Thứ Tư, 1 tháng 7, 2020

Xuất bản thơ dễ quá

Xuất bản thơ dễ quá!
Thơ hay hay thơ dở, có thể một phần do chi phối bởi sự cảm nhận ở mỗi người, nhưng đều phải trân trọng về niềm đam mê, tâm huyết của tác giả. Do đó rất khó chấp nhận đối với người sáng tác lại nhập nhằng từ ý thơ, câu chữ của người khác để coi đó là sự sáng tạo, xuất thần, thực sự “cày ải” của mình. Tôi muốn nói về một trường hợp trong một số tác phẩm thơ của tác giả Bình Thuận được các nhà xuất bản ấn hành gần đây. Đó là tác phẩm thơ với tựa “La Gi Biển Nhớ” của Hải Đăng, do Nhà xuất bản Văn Học và GPXB số 22 ngày 15/1/2013 vừa được phát hành. Tôi chưa hoàn toàn tin “cách đọc” của người yêu thơ, nhưng dẫu sao phải thấy thật bất ngờ, trước hết đối với một nhà xuất bản có uy tín cho ra đời một tập thơ in ấn khá công phu, dày 240 trang, bìa cứng, phát hành 1.000 cuốn, giá rao bán 65.000đ lại có những sơ sót không thể coi là do vô tình hay qua loa, để trở thành sự đàm tiếu làm ảnh hưởng đến thái độ nhìn nhận đúng đắn của công chúng yêu thơ.
Xin trích một số câu thơ của tác giả Hải Đăng trong tập La Gi Biển Nhớ:
“Con đã về nơi Bác ở xưa/ Vẫn xoài cam bưởi trái đong đưa/ Vẫn hồ nước mát reo tăm cá/ Vẫn nắng ban mai rợp bóng dừa…” (bài Viếng Lăng Bác- trang 61). Trong khi đó thơ Tố Hữu ai cũng thuộc lòng: “Anh dắt em vào cõi Bác xưa/ Đường xoài hoa trắng nắng đu đưa/ Có hồ nước lặng sôi tăm cá/ Có bưởi cam thơm, mát bóng dừa…” (bài Theo chân Bác). Trong bài Khói chiều vắng mẹ, Hải Đăng viết : “…Con đi kháng chiến gian lao/ …Mưa bao nhiêu hạt, đếm ngày con đi/ …Qua làn khói mỏng, thương thầm nhớ con/ …Giặc tan con lại về bên mẹ hiền (trang 20). Không coi là thấp thoáng thơ Tố Hữu nữa mà chính xác từ các câu: “Con đi mỗi bước gian lao/…Mưa bao nhiêu hạt thương bầm bấy nhiêu/…Chiều nay chắc cũng thương thầm nhớ con/…Giặc tan, con lại sớm hôm cùng bầm (bài Bầm ơi).  Người đọc không thể coi đây là câu thơ sáng tác đúng nghĩa: “Lô nhô dưới bến mươi thuyền thúng/ Lác đác trên bờ những quán cây…” (bài Đồi Dương Hồ Tôm -trang 49) vì Bà Huyện Thanh Quan đã viết “Lom khom dưới núi tiều vài chú/ Lác đác bên sông chợ mấy nhà…” (bài Qua Đèo Ngang). Lại càng khó chấp nhận việc sử dụng gần nguyên câu thơ đã trở thành quen thuộc với mọi người: “Nhà nàng ở cách nhà tôi/ Đầy vơi nỗi nhớ muốn sang thăm người” (bài Đầy vơi nỗi nhớ- trang 40), với Nguyễn Bính trong bài Cô Hàng Xóm thì “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/ Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn…”, tức chỉ đổi từ chữ “cạnh” sang chữ “cách” mới thật quá quắt. Tương tự câu thơ “Cỏ non xanh mướt tới chân trời” (bài Xuân về- trang 63) với “Cỏ non xanh tận chân trời” (Kiều- Nguyễn Du).
Tôi thử thống kê trong tập có không dưới hai chục bài bị trùng lặp câu chữ, ý thơ, thậm chí nguyên si gần trọn câu. Trong đó còn có nhiều bài dính dáng đôi câu của thơ Xuân Quỳnh, Đỗ Trung Quân, Xuân Diệu, Hồ Xuân Hương… Như :” Từ buổi xuất quân đi giữ cõi/ Tháng năm luôn nhớ đất cha ông” (bài Tình người chiến sỹ biển đảo-trang 55). Đọc và liên tưởng ngay đến câu thơ nổi tiếng của Huỳnh Văn Nghệ: “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Hoặc câu “Mình về mình có nhớ ta/ La Gi ngày ấy thiết tha mặn mà/ Mình về mình có nhớ ra… ” (bài Mình có nhớ ta- trang 180) đã sao y cả lời lẫn tứ thơ của Tố Hữu: “Mình về mình có nhớ ta/ Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng/ Mình về mình có nhớ không…” (bài Việt Bắc).
Nếu là những bài thơ rời lúc trà dư tửu hậu, bằng cảm xúc có thể bị “nhập tâm” những câu thơ hay mà bản thân người sáng tác mơ hồ cho là tâm trạng của mình, người nghe còn có thể thông cảm được. Nhưng khi trở thành một ấn phẩm, có giá trị lưu hành trên diễn đàn văn học, đòi hỏi tính nghiêm túc hơn. Đó cũng là lòng tự trọng của người sáng tác và biết tôn trọng người yêu thơ. Trong công việc thẩm định chất lượng nội dung tập thơ, có một phần trách nhiệm không nhỏ của NXB Văn học.
Phan Chính
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXXThời của thánh thần 4

Thời của thánh thần 4 Chương 22 Người trở về Cơn mưa rả rích khiến đêm thật dài. Nghe rất rõ cành cây khô bên đầu trái nhà rơi xuống m...