn có một chuyện lăn tăn nữa là việc trình diễn bị thương mại hóa một cách thô thiển. Đúng là nhà đài cần có tài trợ thì mới dàn dựng được hoàng tráng, nhưng phải có chừng mực và tế nhị. Khán giả xem ca sĩ hát và xem luôn các nhãn hiệu bột giặt, thức uống chứa hương liệu hóa chất, thuốc sinh lý nam… trưng bày hiển hiện trên sân khấu hoặc trường quay thì cảm xúc thưởng thức giảm đi nhiều. May mà không như xem hát cải lương, có lúc suốt bài vọng cổ mùi mẫn phải xem cả logo băng vệ sinh phụ nữ trên sân khấu! Vì thế, bạn nên dùng headphone chụp lên hai vành tai rồi nhắm mắt lại mà nghe bản thu âm hoặc video âm thanh, nhằm cảm nhận âm thanh được trọn vẹn hơn.
Tóm lại, ngoài những phần trình diễn làm lay động lòng người còn có những cách hát vô hồn, không thể hiện tâm tình của ca từ hoặc bài thơ được phổ nhạc. Các ca sĩ ơi!, hãy nhập hồn vào bài hát, rồi hát cho chính bạn chứ không phải cho khán giả, không phải cho giám khảo. Ba đôi song ca Trịnh Công Sơn - Khánh Ly, Lê Uyên -Phương và Từ Công Phụng - Từ Dung ngày xưa đã từng hát như thế. Chẳng có dàn dựng phông nền, chẳng có múa minh họa, chẳng có dàn nhạc, trong khi ánh sáng chỉ là vài bóng đèn sẵn có và hệ thống âm thanh thì quá sơ sài. Nhưng họ đi vào lòng người vì họ hát với cái hồn thật sự lồng vào từng bài hát. Hát vì mê hát, chứ chẳng vì danh hiệu gì cả.
Nguồn tham khảo:
Anon. (2011). Pleiku thân yêu - Từ Kỷ niệm đến Những bước chân âm thầm.
http://www.pleikucafe.com/ver2/tin-tuc-24h/pleiku-xua-va-nay/pleiku-than-yeu-tu-ky-niem-den-nhung-buoc-chan-am-tham.html
Anon. (2014). Nguyễn Ánh 9 than phiền vì ca khúc bị “phá nát”.
http://baodatviet.vn/van-hoa/tin-tuc-giai-tri/nguyen-anh-9-than-phien-vi-ca-khuc-bi-pha-nat-3047862/
Anh Mai (2015). ‘Ca dao em và tôi’ - Khúc tình ca còn mãi với thời gian. 
https://vnexpress.net/giai-tri/ca-dao-em-va-toi-khuc-tinh-ca-con-mai-voi-thoi-gian-3243351.html
Anh Tú (2018). Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông: ‘Chiều mưa biên giới’ là biên giới nào?
https://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/am-nhac-c-126/nhac-si-nguyen-van-dong-chieu-mua-bien-gioi-la-bien-gioi-nao-83027.html
Cung Mi/ SBTN (2016). Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước: xuất sắc trong cả nhạc Tây lẫn nhạc Ta. 
https://www.sbtn.tv/nhac-si-duong-thieu-tuoc-xuat-sac-trong-ca-nhac-tay-lan-nhac-ta/
Dòng Nhạc Xưa (2012a). Anh cho em mùa xuân: nụ hoa vàng vẫn nở. 
https://www.dongnhacxua.com/anh-cho-em-mua-xuan
Dòng Nhạc Xưa (2012b). Nhạc sỹ Chung Quân (1936-1988) & Làng tôi. 
https://www.dongnhacxua.com/lang-toi-chung-quan
Dòng Nhạc Xưa (2013a). Ảo ảnh (Y Vân). 
https://www.dongnhacxua.com/ao-anh-y-van
Dòng Nhạc Xưa (2013b). Đan Thọ (1924): Chiều Tím. 
http://www.dongnhacxua.com/chieu-tim-dan-tho
Dòng Nhạc Xưa (2014). Mùa xuân đầu tiên. 
https://www.dongnhacxua.com/mua-xuan-dau-tien
Dòng Nhạc Xưa (2015a). Con đường xưa em đi (Châu Kỳ – Hồ Đình Phương).
https://www.dongnhacxua.com/con-duong-xua-em-di-chau-ky-ho-dinh-phuong
Dòng Nhạc Xưa (2015b). Thu vàng (Cung Tiến). 
https://www.dongnhacxua.com/thu-vang-cung-tien
Dòng Nhạc Xưa (2016a). Duyên tình (Xuân Tiên – Y Vân). 
https://www.dongnhacxua.com/duyen-tinh-xuan-tien-van
Dòng Nhạc Xưa (2016b). Hoài cảm (Cung Tiến). 
https://www.dongnhacxua.com/hoai-cam-cung-tien
Dòng Nhạc Xưa (2017a). Bến xuân: hoài niệm cả đời cho một lần gặp gỡ.
https://www.dongnhacxua.com/ben-xuan-hoai-niem-ca-doi-cho-mot-lan-gap-go
Dòng Nhạc Xưa (2017b). Bến xuân xanh (Dương Thiệu Tước).
https://www.dongnhacxua.com/ben-xuan-xanh-duong-thieu-tuoc
Dòng Nhạc Xưa (2017c). Hoàng Trọng: Vua Tango. 
https://www.dongnhacxua.com/hoang-trong-vua-tango
Dương Minh Đức (2014). Nhạc sĩ Văn Cao “mùa xuân đầu tiên”. Tuyệt tác cuối cùng.
http://congly.vn/giai-tri/nhac/nhac-si-van-cao-mua-xuan-dau-tien-tuyet-tac-cuoi-cung-39259.html
Gia Bảo (2019). Bị vợ Trần Thiện Thanh phản ứng, Đức Tuấn: Tôi không sửa lời ‘Hoa trinh nữ’. 
https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/nhac/bi-vo-tran-thien-thanh-phan-ung-duc-tuan-toi-khong-sua-loi-hoa-trinh-nu-513684.html#inner-article
Giao Anh (2016). “Chị tôi” - ca khúc bất hủ về phụ nữ khiến Trần Tiến sợ nhất.
https://www.tinmoi.vn/chi-toi-ca-khuc-bat-hu-ve-phu-nu-khien-tran-tien-so-nhat-011397722.html
Hà Đình Nguyên (2011a). Trần Quảng Nam: “Mười năm tình cũ” tới “Kim Vân Kiều”.
https://thanhnien.vn/van-hoa/tran-quang-nam-muoi-nam-tinh-cu-toi-kim-van-kieu-335346.html
Hà Đình Nguyên (2011b). Từ “Trường làng tôi” đến “Mùa thu không trở lại”.
https://thanhnien.vn/van-hoa/tu-truong-lang-toi-den-mua-thu-khong-tro-lai-327128.html
Hà Đình Nguyên (2012). Từ Bến xuân đến Cô láng giềng.
https://thanhnien.vn/van-hoa/tu-ben-xuan-den-co-lang-gieng-440301.html
Hà Đình Nguyên (2013). Em đến thăm anh một chiều mưa. 
https://nhacxua.vn/em-den-tham-anh-mot-chieu-mua/
Hà Đình Nguyên (2014). Thoáng gặp, thoáng yêu trong nắng chiều. 
https://nhacxua.vn/thoang-gap-thoang-yeu-trong-nang-chieu/
Hà Thu (2016). ‘Một mình’ - tình yêu đích thực trong sự cô đơn của Thanh Tùng.
https://vnexpress.net/giai-tri/mot-minh-tinh-yeu-dich-thuc-trong-su-co-don-cua-thanh-tung-3370231.html
Hiếu Dũng - Ngân Vi (2013). Kỳ 6: Yêu nhau kiếp nào.
https://thanhnien.vn/van-hoa/ky-6-yeu-nhau-kiep-nao-439759.html
Hoài Ân (2019). Đôi dòng cảm nhận về ca khúc “Thiên Thai” của Văn Cao. 
https://viettri.net/doi-dong-cam-nhan-ve-ca-khuc-thien-thai-cua-van-cao/
Hoàng Lan Chi (2011). Quê Nghèo-Phạm Duy. 
http://hoanglanchi.com/?p=466
Hoàng Nguyên Vũ (2006). Giáng Son: Này giấc mơ trưa bao giờ em về…
https://thanhnien.vn/van-hoa/giang-son-nay-giac-mo-trua-bao-gio-em-ve-171012.html
Hoàng Thanh Tâm (2012). CHIẾC LÁ CUỐI CÙNG (Tuấn Khanh) - Hoàng Thanh Tâm. 
http://hoangthanhtam.blogspot.com/2012/12/chiec-la-cuoi-cung-tuan-khanh-hoang.html
Hồ Bất Khuất (2013). Nhạc sĩ Văn Cao và “Mùa xuân đầu tiên”.
https://baomoi.com/nhac-si-van-cao-va-mua-xuan-dau-tien/c/10917764.epi
Huy Hùng (2014). Bật mí về ca khúc “Lời thì thầm mùa xuân”.
http://baicadicungnamthang.net/tu-lieu/bat-mi-ve-ca-khuc-loi-thi-tham-mua-xuan-559.html
Lê Phú Hải (2016). Thoáng Hương Qua - Em Lễ Chùa Này.
https://tuongtri.com/2016/03/21/thoang-huong-qua-em-le-chua-nay/
Lương An Cảnh (2016). Nhạc sĩ Anh Việt Thu và sự ra đời ca khúc “Hai vì sao lạc”.
https://amnhac.fm/anh-viet-thu/6066-nhac-si-anh-viet-thu-va-su-ra-doi-ca-khuc-hai-vi-sao-lac
Mai Nhật (2017). Vũ Thành An: ‘Đời phù du nhưng tình yêu có thật’.
https://vnexpress.net/giai-tri/vu-thanh-an-doi-phu-du-nhung-tinh-yeu-co-that-3626580.html#ctr=related_news_click
Minh Minh (2018). Hà Trần bộc bạch “Mã gen không ngủ yên” của ca khúc “Sắc màu”.
http://phunuvietnam.vn/ha-tran-boc-bach-ma-gen-khong-ngu-yen-cua-ca-khuc-sac-mau-post39181.html
Mộc Uyển (2018). ‘Khúc thụy du’ - Từ thơ Du Tử Lê tới bản nhạc vạn người mê.
https://news.zing.vn/khuc-thuy-du-tu-tho-du-tu-le-toi-ban-nhac-van-nguoi-me-post859014.html
Nam Lộc (2009). Vĩnh biệt anh Long… “Đất” của tụi em.
http://forum.trungtamasia.com/yaf_postst1470_Gia-Tu-Mot-Tai-Danh-Long-Dat-Da-Di-Roi-new.aspx#post11840
Ngân Giang & Sang Ngô (2017). 9 điều cần biết về ‘Nối vòng tay lớn’ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn 
https://news.zing.vn/9-dieu-can-biet-ve-noi-vong-tay-lon-cua-nhac-si-trinh-cong-son-post736575.html
Ngô Tịnh Yên (2016). ‘Nếu Có Yêu Tôi’… và 45 năm tình ca Trần Duy Đức.
https://www.nguoi-viet.com/giai-tri/Neu-Co-Yeu-Toi-va-45-nam-tinh-ca-Tran-Duy-Duc-5900/
Ngữ Yên (2017). Tiết lộ vì sao ca khúc ‘Ly rượu mừng’ bị cấm hát 40 năm.
https://thanhnien.vn/van-hoa/tiet-lo-vi-sao-ca-khuc-ly-ruou-mung-bi-cam-hat-40-nam-779580.html
Nguyễn Đình Cường (2001). Một chút giai thoại về bài hát Mộng Dưới Hoa.
http://www.hocxa.com/Nhac/PhamDinhChuong/PhamDinhChuong_NguyenDinhCuong.php
Nguyễn Đình Toàn (2000). Phạm Đình Chương.
http://www.hocxa.com/Nhac/PhamDinhChuong/PhamDinhChuong_NguyenDinhToan.php
Nguyễn Hằng (2017). Chí Tài tiết lộ bí mật phía sau bài hát “Dạ khúc” của nhạc sĩ Quốc Bảo.
https://dantri.com.vn/van-hoa/chi-tai-tiet-lo-bi-mat-phia-sau-bai-hat-da-khuc-cua-nhac-si-quoc-bao-20170901145611334.htm
Nguyễn Hoàng Linh (2016). Ngày xuân, nghe lại “ly rượu mừng”, nhớ Phạm Đình Chương.
http://nhipcauthegioi.hu/Van-hoa/NGAY-XUAN-NGHE-LAI-LY-RUOU-MUNG-NHO-PHAM-DINH-CHUONG-5018.html
Nguyên Minh (2015): Nhạc sĩ ‘Lòng mẹ’ Y Vân: 60 năm cuộc đời không lãng quên.
https://thethaovanhoa.vn/video/giai-tri/nhac-si-long-me-y-van-60-nam-cuoc-doi-khong-lang-quen-n20150806150646888.htm
Nguyễn Ngọc Quang (2018). Tuấn Ngọc “Riêng Một Góc Trời” & Ngô Thụy Miên Một Đời Cho Tình Ca.
https://www.tongphuochiep.com/index.php/bao-chi/tac-gi-tac-ph-m/26609-tu-n-ng-c-rieng-m-t-goc-tr-i-ngo-th-mien-m-t-d-i-cho-tinh-ca
Nguyễn Thanh Thủy. Những điển tích trong “Hương Xưa” của NS Cung Tiến.
http://cothommagazine.com/index.php?option=com_content&task=view&id=1349&Itemid=47
Nguyễn Thụy Kha (2017). Gặp tác giả “mười năm tình cũ”.
https://laodong.vn/van-hoa/gap-tac-gia-muoi-nam-tinh-cu-520528.ldo
Nguyễn Thụy Kha (2018). Gặp Tuấn Khanh “Chiếc lá cuối cùng” ở Mỹ.
https://nld.com.vn/van-nghe/gap-tuan-khanh-chiec-la-cuoi-cung-o-my-20180529212151214.htm
Nhạc Tương Như (2013). Những điều ít được biết về bài hát ‘Đôi mắt người Sơn Tây’. 
https://vnexpress.net/y-kien/nhung-dieu-it-duoc-biet-ve-bai-hat-doi-mat-nguoi-son-tay-2909281.html
Phạm An (2013). Những nhạc phẩm bất hủ của Phạm Duy. 
https://www.24h.com.vn/ca-nhac-mtv/nhung-nhac-pham-bat-hu-cua-pham-duy-c73a517196.html
Quỳnh Dao (2016). Người đẹp và suối tóc. 
https://www.dongnhacxua.com/nguoi-dep-va-suoi-toc
T.N. (2013).  Điều thú vị trong 9 bài hát nổi tiếng của Trịnh Công Sơn. 
http://giaoduc.net.vn/Van-hoa/Am-nhac/Dieu-thu-vi-trong-9-bai-hat-noi-tieng-cua-Trinh-Cong-Son-post114884.gd
Tâm Giao (2019). Vợ cố nhạc sĩ Y Vân kể về sự chung thủy của chồng. 
https://vnexpress.net/giai-tri/vo-co-nhac-si-y-van-ke-ve-su-chung-thuy-cua-chong-3898317.html
Thiên Điểu (2019). Ngôi sao ban chiều, mối tình thời chiến và số phận kỳ lạ của bản tình ca. 
https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/ngoi-sao-ban-chieu-moi-tinh-thoi-chien-va-so-phan-ban-tinh-ca.html
Thu Thảo (2019). Đức Tuấn lên tiếng về vụ lùm xùm bị vợ nhạc sĩ Trần Thiện Thanh chỉ trích vì hát sai lời. 
http://helino.ttvn.vn/helino/duc-tuan-len-tieng-ve-vu-lum-xum-bi-vo-nhac-si-tran-thien-thanh-chi-trich-vi-hat-sai-loi-2220191539022394.htm
Trầm Thiên Thu (2014). Hoài cảm - Cung Tiến. 
http://vanthonhactrieuchau.blogspot.com/2014/11/hoai-cam-cung-tien.html
Trần Chí Phúc (2015a). Anh Cho Em Mùa Xuân - Nhớ thi sĩ Kim Tuấn - nhạc sĩ Nguyễn Hiền. 
https://www.sbtn.tv/anh-cho-em-mua-xuan-nho-thi-si-kim-tuan-nhac-si-nguyen-hien/
Trần Chí Phúc (2015b). Thiên Thai - ca khúc thần tiên của nhạc sĩ Văn Cao. 
https://www.sbtn.tv/thien-thai-ca-khuc-than-tien-cua-nhac-si-van-cao/
Trần Hoàng Trường Hải (2015). [Âm Nhạc] Tình Khúc Thứ Nhất. 
https://tranhoangtruonghai.wordpress.com/2015/08/27/am-nhac-tinh-khuc-thu-nhat/
Trần Hữu Ngư (2017). Hoàn cảnh ra đời: “Những bước chân âm thầm”. 
http://vanthonhactrieuchau.blogspot.com/2017/05/nho-thuong-kim-tuan1938-2003-toi-quen.html
Trần Lê Túy Phượng (2015). Dân ca dân nhạc Việt Nam - Bà rằng bà rí. 
https://dotchuoinon.com/2015/03/19/dan-ca-dan-nhac-vn-ba-rang-ba-ri/
Trần Lê Túy Phượng (2016a). Tân nhạc Việt Nam - Thơ phổ nhạc - “Lá diêu bông”, “Tình cầm” - Hoàng Cầm - Phạm Duy. 
https://dotchuoinon.com/2016/02/14/tan-nhac-bn-tho-pho-nhac-la-dieu-bong-hoang-cam-pham-duy/
Trần Lê Túy Phượng (2016b). Tân nhạc Việt Nam - Thơ phổ nhạc - “Tiếng sáo thiên thai” - Thế Lữ - Phạm Duy. 
https://dotchuoinon.com/2016/01/07/tan-nhac-vn-tho-pho-nhac-tieng-sao-thien-thai-the-lu-pham-duy/
Trần Quang Hải. Tiểu sử nhạc sĩ Xuân Lôi. 
https://tranquanghai.info/v1/p1095-tran-quang-hai%3A-tieu-su-nhac-si-xuan-loi.html
Trần Thanh Hà (2012). Đêm thấy ta là thác đổ. 
https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=18260
Trí Lực (2018). Ngô Thụy Miên với tuyệt phẩm ‘Niệm khúc cuối’: Dù sao đi nữa xin vẫn yêu em.  
https://www.dkn.tv/nghe-thuat/ngo-thuy-mien-voi-niem-khuc-cuoi-du-sao-di-nua-xin-van-yeu-em.html
Trí Lực (2018). Tuyệt phẩm ‘Diễm xưa’: Trịnh Công Sơn, với mưa và Diễm của một cố đô xưa đầy hoài niệm. 
https://www.dkn.tv/nghe-thuat/trinh-cong-son-voi-mua-va-diem-cua-mot-co-do-xua-day-hoai-niem.html
Trịnh Công Sơn. Cát bụi. 
https://www.tcs-home.org/writings/CatBui
Trọng Thịnh (2019). Vụ Đức Tuấn bị tố hát sai lời “Hoa trinh nữ”: Con gái Trần Thiện Thanh: Mỹ Lan tự nhận là vợ bố tôi, không thừa kế tác quyền. 
https://www.tienphong.vn/van-hoa/con-gai-tran-thien-thanh-my-lan-tu-nhan-la-vo-bo-toi-khong-thua-ke-tac-quyen-1390535.tpo
Tuấn Hà. ‘Trên đỉnh Phù Vân’ - tròn 2 thập kỷ thổn thức nỗi lòng người Việt. 
https://saostar.vn/am-nhac/tren-dinh-phu-van-tron-2-thap-ky-thon-thuc-noi-long-nguoi-viet-584444.html
Tuấn Khanh (2017). Ly rượu mừng giữa cuộc bể dâu. 
https://nhacsituankhanh.wordpress.com/2017/01/29/ly-ruou-mung-giua-cuoc-be-dau/
Tường Bách (2019). “Bóng hồng” trong nhạc phẩm Hoa nở về đêm của nhạc sĩ Mạnh Phát. 
http://congan.com.vn/van-hoa-giai-tri/he-lo-danh-tinh-nguoi-phu-nu-bi-mat-trong-nhac-pham-hoa-no-ve-dem-cua-nhac-si-manh-phat_68489.html
Tuy Hòa (2018). Nhạc sĩ Y Vân: Mối tình đầu mở lối vào âm nhạc. 
http://vnca.cand.com.vn/Tu-lieu-van-hoa/Nhac-si-Y-Van-Moi-tinh-dau-mo-loi-vao-am-nhac-515091/
TVTS (2009). PHẠM MẠNH CƯƠNG: trên 50 năm sống trong nguồn vui âm nhạc. 
https://tvtsonline.com.au/vi/van-nghe/nghe-si-viet-nam/pham-manh-cuong-tren-50-nam-song-trong-nguon-vui-am-nhac/
VnExpress. (2012). Dương Thụ: ‘Hồng Nhung hát nhạc tôi hay nhất’. 
https://vnexpress.net/giai-tri/duong-thu-hong-nhung-hat-nhac-toi-hay-nhat-2361202.html
Vườn CVA 5461 (2017). Vĩnh biệt nhạc sĩ Hoàng Dương. 
https://sites.google.com/site/cauchuyenvanhocnghethuat/vhnt-95
Vương Hà (2013). Nhân vật - Khánh Ly công bố sự thật về “mối tình” với Trịnh Công Sơn. 
https://www.nguoiduatin.vn/khanh-ly-cong-bo-su-that-ve-moi-tinh-voi-trinh-cong-son-a37871.html
Yến Trinh - Tiến Long (2016). “Động hoa vàng” của Phạm Thiên Thư. 
https://tuoitre.vn/dong-hoa-vang-cua-pham-thien-thu-1230469.htm
Tháng 1/2020
Diệp Minh Tâm tổng hợp
Theo https://tamdiepblog.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cao Thanh Mai trằn trọc với Ngày ấy chưa xa Ngày 27/07/2024, Nhà văn, Thượng tá Cao Thanh Mai tổ chức ra mắt tập truyện ngắn vừa xuất bả...