Thứ Tư, 8 tháng 7, 2020

Một vùng ký ức văn chương

Một vùng ký ức văn chương
Lúc nào ra cổng tôi cũng mong gặp được nhà văn cũng đi ra cổng từ nhà bên cạnh. Ngày xưa ấy nhà tôi ở số 69 phố Trần Quốc Toản. Ngày xưa ấy tôi là một cô học trò Hà Nội bé bỏng, cổ quàng khăn đỏ. Nhà kế bên là số 71. Nhà văn Nguyễn Đình Thi thuê một căn buồng ở đó sống và viết văn.
Một sớm chớm lạnh trên đường Hà Nội mà tôi thuộc. Một bài ca Người Hà Nội mà tôi vẫn hát… Những gì mà tôi được nghe về ông. Và bây giờ mỗi ngày, bước chân ra phố là tôi có thể gặp, có thể thấy thật gần một nhà văn mà tôi luôn suy tưởng. Tôi một cô bé bắt đầu lớn, bắt đầu có những rung cảm viển vông. Trong tưởng tượng đầy lãng mạn của tôi hình ảnh thi sĩ, nhạc sĩ thật tuyệt vời. Tôi bị hình ảnh một thi sĩ trong tiểu thuyết nước ngoài tác động và từ đó cứ hình dung về họ mơ màng như vậy.
Ngày xưa ấy còn cảnh bán nước sôi và thổi cơm thuê. Góc phố nhà tôi, góc Trần Quốc Toản - Liên Trì có quán như vậy - quán phở ông Xiển, bánh cuốn bà Cống và cơm nồi, nước sôi. Nhà văn của tôi trong bộ quần áo màu nâu - bằng vải hay lụa nhỉ - không còn nhớ chính xác nữa, thường hay xách phích đi mua nước. Người đi và người quay về. Phố Trần Quốc Toản của tôi ngày xưa ấy yên tĩnh lắm. Phố của những căn biệt thự nhỏ nhắn xây từ thời Pháp thuộc. Tôi thường ra đứng tựa cửa ngắm con đường nhỏ, thi thoảng có người đi bộ, đạp xe qua, ngóng gió mát từ đầu hay cuối phố dạt về. Những lúc ấy mà tình cờ nhà văn cũng đi ra… Tôi đứng và chờ ông đi mua nước quay về. Con người thật của ông khá gần với hình ảnh thi sĩ mà tôi hằng tưởng. Ông lặng lẽ đi trên đoạn phố - lặng lẽ trong thế giới của riêng ông. Cứ mỗi lần đi qua nhà 71 là tôi lại nhìn vào. Có thể ông đang ngồi bên bàn cạnh cửa sổ và cắm cúi viết. Hình như lúc đó nhà văn đang viết tiểu thuyết Vỡ bờ tập 2.
Tôi cứ giữ trong ký ức cảm xúc của mình và hình ảnh nhà văn những ngày xưa ấy. Nếu như có nhiều những định nghĩa về hạnh phúc thì chút mơ mộng của một cô bé vụng dại và thường dấu diếm làm thơ trong trong sổ nhỏ cũng có thể coi là hạnh phúc - ngắn ngủi, thoáng qua và thơ mộng
Tôi thường thấy ông sau này khi truyền hình phát bài Người Hà Nội do ca sĩ Lê Dung hát - nữ ca sĩ có giọng hát mà tôi yêu thích nhất. Tôi đến thăm ông một lần ở bệnh viện cùng bạn văn chương. Bên ông là bà Tuệ Minh - người có giọng đọc truyện trên đài thật dễ thương mà tôi yêu thích. Tất cả là tình cờ. Tất cả là phút chốc. Bao đổi thay. Bao chuyện đời đến với mỗi con người. Nhưng cái gì thuộc ngày xưa ấy, cái gì gọi là ban đầu thường khó quên. Tôi thật vớ vẩn khi hay thi vị hóa một điều gì đó, một người nào đó và cứ không đâu.
Tôi đến với văn chương - đây là nói đến gửi thơ đăng báo, in thơ thành tập, rồi được gọi là nhà thơ - chậm. Tôi ngày xưa ấy - rụt rè, ngượng nghịu. Tôi ngày xưa ấy bận rộn gia đình. Tôi vẫn viết - viết nhật ký bằng thơ về tình yêu, về nỗi buồn riêng mình, viết bích báo lúc là học sinh, sinh viên, khi làm cô giáo. Cũng được giải thưởng thơ ở trường khi là học sinh. Ngày còn bé được vậy là sung sướng lắm. Nhiều bài thơ tình làm từ thuở sinh viên sau này mới in. Nhớ lắm bài thơ đầu tiên được in báo Văn nghệ. Người chọn in cho tôi là nhà thơ Phạm Tiến Duật.
Một người bạn - chị Vân Kim, cô giáo dạy văn, hay viết kịch, quen nhà văn Phạm Tiến Duật, đã rủ và hẹn đưa tôi đến nhà anh để làm quen. Tôi đã đến đây, đến chân cầu thang ngôi nhà năm tầng ở khu Trung Tự. Thôi tao không lên đâu. Tao ngại lắm. Tôi đã nói với bạn mình như vậy. Tôi không là cô học trò yêu văn lúc bé ở Trần Quốc Toản nữa. Tôi lúc này là cô giáo dạy văn, là mẹ của những đứa con. Nhưng tôi vẫn là tôi xưa - ngài ngại, sờ sợ thế nào ấy. Nhà thơ Phạm Tiến Duật ư (?) ngưỡng mộ lắm, cao xa lắm đối với tôi. Khi còn là sinh viên tôi đã mua được tập Vầng trăng quầng lửa của anh. Thời ấy mua sách khó lắm. Phải năn nỉ, phải quen biết, phải có tin sách vừa về may ra mới mua được. Nấn ná rồi hai đứa cũng lên. Nhà thơ cởi mở, nhẹ nhàng nói chuyện với bọn tôi. Rồi tôi cũng đưa mấy bài thơ chép trên giấy học trò cho anh. Bài thơ đầu tiên đăng báo Văn nghệ là bài thơ mở đầu tập thơ đầu tiên của tôi, tập VIẾT CHO MÌNH, nhan đề Mưa mùa hạ - Dễ dàng mưa mùa hạ/ Là tình yêu của anh/ cái cơn mưa bất ngờ/ làm cho ai ướt áo… Từ bài thơ được đăng Văn nghệ này, từ quen nhà thơ Phạm Tiến Duật, tôi vượt qua dần dần ngại ngần đến với thơ, đến với mọi người.
Rồi tôi đi với trại sáng tác ở Hội Nhà văn Hà Nội nghe các nhà văn, nhà thơ giảng bài, nói chuyện trong đó có nhà thơ Phạm Tiến Duật. Tôi quen với anh hơn. Một lần đến báo Văn nghệ, tình cờ gặp nhạc sĩ Trần Tiến. Anh Duật và Trần Tiến thân nhau. Tôi và Trần Tiến cũng có một thời thân nhau. Loằng ngoằng đi đến lời mời của anh Duật - đến nhà mình ăn cơm cả Kim Anh và Trần Tiến nhé. Thời gian định rồi. Anh Duật nói Kim Anh đến sớm giúp anh nấu nướng nhé. Tôi đi chợ cùng anh - chợ ngay bên kia đường. Các cô bán hàng cứ đon đả mời chào nhà thơ. Thì ra anh Duật cũng hay đi chợ. Anh không quá xa xôi như tôi hay thi vị hóa các nhà thơ. Một người đàn ông trong gia đình - đi chợ, nấu cơm, chăm con khi vợ còn đi dạy học xa. Bữa cơm hôm ấy chỉ có chị Trần Thị Thắng đến (ngày ấy tôi chưa quen và thân với chị như bây giờ). Trần Tiến đi đâu, tạt vào đâu rồi không rõ… Anh Duật đã đi xa. Trần Tiến chắc cũng chả nhớ bữa cơm bỏ nhỡ hôm ấy. Đời mỗi người bao cuộc hẹn, nhất là người nổi tiếng. Chẳng trách đâu. Chỉ nghĩ vậy thôi.
Tôi mời anh đến trường nói chuyện văn chương cho giáo viên và học sinh toàn trường nghe. Cả trường đều nao nức. Ban Giám hiệu rất trịnh trọng và cảm động. Anh là nhà thơ lớn mà. Mọi người đều ngưỡng mộ anh mà chưa bao giờ được gặp gỡ. Như thế đấy, các nhà văn với nhau, gặp nhau luôn, biết nhiều điều về nhau nên thấy bình thường, đôi khi còn không quý nhau. Với mọi người, với cả trường tôi được các nhà thơ đến là vui lắm. Khi còn đi dạy tôi hay mời các anh chị tới. Đã có lần là nhà văn Hòa Vang. Đã có lần là nhà thơ Trần Đăng Khoa… Nói chuyện ở trường bồi dưỡng hay cụ thể hơn đưa phong bì thấp lắm. Tôi nhớ anh Duật nói: catse của nhà thơ mà không bằng ca sĩ. Buồn thật. Một buổi ca nhạc tổ chức cho học sinh chi phí rất cao. Một buổi nói chuyện thời sự, văn học thù lao ít ỏi. Ngượng quá. Sau này tôi chẳng dám nghĩ đến đề xuất có những buổi ngoại khóa như vậy. Các nhà văn, nhà thơ nói đều hấp dẫn lắm. Cả trường im lặng nghe, vỗ tay rào rào, cười ồ vui vẻ. Hỏi về thành công của anh khi đi nói chuyện văn chương, nhà thơ Phạm Tiến Duật nói ý là - anh chỉ dành hai, ba phần là nói với thày cô thôi còn là nói với học sinh. Điều anh nói giản đơn mà tiếp thu đâu dễ. Nhiều người đến nói chuyện kể cả chỉ có giáo viên thôi, nghe nghiêm túc lắm mà cũng chối. Nói trước cả nghìn đứa trẻ, lại nói về văn học đâu có dễ. Việc dạy cũng thế thôi. Từ anh tôi hiểu phải dạy văn sao cho học trò chăm chú nghe và yêu thích.
Gia đình tôi hoạn nạn. Chồng tôi bị tai nạn phải nằm bệnh viện cả tháng. Bao người quen tới thăm. Cảm thông chia xẻ. Tò mò xem xét. Thôi thì đủ cả. Anh Phạm Tiến Duật tới, nắm tay chồng tôi và khóc. Nhà thơ mà, xúc động lắm. Viết đến đây nghĩ đến tình cảm của anh mà nhớ. Anh dành cho vợ chồng tôi tình cảm đáng yêu của nhà thơ - lãng đãng mà chân tình. Rồi những thời gian qua. Rồi những lần gặp gỡ… Sau này khi anh ốm nặng 2 vợ chồng tôi tìm đến thăm. Anh trả lời qua điện thoại ríu rít chỉ đường. Anh ra tận đầu ngõ đón, ôm vai chồng tôi cùng đi vào. Đấy là lần gần anh nhất, chỉ có anh thôi, vui vẻ - thân thiết cuối cùng. Sau này tôi có vào viện thăm anh cũng là với mọi người, đứng im lặng góc giường bệnh. Vĩnh biệt anh. Một bản thơ xin đốt thành tro/ Gửi cho gió hay gói trong im lặng.
Từ bài thơ đầu tiên đăng báo Văn nghệ tôi đến dần với báo chí, đến dần với các nhà văn nhà thơ. Tôi nhớ báo Độc Lập nơi mỗi khi tan lớp, tôi thường tới. Nơi ấy có nhà thơ Ngô Quân Miện, nhà thơ Băng Sơn và nhà thơ Vân Long. Tôi tìm đến một nơi yên tĩnh. Tôi tìm đến những người mà tôi kính trọng và có thể đưa các anh đọc những sáng tác mới. Tôi còn viết các bài viết ngắn về giáo dục in trên báo Độc Lập. Những bài viết xưa ấy tôi hay cắt lại giữ làm kỷ niệm. Bây giờ những bài viết còn lưu. Nơi báo Độc Lập và các nhà thơ lớn kính trọng đã khích lệ tôi mạnh dạn, cởi mở để đến với văn chương. Buồn nhất là khi 2 anh Ngô Quân Miện và Băng Sơn đi xa tôi đang trong vòng xoáy của cuộc đời mình, lấn bấn ở xa với nỗi vất vả của riêng mình. Bây giờ chỉ còn được gặp nhà thơ Vân Long. Mừng thay khi anh đã cao tuổi mà vẫn đi xe máy, vẫn cười rất vui và vẫn viết.
Nhớ về những ngày xưa ấy. Nhớ về những cảm xúc văn chương của mình ngày xưa ấy. Gặp được một nhà thơ nổi tiếng, in được một bài thơ ở báo nào đối với tôi cũng là một niềm vui. Bây giờ nhiều tuổi rồi, quen biết các nhà văn nhà thơ nhiều rồi, cảm xúc khi gặp gỡ có khác đi, chỉ niềm vui vẫn có. In thơ nhiều rồi mà gửi thơ đi đâu vẫn thấp thỏm, thấp thỏm giống như ngày xưa ấy. Cảm ơn. Cảm ơn những cảm xúc ban đầu rất lãng mạn đã giữ mãi trong sáng tác của tôi trên cuộc đời này.
Bùi Kim Anh
Nguồn: Báo Văn nghệ
Theo http://www.bichkhe.org/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ngôn từ thời "Hội nhập"

Ngôn từ thời "Hội nhập" Có một học sinh trung học đã viết trong bài làm môn sử “Nhà Trần lập một hát-trích với quân Nguyên Mông”. ...