Bùi Giáng là một cái tên không xa lạ với văn học hậu hiện đại
Việt Nam. Theo như nhà phê bình Đỗ Lai Thúy thì “Nếu trước đây, Nguyễn Du mở ra
thời kỳ trung đại cổ điển trong văn học Việt Nam, nâng nó lên ngang tầm khu vực
Đông Á, còn Tản Đà vào những thập niên đầu thế kỷ XX đã mở đầu cho thời hiện đại,
đưa văn học Việt Nam vào quỹ đạo thế giới, tuy có sự lệch thời gian, thì Bùi
Giáng ở những mười năm cuối của cùng thế kỷ ấy đã đi đầu trong việc mở ra một
thời đại mới cho văn học Việt Nam, văn học hậu hiện đại”. Tuy vậy, những người
đọc và hiểu thơ Bùi Giáng hiện nay lại rất hiếm, nhất là các bạn trẻ. Bùi Giáng
in sách nhiều, với số lượng khổng lồ các tập thơ, sách dịch, “có lẽ vì vậy mà
những câu thơ vàng thau lẫn lộn, dính mắc, bíu ríu đến nỗi sẽ thực sự là một
thách đố để độc giả có thể tìm thấy trong những đống hỗn độn ấy những cặp lục
bát xuất thần, hay một thước văn rực rỡ”
(trích lời tựa cuối cuốn sách “Đười ươi chân kinh”).
(trích lời tựa cuối cuốn sách “Đười ươi chân kinh”).
Với mong muốn mang đến cho độc giả một cuốn sách về Bùi Giáng
với những bài thơ, áng văn hay, xuất sắc thể hiện một “hoàng tử bé” theo đúng
nghĩa thực, “Đười ươi chân kinh”, thơ văn tinh tuyển Bùi Giáng đã được xuất bản.
Trong buổi tọa đàm giới thiệu về “Đười ươi chân kinh” dài hơn hai tiếng đồng hồ
vào chiều 20-12 tại Hà Nội, những người yêu thơ Bùi Giáng, những người biết đến
Bùi Giáng, những người chưa từng đọc thơ Bùi Giáng đã có cho mình những cảm
quan riêng về “Đười ươi thi sĩ”.
Bùi Giáng
“Bùi Giáng là ai”?
“Hỏi tên rằng Biển Dâu Ngàn
Hỏi quê rằng xứ Mơ Màng đã quên”
Hỏi quê rằng xứ Mơ Màng đã quên”
Đó là hai câu thơ mà Bùi Giáng in trên tấm danh thiếp của
mình, sự lạ lùng của tờ danh thiếp đã phần nào hé lộ một “Đười ươi thi sĩ” khác
biệt, độc đáo và lạ thường giữa số đông những nhà thơ thời bấy giờ.
“Trước mắt tôi, Bùi Giáng xuất hiện như trong một chiếc
kính vạn hoa. Với tôi, hình ảnh ấy là một sự nhìn nhận, một vinh hạnh và một niềm
an ủi lớn lao đối với bất kỳ tác giả nào không đơn điệu và nhất phiến”, nhà
nghiên cứu, dịch giả Bùi Văn Nam Sơn (cũng là chú họ của Bùi Giáng) đã chia sẻ
cách nhìn của ông về “Đười ươi thi sĩ” như vậy.
“Người ta nói ông điên, nhưng điên mà tuôn ra thơ, múa ra triết
thì chắc nhiều kẻ muốn điên như ông” (nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo). Đúng là Bùi
Giáng “điên”, một cái “điên rất thi sĩ”, một cái “điên có tâm hồn”.
Giai thoại về Bùi Giáng có thể nói là một kho tàng cho những
ai muốn khám phá, muốn bóc tách cái “điên” trong “hoàng tử bé”. Đó là một con
người rất lạ lùng, rất “Tây phương” khi dịch sách, nhưng lại cũng mang đậm chất
Á Đông khi làm thơ Hán, dịch thơ Hán.
Đi trọn hơn 70 năm cuộc đời, Bùi Giáng vừa là một nhà thơ với
bút lực phi thường “vô tiền khoáng hậu”, vừa là một dịch giả và là một nhà phê
bình văn học. Hơn tất cả những thi sĩ miền Nam đương thời khác, Bùi Giáng có được
may mắn không đứt đoạn qua mốc 1975 lịch sử. Sau năm 1975, ông vẫn liên tiếp
tái bản thơ và sách dịch. Hơn thế, sau khi ông mất, một lượng di cảo thơ khổng
lồ đã lần lượt được xuất bản, biến Bùi Giáng thành “tác giả không bao giờ vắng
bóng” trên các kệ sách.
Chủ tọa hội thảo thơ Bùi Giáng
“Một ông lão gầy nhom, râu tóc bạc phơ, quần áo nhầu nhĩ ngồi
sau chiếc xe đạp thồ lướt qua đường và điều đặc biệt là ông ngồi quay lưng với
người lái xe, tay huơ lên như đang nói với trời xanh”, đó là những phác họa mà
nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã ưu ái chia sẻ với những người tham gia tọa đàm về
“Đười ươi thi sĩ” Bùi Giáng.
Bùi Giáng không lạ, nhưng để biết Bùi Giáng là ai thì có lẽ lại
là một sự lạ đối với những người tìm hiểu về ông. Muốn hiểu rõ về Bùi Giáng có
lẽ chỉ còn cách đọc thơ ông, sách ông dịch, để chiêm nghiệm con người thơ trong
đấy, một áng thơ rất “điên” nhưng cũng rất “tình”.
“Hoàng tử bé” Bùi Giáng có thật sự làm thơ?
Đọc thơ Bùi Giáng, người ta ngỡ như lạ mà quen, ngỡ như quen
mà lạ. Thơ Bùi Giáng là một trường hợp đặc thù và lý thú. Đọc thơ Bùi Giáng người
ta cứ loay hoay mà tìm cách trả lời cho những câu hỏi: Bùi Giáng là nhà thơ
lãng mạn, cổ điển hay nhà thơ tân kì? Bùi Giáng có cách tân thơ hay không, nếu
có cách tân thì ở phương diện nào? Bùi Giáng có thật sự làm thơ hay không, hay
đó là tiếng lòng thốt lên thành thơ? Rất khó để có thể trả lời những câu hỏi
đó, chỉ có thể nắm bắt được một Bùi Giáng rất “điên” trong thơ, mà đó lại là
“cái điên triết lý”. Triết lý trong thơ Bùi Giáng tưởng như xa lắm nhưng lại rất
gần. “Các nhà phê bình thường kêu thơ ta ít tính triết học và thiếu vắng những
tư tưởng lớn. Tôi nghĩ, đọc lại thơ Bùi Giáng, phần nào chúng ta sẽ trả lời được
câu hỏi đó” (nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo)
Thơ lục bát của Bùi Giáng thì như một “nguồn suối từ trời cao
tưới xuống trần gian. Nó lênh loáng, miên man, mát mẻ, và nhiều khi ớn lạnh
lòng người” (trích lời nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo). Qua cảm nhận của mỗi người,
thơ Bùi Giáng lại có những nét riêng, có người cảm nhận thơ ông “đan xen với những
cảm xúc vô bờ trước những câu thần cú, những ý tình bát ngát của họ Bùi”, có
người lại nhìn thấy “mối tương quan mật thiết với hồn thơ dân tộc, với các truyền
thống tư tưởng Đông Tây trong thơ “đười ươi thi sĩ”‘, lại có người “thông diễn”
thơ Bùi Giáng dưới nhiều bầu khí và ánh sáng khác nhau” (trích lời nhà nghiên cứu,
dịch giả Bùi Văn Sơn Nam).
Ngôn ngữ trong thơ Bùi Giáng cũng vô cùng phong phú và đa dạng,
có khả năng chạm đến những thứ nhỏ nhặt nhất của sự việc của cuộc sống của con
người, “với việc đưa ngôn ngữ trở về với sự vật, rồi lại coi sự vật, trật tự sự
vật, tức cuộc đời, tức thực tại chỉ là các trò chơi ngôn ngữ, tức thống nhất
vào ngôn ngữ cả sự biểu đạt thực tại lẫn thực tại được biểu đạt, Bùi Giáng đã
vượt qua chủ nghĩa hiện đại, mở một cánh cửa vào hậu hiện đại, để hôm nay, càng
lúc càng đông nhà thơ trẻ, với những kích thước tài năng và tầm vóc tư tưởng
khác nhau, chen chân qua khung cửa hẹp ấy” (trích bài phê bình “Bùi Giáng nhà
thơ của các nhà thơ”, nhà phê bình Đỗ Lai Thúy).
“Đươi ươi chân kinh” - Đọc và chiêm nghiệm
“Đươi ươi chân kinh” có thể coi là một tinh tuyển thơ văn tập
hợp những tác phẩm xuất sắc nhất của Bùi Giáng mà qua đó, những ai còn tò mò,
còn muốn tìm hiểu về một “hoàng tử bé” có thể tìm đọc và chiêm nghiệm. Hơn 500
trang sách được biên tập, chọn lọc kĩ lưỡng, ngoài những bài thơ đầy đủ, còn có
những câu thơ lục bát lẻ xuất thần của Bùi Giáng được in trong một chương riêng
có thể giúp bạn đọc yên tâm “lật giở để thưởng thức “đười ươi thi sỹ”, tức Bùi
Giáng, một gương mặt văn học đa tạp thuộc loại kỳ lạ nhất, người thừa kế lớn nhất
và tinh quái nhất của Nguyễn Du về lục bát, người mà hồn thơ bị libido vây khốn
gay cấn khó tả và vì thế dường như là kẻ đem lại nhiều tiếng cười nhất cho thơ
ca Việt hiện đại”. (trích lời tựa cuối cuốn sách “Đười ươi chân kinh”).
Đọc thơ Bùi Giáng để cảm nhận nhiều hơn một tâm hồn, một con
người, một “Doáng booao diêu tuổi Doáng gióa/ Điêng booao diêu tuổi gọi lòa
điêng non”.
Thu Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét