Trường
ca viết về thời chống Mỹ miêu tả nhiều hình ảnh đẹp, chân thật, sinh động về những
người anh hùng của đất nước. Nhưng có lẽ chưa bao giờ hình tượng người phụ nữ lại
được các nhà thơ dành cho nhiều trang viết đến như vậy. Cảm xúc mãnh liệt dạt
dào về người phụ nữ Việt Nam kiên cường, nhân hậu, thủ chung… đã được
khắc đậm trong trường ca.
Hầu như các trường ca sử thi hiện
đại đều viết về Mẹ với lòng kính trọng và biết ơn. Chiến tranh đã gây nên bao cảnh
ly tan, biết bao bà Mẹ xúc động cầm tay tiễn những đứa con thương yêu mình mang
nặng đẻ đau mà không biết đến bao giờ gặp lại và có thể sẽ không bao giờ trở lại.
Nhưng ý thức trách nhiệm đối với Tổ quốc và lòng căm thù giặc vô cùng sâu sắc
nên Mẹ đành nén lòng tiễn con ra trận: “Mẹ là hình ảnh lớn lao nhất, tập
trung nhất của quê hương, của hậu phương” được khắc đậm trong trường ca
[2, tr.97].
Bà
mẹ Phước Hậu, Khánh Hoà, cũng như các bà mẹ ở triền sông Mã, ở bờ sông Hồng đã:
“Tiễn con đi dưới trời bom tọa độ/ Lời mẹ vang theo sắc lá Trường sơn”. Lời mẹ
đong đầy tình yêu con vang theo sắc lá rừng Trường Sơn xanh mát, tiếp thêm nguồn
sức mạnh che chở, động viên con lên đường. Cả lời mẹ viết trong thư cũng theo
đoàn quân ra trận, thành bài ca chiến đấu của con: “Thư mẹ viết trở thành bài
hát/ Mực Cửu Long mùa mưa không phai không lạt/ Chữ mẹ nghiêng trên trang giấy
học trò/ Chữ mẹ theo đoàn quân đi xa” (Trần Vũ Mai - Ở làng Phước Hậu)
Cuộc chia ly của
hai mẹ con thật cảm động, đến nỗi khói bếp cũng phải luu luyến không bay lên: “Khi
con thưa với mẹ/ Mưa bay mờ đồng ta/ Ngày mai con đi/ Khói bếp mẹ con mình chợt
ngừng trên mái rạ” (Thanh Thảo - Những người đi tới biển)
Cảm nhận và miêu tả
người mẹ trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, các nhà thơ sáng tác trường
ca đã in đậm hình tượng đẹp nhất, đúng nhất, cao cả nhất và anh hùng nhất. Lòng
mẹ thương con vô cùng sâu nặng, từ lúc mới hoài thai đến lúc sinh ra, nuôi con
lớn lên, tiễn con vào cuộc chiến, rồi chờ đợt ngóng trông trong những tháng
ngày lam lũ, đói nghèo và đầy bom đạn. Trong cuộc hành trình lớn của dân tộc đi
xuôi về biển, hình ảnh người mẹ suốt đời nhẫn nại, suốt đời đằng đẵng hy sinh.
Thương mẹ, hiểu sâu sắc tấm lòng người mẹ nên nhà thơ - người lính Thanh Thảo -
mới có cách biểu đạt hay vô cùng về mẹ: “Phải thương lắm mới đi làm cách mạng/
Phải thương nhiều hơn mới giữ nổi lòng tin/ Nhưng phải thương đến tận cùng đớn
đau mới làm người mẹ”.
Mẹ sinh con ra từ bùn lầy, chai sạn, “Mẹ là ngọn nguồn tất
cả, là vui sướng tột cùng, là tự hào cao độ, là thương nhớ khôn nguôi, là tình
yêu vô biên, là ánh sáng dõi theo suốt cuộc đời người lính trẻ” [2, tr.97].
Đất nước Việt Nam ta, bất cứ ở đâu cũng không thiếu những bà mẹ sẵn sàng hiến
dâng cho Tổ quốc những đứa con - cả trai lẫn gái, cả đứa con cuối cùng, cả cháu
chắt - khi Tổ quốc cần. Hình tượng người mẹ đã được các nhà thơ sáng tác trường
ca đưa lên tầm cao anh hùng trong lẽ bình thường. Có yêu nước sâu nặng đến thế
thì mẹ mới âm thầm gạt lệ tiễn con đi, dẫu biết rằng mẹ sẽ ở lại một mình với nỗi
nhớ con da diết, đầy ắp khiến mẹ không còn biết chứa chấp vào đâu: “Mẹ đang xếp
lại cho anh bộn bề giá sách/ Nhưng nhớ thương thì biết xếp vào đâu” (Hữu
Thỉnh - Đường tới thành phố).
Mẹ được ví như dòng
sông kiên nhẫn, là cánh rừng chịu đựng mưa bom rồi sẽ tái sinh, là miếng trầu
cay bền… Mẹ là những gì giản đơn nhất mà cũng sâu rộng nhất, mênh mang, nồng ấm
nhất. Mẹ là ca dao, ca dao là mẹ. Tứ thơ trong Đường đi tới biển của
Thanh Thảo rất mới và cũng rất đỗi quen thuộc: “Trong gió bấc mắt mẹ nhìn
đăm đắm/ Miếng trầu cay bền bỉ suốt mùa đông/ Con sẽ về chạy rát bỏng bàn chân/
Vầng trán mẹ giờ này lặng sóng/ Sau mưa bão mía ngọt dần lên ngọn/ Vẫn chỗ ướt
mẹ nằm đất nước mình ơi”. Mẹ vì con, vì đất nước nên mẹ gánh vác tất cả: “Ngày
mai con đi/ Nửa đất đai này mẹ gánh”.
Hình tượng người mẹ
được Thanh Thảo xây dựng trên cơ sở nhận thức, hiểu, cảm sâu sắc lòng mẹ đang
hướng về cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Lòng yêu nước, thương con cho
mẹ một sức mạnh tinh thần cao vời vợi. Trong trường ca này “những câu thấm
thía nhất, xúc động nhất là những câu thơ về mẹ, về đất nước. Mọi ý nghĩ, tình cảm
của anh (nhà thơ) hầu như đều xuất phát từ mẹ, và cuối cùng bao giờ cũng hướng
về điểm sáng chói nhất là mẹ, từ đó tỏa ra tất cả” [2, tr.98]
Trải qua bao năm tháng kháng chiến với khát vọng thống nhất
hai miền, mẹ là nguồn thôi thúc con làm nên chiến thắng, hình tượng mẹ được chiếu
sáng trên bức tường văn học hiện đại, trong trường ca thời chống Mỹ. Dù mẹ ở
đâu: miền Nam còn chìm đắm trong khói lửa chiến tranh hay miền Bắc tự do, thành
thị hay thôn quê, rừng núi hay đồng bằng thì vẫn là hình tượng mẹ lam lũ, tảo tần,
hy sinh, chấp nhận mọi nỗi cực nhọc về phía mình: “Mẹ đi gánh than mẹ thường
gánh vã/ Nhem nhuốc cả ngày xanh. (Hữu Thỉnh - Đường tới thành phố). Mẹ
gánh trên vai bao vất vả, gian nan: “Mẹ đi gánh rạ giữa đồng/ Rạ chẳng nặng
mà nặng nhiều vì gió (Hữu Thỉnh - Đường tới thành phố).
Đó cũng là người mẹ đất Củ Chi trong trường ca Mặt trời
trong lòng đất: “Đến lưng còng má còn rách áo/ Chưa bao giờ má được bữa
cơm no/ Con thương má vẫn đào địa đạo/ Cửa hầm sâu vò võ má chờ…”.Người mẹ Củ
Chi sinh con trong địa đạo, nuôi con trong địa đạo không ánh mặt trời. Mẹ ru
con trong lòng đất, miên man với ca dao thần thoại. Lời mẹ ru hóa tấm dù ngụy
trang, lời mẹ ru làm nên mùa màng, lời mẹ ru để con là mặt trời trong lòng đất:
“Khi mẹ bồng con ngồi trong lòng đất/ Đất ngoài kia đang bồng bế mặt trời”.
Đó cũng là bà mẹ của Tây Nguyên hùng vĩ, hậu phương vững chắc
dù cả đời mẹ là chuỗi ngày thiếu vắng hạnh phúc triền miên: “Dệt từng chiếc
áo cho con/ Mẹ dệt cả héo hon đời mẹ/ Đời mẹ chẳng có ngày con gái/ Cha con đã
chết rồi … /… khổ một đời thiếu nước con ơi” (Thu Bồn - Bazankhát).
Bà mẹ của người anh hùng Đồng Tháp Huỳnh Việt Thanh, cũng như
bao bà mẹ Việt Nam khác ở khắp mọi miền đất nước, yêu con, yêu nước nhưng cũng
vất vả đói nghèo, chịu đựng gian khổ, cửa nhà tan tác vì sự xâm lược của kẻ
thù: “Từng chiếc xuồng con bồng bềnh trên sóng/ Tiếng mẹ ru đứt quãng, nghẹn
ngào…/ Về đâu khi nhà trôi, lúa ngập!/ Nắm gạo cuối cùng nấu loãng chia nhau” (Giang
Nam - Người anh hùng Đồng Tháp).
Hình tượng mẹ Việt
Nam bình dị, nhân hậu, bao la như biển rộng sông dài. Hình tượng mẹ Việt Nam tạc
vào thế kỷ: dáng mẹ chong đèn ngồi ngóng đợi tin con, dáng mẹ gánh gánh ngoài đồng,
dáng mẹ “xách bọc trầu cau đi họp giữa rừng” (Trần Vũ Mai - Ở làng
Phước Hậu).
Trong Trường ca Sư đoàn, Nguyễn Đức Mậu cũng đã khắc sâu
bóng dáng người mẹ mòn mỏi ngồi đếm thời gian mong chờ ngày chiến thắng, chờ
các con trở về bằng những chi tiết rất ấn tượng: “Mẹ bấm đốt ngón tay tính
trăng tròn mỗi/ tháng. Chúng con đi dọc miền Tây Trường Sơn/ Ngón tay khô
gầy/ Mẹ tính đốt thời gian”.
Hầu như trường ca nào cũng vậy, khi đề cập đến người mẹ thì
bao giờ cũng là môtíp người mẹ lam lũ, tảo tần, thương con, yêu nước, chờ đợi,
hy sinh âm thầm. Đời mẹ tảo tần, bát cơm mẹ nuôi con pha nước mắt: “mẹ
nuôi con lặng lẽ như cây,/ mẹ nuôi con lặng lẽ tháng ngày/, mẹ nuôi con như mặt
trời nuôi cỏ/, mẹ nuôi con như mặt trời nuôi gió”. Mẹ đi mò con ốc, con cua,
con tép, con cá ngoài sông, ngoài đồng. Mẹ ru con bằng khúc đàn bầu thiết tha,
mẹ thương nhớ, chờn đợi con mòn mõi: “Tóc mẹ bay trong ngột ngạt ráng chiều/
Có sợi tóc bay vào cay khóe mắt/ Lưng mẹ còng chờ đợi mái nhà xiêu” . Hình
tượng mẹ đợi chờ như đá tạc: “Ba mươi năm mẹ vẫn ngồi nhóm lửa”. Mẹ
là đá vọng phu rồi mẹ là hòn vọng tử: “Bữa cơm nào đũa mẹ cũng so dư/ Gạo
thì thiếu cơm vẫn thừa như thế/ Gió rừng ơi mẹ đợi đến bao giờ”. (Trần
Mạnh Hảo - Đất nước hình tia chớp)
Mẹ chờ đợi mỏi mòn những đứa con yêu dấu cũng được Trần Vũ
Mai miêu tả trong trường ca Ở làng Phước Hậu. Tấm lòng của mẹ được các nhà
thơ thấu hiểu tận ngọn nguồn bởi đó cũng chính là mẹ của các anh: “Ôi mẹ vẫn
ngồi bên khe cửa/ Nghe lá động lặng người nghẹn thở/ Bởi vì sao mẹ mãi thế chờ
trông?”. Mẹ là bà Mẹ Việt Nam bất khuất kiên cường: “Nếu trong chúng ta/
Một người chào mẹ ra đi rồi không trở lại/ Bởi đã hy sinh hay nằm trong ngục tối/
Chúng ta biết rằng mẹ chẳng kêu rên” (Trần Vũ Mai).
Mẹ là “đất” cho các con dừng chân, là hầm trú ẩn che chở các
con: “Hai mươi năm có biết bao người tới nhà mẹ nửa đêm”. Để rồi sau đó,
khi: “Tiếng gà đầu tiên lảnh lót/ Mẹ ra vườn xóa những dấu chân/ Hai mươi
năm như thế/ Đêm nào cũng đầy lo âu” (Trần Vũ Mai - Ở làng Phước Hậu). Mẹ
chờ trông bởi mẹ luôn mong con trở về, vẫn tin con có ngày trở về, vẫn tin con
còn sống dù con đã khuất.
Mẹ cũng chính là người mẹ cơ sở,
đưa đường dẫn lối cho các anh chiến sĩ. Hình tượng người mẹ hoạt động cách mạng
được in đậm trong các trường ca thời chống Mỹ. Trong Đường tới thành phố, Hữu
Thỉnh đã khắc họa hình tượng người mẹ ngày ngày in dấu chân trên đồng để ra khẩu
lệnh cho bao đứa con yêu thương đang làm nhiệm vụ cao cả: “Những cánh đồng in dấu
chân của mẹ/ Cứ ngày ngày ngày ra khẩu lệnh cho tôi”. Chính người mẹ
ấy đang làm nhiệm vụ sát nách cùng các con, chia xẻ gian nguy cùng các con, báo
tin giặc hành quân cho đàn con biết: “Trận đánh sẽ bắt đầu từ phía sau cánh cửa. Có
dấu vôi mẹ quệt lúc ăn trầu … Giặc hành quân: nhìn khăn mẹ trên đầu”. Ngay
cả một cây quạt mo cau trên tay mẹ, một cây ớt, một dây phơi cũng là tín hiệu: “Quạt
khép mở trên tay của mẹ/ Thành tín hiệu qua đường/ Cây ớt che miệng hầm/
Chiếc dây phơi kéo cờ khởi nghĩa” (Hữu Thỉnh)
Lòng mẹ thương các con da diết. Lòng mẹ quặn đau khi có đứa
con mất mát, hy sinh Mẹ trăn trở vì cuộc chiến dày xéo quê mẹ, gây chết chóc
chia ly nên mẹ nào sá gì thân mẹ. Trải qua… “mấy cuộc chiến tranh mẹ gánh cùng
một lúc. Mẹ ít ngủ mẹ thường thức khuya” (Hữu Thỉnh).
Từ hình tượng người mẹ bình thường, giản dị, đôn hậu, yêu nước,
thương con, người mẹ riêng của từng chiến sĩ đã nhập hòa làm một nâng lên thành
người mẹ nhân dân. : “Dân tộc tôi khi đứng dậy là người/ Là đứng theo dáng
mẹ/ Đòn gánh tre chín dạn hai vai”. Đất nước ta là đất nước của nhân dân,
đất nước ấy là của mẹ, sinh ra mẹ. Và mẹ lại sinh cho đất nước lớp lớp anh hùng
để bảo vệ sự sống còn cho đất nước. Mẹ là đỉnh cao của mọi thời đại: “…và cứ thế
nhân dân thường ít nói/ Như mẹ tôi lặng lẽ suốt đời/ Và cứ thế nhân dân cao vòi
vọi/ Hơn cả những ngôi sao cô độc giữa trời”. Những người mẹ anh hùng đẻ
ra lớp lớp nhân dân anh hùng. Chân lý ấy đã được khẳng định trong trường ca: “Chính
mẹ đẻ anh hùng và truyền thuyết/ Từ túp lều lợp lá lợp tranh/ Cắt cuống
nhau bằng lưỡi liềm” (Thanh Thảo - Những người đi tới biển).
Hình tượng người mẹ Việt Nam anh hùng đã được các nhà thơ cảm
nhận và miêu tả khá đậm đà và sắc nét trong trường ca thời chống Mỹ. Đó là bà mẹ
lam lũ, nhọc nhằn, vất vả, thậm chí đau khổ, hy sinh lặng thầm vô bờ bến, cao cả,
kiên cường trong đấu tranh và yêu con tha thiết, dạt dào. Mẹ sinh con trai để
phục vụ cho Tổ quốc, mẹ sinh con gái cũng để phục vụ cho Tổ quốc. Đó là những
bà mẹ Việt Nam, những người phụ nữ Việt Nam mềm mại, ẻo lả như cây lau nhưng lại
là những cây lau bằng thép vô cùng dũng cảm, anh hùng, không sợ bất cứ kẻ thù
nào, nhân hậu, sống thủy chung và tâm hồn lai láng yêu thương.
Nối tiếp hình ảnh và tâm hồn cao quý của các mẹ là hình ảnh của
những người con gái, người vợ, người chị... sẳn sàng hy sinh tuổi xuân vì đất
nước thân yêu.
Nhìn vào đội ngũ nhân vật của nền văn học cách mạng: “ta
lại thấy ưu thế không thuộc về các nhân vật có cương vị xã hội cao (các nhân vật
của lịch sử) như trong sử thi cổ điển mà lại thuộc về các nhân vật bình thường:
người mẹ, người vợ, người con gái, người du kích, giao liên, cán bộ vận tải…” [1,
tr.23].
Đó là những
cô gái, theo quan niệm nghệ thuật về con người bình thường, Giang Nam đã xây dựng
nên bằng chi tiết rất giản đơn trong Ánh chớp đêm giao thừa: “Cảm ơn em
người con gái bình thường. Người thực sự làm nên chiến thắng”.
Đó cũng là hình tượng của những cô gái đoàn vận tải H50 của
vùng cực Nam Trung bộ gùi số lượng hàng hơn cả số ký lô trọng lượng cơ thể, vượt
đèo vượt dốc Trường Sơn, hy sinh tuổi thanh xuân. Ước mơ thầm kín của họ thật
nhỏ nhoi và bình thường quá nhưng ở thời buổi chiến tranh lại khó thành sự thật: “Đi
qua tuổi ba mươi/ Nhọc nhằn và lặng lẽ/ Bao ước mơ giản dị/ Mà sâu thẳm không
cùng/ Hơn mọi sự anh hùng/ Là điều này nhỏ bé/ Làm vợ và làm mẹ/ Tuổi ba mươi
chối từ” (Anh Ngọc - Sông núi trên vai)
Xây dựng hình tượng người con gái vận tải, Anh Ngọc dồn sức gợi
tả vào chi tiết “gùi hàng”. Gùi hàng, gùi lịch sử trên đôi vai nhỏ bé, họ đi vận
tải cả một chiều dài đất nước. Họ rảo bước đi, vầng trán chạm vào bóng tối,
lưng quay về phía mặt trời, vượt qua dốc cao, vực thẳm, vượt qua tàu bay địch,
bom mìn: “Những gùi hàng như trái núi trên vai/ Những gùi hàng chưa một
giây rời họ/ Như thể từ tuổi thơ/ Họ sinh ra đã gắn với những gùi hàng”.
Anh Ngọc đã cảm nhận sâu sắc tâm sự của cô gái Ung Thị Hà, quê
vùng Tam giác, Bình Thuận, sống trong mái tranh nghèo mười lăm lần dựng lên mười
lăm lần giặc đốt, trong nhà bảy liệt sĩ. Còn cô gái Pi Thị Bảy, con cháu anh
hùng Pi Năng Tắc, da nâu mắt đen thẳm như mắt loài chim két, đã thề không đội
trời chung với giặc. Cô gái Rắc Lây ấy như được tạc thành tượng: “Con gái
hai mươi lưng hóa thép. Em gùi cả dãy Trường Sơn... Em đi ngàn ngày vất
vả...”. Giữa cái sống và cái chết, các cô vẫn cao cả nghĩ rằng: hãy lấy mái tóc
dài con gái của mình để làm cầu cho bạn bè đi sau bước tiếp: “Em phải đến
cho kịp giờ nổ súng/ Trận đánh này không thể thiếu em/… Dù phải nổ tung lên
trong cuộc chiến đấu này” (Sông núi trên vai).
Trong
trường ca Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh, hình tượng người chị,
người vợ “từng góa bụi trong hồ sơ tự khai”, lén nuôi chồng đằng đẵng
dưới hầm sâu mà không hề thấy được mặt chồng, hoặc đằng đẵng đợi chờ hai mươi
năm dài ròng rã đã được nhà thơ khắc họa thất ấn tượng:“Chị đợi chờ quay mặt
vào đêm/ Hai mươi năm cơm phần để nguội/ Hai mươi năm mong trời chóng tối”.
Đây là những câu thơ giản dị bày tỏ sự cảm thông sâu sắc của
bà con đối với khát vọng làm mẹ, với nỗi khắc khoải của người vợ chờ chồng từ
khi là cô gái trẻ đẹp nay đã “già nua”: Chị tôi không còn trẻ nữa/ Xóm
làng thương ý tứ vẫn kêu cô/ Xóm làng thương không khoe con trước mặt/
Hai mươi năm chị tôi đi đò dầy/ Cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc”. Hình ảnh
người vợ chờ chồng, năm tháng ngập chìm trong “nỗi buồn như bông điệp xé
đôi”, bằng tuổi trẻ không bao giờ trở lại: “Chị thiếu anh nên chị bị
thừa ra/ Trong giỗ tết họ hàng nội ngoại/ Bao nhiêu tiếng cười vẫn côi cút một
mình” là hình tượng điển hình về người phụ nữ Việt Nam sống
trong thời chiến tranh.
Sự mất mát tình cảm mà người vợ xa chồng phải gánh chịu thật
quá lớn. Rồi “những đêm trở trời trái gió/ tay nọ ấp tay kia/ súng thon
thót ngoài đồn dân vệ/ Một mình một mâm cơm/ ngồi bên nào cũng lệch/ chị chôn
tuổi xuân trong má lúm đồng tiền”. Tư tưởng làm nên tứ thơ: “tay nọ ấp
tay kia”, “một mình ngồi bên nào cũng lệch”, “chôn tuổi xuân trong má lúm đồng
tiền” vừa đầy ắp hiện thực, vừa mang tính chất trữ tình, thể hiện quan niệm
nghệ thuật về con người của nhà thơ trong thời đại anh hùng. Hữu Thỉnh đã khắc
hoạ thành công hình tượng người vợ cô đơn chờ chồng dằng dặc tháng tháng, năm
năm; chịu nỗi mất mát không gì bù đắp được trong tình cảm vợ chồng. “Ở nhà dài
những năm canh. Từ bậu cửa bước xuống sân cũng dài”.
Phụ
nữ Việt Nam là những người phụ nữ mềm mại, dịu dàng nhưng cũng gan góc ,âm thầm
chịu đựng hy sinh. Chưa có một đất nước nào trên thế giới mà người phụ nữ chịu
cảnh góa bụa nhiều đến như vậy: “Mái nhà nào cũng như bén lửa/ Thiếu
phụ nào cũng như một lần góa bụa” (Trần Mạnh Hảo - Đất nước hình tia
chớp).
Biết làm sao được, các nhà thơ sáng tác trường ca đã xót xa
khi phải phản ánh đúng hiện thực đau thương ấy, nhưng từ trong đau thương mới
nung nấu chí quật cường: “Khi có giặc người con trai ra trận/ Người con gái trở
về nuôi cái cùng con/ Ngày giặc đến nhà đàn bà cũng đánh/ Nhiều người đã trở
thành anh hùng”. Và từ đó rút ra nhận định về sự đóng góp của những người
con gái, con trai ấy. Chính là “họ làm ra đất nước” (Nguyễn Khoa Điềm
- Mặt đường khát vọng).
Chiến tranh đã để lại quá nhiều đau thương, Trần Mạnh Hảo
không quên khắc sâu hình tượng một người con gái chưa kịp trả lời cầu hôn của
chàng trai đã vội cầm súng chiến đấu và đã hy sinh: “Trận đánh đó cô gái
kia nằm xuống/ Cô mang theo lời cầu hôn vào lòng đất. Đó là nỗi đau mất
người yêu. Còn đây là nỗi đau mất chồng:“Ôi nỗi đau của người vợ mất chồng… Em
cắn chặt môi em ghì lấy súng” (Mặt trời trong lòng đất).
Chiến tranh đã qua đi, nhưng nỗi đau thì đứng lại. Và người
phụ nữ Việt Nam lại kiên cường vượt lên trên nỗi đau để đứng vững giữa đời thường.
Những trang thơ viết về người vợ, người mẹ trong trường ca giàu sức chinh
phục người đọc vì diễn tả đúng tâm trạng của biết bao người vợ khác trên đất nước
này. Từ hình tượng người vợ, người mẹ, người con gái… ở trường ca này ta có thể
bắt gặp đâu đó trong trường ca khác để tạo thành một chân dung tập thể về họ vừa
có tính cách riêng nhưng lại vừa mang phẩm chất chung; tiếp nối từ truyền thống
anh hùng của dân tộc ta, của Bà Trưng, Bà Triệu...
Thơ ca Việt Nam hiện đại đã phơi bày mạch cảm xúc dâng trào của
các nhà thơ khi thể hiện, ngợi ca về một giai đoạn lịch sử thần thánh, về đất
nước con người Việt Nam anh hùng, đặc biệt là ngợi ca về người phụ nữ. Các nhà
thơ sáng tác trường ca về thời chống Mỹ đã dành những vần thơ đẹp để tái hiện lại
trong trường ca hình ảnh những con người mềm mại, thanh tao như những cây lau,
nhưng lại là những cây lau bằng thép; sẵn sàng hy sinh tình yêu, quyền
lợi riêng tư… để cùng dấn thân vào cuộc chiến, giành lấy độc lập tự
do cho Tổ quốc thân yêu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Lại Nguyên
Ân (1986), Văn học Việt Nam từ sau Cách mạnh Tháng Tám, một nền sử
thi hiện đại, TC Văn Nghệ 5)
[2] Thiếu Mai (1980),
Thanh Thảo - Thơ và trường ca TCVH 2 .
[3] Jacobson
Roman (1945-1975) Ngôn ngữ và thi ca, (Cao Xuân Hạo dịch).
[4] Nguyễn Thị
Liên Tâm (2002), Đặc điểm trường ca viết về đề tài chiến tranh thời
chống Mỹ, Luận văn Cao học - ĐHSP TP HCM.
Nguyễn Thị Liên Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét