Thứ Năm, 2 tháng 7, 2020

Bỏ mặc con đường

Buổi sáng thức dậy, pha cho Đỗ ly cà phê, dẫu đã cố hết sức tập trung, tôi vẫn quên, không bỏ miếng giấy lọc vào bình. Đến lúc nướng miếng bánh mì, tôi lại sơ ý vặn lò lên số lớn nhất. Miếng bánh đen nám. Cháy, thì đúng hơn. Cả gian bếp khét lẹt đến khó chịu. Tôi phải mở máy hút hơi và tất cả các cửa sổ trong bếp ra mặc dầu trời đang mưa rất lớn, những hạt nước lạnh hắt vào đến tận chỗ tôi đứng.
Tôi lặng lẽ ôm vai, co ro đưa mắt ngó con đường vắng lặng người qua lại trước mặt nhà. Mọi thứ chung quanh tôi như không còn hồn sống. Như tất cả đã vỡ vụn, nát bấy ra trong mắt tôi. Hôm qua tôi nói với Nhị tôi phải đi Paris nhìn mặt Lãng lần cuối. Nhị im lặng không nói gì. Mãi một lúc rất lâu sau đó, Nhị mới bảo:
- Để chào vĩnh biệt một người mình yêu thương bao nhiêu năm trong đời thì chẳng có gì sai trái cả. Chỉ có điều tao nghĩ mày nên cẩn thận. Người chết, dẫu sao cũng đã chết, còn người sống dẫu sao cũng cần phải sống...
Trong cơn bối rối của tôi, Nhị đã tế nhị không dám nhắc đến tên của Đỗ, cũng như tên của vợ Lãng. Nhị làm tôi chao lòng. Nhưng sau nhiều giờ xao xác nghĩ suy, cuối cùng tôi gọi lại cho Nhị bảo, tôi không thể không đi. Người chết dầu sao cũng đã chết. Và tôi, dẫu sống cũng như chết rồi. Tôi tất tả đi tìm xếp xin nghỉ vài ngày. Tất tả ra văn phòng đại diện hãng hàng không lấy vé. Và về nhà, chẳng biết mình đang làm điều gì, đúng hay sai, có quá bất công đối với Đỗ như một lần nào đó nửa đùa nửa thật, Nhị chê tôi sống unfair, không công bình.
Không công bình! Thật như vậy không? Tôi đã chẳng dám hỏi lại, dù là với Nhị, có thật là tôi không công bình với Đỗ hay chăng. Trước con mắt của mọi người, tôi bao giờ cũng làm tròn tất cả mọi bổn phận của mình. Tôi chắt chiu gìn giữ từng ly từng tí những thứ vẫn được mệnh danh là hạnh phúc. Tôi cẩn thận từng lời ăn tiếng nói với Đỗ, chăm sóc cho Đỗ từng nếp áo, chiếc khăn mùi soa, từng hạt bụi trên giày... Không phải chỉ lúc có người ngoài mà ngay cả khi chỉ có hai đứa. Chẳng hề có ai phán xét, chẳng hề có ai nghi ngờ chúng tôi sống không vui vẻ với nhau, đồng sàng dị mộng với nhau. Chẳng có ai. Chỉ trừ Nhị. Nhị thấu đáo tận đáy tim tôi, như người thợ lặn biết rõ dưới lòng biển sâu chứa đựng những gì.
Có lần tôi nằm mơ thấy mình bỏ Đỗ, thấy tôi viết để lại cho Đỗ mấy giòng chữ ngắn ngủi, "em đi, để chúng ta bắt đầu một đời sống mới vui vẻ hơn". Trong mơ tôi lúc ấy, chẳng biết tôi đã muốn bỏ Đỗ để bắt đầu với ai, đi đâu, nhưng tôi nhớ rất rõ chuyến máy bay đưa tôi rời xa Đỗ sẽ cất cánh vào lúc chín giờ mười lăm. Và tôi đã đặt tấm giấy với những giòng chữ ấy ngay trên giường ngủ. Đã đóng thật kín các cửa sổ để tờ giấy không bay đi. Trong mơ, tôi đã rất cẩn thận. Cẩn thận đến từng chi tiết vụn vặt hằng ngày. Nhớ từ những thói quen bình thường của Đỗ. Như chiếc cặp sách đi làm về sẽ được dựng trên tủ để giày ngoài hành lang. Thay quần áo ở phòng tắm. Uống một ly nước lạnh ở nhà bếp. Và lâu lắm mới vào phòng ngủ. Ở trong mơ, tôi thấy mình dự định đi lúc chín giờ mười lăm, còn Đỗ thì về nhà lúc tám giờ rưỡi tối. Như vậy, với những thói quen hằng ngày, phải lâu lắm Đỗ mới thấy những giòng chữ cuối cùng tôi để lại. Hôm ấy ở ngoài đời thật, đài truyền hình đưa tin có chuyến bay vừa mới rớt ở Alaska. Tôi nhớ trong mơ tôi cũng đã nghĩ đến chuyện mình có thể tuẫn nạn bất chừng trên đường đi.
Một giấc mơ kỳ lạ. Một giấc mơ làm tôi sợ hãi. Bởi nó ky cóp tất cả những điều vụn vặt hằng ngày. Như một thứ hóa chất được kết tủa cuối đáy ống nghiệm. Nó cưu mang tất cả mọi ý nghĩ nhọc nhằn của tôi ngoài đời. Nó gom nhóm tất cả những ước mơ kín dấu, đầy tối ám và tội lỗi của tôi lại với nhau. Tôi đã "sống" một cách rất thực, trong mơ tôi. Tuy nhiên cũng trong giấc mơ ấy, tôi đã không thấy mình chấp cánh, không thấy mình rời Đỗ mà đi. Tôi đã choàng người thức dậy lúc nửa đêm, giữa tiếng thở đều đặn của chồng ở bên cạnh, giữa tiếng mưa rơi xao xác, gõ lộp độp trên mái nhà kính ngoài phòng khách.
Hôm ấy, đã phải khó khăn lắm, tôi mới bình tâm. Phải khó khăn lắm tôi mới không chồm lên như những cơn sóng dữ ngoài biển khơi. Không tự lật úp khoang thuyền mình xuống giòng sông tội lỗi. Tôi đã phải nhọc nhằn vô cùng mới trở về cái vị trí thường ngày của mình. Tôi có nói với Đỗ tôi gặp một cơn ác mộng.
Lúc đó Đỗ chưa biết tôi đã gặp lại Lãng. Lúc đó tôi cũng chưa biết Lãng bị ung thư. Về sau, khi kể cho Đỗ nghe về tình trạng sức khỏe bấp bênh ngặt nghèo của Lãng, mấy lần, tôi nhấp nhổm định nhắc đến cái giấc mơ mà tôi đã gọi là ác mộng, nhưng sau lại thôi. Nhị hay đùa bảo tôi không nên lợi dụng sự vị tha, rộng lượng của Đỗ. Tôi đùa lại:
- Đỗ rộng lượng, vị tha chắc có lẽ tại thấy tình địch của mình đã... hết xíu quách, không biết sẽ về thiên đàng, hay xuống địa ngục bao giờ.
Tôi báo tin Lãng chết với Đỗ bằng một một giọng hết sức bình tĩnh, bằng đôi con mắt ráo hoảnh. Và bằng mọi cách, tôi đã cố gắng hết sức để không gây cho Đỗ cái ý nghĩ là tôi đang muốn thách thức Đỗ. Tôi ngồi đối diện với Đỗ trong phòng ăn, hai tay co vòng quanh chiếc tách trà như vẫn thường làm. Mọi hành động mọi cử chỉ của tôi đều có tính toán, nhưng nếu Đỗ chú ý, chắc có lẽ đã thấy mười ngón run rẩy của tôi. Tôi xin phép Đỗ cho tôi đi Paris, và ngước mắt chờ đợi câu trả lời. Mường tượng, lúc ấy mà Đỗ la lên một tiếng, hay nhiều tiếng, chắc chắn tôi đã đứng tim, nghẹt thở. Nhưng không. Đỗ im giây lâu, rồi Đỗ hỏi Lãng mất khi nào, có đau đớn gì lắm không. Cuối cùng, Đỗ nhẹ giọng hỏi, "em đi bao nhiêu ngày". Thật sự, chính ngay lúc ấy, tôi gần như đã tàn lụi hẳn, không còn chút sinh khí nào trên người. Thật sự, tôi chỉ muốn sụp xuống. Chẳng phải chỉ vì cái chết của Lãng, chẳng chỉ vì hành động, ứng xử quân tử của Đỗ, mà sự căng thẳng làm tôi tàn hơi, kiệt lực.
Tôi có cảm tưởng cả Đỗ lẫn tôi đều đang ráng hết sức mình để coi như chuyện Lãng qua đời, chuyện tôi đi Paris chào vĩnh biệt Lãng cũng bình thường như mọi bình thường khác xảy ra hằng ngày trong đời sống. Và tôi cũng nhận ra, cả hai chúng tôi đều biết mình giống hệt như những mummies vừa được khai quật từ các ngôi mộ cổ, gặp không khí, gặp gió mạnh, là có thể tan ra thành bụi cát. Đỗ đã cố gắng để không tỏ ra mình nhỏ nhen ích kỷ. Còn tôi đã cẩn thận, e dè để không làm lộ ra sự trơ trẽn của mình. Cả hai chúng tôi đều cân nhắc kỹ lưỡng từng tia mắt nhìn, từng nụ cười, cái cau mày, nhăn mặt, đến một tiếng ho, tằng hắng.
Đỗ hỏi tôi qua loa thêm vài điều, dặn dò sơ sài thêm vài điều, rồi chúng tôi ngồi yên với nhau, giữa bầu không khí trầm trầm, lặng lẽ. Sau đó Đỗ giúp tôi dọn bàn ăn xuống bếp. Bình thường như mọi ngày. Như chúng tôi vẫn làm trong nhiều năm chung sống với nhau. Nhưng sự nhẫn nại, chịu đựng của Đỗ khiến tôi bàng hoàng. Lúc đi ngang qua Đỗ, tôi đã lo lắng đến sợ hãi. Tôi sợ mình sẽ bật khóc trước mặt chồng. Sợ Đỗ hiểu lầm tôi đang khóc Lãng, dẫu thật sự tôi cũng muốn òa lên những giọt nước mắt xót thương tự nhiên như nhiều người trên cõi đời này vẫn khóc người thân, khóc người yêu.
Sáng hôm sau tôi chọn giờ đi lúc Đỗ chưa ngủ dậy mặc dầu chuyến bay của tôi cất cánh lúc giữa trưa. Trước khi rời nhà, tôi đã ngập ngừng nhiều lần, muốn viết mấy giòng cám ơn Đỗ, tuy nhiên cuối cùng lại sợ khơi thêm nỗi đau của cả hai, nên chỉ lặng lẽ dọn ly tách điểm tâm cho Đỗ ra bàn. Tôi đã tần ngần đi tới đi lui giữa căn phòng chập choạng ánh đèn vàng, nghĩ đến Lãng bằng nỗi thống khổ, nghĩ đến Đỗ bằng cơn sám hối, mãi sau cùng, mới đi, một mình. Hôm qua tôi từ chối không để cả Nhị tiễn ra phi trường.
Lúc tôi xuống đến con dốc chờ xe bus, trời bắt đầu rớt mưa. Những hạt mưa nhỏ, không đủ thấm ướt mặt đất, nhưng lại tạo ra một không khí ảm đạm. Buồn. Tôi thở dài. Thật tình, tôi chẳng muốn để lòng mình thê lương. Trước đây, tôi đã từng nghĩ đến chuyện Lãng sẽ đi hết đoạn đường, sẽ yên phần của mình như thế này, nhưng chưa bao giờ nghĩ ra cái chuyến đi về miền vĩnh biệt của Lãng lại sầu não đến độ ấy. Vài người hàng xóm đi làm sớm gật đầu chào, hỏi tôi đi nghỉ hè một mình ư, và ở đâu. Tôi trả lời qua loa cho có lệ. Cố hết sức tránh những câu nói có thể làm Đỗ buồn lòng nếu như người hàng xóm tình cờ gặp Đỗ ở đâu đó, nhắc nhớ đến tôi. Lòng tôi nặng xuống. Nỗi xót xa mất Lãng, nỗi mặc cảm tội lỗi đối với Đỗ chồng chéo hỗn loạn trong tâm tư tôi. Tôi ứa nước mắt thương thân và tự biện hộ, tự dối lòng, chỉ lần này nữa thôi, chỉ lần tiễn đưa Lãng về nơi an nghỉ cuối cùng này nữa rồi thôi. Rồi sẽ chẳng bao giờ có lần nào trong đời, con người lãng mạn, ướt át trong tôi trỗi dậy. Sẽ chẳng bao giờ có cuộc tao loạn, đảo chính nào dù chỉ là trong một giấc mơ ngắn ngủi vài phút đồng hồ.
Người tôi mềm rũ xuống. Đầu tôi đau điếng như có ai kéo ngược lại phía sau. Hai mắt mỏi, nhức nhối khó chịu, tôi ngồi bất động hàng giờ trong quán cà phê ở phi trường. Tay không buồn dở một trang báo, giơ không nổi một tách nước lên cao.
Một đêm hoàn toàn không ngủ, một buổi sáng đếm từng giây thời gian chậm chạp, một tiếng rưỡi đồng hồ phất phơ trên máy bay, hai mươi phút não nề trong phòng chờ lấy hành lý, và một tâm tư nhàu nát tang thương, lúc ngồi trên chuyến métro về nhà trọ, tôi như hoàn toàn không còn đủ sức lực để vuốt những giọt nước mắt đang đổ dài ra trên má. Tôi khóc như mưa. Khóc, mà chẳng cần để ý người chung quanh nghĩ sao về mình. Chẳng cần biết những người đàn bà da đen ngồi trước mặt ngơ ngác nhìn, ái ngại. Chẳng cần hay những người đàn ông mắt xanh tóc vàng ở dãy ghế bên kia xót thương ngó.
Tôi mặc kệ trời thành phố Paris không mù sương, không mưa bay. Chuyến xe đưa tôi về quận chín, đến chỗ trọ tồi tàn nằm trên một hí viện cũ, gần Monmartre. Một chỗ trọ do người đàn ông Pháp tốt bụng ngồi cạnh tôi trên máy bay gọi điện thoại đặt giúp sau khi kiên nhẫn đến kiệt sức nghe thứ tiếng Pháp bồi ghê rợn của tôi. Tôi đã nói với ông, tôi cần một chỗ trọ rẻ, không nhất thiết phải đầy đủ tiện nghi, mà chỉ cần gần trung tâm thành phố, và gần nhà Lãng, nơi tôi nghĩ người ta sẽ làm lễ an táng Lãng trong một thánh đường nào đó.
Tôi úp mặt vào lòng bàn tay, ngồi sụp xuống trên mặt nệm trải tấm chăn màu gạch cũ kỹ, sần sùi những hạt bông xam xám đen. Một mùi ẩm mốc trong căn phòng đưa lên rờn rợn mũi, mà lúc nhận chìa khóa, lúc bước vào căn phòng này, tôi đã mệt rũ rượi đến không để ý gì cả. Tôi lại cố nhủ lòng, dầu gì, dầu gì đi nữa thì Lãng cũng đã chết rồi. Lãng cũng đang nằm ở một nơi nào đó tôi chưa biết, trong nhà quàn hay trong căn phòng đặc biệt của bịnh viện -trời ơi, sao tôi sợ nói đến hai chữ nhà xác quá đỗi! Tôi ngồi im, lặng lẽ ngồi im, những giọt nước mắt khô trên má môi. Tôi nhớ lại trước đây tôi vẫn thường mường tượng Lãng khi về già, chân run gối mỏi, vẫn thường nghĩ đến chứng bịnh nan y Lãng mang trong người, nghĩ đến cả lúc Lãng lìa trần, nhưng không tưởng tượng nổi khi thần chết gọi tên Lãng, tôi sẽ như thế nào...
Vai tôi khẽ rung lên. Trước nay, đâu đó trong những lần suy nghiệm về phần đời kỳ quặc mình đang sống, tôi cũng đã nghĩ đến một cơn đại hồng thủy giận dữ của Đỗ sẽ trút xuống tôi khi Đỗ không còn có thể chịu đựng nổi sự phản bội ngấm ngầm của tôi, tuy nhiên tôi không nghĩ ra, không nhìn thấy mình trong cái tư thế hụt hẫng, vỡ nát này. Trong mơ tôi, mà tôi cũng đã nghĩ tôi sẽ bỏ đi một cách lén lút, cũng chỉ dám để lại cho Đỗ một bức thư, nên trong những tưởng tượng của tôi, tôi đã không đủ can đảm nghĩ đến ngày tôi nghinh phùng một cách quái gỡ trước mặt người đi bên cạnh Lãng nhiều đoạn đường dài, và nữa, đối diện với Đỗ như tối đêm qua. Tôi không biết sau bao nhiêu năm khốn khó dấu quanh dấu quẩn tình cảm mình trước mặt Đỗ, lần này, sau cái chết của Lãng, tôi phơi bày nỗi lòng tôi ra như vậy, Đỗ sẽ cư xử với tôi như thế nào, và ngược lại tôi sẽ cư xử với Đỗ như thế nào. Chẳng biết một trận chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng nào đó có xảy ra cho chúng tôi hay không.
Tôi gập người nhìn ra ngoài. Từ chỗ tôi ngồi chỉ thấy một phần cửa sổ đóng kín ngôi nhà bên kia đường. Chẳng có trời xanh, chẳng có mây hồng. Tôi thở dài nghĩ đến chuyện phải liên lạc với vợ Lãng để biết một cách chính xác chuyện người ta sẽ chôn cất Lãng ở nơi nào, hành lễ tại đâu, và bao giờ.
Tôi rùng mình, buông bàn tay, mở mắt ra ngước nhìn mình trong tấm gương gắn giữa phòng. Tôi trong gương tiều tụy ngó tôi ngơ ngác bên ngoài. Tôi quá khứ ngó tôi hiện tại. Tôi thiên đàng ngó tôi địa ngục. Và tôi buồn ngó tôi đau. Một cơn mê sảng như chỉ chực chồm lên vây lấy tôi, hung hãn kéo tôi xuống vực. Tôi nghĩ mãi vẫn không ra một câu để hỏi, để nói với vợ Lãng. Không lẽ tôi không xưng danh. Không lẽ tôi chỉ cầm máy lên, hay xông thẳng đến nhà Lãng, xin phép được tiễn đưa Lãng đến nơi an nghỉ cuối cùng. Không lẽ tôi chỉ chia buồn với vợ Lãng. Suông. Rỗng. Sáo. Như mọi người. Hay không lẽ tôi sẽ gục đầu bên quan tài của Lãng, than vãn về nỗi thống khổ của mình. Hay tôi sẽ ngả lên bờ vai của vợ Lãng nói những lời tạ tội, ăn năn. Tôi tối ám cả mặt mày. Cái tư thế này, cái trường hợp này, bao nhiêu năm qua, tôi đã không hề nghĩ tới, không hề chuẩn bị cho mình.
Tôi mỏi mệt đứng dậy tìm chỗ rửa mặt, nhận ra cái ý định đi gặp mặt Lãng lần cuối của tôi, đang gần như bị phá sản hoàn toàn. Có lẽ đến lúc này, đã là quá trễ để người ta còn để trống nắp quan tài chờ một người thân nào đó của Lãng về nhìn mặt. Để chờ tôi, chắc chắn càng không bao giờ có thể xảy ra. Cổ họng tôi khô quéo lại. Tôi run chân đi về phía bồn nước. Hơi lợm giọng, tôi đứng một lúc rất lâu ngó cái robinet đóng váng vàng xỉn chung quanh, ngó cái kệ tủ màu ngà ở bên cạnh, không dám nhấc bàn tay lên. Nhưng cuối cùng rồi cũng nghiêng mặt vào cho giòng nước xối xả chảy xuống. Nước thấm đến tận cổ tôi. Tôi ướt đẫm như vừa lội dưới sông lên.
Và tôi không biết mình đã đứng với cái tư thế ấy cho đến bao lâu. Mà mãi tới lúc đứng trên hè phố gập ghềnh nhiều chỗ xi măng tróc lở, ngó giòng nước đen ngòm chảy dọc bên lề đường như ở quê nhà, tôi mới tỉnh người. Mới biết mình đã rời căn phòng mốc ẩm đi ra ngoài. Tôi tìm hướng ra trung tâm. Lại trên những chuyến xe bus, rồi métro. Lạ hoắc huơ. Người tôi bềnh bồng trên những bước chân dọc các con phố nhiều hàng quán bán đồ biển của người Hy Lạp, người Thổ, đổ về Notre Dame rồi ra bờ sông Seine. Tôi đi như một người đi dạo. Tôi đi như một du khách. Mùa này, Paris nhiều du khách. Mùa này, Paris nắng ấm. Mùa này, nếu trời mưa, Paris sẽ có ngay những đôi nhân tình hôn nhau dưới trời mưa, hôn nhau dưới những ngọn đèn đường vàng óng, dưới những chiếc dù xoay tròn, hôn nhau giữa cơn đau của tôi...
Tôi rùng mình. Nhủ thầm, Lãng vừa mới chết cách đây hai hôm. Và tôi bước xuống những bục tam cấp, đứng ngó ra giữa giòng sông. Sau lưng tôi, tiếng kèn saxophone của người đàn ông da đen như muốn xoáy tới trước, lăn tròn vào con nước bằng những bài tấu khá quen thuộc. Đèn hoa giăng sáng rực trên những cây cầu nhiều người qua lại phía bên kia. Chỗ tôi đứng tối đen. Sỏi đá dưới chân không ánh nổi một tia lấp lánh. Chẳng có gì để gợi cho tôi nhớ, mà tôi cứ nghĩ miên man đến giòng Tiền Đường, đến bài hát Đỗ thường nghe đi nghe lại nhiều lần. Em đi bỏ lại con đường. Bỏ tôi hoang vu và nhỏ bé. Bỏ mặc tay buồn không bàn tay (TCS). Tôi đưa bàn tay lên ngó những chiếc móng sơn màu gụ, rồi úp kín đôi con mắt. Lát sau lại bỏ xuống, thõng hai bên đùi. Người tôi lạnh ngắt giữa trời thành phố Paris ấm áp. Lòng tôi lạnh ngắt. Thật tình, tôi chẳng biết mình đang làm gì ở nơi đây.
Cuối cùng tôi thả trí tôi về bữa ăn tối Đỗ có thể đang ngồi một mình trong gian bếp trống. Đỗ không có thói quen đi ra ngoài. Không có thói quen đến chỗ bạn bè, một ly bia, một ngụm rượu khi buồn. Cũng không hàng không quán. Nhất là những khi có chuyện bối rối, tôi có cảm tưởng như Đỗ chỉ muốn chiến đấu một mình với nỗi buồn, nỗi hoang mang của mình. Đỗ hay yên lặng nghe một bản nhạc tình, một tấu khúc ngắn, ở chỗ Đỗ vẫn thường ngồi nhìn ra vườn mỗi sáng. Có khi Đỗ đọc một cuốn sách. Đọc đến hết, đến chương cuối cùng. Khi khác, Đỗ làm việc. Mang hồ sơ, giấy tờ từ văn phòng về nhà, loay hoay cho đến tận khuya.
Tôi lắc mạnh đầu, bỏ chỗ đang đứng, đi về phía chân cầu nhiều đèn hoa. Những hình ảnh quen thuộc của Đỗ làm trí óc tôi héo quắt. Tôi thấy mình kỳ cục, quái gỡ. Giờ này, lẽ ra tôi nên dựng cho mình một khuôn mặt, một kiểu tiễn đưa, một lối thành kính nghiêng mình trước linh cửu. Ngày mai, ngày mốt gì đó, mặt đất sẽ khép lại hình hài một con người dính dáng tình cảm với tôi lâu năm, từ thuở thanh tân cho đến quá nửa cuộc đời. Ngày kia, ngày kia nữa, trần gian sẽ chẳng còn bóng dáng một con người từng làm tôi mệt mỏi, từng làm đời sống tôi khốn khó. Từng làm tôi ngượng ngịu trong cái bổn phận làm vợ của mình, gượng gạo trong từng câu nói, từng hành vi ứng xử đối với chồng.
Tôi thở dài bước ngang một dãy người hành nghề vẽ chân dung dọc theo bờ sông, và hai bên đường lên cầu. Có người níu tôi lại, quảng cáo. Ba trăm franc cho một bức chân dung. Bằng thứ tiếng Pháp tuyệt hảo, và bằng một thứ tiếng Anh tồi tệ. Tôi quay đầu, cười héo, chê đắt. Lát sau, không hiểu ma quỷ nào đưa đường dẫn lối, gặp một người khác chào mời, tôi lại đú đởn dừng chân, ngả giá bằng thứ tiếng Pháp tồi tệ gấp ngàn lần người đàn ông chuyên vẽ mặt người. Cuối cùng, mặc cả chán, tôi rời những nhà nghệ sĩ chân cầu, phất phơ lên phố, giật mình, sững sờ hỏi lòng, tôi đang làm cái trò gì thế này.
Mắt tôi hoa lên, nhức nhối cắm trên những ánh đèn vàng rực sáng. Bụng bất thần cồn cào lên một cơn đói. Tôi nhận ra từ sáng đến giờ, tôi chưa hề ăn một thứ gì. Và đồng thời cũng nhận ra mình đang cà rỡn với cuộc đời một cách hết sức lãng nhách, vô duyên. Nhận ra trong khi tôi đã phải chiến đấu kiệt lực với chính mình, với Đỗ, rồi ra sức lặn lội sang bên này, mà cho đến tận bây giờ vẫn chưa biết được Lãng đang nằm đâu, trong quan tài, hay trong căn phòng đặc biệt tôi vẫn thường không dám gọi đúng cái tên của nó.
Tôi đưa tay ôm lấy phần dưới trái tim, đầu cuống bao tử, bước thấp bước cao, lọt thỏm vào giữa đoàn người đang đứng xem đám thanh niên chơi roller skate trên đường phố. Phía sau lưng tôi một đám khác đang ủng hộ người đàn ông biểu diễn xe đạp. Một đám nữa vỗ tay khen ngợi bốn chàng thanh niên da đen vỗ trống Phi châu. Mùa này Paris đẹp như một giấc mơ. Mùa này trời nóng vừa cho thiên hạ phơi tay trần, áo cánh ra đường. Ngọt ngào vừa cho những vòng tay và những nụ hôn. Tôi hỏi thầm, có mùa nào Paris dành cho một đám táng buồn, một cuộc tình nghiệt ngã, để tôi bước đi mà không xót xa hay chăng.
Tôi lùi lại vài bước. Lóc cóc gõ giày lên mặt đường, đi như đi vào hư vô. Lúc dừng lại, đứng tựa vào một cột đèn, mới hay mình đã vòng trở về con đường cũ, dẫn vào nhà thờ Notre Dame. Tôi ngước mắt ngó lên những cánh cửa vòm bằng nỗi thống khổ cùng tận. Paris vẫn đèn, vẫn hoa, vẫn người qua lại. Vẫn sáng thứ ánh sáng kinh kỳ. Vẫn rộn ràng vũ hội cho người muôn phương. Vẫn diễm lệ muôn màu. Chỉ trừ tôi day lưng vào bóng tối cố nhướng mắt trông về phía tỏa hào quang mà mãi vẫn không tìm thấy thứ ánh sáng nào dành cho mình. Tôi nghẹn ngào thầm nghĩ đến Đỗ với cơn đau quân tử ở nhà. Người tôi lại như lả ra. Tôi lại bật lên khóc. Tôi rên lên với chính mình, hay là ngày mai tôi sẽ ra ga mua một cái vé xe lửa trở về nhà cùng Đỗ. Sẽ quỳ sập xuống dưới chân Đỗ, như đào hát Bạch Lê diễn vai nữ tướng hàng triều trong các tuồng cải lương Hồ Quảng mà xin Đỗ những lời thứ tha. Nước mắt tôi đắng chát ứa ra trên mi. Tôi nhớ Đỗ với câu hát. Em đi bỏ mặc con đường... Bỏ mặc nhân gian, bỏ mặc người. Bỏ xa xôi yêu và gần gũi. Bỏ mặc tôi buồn giữa cuộc vui...
Tôi hực lên mấy tiếng nấc, không biết mình nên làm gì nữa bây giờ. Tôi nhớ còn bốn ngày nữa mới đến ngày về ghi trong vé máy bay khứ hồi của mình. Và hiện tại, thì vẫn chưa biết Lãng đang nằm ở nơi nào.                                                                                          
8/1999
Hoàng Nga
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...