Thành phố không nằm trong trí nhớ
Có phải nơi này em đến đây?
Còn chút hơi tàn anh ráng thở
Cho đủ trăm năm lỡ kiếp này.
Quan Dương
Con đường lên nhà chị, dốc. Chung quanh núi chập chùng. Cái
thành phố nằm dưới thung lũng đầy mây xám, chiều cuối năm không còn bóng lá
xanh, trông có vẻ nhỏ hơn rất nhiều khi nhìn từ con dốc đổ xuống. Lúc đứng
trong khung cửa sổ căn phòng nhỏ chị dành cho tôi, tôi cũng đã cố ngước mắt
xa hơn một tầm nhìn, vượt những ngọn thông nhiều xương lá, vượt những chóp
núi chập chờn hình ảnh lẻ loi cô độc, vượt bầu trời mù, nhàn nhạt một màu
khói thuốc, và đã cố nhủ lòng không nên buồn, nhưng cuối cùng vẫn cứ thấy ngắc
ngứ một chút gì man mác, nằng nặng. Một cái cảm giác kỳ quặc. Khó tả. Thể như
tôi bị choáng ngộp bởi cái tịch mịch, cổ kính và thơ mộng ở nơi đây. Như những
công trình kiến trúc nằm ven sườn núi giống hệt tranh vẽ đã làm tôi bàng
hoàng. Làm mộng thực pha lẫn vào nhau, không phân biệt được.
Hôm qua chị nói với tôi, sẽ có một cuộc hẹn cho tôi. Có
nghĩa là chiều nay, tôi sẽ chút phấn son, trang phục thẳng nếp kỹ lưỡng, nụ
cười ngập ngừng nở nửa miệng, vài ba cái chớp mắt dịu dàng. Để... hớp hồn người
đàn ông tôi chưa hề biết mặt. Tôi phì cười:
- Chị bảo em hớp hồn người ta hay em sẽ bị chết đọa chết
đày? Nhớ lai tỉnh em khi em hồn xiêu phách lạc.
Chị cười trả, giả giọng đồng bóng:
- Lai tỉnh, bớ nữ. Phải vậy không?
Tôi gật đầu. Nói với chị. Mười năm rồi, em quên mất cái
cách nghiêng đầu làm dáng, quên mất lối thẹn thùng nữ giới. Quên luôn cả cách
ướp mật, pha đường vào câu nói, giọng cười. Cái khả năng quyến rũ người khác
phái của em chắc đã... xẹp lốp, xì bánh, cạn xăng, em hết còn chạy được trên
đường tình. Em giống khúc chả lụa đông đá quấn bằng bao ni lông chị mới lấy
ra từ tủ lạnh lúc nãy. Không có lực hấp dẫn vũ trụ, không sức đẩy Archimède,
không gia tốc, không vận chuyển ánh sáng.
Chị đi qua đi lại giữa căn phòng, hát, "khép kín lòng
môi. Anh mong tình yêu tới... Và mưa bay, tháng sáu đẹp không em...". Tiếng
hát chị trong veo như thiếu nữ. Chị mặc tôi lảm nhảm một mình. Lát sau chị hỏi
tôi sẽ chọn áo màu gì cho cuộc hội ngộ chiều mai. Tôi rùn vai:
- Em sẽ chọn sai màu áo.
Tôi chẳng có màu áo gì ngoài đen và xám để mặc trong suốt
mùa đông. Cả xuân thu gì đó, cũng chẳng bao giờ rực rỡ công phượng. Thời thiếu
nữ, giản dị vàng mơ, nâu nhạt. Thời cô phụ, tím than, tím lợt, tím hoa sim,
tím rừng chiều, tím cả đồi hoang biền biệt. Thượng thọ... tứ tuần, thêm rêu
phong ủ ê. Là hết. Chấm dứt. Hôm tôi mới lên, chị đi đón tôi, bảo trông tôi từ
đàng xa, giống hệt như những vệt cọ trên các bức tranh đương thời của Nhật.
Trắng đen nhức mắt. Chị nói thiếu chút đỏ rực nữa là vừa buốt lạnh. Tôi bật
cười. Chị ví von nghe vui tai không chịu được. Và tôi trêu chị, trong hội họa,
màu đỏ, vàng là màu nóng, xanh lơ mới là màu lạnh. Chị cấu tay tôi. Cười
theo.
*
Trong hội họa, màu nóng lạnh, cảnh sắc thường phải được
phân biệt rõ ràng. Trong lòng tôi, mọi thứ lộn xộn như căn nhà chưa dọn dẹp.
Chỗ này nỗi buồn. Chỗ kia chút sầu não. Chỗ nọ nỗi oán trách. Tôi có mớ thơ từ
của người thân cất trong những hộp gỗ, hộp giấy, trong đó có một lá mà tôi vẫn
sợ, vẫn muốn vất đi, nhưng rồi cuối cùng vẫn cẩn thận xếp lại vào phong bì, vị
trí cũ của nó, và để ở cuối hộp thư. Bao nhiêu năm rồi tôi vẫn giữ nó như giữ
một oan khiên. Như giữ một thứ bịnh ung thư, một dị dạng chưa cắt bỏ được. Và
tôi giữ, chẳng biết để làm gì, ngoại trừ để buồn. Cái thư của chồng tôi. Chồng
cũ. Chồng trước. Ex-husband. (Kỳ cục, cái chữ gọi nghe buồn cười, và coi bộ
không trúng trật gì hết, vì thực tế tôi chưa tái hôn, chưa có cái gì "mới",
nên chữ "cũ" ở trường hợp này, hoàn toàn chẳng nói lên được điều
gì, nghĩa lý gì, trừ việc nếu tôi không liệt "người ấy" vào quá khứ,
cũ, trước, ex, thì trước bá quan văn võ quần thần, không thể tự khẳng định,
hay biện hộ, bào chữa được cho lý do gia cảnh, tình trạng... quân dịch, độc
thân của mình!).
Cái thư anh viết cho tôi cũ mèm. Những nếp gấp đã được và bị
tôi mở tới mở lui nhiều lần đến muốn rách hẳn, rời ra thành nhiều mảnh. Cái
thơ dài, nhưng có nhiều đoạn lẩn quẩn mãi trong trí tôi. Có đoạn anh viết,
"thành phố anh về một mình. Con đường lấp loáng nước bởi những hạt mưa bụi
bay không ngớt trong không. Từ tám mươi cây số dưới phía nam, anh đã nhắc
mình nhiều lần, không thể mềm lòng, không thể buồn vì bất cứ lý do gì. Vậy
mà, cơn mưa. Cơn mưa bụi anh không ngờ tới, có lẽ đã dẳng dai từ lâu, thảm sầu
phất phơ nghiêng ngả trên mặt lộ, trông giống hệt như những cơn mưa chiều
ngày xưa ở quê nhà, khiến anh liên tưởng đến nhiều điều mà anh đã vô tình hay
cố ý quên, chốc chốc lại làm anh lao chao. Người anh nẫu ra. Nhão, ướt mèm
như một miếng xốp thấm nuớc.
Nhăn mặt, anh nhủ thầm một mình, nam nhi chi chí ơi, sao
ngươi eo xèo đến thế! Và anh cố cười. Tự trêu mình. Buồn, bỏ đi Tám! Xưa rồi
Diễm ơi! Thời làm học trò nhưng sách vở không cầm tay đã chết chìm với quá khứ,
chết đắng với hiện tại, chết cay với tương lai, chết thảm sầu với...
terminator. Buồn chi nữa không biết!
Suốt cả tiếng đồng hồ, quay cửa kính xuống chỉ để vất điếu
thuốc ra ngoài, nhưng rồi anh cứ ngồi im như vậy, để mặc hơi lạnh tràn vào
bên trong. Anh co ro cúm rúm. Sầu não chán chường. Cuối tháng hai, dọc đường
anh về, hoa tím, hoa vàng đã thôi không còn nở rực rỡ, cây lá đã bắt đầu hết
xanh ngắt, trời bớt trong veo. Mùa hè, chừng như chẳng còn ngạo nghễ chiếm cứ
khắp nơi. Đây đó, đã bớt những cô đầm khoác áo mỏng, tay sát cánh. Đã vắng những
chàng trai xếp mui xe, phơi mình giữa nắng và gió. Chính anh, khi nghĩ đến một
bãi biển, cũng đã rùng mình sợ hãi. Anh nhủ thầm, có lẽ rồi đây anh sẽ phải
chọn một sườn núi, một góc đồi quạnh quẽ nào đó cho mình khi trở về nhà, hay
nói xa thêm chút nữa, tận đến cuối đời.
Cơn mưa xám, cơn mưa phất phơ giữa bầu trời buồn bã của
thành phố buổi chiều đang ra sức đẩy dần cái giá buốt lên đến tận sống lưng
anh khiến anh không khỏi rùng mình. Anh có cảm tưởng như cơn mưa đang cố tình
trêu chọc, cố tình làm thần trí anh nhụt xuống. Cái cảm giác đơn lẻ giống hệt
miếng dằm đang nằm ẩn sâu dưới da thịt anh bỗng trở mình, đau thốn. Thường,
anh vẫn ghét, vẫn không muốn nhắc đến các từ ngữ, một mình, đơn độc, trơ trọi,
lẻ loi... Anh không ưa bất cứ tư tưởng bi quan, sầu tủi nào hiện diện trong đời
sống của anh. Dĩ nhiên, anh ghét cả sự thương hại. Dầu là thương hại chính
mình đi chăng nữa... Nhưng ở đó, giữa lúc ấy, anh đành phải rên lên một tiếng,
buồn quá!"
*
Thành phố có những buổi chiều mưa quất đậm vào mặt rát buốt,
tôi, với cái ba lô đầy sách vở, hai tay níu chặt chiếc dù lớn lúc nào cũng sẵn
sàng theo những cơn gió lớn bay phật về phía sau, lóc cóc đạp nước trên con
đường từ lớp học ra cổng trường, vội vã đuổi theo những chuyến xe bus trở về
nhà để kịp bắc lên bếp nồi cơm, kho miếng thịt cho con. Mặt mày tôi thường vẫn
lem nhem, ướt nước, nhưng không biết bởi những giọt nước mắt tủi nghẹn, hay
vì mưa bay. Thành phố những chiều không có anh, tôi cô đơn vẫy vùng, lặn lội
thân cò, vui những niềm vui tạm bợ, buồn những nỗi buồn triền miên. Có lúc
kiêu hãnh, không thèm đoái hoài đến hai chữ trách cứ, khi lại tủi hận, sầu đổ
tràn như thác lũ...
Đã nhiều lần, tôi tự hỏi, chẳng biết trong những tháng ngày
ấy, có bao giờ anh ngồi lại, yên ắng ở đâu đó, ngẫm nghĩ đến cuộc đời, ngẫm
nghĩ đến số phần của một con người mà nhỏ giọt nước mắt xót thương xuống thân
tôi hay không. Sau này, khi đã chia lìa hẳn, anh viết cho tôi, "thành phố
với những con đường nhiều hàng quán bắt đầu giờ đóng cửa, nhếch nhác dăm ba
người khách qua lại trễ tràng, vội vã dưới những hàng hiên, dọc hè phố, anh
lái xe vòng đi vòng lại một cách bàng hoàng. Anh đã cố hết sức để không nhìn
lên những ngọn đèn vàng hắt ra từ các khung cửa sổ, bởi lúc nào cũng sợ hãi sẽ
bắt gặp lại trong mớ suy tư tù mù, tạp nhạp của mình, cái ước mơ hạnh phúc
tìm cách chỗi dậy, cựa đạp..."
Khi mọi sự đã không còn ở trong tầm tay, đã muôn nghìn xa tầm
tay, cái ước mơ không còn gụi gần, mà chỉ là một ước mơ suông, chẳng bao giờ
thực hiện được, với tới được, anh mới kể cho tôi nghe, mới nói với tôi về những
điều giá mà nghe được trước đấy, có lẽ tôi đã sụp xuống như con giun, con dế
dưới chân anh. "...Bàn tay anh đã ngọ ngoạy, hết trên vô lăng, lại khẽ
rơi xuống chỗ đựng thuốc lá, nằm yên ở đó năm bảy giây, ngần ngừ rất lâu, rồi
anh đốt thêm điếu thuốc. Lúc nhả những sợi khói ra khỏi môi, anh nhớ đến một
vài cử chỉ của em, một cái nhăn mặt, bàn tay đưa lên ra dấu phản đối. Anh kêu
lên một mình. Trời ơi, em mất hút rồi. Khỏi tầm tay anh như một ánh sao băng
vụt qua trên bầu trời. Anh lao xe về căn nhà cũ, đứng nhìn những nhánh trúc
đào còn lác đác mấy đóa hoa trắng ngoài ngõ. Anh ra vườn sau, không tìm thấy
những hoa mận, nhưng chừng như lại trông thấy em đâu đó dưới tàn cây. Anh tự
hỏi lòng, không biết anh về như thế này, để làm gì!".
*
Tôi nói với chị, tôi sẽ chọn sai màu áo bởi chẳng có màu gì
để chọn. Ngồi giữa căn phòng rộng, đóa hoa hồng nhung đỏ thắm người đàn ông đặt
trên bàn, nổi bật bên vai áo tôi nhung đen. Tôi nghĩ đến câu ví von của chị,
có điều chẳng thấy tranh đương thời, tranh hiện đại của Nhật đâu. Chỉ thấy
thương sự cố gắng mà chị đã loay hoay thực hiện. Cho tôi. Tôi cười với người
đàn ông. Quan sát từng diễn biến trên gương mặt khá thanh tú, hàm râu quai
nón thật đẹp của kẻ đối diện, mà chợt nhận ra "niềm vui" của mình
khi đồng ý chơi trò... mai mối này của chị.
Người đàn ông hỏi tôi thường vẽ về đề tài gì. Phong cảnh,
tĩnh vật hay vẽ người. Thuộc trường phái nào. Trừu tượng, cổ điển, hay tự do.
Tôi lại cười. Nụ cười duyên dáng nhất từ lúc bắt tay nhau ở ngưỡng cửa cho đến
khi uống hớp cà phê đầu tiên. Nụ cười che đậy, dấu giếm những cái ý nghĩ cà rỡn,
không nghiêm túc chút nào đang vần vũ trong đầu tôi. Tôi lầm thầm trong dạ.
Tôi vẽ phong cảnh và tĩnh vật, vì phong cảnh và tĩnh vật không biết phản đối,
không biết la lên với tôi, "ê, sao bức tranh nói là vẽ tui mà không giống
tui chút nào hết vầy nè?". Còn trường phái thì tôi thuộc trường phái trừu
tượng, vì trừu tượng, với tôi, có nghĩa là không rõ ràng, không... giống ai!
Cười xong, nghiêng đầu đúng thủ tục làm dáng xong, tôi
trang trọng trả lời người đàn ông bằng thứ kiến thức... họa hình căn bản đọc
trong sách:
- Hình thể và màu sắc là một nguồn cảm hứng bất tận... Tôi
vẽ, cho vui, không đưa cho ai coi, nên gặp gì vẽ nấy.
Người đàn ông xuất thân là luật sư, chán nghề thầy cãi,
chuyển sang buôn bán bất động sản, vốn con nhà quyền quí, thích có người bạn
gái Á châu, thích xây một ngôi nhà nghỉ mát ở Bali, nghe chị quảng cáo cũng
văn nghệ, văn gừng, và cũng thích hội họa một cách... lơ tơ mơ như tôi. Người
đàn ông hơn tôi vài tuổi, vẫn còn độc thân. Một mẫu người lý tưởng cho những
cô con gái, mỹ nhân, đang độ tuổi chiêu quân, huống hồ gì là cho một người dở
dang, vô tài bất tướng như tôi. Chị cò cưa khuyên tôi nên lấy một người chồng
ngoại quốc, có công ăn việc làm vững chải mà không bị bó buộc giờ hành chánh
như thế, để tôi... muốn làm gì cũng được. Chị phân tích cho tôi thấy, trong
cuộc hôn nhân (nếu thành!) này, tôi sẽ là người... có lợi nhiều hơn "đối
phương". Vì xét ra cho cùng, người ấy chỉ có được tôi, một người vợ Á
châu (đã không đẹp, lại mất cái tính chất Á châu hết phân nửa!), còn tôi thì
ngược lại sẽ có một đấng phu quân, trí thức vừa đủ, đàng hoàng vừa đủ, ngon
lành vừa đủ để có thể lên mặt hãnh diện khi giới thiệu với thiên hạ, và quan
trọng hơn hết là người ấy không biết đọc... tiếng Việt, không tò mò xem tôi
viết những gì, do đó tôi sẽ được hoàn toàn tự do trong sáng tác!
Tôi phì cười. Lăn đùng ra cười. Chị làm như tôi là nhà văn,
nhà thơ, nhà nghệ sĩ thứ thiệt. Làm như tôi đã là "gì". Văn chương,
tranh vẽ của tôi đã "bức xúc" được nhiều người. Tôi nói với chị, nếu
"tài hoa" cỡ tôi mà mai một bớt, mà sa rụng bớt, thì có lẽ sẽ thiên
hạ đỡ chướng tai gai mắt, khó chịu hơn rất nhiều.
Tôi và người đàn ông đã bắt đầu như thế. Chuyện tranh ảnh,
hội họa. Sau đó, tiểu thuyết, tư tưởng. Con đường nghệ thuật luôn luôn làm
người ta gần gũi. Ngồi gần, gần lại với nhau, ngồi kề nhau hơn. Tính khôi hài
càng làm tăng thêm sự nồng ấm. Giữa căn phòng rộng, nhiệt độ được bật lên vừa
phải, màu áo đen và hoa đỏ rộn ràng, khoảng chừng nửa tiếng đồng hồ sau, tôi
và người đàn ông cười với nhau những nụ chẳng còn cần phải nghiêng đầu gì cả.
Chúng tôi cười thoải mái. Lớn thành tiếng. Cười những nụ cười không bao giờ
dành cho tình nhân. Không bao giờ được ghi vào sổ sách của những người yêu
nhau. Tôi kể cho người đàn ông nghe chuyện tôi đi học nhảy với một partner
cao hơn tôi gần.. hai cái đầu và kết quả cuối cùng là vì với tay không qua khỏi
tai người ấy, tôi bỏ học luôn. Người nghe cũng cao hơn tôi gần hai cái đầu,
chắc chắn tay tôi chẳng thể nào với lên đủ để... cắm sừng lúc đã "nên
gia thất" với người ấy. Tôi "khuyên" người đàn ông nên kiếm một
cô vợ lùn như tôi sau khi giải thích, bị phản bội, tiếng lóng Việt Nam có
nghĩa là bị cắm sừng. Một tràng cười nở ra. Dài tưởng như đến thiên thu.
Ngồi với người đàn ông, thỉnh thoảng, tôi nghĩ đến chị.
Thương chị. Mường tượng có mặt chị gần đâu đây, chắc thế nào chị sẽ tưởng
chúng tôi sắp cưới nhau nay mai! Chúng tôi đã uống hết một chai nước suối đầy
gas, sau khi nhấm nháp hai ly cà phê. Bụng tôi nặng như mang thai. Suốt ba tiếng
đồng hồ... đánh vật với mớ Đức ngữ toát mồ hôi hột, và... mỏi cả hai tay, tôi
nhận ra mình hoàn toàn đã hết duyên, và nếu có lấy được chồng ngoại quốc thì
cũng khó khăn, gian khổ giống đánh giặc, chứ không như chị tưởng, không như
người khác tưởng.
Về phía người đàn ông, thì tôi đoán có lẽ sau những phút đầu
gặp em tinh tú quay cuồng với tôi, thế nào về đến nhà, rồi chàng cũng từ từ dẹp
bỏ đi cái ý định có bạn gái Á châu, xây nhà nghỉ mát ở Bali!
*
Thành phố, với những giấc mơ hoa, một căn nhà, một mái ấm,
một đời sống yên ả êm đềm, chừng như có vẻ không thích hợp với tôi, dành cho
tôi. Tôi lạc lõng, quằn quại lung tung xèng trong mọi khung cảnh, mọi bầu trời.
Bạn tôi gọi tôi là thứ phản gỗ long đanh khi thấy tôi dắt con tha phương ở
nhiều nơi. Tôi nói lại nó, làm ơn chỉ cho tôi một kiểu mẫu đàn bà để tôi... sống,
chiến đấu, và học tập theo gương vĩ đại! Con nhỏ bạn chửi, tiên sư đồ đểu.
Bên kia trời, nó bận bịu cái hộ khẩu, đi đâu cũng phải trình thưa vâng dạ, xuất
trình đủ mọi thứ giấy tờ như con gái nhà lành với các bậc phụ mẫu chi dân, có
muốn long đanh như tôi cũng dễ dàng gì, nên nó dành lấy quyền phát thanh,
tuyên án tôi sút đinh, gãy gọng.
Lúc đi ra cửa với người đàn ông, tôi bỗng bị níu lại bởi một
nhánh dây leo được trồng theo dạng bonsai. Tôi kêu lên:
- Thứ wisteria màu hồng này hiếm và đắt lắm ông ạ.
Người đàn ông nhìn tôi:
- Cô có vẻ rành cây lá quá hả?
Tôi nhìn lại:
- Tôi thích loại này.
Tôi nói tiếp. Không cần người nghe, và hiểu. Loại dây leo
thường thấy, màu tím, trổ hoa vào tháng năm, tháng sáu ở bắc, tháng mười hai,
tháng giêng ở nam bán cầu. Đây là một loại hoa nở thành từng chuỗi dài, thơm
như hoa nhài, và sống lâu cả tháng. Bình thường người ta trồng wisteria tím ở
hàng rào, bờ tường, vòm cổng. Mùa đông lá sẽ rụng hết, và cây khô đi, nhưng
chỉ vừa nắng lên là đã thấy chồi non nở ra xanh mượt. Khoảng sau một tháng âm
ỉ trở mình, những chiếc lá có hình dáng giống lá chùm ruột mạnh mẽ vươn lên,
che khuất cả giàn. Màu hồng hiếm quí và đài các của loại cây này gần như chỉ
còn ở Trung Hoa.
Người đàn ông chớp mắt. Vẻ khâm phục "kiến thức khoa học
phổ thông" của tôi hiện ra trên gương mặt hiền lành ấy. Tôi nói, kể loạn
xạ. Nhưng không kể người bạn đời cũ của tôi thích hoa này, và đã gieo trong
tôi những hạt mầm ước mơ không bao giờ đâm chổi nẩy lộc, về một ngôi nhà với
giàn hoa tím bâng khuâng.
Chúng tôi chia tay nhau dưới đường. Tháng hai, trời đêm lạnh
ngắt. Tôi nói hy vọng sẽ có dịp gặp lại nhau một hôm nào đó. Người đàn ông
trao tôi tấm danh thiếp. Bảo bao giờ rảnh, cô gọi điện thoại cho tôi nhé. Tôi
gật đầu. Hứa. Nhưng tôi biết mình đã hứa suông. Và không ghi lại số điện thoại
của mình cho "đối phương".
Nhiều người hay thắc mắc đời tôi buồn mà tôi lại cứ ưa cười.
Tôi chẳng biết giải thích tại sao. Cười, với tôi, có lẽ dễ hơn khóc vì cười
không cần phải... chảy nước mắt. Không hao tốn chút nhiên liệu nào trong người.
Cười, còn dễ gây được cảm tình cho người chung quanh. Nhưng cười nhiều, nên
tôi ít khi được thiên hạ tội nghiệp. Ít khi được người khác thương thân trách
phận giùm. Và hình như ít có người mủi lòng vì những nỗi thống khổ của tôi
lâu, nếu không tính đến những người còn hỉ hả, "đáng đời" tôi nữa
là khác.
Tôi cười nhiều. Bỡn cợt với cuộc đời cũng nhiều. "Kế hoạch
tổng tấn công" của chị, bị tôi hủy hoại. Tiêu thổ kháng chiến! Hoàn
toàn. Thấy tôi ôm đóa hoa hồng bước vào nhà một mình, chị chép miệng:
- Thôi, coi như còn chút gì để... nhắc cũng được.
Coi như đó chỉ là một kỷ niệm đẹp. Đánh dấu sự thất bại, đầu
hàng vô điều kiện của tôi trong... công cuộc tái hôn, kiến thiết cuộc đời!
Tôi về. Ngoảnh lại thành phố chị đang sống, và thành phố tôi đã trải qua cơ cực,
tủi phiền. Không có thành phố nào cho tôi bén rễ xanh cây. Tôi đọc câu thơ.
Cho đủ trăm năm lỡ kiếp này. Tôi cười. Mừng hết lớn. Thấy mình may mắn quá cỡ
khi tin ở Chúa toàn năng, nghe Ngài phán rằng, mỗi con người chỉ có một cuộc
đời, một kiếp để sống trên mặt đất.
Tôi nói với tôi. Cuộc đời buồn đến thế, mà còn luân hồi,
thì... bỏ mẹ!.
|
Thứ Năm, 2 tháng 7, 2020
Thành phố không nằm trong trí nhớ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Thoáng mây bay
Thoáng mây bay Chương 1 Loại hoa tím 1971 Thảo buông bút, thở một hơi dài thoải mái: – Xong xuôi … Nhìn qua Tuấn, thấy bạn còn đang hý hoá...
-
Vài nét về văn học Đông Nam Á Đặc điểm của văn học Đông Nam Á (ĐNA) Nói đến văn học Đông Nam Á là phải nói đến sức m...
-
Cảm nhận về bài thơ một chút Kon Tum của nhà thơ Tạ Văn Sỹ “Mai tạm biệt – em về phố lớn Mang theo về một chút Kon Tụm”… Vâng...
-
Mùa thu nguồn cảm hứng lớn của thơ ca Việt Nam 1. Mùa thu Việt Nam nguồn cảm hứng trong nghệ thuật Mùa thu mùa của thi ca là m...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét