Cuối cùng rồi tôi cũng thực hiện được lời hứa của mình: cùng
Kim Hẹn lên thăm núi Cấm.
Kim Hẹn là bạn gái rất thân của tôi từ ba năm nay. Bạn bè gặp
tôi vẫn thường hỏi: bao giờ ông cho tụi này uống rượu? Trời ạ! Chính tôi cũng
không biết được là bao giờ. Hai chúng tôi từ ngày quen nhau đến nay, lúc nào
cũng cứ như sao hôm với sao mai. Tôi tên Thuỳ, mẹ tôi lúc làm giấy khai
sinh lại lót cho tôi chữ Linh. Bởi cái tên Trần Linh Thùy cắc cớ ấy mà tôi quen
với Kim Hẹn. Nguyên do là bởi ông chánh văn phòng của nhà khách Bộ xếp tôi
chung phòng với Kim Hẹn. Khi nhân viên khách sạn đưa chìa khóa cho tôi, tôi lên
ngay phòng của mình tận trên lầu bốn, chui ngay vào buồng tắm xả nước ào ào. Tắm
xong, tôi trần trùng trục bước ra, ngớ cả người bởi Kim Hẹn đã có mặt trong
phòng. Sau sự cố ấy, người ta buộc phải bố trí cho tôi chuyển sang phòng đối diện
với phòng của Kim Hẹn. Suốt cả hai chục ngày tập huấn chuyên môn, cái tầng bốn
của khách sạn không hề có thêm một vị khách nào. Hoàn cảnh buộc chúng tôi phải
làm quen với nhau. Chứ chẳng lẽ cùng công tác một ngành với nhau mà làm mặt lạnh
không trò chuyện thì coi sao được. Mà thời gian trò chuyện thì ê hề cả ra. Hà Nội
bấy giờ đã lập đông, nên buổi sáng, mãi tới tám giờ hội nghị mới làm việc; buổi
chiều thì mới bốn giờ đã chấm dứt nghị sự. Đêm mùa đông dài vô tận.
Kết thúc đợt tập huấn, tôi với Kim Hẹn ở lại làm việc thêm với
Vụ Tổ chức cán bộ hai ngày, rồi cùng về Nam bằng xe đò. Xe qua thị trấn
Sông Cầu, đang leo đèo Cù Mông thì dở chứng, nằm ì ra một chỗ. Chủ
xe phải mất mười mấy tiếng cho người đi Nha Trang mới lùng mua được phụ tùng
thay thế. Bởi vậy, tôi với Kim Hẹn mới có thêm với nhau một đêm thơ mộng trên
đèo trăng.
Ngồi trên gộp đá theo leo nhìn vọng xuống mặt biển lấp lóa
trăng vàng, Kim Hẹn nói với tôi:
- Hồi nào tới giờ em chưa một lần đi Bảy Núi,
không biết núi ở đồng bằng nó ra làm sao?
Bấy giờ tôi nghĩ ngay tới Tùng, tay thượng sĩ phục viên về cưới
vợ và trồng rừng ở núi Cấm. Vậy là tôi hứa sẽ đưa Kim Hẹn đi núi Cấm cho biết.
Lời hứa ấy, phải tới ba năm sau tôi mới thực hiện được.
Từ chùa Vạn Linh, chúng tôi phải đi bộ hơn ba tiếng đồng hồ mới
tới được ngôi nhà của vợ chồng Tùng. Đã hơn năm giờ chiều mà ngôi nhà vẫn đóng
cửa im ỉm bằng một cái ống khóa hiệu Royan, to như nắm đấm.
Nắng chiều nhòa nhạt. Phía ngọn đồi bên kia, một đàn qụa đông
tới hàng ngàn con đang vần vũ như một đám mây đen kịn. Không hiểu sao tôi lại kể
cho Kim Hẹn câu chuyện mà Tùng đã kể cho tôi. Chuyện về một cô gái điên bị hiếp
chết và hóa thành ma bên ngọn đồi ấy.
Cô ta tên gì, ở đâu thì không ai biết, chỉ biết cô ta trắng lồ
lộ bởi hay tắm tiên dưới suối. Cô vừa tắm vừa sục vào các hốc đá tìm bắt cá núi
và cua đá, rồi ăn sống rau ráu một cách ngon lành. Khi đã cảm thấy đủ no, cô
thường nằm ngửa trên một gộp đá nào đó để sưởi nắng. Một thằng chết đâm chết
chém nào đã nhìn thấy cô, đã dằn cô ra hiếp tới mang bầu. Tới tận ngày cô gái
điên gần sanh nở, thằng chết đâm chết chém ấy vẫn dằn cô ra hiếp. Hắn hiếp chết
cô rồi bỏ chạy. May mà có người đi làm rẫy trên núi trông thấy. Mãi tới lúc đó
dân dưới chân núi Cấm mới biết, trên núi có cô gái điên đẹp tới lạnh lùng như vậy.
Chỗ cánh rừng chôn cất cô gái điên, từ sáu bảy chục năm nay, qụa đen ở đâu bay
về đặc ngừ đặc nghịt. Cùng sống với lũ qụa bên cánh rừng ấy, còn có một con
cú. Người ta nói con cú ấy là hồn ma của cô gái điên.
Kể xong câu chuyện ấy, tôi chỉ chỗ cho Kim Hẹn đi tắm. Phần
tôi, tôi loay hoay tìm cách mở ống khóa, bởi biết đâu vợ chồng Tùng đi vắng tới
mai mới về. Thời buổi đồ giả, đồ dỏm bày bán ê hề, mà không biết Tùng lùng được
ở đâu ra cái khóa ác ôn vậy không biết. Xoay xở hết cách mà nó vẫn cứ lì ra. Nước
này chắc phải qua đêm ngoài hàng ba.
Mở khóa không được, tôi quay qua mở cửa nhà bếp. Nhà bếp cũng
được khóa bởi cái ống khóa Trung Quốc bự trảng, vậy mà tôi chỉ xoay cái tách nó
đã bật ngay ra. Trong chạn bếp có đủ cả mắm muối, cá khô. Không biết có phải do
tôi lục lọi lách cách sao đó, mà cùng lúc có cả trăm con gà túa về đòi ăn đỏ cả
sân. Tôi xúc liền mấy lít lúa vãi ra cho chúng. Bầy gà chen chúc như một đám lửa.
Tôi chỉ cần cúi xuống đã tóm được một ả mái tơ nặng chình chịch. Không có chủ
nhà thì mình tự lo liệu lấy cũng được. Trong bếp nó ngâm tới mấy hủ rượu thuốc,
rượu rắn, vậy thì ngu gì mà không say cho đã. Ở sát mép suối bên hông nhà, vợ
chồng nó trồng cả mấy trăm cây chuối, vậy là chắc ăn có món gỏi. Rau thơm nó
cũng trồng cả đám bên sàn nước. Sống ở trên núi như nó thì còn sướng qúa
cha cách sống chật chội ở thị xã như tôi.
Tùng với tôi thân với nhau từ thời còn trong quân ngũ. Mấy
ngày đầu mới hòa bình, tổ tác chiến chúng tôi lúc đó sống nhờ trong nhà bà Chín
Kìm. Bà Chín Kìm bấy giờ đã ngoài tám chục tuổi. Các con bà ai cũng giàu có nhờ
nuôi cá bè. Bà sống với đứa cháu ngoại tên là Mùi, mồ côi cả cha lẫn
mẹ từ hồi còn nhỏ. Mùi là một cô gái cao lớn nhưng rất đẹp, chỉ tội mắc cái tật
hay cười, mà lại cười to thành tiếng. Biết Tùng có tật đa tình, tôi dặn, mày rớ
ai thì rớ, nhưng phải chừa cô Mùi ra. Quả thật Tùng không hề rớ tới cô Mùi,
nhưng Tùng lại rớ cô em họ của Mùi. Sở dĩ có điều đó là cũng do Mùi mà ra. Tuần
nào Mùi cũng rủ cô em họ tới nhà đổ bánh xèo. Cô em họ của Mùi cũng hay cười,
khi cười hết cỡ lại hay nhắm mắt. Một lần đang ăn bánh xèo, tôi không nhớ Tùng
kể câu chuyện gì đó, khiến cả hai chị em Mùi bá cổ nhau cười tít cả mắt. Thấy họ
cười mãi mà không buông nhau ra, Tùng bèn ghé môi hôn đánh chụt một tiếng rõ to
lên má cô em họ của Mùi, rồi đổ cho Mùi. Cô em họ của Mùi nghe vậy càng lăn ra
cười. Vậy là Tùng lợi dụng hôn thêm lần nữa. Lần này thì anh chàng bị bắt qủa
tang. Khi Tùng vừa đặt nụ hôn lên má của cô nàng, cô nàng liền vòng cánh tay ôm
ngay lấy thắt lưng của chàng. “Ràng ràng anh làm dính mỡ lên má của em nè! Em bắt
thường anh phải lau cho sạch!”. Anh chàng ba đía nhà ta nghe vậy, liền dùng cả
hai bàn tay lau hoài hai bên má của người đẹp. Còn cả hai người đẹp thì cứ rũ
ra mà cười như nắc nẻ.
Sau vụ hôn công khai đó được mấy ngày, Tùng than nhức đầu,
không theo tổ tác chiến ra thao trường theo dõi diễn tập. Tới bãi tập một lúc,
tôi xin tiểu đoàn trưởng cho về nhà mượn mấy con dao, để cuối buổi chặt một ít
sậy đem về, làm giúp bà Chín tấm đan quây vịt. Thấy nhà trống huơ trống hoác,
tôi đoán chừng là anh chàng đa tình của chúng tôi nhất định đang ba đía với cô
nàng của mình ở đâu đó. Y như rằng Tùng với cô nàng đang ôm nhau sau cái mả đá.
Tôi không nhìn thấy hai bàn tay của Tùng, bởi nó chìm lút trong tấm áo của người
đẹp. Còn người đẹp thì cười rung cả tấm thân to lớn không thua kém gì cô chị họ
của mình; có điều lần này người đẹp chỉ cười rinh rích, chứ không cười to thành
tiếng. Tôi lượm một cục đất ném đánh xoạt vào bụi cây. Lập tức Tùng buông người
đẹp ra ngay. Mắt tôi lóa lên bởi hai bầu ngực căng vồng hây hẩy. Vậy mà Tùng với
cô em họ của Mùi không thành duyên nợ. Khi nghe tin người đẹp lên xe hoa với một
ông bán chạp pô, tôi hỏi Tùng có tiếc không, Tùng cười hì hì: “Tao biết ráo rồi
thì còn tiếc nỗi gì, chỉ tiếc cho cổ vấp phải thằng chồng ngoài bốn mươi, đã sắp
lên lão. Cổ ngon lắm mầy ơi!”.
Tôi với Kim Hẹn ngồi ăn cơm chỗ hàng ba. Trăng giáp rằm treo
ngay trước mặt. Đó là vầng trăng cuối cùng của một năm âm lịch.
Đêm cuối năm trong veo trong vắt, phơi lồ lộ trên cánh đồng bầu
trời muôn ngàn vì sao lung linh huyền diệu. Vầng trăng núi đẹp tới lạ lùng. Cứ
như trăng được tạc ra từ một miếng thép xanh biếc.
- Kim Hẹn này, nếu cầm đũa gõ vào vầng trăng, em biết nó sẽ ngân
lên nốt gì không?
- Nốt mí chứ nốt gì.
- Không đâu, nó sẽ ngân nốt rê. Giai điệu của trăng ngân lên
từ cung rê thứ. Như cái hôm ở đèo Cù Mông ấy mà. Vầng trăng chạm vào biển biếc,
ngân vang muôn ngàn âm thanh của cung rê thứ. Hôm ấy em hát bài “Lời ru buồn” của
Trần Tiến. Bài ấy viết ở cung rê thứ đấy. Bởi vậy anh mới dám chắc là trăng sẽ
ngân nốt rê.
Trăng dìu dịu rưới vàng xuống cánh rừng trước mặt. Cánh rừng
dường như đang hát thầm thì giai điệu của trăng. Giai điệu ấy bập bùng tới nao
lòng.
Giải ngân hà như một dòng thác chảy òa xuống bên kia núi. Ngắm
nhìn dòng thác ấy, tôi cứ ngỡ bên kia dãy núi chắc phải có một cái hồ lớn lắm.
Cứ nghĩ mãi về điều đó, tự nhiên tôi nghe cánh rừng như đang phát ra tiếng
sóng. Tùng đã từng nói với tôi rằng, dòng suối chảy ngang qua nhà Tùng, rất ít
khi cạn nước. Mùa khô dù có hanh hao đến mấy, đêm xuống núi cũng rỉ nước ra
thành dòng. Vợ chồng Tùng dùng ống mũ dẫn nước về nhà, cứ như ở thị xã người ta
dùng nước máy vậy. Cái thằng khôn róc đời. Ra quân là nhảy lên núi cái rụp. Bởi
vậy mới vớ được miếng đất ngon lành để cất nhà.
Tính tình của Tùng là vậy. Làm gì cũng làm rụp rụp. Tới chuyện
lấy vợ cũng rốc ráo như đánh trận.
Hồi đó, tôi với Tùng do quen biết, mà được vô thăm trại phục
hồi nhân phẩm. Lúc đi ngang qua vườn rau của trại, Tùng chấm mắt trúng một cô
gái trẻ đẹp mê hồn. Vậy là trước khi ra về, Tùng nói thẳng rang với ông trưởng
trại, rằng nếu anh xin bảo lãnh, xin cưới, thì anh có đưa cô ấy ra khỏi trại được
không. Mới đầu tôi cũng chỉ tưởng Tùng nói đùa, bởi ai đời lại vô trại phục hồi
nhân phẩm hỏi vợ bao giờ. Vậy mà chuyện tưởng đùa lại hóa thật. Khi tôi thắc mắc,
Tùng chê tôi là không biết nghĩ xa. Anh ta nói, đẹp như cô ấy mà không rơi vào
trại, thì người như Tùng làm sao rớ tới được. Có lẽ Tùng nói đúng. Khi hai người
làm đám cưới, vợ Tùng tươi rói như một đóa hoa, đôi mắt ngời lên niềm tin yêu hạnh
phúc. Hết thảy đám đàn bà con gái đến dự lễ tân hôn, không một người nào có thể
sánh được về nhan sắc với vợ của Tùng. Người ta hễ lao động thì đen đúa ra, còn
vợ Tùng, càng lao động càng roi rói mặn mà.
Bếp nhà Tùng rất rộng, có kê một bộ ngựa bằng gỗ bên. Tôi dọn
căn bếp làm chỗ ngủ cho Kim Hẹn. Còn tôi, tôi trải tấm đệm bàng ngay trên hàng
ba. Tha hồ mà ngắm trăng.
Do leo núi hàng mấy cây số, lại thêm ngấm thứ rượu nếp nặng
đô của Tùng, khoảng mười giờ đêm tôi đã lăn ra hàng ba nằm ngủ. Gần sáng, hơi
núi bốc lên lạnh thon thót, tôi quờ tay tìm túi xách, định bụng lấy thêm cái áo
mặc vào cho ấm. Thốt nhiên tôi đụng phải cái gì đó mềm mềm. Té ra là Kim Hẹn.
Kim Hẹn trùm áo gió, ngồi tựa lưng vào vách nhà, ngay sát chỗ tôi nằm.
- Trong đó tối thui mà nhiều chuột quá hà! Lại thêm con chim
cú cứ rúc từng chặp rợn cả người. Em ra đây ngồi cả tiếng đồng hồ rồi.
Quả thật đêm núi đang tối hù tối hịt vì trăng đã lặn, vì hơi
đất đã bốc lên thành mây che phủ bầu trời. Đêm đen tới mức đặc quánh lại, tưởng
như trước mắt mình có bức tường, đụng vào nó sẽ ngân lên thành tiếng. Bên hông
nhà, thấp xuống phía dưới, có tiếng nước chảy lóc bóc. Cao lên phía trên cũng
có tiếng nước chảy lóc bóc. Núi Cấm đang chắt máu của mình ra để nuôi những
cánh rừng đang thổn thức vào xuân.
Tôi chống tay ngồi dậy. Đêm tối tới mức cả hai chúng tôi như
chìm lỉm trong màu đen nhức mắt.
- Anh có lạnh không?
- Kể cũng lạnh. Ai mà dè đêm trên núi lại lạnh dữ dằn như vầy.
- Anh ngồi sát vào em nè!
Một cơn gió nổi lên sườn sượt. Bốn bề, những cánh rừng trỗi
lên khúc ca xạc xào của gió. Tiếng con cú rúc lên đâu đó rất gần.
- Cái cô gái điên ấy, chết tội quá há anh? Mà tại
sao người ta lại không biết có cổ sống ở trên núi. Cổ là người mà!
Một con chim lợn vỗ cánh bay qua, vừa bay vừa kêu éc éc nặng
nề. Tiếng chim như càng làm cho đêm trở nên tối sầm tối sịt, trở nên buốt giá
hơn nhiều.
- Anh có tin là có ma không? Nếu cô ấy mà hóa được thành
ma, thì cô ấy sẽ không chết, sẽ thành con ma tốt. Hồi nhỏ, ngoại em vẫn thường
nói, ma cũng như người, cũng có ma tốt ma xấu. Biết là không có thật mà sao người
ta vẫn cứ sợ ma anh nhỉ? Như cái hôm ở Hà Nội, em qua phòng anh chơi tới quá nửa
đêm, anh biết vì sao không? Là vì em sợ ma anh ạ. Tình cờ buổi chiều
hôm ấy, em nghe mấy cô nhân viên khách sạn kể, cách đó một tháng, có cô gái trẻ
đến thuê phòng em, rồi thắt cổ tự tử ngay trong phòng. Em tính xin đổi phòng
khác, nhưng cứ sợ người ta cười mình là người nhát bậy.
Có tiếng con chim bắt muỗi kêu ặc ặc như tiếng người bị bóp cổ
ở dưới suối. Kim Hẹn ôm choàng lấy tôi. Hai con chuột núi rượt nhau làm tình,
đâm sầm cả vào người Kim Hẹn.
- Rừng mọc rậm rạp trở lại, chuột núi nhiều qúa chừng anh ạ!
Lúc ở trong bếp, nằm trên bộ ngựa, em nghe chuột lúc lạo soong nồi kêu loảng xoảng,
không tài nào nhắm mắt được. Có con còn leo cả lên bộ ngựa, tới ngửi chân em.
Tôi vòng tay kéo Kim Hẹn vào lòng mình.
- Bây giờ em có sợ nữa không?
- Chỉ lạnh thôi. Ở núi Cấm mà cứ như ở Đà Lạt vậy.
Tôi kéo xiết Kim Hẹn vào người mình. Rừng xuân xạc xào thổn
thức. Tôi cảm nhận sự nồng ấm đã dâng lên như ngún lửa trong từng mạch máu. Tôi
hiểu rằng đôi môi của em đang tìm tôi, và tôi sắp sửa cháy bùng thành tro bụi.
Khi tôi và em vừa đổ xuống hàng ba, thì thốt nhiên bầy gà
đang ngủ trên các cành cây quanh nhà, bỗng nổi lên kêu quang quác ầm ĩ. Chúng đập
cánh bay loạn xạ, nhiều con nhảy cả vào người chúng tôi. Chắc là chồn cáo gì
đây. Mà cũng có thể là rắn không chừng. Buộc lòng tôi phải vùng dậy, chạy tới
chỗ có tiếng gà con kêu chiếp chiếp thảm thương.
Bình minh đã ửng hồng từ lúc nào.
Ráng nắng ưng ửng như trải lụa lên cánh rừng. Ráng nắng giúp
tôi nhìn rõ một con hổ đất đã nuốt ngập đầu một chú gà trống choai. Nó đang nuốt
con mồi thì không còn gì phải đáng sợ, nhưng tôi vẫn thận trọng tìm một khúc
cây đập dập đầu của nó. Nghe nói máu rắn rất tráng dương bổ thận, nên tôi không
dại gì không cắt cổ ngay con rắn, để hứng máu vào chai rượu uống còn dang dở.
Đã lỡ cắt cổ rồi thì phải làm thịt luôn con rắn chứ biết làm
sao.
Khi ngọn lửa đã reo tí tách trong bếp lò, Kim Hẹn hỏi tôi:
- Nhắm hôm nay vợ chồng anh Tùng chưa về thì anh tính làm
sao?
- Thì đập khóa, biến ngôi nhà của vợ chồng nó thành nhà của
chúng mình, chứ hổng lẽ lại thức cả đêm ngoài hàng ba.
Kim Hẹn cười với tôi:
- Đằng nào cũng đập khóa, ta đập quách bây giờ đi anh. Buổi
sáng trên núi, chắc phải tới tám giớ mới hết lạnh?
Đúng là trời vẫn còn rất lạnh.
Mặt trời mỗi lúc mỗi lên, hơi nước mỗi lúc mỗi bốc ngùn ngụt,
đọng thành những vũng mây ướt rượt ngay trên mặt đất. Đứng ngoài sân nhìn xuống,
mây dâng bồng bềnh như sóng biển. Nhìn lên cao cũng vậy, cũng chỉ thấy
mây là mây. Ngôi nhà của vợ chồng Tùng như chìm giữa biển mây mờ mịt.
Mây luồn hơi nước vào người, lạnh căn cắt. Vậy thì tại sao lại không đập khóa để
vào nhà cơ chứ.
Khi đã quyết định đập khóa, tôi mới nhận ra rằng, hai cái
khoen cửa chỉ cần dùng một thanh sắt bẩy nhẹ cũng văng ra được. Vậy mà suốt cả
buổi chiều hôm qua tôi đã không nghĩ ra điều đơn giản ấy. Thói quen mô phạm nó
khiến người ta đâm ra hay lẩn thẩn, hay cứng nhắc trong suy nghĩ.
Kể cũng lạ. Vợ chồng Tùng có tới hai chục héc ta rừng, mà đồ
đạc trong nhà chẳng có gì đáng giá. Một cái ti vi nghĩa địa xài điện bình, một
cái cát xét Trung Quốc. Gian nhà ngoài có hai bộ ván, một bộ bàn ghế. Trong buồng,
ngoài cái giường đôi, còn có thêm cái tủ đựng quần áo. Vách tường treo toàn
hình bé trai bụ bẩm, cắt ra từ các tấm lịch. Vợ chồng Tùng cưới nhau gần chục
năm trời mà chưa có con.
Khi đã bước vào nhà, Kim Hẹn nói với tôi:
- không có con, người ta thường sống đơn giản, ít lo sắm sửa,
phải không anh?
Tôi biết tính của Tùng lắm. Bây giờ có được bao nhiêu tiền
anh ta cũng đổ hết vào rừng. Rừng của vợ chồng Tùng trồng đủ thứ cây. Sao, dầu,
cà chất, giáng hương… và cả tầm vông, cả các thứ cây ăn trái. Trước lúc lên tới
đây, tôi đã tưởng tượng ra cảnh tôi với Kim Hẹn cùng thơ thẩn dưới những tán rừng
rợp mát. Việc gì lại phải chui vào nhà, giam mình giữa bốn bức tường nhỉ. Thiên
nhiên ở ngoài kia hào phóng lắm. Những cánh rừng đợi chờ ở ngoài kia thơ mộng lắm.
Mùa xuân rồi sẽ hôi hổi ấm nóng ngay thôi mà. Chúng tôi đã mất cả ba năm chờ đợi
mới tới được những cánh rừng trên núi của đồng bằng. Tại sao lại lãng phí tình
yêu giữa bốn bức tường xi măng này nhỉ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét