Thứ Tư, 8 tháng 7, 2020

Chữ tửu trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du

Chữ tửu trong "Truyện Kiều" 
của Nguyễn Du
“Truyện Kiều” từ trước tới nay vẫn được coi là một tác phẩm văn học cổ điển ưu tú trong lịch sử văn học nước ta, được phổ biến rất rộng rãi trong nhân dân. Dưới rất nhiều hình thức, như: lẩy Kiều, tập Kiều, bói Kiều, đố Kiều… Gần 200 năm từ “Truyện Kiều” ra đời tới nay, nhân loại đã tốn không biết bao nhiêu là giấy mực để bàn tới nó. Nói chuyện “văn nghệ giữa đời thường”, chúng tôi xin phiếm đàm đôi nét về THI-TỬU trong “Truyện Kiều” - Vốn là một đề tài từ trước tới nay hình như rất ít người đề cập.
Cầm, kỳ, thi, tửu xưa nay, vốn là một thú tiêu khiển hào hoa của các bậc tao nhân mặc khách. Nguyễn Du mượn hình tượng Vương Thúy Kiều để giải bày tâm sự của mình.
Cứ như Nguyễn Du miêu tả, thì Thúy Kiều tài sắc vẹn toàn, có thể làm xiêu thành đổ quách; nhưng dường như trong số kiếp đã ẩn sẵn “một thiên bạc mệnh”. Chính vì vậy, khi tình yêu giữa nàng và chàng Kim mới vừa chớm nở, họ đã lập tức thành tâm giao tâm đắc, tri kỷ tri âm, cùng vịnh thơ với nhau, nâng bầu mời rượu với nhau. Ưu ái cho tình yêu của đôi trai tài gái sắc, chỉ trong một ngày, Nguyễn Du đã phóng tay, để cho họ được tới hai lần uống rượu với nhau.
Lần thứ nhất vào ban ngày. Nhân cha mẹ và hai em về dự sinh nhật bên ngoại, Thúy Kiều đã tìm đến tận thư phòng của Kim Trọng để tình tự. Kiều vẽ tranh Đạm Thanh. Chàng Kim thảo vài câu thơ vào tranh ấy. Rồi hai người chuốc rượu mời nhau. Xét theo quan điểm “nam nữ thụ thụ bất thân”, việc chỉ có hai người với nhau trong thư phòng vắng vẻ, đã là một điều cấm kỵ; đằng này, cụ Nguyễn còn giải phóng cho họ nâng ly mời nhau, thì… cụ Nguyễn qủa là người đi tiên phong đầu tiên trong lĩnh vực giải phóng phụ nữ.
Phải chăng đây là lần đầu Kiều uống rượu:
Đủ điều trung khúc ân cần,
Lòng xuân phơi phới chén xuân tàng tàng.
“Trung khúc” là khúc lòng thầm kín. “Đủ điều trung khúc ân cần” là hai người nói với nhau rất nhiều về nỗi niềm thầm kín của lứa đôi. Đã vậy lại còn thêm chén rượu nồng đưa đẩy, đến mức “lòng xuân phơi phới chén xuân tàng tàng”. “Chén xuân” là chén rượu tỏ tình yêu. Càng uống càng thấy “lòng xuân” tràn đầy tình yêu “phơi phới”, đến mức đã “tàng tàng” với nhau, tức cả hai đều đã ngà ngà vì nhau và vì rượu. Không biết cuộc hàn huyên bắt đầu từ bao giờ. Nhưng chắc chắn là nó đã kéo dài tới mức cả hai đều quên cả thời khắc, nên mới giật mình nhận thấy: “Trông ra ác đã ngậm sương non đoài
Uống như vậy gọi là uống rượu tình trong buổi đầu bày tỏ. Chỉ có hai người thôi. Cụ Nguyễn thật là khéo. Vậy mà nào đã thôi đâu. Liền đó, cụ Nguyễn đã mạnh bạo đi thêm nước cờ thứ hai, mà tôi dám đoan chắc rằng, toàn bộ giai cấp thống trị phong kiến, và những nhà hũ nho phong kiến, nhất định sẽ phải dãy nãy lên mà la làng. Vì cụ Nguyễn đã cách tân qúa thể, khi cụ dám để Thúy Kiều ngay trong đêm hôm đó, khi vừa mới chia tay trở về,  đã lập tức quay ngay trở lại, bằng cách “xăm xăm băng nẻo vườn khuya một mình”. Qủa là táo bạo tới không tưởng nổi. Thân gái đêm hôm, dám một mình xăm xăm đi tắt tới nhà trai. Vào thời ấy, hẳn chỉ có Nguyễn Du mới dám viết như vậy.
Và cuộc rượu ái tình lần này mới thật là đáng nhớ. Thơ Nguyễn Du dành cho họ, cứ như chảy tràn ra từ đáy cốc; lóng lánh ngời lên tình yêu đôi lứa.
Tóc tơ căn vặn tấc lòng,
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.
Chén hà sánh giọng quỳnh tương,
Dải là hương lộn bình gương bóng lồng.
Quả là phong lưu, phong vận, tao nhã và đài các. Không gian hẹp, không gian rộng đều tuyệt cả. Trong phòng thì lửa nến, hương trầm; ngoài trời thì vầng trăng vằng vặc. Không gian ấy, thời gian ấy, cảnh ấy… sinh tình xiết bao. Họ không chỉ nói với nhau lời vàng đá, mà còn thảo ra lời vàng đá, rồi cùng nhau thề thốt đinh ninh “hai mặt một lời” với bầu xanh cao vòi vọi.
Lần đầu gặp nhau “trong tiết tháng ba”, “Vương Quan quen mặt ra chào”, còn “hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa”, ấy vậy mà Kim, Kiều đã đem lòng tương tư. Lần thứ hai gặp nhau nâng chén, hai bên đã lập tức bày tỏ nỗi niềm thầm kín trắc ẩn. Còn lần này thì họ đã vượt lên trên tất cả lệ luật của đạo giáo và của thời đại. Họ tự  xe duyên bằng “tóc tơ căn vặn tấc lòng, trăm năm tạc một chữ đồng đến xương”. Họ đâu cần ông tơ bà nguyệt. Chất “anh hùng ca” của tình yêu tự “giải phóng” là ở chỗ đó. Thúy Kiều đâu phải là cô gái “ngoan thảo” chịu chấp nhận “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Thúy Kiều là hiện thân của tư tưởng tự giải phóng khỏi ràng buộc lễ nghi phong kiến. Đó chính là tư tưởng của Nguyễn Du, tình yêu của Nguyễn Du, đối với một tầng lớp nhân dân bị đè nén và ràng buộc bởi tư tưởng phong kiến, đạo giáo phong kiến, và lề luật phong kiến, tới mức thống khổ.
Nếu như “tiên tửu” là một cách uống đẹp, thì cuộc rượu “tiên thề” của chàng Kim và nàng Thúy cũng là một cách uống đẹp(tôi gọi là “tình tửu” hay “Đôi lứa tửu” - T.G.).
“Chén hà” là chén ngọc nhuốm ráng chiều, rực lên. “Quỳnh tương” là rượu qúy. Chén qúy không thể rót rượu xoàng. Rượu qúy không thể uống chén xoàng. Chén và rượu phải “sánh giọng” với nhau. “Dải là hương lộn” là những dải lụa ở trong thư phòng đều có tẩm mùi trầm hương bay lộn lên mà thấm vào. “Bình gương bóng lồng”. “Bình” là bức bình phong trong thư phòng. “Gương” là tấm gương soi gắn trên bình phong. “Bình gương bóng lồng” là bóng hai người lồng vào nhau trong tấm gương soi trên bức bình phong. Thiết nghĩ, chỉ với hai câu lục bát, thì không thể nào còn có thể tả hay hơn và đẹp hơn về cảnh đôi lứa nâng ly thề nguyền được nữa!
Đối với thân phận nàng Kiều, ngay từ đầu tập truyện thơ của mình, Nguyễn Du đã khéo vẽ ra cảnh Thúy Kiều gặp hồn ma Đạm Tiên, lúc cùng hai em đi tảo mộ. Trong đoạn này, Nguyễn Du đã qua khóe miệng của nàng Kiều, thốt nên hai câu thơ  nhức nhối nỗi buồn truyền Kiếp: Đau đớn thay phận đàn bà, lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung!
Nhưng Nguyễn Du không dừng ở đó. Tư tưởng quán xuyến của “Truyện Kiều” là “hồng nhan bạc mệnh”. Ngay từ những dòng đầu tiên của thiên tiểu thuyết bằng thơ này, Nguyễn Du đã viết: Lạ gì bỉ sắc tư phong, trời xanh quen thói má hồng đánh ghe
Tài thơ của cụ Nguyễn đã khéo vẽ ra cảnh nàng Thúy nằm mộng gặp Đạm Tiên, nhờ đó biết được mình có tên trong sổ đoạn trường. Bởi vậy, ngay sau tiệc rượu thề nguyền lời vàng đá với chàng Kim, Thúy Kiều đã lâm ngay vào cảnh phải bán mình chuộc cha, phải “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”. Trong lần khoác áo thanh lâu thứ nhất, Nguyễn Du đã mượn rượu để nói về thân phận “kiếp người đã đến thế này thì thôi” của nàng Thúy
Lầu xanh mới rủ trướng đào,
Càng treo giá ngọc càng cao phẩm người.
Biết bao bướm lả ong lơi,
Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm.
Bút pháp tài hoa của Nguyễn Du sắc như dao cứa vào lòng người. Một đời tài hoa là thế, hồng nhan là thế, mà nay đã lâm vào cảnh “thương thay thân phận lạc loài, dẫu sao cũng ở tay người biết sao”. Thân phận “bầm dập tửu” của Thúy Kiều kéo dài triền miên suốt ngày suốt đêm. Toàn là khách làng chơi đến vùi hoa dập liễu, có ai hiểu cho nàng. Chỉ Thúy Kiều là tự thương lấy phận mình mà thôi. “Khi tỉnh rượu lúc tàn canh, giật mình mình lại thương mình xót xa”. Hết ngày dài tới đêm thâu, Thúy Kiều bị dìm trong từng từng trận rượu. Ấy là “ô nhục tửu”. Chỉ một câu lục bát mà cụ Nguyễn nhắc tới ba lần chữ “mình”. Chua cay lắm! Bầm dập lắm! May cho nàng, nhờ được treo “giá ngọc” mà gặp các khách làng chơi toàn là những hạng văn nhân, tài tử như Tống Ngọc nước Sở đời chiến quốc, Trường Khanh(Tư Mã Tương Như) đời Hán, không bị vùi dập bởi những hạng khách tầm thường. Nhưng… nhưng chỉ mình mới biết thương mình mà thôi. Năm xưa nâng chén cùng chàng Kim, Thúy Kiều đã vẽ tranh, đã đánh đàn, đã dậy sóng ái ân mà cất lời thề nguyện trăm năm. Dâng hiến là “cỗi phúc” linh thiêng của ái tình. Nhưng lúc đó, Thúy Kiều vẫn tỉnh táo mà nhớ tới luân lý, rằng mình là gái chưa thành thân.
Sóng tình dường đã xiêu xiêu,
Xem trong âu yếm có chiều lả lơi.
Thưa rằng: “Đừng lấy làm chơi,
“Dẽ cho thưa hết một lời đã nao!
Ngày ấy, ngày chia tay ấy, Thúy Kiều còn nhớ đinh ninh như mới vừa xẫy ra hôm qua. Lời chàng Kim vẫn như còn văng vẳng: “Gìn vàng giữ ngọc cho hay, cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời.”Lúc ấy, nàng đã “ruột rối bời bời” mà giãi lời với chàng như sau: “Đã nguyền hai chữ đồng tâm, trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai”.
Vậy mà hôm nay… Chìm trong “ô nhục tửu”, Thúy Kiều đã phải khóc nấc lên tiếng than thân xé dạ:
Khi sao phong gấm rủ là,
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.
Mặt sao dày gió dạn sương,
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân?
Chữ “tửu” ẩn đi ấy trong đoạn thơ, đắng như nước mắt ê chề, cháy như lửa thiêu một cuộc đời ê ẩm.
Lấy cảnh tả tình là thuật pháp xưa nay của thơ của văn. Còn mượn tửu tả tình như cụ Nguyễn, qủa là không còn có thể viết hay hơn được nữa!.
Hồ Tĩnh Tâm
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Từ một trang văn Trang Thế Hy

Từ một trang văn Trang Thế Hy “Tiếng sấm Đồng Khởi” Bến Tre (1960) âm vang dai dẳng dồn dập nhiều năm khiến chế độ cộng hòa đương thời còn...