Những người đàn bà im lặng
Là đàn bà ai cũng mong được hạnh phúc, được gặp người đàn ông
yêu thương, che chở cho cuộc đời mình. Những người phụ nữ mà số phận đã lựa chọn
làm vợ nhà thơ nghĩa là đã gánh một số kiếp buồn nào đó. Bởi tôi vẫn nghĩ nhà
thơ sinh ra từ nỗi buồn. Và những người đàn bà đến trong cuộc đời họ, nghĩa là
đã cùng họ chia sẻ những nỗi buồn như là chia sẻ một giá trị của đời sống.
Những người đàn bà ấy, họ dường như phải tập để nhìn hạnh
phúc theo một cách khác, yêu thương và hy sinh cho chồng theo một cách khác, thậm
chí chấp nhận chính mình, cũng theo một cách khác…
1. Trong giá rét chiều cuối năm, tôi đến thăm bà Trần Thị
Lâm Yến, vợ nhà thơ Tế Hanh. Bà đã 85 tuổi, bị bệnh khớp hành hạ nên phải chống
gậy đón khách. Đã 3 năm kể từ ngày nhà thơ Tế Hanh từ biệt cõi đời, để lại người
vợ hiền với nỗi nhớ nhung chưa khi nào nguôi dứt. Sau ngày ông mất, bà sống lặng
lẽ trong căn gác nhỏ với chị Cần, một người giúp việc. Các con cháu bận việc thỉnh
thoảng ghé qua thăm bà rồi lại tất tả mưu sinh. Cách đây mấy hôm, người con gái
của bà đang sinh sống ở Tiệp đã về hẳn Hà Nội để sống cùng với mẹ, căn nhà dường
như bớt quạnh hiu hơn. Bà dọn dẹp căn phòng bề bộn sách vở, phủi bụi thời gian
và sắp xếp lại cho ngay ngắn. Mỗi cuốn sách như còn in dấu bàn tay người chồng
yêu dấu được bà nâng niu, gìn giữ cẩn thận.
Quãng thời gian từ khi ông mất đến nay, bà Lâm Yến cảm thấy
đã dài như hàng thế kỷ. “Lúc anh còn trên đời, dù ốm, dù không, cũng không thể
nói được gì với vợ con, nhưng vẫn là hình bóng thân thuộc của anh trong ngôi nhà,
hàng ngày tôi được bận bịu chăm sóc giấc ăn giấc ngủ cho anh, được trò chuyện,
được đọc sách cho anh nghe, rồi bạn bè văn chương thỉnh thoảng tới thăm gia
đình…Không còn anh trên đời, tôi chống chếnh như không còn điều gì để vịn vào.
Nhìn đâu trong căn nhà cũng là kỷ niệm. Nói đúng ra là tôi đã sống những năm
qua bằng kỷ niệm, bằng hồi ức về anh”.
10 năm chăm chồng đau mắt, rồi tiếp đến là 10 năm chăm chồng
tai biến trên giường bệnh, cả thảy là 20 năm bà Lâm Yến tất tả ngược xuôi lo việc
cơ quan, việc nhà cửa, con cái. Không thể đong đếm hết những vất vả của bà. Ông
làm thơ, bà là thư ký ghi chép lại. Ông cần tư liệu, bà tìm sách đọc cho ông
nghe. Hết gạo, hết tiền, hết thuốc chữa bệnh… bà phải lo xoay xở. Bà đã quen lo
toan một mình, ngay từ lúc ông còn khỏe. Vì bà hiểu: “Nhà thơ họ lo sự nghiệp,
đầu óc họ ít vướng bận chuyện đời thường. Mình làm vợ thì phải hiểu điều đó, phải
chu toàn việc gia đình cho chồng yên tâm”.
Không kêu ca, không than phiền, chấp nhận số phận mình một
cách tự nguyện, bà Lâm Yến thay chồng gánh vác tất cả những công việc mà vì đau
ốm, chồng bà không thực hiện được. “Chồng tôi có 3 ước nguyện là tu sửa lại nhà
thờ, nơi ông bà cha mẹ đã sống ở đó và cũng là nơi anh cất tiếng khóc chào đời,
in một tuyển tập thơ 80 bài năm anh 80 tuổi, và đưa cả gia đình về thăm quê và
anh em bạn bè ở Quảng Ngãi. Nhưng rồi sức khỏe đã không cho phép anh hoàn thành
những ước nguyện đó. Trước ngày anh mất, tôi và các con đã làm xong nhà thờ ở
quê, anh không nói được, nhưng nghe chuyện này thì vui lắm, cứ nắm chặt tay
tôi, nước mắt chảy dài. Tôi cảm nhận anh rất mừng và muốn cảm ơn vợ. Khi anh mất
rồi, tôi đưa bát hương và di ảnh anh về đặt ở nhà thờ để anh về với ông bà cha
mẹ và các anh chị em đã mất. Tôi cũng hoàn thành tâm nguyện của anh là đi cảm
ơn anh em bạn bè văn nghệ ở quê hương. Còn việc làm tuyển tập thơ cho anh thì
tôi không làm được, vì tôi không hiểu biết nhiều về thơ ca”.
Tôi hỏi bà Lâm Yến, rằng nhìn lại cuộc đời làm vợ một nhà
thơ, bà được gì, mất gì? Bà Lâm Yến chỉ cười. Bà bảo, nếu gọi là mất thì đó là
mình không được hưởng cái niềm vui như những người phụ nữ thông thường khác, là
được chồng gánh vác đỡ đần việc gia đình, họ hàng nội ngoại. Bờ vai của người
đàn ông là bờ vai cho người phụ nữ và gia đình dựa vào. Nhưng với nhà thơ, bờ
vai của họ là sự nghiệp. “Mà sự nghiệp thơ ca thì luôn bao chứa sự bất an, nỗi
buồn và đau khổ, mất mát. Người làm thơ tựa vào những phẩm chất đó, họ cũng đã
chẳng sung sướng gì. Mình làm vợ thì phải hiểu như vậy, nếu chất thêm gánh nặng
gia đình nữa thì thật tội nghiệp cho họ. Nên tôi nhận lấy trách nhiệm là lo
toan mọi việc thay chồng. Khi hiểu điều đó thì tôi không thấy cái mất của mình
là mất nữa”.
Bà Bùi Thị Thạch, vợ nhà thơ Quang Dũng. Bà Lâm Yến, vợ nhà
thơ Tế Hanh. Bà Trần Lệ Thu, vợ nhà thơ Huy Cận.
|
2. “Nhà tuổi vàng” nằm yên tĩnh trong khu đô thị Linh
Đàm. Bà Bùi Thị Thạch, vợ của nhà thơ Quang Dũng đang được các nhân viên cho ăn
tối. Thấy khách đến thăm, bà cười, hỏi khách bao nhiêu tuổi. Tôi nói tôi 35 tuổi
và hỏi lại bà bao nhiêu tuổi. Bà bảo bà cũng ngoài 30, làm mọi người xung quanh
cười ồ vui vẻ. Ba năm nay, bà Bùi Thị Thạch sống trong “Nhà tuổi vàng”- ngôi
nhà dành cho những người cao tuổi mà gia đình vì một lí do nào đó không thể
chăm sóc thường xuyên được gửi đến. Bà Thạch lúc quên lúc nhớ, có khi ngồi nói
chuyện một mình suốt cả ngày. Nhà cửa chật chội, chị Thảo, con gái bà phải gửi
bà vào đây, nhờ các nhân viên chăm sóc. Hỏi đến con gái thì bà Thạch nhớ, bà bảo:
“Thảo vào thăm luôn đấy”.
Bà Bùi Thị Thạch có thể là người phụ nữ có đời sống lặng lẽ
nhất, so với nhiều người phụ nữ làm vợ các nhà thơ nổi tiếng. Bà sống lặng lẽ đến
nỗi phần lớn những người yêu thơ Quang Dũng cũng rất ít biết về cuộc đời bà.
Ngay cả một người bạn của tác giả Đôi mắt người Sơn Tây cũng từng viết: “Chị Diệm
là một người đàn bà mỏng manh và khá cao. Chị thường mặc áo nâu, buồn. Chị như
một cái cây, tự lắp mình đi giữa đám rừng. Sự lặng lẽ, cô đơn như đã bủa vây thật
chặt, thật kín, làm chị không gần gũi được với ai. Tôi cũng không được nghe,
không biết anh Diệm (nhà thơ Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Diệm -TG) lấy chị
Diệm trong trường hợp nào. Cả trong bài thơ của anh, tôi cũng chưa thấy có dòng
nào nói đến người vợ đáng thương này”.
Không có mặt trong thơ của chồng, nhưng bà Thạch thực sự là một
người vợ hiền, đảm đang, nhất mực hy sinh vì chồng và các con. Bà là người con
gái sinh ra và lớn lên trên đất Yên Bái, đã phải lòng nhà thơ cao lớn, hào hoa
xứ Đoài. Họ đã cùng nhau sống qua những tháng năm tuy nghèo mà hạnh phúc. Rồi
ông ra đi, bỏ lại bà trên đời. Các con mỗi người đều bận bịu cuộc sống riêng.
Còn bà thì bắt đầu rơi vào cuộc sống mộng du.
Những kỷ niệm về người chồng yêu dấu có lẽ bà đã cất cho
riêng mình ở một nơi nào đó, mà chúng ta hôm nay không thể nào nhận được chia sẻ
của bà. Bà ngồi nhai cơm, gương mặt hiền hậu, đôi mắt như đã nhìn vào một thế kỷ
khác, một cõi khác của kiếp người, chỉ khuôn miệng là vẫn hồng hào và rất hay mỉm
cười hồn nhiên như một đứa trẻ. Thời con gái, chắc chắn bà Thạch là một phụ nữ
đẹp với ống mũi cao dọc dừa, khuôn mặt thanh thoát và làn da trắng. Mối tình
thơ mộng của bà với nhà thơ Quang Dũng giờ đây cũng đã thuộc về một vùng mây trắng
nào đó.
Chị Bình, một phụ nữ có gương mặt phúc hậu, Giám Đốc “Nhà tuổi
vàng” cho tôi hay, bà Thạch là thành viên đặc biệt nhất trong ngôi nhà của chị.
Bà rất hay có người tới thăm, tặng quà, và thích nói chuyện với các nhân viên ở
trong ngôi nhà. Nhờ sự chăm sóc ân cần của các chị, sức khỏe của bà có khá hơn
mấy năm trước. Nhưng bà là người ít ngủ nhất trong số các cụ già ở đây, chị
Bình kể với tôi như vậy. Bà thường ngồi cả đêm, như thể đang suy nghĩ một điều
gì đó.
3. Người phụ nữ thứ ba tôi muốn nhắc tới trong bài viết
này là bà Trần Lệ Thu, vợ cố nhà thơ Huy Cận. Nhiều năm nay bà sống trên căn
gác chật chội ở ngôi nhà 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội. Nơi ở của bà chật và không
có lối đi nên bà bảo mỗi khi tiếp khách bà thường mời ra ngồi quán cà phê. Sau
ngày nhà thơ Huy Cận mất, bà chọn cuộc sống im lặng trong căn gác nhỏ của mình.
Khi tôi gọi tới, bà bảo bà không muốn lên báo, vì nhiều lý do. Nhưng có lẽ điều
lớn nhất ở tuổi của bà là mong được bình yên, được sống cùng với những kỷ niệm,
những hồi ức về người chồng yêu dấu của mình.
Qua những gì trò chuyện với bà, và đọc những bài báo trước
đây đã từng viết về bà, tôi hình dung bà Lệ Thu đang sống với nhiều tâm trạng,
trong đó có cả nỗi buồn. Đó là nỗi buồn của một người đàn bà đã hy sinh rất nhiều
để đến với người đàn ông mình yêu, đã vượt qua mọi trắc trở cuộc đời để bảo vệ
tình yêu, và không phải lúc nào cũng được những người thân xung quanh hiểu đúng
về mình.
Là người đàn bà thứ hai trong cuộc đời nhà thơ Huy Cận, bà Lệ
Thu không chỉ là chốn bình yên cho tâm hồn thi sĩ của ông neo đậu, mà còn là
nguồn cảm hứng bất tận cho những bài thơ ông viết. Rất nhiều bài thơ chứa chan
tình thương yêu trân trọng nhà thơ Huy Cận đã viết dành tặng vợ yêu lúc sinh thời.
Ông muốn bù đắp cho những thiệt thòi vất vả của bà, khi đã lựa chọn để làm vợ
nhà thơ. Ông gọi bà là người phụ nữ của im lặng. Đó là lặng im của dâng trào cảm
xúc, của thăng hoa tình yêu: “Từ khi em đến hùn năm tháng/ Hạnh phúc thật hơn
đau khổ qua/ Hạnh phúc thật như nét mặt em/ Sâu xa, giản dị tựa ngày, đêm/ Thật
như trong trắng lòng em vậy/ Như nắng mai, nay rộn rã thêm” (Thơ tặng vợ). Và
cũng chính những câu thơ ấy đã giúp bà Lệ Thu đi qua những tháng ngày đơn độc,
khi không còn hơi ấm của ông trên cõi đời.
Ngày tháng vốn vô tình. Dường như trong cuộc đời con người,
chỉ có tình yêu là tiếng gọi mạnh mẽ và ấm áp nhất để mỗi người nương vào đó mà
đi hết con đường của mình. Những người đàn bà đến trong cuộc đời của nhà thơ, họ
đã sống không chỉ như những người đàn bà bình thường khác. Dường như trên vai họ,
gánh nặng cuộc đời có phần nặng hơn, khi họ vừa phải làm tròn bổn phận của một
người đàn bà, vừa phải gánh vác những vui buồn, có khi là cả đau đớn, mất mát của
chồng- những mất mát, đau đớn mà chỉ những kẻ trót “nòi thi sĩ” mới hiểu được.
Những người đàn ông làm thơ vốn đã là “nhất kiêng” trong lời
khuyên của cha mẹ dành cho con gái. Gắn bó với nhà thơ, nghĩa là người đàn bà
đã tình nguyện buộc vào số phận mình ít nhiều trắc trở, éo le và cả những dở
khóc dở cười thân phận mà chỉ có một tình yêu đủ lớn, đủ bao dung, đủ sâu sắc
thì mới giúp họ cảm nhận dư vị của niềm vui, hạnh phúc. Và rồi, khi nhà thơ rời
bỏ người đàn bà của mình để hóa vào cây cỏ, thì vẫn còn lại trên đời những dáng
hình yêu dấu, là những người đàn bà đã quên mình vì yêu, và quan trọng hơn, vì
thơ ca và cái đẹp vĩnh hằng…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét