Thứ Ba, 7 tháng 7, 2020

Miền sóng vỗ không nguôi

Miền sóng vỗ không nguôi
Đêm ở Nhà Mát không thể nào ngủ được. Trăng sáng mời mọc tới lịm người. Ngực biển căng vồng lên như tuổi xuân thì của thiếu nữ. Sóng lừng lựng từ khơi xa dồn về, òa ập vỗ bờ như không bao giờ dừng lại được. Rừng dương lốm đốm những khoảng sáng như dát bạc. Tôi nghiệm ra bao giờ cũng vậy: đến Nhà Mát vào mùa trăng, muốn ngủ thì phải trầm mình vào sóng biển cho kiệt cùng sức lực, hoặc là kéo một chai Xuân Thạnh lên động cát, ngồi hướng ra trời nước bao la mà uống cho thật say.
Lâu lắm. Cách đây chừng hai mươi năm, lần đầu tiên đi Cầu Ngang, Duyên Hải, tôi đã nhận ra rằng, miền động cát khô rang này là miền sóng vỗ không nguôi. Chỉ cần sập mặt trời lưng lưng điếu thuốc, tiếng sóng đã dội lên; nao niết từng chập từng chập, òa ập từng hồi từng hồi, như dội về âm thanh tiền kiếp của đời đất, đời rừng và đời người.
Hồi đó, tôi không còn nhớ rõ là lúc nào, tôi với anh Lê Bình (bây giờ là Phó ban Tuyên giáo Trà Vinh), ngồi uống rượu với ông già của anh trong một căn nhà lá cất sát bên động cát cao ngời ngợi, ông già lôi trong hộc tủ thờ ra một cây súng sáu, nói:
- Qua tử thủ hồi nào tới giờ ở đây, tụi nó ngon thì trở lại! Chỗ động cát kia kìa, từng một chiếc “chuồng heo” bị bắn rớt bởi súng trường garăn.
Chuyện như đùa mà có thật đến khó tin nổi.
Bữa đó có hai tay súng sồn sồn leo lên ngồi nhậu dưới gốc cây trên động cát. Rượu đà đà, thốt có tiếng OV10 vè vè liệng tới bay thám thính. Một người nói, tạm ngưng nhậu để chun hầm cho chắc cú; người kia đang hứng nổi quạu, biểu đứa nào nhát cứ việc chun hầm. Vậy là cãi nhau. Bởi lẽ không người nào chịu mình nhát. Cả hai đứng chàng hảng trên động cát, cùng chĩa súng lên trời. Chiếc chuồng heo trờ tới. Súng nổ rầm rầm. Mới hai viên đã thấy nó xịt khói, bay cà niễng cà niễng rồi đâm chúi xuống biển. Lập tức pháo các nơi tới tấp dội về như dập bão. Chai rượu còn một khúc, bay mất tiêu mất tích. Nhiều trái pháo lạc ra biển, báo hại cá đối bể bụng, chết xếp lớp, sóng đánh dạt vào bờ trắng xóa. Vậy mà chai rượu lại biến mất. Thật tiếc đứt cả ruột.
Hình như đó cũng là một nét tính cách của dân miệt biển Trà Vinh.
Hôm Lê Tân dẫn chúng tôi đến chơi nhà Út Hăng, tôi cứ bấn bíu nghĩ mãi về tay súng gộc của xã Trường Long Hòa sắt thép. Ngoài sáu mươi tuổi. Vẫn xông xáo, vẫn chịu chơi như không hề biết đến tuổi tác.
Vừa cùng chúng tôi từ ấp Cồn Ông về tới nhà, Út Hăng đã rổn rảng:
- Đứa nào tiếp tao bắc nước, để tao cắt cổ con gà nấu cháo.
Trời ạ! Ai cũng ngán gà vịt tới tận cần cổ. Cá khoai nấu mẳn với cà chua mới là mồi bén. Nhưng chắc Út Hăng nghĩ cá khoai là cá rẻ tiền, nên mới lén chạy đi kêu thêm bò xào. Y như rằng thịt bò bị ế nhệ, còn cá khoai nóng hôi hổi thì múc ra bao nhiêu cũng hết. Thứ cá thiệt lạ. Thịt hơi nhão, xương mềm như sụn, nhưng lại rất ngọt; ăn thơm chứ không hề có mùi tanh. Thêm nhiều hành, tiêu thì mùi thơm càng lựng lên, điếc cả mũi. Cá chấm với mắm nhỉ rươi, nhai luôn cả xương, lại càng béo. Nước mẳn thì phải húp nóng từng muỗng lớn mới thấm hết
hương vị thơm thảo của nó.
Chiêu thêm hớp rượu, mồ hôi vả ra, mệt nhọc một ngày trời lạng lách trên những con đường lún ngập cát, bay biến đi đâu sạch bách. Cá ngon vậy nhưng lại không xuất đi đâu được, bởi lẽ cá khoai tươi thịt nhão, không để được lâu. Muốn ăn tươi cứ phải mài đít quần trên yên xe mò xuống biển. Làm biếng không chịu xa nhà, chỉ có nước mua cá khô khoai về nướng, rồi nhâm nhi với điệu “Lý kéo chài”.
Út Hăng tên là Trần Hoàng Hăng, nguyên là Bí thư xã Trường Long Hòa sắt thép thời chống Mỹ. Qua thời bình, có một đận là trưởng Tuyên huấn huyện rồi mới nghỉ, do thỉnh thoảng hay bị vết thương hành đau nhức. Tiếng là nghỉ, nhưng ông xông xáo công việc xã ấp còn hơn cả cọp rừng đước, hơn cả lợn lòi rừng chà là. Ở đâu có việc là có ông. Ông lăn xả làm không công, bởi theo ông: giàu cũng đến đó là cùng. Mà giàu là gì thì ông đâu thèm ghé mắt nhìn. Cái nhà lá bằng bụm tay, nền đất nứt nẻ, âm ẩm; ánh sáng thời hiện đại là cái bóng điện tròn 75W, bật lên thấy phun ra thứ ánh sáng màu đỏ của một thời lửa máu. À, còn cái radio 3 băng nữa. Tuổi già mắt yếu nên ông chịu khó nghe đài thay cho đọc báo. Ở rìa ngoài mép xã, mà thổ cư chỉ vỏn vẹn vài trăm mét; vừa đủ trồng mấy cây đước sát mí vuông sân, đặng có bóng mát ngồi nhậu với bạn bè. Giàu cũng nhậu mà nghèo cũng nhậu, có hơn gì nhau; ăn thua là ở cái tình, cái ứng xử khi thù tạc chuyện đời với nhau. Ăn thua là mình lo được cái gì cho dân, cho con cháu. Chứ với vợ chồng Út Hăng, chỉ chừng đó là đủ lắm rồi.
Út Hăng vỗ vai tôi:
- Chú mày chịu sống như vầy, cứ xuống ở với qua vài tháng mà lấy tin. Nội xã Dân Thành này
cũng đủ khai thác mệt rồi.
Tôi ngắm gương mặt sắt lại màu nắng gió của ông, nhìn thấy sóng biển, thấy gió trời ở trong đó. Hồi trẻ, ổng chắc chắn là tay chịu ăn thua đủ chuyện súng đạn với lính sư đoàn, với biệt kích, thám báo. Dân miệt biển là vậy, ăn sóng nói gió, coi chuyện giặc giã có ra ôn hoàng gì. Cả xã Dân Thành này, hầu như trăm phần trăm các nóc gia thời chống Mỹ đều có người ôm súng theo cách mạng. Bởi vậy, từ năm 1960 đến năm 1972, địch dù loay hoay quyết chí cách mấy, cũng không thể cắm được một cái đồn nào ở đây. Hùng hổ thách thức thì chúng lùa lính sư đoàn càn tấp vào vài ngày, vài tuần rồi rút. Yếu thế thì chúng tung từng nhóm khoảng một hai trung đội biệt kích luồn vào đánh lén. Để chứng tỏ quyền lực, cách duy nhất của Mỹ - Ngụy
là ném bom và dội pháo, biến cả vùng đất ven biển này thành vùng oanh kích tự do. Pháo dàn Tân Tây Lan từ biển thổi vào từng đêm như “hát nhạc”. Máy bay mô hốc, máy bay ba đuôi rà tới rà lui bắn dai như trâu đái đêm. Ban ngày thì u bích thi nhau khạc lửa như mưa bão: A37, F4 và trực thăng thi nhau phóng rốc két, dội bom và phóng lựu. Cao tay ấn hơn thì B52 từng đàn kéo tới rải thảm. Đất vẫn là đất, rừng vẫn là rừng, biển vẫn ầm ào sóng vỗ, người vẫn kiên trung lừng lững. Mỹ - Ngụy điên đầu, ra lệnh dùng máy bay rưới thuốc độc rụng lá, rồi liệng bom xăng, bom napan, quyết đốt cho kỳ trơ trụi đất đai thành vùng trắng. Trường Long Hòa vẫn không hề khuất phục.
Biết là Tỉnh ủy Trà Vinh đứng chân căn cứ địa ở đây, Bộ Tư lệnh hành quân của Mỹ - Ngụy liên tục mở các cuộc hành quân tìm diệt quy mô lớn cấp sư đoàn. Nhưng du kích và cán bộ cách mạng cứ ẩn hiện ở đâu ở đâu, không thể nào tìm thấy dấu vết. Chúng cứ việc hành quân càn quét, ta cứ việc hiên ngang tồn tại. Nhưng có điều, chúng vào đã khó, mà ra lại càng khó hơn. Cả Duyên Hải trở thành huyệt mộ chôn sống kẻ thù, trở thành vùng đất thánh của phong trào kháng chiến ở Trà Vinh.
Từ năm 1961, con đường huyền thoại Trường Sơn trên biển của ta đã mở thông được từ Bắc vào Nam, tại những cánh rừng chà là, rừng sú, vẹt ở Duyên Hải, tàu của ta đã cập vào tiếp tế vũ khí, đạn dược. Ngay trong năm đầu sau đồng khởi này, đã có chiếc tàu của ta bị địch phát hiện, tập trung tàu chiến tấn công, thủy thủ đoàn buộc phải nổ mìn hủy chiếc tàu tại ấp Cồn Tàu. Nhớ chuyện này, tôi lại nhớ lần cùng Lê Tân về Cầu Kè gặp anh Hùng Tấn Sanh, một trong những thủy thủ thế hệ đầu có mặt trên con đường Trường Sơn trên biển. Bấy giờ anh Hùng Tấn Sanh đã lui về trồng vườn. Chỉ có một cánh tay, nhưng vườn sa-pô hàng chục công của anh thì dân miệt vườn vùng Tân Quy khó ai bì kịp. Hồi đó anh chỉ là thiếu úy, nhưng bây giờ chúng tôi gọi đùa anh là thiếu tướng sa-pô. Rất có thể anh Hùng Tấn Sanh cũng đã từng lên vũ khí, đạn dược tại vùng rừng ngập mặn nơi đây.
Những cánh rừng ngập mặn ở Trường Long Hòa, ở Dân Thành ngày nay không còn nhiều nữa, thay vào đó là những ruộng muối, những vuông tôm ngút ngát. Muối chỉ để tồn tại, vì nó là nghề truyền đời của bao thế hệ diêm dân, “bỏ thì thương vương thì tội”, nhưng không làm không được; còn con tôm thì đang làm nên tương lai cho cả một vùng rộng lớn. Chỉ tính tại Dân Thành, dân số chưa tới 6.000 người, với gần 1.500 hộ, diện tích hơn 4.000 hécta đất, mà đã có hơn 1.000 hộ nuôi tôm sú. Người ta tính rằng, chỉ cần năm, ba công đất nuôi tôm sú tự nhiên, mỗi năm cũng có thể kiếm được hai, ba chục triệu đồng. Ngày nay người ta nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, có tham gia bảo hiểm, tiền lời từ nuôi trồng thủy sản còn cao hơn gấp bội. Nuôi công nghiệp phải bảo đảm vệ sinh môi trường từ ruộng tôm, nguồn nước, đến nguồn con giống và nguồn thức ăn, và phải xuống giống đại trà hàng loạt theo quy hoạch, từ đó phát sinh thêm nghề “sên đất”. Người tại chỗ nuôi tôm, còn người ở xa đến, chỉ cần sắm cái máy sên đất chừng 5 đến 7 triệu đồng, mỗi năm cũng có thể kiếm được cả trăm triệu từ công việc làm sạch đất ruộng tôm.
Nhờ con tôm mà bộ mặt của xã vùng sâu Dân Thành ngày nay đã hoàn toàn đổi mới. Xã có 5 ấp, tên gọi từng ấp nghe xa thăm thẳm, xưa thăm thẳm: Giồng Giếng, Cồn Ông, Láng Cháo, Mù U, Cồn Cù. Nhưng bây giờ đường trải nhựa đã thông suốt, chỉ cần một cuốc xe máy là đã từ ấp này qua ấp khác. Như chúng tôi lần này, chớp một cái là đã từ nhà Út Hăng đến nhà ông Mười Chiến Lược. Ngôi nhà của ông bây giờ là nhà xây, có đủ các thứ tiện nghi thời hiện đại, khác hẳn với nhà Út Hăng. Trào kháng chiến, nhà ông Mười cũng chỉ là cái nhà lá tuềnh toàng, nhưng từng nuôi chứa không biết bao nhiêu là cán bộ Tỉnh ủy. Và cũng tại đây, bà con từng chứng kiến không biết bao nhiêu lần cảnh tượng lính sư đoàn càn vào, bắt bớ đánh đập bà con, anh em, đồng chí mình vô cùng tàn nhẫn. Đàn bà thì bị chúng hãm hiếp, còn đàn ông thì bị chúng buộc dây vào “con giống”, treo ngược lên cành cây. Các anh Chín Xộn, Bảy Đen, Mười Lực (Cồn Cù) đã từng bị treo phơi nắng như vậy cả mấy tiếng đồng hồ. Dã man hơn, lúc nào không tìm thấy cán bộ, du kích, bọn lính mang danh quân chủ lực Sài Gòn, còn xả súng giết hại cả dân lành vô tội.
Ở Động Cao, vào lúc hừng đông, gia đình ông Bảy Ngàn đang quây quần ngồi ăn cơm, lính biệt kích luồn vào, tới tấp chọi lựu đạn, giết chết một lúc 7 người. Bà Bảy Ngàn may mắn sống sót, nhưng đã hóa điên luôn từ đó đến giờ. Tại Cồn Ông, phát hiện thấy biệt kích, chị Bảy Suối bồng đứa con 9 tháng tuổi xuống hầm; bị chúng phát hiện, chị la to tui là dân thường có con nhỏ, rồi bồng con đứng lên, bọn lính biết vậy, vẫn xả súng bắn nát lồng ngực chị. Cháu bé may mắn còn sống đến bây giờ.
Địch tàn ác là vậy, chiến tranh khắc nghiệt là vậy, nhưng cuộc sống vẫn diễn ra tươi xanh màu sự sống.
Tại nhà má Huỳnh Thị Triêm (Ba Triêm), Văn phòng Tỉnh ủy Trà Vinh từng đóng nhiều năm trời tại đây. Có lẽ vì vậy, ông Mười Dài (sau này là Bí thư Tỉnh ủy) đã phải lòng và cưới em gái chồng bà Ba Triêm làm vợ. Bà con sống nghĩa tình, đùm bọc lẫn nhau; cả đối với kẻ thù, khi chúng sa cơ họ cũng sẵn sàng giang tay cứu đỡ.
Vào khoảng đầu năm 1969, Út Mỹ đang tham gia lớp huấn luyện quân sự ở Khoán Tiều, mới mờ sáng đã nghe tiếng máy bay trinh sát bay sát rạt trên đọt dừa (có lẽ do chúng ỷ lại việc đã giành được thế chủ động sau Tổng tấn công Mậu Thân 68), anh liền xách khẩu AK chạy ra bắn đón lỏng. Anh nhịp chắc cú mấy phát, chiếc máy bay đã xịt lửa sau đuôi, bay trối chết ra phía Nhà Mát, đánh ầm xuống biển. Nhìn thấy hai cái dù lơ lửng, Hai Đẹp liền cùng với du kích nhào ra bắn thị uy hòng bắt sống. Hai thằng Mỹ nhảy xuống biển, mở phao cứu sinh, trèo lên ngồi bắn trả. Tình thế buộc anh em phải đối phó, làm một thằng bị thương. Khi hai tên giặc lái đã bị dẫn bộ lên bờ, địch mới kịp đổ quân tiếp cứu. To  du kích của Hai Đẹp được lệnh dùng ghe đưa tù binh tức tốc về căn cứ. Đi hết nửa đêm mới tới nơi. Lục soát thấy trong túi hai tên sĩ quan tình báo, mỗi tên có một tấm thẻ ghi bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, trong đó có cả tiếng Việt, với nội dung như sau: “Tôi là người Mỹ lỡ sa cơ rớt vào tay các ông, nhờ các ông cho ăn cơm, uống nước và trả về Mỹ - Chính phủ Mỹ sẽ đền ơn xứng đáng cho các ông”. Thế đấy! Trên trời thì làm tàng làm phách, nhưng rớt xuống đất coi bộ cũng không hay hớm gì. Bà con ta ở trong cứ, tội nghiệp chúng bị đói, bị thương, đã băng bó cho chúng, chích thuốc kháng sinh cho chúng, và còn nấu cả cháo gà để chúng ăn cho lại sức.
Sáng ngày, thấy thằng trung tá tình báo hải quân bị thương, có vẻ chịu nắng không nổi, cứ há hốc mồm ra thở, có bà má còn xẻ cả dưa hấu cho nó ăn. Thằng này cũng như thằng đại úy cùng bay, không biết học bao giờ mà cũng biết chắp tay xá, cám ơn bằng tiếng Việt lơ lớ. Vậy mà sau đó, lợi dụng lúc pháo dàn ngoài hạm đội nã tới tấp vào cứ, tên trung tá đã lủi vào trốn trong rừng lá tối trời. Khi ta tìm được thì nó đã chết chìm dưới sông. Thằng đại úy do chịu phép cách mạng, sau này được ta tiến hành trao trả tại Khoán Tiều.
Không hiểu vì cơn cớ gì, hầu như chiếc máy bay nào bị ta bắn cháy ở khu vực Dân Thành ngày nay, khi trúng đạn đều tìm cách bay lết về phía Nhà Mát. Có lần thằng phi công của chiếc OV10 rớt trúng ngay giữa đám các bà sồn sồn đang đẩy xiệp bắt cá; toàn các bà lớn tuổi, tay
không, nhờ vậy mà trực thăng và tàu chiến đã tới hỗ trợ giải thoát được cho nó. Ngay cả chiếc trực thăng bị bắn cháy phía trên lộ Ba Động, hai tên phi công cũng nhảy xuống được biển Nhà Mát. Do nhảy không dù từ độ cao khá lớn, nên cả hai tên đều chết vì sặc nước, ta vớt được một xác đem chôn trên động cát.
Quân dân ở vùng biển Duyên Hải bắn rớt khá nhiều máy bay của Mỹ, nhưng không phải lần nào cũng suôn sẻ.
Năm Long từng nổi tiếng dùng súng garăn, mìn và lựu đạn đánh xe trên lộ - có trận chỉ dùng một trái mìn, hai trái lựu mà diệt tới 20 tên lính chủ lực - nhưng lại phải ngã xuống vì trực thăng của Mỹ. Đó là lần anh dùng garăn chống trả đám trực thăng quần đảo bắn phá căn cứ. Liền ba phát bị trượt, đám trực thăng đã quần lại, xối trọng liên như vãi trấu, khiến anh tử thương, hy sinh ngay tại trận địa...
Mà thôi, chuyện hy sinh là chuyện thường như cơm bữa trong chiến trận, nói hoài sao cho hết.
Hãy trở lại với bản tính rặt ròng dân biển của Trường Long Hòa sắt thép.
Trưa tháng 5, trời nắng chang chang như đổ lửa, anh em ai nấy cũng đều đã mệt nhoài sau mấy ngày lặn lội hết ấp này ấp khác, vậy mà Lê Tân cứ nhất mực đòi phải đi thăm người bạn đồng đội cùng chiến hào năm xưa. Người đó là Út Tùng, có giọng ca và ngón đàn giọng cổ rất mùi. Ông sống với vợ chồng người con trai và cô con gái thoi loi giữa cánh đồng tôm mới vỡ.
Chẳng biết nhìn thấy chúng tôi từ bao giờ, mà khi vào tới, cô con gái và chị dâu đã đem cà phê đá pha sẵn ra tiếp. Rồi lại còn nước dừa, chuối, dưa hấu. Trên bàn lại bày ra một dĩa dưa chua đầu heo và chai rượu. Tôi uống chưa xong ly nước, đã thấy anh con trai đem lên một rổ tôm còn bốc khói ngùn ngụt. Tôm chỉ cỡ ngón tay. Như vậy rõ ràng là anh ta đã quăng chài vào ruộng tôm đang nuôi để lấy mồi đãi khách.
Lê Tân ôm chặt người bạn, cười khà khà một lúc, rồi quay ra nói với tôi:
- Út Tùng có ngón đàn số một, nhát cũng số một. Động nghe tiếng pháo là nhủi ngay xuống hầm, lẹ hơn ai hết. Út Tùng vừa đấm đấm vào lưng của Lê Tân, vừa cười giả lả.
- Có giặc thì nhào ra quánh. Còn pháo dàn từ mị ngoài khơi bắn vô, ngu gì ngồi đó chịu trận, lỡ dính miểng chết oan mất thằng lính nòi, làm sao tới giờ còn sống mà lấy vợ, sinh con, mà nuôi tôm để làm giàu. Hồi đó chỉ nghe ngoài khơi xà một tiếng, trong này phải chịu tới ba bốn chục trái pháo gầm như khạc lửa. Thôi, nhậu cườm cườm rồi lấy đàn đờn ca cho vui!
Ngón đàn của Út Tùng còn mướt rượt, nhưng giọng ca thì vừa khàn vừa rè. Người hát hăng nhất và hay nhất hôm đó lại chính là Út Hăng. Dường như với Út Hăng, tuổi tác chẳng là gì cả. Đi băng băng. Nhậu tới tới. Ca ào ào. Mà dường như càng uống Út Hăng lại càng hay nói. Ông nói về bà con, đồng đội, từng một thời sống, chiến đấu và hy sinh trên mảnh đất kiên trung mà ông đã gắn bó gần suốt cuộc đời.
Khi Út Tùng nhắc tới nữ anh hùng Huỳnh Thị Cẩm, tự dưng nước mắt Út Hăng xối ra ròng ròng. Ông gục đầu xuống bàn một lúc mới nói được:
- Con nhỏ mới 37 tuổi đã hy sinh. Chồng nó cũng hy sinh. Đồng đội mình hy sinh nhiều quá. Xác vùi dập ở đâu, làm sao mà quy tập hết để hương khói cho anh em?...
Biển Ba Động đầy trăng. Trăng chan hòa ánh vàng lóng lánh trên ngực biển. Ngực biển như càng căng vồng hơn lên. Và trên lóng lánh lồng ngực ấy, hàng muôn đợt sóng vẫn dội về, dội về, tưởng như không bao giờ nguôi...
Hồ Tĩnh Tâm
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Quê mẹ quê con Xuống đò An Hòa, tôi chậm rãi đi bộ trên con đường đất nhấp nhô. Những người đi cùng chuyến đò với tôi đã ở phía trước ...