Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2024

 

Xuân và Sinh

DỐI 

Thay lời tựa

Ta đã dối lòng khi dùng viết

Trong tim trong máu vấy lên tơ,

Ta đã dối người nhưng chẳng biết

Ô hay trần thế dối là thơ!

                     

Tự dối, dối người, ta dối nhau

Say sưa ta uống lệ lòng đau ;

Ta vang tiếng hát yêu đời mãi

Là để che nhau tiếng thảm sầu.

                     

Như trận mưa sương dối nắng chiều

Cô em mơ mộng dối tình yêu,

Một đồng cỏ cháy bên đồi úa

Chực dối thi-nhân cảnh lệ kiều.

                     

Vì thi-nhân muốn giấc yêu mơ

Khổ dối nhau hơn khổ hững hờ,

Ví chẳng yêu nhau bằng 1ý-tưởng

Thì yêu nhau mãi với tình thơ.

                     

Ta cười để lấp tiếng đau thương

Để sống trong mơ giữa bụi đường,

Để đỡ đau lòng nhìn cảnh thật

Đỡ nhìn nắng nội dối trời sương.

                       

Nhưng bỗng hôm nay ta nhớ lại

Vườn trần thăm thẳm gió trần đau ;

Trong buổi mơ hồ trăng tắm rượu.

Lòng ta không khổ chẳng làm sao!

                      Th. T.

Phần Thứ Nhất - I -

Trong nhà thương Huế. Những tia nắng hồng ban mai rập rờn trên bãi cỏ xanh tươi trước cửa sổ. Một thứ nắng ấm áp tràn vào phòng để chực chui vào trong hộc bàn ngăn tủ. Cam nằm nghiêng mình trở mặt ra cửa sổ vơ vẩn nhìn một đàn chim đang lượm mồi gần đấy. Tiếng guốc kéo nhịp nhàng lẫn với tiếng người gọi nhau dội lên vang một hồi sau hàng thông cao vút. Cam nhắm mắt lại để đỡ ghen với cảnh sống quá êm đềm của ánh sáng. Hai giọt lệ tròn nở dần trong khóe mắt Cam rồi lăn dài trên hai má. Cam giật mình thở dài rồi dúi đầu trên chiếc gối bông tròn, thổn thức.

Cam vào nằm nhà thương đã hơn hai tuần. Trước kia cam đi dậy thêu trong một trường con Tây ở giữa Huế. Năm ấy Cam mười tám tuổi, người đầy đặn và ăn nói có duyên lắm. Nhưng chỉ trong hai tuần người Cam đã hư sút hẳn. Vẻ đẹp thơ ngây của Cam chỉ còn ẩn trong cặp mắt nhung đen và trên hai vành môi mỏng thắm. Có những lúc Cam cảm thấy trên ngực có vật gì đè nặng và tay chân như ai ràng buộc lại. Cam nhọc lắm không thở được. Cam đau bệnh ho lao. Bệnh ấy di truyền ở nhà Cam đã mấy đời. Thân sinh của Cam qua đời lúc Cam còn ít tuổi. Cam ở với mẹ và người em trai. Năm mười bẩy tuổi Cam xin mẹ lên tỉnh dậy thêu để nuôi em ăn học. Cam nhờ sự chỉ vẽ cần mẫn của mẹ nên thêu khéo lắm. Tỉnh thành xa quê nhà Cam ngót ba mươi cây số. Cam chỉ nhớ những ngày lễ lớn mới về quê thăm mẹ được. Mẹ Cam từ lúc thấy hai con lên tỉnh thì đến ở nương náu trong nhà người anh ruột. Bà ta vì lo thuốc thang cho chồng nên gia tài đều bán hết sạch. Vài ba tháng hai chị em Cam mới về thăm mẹ một lần. Lần nào sắp lên tỉnh hai chị em Cam cũng ôm mẹ khóc nức nở. Cam thường hứa với mẹ sẽ cất riêng một cái nhà tranh để mẹ ở. Mẹ Cam nghe con gái để ý đến việc cất nhà thì vui mừng lắm. Vì bà ta tuy ở trong nhà người anh, nhưng cũng không khỏi bị người ngoài khinh rẻ.

Trưa hôm ấy trời nắng nhạt và có gió lồng qua cửa sổ. Cam tự nhiên thấy trong người nhẹ nhàng hơn trước. Cam lật trái bàn tay để trên gối rồi đăm đăm nhìn những đường gân vồng lên dưới làn da xanh mỏng. Cam tẩn mẩn đưa một ngón tay đặt trên đường gân rồi ấn mạnh, đường gân bẹp xuống vươn mình qua một bên, Cam tự nhiên thấy đầu óc tối tăm và tay chân rung chuyển mạnh. Những cảnh vật chung quanh đều quay cuồng trước mặt Cam rồi biến dần dần trong buồng tối. Cam nhắm nghiền hai mắt lại.

Nghe tiếng guốc kéo trước phòng, Cam liền bừng mắt nhìn ra cửa. Cam có ý đợi người em đến thăm. lệ thường hằng ngày cứ đến mười giờ trưa thì Sinh – tên người em trai – đã có mặt ở trong phòng chị. Nhưng trưa hôm ấy Cam đợi mãi không được. Cam đã cảm thấy nỗi u buồn thấm tràn trong mạch máu. Nghe tiếng ai đi trước phòng Cam cũng nín thở lắng tai để nghe. Lúc tiếng bước xa ra, Cam lại buồn rầu sải dài hai tay trên nệm trắng.

Một lúc sau nghe có tiếng gõ cửa, Cam mừng thầm gắng nói lớn:

– Em cứ vào đi.

Cánh cửa rên sẽ. Cam ngơ ngác thấy cửa phòng mình vẫn đóng. Thì ra họ gõ cửa gian phòng bên cạnh. Cam thở dài kéo chăn lên tận ngực. Những giọt mồ hôi lạnh long lanh điểm trên trán Cam. Đầu Cam thấy nặng và tay chân rã rời. Cam nhọc quá và thiếp ngủ lúc nào không biết.

Lúc bừng tỉnh dậy Cam thấy Sinh đang ngồi trên chiếc ghế dài nhìn Cam chòng chọc. Cam mỉm cười sung sước. Sinh đến bên giường cầm tay chị âu yếm:

– Chị có thấy bớt chút nào không?

Không đợi Cam trả lời, Sinh nói tiếp:

– Trưa nầy em về chậm chắc chị đợi em lắm phải không?

Cam định nhớm mình ngồi dậy nhưng thấy các thớ thịt trong người rung chuyển mạnh như sắp rời rạc. Cam nghiêng đầu về một bên nhìn em, hai môi mấp máy nhẹ:

– Em bị phạt phải không? Chị lo quá!

Sinh nhìn chị tươi cười:

– Không phải em bị phạt, chị xem đây thì biết.

Sinh với tay lấy trên ghế một chùm nho tươi rồi đặt trên giường trước mặt chị. Mặt Cam tự nhiên nở dần ra. Một nụ cười cảm động từ từ nở trên cặp môi tươi nhạt.

– Em Sinh sang mua tận bên nhà hàng Tây phải không?

Sinh gật đầu sung sướng.

Cam nắm chặt tay em kéo vào lòng:

– Nhưng chị không ăn được em ạ.

Sinh nhìn chị ngạc nhiên:

– Hôm trước chị bảo chị ưa nho tươi lắm kia mà.

Cam quay đầu nhanh vào tường để dấu ngấn lệ sắp thấm tràn ra khóe mắt rồi thổn thức nói sẽ:

– Chị có nói với em như thế thật, nhưng chị đã sắp xa mợ và xa em rồi em ạ.

Nói xong Cam đưa hai tay ôm mặt khóc rưng rức. Toàn chiếc giường Hồng-Kông lay chuyển nhẹ. Sinh cảm thấy miệng mình hơi khô và hai mắt đã mờ dưới lệ. Sinh cố lấy vẻ bình tĩnh để an ủi chị:

– Đấy chị em lại nói mê rồi. Hôm trước chính ông Đốc-tờ Thi nói với em bệnh chị chừng năm hôm nữa sẽ lành hẳn. Nếu chị không tin thì hỏi lại ông ta xem.

Những lời ngây thơ của Sinh chỉ làm cho Cam đau lòng thêm và khóc to hơn trước. Sinh nghe chị khóc thì lòng như thắt lại. Bao nhiêu mạch huyết trong người Sinh như dồn chuyển lên trên đầu và làm Sinh nóng bừng cả mặt. Một lát sau Cam đưa khăn tay chấm nước mắt rồi quay lại nhìn Sinh nói khẽ:

– Em ơi! Chị biết chị không còn sống bên em mấy ngày nữa. Chị sắp chết em cạ. Ông Thi không nói cho chị biết nhưng chị đã đọc được vẻ thất vọng trong cặp mắt ông ta rồi.

Ngừng một lát để lấy hơi, Cam nói tiếp:

– Về phần chị, chị không dám than phiền gì hết. Chị chỉ sợ em phiền và mợ khổ lắm thôi.

Nói đến đây hai mắt Cam trào lệ ra như mưa. Một mớ tóc đen lòa xòa phủ xuống trán. Sinh nghẹn ngào úp mặt trên cánh tay chị khóc nức nở. Cam đưa tay xoa đầu em, lên tiếng nói khàn khàn:

– Em chớ khóc nữa. Em gắng nghe chị nói đây. Lúc chị đã qua đời rồi thì em đừng cho mợ biết. Về công việc chôn cất chị…

Cam nói đến câu này bỗng rùng mình biến sắc mặt. Sinh ngẩng đầu lên nhìn chị, đưa tay bịt miệng hoảng sợ:

– Chị ơi! Chị đừng nhìn em thế, em sợ lắm.

Cam mỉm cười cố làm ra vẻ lành. Nhưng gương mặt không mầu của Cam cứ bắt Sinh nôn nao sợ mãi:

– Chị ơi! Em sợ lắm.

Cam quay đầu nhìn lên trần nhắc lại:

– Về việc chôn cất chị, chị đã nhờ chị Xuân lo liệu cả rồi. Bao nhiêu tiền bạc dành dụm được bấy lâu chị cũng nhờ chị ta giữ hộ. Em sẽ đến nhà chị ấy mà ở. Cuối mỗi tháng em sẽ đến thưa với chị ấy để lấy mười đồng đem về cho mợ. Em sẽ tìm đủ các cách để dối mợ và để mợ đừng biết tin chị chết. Vì em Sinh ơi! Mợ mà biết thì chắc mợ cũng không sống được.

Nói đến đây Cam lại xoay mặt vào tường khóc nức nở. Lòng Sinh bối rối quá thành mê hoảng. Trước mắt Sinh bao nhiêu vật chung quanh đều run rẩy lờ mờ như đắm chìm trong màn sương mỏng. Sinh nhìn một bề và không trông thấy gì hết.

Cam từ từ trở mình lại nhìn em rồi với giọng yếu ớt thì thầm:

– Em Sinh ơi! Em hãy hứa chắc cho chị tin đi.

Sinh nắm chặt lấy tay chị ghì vào ngực rồi kêu sẽ:

– Thảm quá chị ơi!

Dứt câu, Sinh gục đầu trên tay Cam tấm tức khóc không ra tiếng.

- II -

Mùa lúa chín bay ra thơm phức. Giữa quãng đồng rộng mênh mông, Sinh cảm thấy mình trơ vơ một cách lạ. Sáng hôm ấy Sinh trở về quê thăm mẹ. Trước kia lúc còn níu áo chị qua những cánh đồng hoang, Sinh thấy trí vững vàng và lòng bình tĩnh lắm. Sinh tin ở sự che chở của chị và lòng hăng hái trẻ con của mình. Nhưng hôm nay Sinh tự ví mình như con chim chiều lạc tổ. Một hơi gió thoảng sau lưng, vài tiếng sột soạt trong bụi lúa cũng đủ làm Sinh quay đầu lại, tái xanh cả mặt.

Mặt trời lên đã quá hai sào. Qua khỏi đồng tranh Sinh đã vào đầu làng Thanh-Ý. Thấy chung quanh miếu Thần-Hoàng cỏ cây um tùm quá, nên Sinh cắm cổ đi thật nhanh. Sinh bỗng giật nẩy mình lúc nghe có tiếng người gọi Sinh trước miễu. Sinh quay lại thì thấy ông lý Tâm đang ngồi chữa cái dù trên phiến đá lớn. Sinh mừng rỡ chạy lại;

– Bác Lý đi chơi à?

Ông lý Tâm đứng dậy cười nói:

– Đi có chút việc chứ không phải đi chơi. Cậu Sinh về làng phải không?

Sinh vui vẻ:

– Vâng. Thế bác cũng về một lần với cháu à?

Ông lý Tâm rung cây dù một hồi rồi đưa tay chống lên:

– Không, tôi còn phải lên huyện đã. Nhanh lắm cũng đến chiều mai mới về được.

Sinh lần đến bên gốc cây đa, để cặp xuống đất có vẻ buồn bực. Ông lý Tâm ngẩng đầu lên nhìn cái dù rồi quay mấy vòng trên vai trước khi cụp xuống:

– Cô giáo Cam đã về nhà trước rồi phải không cậu Sinh?

Không để Sinh trả lời, ông lý Tâm vểnh râu cười, nói tiếp:

– Lần này xem thử cô giáo Cam có tránh được tôi không nào? Tháng chạp năm ngoái cô có đến nhà và có cho tôi hai gói trà. Cô nói đồng triện tôi đóng có lợi, cô được việc làm nên cô trả ơn. Tôi có hứa bận sau cô về làng tôi sẽ đem biếu cô hai con chim sáo. Cô mỉm cười nói: “Lần này lên tỉnh cháu sẽ ở luôn và chắc không về được nữa…”

Sinh rùng mình ngắt lời hỏi lớn giọng hơi run run:

– Vì sao chị tôi lại nói câu ấy?

Ông lý Tâm nhìn Sinh trên hai vòng kính tươi cười:

– Cô ta sợ tôi đem lại biếu chim chứ gì? Tôi đã nói chim tôi sẽ đi đặt bẫy chứ không phải bỏ tiền ra mua thế mà cô cũng không chịu. Lần này xem thử cô giáo có về làng không!

Dứt câu ông lý Tâm thích chí cười ha hả. Sinh nhìn ra ngoài đường muốn làm ra vẻ dửng dưng như không. Nhưng tiếng cười từng nhịp của ông lý Tâm dội mạnh bên tai và làm Sinh bối rối. Sinh xách cặp cầm trên tay rồi quay lại cúi đầu chào:

– Thôi xin bác cho cháu về trước.

Ông lý Tâm gật đầu lia lịa:

– Cháu về nhà nhờ nói với ông phó Ty chiều mai hay sớm ngày kia bác mới về được nhé.

Sinh vâng rồi bước ra đường đi thẳng. Dọc đường những lời của ông lý Tâm bắt Sinh suy nghĩ mãi. Sinh tự nhủ: Chị Cam nói với ông lý Tâm không về làng nữa có phải là một cái điềm không? Nếu quả thật lời người ta đều linh ứng thì sao lắm người thề dối lại không chết. Sinh muốn đem ít bằng cớ ở khoa học để giải nghĩa, nhưng tìm không ra. Sinh bực mình đưa tay xoa trán không nghĩ nữa.

Sinh đến đầu làng Từ-Lâm thì trời vừa đứng trưa. Sinh vào quán ở đầu cầu sông Vực để uống nước và để đợi mấy chị bán gạo cùng về một đường. Vì từ làng Từ-Lâm đến Mỹ-Lý, Sinh còn phải qua hai chuyến đò ngang và một cánh đồng hoang vắng. Trời quá đứng bóng một chú thì mấy chị ở làng Mỹ-Lý gánh gạo ra về.

Sinh đứng dậy chào chị Hoa người ở cùng xóm:

– Chị Hoa ơi! Chợ đã tan rồi phải không chị?

Hoa đứng dừng lại để gánh gạo xuống đất:

– Vâng. Cậu Sinh về thăm nhà đấy à? Cô giáo Cam đâu?

Sinh cúi đầu ấp úng:

– Chị em bận việc quá không về được.

Hoa cất gánh lên vai đi theo mấy người bạn gái đang đợi Hoa dưới rặng liễu. Vừa đi Hoa vừa quay đầu lại nhìn Sinh hỏi:

– Cậu về đi đò hay đi tầu?

– Em đi đò đến làng Từ-Sơn thì lên bộ.

Như sực nhớ một việc gì, Hoa hỏi tiếp:

– À hôm nay ngày giỗ của thầy cậu thì phải. Tôi cũng đoán liều thế không biết có đúng không? Sớm hôm nay mợ cậu có đến nhờ anh Tuy tôi sang bên đồng Hoà-An để đắp lại cái mồ của thầy cậu.

Sinh ngoảnh mặt nhìn xuống cầu đáp:

– Chị đoán đúng đấy.

Hoa trở gánh gạo sang vai cười nói:

– Chẳng trách sao thiên hạ họ cầu đẻ con trai cũng phải. Cha thì cha chung, thế mà đến ngày giỗ cha, cô con gái trưởng lại vắng mặt.

Sinh nghe Hoa nói, tự nhiên thấy lòng chán ngán một cách lạ. Sinh cũng không buồn cãi. Nhưng không nói được trí Sinh lại bàng hoàng, lòng Sinh lại rào rạt, Sinh cố đi thật chậm để lau hai dòng lệ từ từ rơi trên má.

Thoáng không thấy bóng Sinh, Hoa liền quay lại nhìn về phía sau nói lớn:

– Các chị ơi! Đi chậm một chút. Cậu Sinh đi không kịp đâu.

Như cái máy, mấy chị bán gạo đi trước đứng dừng lại. Sinh lau nhanh nước mắt rồi cắm đầu đi tới.

*

Đến cổng nhà, Sinh tự nhiên thấy lòng nôn nao như người khách lạ. Sinh muốn gặp mẹ ngay cho lòng đỡ bận rộn. Cánh cửa lớn trước nhà chỉ chống hé một nửa. Hai cánh cửa mắt cáo hai bên thì bịt kín lại. Nghĩ đến chiều ấy là ngày kỵ của thầy Sinh, Sinh buồn quá muốn nức lên khóc. Thấy Sinh bước vào cổng, một con chó nằm trước thềm đưa mõm lên cao sủa lớn. Quen như lúc trước Sinh vẫy tay gọi lại. Nhưng con chó cứ đi thụt lùi rồi chúm bốn chân sủa vang hơn trước. Sinh tần ngần đứng lại. Đặt cặp xuống đất che hai chân, Sinh nhìn vào nhà lên tiếng gọi:

– Mợ ơi!

Hai tiếng ấy dội vang bên vườn chuối rồi im bặt. Sinh nhặt một thanh tre ngày trước tay ném con chó rồi gọi lớn:

– Mợ có ở nhà không mợ?

Con chó chạy đến đứng bên bụi môn sủa to hơn nữa. Một bà già từ trong nhà bước ra vừa đi vừa đưa tay dụi mắt. Sinh nhận được người quen nên chạy lại đứng một bên vui vẻ hỏi:

– Mợ ơi! Cháu về đây. Mẹ cháu có ở nhà không mợ?

Bà già đăm đăm nhìn Sinh một hồi lâu rồi nhếch mép cười:

– Cháu Sinh đấy à? Thế mà mợ nhận mãi không ra. Cháu vào nhà đã.

Sinh cúi xuống xách cái cặp rồi lẽo đẽo theo chân bà giáo Hiên. Lúc vào nhà hai mắt Sinh cứ nhìn quanh để tìm mẹ. Mùi dầu chổi bay ra khắp nhà khiến cho Sinh nhớ những ngày ở bên chị. Hai mắt Sinh luôn luôn đánh chớp. Sinh hồi hộp sợ những chuyện không đây. Không nghe mợ nói đến mẹ mình, Sinh đã run run hỏi sẽ:

– Mẹ cháu ở đâu mợ?

Bà giáo Hiên đưa cái chổi con quét phản rồi quay lại nói:

– Cháu để cặp trên đây. Mợ yếu luôn mấy tuần nên trong nhà không ai sắp dọn hết.

Sinh bực mình hỏi lớn:

– Mẹ cháu đi đâu hở mợ?

Lần này như nghe rõ, bà giáo Hiên ôn tồn đáp:

– Đã lớn rồi mà còn đòi mẹ như trẻ em. Mẹ cháu mới đi ra chợ đấy.

Ngừng một lát, bà giáo đỡ cằm Sinh mỉm cười:

– Chiều nay là ngày giỗ thầy cháu, cháu nhớ không? À cháu Cam đi đâu mợ không thấy?

Sinh rưng rưng nước mắt cúi đầu nhìn xuống đất:

– Chị cháu bận dậy học không về được.

Gần bốn giờ chiều bà Lai mời về đến nhà. Trông thấy Sinh thơ thẩn đợi mình trước cổng, bà liền gọi lớn:

– Sinh ơi!

Sinh ngẩng đầu trông thấy mẹ thì cắm đầu chạy một mạch. Bà Lai để rổ đồ ăn xuống đất đưa thẳng hai tay để đón Sinh. Sinh chạy lại đứng một bên mẹ vừa thở vừa nói:

– Mợ đi lâu về quá. Con đứng đợi mợ mỏi cả cổ.

Bà Lai đưa tay cài khuy bên nách áo Sinh:

– Con về có mỏi chân không? Mợ đi chợ Sinh  con ạ. Vì chỉ bên ấy họ mới bán đồ mã để đốt cho thầy con.

Nói xong bà ta cúi xuống cắp rổ đồ ăn rồi nắm tay Sinh dắt vào nhà. Mới đi đến sân, bà Lai đã cất tiếng hỏi:

– Cô giáo Cam của mợ đâu?

Sinh rút tay ra đứng dừng lại. Mặt Sinh hơi tái xanh, tim Sinh đập mạnh. Sinh bối rối như người ở trước cảnh nguy hiểm. Bà Lai bước vào nhà rồi toan đi xuống bếp. Sinh chạy lại giữ áo mẹ, cúi đầu ấp úng:

– Mợ ạ, chị con xin phép không được.

Bà Lai quay lại thở dài đưa tay xoa đầu Sinh:

– Ừ, mợ cũng biết…

Sinh trố mắt nhìn mẹ lo lắng:

– Có ai nói cho mợ biết à?

Bà Lai nhìn ra cổng nói sẽ:

– Không.

– Thế sao mợ biết được.

Bà Lai đặt tay sau lưng Sinh giục xuống bếp rồi nói tiếp:

– Vì đêm qua mợ nằm chiêm bao thấy chị con về nói năm nay xin phép không được. Nói xong thì chị con ôm mợ khóc nức nở. Mợ không biết gì cũng khóc theo. Cậu giáo con nghe mợ kêu ú ớ thì gọi thức dậy. Nói là khóc trong chiêm bao, nhưng lúc tỉnh dậy mợ cũng thấy hai mắt nhòe cả lệ.

Bà Lai đặt rổ đồ ăn trên bức phản, xịu mặt xuống:

– Đêm qua mợ lại thấy chị con mặc toàn đồ trắng. Nhưng thường nó có bao giờ ưa mặc áo trắng đâu!

Sinh hơi hoảng sợ. Nước mắt dồn quanh trong hai khóe mắt. Sinh quay mặt nhìn ra sân như sợ cặp mắt mẹ nhìn và đọc được những lời dối của mình. Một lát sau, Sinh quay lại nắm tay mẹ, rồi với một giọng chắc chắn Sinh nói lớn:

– Mợ ạ. Chị giáo có bảo con đưa về hầu mẹ mười đồng.

Bà Lai nhìn Sinh ra chiều cảm động lắm. Như sực nhớ một việc gì, Sinh nói tiếp:

– À chị con còn gửi cái này nữa mà con cũng quên.

Bà Lai tươi cười:

– Cái gì?

Sinh chạy lên nhà trên một chút rồi trở xuống đem cho mẹ một cái áo len mầu da chai:

– Chị Xuân đan áo để mẹ mặc áo rét đấy.

Bà Lai ngạc nhiên:

– Chị Xuân nào con nhỉ?

Sinh biết mình nói hớ nên vội chữa:

– Con nói nhầm đấy. Chị Cam chứ không phải chị Xuân.

Bà Lai đưa hai tay trăng áo ra rồi vừa cười vừa nói:

– À, mợ nhớ ra chị Xuân rồi. Chị ấy vẫn thường chứ. Để chốc nữa mợ đưa cái áo len này cho cậu giáo mặc. Cái áo len trắng chị con cho mợ năm ngoái vẫn còn mới nguyên.

Bà Lai vắt cái áo trên dây thép ngắm nghía một lúc rồi quay lại bảo Sinh:

– Thôi con lên nhà trên quét dọn bàn thờ lại. Mẹ còn phải nấu nướng để cúng cơm chiều cho sớm.

Sinh vâng rồi bước vội vàng lên nhà trên. Nhưng đến ngưỡng cửa bà Lai đã gọi giật lại:

– Con xem cậu giáo con đã về chưa?

Sinh nhìn lên nhà rồi quay lại nói lớn:

– Thưa mợ chưa.

Nói xong Sinh cúi đầu bước qua cửa, lòng nhẹ nhàng như vừa thoát khỏi một cơn tai nạn lớn.

*

Ông giáo Hiên nguyên dạy chữ Hán ở trường làng Mỹ-Lý. Năm ấy ông đã ngoài năm mươi tuổi. Người gầy và trán cao. Ông có một trai và một gái. Người con trai hiện đương làm phó Lý trong làng. Người con gái thì lấy chồng tận bên làng Hương-Mỹ. Tánh tình ông giáo Hiên và anh phó Ty – tên người con trai – giống nhau lắm. Nghĩa là cũng nệ cổ, cũng ương gàn như trăm nghìn nhà Nho khác. Từ ngày bà Lai về ở trong nhà, ông giáo thường tỏ ra vẻ không bằng lòng. Sự thật thấy em gái góa chồng ông ta cũng thương lắm. Nhưng ông ta lại sợ thiên hạ nói động đến gia phong. Bà Lai mỗi lần nghe ông giáo nhắc đến chuyện nhà cửa thì ngồi ôm mặt khóc nức nở.

Bà giáo lại chen vào nói ít lời hòa giải:

– Thôi để cô ở trong nhà cho vui. Vả hai cháu đã lên ở trên tỉnh. Cô có ở nhà riêng cũng không khỏi buồn được.

Ông giáo nghe vợ nói thì ngồi vuốt râu yên lặng. Sự thật thì ông giáo cũng chỉ mong nói ra để vợ khỏi chê mình là người “không biết chuyện”. Chừng nghe bà giáo khuyên can thì ông coi như làm xong bổn phận rồi. Ông chỉ nói thêm ít câu lạc đề rồi lên sập nằm ngủ.

Chiều hôm ấy ông giáo xách dù về thật sớm. Ông về đến nhà thì nhằm lúc bà Lai và Sinh lên đèn cúng cơm cho em rể. Ông giáo lật đật xuống bếp rửa mặt rồi lên ngồi trên sập bịt khăn đen lại. Đoạn ông đến trước bàn thờ ông Lai đứng lễ. Sau khi đi thụt lùi ra khỏi chiếu, ông giáo đưa tay vuốt râu nói lớn:

– Mới đây mà đã mười năm rồi. Hồi dượng còn làm chánh tổng thì chính dượng đi vận động cho tôi vào dậy ở trường Mỹ-Lý. Cũng nhờ dượng quên thân với ông huyện nên tôi mới được việc.

Lời ông giáo nói như rơi vào cõi trống. Những người đứng chung quanh không ai lên tiếng hưởng ứng. Nhưng ông cũng không đòi gì hơn nữa. Năm nào đến ngày giỗ ông Lai, ông giáo cũng nhắc lại câu ấy. Ông có ý nói lại để cho bà giáo nhớ đến một cái ơn xưa. Và nhờ cái ơn ấy bà giáo sẽ không than phiền đã để bà Lai cúng chồng mình trong nhà của mình. Vì dân vùng quê thường tin để người khác cúng trong nhà mình là một cái điềm bất lợi.

Cúng xong thì trời sẩm tối. Ngoài trời mưa lay bay và có gió lạnh thổi rì rào qua hàng tre trước cổng.

Ông giáo đến hút thuốc giữa sập. Bà giáo giúp ba Lai đem mâm cơm cúng đặt trên bức phản gần đấy. Sắp đặt đâu đó xong xuôi bà Lai liền đến dựa bên cột chắp tay nói:

– Xin mời anh sang xơi chén rượu.

Ông giáo không đợi mời tiếng thứ nhì đứng dậy xỏ chân vào giầy đi sang bên phản. Bà giáo và mẹ con Sinh lẳng lặng đến ngồi một bên. Nhấp chén rượu đầu tiên xong, ông giáo đưa đôi đũa quơ tìm trên mặt mâm:

– Có đĩa chả cua nào đấy không?

Bà Lai để bát cơm xuống mâm, chống đũa đáp:

– Tôi cũng định làm một đĩa để anh xơi rượu. Nhưng năm nay cô giáo Cam không về nên tôi làm một mình không kịp.

Ông giáo đưa mắt nhìn quanh một vòng rồi đặt chén rượu xuống mâm nói:

– Thật tôi lú lẫn quá. Cháu nó không về mà tôi cũng không biết.

Nói xong ông giáo cầm chén rượu uống thêm một hớp rồi quay lại nhìn Sinh:

– Chị Cam cháu không xin phép được à?

Sinh nhìn xuống mâm đáp sẽ:

– Vâng.

Ông giáo cúi đầu suy nghĩ một chút rồi ngẩng đầu hỏi bà Lai:

– Cháu Cam năm nay bao nhiêu tuổi rồi cô?

– Dạ nó tuổi Thìn mười tám tuổi.

Ông giáo đưa tay lên tính rồi lẩm bẩm:

– Thế năm nay là năm tuổi của cháu. Sao Thái Bạch, hạn nặng. Cô phải tin cho cháu biết mới được. Nhất là trong tháng này, tôi chỉ sợ cháu nó yếu thôi. Vì con rồng mà gặp tháng lửa thì nguy lắm.

Bà Lai nói lảng sang chuyện khác cốt để cải chính một cách gián tiếp lời ông giáo:

– À, cháu Cam có gửi về anh một cái áo len để mặc rét.

Nói xong bà Lai liền quay lại hỏi Sinh:

– Chị con đan áo len trong tháng này phải không?

Sinh đưa đũa dầm cơm trong bát ấp úng:

– Vâng.

Ông giáo vuốt râu yên lặng nhìn ra sân để chữa ngượng. Sinh đãng trí lấy cái thìa chan cả bát cơm đầy nước mắm.

Ông giáo sắp nói nữa thì ngay lúc ấy trước sân có tiếng guốc ai đi lẹp kẹp. Con chó nằm dưới phản sủa lên mấy tiếng rồi im ngay. Bà Lai đứng dậy đến bên cửa vừa kéo then vừa lẩm bẩm:

– Chắc anh phó Ty chứ còn ai nữa.

Cánh cửa vừa mở toang ra, anh phó Ty nhanh chân bước vào. Tối hôm ấy anh ta mặc áo đen dài, chít khăn đen và đeo kính trắng. Tầm thước anh ta gần như ông giáo. Người hơi cao, một cái gân xanh sổ ngay một đường giữa trán. Tay chân anh lẻo khoẻo trông vụng về lắm. Hôm ấy anh ta ra làng để chia ruộng cho dân. Anh phó Ty mới bước vào, hơi rượu đã bay ra nồng nặc. Anh ta đưa tay áo lau miệng nhìn ông giáo lấm lét. Ông giáo chống đũa giữa chén cơm nhìn anh phó Ty nói lớn:

– Anh phó lại say rượu rồi!

Anh phó Ty cởi áo đen dài ra, rời rạc nói từng chữ một:

– Con có say đâu. Thầy lý Tâm thấy trời lạnh nên cho một chén rượu để uống cho ấm bụng.

Nhớ sực đến lời ông lý Tâm dặn Sinh ban sáng ở làng Thanh-Ý, Sinh cúi đầu mỉm cười. Ông giáo quắc mắt nhìn anh phó Ty:

– Không say mà anh…

Tìm chưa ra chứng cớ chắc chắn, ông giáo ấp úng nói tiếp:

–..mà anh lại đứng cởi áo đen trước bàn thờ dượng à?

Bà Lai muốn êm chuyện nên chen vào nói lớn:

– Thôi mời anh phó Ty ngồi lại ăn cơm cho nóng. Cả nhà cũng vừa mới ngồi đấy.

Anh phó Ty nhìn qua mâm cơm đáp:

– Thôi để cháu ăn sau cũng được.

Nhưng vừa nói anh phó Ty vừa bước chân lên phản ngồi. Đưa chén cho bà Lai xới cơm, anh phó Ty đưa mắt nhìn quanh rồi quay lại hỏi Sinh:

– Năm nay cô giáo Cam không về à?

Rồi không đợi Sinh trả lời, anh phó Ty nói tiếp:

– Tuần trước thầy Hương lên tỉnh về nói lại lắm chuyện vui quá. Thầy ta nói học trò con Tây mà cũng biết trọng quân, sư phụ. Họ đi đưa đám một cô giáo người An-nam nào đó trông chật cả đường…

Sinh đang phập phồng lo sợ thì ông giáo nói tiếp:

– Nước nào lại không có tam cương ngũ thường. Nước họ cũng có luân lý như nước mình, lại có phần minh bạch hơn là khác. Nhưng chỉ phiền một điều là…là…

Ngập ngừng một lát để tìm chữ nhưng không ra. Ông giáo cũng không buồn nhắc lại nữa.

Sinh cúi đầu cố cắn môi suy nghĩ, hai má đỏ như gấc.

Trời bên ngoài tối đen như mực, xa xa bên xóm Nứa có vài tiếng chó sủa vu vơ.

- III -

Từ ngày vào ở nhà Xuân, Sinh thấy mình trơ vơ như kẻ bộ hành lạc bước. Sinh buồn nhưng không muốn để lộ ra cho Xuân biết. Bao nhiêu cử chỉ âu yếm của Cam ngày xưa, Sinh đều tìm được bên Xuân gần hết. Tuy vậy lắm lần Sinh cũng không khỏi ngỡ ngàng được. Vì Xuân lớn hơn Sinh không đầy hai tuổi, người mảnh khảnh lại không cao hơn Sinh mấy.

Xuân quê ở Nam-Định, mồ côi cha  mẹ từ thuở nhỏ. Anh em không có ai nên về ở nhờ trong nhà một người chú ruột. Năm Xuân mười sáu tuổi, bà thím ham giàu định ép gả cho một người Khách trong làng. Xuân không chịu nên trốn lên tỉnh ở. Đời Xuân từ đấy như một con thuyền không lái. Bước thêm một bước nào, Xuân cũng thấy ngập ngừng và xa lạ. Nhưng thời gian đã lần hồi xóa vẻ thơ ngây trong trí Xuân như lớp sóng triều chùi cát biển. Xuân đã trở thành bạo dạn và quen thuộc. Hai năm sau Xuân nghiễm nhiên là một vũ nữ lành nghề. 

Xuân đến Huế chưa đầy hai tháng thì một hôm, nhân ngồi chơi trong vườn hoa bên bờ sông Hương, Xuân tình cờ gặp hai chị em Sinh. Nghe Cam nói ở quê mới lên, Xuân tự nhiên thấy quãng đời xưa của Xuân diễn nhanh qua trước mắt. Từ một cô gái quê chất phác, Xuân đã trở nên một vũ nữ có biệt tài. Trong hai năm, Xuân đã đi theo những bước “Lầm” và tự bán cho mình cảnh “Dối”. Nhưng sau quãng đời mập mờ sa ngã, Xuân có được một cái nghề. Chính nghề ấy đã nuôi sống Xuân và nới quyền tự do của Xuân một ít. Từ đấy Xuân đã làm chủ được mình. Cam hôm ấy là hình ảnh của Xuân hai năm về trước. Con đường Xuân đã đi Xuân không muốn ai theo nữa. Xuân tin ở chí cương quyết của mình và ngờ lòng yêu đời của kẻ khác. Và Xuân nghĩ: Một cô gái quê lạc giữa thành thị là một con chim non tự dấn mình trong một cái lồng son quá đẹp và quá rộng. Con chim ấy không bao giờ trở về đồng nội. Hay trở về với tiếng hót kém trong, với sắc lông kém đẹp. Để cho Cam bị đánh lừa, Xuân không nỡ. Xuân muốn tìm một nguồn an ủi bên áng hương thơm của một tâm hồn trong sạch. Xuân đã nghĩ kỹ và cho mình nghĩ đúng. Mặc dầu lúc ấy tiếng ganh ghét vẫn không quên vang dội trong lòng Xuân. Nhưng với những người dày dạn như Xuân, nét trong sáng vẫn quyến được lòng họ hơn mầu vẩn đục. 

Chiều hôm ấy Xuân mời chị em Sinh về nhà. Qua hôm sau Xuân đi tìm một người Tây quen để khẩn khoản xin cho Cam một việc làm. Cam đàng hoàng làm cô giáo trường Tây sau đó hai tuần lễ. Cam càng tin ở lòng từ thiện của Xuân và coi Xuân như tình ruột thịt. Nhưng từ đó Xuân lại khuyên Cam thuê nhà riêng để ở. Xuân muốn giữ gìn thanh danh cho Cam, nhất đó lại là thanh danh một cô giáo trẻ tuổi. Nhưng chị em Sinh nhất định không nghe. Một hai đòi ở với Xuân cho có bạn. Năn nỉ nhiều lần mà Cam không nghe, túng thế Xuân phải dùng đến lòng quyết liệt và chí phản kháng.

Lúc ấy Cam không dám cãi ý Xuân nữa, nhưng cũng nói:

– Thôi, chị nói lại với giọng như khi trước thì em mới đi.

Xuân mỉm cười:

– Nói thế nào?

Cam như nũng nịu:

– Nói tử tế như khi trước kia. Vì vừa rồi chị có ý giận em.

– Thế Cam muốn Xuân nói dịu ngọt  như mấy hôm trước phải không?

Cam nghiêng đầu cười:

– Vâng.

– Nhưng Cam có hứa với Xuân rằng Cam sẽ đi thuê nhà không?

Cam gật đầu không đáp. Xuân đến cầm hai tay Cam cảm động quá đến rơi nước mắt:

– Cam ơi! Cam yên lòng thuê nhà đi. Cam là nguồn an ủi của đời Xuân. Có lúc nào người ta lại quên không đi tìm nguồn an ủi của mình không? Xuân sẽ ở bên Cam mãi mãi.

Ngay chiều hôm ấy Cam đi thuê một căn nhà riêng ở gần chùa Diệu Đế. Nói là ở riêng nhưng cũng không khác gì ở chung. Vì trưa, tối nào hai chị em Sinh cũng sang bên nhà Xuân ở lại. Có lúc Cam đóng cửa nhà thuê luôn mấy hôm để sang ở bên nhà Xuân.

Hôm nay đến ở nhà Xuân, Sinh không thấy những phút vui xưa như lúc còn chị nữa. Lần nào ở nhà một mình, Sinh cũng thấy lòng nao nao muốn khóc. Xuân đi làm trong tiệm nhảy Lido gần múi cầu Gia-Hội. Tối nào cũng quá nửa đêm, Xuân mới về. Sinh thường ngồi học đợi Xuân về mới đi ngủ. Từ ngày mất chị, Sinh tự nhiên trở nên nhút nhát một cách lạ. Lúc thành phố Huế bắt đầu đỏ đèn, Sinh đã lật đật đem cái ảnh của Cam thường để trên bàn cất vào tủ. Ban đêm Sinh không dám nhìn cái ảnh của chị. Vì nụ cười của Cam trên ảnh xinh tươi quá, Sinh lẩn thẩn sợ đêm khuya nụ cười ấy có thể nức ra tiếng được.

Một hôm đi học về Sinh thấy Xuân ngồi khâu bên cửa sổ. Người Xuân lúc ấy có duyên một cách mơ màng và lộng lẫy. Ánh mặt trời rọi trong bát nước để trên bàn phản chiếu một thứ ánh sáng nhạt chờn vờn trên má Xuân. Hai mắt Xuân sáng lên rất huyền ảo. Sinh đã qua khỏi ngưỡng cửa mà Xuân vẫn không biết. Sinh len lén ra phía sau ghế rồi đưa hai tay bịt cặp mắt Xuân, Xuân ngừng khâu nhoẻn miệng cười:

– Ai đấy, phải em Sinh của chị không?

Sinh cố nín thở không đáp. Xuân tươi cười nói tiếp:

– Thả tay đi thôi, chị biết rồi. Chị đã ngửi được mùi hoa cam bay ra thơm ngào ngạt.

Sinh thả hai tay xuống, buồn rầu đứng nhìn xuống đất. Vô tình Xuân đã nhắc đến tên của chị Sinh. Thường này Sinh đi kiếm hoa cam để cắm bên ảnh chị. Chiều đến lúc thấy hoa gần héo Sinh lại đem bỏ trong rương áo quần.

Xuân quay lại thấy Sinh buồn rười rượi thì biết Sinh đang nhớ đến chị. Nụ cười đang nở trên cặp môi tươi thắm của Xuân tự nhiên tắt hẳn. Xuân để kim chỉ xuống bàn rồi đứng dậy nhìn Sinh nói sẽ:

– Em Sinh biết buồn, chị lại không biết buồn à? Em Sinh vui đi để chị cùng vui với chứ?

Nói xong Xuân với tay lấy cái áo, choàng ra phía sau lưng Sinh:

– Em mặc thử cái áo này. Xem chị may có vừa vặn không?

Sinh cảm động quá đưa cặp mắt thấm lệ nhìn Xuân. Xuân vừa luồn áo vào tay Sinh, vừa nói:

– Thật chị giỏi quá. Áo may phỏng chừng thế này mà cũng vừa.

Đoạn quỳ xuống một chân, Xuân kéo hai thân áo xuống rồi cài cúc. Sinh cảm thấy lòng miên man một cách êm dịu. Sinh cúi đầu xuống nhìn vô tình để hai giọt lệ rơi thẳng trên mái tóc Xuân. Xuân ngước mắt nhìn lên, đau đớn lắm nhưng cố mỉm cười:

– Mặc áo mới xong còn phải ăn cơm nữa, chứ phải khóc đâu.

Sáng hôm ấy  Sinh đến trường trễ hơn mười phút. Sinh sợ quá rón rén đến trước bàn thầy định xin lỗi. Thầy Luân hôm ấy sắc mặt có hơi buồn nên đâm ra gắt gỏng:

– Tại sao anh đến chậm?

Sinh đưa tay mằn mò vạt áo trước:

– Thưa thầy tại đồng hồ nhà con chạy chậm.

Thầy Luân mỉm cười chế nhạo:

– Anh đã biết đồng hồ chạy chậm nhưng vẫn đến trễ như thường!

Sinh ấp úng:

– Thưa thầy con đến đây mới biết đồng hồ nhà con chạy chậm.

Thầy Luân vẫn giữ nụ cười mỉa mai trên môi:

– Thế là anh muốn nói trong hai cái đồng hồ – cái ở nhà anh và cái ở trường – anh chưa biết cái nào chạy sai. Có phải anh nghĩ thế không?

Sinh muốn lên tiếng đáp thì thầy Luân đã chỉ tay về phía lớp nói lớn:

– Thôi anh về lớp. Không có cái đồng hồ nào chạy sai cả. Sai là anh.

Sinh lẳng lặng cúi đầu đi xuống lớp. Lòng chán buồn và tức bực. Sinh cúi mặt nhìn quyển sách trên bàn nhưng cũng cảm biết có nhiều bạn đang quay lại nhìn Sinh. Sinh muốn giả vờ không biết nhưng hai mắt thấy choi chói như bị thôi miên. Sinh vội vàng lấy một chồng sách cao để ngay trước mặt.

Thầy Luân đã được tiếng nghiêm chỉnh nhất trường Khải-Định. Ai khó tính đến dâu cũng phải phục thầy về lòng ngay thẳng và cử chỉ đoan trang. Học trò ai phạm một lỗi gì nhẹ thầy cũng kiếm cách phạt cho kỳ được. Thầy ta thường thiếu sự khoan hồng may lại đủ tính tình vui vẻ. Học trò thầy nhờ vậy mà trở nên đứng đắn nghiêm trang chứ không lù khù hay bệ vệ. Sinh phục thầy lắm. Nhất là lúc nghe thầy giảng những bài luân lý với một giọng mê ly và chắc chắn. Những lời thầy lúc ấy như van lơn như kêu gọi thiết tha và đắm đuối vô cùng. Ở các lớp khác những giờ luân lý thường là những buổi học buồn tẻ nhất. Nhưng với thầy Luân thầy thường đem lời nói cho mượn tinh thần, lương tâm và lý trí nên những bài luân lý của thầy lúc nào cũng thấy cảm động và dễ nghe. Thầy còn cho Luân-lý là linh hồn của nhà trường và sau này của xã hội nên được thầy chăm nom từng chút.

Giờ học luân lý hôm ấy Sinh lơ đãng một cách vụng về gần như cố ý. Sinh chỉ nghĩ đến chuyện đến trễ và chuyện thầy mắt trước mặt học trò. Sinh buồn lắm nhưng không biết sẽ nói cho ai hay. Sinh tưởng nói được thì chắc Sinh đỡ buồn nhiều lắm. Với Xuân thì chắc không bao giờ Sinh dám nói. Vì Xuân sẽ buồn theo và để lộ những nét đau thương làm Sinh buồn hơn nữa.

Trọn giờ học hôm ấy Sinh không nghe được gì hết. Sinh hơi hối hận đã bỏ mất một giờ học rất quý. Nhưng lòng Sinh thì muốn về ngay. Sinh cho một buổi sáng gặp rủi thì trọn ngày ấy không thể nào gặp may nữa. Sinh muốn ngày ấy qua thật nhanh để cầu mong một ngày tươi sáng khác. Sinh tin bóng tối ban đêm sẽ xóa nhạt những nỗi u buồn của ban ngày. Sinh tin và lòng Sinh đầy hy vọng.

Lúc nghe tiếng trống trường bãi học, Sinh thích chí quá như được nghe những lời an ủi. Sinh cắp sách vở ra về lòng nhẹ nhàng và sung sướng như vừa cất xong một gánh nặng.

Buổi trưa hôm ấy, Sinh đi một mạch về nhà không vẩn vơ đứng chơi dọc đường như mấy bận trước.

Mới đặt chân vào nhà, Sinh thấy ngay Xuân đang dọn cơm lên bàn ăn. Sinh cảm thấy những nỗi buồn tiêu tan đâu mất. Vì lắm lần Sinh đã thấy bên Xuân sự che chở hoàn toàn và nguồn an ủi êm đềm và lặng lẽ. Sinh lăng xăng định đến để sách vở trên bàn thì bỗng đứng dừng lại. Sinh đăm đăm nhìn chiếc đồng hồ, lẩm bẩm:

– Cái đồng hồ này có ma chị ạ.

Xuân đặt dĩa cơm lên rồi vừa xới cơm vừa nói:

– “Ma chérie” ấy à phải không em?

Sinh nhìn Xuân mỉm cười:

– Không phải chị ạ.

Xuân đưa cánh tay che miệng cười khanh khách:

– Không phải thì đã đành. Chỉ có dân công tử mới hay gọi ma chérie. Nhưng sự thật thì họ coi như ma quỷ…

Nói chưa dứt câu Xuân đã thấy hối hận ngay. Vì đáng ra Xuân không nên nói những chuyện ấy cho Sinh biết. Xuân biết thế, nhưng gặp lắm cảnh buồn trong nghề, Xuân không thể làm lơ được. Xuân nói cho Sinh nghe để tự mua sự hối hận và để lần sau nói nữa. Vì Xuân nghĩ sự hối hận sẽ thoảng qua rồi mong hết được. Nhưng nỗi uất lòng không để cho người khác hay thì có thể đau khổ đến trọn đời.

Thấy Xuân tự nhiên dứt phăng câu nói, Sinh liền nói tiếp:

– Chị tính, sớm hôm nay em đến trường trễ hơn mười phút, thế mà về nhà lại không thấy đồng hồ trễ phút nào.

Xuân đặt tay trên vai Sinh nói sẽ:

– Thế sớm hôm nay em đến trễ à? Em có bị thầy mắng không?

Nghe Xuân nhắc đến chuyện thầy mắng, Sinh đã thấy buồn buồn. Bên Xuân, Sinh tự nhiên như trẻ em. Sinh muốn tủi, muốn hờn, để nghe Xuân dỗ. Biết Sinh buồn, Xuân dịu lời nói tiếp:

– Nếu thật em bị mắng thì lỗi tại chị. Vì sớm hôm nay, chị quên thức em dậy trước bẩy giờ. Lúc thấy kim đồng hồ chỉ bẩy giờ mười chị sợ quá. Thức em dậy lúc ấy thì em sẽ lật đật đi đến trường và nhất định không ăn cháo. Chị liền đến quay kim đồng hồ lui lại gần nửa giờ. Lúc em đi học rồi chị mới chữa lại.

Xuân từ từ hạ giọng. Đến sau cùng những tiếng của Xuân chỉ để bật ra như hơi thở. Sinh quay đầu nhìn Xuân rồi như hối hận đã làm Xuân buồn, Sinh nhìn ra đường nói lớn:

– Chị lầm chị ạ! Sự thật thì em không bị quở. Vì chính thầy cũng đi trễ. Em đang nghĩ một cái tính đố trong ấy có nhiều tính cộng quá.

Xuân tưởng thật nên sung sướng ngay:

– Tưởng gì chứ tính đố thì dễ lắm. Em cứ ăn những cuộn rau muống của chị nấu đây. Rồi em muốn làm mấy cái tính cộng cũng trúng hết.

Xuân – Sinh nhìn nhau mỉm cười rồi lặng lặng đến bàn ăn. Lòng Sinh phập phồng lâng lâng như dòng tơ vờn trước gió.

- IV -

Hai giờ sáng. Sinh gắng ngồi học thật khuya để đợi Xuân về. Tiếng ngựa xe ngoài phố đã bắt đầu thưa thớt. Thỉnh thoảng bên chùa Diệu-Đế để lướt trên thành phố ngủ yên mấy hồi chuông lạnh. Sinh buồn rầu ví với những tiếng than dài trong đêm vắng. Sinh nhớ nhà và nhất là nhớ mẹ. Sinh cố ôm đầu quên để đọc sách. Lúc lật qua trang khác Sinh mới nhận thấy Sinh đã đọc quá một trang nhưng không hiểu. Sinh mỉm cười đưa tay lật trở lại. Sinh nhíu mày lại gắng đọc. Những chữ cứ tréo qua tràn lại nhảy múa luôn dưới mắt Sinh. Sinh đọc câu thật lớn để tự gọi mình tỉnh lại. Nhưng tiếng dội vang bên tường đã làm Sinh hoảng sợ.

Một luồng gió lạnh từ cửa sổ tràn ngập vào nhà. Cánh cửa thông xuống bếp mở toan ra. Sinh thấy phía ấy tối đen như mực nên không dám nhìn. Sinh thong thả chống tay lên bàn đứng dậy. Rồi lần bước nhè nhẹ về phía cửa. Sinh nắm được quả sứ, kéo giật một cái thật mạnh. Cánh cửa đánh ầm một tiếng lớn. Mấy cái chai để trên bàn chạm với nhau nghe lẻng kẻng. Đóng cửa bếp xong Sinh định tắt đèn đi ngủ. Nhưng tiếng chuông chùa xa đưa dìu dặt luôn bên tai. Sinh bàng hoàng cảm thấy lòng buồn bát ngát. Sinh ra mở cửa trước đứng nhìn ra đường. Sinh cũng không biết đứng để làm gì. Đêm hôm ấy trời đầy sương và có gió lạnh lướt êm đềm trên cảnh vắng. Những chuỗi đèn điện chạy thẳng ra phía sông Hương vung trong bầu trời sương khuya một thứ ánh sáng lờ mờ lạnh lẽo. Sinh sắp quay lưng trở vào nhà thì một cái xe tay từ đằng xa chạy lại. Sinh hồi hộp tưởng Xuân về. Lúc thấy chiếc xe chạy qua nhà không ngừng Sinh thở dài đưa mắt tìm chiếc xe khác. Liên tiếp có năm cái xe từ đầu phố Gia-long chạy lại. Chiếc xe nào đi qua nhà, Sinh cũng thấy lờ mờ như xe chạy chậm lại. Rồi trong mui xe như có một người đàn bà đưa đầu nhìn ra ngoài. Nhưng sự thật năm chiếc xe vẫn lần lượt đi qua, đều đều và lặng lẽ. Sinh cứ nhóm hy vọng trong lòng để mua thất vọng mãi.

Tối hôm ấy là tối thứ bẩy, Sinh nghĩ chắc Xuân bận lắm. Sinh không nỡ đi ngủ trước vì ngày mai Sinh cũng không có bài gì cần làm gấp.

Sinh đang vơ vẩn nhìn về phía sông thì một cái xe đứng dừng lại trước mặt Sinh. Chiếc xe này chạy chậm lắm, cây đèn xe lờ mờ như muốn tắt nên Sinh không để ý. Sinh đang trố mắt đứng nhìn thì người kéo xe quay lại hỏi:

– Cậu có biết nhà cô gái nhảy ở đâu không?

Nghe người kéo xe phạm đến một cách ngạo nghễ nghề của Xuân, Sinh phát cáu:

– Cô gái nhảy nào? Anh lễ phép gọi tên cô ta có được không?

Người kéo xe như nhận thấy sự đường đột của mình nên dịu giọng:

– À, tôi nhớ ra rồi. Nhà cô Xuân.

Không biết nghĩ gì, Sinh lạnh lùng nói sẽ:

– Nhà cô Xuân đây nhưng cô ta đi vắng rồi.

Sinh vừa nói xong thì trong xe có tiếng người kêu sẽ:

– Em Sinh đấy à?

Nhận được tiếng của Xuân Sinh mừng quá run cả người. Sinh lật đật chạy lại bên xe rồi nhìn vào gọi:

– Chị Xuân ơi!

Lúc thấy Xuân nằm vắt trên xe hai mắt nhắm nghiền, Sinh đâm ra kinh hoảng. Sinh quay lại hỏi người kéo xe:

– Chị tôi sao thế, anh biết không?

Người kéo xe lắc đầu:

– Tôi đang đợi khách trước tiệm nhảy Lido thì một cô trong tiệm gọi tôi lại và bảo tôi kéo cô Xuân về nhà. Tôi hỏi nhà cô Xuân ở đâu thì cô ấy bảo kéo về đường này hỏi nhà thì có người chỉ.

– Thế chị tôi bị gió à?

Người kéo xe quay mặt nhìn vào xe rồi che miệng nói sẽ như sợ ai nghe được:

– Cô ấy say rượu.

Nói xong anh ta kéo xe khít về bên đường rồi hạ hai càng kê trên một chồng gạch gần đấy. Đoạn anh ta nhìn Sinh để dò ý tứ. Sinh như đoán biết nên nói lớn:

– Để tôi vào mở cửa đã.

Xuân mê man nằm trên giường như người đau bệnh nặng. Tay chân Xuân mềm nhũn, mặt đỏ như gấc. Mùi rượu champagne bay ra khắp phòng. Sinh lấy khăn tẩm nước đắp trên trán Xuân rồi lấy vôi bôi vào lòng hai bàn tay. Xuân trăn trở trên giường rồi thỉnh thoảng giương mắt lên nhìn Sinh. Xuân lẩm bẩm nói gì trong miệng không nghe rõ. Sinh lo sợ lắm. Nhất là lúc thấy Xuân nhoẻn miệng cười rồi nói một tràng tiếng Tây không nghĩa lý. Sinh biết Xuân vốn không ưa rượu lắm. Sở dĩ Xuân say là vì có ai ép uổng. Tuy không biết người khách ấy là ai, Sinh cũng oán thầm trong bụng. Sinh nhớ sực một hôm cậu giáo Hiên say thì mẹ Sinh lấy nước chanh cho uống để giải rượu. Sinh đi tìm một cốc nước lạnh rồi vắt chanh vào. Đoạn Sinh đỡ Xuân ngồi dậy để uống. Nhưng sức Sinh yếu quá mấy lần đỡ dậy được Xuân lại nằm xuống như cũ. Nặng quá Sinh phải lập thế kê một chồng gối cao đỡ phía sau lưng Xuân. Thấy ánh sáng thì Xuân đưa tay dụi mắt. Lúc thấy Sinh kề cốc nước chanh gần bên miệng, Xuân liền đẩy ra, nhoẻn miệng cười nói sẽ:

– Thôi không uống được nữa…Chớ ép em lắm, tội nghiệp. Say lắm rồi. Khuya lắm rồi. Đi về thôi.

Sinh thấy Xuân còn nói mê, gọi lớn:

– Chị Xuân ơi! Em Sinh đây. Chị uống một chút nước chanh để giải rượu.

Xuân mở mắt nhìn Sinh một hồi khá lâu rồi mỉm cười:

– Em Sinh đấy à? Em lại tiệm nhẩy làm gì?

Giọng nói của Xuân như có vẻ hờn trách. Xuân nghiêng mình một bên chực nằm xuống. Sinh vội đưa tay ra đỡ rồi nói lớn:

– Em ở nhà chị ạ. Mà chị cũng đang ở nhà với em.

Xuân không đáp lẳng lặng kê đầu bên vai Sinh. Mớ tóc đen của Xuân xõa tràn trên mặt gối. Mùi nước hoa bay ra thơm ngát. Một luồng gió lạnh lọt qua khe cửa chuyển nhẹ bức màn tơ che trước phòng. Theo chiều nặng, đầu của Xuân cứ dần dần trụt xuống. Nhưng mỗi lần cảm thấy đầu mình sắp rời khỏi vai Sinh, Xuân lại cất lên để kê xích gần hơn nữa. Hơi thở của Xuân lúc ấy mơn trớn trên má Sinh như một luồng hơi ấm. Sinh tự nhiên thấy lòng mình hơi bối rối. Sinh nhìn ra cửa sổ như sợ có ai trông vô. Hai má Xuân đỏ dịu như da quả đào non tươi mơn mởn. Cặp môi Xuân để hé một nụ cười đã tắt từ bao giờ nhưng còn ghi dấu lại. Sinh cảm thấy lòng rạo rực như đứng trước một bức tranh tiên đầy mộng đẹp. Bị gió đẩy, hai cánh cửa sổ từ từ đóng sập lạI. Sinh lẳng lặng để một chiếc hôn thầm trên mái tóc Xuân. Sinh hồi hộp và thấy mình nhẹ hẳn.

Một lát sau Sinh lay nhẹ tay Xuân nói lớn:

– Chị ơi, chị uống cho em một hớp nước chanh đi!

Xuân thở dài, mở mắt nhìn Sinh rồi nói trong miệng giọng hơi run run:

– Cho em về ngủ chẳng em Sinh đợi khuya tội lắm.

Sinh cảm động quá bất giác cúi đầu nhìn Xuân rưng rưng nước mắt. Sinh nâng đầu Xuân lên rồi ngọt ngào nói với Xuân như khuyên một trẻ em.

– Chị uống đi. Uống một hớp thôi.

Hai mắt vẫn nhắm, Xuân lẩm bẩm:

– Say rồi….đừng….

Thừa lúc Xuân hé miệng nói Sinh nghiêng cốc nước chanh vào miệng Xuân. Nước chanh văng tung toé bắn ướt cả nệm. Xuân sặc và đưa tay che miệng nói thật nhanh:

– Thôi đừng uống nữa.

Sinh đặt Xuân nằm xuống nệm, sửa lại nếp áo cho Xuân rồi kéo chăn đắp lên tận cổ.

Thấy Xuân không trở mình như trước nên Sinh cũng hơi yên lòng. Sinh định tắt đèn qua phòng mình ngủ thì như nhớ sực một chuyện gì. Sinh đứng yên người suy nghĩ. Một lát sau như quyết định, Sinh rón rén đến bên giường rồi nhẹ tay lật khoảng chăn đắp dưới hai chân Xuân lên. Sinh từ từ tháo đôi giầy cao gót. Sinh làm công việc ấy với những cử chỉ ngượng ngập và rụt rè. Sinh đứng dậy đến bên ngăn bàn lấy đôi tất rồi đến tròng vào hai chân Xuân. Thấy Xuân cựa mình, Sinh đã hồi hộp lo sợ. Hai chân Xuân son thắm và tươi xinh như cặp chân bằng sáp. Mỗi lần Sinh nâng gót chân của Xuân đặt vào lòng bàn tay thì toàn người Sinh như bủn rủn. Hơi thở của Sinh nóng và không đều. Tròng tất cho Xuân xong Sinh liền kéo chăn đắp lại. Sinh đứng dậy thả nhanh màn xuống rồi len lén đi qua phòng mình đóng cửa vội.

- V -

Đời của Xuân, Sinh từ đây chỉ làm bằng nụ cười và tiếng khóc. Họ cười rất dễ dàng, và họ khóc lại dễ dàng hơn. Và cười đó rồi khóc đó là chuyện rất thường. Những phút trầm ngâm yên lặng đối với họ rất khó tìm. Vì một người yên lặng, người khác đã vẩn vơ. Họ sợ sự lặng lẽ kín đáo hay bí mật quá, nên họ trêu nhau để tâm tưởng dễ bật ra lời. Tiếng nói dầu không thành thật hay bị che đậy dưới nhiều lớp vỏ xã giao, họ cũng cho sáng suốt và dễ hiểu hơn sự câm lặng. Chỉ vì họ cũng đang sợ vẻ tưng bừng hay điều thầm kín của chính lòng họ.

Đứng trước điều ước muốn, họ không dám thả lỏng tâm tư. Nên Sinh đôi lúc đi thụt lùi trước số tuổi để tỏ mình là đứa trẻ ngây dại. Và Xuân lại phải tiến tới gấp để tự đặt mình trong địa vị của người chị nuôi Sinh.

Nhưng lòng họ thì đang tìm nhau để được đứng ngang hàng. Đó là điều bí ẩn nhất ở trong nếp nhà này. Và binh khí họ thường đem ra dùng là “Dối”. Một thứ “Dối” nhẹ nhàng, say sưa, và rất dễ biết. Nhưng họ vẫn dối để được dối và để sống miên man trong cảnh dối.

Một buổi chiều chủ nhật. Sinh đang ngồi hí hoáy vẽ thì Xuân từ trong phòng ngủ bước ra. Xuân mặc cái áo dài mầu nâu, đeo kiềng vàng và bỏ tóc xõa. Xuân lẳng lặng đến trước gương định trang điểm. Quay lại thấy Sinh ngồi vẽ, Xuân mỉm cười:

– Nhà họa sĩ của chị vẽ chậm quá. Chỉ một cái ghế mà vẽ hai hôm chưa xong.

Sinh ngẩng đầu nhìn Xuân rồi cúi xuống ngay:

– Còn em Hải đứng trên ghế nữa chứ!

– Em Hải nào chị nghe tên quen quen nhưng không nhớ mặt.

Sinh vẫn cắm đầu ngồi vẽ:

– Thế chốc nữa chị đợi em vẽ mặt xong rồi sẽ biết.

Xuân quay lại nhìn vào quyển vở của Sinh lắc đầu:

– Chị không tin được. Vì hôm trước em định vẽ mặt chị lại hóa ra giống mặt…

– Mặt ai chị nhỉ.

Xuân lúng túng:

– Mặt em.

Sinh che miệng cười nói lớn:

– Hay chị em ta một mặt và một…

Sinh định nói một lòng, nhưng nghĩ thế nào lại im bặt. Xuân cũng đoán biết Sinh muốn nói chữ ấy nhưng không tiện hỏi thêm. Một lát sau Sinh tươi cười nói lớn:

– À nếu vậy hôm nay em vẽ mặt em Hải lại hóa ra mặt chị Phương mất!

Xuân ngừng chải đầu nói sẽ:

– Chị nhớ ra rồi. Em Hải là em trai chị Phương thường đến chơi đằng nhà mình. Nhưng đã lâu sao không thấy chị Phương dẫn em Hải đến chơi. Có lẽ chị ấy bận việc thì phải. Em Hải mới bẩy tháng mà trông ngoan quá phải không em Sinh?

Không để Sinh trả lời, Xuân vội vàng nói tiếp:

– Chắc chắn đi rồi chứ còn có lẽ gì nữa. Hôm trước chị Phương đã nói với chị, chị ta sắp ra buôn cau ở Hải-phòng mà chị cũng quên.

Nói xong Xuân quay hẳn người nhìn Sinh cười chúm chím. Sinh ngẩng đầu lên trố mắt nhìn Xuân:

– Chị hôm nay tươi xinh như một cô nữ sinh trường Đồng-khánh.

Xuân đưa tay che mặt như bị chói mắt trời:

– “Tươi xinh” hoà vận với “Học sinh”, thật em lựa vần thơ hay quá. Nhưng em mà đi khen chị thì còn ai chịu tin nữa.

Sinh để cây bút chì xuống bàn:

– Thế chị tưởng em khen dối chị à?

Xuân mỉm cười lắc đầu:

– Dối thì không phải dối hoàn toàn nhưng thật thì cũng không thật lắm. Chị muốn nói…

Ấp úng một lát Xuân nói tiếp:

– Thôi đừng nói nữa thì hơn. Vì nói được hay không cũng không thêm và cũng không bớt gì hết.

Sinh táy máy ngậm ngang cây bút chì rồi há miệng để thả rơi xuống bàn:

– Chắc chị hôm nay bận trí lắm thì phải. Vì chị không giải được những ý tưởng của chị nghĩ.

Xuân đưa thoi son vẽ vành môi:

– Em đoán giỏi quá chị xin phục.

Nói vừa dứt câu Xuân đã ôm bụng cười ngặt nghẽo. Sinh hơi ngượng nghịu:

– Chị nghĩ gì lại cười em?

Xuân vẫn che miệng cười nói vội:

– Chị nghĩ rằng chị không bận trí gì hết.

Xuân để thỏi son trên bàn cười lớn hơn nữa. Sinh cũng ngừng vẽ nhìn Xuân cười theo. Một lát sau Sinh giả vờ tươi tỉnh nói sẽ:

– “Hải” và “gỗ” dấu hỏi hay dấu ngã chị Xuân?

Xuân tươi cười:

– Chị có đi học đâu mà biết.

– Nhưng chị người Bắc, chị bỏ dấu trúng hơn em.

Xuân cầm nhẹ thỏi son trên tay:

– Em muốn nói câu gì lại dùng “Hải” và “gỗ”.

Sinh nhìn vào quyển vở nói tiếp:

– Em định viết câu này dưới hình vẽ của em: “Em Hải đứng một mình trên chiếc ghế gỗ cao.”

– Em cẩn thận quá. Em bỏ chữ  “gỗ” đi có dễ nghe hơn không. Ghế nào lại không bằng gỗ.

Sinh nhìn Xuân cãi:

– Còn nhiều thứ bằng tre nữa chứ.

Xuân mỉm cười:

– Bằng gì cũng được, thế nào cả hai cũng ngã.

Sinh trố mắt nhìn Xuân:

– Chị nói hai cái gì ngã.

Xuân muốn làm ra vẻ bí mật:

– Em Hải và chiếc ghế gỗ.

– Chị muốn nói gì em không hiểu?

Xuân che miệng cười:

– Để em Hải đứng một mình trên chiếc ghế gỗ cao thế nào em cũng ngã. Một lần em đã ngã thì chiếc ghế gỗ cũng ngã theo. Thế là chữ “Hải” và chữ “gỗ” cùng có một dấu, dấu ngã.

Sinh vỗ tay cười nói lớn:

– Chị Xuân của em lý luận giỏi quá.

Một lát sau Sinh lại cắm đầu ngồi vẽ. Xuân đưa ngón thay thoa son trên môi nói sẽ:

– Chiều nay họa sĩ của chị có rỗi không?

Sinh đãng trí nói lớn:

– Không.

Xuân ngừng tay đưa mắt nhìn Sinh:

– Không? Thế sao hôm trước em lại nói chiều nay em rỗi.

Lần này Sinh ngẩng đầu lên nói vội:

– Thế vừa rồi em đáp không à? Có lẽ tại em không nghe rõ. Chiều nay em rỗi chị ạ.

– Vừa rồi em nghe chị nói gì lại đáp không?

Sinh hơi lúng túng:

– Em cũng không biết đến, chị ạ.

Xuân và Sinh lại nhìn nhau cười nụ. Sinh đứng dậy xếp vở lại rồi đưa thẳng hai tay lên trần nhà:

– Thôi thế là xong một việc.

Ngẩng đầu lên thấy Xuân còn đưa tay tô son, Sinh mỉm cười:

– Chị bảo em vẽ chậm nhưng sự thật chị vẽ cũng không nhanh lắm.

Xuân vẫn lẳng lặng chúm môi thoa thêm một lớp son nữa. Sinh sợ câu nói của Sinh làm phật ý Xuân nên nói lãng qua chuyện khác:

– Chị hỏi em có rỗi hay không để làm gì chị nhỉ?

Xuân băn khoăn sợ Sinh buồn về sự yên lặng của mình nên có ý nhắc lại câu bông đùa của Sinh:

– Chị vẽ chậm thật. Nhưng chị không phải là một nữ họa sĩ. Nếu vẽ môi được là họa sĩ thì phụ nữ hoàn cầu đều là họa sĩ hết.

Xuân chúm chím cười nói tiếp:

– À nếu em rỗi thì chiều nay em ra vườn hoa với chị cho vui.

Sinh làm ra vẻ hớn hở:

– Được đi chơi với chị thì còn phải nói.

Sinh bước vào phòng thay áo. Nhưng mới đi qua khỏi cửa Sinh đã ló đầu ra ngoài nói lớn:

– Chị nhớ nhắc em mua một quyển Tục Lụy nhé.

Xuân gật đầu mỉm cười:

– Vâng thì đi mua Tục Lụy.

Trong vườn hoa về phía tả ngạn sông Hương hôm ấy đầy đặc cả người đi hóng mát. Nước sông Hương êm đềm trôi, phẳng lặng như một dòng lụa trắng. Một đàn cò trắng liệng vòng quanh trên mặt nước. Vài con rẽ đàn cứ dần dần hạ thấp xuống. Như để soi mình trên mặt gương lớn trước khi bay về dãy núi xa xăm. Xa xa về phía cầu Bạch-hổ, những ngọn núi xanh tươi như bập bềnh trôi trên dòng mây lam dày đặc.

Xuân dẫn Sinh đi tìm một nơi vắng lặng nhất để ngồi. Nhưng ghế nào cũng chật ních cả người. Sau cùng Xuân và Sinh phải đến ngồi trên đám cỏ non gần bên nhà Thương Bạc.

Lớp người nào đi qua gần đấy cũng đưa mắt nhìn trộm Xuân và để nói với nhau những câu rất khó chịu.

Một người vận Tây lay tay người bạn đi một bên hỏi:

– Có phải người mặc áo lam ngồi trên cỏ là vũ nữ tiệm Lido không?

Người kia nghiêng mình nhìn Xuân một cách vô lễ rồi nói sẽ:

– Vũ là mưa, nữ là gái. Vũ nữ là gái mưa nhưng cũng chính là gái mây mưa nữa đấy.

Cả bọn lại ôm vai nhau cười khúc khích. Xuân đưa hai tay chữa lại mái tóc giả vờ như không để ý đến. Còn Sinh thì hậm hực nhìn bọn người đi qua với lòng căm tức. Sinh ngây thơ không hiểu tại sao bọn người ấy lại quá thô bỉ đến thế. Sinh muốn tìm để hiểu nhưng lại sợ hiểu được. Sinh cảm thấy lòng phân vân như đứng trước một cảnh khó xử. Nhưng nghĩ đến bọn người dám ngạo nghễ trước mặt Xuân, Sinh coi như không thể tha thứ được.

Ngay lúc ấy một người đi qua đứng dừng lại. Sau lúc đưa tay thọc vào túi quần đứng nhìn Xuân một lát, người ấy trề môi đi thẳng.

Sinh vứt mạnh hòn sạn đang cầm trên tay xuống cỏ rồi quay đầu lại nhìn ra phía sông. Xuân vội vàng đưa hai tay che mặt lại. Sinh ngạc nhiên hỏi:

– Chị Xuân làm sao thế?

– Không, có gì đâu. Chị hơi chói mắt một chút thôi em ạ.

Sinh vừa kéo tay Xuân xuống vừa nói:

– Chị cho em xem một chút.

Sinh giật mình, buông tay Xuân ra thở dài yên lặng. Hai mắt Xuân nhòe cả lệ. Xuân đứng dậy rũ áo rồi nghiêng mình nắm tay Sinh nói sẽ:

– Về đi thôi em Sinh.

Sinh buồn rầu nhìn Xuân:

– Đã về rồi à? Chị không ngồi lại chơi một chút cho vui.

Xuân nhún vai:

– ….cho buồn thì đúng hơn. À mà em còn đi mua quyển Tục Lụy nữa kia mà.

Sinh níu tay Xuân đứng dậy cười cay chua:

– Vâng thì đi mua..tục lụy.

Với một giọng run run hơi ướt, Xuân nói sẽ:

– Chừng chúng ta đã mua rồi thì phải.

- VI -

Sinh đi học thật sớm. Sinh vơ vẩn nhìn hai hàng thông cao vút đang chuyển mình theo chiều gió. Một chiếc lá bàng là đà bay xuống đất. Sinh chạy thật nhanh đưa tay hứng. Nhưng chiếc lá bàng đã bị một cành tre khô hứng trước. Sinh mỉm cười rồi cắm đầu đi thật nhanh. Một trái mù u nằm giữa đường bị chân Sinh vô tình đá trúng lăn thật xa. Sinh thấy hay hay nên đưa mắt nhìn theo. Lừa trái mù u ra giữa đường Sinh đưa thẳng chân đá mạnh. Trái mù u nẩy mấy cái trên đường rồi lăn thẳng. Sinh hăm hở chạy theo sau. Vô tình Sinh đã chạm phải một người bạn đi trước mặt. Sinh luống cuống cúi xuống nhặt sách vở của bạn tung tóe dưới đất rồi vừa phủi bụi từng quyển vừa nói:

– Thành thật xin lỗi anh Huyên nhé!

Huyên cười nhạt nói lớn:

– Chẳng lẽ anh đã làm rơi sách vở của tôi lại không thành thật xin lỗi tôi. Tôi tưởng hai chữ “thành thật” là hai chữ thừa.

Sinh tươi cười:

– Vâng, thì xin lỗi anh.

Huyên đưa tay nắm vạt áo Sinh:

– Không phải chỉ xin lỗi suông mà được với tôi đâu. Anh phải đóng lại mới hai quyển sách Toán Pháp cho tôi.

Sinh biết không phải lúc đùa được, nên nụ cười đang nở trên môi Sinh đã tắt dần và biến hẳn:

– Nhưng sách anh có hỏng đâu mà bắt tôi đóng. Tôi vô tình….

Không để Sinh nói dứt lời, Huyên quắc mắt nói lớn:

– Vô tình hay hữu tình mặc anh tôi không biết. Vì tôi có phải là hạng người ở trong nhà gái bán ….tình đâu.

Bọn học trò vây đứng chung quanh cười rộ lên. Sinh cúi đầu nhìn xuống đất, đỏ cả mặt. Sinh căm tức và buồn tủi lắm. Sinh ước có sức mạnh thì đánh Huyên ngay. Lúc nghe Huyên nói phạm đến một cách cay độc đời của Xuân thì Sinh cảm thấy lòng đau đớn như ai vừa vò nát. Sinh biết Sinh cô thế nên cố dịu giọng một lần nữa để xin huề:

– Thôi anh muốn nói gì cũng được. Vì đó là quyền của anh. Tôi đã xin lỗi anh rồi và tôi không ân hận nữa là đủ.

Nhưng Huyên là người không biết điều. Thấy Sinh càng hạ mình, Huyên càng nói hiếp già hơn nữa:

– Xin lỗi thì không khó gì hết. Ví dụ tôi đến đánh cả nhà anh…À nhưng tôi không đến đâu. Vì đến nhà anh là một cái nhục…

Rồi dịu giọng Huyên nói tiếp:

– Về phần tôi lẽ tự nhiên.

Sinh vừa giận vừa tức nên hai mắt đỏ ngầu:

-Thì tôi có chối đâu. Cái nhục về phần anh là phải lắm. Vì anh là hạng người chỉ xứng mang cái nhục.

Huyên thả vạt áo Sinh ra đứng thẳng người nắm hai tay:

– Anh nói gì?

Sinh vẫn giữ vẻ điềm tĩnh:

– Tôi tưởng chỉ với một người điếc tôi mới nhắc lại câu tôi đã nói. Nhưng anh không phải là một người điếc, anh chỉ là một người …

Huyên nói lớn giọng hơi run run:

– Người tồi phải không. Anh muốn nói tôi là một người tồi phải không?

Sinh mỉm cười ngạo nghễ:

– Tùy ý anh muốn.

Huyên xắn tay áo sắp tiến đến trước mặt Sinh thì một người bạn giữ chặt tay lại. Huyên đưa đầu tới trước nói lớn:

– Tôi không cần nói với anh đâu. Anh là người khốn nạn.

Sinh khinh ra mặt:

– Nếu nhục về phần anh thì khốn nạn cũng về phần anh nốt. Tôi vô tình nhảy trúng anh chứ…

Huyên được dịp ngắt lời mỉa mai:

– Anh không cần khoe tài nhảy của anh, người ta cũng chán biết anh hiện ở trong nhà cô gái nhảy. Mà ở nhà gái nhảy thì biết nhảy và chỉ biết nhảy thôi anh ạ.

Mỗi lần nghe Huyên nói phạm đến Xuân thì Sinh đã nghẹn ngào không cãi được. Sinh đau lòng lắm. Sinh muốn trề môi cười để tỏ cho Huyên biết Sinh đang khinh ra mặt. Nhưng cặp môi đang để hé nụ cười lại rung mạnh. Sinh chỉ kịp quay mình qua chỗ khác để ôm mặt khóc nức nở.

Trưa hôm ấy đi học về Sinh cảm thấy lòng buồn và ngao ngán. Trông thấy mặt người nào tươi cười, Sinh cũng đâm ra ghét. Bên đường thấy ai thì thầm nói chuyện, Sinh cũng cho là họ có ý nói kháy mình. Nghĩ đến Xuân thì Sinh thương hại lắm. Sinh cho cả loài người không hiền từ chút nào hết nhất là đối với Xuân. Nghĩ Xuân phải chịu nghe tất cả tiếng khinh thường của người đời và tự buộc lòng phải câm lặng, Sinh đưa tay lau hai giòng lệ.

Đẩy cửa đi vào nhà, Sinh không thấy Xuân đâu hết. Sinh đến để sách vở trên bàn rồi tần ngần đứng nhìn xuống đất. Không biết nghĩ gì Sinh ngẩng đầu nhìn lên. Mỗi vật gì trong nhà Sinh cũng ngắm nghía thật kỹ. Sinh lẩm bẩm:«Nhà chúng ta trong sáng thế này họ lại khinh, còn khối óc họ tối đen như mực, họ lại không biết tủi». rồi như tự an ủi, Sinh vịn lưng ghế đẩy một bên nói sẽ:

– Mình tự biết mình là được…

– Còn ai thì mặc ai phải không em Sinh?

Xuân vừa nói vừa vén bức màn treo giữa khuôn cửa thông xuống bếp. Sinh quay mặt nhìn ra cửa sổ. Xuân thấy Sinh có dáng buồn, đặt tay lên vai Sinh nói sẽ:

– Em có chuyện gì không vui phải không?

Nghe tiếng êm dịu của Xuân, Sinh đã muốn nức lên khóc. Từ ngày lên tỉnh thành với Cam, Sinh tưởng ai cũng hiền lành như chị. Trên đường đời càng đi sâu thêm mãi, Sinh càng thấy mình thất vọng và lầm lẫn. Sinh không ngờ một người bị dư luận đếm xỉa một cách khắt khe lại ăn ở dịu dàng với Sinh đến thế. Nên mỗi lần nghe tiếng Xuân là lòng Sinh như cất được gánh nặng. Sinh tủi, hờn tự nhiên và gần như không duyên cớ.

Thấy Xuân vẫn đứng đăm đăm nhìn mình, Sinh hơi ngượng nghịu. Sinh muốn viện một cớ để dối Xuân nhưng tìm chưa ra. Tiếng trong trẻo của Xuân lại buông nhẹ bên tai Sinh:

– Em có chuyện gì buồn thì cứ nói thật với chị.

Sinh cố lấy đủ các điệu bộ tươi tỉnh dịu lời đáp:

– Em hơi nhọc một chút, chứ có phải buồn đâu.

Xuân đứng thẳng người nhìn xuống đất ra dáng ngẫm nghĩ:

– Có người nào nói mếch lòng em phải không?

Sinh ngẩng đầu nhìn Xuân lo sợ:

– Không.

– Nếu không thì sao em lại nói “mình tự biết mình là đủ”. Em Sinh cứ nói thật đi. Chị không buồn đâu. Ai lại đi buồn những chuyện lặt vặt không đâu ấy.

Thấy Sinh yên lặng lòng Xuân lại đâm ra nghi ngờ. Xuân lấy giọng khuyến khích nói tiếp:

– Vì chị nếu phải buồn những chuyện vặt ấy thì …em ơi chị phải khổ suốt đời.

Sinh vờ tươi cười:

– Thế ra chị đã biết những chuyện vặt ấy rồi à?

Xuân lắc đầu một cách ngây thơ:

– Không.

– Không mà chị nói như chị đã biết rồi. Nghĩa là chưa biết hay không biết gì hết.

Xuân vén mái tóc che trước trán nhìn Sinh. Sinh nghĩ nát óc nhưng vẫn chưa tìm ra cớ để dối Xuân. Sinh đang đưa chân xóa nát trên sàn nhà thì ngón chân cái chạm ngay vào chân ghế. Sinh cúi xuống xuýt xoa rồi co chân đau để trên phản.

Xuân vội vàng ngồi quỳ xuống nắm chân Sinh hỏi sẽ:

– Chết em bị vấp thế này mà không nói ngay cho chị biết.

Sinh liền dựa theo cớ ấy nói theo:

– Vì em sợ chị buồn nên muốn giấu.

Xuân mỉm cười:

– Để em tự biết là đủ phải không. Ồ nếu thật thế thì em Sinh của chị vừa hiền từ vừa ác nghiệt với chị vô cùng.

Nói xong hai mắt Xuân tự nhiên sáng lên. Trên cặp môi Xuân nở một nụ cười ôn hòa và cảm động. Xuân có ý ngờ Sinh bị người ta khinh vì đã ở cùng nhà với mình. Xuân lo ngại lắm. Xuân muốn Sinh nói thật nhưng trong lòng lại hồi hộp sợ Sinh nói trắng chuyện ấy ra. Lúc nghe Sinh buồn vì bị đau chân thì Xuân mừng rỡ quá. Xuân chạy vội xuống bếp bưng thau nước lên để rửa chân cho Sinh.

Sinh tỏ ra vẻ không bằng lòng:

– Chị để em xuống bếp rửa cũng được.

– Ấy chết. Em rửa hay chị rửa thì có khác gì đâu.

Sinh hí hửng:

– Khác lắm chứ.

– Khác? được. Nhưng khác nhau thế nào?

Sinh ngay miệng nói thẳng chứ không nghĩ trước. Một lát sau Sinh mới ấp úng nói tiếp:

– Khác lắm vì chị lại đi rửa chân em.

Xuân bắt chân nhúng vào thau nước cười nói:

– Thôi chị không cãi với em nữa.

Thấy ngón chân Sinh dính cả máu, Xuân nhíu mày hỏi sẽ:

– Em đi vô ý nên vấp phải không?

– Không, em nhảy…

Sinh nhắc đến chữ nhảy thì bỗng ngừng bặt. Tiếng nói của Huyên lại văng vẳng bên tai Sinh. Sinh cắn môi ra vẻ căm tức lắm. Xuân mải cúi đầu chăm rửa chân cho Sinh nên không biết. Nghe Sinh tự nhiên im bặt thì Xuân ngỡ mình chạm vào chỗ đau của Sinh nên nói tiếp:

– Em đau chân lắm phải không?

– Đau chân ít nhưng đau..

Xuân lấy khăn lau chân Sinh:

– Em nói tiếp đi.

Sinh định nói “đau lòng nhiều” nhưng lại sợ Xuân buồn nên nói chữa:

– Đau ngón chân nhiều.

Xuân ngước mắt nhìn Sinh tươi cười:

-Ồ, thế vừa rồi chị nói đau chân à? Chị ngớ ngẩn thật.

Sinh nhìn Xuân cười theo, nhưng trong lòng vẫn thấy nao nao buồn như những sợi mưa đông xuyên qua vùng nắng ấm.

- VII -

Tối hôm ấy Sinh đang chăm chú ngồi học bài trường thì một người khách lạ đến gõ cửa. Sinh quay lại nhìn rồi đứng dậy hỏi:

– Thưa ông, ông muốn hỏi ai?

Người khách lạ để chiếc va-li xuống sàn nhà rồi đáp sẽ:

– Cậu làm ơn cho tôi biết cô Tuyết có ở nhà không?

Sinh đi ra khỏi bàn đứng thẳng người:

– Có lẽ ông lầm nhà. Vì ở đây không có ai tên Tuyết hết.

Người khách lạ mân mê chiếc mũ dạ trên tay:

– Tôi quyết không lầm. Vì nhà này số 47.

Nghĩ một lát người khách lạ đưa khăn chấm mồ hôi trán nói tiếp:

– Tôi được thư người bạn nói cho tôi biết hiện nay cô Tuyết còn ở trong nhà này. Và nói thêm cho cậu dễ hiểu là cô ấy…

Như sợ người khách lạ nhắc đến nghề của Xuân, Sinh vội vàng nói lớn:

– Nếu ông không lầm nhà thì lầm người hay lầm đường. Và lầm đường thì có thể lắm. Vì ở Huế nhiều con đường dọc gần giống tên nhau. Còn một lẽ nữa là chị tôi không phải tên Tuyết.

– Thì tên Xuân phải không?

Sinh trố mắt ngạc nhiên. Người khách lạ xoa tay mỉm cười:

– Thì trước kia tôi cũng định nói cô ấy tên Xuân. Nhưng bị cậu ngắt lời. Luôn tiện tôi xin tự giới thiệu để cậu biết, tôi là chồng cô Tuyết hay cô Xuân cũng được tùy ý cậu.

Sinh giật mình không phải vì ngạc nhiên nhưng vì một mối lo buồn không duyên cớ. Sinh cũng không hiểu tại sao Sinh lại buồn được. Trước kia Xuân không bao giờ nói với Sinh rằng Xuân đã có chồng. Nước mắt ứa trên lên khóe mắt. Lúc nhận thấy hai mắt mình hơi nóng thì Sinh vội cúi đầu như sợ ai nhìn thấy. Sinh lật đật kéo ghế ra rồi vờ tươi tỉnh mời người khách lạ:

– Thưa ông ngồi tạm đây đã. Chị tôi cũng sắp về đấy.

– Thường ngày cô Xuân mấy giờ mới về đến nhà.

– Thưa ông không chừng.

– Cậu cứ nói chừng chừng cho tôi nghe cũng được.

Sinh đưa mắt nhìn đồng hồ để trên bàn nói tiếp:

– Thưa ông, chậm lắm cũng đến hai giờ khuya.

Người khách lạ lấy thuốc ra hút rồi tươi cười nhìn Sinh:

– Đã gọi cô Xuân bằng chị thì phải gọi tôi bằng anh mới dễ nghe chứ. À, mà tôi cũng không lần nào được nghe cô Xuân nói cô ta có một người em trai.

Sinh cười mát:

– Có lẽ vì chị Xuân tôi không muốn nói.

Người khách lạ cười lớn:

– Cậu nói dễ nghe nhỉ? Đã là chồng con trong nhà lại không bao giờ nói cho nhau nghe về cảnh gia đình riêng của mỗi người.

Sinh đưa tay hạ mảnh giấy che bóng đèn cho đỡ chói mắt:

– Nếu chị Xuân tôi đã nói thì ông đã biết. Và mong ông chớ đả động đến chuyện ấy nữa thì hơn.

Người khách lạ để một tay lên bàn chống cầm, đăm đăm nhìn làn khói thuốc xoắn lên không. Sinh nhận thấy mình vừa nói một câu không được lễ phép lắm nên ngẩng đầu hỏi sẽ:

– Xin lỗi. Ông tên gì để tôi gọi cho tiện.

Người khách lạ gạt tàn thuốc trên góc bàn nhìn Sinh mỉm cười:

– Cậu cứ gọi tôi là anh Tuyết hay anh Xuân cũng được.

Nghe nhắc đến tên Xuân, Sinh đã thấy lòng nao nao khó chịu:

– Có lẽ nào ông lại tên Tuyết hay tên Xuân. Vì hai tên ấy nghe đàn bà quá.

Người khách lạ cười lớn:

– Tôi chỉ muốn mang tên vợ thôi. Trước kia ở Bắc tôi quen cô Tuyết lâu, lâu lắm. Nhưng lúc vào Huế sợ nhà người chú ruột biết tung tích của cô nên cô đổi lấy tên Xuân.

Một nụ cười sung sướng thoảng hiện trên môi Sinh:

– Ông chỉ quen với chị tôi thôi à?

– Vâng quen, nhưng sau lúc quen là thuộc. Và hiện nay cô Xuân đã thuộc về tôi, nghĩa là cô Xuân là vợ chính thức của tôi.

Sinh buồn rầu hít vào thật mạnh nhưng không dám thở ra dài. Sinh đưa ngón tay xoa mũi rồi ngắt ra từng hơi thở ngắn. Người khách lạ liếc Sinh mỉm cười rồi lấy điếu thuốc mới châm vào cái tàn cũ hút tiếp.

Sinh chăm chú nhìn vào sách nhưng không thể nào đọc được. Vẻ mặt nửa bướng bỉnh nửa khoan khoái của người khách lạ làm Sinh bực mình. Sinh ước ao trong lòng tối hôm ấy Xuân không về hay người khách lạ đứng dậy bỏ đi thẳng. Sinh đưa tay che miệng ngáp dài nhưng vẫn cố ý để người khách lạ trông thấy. Kéo chiếc đồng hồ để gần mình Sinh nói lớn:

– Tối hôm nay chị tôi có lẽ không về nhà.

Người lạ mặt thình lình nghe Sinh nói nên hơi giật mình:

– Không về? Nhưng sao cậu biết?

Với một giọng hơi tức bực Sinh đáp sẽ:

– Vì đã một giờ rưỡi sáng rồi.

– Nhưng vừa rồi cậu nói với tôi có lúc đến hai giờ sáng cô Xuân mới về kia mà. Còn một cớ nữa là tiệm nhảy Lido không bao giờ đóng cửa trước hai giờ sáng.

Sinh xếp sách trên bàn đứng dậy:

– Thế ông đến tiệm nhảy Lido có tiện hơn không?

Người khách lạ vơ một quyển sách trên bàn giở ra xem:

– Đến đấy không tiện.

Thấy người khách lạ lấy sách của mình, Sinh có vẻ không bằng lòng:

– Ông cho tôi quyển sách để học.

– Thế cậu cũng còn ngồi học à? Vậy tôi cũng ngồi với cậu cho vui.

Sinh để quyển sách lên bàn giở một tập giấy theo chiều tay rồi nói sẽ:

– Hay ông về nhà nghỉ sáng mai đến đây tiện hơn.

Người khách lạ nhăn mặt tỏ vẻ khó chịu:

– Tôi có nhà đâu mà trở về. Và nhà của cô Xuân là nhà của tôi. Tôi cần phải đi đâu nữa.

Nói xong người khách lạ đến đứng trước bức gương tủ soi mặt. Đoạn lấy chiếc lược của Xuân chải đầu rồi cởi áo ngoài ra.

Sinh nhìn theo với cặp mắt căm hờn lắm. Trong ý Sinh đã muốn cự tuyệt nhưng lòng Sinh thiếu can đảm.

Người khách lạ đến chống tay trên bờ cửa sổ nhìn ra đường nói lớn:

– Ở đây mát quá. Cậu lại đứng đây hóng gió với tôi đi. Cậu ham học quá.

Sinh đã muốn dằn lòng không trả lời nhưng lòng Sinh lại hơi áy náy:

– Cám ơn ông. Tôi ngồi đây cũng không nóng lắm.

Người lạ mặt lẳng lặng đến mở chiếc va-li ra lấy một bộ áo ngủ rồi nhìn Sinh hỏi:

– Cậu làm ơn chỉ dùm phòng ngủ của cô Xuân cho tôi một chút.

Sinh đỏ bừng mặt đứng phắt dậy:

– Tôi biết ông là ai mà tôi dám…

Nói đến đây thì Sinh run lên không nói nữa. Người khách lạ vẫn tươi tỉnh:

– Cậu không dám thì tôi tự tiện dám vậy. Vì tôi là ai thì tôi đã tự giới thiệu cho cậu biết rồi.

Nói dứt câu người khách lạ xăm xăm đi vào bên trong:

– Tôi tự tiện dám vậy…

Sinh bấm tay đập mạnh xuống bàn:

– Đứng lại ngay.

– Vâng, tôi xin đứng….

Vừa nói người kéo xe vừa hạ từ từ hai càng xe xuống. Xuân óng ả trong nếp áo kim cương bước vào nhà. Xuân nâng ví đầm lên trước ngực nhìn Sinh tươi cười:

– Sao em biết trên xe có chị mà hô to thế. Em chưa đi ngủ à?

Sinh đứng yên không đáp. Sinh nhìn Xuân rồi đưa mắt nhìn người khách lạ đang đứng bên tủ. Xuân nhìn theo bỗng giật mình.

Người khách lạ đi đến trước Xuân nói sẽ:

– Cô Tuyết – à quên – cô Xuân, cô có nhận biết tôi là ai không?

Xuân từ từ hạ thấp ví đầm xuống nói hơi run run:

– Tôi nhận biết lắm. Nhưng ông đến đây làm gì?

Người khách lạ tươi cười làm lành:

– Đến đây làm gì! Cô quyết coi tôi là một người khách lạ đấy hẳn?

Xuân nhíu mày nhìn người khách lạ, giọng cương quyết:

– Thế ông muốn tôi coi ông là hạng người nào? Ông Liêu ạ, ông chớ giở những trò trẻ con ra nữa. Với cái tài ngang ngược của ông có thể làm được hết…

Liêu chua chát:

– Những công việc đê hèn?

Xuân mỉm cười ngạo nghễ:

– Ông yên lòng đi vì ông có quyền tự thú lỗi.

Liêu căm tức:

– Tôi có quyền nói cho thiên hạ biết tôi là chồng cô. Vì ai cũng có thể làm chồng cô được.

Xuân cười mỉa mai:

– Ông có quyền nói, tôi biết. Nhưng tôi cũng có quyền cãi lại. Và tôi tưởng những lời nói của ông, ông nên nhường lại cho sự yên lặng có lễ độ thì hơn. Và hay hơn nữa là ông nên ra khỏi nhà này ngay.

Liêu ngẩng đầu nhìn Xuân hậm hực:

– Cô muốn…

Xuân cương quyết ngắt lời:

– Vâng, tôi muốn mời ông ra khỏi nhà này.

Sinh không hiểu gì nhưng nghe Xuân nói thì cảm thấy lòng phơi phới sung sướng một cách lạ.

Liêu lẳng lặng đến bỏ bộ áo ngủ vào va-li, vẻ mặt bơ phờ như người ngái ngủ:

– Tôi xin lấy hai lẽ này…

Xuân mỉm cười:

– Về phần tôi, tôi chỉ biết có một lẽ là mời ông ra ngay.

Liêu khóa va-li lại:

– Tôi không hiểu tại sao cô lại rắn rỏi với tôi đến thế?

Xuân cười lạt:

– Tôi rắn rỏi? Ông hiểu lầm. Tôi chỉ theo lẽ phải thôi.

– Nếu cô theo lẽ phải thì cô đã không đuổi tôi.

Xuân nghe Liêu nói dằng dai mãi thì tức bực nói lớn:

– Ông ra ngay cho. Chẳng không chồng về thì bất tiện cho ông lắm.

Liêu nghe Xuân nói đến chồng Xuân thì có vẻ luống cuống lo sợ. Liêu cúi xuống xách cái va-li rồi bước nhanh ra cửa. Lúc đi qua trước mặt Xuân, Liêu trề môi nói sẽ:

– Đã có chồng rồi mà không cho tôi biết, tệ quá.

Xuân quay mặt nhìn vào nhà yên lặng. Sinh nối chân Liêu bước ra đến ngưỡng cửa nói lớn:

– Xin chúc ông chồng giả đi đường bình an.

Liêu nghe nói nhưng chỉ đưa tay kéo cái mũ dạ xuống đi thẳng.

Sinh trở vào nhà thì thấy Xuân đang ngồi chấm nước mắt. Sinh đến đứng bên ghế thì thầm như nói một mình:

– Anh chàng gì mà nghênh ngang quá. Tự nhiên đến xưng chồng người ta rồi đòi vào phòng ngủ.

Xuân để chiếc ví đầm trên bàn, quay lại nhìn Sinh nói:

– Anh chàng bướng bỉnh nhất Hà-nội đấy. Lúc chị còn ở Bắc anh ta cứ đi theo tán luôn. Có lần anh ta đi phao ngôn với chúng bạn anh ta đã cưới chị về làm vợ.

Nói đến đây thì Xuân cúi đầu đỏ cả hai má. Nghỉ một lát Xuân nói tiếp:

– Không biết anh ta hỏi ai mà cũng lần mò đến nhà chúng mình được.

Sinh mỉm cười:

– Ban đầu em ngờ là chồng chị thật, em hoảng hồn.

Xuân đứng dậy cởi chiếc áo dài cười nói:

– Sao em lại hoảng hồn?

Sinh cúi đầu nhìn xuống đất lúng túng:

– Em cũng không biết tại sao?

Rồi như tránh chuyện ấy Sinh vội vàng nói tiếp:

– Ông ta lại còn bảo em gọi bằng anh. Nhưng em chỉ gọi bằng ông thôi.

Xuân mỉm cười yên lặng. Một lát sau Xuân nhìn đồng hồ nói sẽ:

– Tối hôm nay trời nóng quá. Muốn về trước một chút cũng không được.

– Thì chị có việc ra về có được không?

Xuân đưa mắt nhìn Sinh:

– Nếu được thì còn phải nói. Mình đi về trước khi tiệm nhảy đóng cửa thì chị em họ bảo mình đi theo với tình nhân.

– Nhưng mình không đi theo ai thì thôi.

– Nói như em thì đã không có chuyện.

Sinh mỉm cười hóm hỉnh:

– Nhưng họ nghi chị cũng phải. Vì chị vừa nói với ông Liêu chị đã có chồng rồi.

Xuân nhìn xuống đất có vẻ bẽn lẽn.:

– Thôi em đóng cửa đi ngủ chẳng về khuya rồi.

– Còn phải đợi chồng chị về nữa chứ.

Xuân vắt chiếc áo dài trên tay đi thẳng vào phòng mình nói sẽ như sợ ai nghe tiếng:

– Đã về rồi.

Không biết nghĩ gì mặt Sinh đỏ như gấc. Sinh tắt phụt cây đèn để trên bàn rồi đi thật nhanh vào phòng ngủ. Sinh thở không đều, tim đập mạnh.

- VIII -

Bẩy giờ sáng. Sinh vẫn ngủ chưa dậy, Xuân lẳng lặng đi xếp áo quần giặt hôm qua và lau bàn ghế lại. Xuân lúc nào cũng thức khuya nhưng gắng hết sức dậy thật sớm. Mỗi lần Xuân dậy là Xuân hát vang nhà. Những câu hát chắp nối bài này với bài khác. Xuân lần lượt mở tất cả các cửa trong  nhà ra. Xuân ưa dọn đồ đạc và mong ánh nắng vào nhà. Ở thành thị thì ngủ dậy trưa quên mở cửa thường kéo lại lắm lời bàn tán rất khó chịu của những người qua đường. Xuân muốn tránh những lời bàn tán lôi thôi và có vẻ khắt khe ấy. Nói Xuân muốn tránh cho Sinh thì đúng hơn. Từ ngày Sinh đến ở, Xuân đâm ra sợ những lời đếm xỉa bên ngoài có chiều ác độc hơn cay chua. Trước Xuân cứ tưởng Xuân sợ dùm cho Sinh nhưng sau lâu quá Xuân cũng không biết Xuân đã sợ cho ai. Xuân đã bắt đầu sợ dư luận. Vì chính Xuân cũng đang sợ những sự đổi thay của lòng Xuân. Xuân không làm chủ được mình nữa. Xuân muốn tìm một nguồn an ủi trong sự đưa đẩy ngẫu nhiên của tâm hồn và số mệnh. Xuân muốn tin để khỏi phải thất vọng hay để lừa dối sự thật vọng.

Ngay lúc Xuân đang lum khum quét nhà thì bên ngoài có tiếng người hỏi:

– Cô Xuân có bận không?

Nhận được tiếng bà Hai ở phố bên kia, Xuân tươi cười đáp:

– Chỉ bận quét nhà thôi.

Bà Hai vừa sắp chén bát lên trên phản kê trước thềm vừa nói:

– Cô xem cho mấy giờ rồi.

Xuân chui ra khỏi chiếc bàn lớn kê bên cửa sổ rồi đứng dậy nhìn đồng hồ:

– Chỉ có thế mà cũng hỏi có bận hay không? Bẩy giờ mười lăm rồi.

Tiếng bà Hai bên kia phố lại hưởng lên:

– Nếu cô không bận thì cô sang khâu dùm bức trướng thêu cho tôi một chút. Hôm qua có người hỏi mua nhưng vì nó sứt mấy đường chỉ nên họ không bằng lòng.

– Bức trướng Phúc Lộc Thọ phải không bà?

– Không phải. Bức trướng có bốn chữ Xuân Sinh Tình Ái kia mà!

Xuân đẩy mấy chiếc ghế xích lại bàn, tự nhiên hai má đỏ ửng.

Xuân đưa mắt nhìn quanh như sợ có ai trông thấy. Một lát sau Xuân phủi bụi dính trên áo nói lớn:

– Được, để cháu sang.

Đến ngưỡng cửa Xuân đứng dừng lại:

– Bên bà đã có sẵn kim chỉ chưa?

Bà Hai lúc ấy đang ở trong nhà nghe tiếng Xuân thì chạy ra:

– Cô Xuân hỏi gì?

Xuân nhắc lại:

– Bà đã có sẵn kim chỉ chua?

– Có rồi.

Xuân quay lại đưa mắt nhìn vào phòng Sinh mỉm cười, rồi vội vàng bước thật nhanh sang phố bà Hai.

Lúc Xuân trở về nhà, Sinh cũng còn đang ngủ. Xuân lấy đôi dép mây đi vào chân sợ tiếng guốc kêu vang Sinh ngủ không được. Ánh nắng lúc ấy đã tràn ngập khắp nhà. Ngoài phố người đi lại đã bắt đầu tấp nập. Xuân thấy trời tươi sáng thì tự nhiên cảm thấy lòng ấm áp một cách dễ chịu. Xuân muốn đánh thức Sinh dậy để cùng ăn cháo cho vui nhưng lại sợ Sinh còn mê ngủ. Xuân nhìn đồng hồ nói một mình nhưng có ý cho Sinh nghe:

– Bát giờ thất phút rồi.

Sinh nghe tiếng Xuân thì đưa tay dụi mắt mỉm cười sung sướng:

– Bát thất ngũ…lục.

Xuân vui vẻ reo lên:

– Em Sinh tính cửu chương lầm rồi…Bát thất ngủ…trưa chứ không phải bát thất ngũ lục. Vì mấy bác thất nghiệp thì thường hay ngủ trưa.

Sinh nằm nghiêng mình cười ngặt nghẹo. Xuân cũng lớn tiếng cười theo. Một lát sau Sinh ngồi dậy xếp chăn nói sẽ:

– Nhưng em có phải bác thất nghiệp đâu. Trên đường đời em chỉ là một người thất lạc.

Hai chữ “thất lạc” Sinh nói nhỏ quá nên Xuân không nghe rõ. Xuân tươi cười hỏi tiếp:

– Em Sinh nói em là người thất gì?

Sinh biết nói thật thì Xuân buồn nên vội nói chữa:

–..thất vọng.

Xuân dịu nét mặt hỏi sẽ giọng hơi ngập ngừng:

– Em hy vọng gì mà thất?

Sinh vờ tươi cười nói lớn:

– Hy vọng được ngủ trưa lại bị thức dậy sớm.

Xuân nghe Sinh nói thì trong lòng hớn hở. Sinh nói gì Xuân cũng tin. Hay chuyện không đáng tin Xuân cũng tin liều cho lòng đỡ bận rộn. Cảnh vật chung quanh Xuân lúc ấy đều tươi sáng hết. Sinh giả vờ vui cho Xuân khỏi buồn, nhưng lúc nghe tiếng cười rộn rã của Xuân, Sinh tự nhiên cũng cảm thấy lòng vui thật.

Thoáng thấy bóng Sinh trong phòng bước ra, Xuân mỉm cười nhìn ra đường nói sẽ:

– Giỏi thật. Em Sinh hôm nay dậy sớm quá.

Sinh tươi cười nhìn Xuân chực nói lảng sang chuyện khác:

– Tối hôm qua sao chị về khuya thế?

Xuân quay đầu lại cố làm ra vẻ ngạc nhiên:

– Ồ em đã dậy đấy à? Chị cũng không biết tại sao tối hôm qua lại đông khách đến thế.

– Dễ hiểu lắm. Vì hôm nay là ngày lễ.

Xuân quay hẳn người lại nhìn Sinh:

– Ừ mà chị cũng ngớ ngẩn thật. Nếu không phải một ngày lễ thì em đã không ngủ trưa. Nhưng lễ gì thế em nhỉ?

– Lễ Thanh Minh.

Xuân tươi cười ngâm sẽ:

– Thanh Minh trong tiết tháng ba.

Sinh mặc áo dài ngâm tiếp:

– Lễ là tảo mộ, thật là….đi chơi.

Xuân đang ngậm ngang mái tóc trong miệng liền nhả ra cười nức nở. Nhưng Sinh không cười theo. Hai mắt Sinh lim dim lại. Sinh bùi ngùi nhớ đến Cam. Cúi đầu nhìn xuống đất, Sinh thì thầm:

– Chị Xuân ơi!

Xuân cắn môi dưới nhìn Sinh:

– Em Sinh.

– Chị có mộ ai quen ở đây không?

Xuân mơ màng nhìn qua cửa sổ:

– Mộ của gia đình chị toàn ở Bắc hết. Chị cũng không biết hôm nay có ai đến viếng không? Mấy năm trước, hồi chị còn ở Hà-nội chị thường đến thăm luôn. Vì nghĩa địa không xa nhà chị ở mấy. Nhưng từ ngày chị vào Huế đến nay kể đã được hai năm, chắc mộ song thân chị đã hóa ra mồ vô chủ.

Xuân nói đến đây thì rơm rớm nước mắt. Sinh cảm động lắm nhưng nghẹn ngào không kiếm được lời an ủi. Xuân vẫn đứng yên nói tiếp:

– À quên, chị cũng có mộ một người bà con ở Huế.

– Bà con xa hay gần hở chị?

Xuân nhếch mép cười:

– Nói bà con thì không đúng lắm. Chị em thì đúng hơn.

– Chị cũng có một người…

– Chị gái.

– Vâng. Chị cũng có mộ một người chị gái ở Huế à?

Xuân đưa tay vuốt mấy sợi tóc lên mang tai:

– Vâng.

– Chị nói thật đấy chứ? Mộ ai, chị Xuân?

– Mộ chị Cam em Sinh ạ.

Sinh vừa sung sướng vừa cảm động, để hai giòng lệ chảy tràn lên hai má. Xuân quay lại nhìn Sinh. Sinh đưa tay dụi mắt làm như mình bị dặm:

– Cứ mỗi lần em nhìn ánh nắng thì hai mắt đã ngứa ngáy và chói lên.

Xuân biết Sinh đang tìm cách dối Xuân nên cảm động vô cùng. Lòng Xuân lúc ấy nao nức lên một cách khó tả. Xuân giật mình lúc nhận thấy hai giòng lệ từ từ lăn trên má.

Sinh trố mắt nhìn Xuân:

– Chị Xuân làm sao thế:

Xuân đưa hai tay che mặt nói sẽ:

– Chị cũng bị dặm mắt em Sinh ạ.

- IX -

Trưa hôm ấy gió thổi đều đều rung nắng nhạt. Vừa bước chân ra khỏi cổng trường Sinh đã thấy bóng mẹ đứng dưới cây sầu-đông. Bà Lai đang ngơ ngác nhìn học trò kéo lượn từng đoàn rồi rẽ ra như cây quạt. Sinh thấy mẹ thì hấp tấp chạy đến đứng một bên. Bà Lai mừng rỡ để gói áo quần trên cỏ, lớn tiếng gọi:

– Sinh con ơi!

Nói xong bà Lai đưa tay lên lau mồ hôi trán. Sinh đứng núp dưới chiếc nón lá lớn vành của mẹ trong lòng sung sướng một cách lạ. Thấy bọn học trò cứ đưa mắt nhìn hai mẹ con Sinh rồi khúc khích cười. Sinh bẽn lẽn cúi đầu đỏ cả mặt. Bà Lai thật thà hỏi:

– Họ cười gì thế con biết không?

– Thưa mợ con không biết.

Bà Lai nhìn bọn học trò đi qua nói tiếp:

– Trông họ vui tính quá con nhỉ?

Sinh ấp úng:

– Vâng.

Bà Lai cúi xuống cầm gói áo quần rồi đặt tay sau lưng Sinh nói sẽ:

– Thôi đi nhanh đến trường con Tây đón chị con về luôn thể. Mợ vừa đi ngang qua đó nhưng chưa bãi.

Thấy Sinh tần ngần nhìn xuống cỏ không đáp, bà Lai nói tiếp:

– Mợ định ra tháng trước nhưng cậu Giáo con yếu. Hẹn mãi đến hôm nay mới đi được. Ở nhà quê buồn quá con ạ. Mợ định ra thăm hai con cho khuây.

Sinh cố giữ vẻ thản nhiên nhưng trống ngực cứ đánh mãi. Hai mắt Sinh rớm đỏ. Nước mắt chạy vòng quanh chực tuôn ra. Trên đường học trò ra về thưa thớt dần. Những mảnh nắng vàng rơi trên đường nhựa điểm những khoảng đen loang lổ như da một con rắn khổng lồ căng thẳng.

Thấy Sinh đứng yên mãi, bà Lai nhìn con ngạc nhiên:

– Con đi đi chứ. Chị con cũng sắp về rồi đấy.

Sinh ngẩng đầu nhìn mẹ thì thầm nói sẽ như sợ tiếng của mình phản trở lại:

– Chị con chắc đã về nhà rồi mợ ạ.

Bà Lai nhíu mày nghĩ ngợi một chút rồi nói tiếp:

– Ừ về nhà cũng được.

Đi dọc đường Sinh không nói gì hết. Trí Sinh bận rộn về việc đến nhà, mẹ không gặp được chị. Sinh đang tìm cách thật khôn khéo để dối mẹ. Sinh đã tưởng tượng ra nhiều mưu mẹo, dẫn nhiều bằng cớ, nhưng lý lẽ của mình Sinh nhận thấy không thể nào đứng vững. Sinh chỉ thấy hay hay nhưng toàn không nghĩa lý. Sinh liền nghĩ đến cách nhờ Xuân nghĩ dùm và tìm kế khác. Lòng hơi yên một chút, Sinh vội vàng đi thật nhanh. Sinh muốn về trước để tin cho Xuân biết để lời Xuân và Sinh cùng ăn nhập với nhau. Bà Lai vì lạ đường nên đi thật chậm. Sinh cứ việc cắm đầu đi tới.

Bước qua ngưỡng cửa Sinh đã lên tiếng nói lớn:

– Chị Xuân ơi, có mẹ em lên đấy.

Xuân vội vàng đi ra tươi cười nói:

– Hôm nay em về sớm quá chắc chị nấu cơm không kịp.

Sinh nắm cánh tay Xuân đưa mắt nhìn ra đường rồi kề miệng gần tai Xuân nói sẽ:

– Mẹ em lên thăm chúng em chị Xuân ạ. Chị liệu thế nào nói dối với mẹ em chị Cam em không có ở nhà.

Xuân quay đầu nhìn vào nhà ngẫm nghĩ, Sinh rối rít:

– Chị liệu nói cho khéo mới được.

Xuân đứng thẳng người không nhúc nhích:

– Em để chị đứng yên một chút mới nghĩ ra.

Sinh nhìn Xuân van lơn:

– Chị nghĩ gấp mới được, chẳng mẹ em….

– Đã về đến nơi rồi.

Bà Lai vừa nói vừa nhoẻn miệng cười đi vào nhà.

Xuân, Sinh quay lại giật mình nhưng vẫn cố giữ vẻ điềm tĩnh. Một lát sau bà Lai để gói áo quần trên ghế nói tiếp:

– Con đi nhanh quá, làm mẹ theo không kịp.

Xuân bận nghĩ đâu đâu nên quên chào bà Lai. Lúc nghe tiếng nói của bà ta, Xuân mới nghiêng đầu nói sẽ:

– Chào bác lên chơi.

Bà Lai đăm đăm nhìn Xuân một lát rồi niềm nở:

– Đi đường nắng gắt quá nên vào trong tối hai mắt trông không rõ. Cô Xuân đấy thế mà tôi phải nhìn lâu mới biết được.

Xuân lấy gói áo quần cầm trên tay nói tiếp:

– Bác vào ngồi trên phản đã. Ở đây gần cửa nắng gắt lắm.

Bà Lai vào ngồi trên phản ngơ ngác nhìn bốn phía nhà, trông vật gì cũng thấy lạ. Lúc thấy cái áo đen của Xuân vắt lả lướt trên gạc nai, bà ta nhớ sực ngay đến Cam. Bà ta nhìn chung quanh không thấy bóng Sinh và Xuân đâu hết. Định xuống bếp tìm Xuân nhưng mới đặt chân xuống đất, nghĩ thế nào bà ta lại lên tiếng gọi:

– Sinh ơi!

Ngay lúc ấy Sinh đang ở dưới bếp bàn bạc với Xuân. Nghe mẹ gọi, Sinh vớ liều một bình nước chạy lên:

– Thưa mợ gọi con có việc gì ạ?

Bà Lai nhìn Sinh nói:

– Đã mấy giờ rồi mà chị con chưa thấy về?

Sinh đặt bình nước lên bàn nói sẽ:

– Chị con…

Nói đến đấy Sinh tự nhiên thấy bối rối như người mất trí. Ngay lúc ấy Xuân dưới bếp bưng mâm cơm lên. Sinh vin lấy cớ quay đầu nhìn Xuân cho đỡ ngợ. Xuân đặt mâm cơm khói lên nghi ngút trên phải rồi vòng tay nói lớn:

– Thôi mời bác và em Sinh xơi cơm. Thật bác lên không gặp may. Chị Cam cháu vừa mới đi Thanh-Hóa với bà đốc.

Bà Lai nhìn Xuân có vẻ thất vọng:

– Thế à? Đi từ hôm nào mà em Sinh nó không biết?

Sinh nhìn Xuân làm ra vẻ ngạc nhiên nói tiếp:

– Chị em đi rồi à? Hôm trước nghe chị em nói sẽ đi Quảng-Trị kia mà?

Xuân nhìn ra cửa sổ để dễ lấy giọng tự nhiên:

– Thì hôm trước chị Cam cũng nói với chị thế. Nhưng sớm hôm nay hồi chín giờ mười lăm chị Cam bỗng đi xe về nhà. Chị sắp ít quần áo vào va-li rồi đi lên ga với bà đốc. Nghe chị nói chị đi hơn một tuần lễ mới về được…

Bà Lai ngắt lời hỏi:

– Cô có biết em nó đi về việc gì không?

Xuân vừa xới cơm vào bát vừa nói:

– Nghe đâu đi…

Một con mèo nhà hàng xóm phóng qua cửa sổ, rón rén đưa đầu vào  mâm cơm. Xuân đưa tay đuổi con mèo để lấy cớ tìm thêm lời nói tiếp:

-…đi về việc nhà trường.

Thấy mẹ ra dáng không hiểu, Sinh nhanh nhẩu nói lớn:

– Đem quần áo để phát cho dân bị lụt mợ ạ.

Câu ấy Sinh nói tự nhiên quá. Sinh có cái cảm giác chị Cam của Sinh vẫn còn sống thật. Sinh cảm thấy lòng khoan khoái và vui tươi một cách lạ. Bà Lai rời rạc nói từng chữ một:

– Nếu mợ biết thế thì đã lên hôm qua rồi. Thật đi nhằm ngày mười bốn không gặp may cũng phải.

Nói xong bà ta chắc lưỡi tiếc thầm ra dáng băn khoăn lắm. Xuân xới cơm xong quay lại nhìn Sinh rồi với một giọng rất tự nhiên nói sẽ:

– À, chị Cam có nhờ chị nói lại với em chủ nhật này lên thăm chị Nghĩa một chút. Vì chị ấy yếu.

Bà Lai chen vào hỏi:

– Chị Nghĩa là người nào mà tôi không biết.

– Chị Nghĩa là bạn thân của chị Cam. Chị Cam thường lên nhà chị ta chơi luôn.

Sinh cũng biết Xuân đặt chuyện nói để mua thêm lòng tin của mẹ Sinh nên giả vờ tươi cười quay lại hỏi:

– Chị Nghĩa hiện ở dâu chị Xuân nhỉ?

– Nghe đâu ở bên làng Địa thì phải.

Sinh rùng mình lẩm bẩm:

– Nghĩa-Địa.

Xuân chừng cũng hiểu câu ấy nên cúi đầu yên lặng.

Bà Lai nhìn sang bên bàn giấp thấy cái ảnh của Cam thì đứng dậy đến lấy lên xem. Lúc nhận thấy những chấm trắng con điểm trên ảnh, bà ta bỗng xanh mặt kêu lớn:

– Cô Xuân ơi!

Xuân và Sinh cùng đưa mắt nhìn bà Lai, gương mặt hơi ngơ ngác. Xuân lên tiếng trước:

– Thưa bác….?

Bà Lai không nói chỉ đưa tay sờ mấy chấm trắng điểm trên ảnh. Xuân và Sinh đưa mắt nhìn nhau không hiểu. Xuân cố lấy bình tĩnh hỏi:

– Vâng, cháu đã thấy rồi. Nhưng mấy chấm trắng ấy có can hệ gì không bác?

Bà Lai để chiếc ảnh vào lòng bàn tay, thở dài nói sẽ, giọng hơi run run:

– Tôi cũng không biết có can hệ gì không. Nhưng nghe các bà xưa nói lại…

Ngập ngừng một lát bà ta nói tiếp:

– Lúc nào ảnh mình bị nổ tức là sẽ có những điềm không hay.

Sinh với giọng sợ sệt hỏi mẹ:

– Như điềm gì mợ?

Bà Lai cúi đầu nhìn xuống bàn đáp sẽ:

– Điềm sắp chết hay chết rồi con ạ.

Sinh đưa mắt nhìn Xuân rồi cả hai đều thở dài yên lặng. Sinh lo lắng quá, hai mắt luôn luôn đánh chớp. Còn Xuân thì nhìn ra đường, mải sợ bà Lai đọc được vẻ băn khoăn trên gương mặt mình.

Nhưng bỗng bà Lai ngồi phịch xuống úp hai tay vào mặt che miệng cười nức nở. Tiếng cười của bà ta khào khạo trong cổ nghe như tiếng nước suối xoắn tròn trong hang đá. Xuân và Sinh mất cả vẻ tự nhiên trước. Sinh cố cắn môi để giữ nước mắt. Xuân thấy mình lúng túng và cử chỉ vụng về một cách khó tả. Bà Lai lại lớn tiếng cười hơn nữa. Lòng Sinh như thắt lại. Bao nhiêu trí nhớ và mưu mẹo của Sinh đều tán loạn. Sinh định cất tiếng hỏi thì bà Lai đã vội nói:

– Mợ điên quá. Chị Cam con chết…

Bà Lai nhịn không được lại nức nở cười. Xuân, Sinh run cả người, hai trái tim cùng đập mạnh. Bà Lai nín cười nói tiếp:

– Ừ chị con chết thế nào được. Chị Cam con đi Thanh-Hóa với bà đốc mà mợ dám ngờ những chuyện quái gở. Đi với bà đốc người Pháp chứ phải vừa đâu. Mà đi với người Tây-Phương cũng như qua Tây-Phương Phật, chắc sung sướng lắm.

Nói xong bà Lai lại ôm bụng cười sặc sụa. Một nhịp cười sung sướng và tự nhiên của những người vùng quê mộc mạc. Xuân và Sinh cũng đua nhau cười theo với hai cặp mắt thấm đầy những lệ. Nhưng lúc thôi cười hai mắt bà Lai lại tràn nhiều nước mắt hơn hết. Nước mắt sung sướng.

- X -

Sáng sớm hôm nay trời tươi như mộng. Vì nhằm hôm thứ hai ngày nghỉ của vũ nữ nên Xuân dậy thật sớm. Bà Lai nằm chung một giường với Xuân đang còn ngủ mê man. Tối hôm qua Sinh dẫn bà đi chơi về đã khuya. Cảnh thành thị tuy náo nhiệt tưng bừng nhưng cũng không quyến giữ bà được lâu. Có lúc Xuân, Sinh thấy cách giữ bà Lai là chuyện rất nguy hiểm. Vì thế nào bà cũng hỏi đến Cam và sự bí mật dần dần sẽ lộ hẳn ra. Nhưng nghĩ đến sự vắng mặt của bà, hai người lại đâm ra buồn.

Bà Lai cũng biết Xuân là vũ nữ. Buổi tối mỗi lần Xuân đi vắng, thì Sinh nói với mẹ là Xuân đi dậy thêu. Bà Lai yêu tính tình của Xuân lắm. Nhất là lời nói mềm mỏng và lòng từ thiện của Xuân.

Xuân thường xuống bếp gần trọn ngày để làm những thức ăn ở Bắc. Bà Lai từng sống trong cảnh đời giản dị quen nên không muốn Xuân phải bận lòng vì mình lắm. Nhưng Xuân thì có chịu nghe đâu. Lúc nào cũng hứa sẽ không bầy vẽ gì nhưng lúc dọn cơm lên thì cá thịt đầy mâm.

Bà Lai thấy có mình Xuân chịu tốn kém quá nên kiếm cách trốn Xuân đi về quê. Nhưng Xuân thì có dại gì. Bao nhiêu quần áo của bà, Xuân đem cất vào tủ hết. Bà có hỏi thì Xuân đã lấy cớ mất chìa khóa. Bà  Lai cũng biết Xuân kiếm cớ để lưu mình ở lại nên cảm động lắm.

Tối hôm qua Xuân đã hứa sẽ dẫn bà Lai và Sinh đi xem ít phong cảnh ở Đế Thành. Xuân dậy lúc chuông đồng hồ chợ Đông-Ba mới gõ bốn tiếng. Xuân muốn làm gà và cơm để trưa ăn khỏi phải trở về nhà.

Xuân ra vào và làm cơm yên lặng quá. Bà Lai và Sinh vẫn ngủ yên không hay biết gì hết. Lúc hai mẹ con Sinh dậy thì cơm nước đã xong đâu vào đấy. Sinh trách Xuân lấy lệ còn bà Lai thì cảm động quá đến không nói được lời gì.

Trên con đường tắm nắng đưa thẳng lên núi Ngự-Bình, Xuân, Sinh tự nhiên thấy lòng vui phơi phới. Xuân bỏ chiếc nón Huế xuống che trước chân, rồi mỗi bước bước đi chiếc nón lá lại kêu lạch cạch nghe rất vui tai. Bà Lai cắm cúi đi tới, thấy Xuân – Sinh vui đùa với nhau thì bà ta cũng lên tiếng cười theo. Xuân nghe có gió mát thổi qua hàng thông thì càng đi chậm lại. Mùi hương thông tản mác khắp đồi. Xuân đứng dừng lại ưỡn ngực hít mạnh ra chiều sung sướng lắm. Đi qua khỏi một con đường cong, thấy mấy đỉnh núi xanh chập chờn trong màn sương đậm, Xuân liền đưa nón lên cao như chào đón. Xuân cảm thấy lòng lâng lâng thoảng như không bận phiền gì hết.

Lên đến đỉnh đồi, Sinh bước chậm lại. Gói cơm Sinh mang trước lúc ra đi đã bắt đầu thấy nặng. Sinh không nói ra nhưng thấy cử chỉ của Sinh, Xuân cũng đoán biết được. Bên cụm thông thưa lá khít mé đường, Xuân bèn mời bà Lai và Sinh nghỉ chân một lát. Bà Lai hớn hở nhận lời ngay vì đi đường núi không quen bà đã thấy hai chân tê mỏi. Xuân ngồi tựa mình bên gốc thông già, nhìn xuống chân đồi rồi nói lớn:

– Em Sinh ạ, chị có cái ý này hay quá.

Sinh đứng treo gói cơm trên một cành thông khô lá nói tiếp:

– Ý gì chị?

– Chị là văn sĩ em ạ.

Sinh tươi cười:

– Em cũng không lạ gì!

Xuân mỉm cười:

– Không lạ. Nhưng sự thật chị có phải là văn sĩ đâu.

Sinh dịu giọng nói:

– Theo em thì người nào hiểu được văn, người ấy có thể gọi là văn sĩ. Vì hiểu nổi văn không phải là một chuyện dễ. Vì vậy chị hãy nói câu chị sắp nói đi. Em cũng gắng hiểu để được trở nên văn sĩ cho vui.

Sau một nhịp cười dòn Xuân nói tiếp:

– Câu chị sắp nói đây thì ai cũng hiểu. Và nhờ vậy thiên hạ đều trở nên văn sĩ hết. Chị muốn hỏi em mấy thửa ruộng vuông dưới chân đồi điểm đầy những gốc lúa mới gặt, em cho giống với cái gì?

Sinh đưa mắt nhìn xuống đồi một lát rồi đáp:

– Giống những bàn cờ đi mãi đến chân làng xa…

Xuân ôm bụng cười nói theo:

– Của ông Hoàng Đạo trong bài “Mái nhà ngói”.

Sinh biết Xuân tìm ra chỗ mình đánh cắp cũng lớn tiếng cười theo để chữa thẹn:

– Mái nhà tranh chứ.

Xuân nói sau một nhịp cười lớn:

– Giỏi nhỉ? Em đọc kỹ quá.

Xuân Sinh lại nhìn nhau cười nức nở.

Bà Lai quay lại nhìn hai người rồi nói:

– Theo tôi thì những thửa ruộng giống với mấy miếng sắt Tây có chích những lỗ nhỏ để mài sắn.

Xuân reo lên cười:

– Bác nói đúng lắm. Theo cháu thì nó giống với cái bàn chải khổng lồ.

Sinh vỗ tay nói lớn:

– Văn sĩ vạn tuế! Ba chúng ta đều là văn sĩ!

Không hiểu Sinh nói gì, bà Lai cũng móm mém cười to.

Ngồi nghỉ đâu được mười lăm phút, ba người lại phủi áo đứng dậy sắp đi nữa. Xuân liền tiến đến gần Sinh nói sẽ:

– Em để chị mang gói cơm cho.

Sinh dấu gói cơm sau lưng nói lớn:

– Không, chị để em mang cũng được.

Xuân năn nỉ:

– Để chị mang một quãng rồi chị sẽ trả lại cho em.

Sinh cũng chỉ đợi Xuân nói một lần nữa là đưa gói cơm cho Xuân ngay:

– Đây, chị đã đòi thì sau này mỏi chị chớ trách em.

Xuân cầm gói cơm nhắc lên nhắc xuống thấy hơi nặng thì nhìn Sinh nói:

– Em cho chị mượn sợi dây nịt của em để vấn quanh gói cơm xách cho tiện.

Sinh lẳng lặng tháo sợi dây nịt ra.

Xuân lấy sợi dây nịt choàng quanh gói cơm. Lúc xách lên thấy nặng Xuân chau đôi mày lại.

Trên đỉnh núi Ngự chiều hôm ấy vắng người và trông thanh đạm như bầu tiên giới. Xa xa về phía hoàng thành, giòng sông Hương gạch một đường trắng dài giữa một vùng xanh thẳm. Bà Lai lên đến đỉnh núi thì mệt nhoài không nghĩ đến việc ngắm phong cảnh nữa. Còn Xuân, Sinh chạy khắp nơi quấn quít nhau như hai con chim ngàn về đến tổ. Xuân bước lên đứng trên một tảng đá cao che tay ngang trán nhìn ra xa rồi goị Sinh:

– Em Sinh có thấy chùa Linh-Mụ ở đâu không?

Sinh quay mặt nhìn về phía nguồn sông Hương đưa tay chỉ liều:

– Chị chưa thấy à? Chùa Linh-Mụ ở trên đồi thông đối diện với ngọn đồi ở Long-Thọ đấy.

Xuân mỉm cười:

– Thì ai chẳng biết. Nhưng hỏi em đã thấy tháp chùa ấy ở đâu chưa.

Sinh hơi lúng túng. Trong lúc đưa mắt tìm quanh, Sinh cũng gắng nói bướng:

– Em hỏi thật nếu chị chưa trông thấy thì để em chỉ dùm cho. Chứ chị hỏi khéo em thì em không chịu đâu.

Xuân đưa tay níu một cành thông vươn ra, gật đầu ra vẻ ngây thơ đáp:

– Ừ, hỏi em đấy. Em chỉ đi.

Lần này Sinh mới chịu thua:

– Thôi xin chịu chịu. Em không thấy.

Xuân vừa đưa tay giữ tà áo bị gió tung vừa cười nói:

– Đã không thấy lại làm ra vẻ thạo mãi, ở đây thì không thấy tháp rồi. Nhưng đứng đằng kia…

Xuân đưa tay về lối lên đỉnh Ngự nói tiếp:

– …thì thấy rõ lắm. Em không tin thì lại đứng đấy mà xem.

Sinh nhìn Xuân mỉm cười:

– Thì ra chị cũng không trông thấy ngọn tháp như em.

Xuân đưa tay đập vai Sinh cười như nắc nẻ.

Mặt trời đã dần dần dịu ánh nắng. Gió mát thổi qua mấy hàng dương liễu đã tung những ngọn lá kim rơi xuống đất. Về phía xa, sau đèo Ải-Vân, ánh mây hồng nức nở thêm những màu khó tả. Xuân và Sinh câm lặng một hồi lâu tự nhiên cảm thấy hơi lạnh. Trong hai người, người nào cũng muốn người kia lên tiếng trước. Nhưng rốt cuộc sự yên lặng vẫn tràn lan ra mãi. Xuân và Sinh liền lững thững quay về chỗ bà Lai nằm khi trước nhưng không thấy bóng bà đâu hết. Sinh lên tiếng gọi lớn. Nhưng đáp lại lời Sinh chỉ có tiếng dội sau đồi thông cao vút. Vẻ sợ sệt đã hiện rõ ràng trên nét mặt hai người. Sinh nhìn xuống chân núi nói sẽ:

– Có lẽ mợ em đã đi xuống núi rồi.

Xuân tuy không tin nhưng cũng muốn vin lấy cớ ấy để hy vọng:

– Ừ cũng có lẽ.

Hai người lại hấp tấp đi xuống núi. Đi chưa được năm phút, Sinh đưa tay chỉ về phía rừng thông giữa lưng núi nói lớn:

– Chị ơ! Mợ em ngồi kia kìa.

Xuân cũng vừa nhìn thấy nên hai người nhắm rừng thông chạy tới. Giữa lúc ấy bà Lai đưa tay vẫy hai người lia lịa. Nhưng chạy chưa đến nơi, Xuân, Sinh không ai bảo ai tự nhiên đứng dừng phăng lại. Xuân quay lại nhìn Sinh rồi hai người cùng nhìn xuống đất để dấu sự sợ hãi.

Bà Lai đứng dậy đến trước hai người nói sẽ:

– Tôi đang ngồi trên đỉnh núi tự nhiên thấy nóng lòng một cách lạ. Tôi cũng không hiểu tại nắng hay tại chuyện gì không may sắp xẩy ra. Tôi lững thững đi xuống núi để tìm bóng mát thì thấy ngay bên này có rừng thông. Tôi vội vàng đến đây để núp nắng.

Quay lại nhìn cái mả gần đấy bà Lai nói tiếp:

– Ngồi trên bờ thành cái mả này tôi tự nhiên thấy lòng buồn quá. Tôi cũng không biết tại sao. Có lẽ tôi nhớ nhà quá rồi đâm ra buồn vơ vẩn cũng nên.

Sinh từ từ ngẩng đầu lên nhìn mẹ. Bà Lai với một giọng não nùng hơn trước nói:

– Lại còn chuyện khó tin này nữa. Tối hôm qua tôi chiêm bao thấy tôi đi qua đồng mộ Hòa-An để thăm mả nhà tôi. Tôi ngạc nhiên hết sức lúc thấy bên mộ thầy nó có cái mộ của ai mới đắp. Sự thật thì mộ thầy nó ở trên mô đất cao, chung quanh không có mả mồ của ai hết. Chuyện ấy sáng dậy tôi quên mất. Mãi đến lúc thấy cái mộ này tôi mới nhớ sực lại.

Xuân Sinh lại ngước mắt nhìn nhau, toàn người run run như lá cây bị gió chuyển. Bóng tối chiều hôm đã bắt đầu phủ muôn vật một màu ảm đạm. Sau lũy tre thưa lá, ngọn khói trà còn quấn quít hôn mái am tranh. Muôn tiếng huyền bí đều nghe rõ hơn trước.

Sinh liếc Xuân rồi cất tiếng khẽ nói:

– Chuyện chiêm bao lúc nào cũng trái với chuyện thật. Mợ nghĩ làm gì cho nhọc trí.

Bà Lai tươi tỉnh:

– Mợ nói chuyện thế chứ có nghĩ gì đâu. Mợ thường chiêm bao có lẽ tại thận mợ yếu. Hôm trước chính thấy lang Cung ở làng Hòa-Mỹ cũng có nói với mợ thế.

Xuân liền vin cớ ấy nói tiếp:

– Lời ông lang Cung nói thế mà đúng đấy. Thôi mời bác về nhà chẳng trời sắp tối rồi.

Bà Lai lẳng lặng đi trước. Xuân và Sinh theo sau. Đi được mấy bước Sinh quay lại nhìn nấm mộ dưới cụm thông. Hai mắt Sinh thấm đầy cả lệ. Nấm đất ấy là mộ của Cam.

- XI -

Sinh đi học về sớm hơn mấy hôm trước gần nửa giờ. Sinh trốn giờ tập thể thao. Sinh muốn về thật sớm để trông nhà cho Xuân đi chợ. Mẹ Sinh về quê đã ba hôm. Hôm ấy trời vừa ngớt cơn giông nên trông trong sáng như cảnh ban mai. Dãy núi chạy dài về phía nguồn sông Hương trông rõ ràng như ai vừa rửa sạch.

Sinh cắm cúi theo bóng mình in trước mặt thì một con chó chạy ra vẫy đuôi mừng rỡ. Sinh ngờ nó lầm chủ nên cắm đầu đi thẳng. Nhưng con chó vẫn chạy theo sau. Sinh hơi sợ vì Sinh nghi nó là con chó dại. Sinh đi thật nhanh, cố lách vào đám đông người để con thú mất dấu. Nhưng qua khỏi cầu Gia-Hội trông lại đằng sau Sinh đã thấy con chó chạy gần khít bên chân. Con chó toàn mình trắng muốt, còn ngay trước cái mõm thì có chấm đen tròn điểm hai bên. Sinh băn khoăn tự hỏi không biết con thú lầm chủ hay muốn đi theo mình. Nhưng muốn theo mình để làm gì? hay nó đói chăng? Sinh tự hỏi rồi trả lời một mình, hai chân vẫn đều đều rảo bước. Sinh tự nhiên mỉm cười sung sướng lúc nghĩ con chó biết chuộng mình hơn những người qua đường khác.

Sinh bước chân vào nhà thì con thú cũng chạy theo sau. Sinh hoảng hốt bước lên đứng trên chiếc ghế mây gần đấy:

– Chị Xuân ơi! Ra xem con chó này.

Xuân dưới bếp đi lên tươi cười nói lớn:

– Chó đâu em?

Sinh lo sợ vẫy tay ra hiệu cho Xuân:

– Chị lên đứng trên chiếc ghế đã. Em sẽ chỉ cho mà xem.

Xuân chưa thấy con chó ở đâu nhưng cũng bước lên phản đứng:

– Con chó của em đâu?

Ngay lúc ấy con chó dưới phản chui ra, nhìn thẳng mặt Xuân rồi vẫy đuôi ra dáng mừng rỡ lắm. Xuân thấy con chó ngoan thì ngồi xuống đưa tay vẫy con chó lại gần:

– Ê! đến đây!

Sinh hoảng sợ:

– Chị Xuân ơi! Đừng đưa tay, nó phóng lên cắn bây giờ.

Nhưng con chó không cắn. Nó chỉ đưa mõm liếm tay Xuân rồi nằm nép một bên thè lưỡi thở.

Xuân bước xuống phản đưa tay vuốt lông con chó, nói:

– Chắc con chó đói em ạ. Em gặp nó ở đâu. Hay tự nhiên nó vào nhà.

Thấy con chó nằm yên, Sinh mới bước xuống ghế khẽ nói:

– Em gặp nó quá vườn hoa trước nhà thương một chút. Em cũng không biết nó định theo em làm gì.

Xuân tươi cười:

– Theo em về nhà chứ còn làm gì nữa.

– Nhưng nó là của ai mới được chứ.

– Của ai mặc. Nó vào nhà mình tức nó là của mình.

Sinh cởi chiếc áo dài ra:

– Chị nói dễ quá. Rồi đây chủ nó nói mình – à quên – nói em ăn cắp thì sao.

Xuân ngồi xuống ghế nhìn con chó:

– Ăn cắp thế nào được. Chó chứ phải gà đâu mà dễ ôm đi hay bỏ một chiếc giỏ.

Sinh cũng đến đứng bên Xuân rồi cúi mình đưa tay sờ tai con chó:

– Có lẽ nó đi lạc đường chị ạ!

– Tại sao em biết được.

Sinh ngẫm nghĩ rồi nói:

– Chẳng không thì nó đã tìm về nhà.

Xuân cúi đầu nhìn xuống đất giọng nói hơi buồn:

– Biết đâu nó cũng không có nhà như chúng mình.

Sinh nhìn Xuân thở dài yên lặng. Con có vẫn nằm yên, ngực còn thóp thoi chứ không thở mạnh nữa. Thỉnh thoảng nó thè lưỡi liếm tay Xuân rồi xích lại nằm gần bên chân ghế. Xuân biết câu nói của mình đã làm cho Sinh buồn nên đứng dậy rũ áo:

– Chắc năm nay chị em mình sẽ khá hơn năm ngoái.

Sinh ngẩng đầu nhìn Xuân hỏi:

– Tại sao chị biết?

– Tại thiên hạ có câu này “Mèo tới nhà thì khó, chó tới nhà thì sang.”

Sinh đứng dậy mỉm cười:

– Chị cũng tin tục ngữ à? Nhưng chắc gì con chó này ở với mình lâu?

– Lâu hay nhanh là chuyện khác. Miễn nó vào nhà cho chốc lát là được rồi.

Sinh ngậm ngược cây bút chì trong miệng, suy nghĩ một hồi rồi nói:

– À, chị muốn đặt nó tên gì?

– Chuyện đó tùy em.

Sinh đưa lòng bàn tay vỗ trán nói tiếp:

– Hay chị lựa một tên, em lựa một tên. Gọi tên nào con chó chạy đến là tên ấy được.

Xuân hớn hở:

– Kế ấy hay đấy. Em lựa trước đi.

– Chị lựa trước mới phải chứ.

Xuân cười lớn:

– Có phải ra đình đám xôi thịt đâu mà dành ngôi thứ. Em lựa trước là phải. Vì nó đi theo em.

Sinh ngẫm nghĩ rồi nói:

– Em muốn cho nó cái tên Đi Đi vì nó ….đi theo em.

Xuân che miệng cười:

-Tên ấy hay đấy. Em gọi nó đi.

Sinh liền đến trước con chó, nhìn nó một lát rồi kêu lớn:

– Đi Đi! Đi Đi!

Con chó ngồi nhổm dậy, đứng hai chân trước rồi đi thụt lùi ra dáng sợ sệt lắm. Có lẽ nó tưởng Sinh đuổi nó đi chực tìm cửa chạy. Xuân liền chạy lại đứng một bên vẫy tay nói sẽ:

– Maymay! Maymay!

Con chó liền chạy lại đứng nép bên chân Xuân vẫy đuôi mừng rối rít.

Sinh vỗ tay reo lớn:

– Tên chị đặt nó bằng lòng lắm. Nhưng Maymay nghĩa là gì?

Xuân tươi cười nhìn Sinh:

– Nghĩa là nó đem những điều may mắn lại nhà mình chứ gì!

– Tên chị đặt ý nghĩa lắm.

Xuân trề môi cười:

– Chẳng ý nghĩa mà con thú biết nghe!

Xuân cúi xuống xoa đầu con Maymay rồi thì thầm như muốn cho nó hiểu:

– Maymay xuống bếp ăn cơm nhé!

Con thú khôn ngoan liền chạy xuống bếp. Xuân, Sinh nhìn nhau ôm bụng cười.

Bữa cơm tối hôm ấy vui vẻ lắm. Xuân Sinh tìm đủ cách để trêu con Maymay làm trò cười. 

Ăn cơm xong thấy Xuân mặc áo đi làm sớm quá, Sinh vội hỏi:

– Hôm nay chị đi sớm quá.

Xuân vừa gài khuy vừa nói:

– Không sớm em ạ. Vì chị còn cần lên tiệm Palace làm thêm ít giờ đã. Chín giờ rưỡi trở về Lido cũng còn kịp chán.

Sinh đăm đăm nhìn Xuân rồi với một giọng ngây thơ hỏi:

– Thế ở tiệm Palace họ cũng chịu trả tiền tháng cho chị à?

– Không. Mình nhẩy bao nhiêu bài thì họ tùy đó mà trả. Cứ được mỗi tíc-kê thì họ trả bẩy xu.

Sinh hỏi dồn:

– Thế mỗi tối chị lấy được ở Palace bao nhiêu?

– Không chừng. Nhưng hơn bù kém cũng chỉ được bảy hào là nhiều.

Xuân nói xong đưa mắt nhìn qua cửa sổ giả vờ như trông ai. Sự thật thì không bao giờ Xuân nhận được một số tiền trên bảy hào. Vì Xuân chỉ làm ở đấy chừng một giờ rồi phải lên Lido ngay. Đối với mình, Xuân rất tiện tằn. Nhưng trước mặt Sinh, Xuân lúc nào cũng muốn tỏ ra mình là người hào phóng. Xuân không muốn Sinh thấy nỗi khó khăn ở công việc của mình. Từ lúc có Sinh đến ở, Xuân không muốn may sắm gì thêm nữa. Xuân cứ thay đổi luôn cái áo hồng và cái áo trắng. Vì vậy những người quen thường gọi Xuân là cô áo hồng hay cô áo trắng. Xuân nghe họ nói thường cúi đầu mỉm cười không lộ vẻ ngượng ngùng gì hết.

Sinh thấy Xuân đứng nhìn mãi ra đường thì cười nói:

– Chị đang trông ai đứng ngoài cửa sổ phải không?

Xuân giật mình quay lại nhìn Sinh:

– Chị nhìn bóng tối em Sinh ạ.

Sinh chạy lại bên cửa sổ nghiêng đầu về một bên kêu lớn:

– Đâu? Bóng tối của chị tôi đâu? Mời ông bóng tối vào nhà chơi.

Xuân định che miệng cười theo thì ở bên ngoài có tiếng người đáp:

– Vâng, tôi vào đây.

Xuân và Sinh đưa mắt nhìn nhau ngạc nhiên. Nụ cười tươi tắn sắp nở trên môi Xuân tự nhiên biến hẳn. Trên má Xuân hai dấu lúm đồng tiền càng in sâu hơn trước. Xuân đẹp một cách lộng lẫy.

Một người vận Âu phục bước vào nhà hai tay thu trong túi quần. Người ấy nghiêng đầu chào Xuân rồi nhếch mép cười nói:

– Tôi không phải tên Tối, trái lại tôi tên Sáng. Hẳn cô Xuân cũng biết tôi rồi chứ?

Sáng là một anh chàng trai trẻ, con quan, thường đến Lido để ngắm gái nhảy và khoe tài học. Anh ta thường đến các tiệm nhảy với một quyển sách thật dầy và thật đẹp. Trong lúc các bạn nô đùa thì anh ta lại giở sách ra ngồi chăm chỉ đọc. Chúng bạn thường gọi anh ta là anh chàng “sáng dạ”. Một phần để chỉ anh ta đọc sách được giữa những tiếng ồn ào, phần khác để gọi anh ta là một tia sáng của ban đêm. Vì “Dạ” còn nghĩa là ban đêm nữa.

Hôm ấy Sáng đi qua nhà Xuân định vào nhưng lại sợ. Mãi lúc nghe tiếng gọi của Sinh, Sáng mới đánh liều đi vào.

Xuân tự nhiên thấy Sáng vào thì đã lộ vẻ không bằng lòng. Nhưng Xuân cũng gắng dịu giọng:

– Anh Sáng đi đâu mà sớm thế?

Sáng mỉm cười:

– Đã tối lại còn sớm.

– Nhưng tôi có ý nói sớm của buổi tối chứ!

Sáng nói lảng sang chuyện khác:

– Tối nay cô Xuân có rảnh không?

– Rảnh thế nào được!

Sáng đưa mắt nhìn Xuân:

– Tưởng cô Xuân rảnh thì đi chơi cho vui.

Xuân mỉm cười:

– Thôi để thì giờ cho anh đọc sách!

Sáng biết Xuân nói chế mình nên hơi ngượng:

– Đọc sách là chuyện khác mà đi chơi là chuyện khác…

– Nhưng đi chơi đâu?

Nói xong Xuân thấy hối hận ngay. Vì đáng lẽ Xuân không nên hỏi câu ấy. Xuân cúi đầu nhìn xuống đất, bao nhiêu vẻ băn khoăn đều hiện lên trên mặt. Sáng được thể, cười rồi với một giọng lẳng lơ nói:

– Đi chơi thuyền sông Hương, vì đêm nay trăng trong và đẹp.

Sinh vứt mạnh quyển sách xuống bàn lẩm bẩm:

– Tên Sáng mà óc còn tối lắm.

Xuân nghiêm nghị nhìn thẳng vào mắt Sáng nói lớn:

– Tôi là đàn bà, lại không phải bạn của ông. Mời tôi đi thuyền sông Hương đã là một chuyện không trong sáng rồi. Nữa là đi chơi thuyền sông Hương có nhiều nghĩa. Tốt hơn là ông đi mời người khác – người nào quen thuộc với ông thì hơn. Và mời ông đi gấp chẳng trễ giờ…

Sáng trố mắt nhìn Xuân:

– Ô hay! Cô Xuân đuổi tôi à?

Xuân thản nhiên:

– Tôi không dám đuổi ông. Tôi chỉ xin mời ông ra thôi.

Sáng mỉm cười làm lành:

– Mời như thế thì cũng như đuổi. Còn hơn nữa là khác.

Nét mặt Xuân vẫn không thay đổi. Sáng ngồi xuống ghế nói khẽ bằng một giọng mỉa mai:

– Cô đuổi tôi là cô không biết phép lịch sự gì hết. Vì bổn phận cô phải chiều lòng khách kia mà.

Xuân khoanh hai tay lại dõng dạc nói:

– Nhà tôi đây không phải là tiệm nhảy. Ông chỉ là khách của tiệm nhảy chứ không phải khách của tôi. Ở đây tôi là chủ, ông nghe chưa. Và tôi có quyền tiếp ông theo ý muốn của tôi. Vì đối với tôi, ông chỉ là một người lạ. Bổn phận tôi bảo tôi tiếp ông ở tiệm nhảy chứ không phải ở nhà tôi. Tiếp, theo một nghĩa trong sáng, ông nhớ cho. Vậy tôi xin trả bài học lịch sự lại cho ông. Vì tôi tưởng ông còn cần bài ấy nhiều hơn tôi.

Nghĩ một lát, Xuân nói tiếp:

– Và xin nhắc lại để ông nhớ: ở đây chỉ một mình tôi có quyền – như quyền mời ông ra khỏi nhà này chẳng hạn.

– Thế cô đuổi tôi thật à?

Xuân nhìn ra đường:

– Tùy ý ông muốn nghĩ sao thì nghĩ.

Sáng đẩy ghế đứng dậy ra vẻ căm tức lắm. Nhưng lúc thấy con Maymay nhìn mình chòng chọc với cặp mắt không hiền thì Sáng mím môi nói:

– Tôi cũng mong được dịp mời cô ra khỏi nhà khác.

– Vâng tôi biết. Ra khỏi nhà Lido. Nhưng xin nói để ông biết: có lúc nào người ta ra khỏi một nơi ngục tù mà không sung sướng không?

Sáng nhếch môi ngạo nghễ:

– Sướng thì sướng lắm chứ. Nhưng tôi chỉ lo không đủ sức để hưởng những cảnh sướng ấy thôi.

Xuân cười mỉa mai:

– Nghĩa là ông bảo tôi sẽ đói. Nhưng ông Sáng ạ, thà chịu đói còn hơn để người khác làm nhục.

Sáng quắc mắt nhìn Xuân định nói một câu thật cay, nhưng nghĩ thế nào lại bước ra ngưỡng cửa đi thẳng.

Xuân quay lại nhìn Sinh thở dài khẽ nói:

– Ở đời gặp toàn những hạng công tử bột ấy, thì chết chưa chắc là một cái nạn.

Sinh nhanh nhẩu nói tiếp:

– Cũng tại em gọi, họ mới vào đấy.

Xuân ngồi xuống ghế mỉm cười yên lặng. Xuân đã thấy hối hận dùng những chữ quá cay nói với Sáng. Trong lúc tức bực Xuân muốn nói cho hả giận chứ không suy nghĩ. Nhất là lúc ấy có mặt Sinh nên Xuân không chịu để Sáng lấn Xuân một cách dễ dàng. Xuân biết Sáng là người có thế lực lớn. Rồi đây thế nào ông chủ Lido cũng đuổi Xuân để chiều lòng một người khách quý. Vì tìm một người khách quý khó hơn tìm một cô gái nhảy.

Nghĩ đến đây hai mắt Xuân liền rớm lệ. Xuân quay phắt người nhìn ra đường nói chậm rãi:

– Lúc nào người ta cũng hối hận vì đã nói nhiều, chứ ít khi hối hận vì đã câm lặng.

Sinh biết Xuân đang buồn nên cố tìm cách an ủi:

– Chị nói có lý thật nhưng cũng tùy theo lúc. Chị không nghe có người lính nước Mỹ không cãi được mấy lời vu oan của ông đội, rồi uất người mà chết hay sao?

– Nhưng cãi được rồi cũng không tránh khỏi chết.

Với một giọng chắc chắn, Sinh nói tiếp:

– Chết thế nào được. Nếu chết được thì mỗi ngày trong nước cũng đến hàng vạn người chết vì cãi nhau. Nhất là ở chợ.

Xuân nghe Sinh nói đùa thì không nhịn cười được. Bầu không khí trong nhà lại tươi vui như trước. Mỗi người có mỗi sự lo lắng riêng. Nhưng ai cũng gắng cười thật lớn. Con Maymay không biết gì cũng quấn quít chạy quanh bàn rồi chui thẳng vào gầm phản.

Một lát sau Xuân nín cười vì cảm thấy Xuân tự dối mình quá. Xuân cúi đầu xuống hơi thẹn. Xuân nói sẽ như để một mình nghe:

– Xưa kia cũng có một người thợ Đức vì nói xúc phạm đến chủ nên sau bị chủ ám sát. Chị cũng như người thợ ấy. Có lẽ rồi đây đời chị sẽ không được yên ổn như xưa nữa.

Sinh cố tươi cười:

– Rõ chị lẩn thẩn quá. Chị buồn những chuyện không đâu gần như không nghĩa lý gì hết. Và người thợ Đức của chị – nếu em không lầm – thì cũng như người lính Mỹ của em, toàn là chuyện bịa đặt hết.

Xuân tự nhiên ôm bụng cười nức nở. Sinh nhìn Xuân cười theo. Hai nhịp cười hòa lẫn với nhau, một sự lo lắng. Xuân lấy khăn che miệng nói tiếp:

– Em Sinh ơi! Có lẽ ông Sáng sẽ bảo chị mất dạy. Phải thế và có đúng như thế không em?

Sinh nhìn Xuân cảm động:

– Không. Ông Sáng sẽ bảo chị là người không biết nói dối.

Phần Thứ Hai - I -

Bãi biển Thuận-An chiều hôm ấy vắng lặng một cách chán chường. Trời không gió. Mấy cây dương liễu đứng thẳng mình chỉ hơi rung rung trên ngọn đọt. Vài ba cánh buồm trắng điểm ngoài khơi trông như những chiếc vẫy  của đàn cá khổng lồ thu mình dưới nước.

Xuân và Sinh yên lặng ngồi trên bãi cát thẫn thờ như người mất trí. Xuân cảm thấy lòng buồn một cách lạ. Một mối buồn thấm đượm cả cõi lòng và ê chề cả xác thịt. Xuân thấy chán ngán lắm nhưng không hiểu vì sao và tại đâu.

Xuân thôi làm ở tiệm nhảy Lido đã hai tháng. Xuân đoán biết Sáng đang kiếm cách để gây chuyện với Xuân nên Xuân thôi trước. Mà theo ý Xuân thì thôi trước là hay hơn hết. Vì sau đây Xuân có thể xin vào làm các tiệm khác. Hay trở về Lido cũng được. Hôm Xuân xin thôi, ông chủ không cho, năn nỉ Xuân ở lại mãi. Nhưng Xuân thì  nhất định xin thôi cho kỳ được.

Hôm đầu ở nhà, Xuân thấy khoan khoái lắm. Nhất là lúc đồng hồ điểm chín giờ mà Xuân còn ung dung ngồi đan áo bên Sinh. Xuân mỉm cười lúc nghĩ đến giờ ấy hằng ngày Xuân phải hấp tấp đến tiệm nhảy. Đêm hôm ấy Xuân cũng không đi ngủ sớm được. Xuân cũng chờ đến một giờ sáng, giờ nghỉ của vũ nữ, Xuân mới tắt đèn đi ngủ.

Mấy hôm sau nghe tiếng nhạc kèn bên nhà hàng phố, Xuân thấy lòng nôn nao như người bị ám ảnh. Nhưng liếc thấy Sinh cắm cúi ngồi làm bài bên kia bàn, Xuân lại mỉm cười đưa kim chỉ lên thêu.

Nhân được mấy ngày nghỉ, Xuân bàn với Sinh thuê đò đi về Thuận-An hóng gió. Trọn ngày hôm ấy Xuân và Sinh dẫn nhau đi chơi khắp nơi. Đến đâu cũng nghe nức nở tiếng cười trẻ trung của hai người.

Nhưng chiều lại, lúc ánh sáng mặt trời sắp tắt, Xuân tự nhiên thấy lòng buồn rười rượi.

Gió lạnh ở ngoài khơi đã bắt đầu vì vèo thổi tạt vào bờ. Trên đồi cát mấy hàng dương liễu đã buông những tràng tiếng mơ hồ ai oán. Hai mắt Sinh đăm đăm nhìn ra khơi nhưng cũng đoán biết Xuân buồn. Vì chính lúc ấy Sinh cũng cảm thấy một nỗi buồn chiếm lấn cả người Sinh.

Không biết nghĩ gì Xuân đột nhiên quay lại hỏi Sinh:

– Không biết Đồ-Sơn và Thuận-An hai bãi biển có liên lạc gì với nhau không em nhỉ?

Sinh mỉm cười nhìn Xuân:

– Chị muốn nói liên lạc…

Sinh nghe tiếng Xuân hỏi thì mừng quá, nên đáp liều chứ không kịp nghĩ. Sinh ấp úng một chút rồi nói tiếp:

-Chị muốn hỏi hai bãi biển có phải cùng một nước, không? Phải thế không chị?

Xuân đưa lưỡi liếm môi trên:

– Chị cũng biết Thuận-An và Đồ-Sơn là hai bãi biển của nước Việt-Nam. Nhưng không biết có phải cùng ở một phía không?

Sinh tự nhiên ôm bụng cười nức nở. Xuân ngạc nhiên quay lại hỏi:

– Chị nói sai hay sao mà em cười.

Sinh che miệng nín cười nhìn Xuân:

– Không phải chị nói sai. Nhưng chị nghe sai. Em nói cùng một nước và nước là nước biển chứ không phải nước nhà như chị nói.

Xuân dí tay xuống cát chúm chím cười:

– Nếu thật vậy thì em nói sai. Vì nếu muốn nói nước biển thì em phải nói thế này: cùng một thứ nước. Chứ em nói một nước thì bảo chị không hiểu là nước nhà thế nào được.

Sinh duỗi thẳng hai chân trên cát, cười nói:

– Em xin chịu thầy – à quên – xin chịu chị. Chị nói đúng lắm.

Ngẫm nghĩ một lát, Sinh lại nói:

– Chút nữa quên không giải nghĩa cho chị. Đồ-Sơn và Thuận-An cùng ở một phía, và lẽ tự nhiên cùng một thứ nước.

Sinh nói chữ “thứ” thật lớn làm Xuân phải che miệng cười. Sinh đứng dậy đưa tay chỉ góc biển ở đằng xa về phía trái rồi nói lớn:

– Chị cứ nhắm theo phía này đi mãi thì cũng có ngày đến Đồ-Sơn.

Xuân cùng đứng dậy nhìn về pía tay Sinh chỉ rồi bất giác buồn  rầu nói sẽ:

– Ồ, nếu ra Đồ-Sơn thì đường về nhà chị dễ và gần lắm. À…về quê quán chị chứ không phải về nhà. Vì sự thật chị không có nhà.

Sinh yên lặng nhìn xuống bãi cát. Xuân lắc đầu nói tiếp:

– Ngồi trên bãi biển chị thường nhớ lại những ngày đã qua. Những ngày chị và em trai chị đuổi nhau trên bãi biển Đồ-Sơn làm cát trắng bắn tung lên như bụi. Hồi ấy chị lên mười và em chị mới lên sáu. Nhưng thời ấy qua nhanh quá. Chỉ để lại trong lòng những dư vị đau thương và buồn thảm.

Sinh với giọng đầy ghen tuông nói sẽ:

– Chị cũng có em trai à?

Xuân lau vội hai hạt lệ mới nở trên khóe mắt:

– Năm chị lên mười lăm tuổi thì em trai chị không còn nữa. Em chị đau thương hàn rồi chết em ạ. Cảnh nhà chị từ ngày không có nó, buồn rầu một cách thê thảm. Thầy chị thì lang thang đi cả ngày không chịu làm gì hết. Còn mẹ chị thì như điên như cuồng, cả ngày chỉ biết ngồi ôm mặt khóc, ai dỗ cũng không được. Sau đó hai năm cha mẹ chị lần lượt qua đời hết.

Nói đến đây tự nhiên Xuân ngừng bặt. Sinh quay lại nhìn, thấy Xuân đang vội vàng lau mấy giòng lệ lăn tròn trên má. Lòng Sinh đau thắt lại. Nghe đến người em trai Xuân đã từ trần, lòng Sinh không khỏi hối hận vì đã ghen với người chết một cách vô lý.

Trên mặt biển, ghe thuyền qua lại bắt đầu nhộn nhịp. Trời sẫm tối. Cảnh biển lại có vẻ âm u hơn trước.

Xuân nhìn về phía bắc rồi đột nhiên hỏi sẽ:

– Từ đây ra đến Đồ-Sơn đi chừng bao nhiêu ngày em nhỉ?

– Đi chân theo mé biển phải không chị?

Xuân gật đầu:

– Vâng.

Sinh vạch chữ trên cát tính thầm rồi nói lớn:

– Không mấy, độ hai tháng trời thôi.

Xuân mỉm cười:

– Hai tháng trời lại không mấy!

Xuân cốt hỏi để cho biết thôi. Nhưng Sinh lại phòng xa, Sinh muốn nói thêm ngày để Xuân đừng nghĩ đến việc đi nữa.

Trời sắp tối. Nước biển dần dần biến thành màu xanh đậm.

Xuân đứng dậy rũ tà áo trước gió cho hết cát, nhìn Sinh nói:

– Chúng ta về đi thôi. Vì từ đây đến Trấn-Bình-Đài còn xa em ạ.

Sinh lẳng lặng đứng dậy, nhìn ra biển một lượt nữa rồi lững thững theo Xuân đi vào trong rừng dương gần đấy.

Trấn-Bình-Đài là một cái pháo đài kiên cố xưa kia người ta dựng lên ở gần cửa biển Thuận-An để ngăn giặc. Cái pháo đài này trông có vẻ bền bĩ và hùng dũng lắm. Mặt trước pháo đài nhìn ra biển, còn mặt sau nhìn vào phá. Pháo đài ngày nay chỉ là một tòa lầu cũ kỹ trơ vơ trên đồi cát trắng. Còn chung quanh đấy là những cánh rừng dương thăm thẳm chạy lan dài theo mé biển.

Tối hôm ấy trăng sáng vằng vặc. Bầu trời trong quá, không hề bợn một chấm mây.

Ăn cơm xong, Xuân – Sinh liền ra ngồi trên lan can pháo đài nhìn ra biển. Cảnh biển trời cao rộng mênh mông. Xuân – Sinh rùng mình, tự ví như hai hạt cát nằm cheo leo trên một hòn đá lớn. Khi trời bắt đầu lạnh, Xuân phải quấn thêm một lớp khăn san quanh cổ. Con Maymay ngoan ngoãn kê mõm cạnh chân Sinh ngủ tự bao giờ.

Trời càng khuya càng thấy lạnh. Tiếng sóng vỗ ì ầm ở biển xa như nhắc nhỏm hai trái tim của Xuân – Sinh để cùng hòa một nhịp. Tiếng gió lướt qua rừng dương thì thào với nhau những tiếng u huyền bí mật. Phía sau pháo đài, giữa xóm người chài lưới vài ba nhóm lửa đêm đã chờn vờn lên ngọn.

Giữa cảnh trời bát ngát âm u, Xuân – Sinh lặng câm hồi lâu như để nhường lời cho vạn vật.

Phía trong đài một ngọn đèn dầu hỏa đang lù mù phun khói. Xuân và Sinh muốn vào ngủ nhưng lại sợ. Gian phòng rộng rãi quá, lại không có vật gì che bớt sự trống trải, Xuân – Sinh đã mấy lần định đi vào, nhưng sợ mãi. Hai vợ chồng người lính gác pháo đài lại ngủ ở tầng dưới, nên cảnh đài phía trên gần như hoang phế.

Xuân – Sinh đưa mắt nhìn ra biển cho đỡ sợ. Một lát sau Xuân có cảm giác một vật gì nong nóng đang dựa vào vai mình. Xuân quay lại thấy Sinh đang kê đầu vào vai Xuân ngủ say sưa. Xuân ngồi yên nhưng toàn thân đang rung chuyển sẽ. Tim Xuân hồi hộp. Hai má Xuân tự nhiên đỏ bừng.

Gió ngoài khơi dịu dần. Và tiếng trống ở làng mạc xa xa không nghe vang dội nữa.

Lúc mặt trời đến, điểm ánh sáng trên mặt Xuân thì Xuân giật mình tỉnh dậy. Xuân nhận thấy Xuân đang dựa mình bên chiếc trụ lớn, còn Sinh mê man ôm vai Xuân mà ngủ. Lúc nhìn xuống ngang lưng, Xuân run bật cả người. Tim Xuân đập mạnh. Mặt Xuân hơi nhợt nhạt. Một đoạn tơ trời theo gió thổi, đã choàng quanh mình Xuân, Sinh hai ba vòng.

- II -

Ăn cơm sáng xong, Xuân và Sinh lại dẫn con Maymay đi chơi khắp làng. Qua những con đường hẹp và ngắn, cả hai đua nhau cười nói luôn miệng. Thấy cái gì hơi lạ hai người cũng dừng bước để xem và hỏi nhau những sự tích. Lúc không ai tìm được chứng cớ để giải nghĩa, hai người cùng phá lên cười và đi nhanh hơn trước. Qua những xóm chòi lá ẩm thấp của dân chài lưới, Xuân Sinh đứng trước cổng mỗi chòi tò mò nhìn vào. Con Maymay rón rén đi thẳng vào sân rồi chạy quanh mấy vòng. Chờ đến lúc một con chó khác trong nhà chạy ra đuổi, con Maymay mới chịu ra.

Những người ở biển cả họ thật thà như đếm. Mỗi lần thấy Xuân Sinh đi qua, họ đứng nép hai bên đường để nhường lối. Hay đứng trố mắt nhìn hai người, ngạc nhiên nhưng có vẻ kính phục lắm.

Trên đường đi xuống chợ, Xuân Sinh bỗng gặp một cô gái quê cắp một rổ cá lớn, Xuân lên tiếng gọi:

– Cô bán cá!

Cô gái quê quay đầu lại nhìn Xuân một lát rồi đứng lại:

– Bà gọi tôi?

Xuân nhìn Sinh mỉm cười rồi hai người lại đứng gần bên cô bán cá. Xuân nhìn vào giỏ cá hỏi:

– Cá của cô có bán không?

Cô gái quê để mớ cá xuống đất đáp:

– Tôi cũng định mang xuống chợ bán đấy. Ông bà mua dùm cho ít con.

Xuân tự nhiên đỏ cả mặt. Còn Sinh ngượng nghịu quá, cúi đầu nhìn xuống đất. Xuân Sinh cũng biết cô gái quê nghĩ lầm. Nhưng sự lầm lạc ấy làm hai người hồi hộp, tê mê một lúc. Một lát sau, Xuân quay lại nhìn Sinh nói khẽ:

– Em có bằng lòng để chị mua cá đem về đài không?

Sinh cũng biết Xuân đang tìm cách cho cô gái quê biết địa vị của hai người nên nói:

– Mua cá họ mới chài được thì chắc còn tươi lắm. Chị mua đem về đài đi. Rồi đây chị nhọc nhiều hơn em.

Xuân ngước mắt hỏi:

– Chị nhọc gì?

Sinh tươi cười:

– Chị nhọc nấu và em thì nhọc ăn.

Xuân che miệng cười rồi ngồi xuống chọn cá. Con Maymay cũng nằm xuống kê mũi trên miệng rổ nhìn. Lựa chọn một lúc lâu Xuân mới lấy riêng năm con cá để trên cỏ:

– Cô để cho tôi năm con này bao nhiêu?

Cô gái quê đưa tay lau mồ hôi trán đáp:

– Bà cho em xin bẩy hào.

Sinh đứng một bên nói lớn:

– Bẩy hào?

Sinh ngạc nhiên vì cá quá rẻ, nhưng cô gái quê lại tưởng Sinh chê đắt nên nói với:

– Không đắt đâu …thầy ạ. Nếu bà và thầy bằng lòng mua thì em xin để rẻ sáu hào rưỡi cũng được.

Xuân nhìn Sinh tươi cười rồi quay lại nhìn cô bán cá:

– Bẩy hào thì bẩy hào. Em tôi khen rẻ đấy chứ không phải chê đắt đâu.

Cô gái quê ra dáng sung sướng lắm. Cô muốn nói ít lời cảm ơn nhưng nghĩ mãi không ra nên cô đành yên lặng.

Trả tiền xong Xuân liền lấy dây buộc cá lại rồi cùng Sinh đi về đài. Trời lúc ấy đã đứng trưa.

Chiều hôm ấy Xuân Sinh lại rủ nhau ra bãi biển. Xuân mặc áo dài màu da trời lấm tấm bạc. Xuân đi chân nên trông có vẻ thanh thanh và đẹp dịu. Con Maymay được Xuân cho đi nên chạy thật nhanh bắn tung từng lớp cát. Lúc đến gần bờ biển thì tự nhiên con Maymay đứng dừng  lại. Nó đi thụt lùi ra dáng sợ hãi lắm. Trông những đợt sóng tràn vào, nó ngờ là những con thú chực đến vồ nó. Nó há hốc mồm đứng nhìn rồi thình lình sủa lên mấy tiếng lớn. Tiếng nó sủa một phần tan ra ngoài khơi và phần khác dội trong rừng liễu.

Xuân Sinh tìm đến ngồi chỗ cũ, yên lặng nhìn ra biển. Sinh ôm con Maymay vào lòng, hai mắt vẫn nhìn ra khơi hỏi sẽ:

– Chiều nay chúng ta lại phải lên Huế rồi phải không chị?

– Không trở lên thì ở đây làm gì. Em còn phải đi học nữa kia mà.

Sinh bốc một nắm cát tung trước gió:

– Nhưng còn chị?

Xuân nghe Sinh nhắc đến công việc làm thì sa sầm nét mặt lại:

– Chị cũng không biết sẽ làm gì. Nhưng thế nào chị cũng tìm một việc làm trong các tiệm nhảy khác.

Sinh mím môi có vẻ đau thương:

– Nếu chị tìm một việc khác để làm thì hay hơn chị à.

– Chẳng hạn như việc gì?

– Như xin vào làm trong một hiệu buôn, hay một tiệm bán đồ …trang sức.

Xuân cúi đầu nhìn xuống cát rời rạc nói như để một mình mình nghe:

– Không được em ạ. Vì thân thế chị không bao giờ bảo đảm nổi hạnh kiểm của chị. Họ sẽ bĩu môi lúc thấy chị đến xin một việc làm lương thiện. Nếu công việc ấy cần đến lòng trong sáng và đức tính thì họ lại bĩu môi già hơn nữa. Sa vào cảnh làm vũ nữ thì chuyện đứng đắn là một chuyện trong mộng. Họ nghi ngờ vũ nữ lắm. Và em Sinh ạ, khổ nhất là lắm lúc họ nghi phải và ngờ đúng…

Sinh lẳng lặng nhìn ra biển hai mắt mơ màng như theo đuổi một ý tưởng xa xăm. Tự dúi tay mình dưới lớp cát mỏng, Xuân ngẩng đầu nhìn Sinh nói tiếp:

– Cảnh giang hồ đầy gió bụi có cái mãnh lực vô cùng, khiến ai ra công chống với nó đều bị nó hút lại già hơn. Chị tuy ít tuổi nhưng cảnh đời lăn lộn, khổ sở chị đều sống qua gần hết. Chị mong có một người hiểu chị cho lòng chị đỡ khổ. Nhưng người đời chỉ muốn quen biết chị hơn muốn hiểu chị. Hay có người hiểu chị một cách khác. Nhưng hiểu như thế thì cũng như không hiểu. Chị vẫn âm thầm đau khổ và sống một đời gượng cười qua nước mắt…

Sinh để tay trên cát quay lại nhìn Xuân, nói sẽ giọng đầy nước mắt:

-Em còn biết chị sống một đời hy sinh nữa. Chị đã nuôi em hơn hai năm và đã cứu giúp mẹ em hằng tháng. Em khổ sở lắm, lúc nghĩ đến tiền em tiêu là tiền chị đã làm việc thâu đêm, qua những sự vất vả và cảnh buộc lòng chiều chuộng.

Xuân định nói thì Sinh đã cướp lời nói trước:

– Không, chị đừng dối em nữa. Em biết hết cả rồi. Tiền chị cho mẹ em hằng tháng là tiền của chị xuất ra. Chị Cam em xưa có trao cho chị nhiều lắm cũng chỉ vài trăm bạc. Nhưng hai năm qua chị đã tốn cho gia đình em hơn năm trăm bạc rồi. Chị cố dối em là để mong em dối được với mẹ em. Em cảm động vô cùng chị Xuân ạ.

Sinh nói đến đây thì rơm rớm nước mắt. Xuân mỉm cười:

– Em chỉ nói bướng. Chị Cam xưa trao cho chị hơn bẩy trăm bạc và thêm một chiếc xuyến vàng nữa.

Xuân nói với giọng không chắc chắn. Như cố để cho Sinh tin thật, nửa cho Sinh biết mình đang nói dối. Sinh đưa mắt nhìn ra biển dịu lời nói:

– Thôi chị đừng dối với em nữa. Chính xưa kia, lúc sắp từ trần, chị Cam em cũng có nói cho em biết.

Xuân tưởng Cam đã nói với Sinh thật, nên cúi đầu lẳng lặng nhìn xuống cát, lòng hơi bàng hoàng và sung sướng. Sinh thấy mình dối được Xuân nên quay lại nói:

– Chị Xuân ơi! Biết bao giờ em mới đền ơn chị được…

Nói đến đây Sinh cảm thấy dưới tay mình hơi động. Sinh nhìn xuống. Vô tình Sinh đã để tay trên bàn tay của Xuân dưới cát. Lớp cát trắng từ từ nứt ra. Sinh cầm ngay lấy tay Xuân nhấc lên cao, trong lòng mơn man một cách êm dịu. Trên những sợi mi dài trước mắt Xuân, mấy hạt lệ tròn đang bắt đầu long lanh. Xuân tự nhiên cảm thấy một mối tình chặt chẽ kéo lại bên người Sinh. Xuân tự quyết không phải là tình yêu. Vì mỗi lần tự hỏi và nhắc đến chữ ấy, Xuân đã thấy rùng mình và hơi ghê sợ. Xuân luôn luôn xua đuổi những ý nghĩ ấy như sợ nó đến ám ảnh.

Gió ngoài biển thổi vào càng mạnh. Một đàn én đang tung trời bay về phía Bắc.

Sinh thả tay Xuân ra rồi đứng dậy lững thững đi xuống biển. Đến tận bên bờ,  Sinh đứng khoanh tay nhìn xuống đám cát ướt. Lòng Sinh lúc ấy phân vân một cách khó tả. Sinh đang bị một cảm giác mạnh và lạ đến chiếm cả tâm hồn Sinh. Sinh cũng không hiểu vì sao lòng Sinh lại hồi hộp êm đềm và mơn man đến thế. Sinh đang tìm để biết. Nhưng càng tìm Sinh càng thấy khó hiểu hơn. Lòng Sinh như sợi tơ đàn đang rung mạnh. Sinh muốn biết ai đã bấm đường tơ ấy. Nhưng Sinh lại sợ biết được.

Sinh giật mình lúc cảm thấy một bàn tay đặt trên vai Sinh. Sinh quay lại thấy Xuân đang nhìn Sinh,  cười chúm chím:

– Em xem gì thế?

Hơi lúng túng, Sinh khẽ đáp:

– Em nhìn con dã tràng chị ạ.

Xuân mỉm cười:

– Em nói con giả vờ thì đúng hơn.

Xuân Sinh nhìn nhau cùng cười rồi quay mặt nhìn ra biển.

Một đoạn tơ trời lơ lửng bay trên không.

Xuân mỉm cười đứng nép bên người Sinh.

- III -

Sau lúc đi Thuận-An lên, Sinh được tin mẹ ở quê đau nặng. Sinh về quê đã ba hôm. Bà Lai thấy con về thì mừng cuống quít, hỏi thăm chuyện nầy chuyện nọ không kịp thở. Sinh thấy mẹ ngồi dậy và ăn cháo được thì mừng thầm.

Ông giáo hiên ở trường làng về thấy Sinh cũng tươi cười nói lớn:

– Cháu đã về đấy à? Mẹ cháu hôm qua lên sốt nặng. Cậu hoảng hốt mới cho người đón cháu về đấy.

Bà giáo Hiên cũng nói thêm:

– Hôm nay trông cô khá hơn hôm qua nhiều. Cũng nhờ cháu Sinh dỗ lắm cô mới chịu ăn mấy thìa đấy. Chứ hôm qua mợ nói đã hết lời mà cô cũng không chịu nghe.

Sinh thấy cậu mợ niềm nở nhắc đến chuyện mẹ mình thì cảm động lắm. Ông giáo Hiên gác chiếc dù trên dàn chiếu rồi đi ra sân múc nước rửa chân. Thấy có Sinh về ông ra dáng mừng rỡ và vui tươi hơn trước. Ông vừa cọ xát hai chân với nhau vừa nhìn vào nhà nói lớn:

– Mợ nó nên bắt con vịt làm ăn cho xong chuyện. Để rồi bọn trộm đến rình mò suốt cả đêm, chó sủa inh, nhà không ai ngủ được.

Bà giáo Hiên háy chồng nói tiếp:

– Kẻ trộm nó rình thứ khác chứ có rình vịt đâu.

Ông giáo đưa chân vào đôi giầy cười ha hả:

– Rình vịt chứ còn rình gì nữa. Hôm trước không mất hai con là gì. Để họ ăn cũng uổng. Mình khôn, ăn trước thì hơn. Vả cháu Sinh mấy tháng mới về một lần, mợ nó nên làm vịt dọn cơm cùng ăn cho vui.

Bà giáo nghe đến chuyện làm vịt thết Sinh thì không nói nữa. Ông giáo biết vợ trúng mưu mình nên nhìn ra cổng cười trong râu.

Một lát sau anh phó Ty cũng thất thểu về nhà. Trông thấy Sinh anh ta chạy lại kêu lớn:

– Thật em về hôm nay may cho anh quá.

Sinh ngẩng đầu nhìn anh phó Ty:

– May cho anh?

– Ừ may cho anh lắm. Hôm qua trên sứ đưa xuống cái trát bằng chữ Pháp. Anh đã đi mượn nhiều người học chữ Tây nhưng không ai dịch nổi. Vậy chốc nữa phiền em dịch dùm cho anh một chút. Mai anh phải đem ra trình làng sớm.

Sinh mỉm cười:

– Chỉ có thế mà anh cũng gọi là phiền…

Anh phó Ty chống dù xuống đất:

– Vâng, chỉ có em, anh mới làm phiền được. Chứ với người khác thì….

– Thì gì anh nhỉ?

– ….thì phải có tiền trước đã. Họ không sợ mình làm phiền, họ chỉ sợ mình không có tiền thôi. Một cái trát muốn họ dịch xong xuôi, mình cũng phải biếu họ đến ba bốn hào.

Sinh tò mò hỏi thêm:

– Thế tiền ấy ai chịu?

– Trát sứ đòi ai thì người ấy chịu.

– Nhưng trát thường đòi họ lên có việc gì?

Anh phó Ty đưa hai tay nâng cái khăn đen xuống:

– Phần nhiều đòi lên để nộp thuế môn bài bán rượu hay bán thuốc.

Sinh nhìn ra cổng nói sẽ:

– Được, ăn cơm xong em sẽ dịch dùm anh.

Anh phó Ty vào nhà lăng xăng tìm lửa để thắp đèn và tìm guốc để Sinh rửa chân.

Ban đêm ở tỉnh thành Sinh đã quen với tiếng ồn ào và ánh sáng. Nên về quê trông cảnh gì Sinh cũng thấy âm u và tịch mịch. Hình ảnh Xuân lại càng in rõ rệt trong trí Sinh. Sinh tưởng tượng nếu có Xuân ở bên Sinh thì chắc Sinh vui sướng lắm. Nhưng thấy cửa nhà không sạch sẽ và khoảng khoát, Sinh tự ngượng và không dám nghĩ nữa.

Nửa đêm lúc tiếng mõ cầm canh buông từng tiếng một bên xóm Cỏ, Sinh tự nhiên bừng mắt tỉnh dậy rồi mơ màng nhớ đến Xuân. Sinh cảm thấy lòng mênh mông như đứng trước một cảnh trời bao la mù mịt.

Sinh hơi buồn lúc nghĩ Sinh không thể trọn đời ở bên Xuân được. Xuân còn trẻ, Xuân còn tươi, một ngày kia Xuân cũng đi lấy chồng như mấy cô vũ nữ khác. Nghĩ đến chuyện Xuân đi lấy chồng, lòng Sinh lại nao nức lên, Sinh hờn tủi thật. Hai mắt lại rớm đầy nước mắt. Sinh buồn rầu trở mình rồi ngủ lúc nào không biết.

Sáng hôm ấy bệnh bà Lai trở lại nặng hơn trước. Ông giáo phải xin nghỉ dạy một ngày để săn sóc cho em. Cả nhà ai cũng có ý sợ nhưng không ai nói cho ai biết.

Trưa hôm ấy ông lang Hải đến bắt mạch bà Lai xong liền gọi riêng ông giáo ra ngoài sân nói nhỏ:

– Bệnh tình bà Lai tôi xem nguy kịch lắm. Có giỏi lắm cũng chỉ trong vài hôm thôi.

Ông giáo rơm rớm nước mắt nói:

– Trăm sự đều nhờ thầy. Thầy ra công cho em tôi lành mạnh thì ơn thầy ngàn năm tôi không dám quên.

Ông lang Hải đưa tay vuốt râu nói:

– Thế ra thầy giáo tưởng tôi không hết lòng à? Nhưng tôi nghĩ số trời đã định thì dầu có thuốc tiên cũng không tài nào chữa khỏi.

Ông giáo Hiên năn nỉ:

– Nhưng thầy thử bốc cho một thang thuốc nữa, may có giảm được thì quý vô cùng.

– Vâng, thầy giáo bằng lòng thì tôi cũng xin hết lòng bốc thêm một thang nữa. Nhưng tôi xin nói trước bà Lai hiện giờ uống thuốc cũng như uống nước lã thôi.

Nói xong ông lang Hải xin về. Ông giáo Hiên đưa ra đến cổng rồi trở vào gọi Sinh đến nói:

– Cháu Sinh ạ, theo lời ông lang Hải thì mẹ cháu không còn sống mấy ngày nữa.

Sinh nghe nói bất giác đưa hai tay ôm mặt khóc.

Ông giáo Hiên đặt tay lên vai Sinh mếu máo:

– Ấy cháu đừng khóc. Mẹ cháu biết được thì việc không hay đâu. Cháu nín đi để nghe cậu nói.

Sinh đưa khăn tay lên lau nước mắt. Ông giáo Hiên thở dài nói tiếp:

– Cháu nên viết giấy nói cho chị Cam cháu biết. Và nói phải về gấp. Phòng mẹ cháu có trối trăn gì với nó không. Vả đã hai năm nay vắng mặt nó luôn chắc mẹ cháu cũng nhớ nó lắm. Nói nó về là phải cháu å.

Sinh nghe nói tự nhiên thấy lòng đau đớn như ai vừa rứt ra từng đoạn. Sinh muốn kêu lên một tiếng rõ lớn để cho lòng đỡ khổ. Nhưng cổ Sinh thấy nghẹn và tay chân Sinh run lên bần bật.

Ông giáo ngờ Sinh không bằng lòng liền nói tiếp:

– Việc hiếu là việc lớn cháu ạ. Đạo làm con không nên coi thường được. Cháu nên nghe lời cậu. Cháu viết thư đi để cậu còn đi mượn người lên tỉnh. Cháu chỉ nói sơ lược mẹ cháu đau nặng, chị phải về gấp để mẹ thăm.

Sinh cúi đầu nhìn xuống đất, mặt nóng bừng:

– Chị Cam cháu ra Vinh chấm thi, chừng một tuần nữa mới về được.

Ông giáo Hiên đưa tay gãi đầu:

– Thế sao mấy hôm nay cháu không nói cho cậu biết.

Sinh ấp úng:

– Thưa cậu cháu quên.

Ông giáo thở dài:

– Thật mẹ cháu vô duyên. Đến ngày sắp chết cũng không thấy được mặt con đầy đủ.

Sinh bị những nỗi khổ dồn dập làm tê liệt cả người, nên đứng sững như pho tượng. Nhưng cảnh vật chung quanh quay cuồng trước mặt Sinh. Sinh thấy khó thở và có cái cảm giác như mình sắp bị ốm.

Trọn tối hôm ấy bà Lai ngủ không được. Sinh thức suốt cả đêm bên giường mẹ. Giữa đêm mỗi lần bà Lai mở mắt nhìn Sinh rồi ú ớ nói trong miệng. Sinh lại luống cuống đánh thức cậu dậy. Sinh muốn mẹ ngủ yên giấc, nhưng lúc thấy bà Lai ngủ một hồi lâu không cựa quậy Sinh lại đâu ra hoảng sợ.

Mõ đầu làng đã điểm canh ba. Sinh đến bên phải đánh thức anh phó Ty dậy để ngồi nói chuyện cho vui. Nhưng anh ta ngồi đâu được năm phút đã dựa lưng bên cột ngủ lại.

Sáng hôm sau, ông giáo Hiên ra chùa làng cầu đảo. Anh phó Ty xách dù sang làng Thiêng mới thầy lang Hải. Sinh ở nhà với bà giáo, lòng buồn rười rượi, cứ nhìn mẹ khóc mãi.

Trưa hôm ấy bà Lai không trăn trở được nữa. Một phần nửa dưới người đã tê liệt. Sinh đau đớn cầm tay mẹ úp mặt xuống giường khóc nức nở. Cả nhà nghe Sinh khóc cũng ồ ạt khóc theo. Bà Lai hết nhìn ông giáo lại nhìn Sinh, hai mắt thấm đầy cả lệ.

Bà Lai muốn nói nhưng mấp máy miệng mấy lần không nói được. Sinh nhớ lại những phút ngồi bên giường chị nên lòng đau như cắt. Sinh cảm thấy toàn người lúc ấy nhẹ nhàng một cách lạ. Trí Sinh rối loạn. Lòng Sinh tơi bời và chính Sinh cũng không thấy có mình nữa. Sinh muốn tưởng Sinh đang ở trong cơn ác mộng nhưng ánh sáng chung quanh đã đem Sinh về cảnh thật.

Sau một cái nấc ngắn, bà Lai mấp máy môi gọi sẽ:

– Sinh! Sinh con ơi!

Lắng hết tinh thần để nghe, Sinh chồm mình tới gần mẹ.

– Thưa mợ?

Bà Lai nhìn Sinh một lát rồi phì phào nói sẽ:

– Mẹ nghĩ con Cam không về được mà hay con ạ. Vì nó biết mẹ chết thì chắc nó khổ lắm.

Sinh ôm mặt khóc rưng rức:

– Mợ ơi!

Trước những phút thiêng liêng này Sinh muốn nói hết sự thực cho mẹ biết. Sinh không muốn dối với mẹ nữa. Vì dối lúc này Sinh đã coi như một cái lỗi lớn không thể nào tha thứ được. Sinh chắp hai tay đưa mình tới gần mẹ rồi thì thầm như để một mình mẹ nghe:

– Mợ ơi! Chị Cam con…

Sinh vừa nói đến đây, bà Lai đã ngắt lời nói tiếp:

– Chị Cam biết mẹ chết thì chắc bỏ công ăn việc làm và sinh ra đau ốm con ạ. Lúc ấy con sẽ khổ. Và chị con cũng khỏi lao đao về cảnh túng bấn.

Hai hạt lệ tròn từ từ chảy trên cặp má nhăn nheo. Nghĩ một lát bà Lai nhìn Sinh khẽ nói:

– Con lên tỉnh thì bảo với chị Cam con mẹ lành mạnh như thường. Con cứ nói mẹ đi Vinh để thăm chú con cũng được.

Sinh nghẹn ngào nhìn mẹ khóc nức nở. Bà Lai nhìn ông giáo, bà giáo, anh phó Ty rồi nghiêng đầu nhìn Sinh nói thật sẽ:

– Con nhớ nghe lời mợ nhé.

Nói xong bà Lai tưởng như dối được Cam liền mỉm cười khoan khoái rồi từ từ nhắm mắt lại. Cả nhà òa lên khóc. Sinh nghẹn cả lời, chỉ biết quỳ bên giường mẹ, đưa hai mắt nhìn lên không, hồn đau và cõi lòng tan nát.

- IV -

Trên con đường từ quê lên tỉnh, Sinh thui thủi đi một mình giữa quãng đồng lúa chín. Sinh đi như cái máy. Trí Sinh nghĩ đâu đâu. Thỉnh thoảng Sinh ngước mắt nhìn lên không, thở dài ngao ngán.

Qua khỏi làng Đồng-Yên, Sinh rẽ lên con đường cái đến ga Trà-Khê. Sinh muốn đi xe lửa cho tiện. Vì nếu đi đò thì quá nửa đêm mới đến Huế.

Chuyến tàu hôm ấy chậm ngót nửa giờ. Sinh ngồi đợi chán lại xuống dưới đồng xem họ bắt cá. Trí Sinh lúc nào cũng bận rộn những ý nghĩ tối tăm. Nên Sinh không lúc nào đứng yên một chỗ. Sinh định xuống xem họ bắt cá, nhưng lúc họ nô đùa vang cả đồng, Sinh lại đâm ra chán muốn đi ngay.

Tiếng còi tàu vừa thét lên sau quãng đồng tranh làng Mỹ-Xá. Sinh hấp tấp trở lên ga đứng đợi. Chuyến tàu hôm ấy không đông khách lắm nhưng cũng vừa chật. Người khách nào cũng ích kỷ chiếm đến ba bốn chỗ ngồi. Sinh lẳng lặng đi sang toa khác. Lúc Sinh vừa đặt chân sang toa bên kia thì bỗng trước mặt có tiếng gọi:

– Em Sinh!

Sinh ngẩng mặt nhìn thấy Xuân thì mừng lắm.

– Chị đi đâu về đấy?

Xuân lấy chiếc va-li của Sinh đặt xuống sàn tàu, nói sẽ:

– Chị đi viếng động Phong-Nha.

Nói xong Xuân chỉ một người vận Tây ngồi gần đấy nói tiếp:

– Xin giới thiệu với em đây là thầy giáo Luân, người đã cùng chị đi viếng động Phong-Nha.

Rồi quay lại nhìn thầy Luân, Xuân mỉm cười:

– Và đây là Sinh, em trai tôi.

Lúc liếc thấy thầy Luân, Sinh đã giật mình như bị điện giật. Còn thầy Luân đợi cho Xuân nói xong liền đến bắt tay Sinh, cười nói:

– Hai chúng tôi thì xin cô Xuân miễn giới thiệu. Vì chúng tôi đã quen biết nhau lâu rồi. Chúng tôi là thầy trò.

Nói xong thầy Luân lại cười vang tưởng như mình đã nói được một câu đầy ý nghĩa. Sinh cúi đầu nhìn xuống sàn tàu mặt đỏ bừng. Xuân thấy Sinh có dáng sầu muộn thì gương mặt  đã biến ra buồn bã. Xuân hơi hối hận đã chiều theo ý muốn của một người đàn ông mà Xuân chưa hiểu lắm. Vắng Sinh, Xuân muốn đi Phong-Nha để giết thì giờ. Nhưng thầy Luân lại không hiểu cho thế. Thầy ta ngờ Xuân nhận lời đi là vì đã mê luyến lòng hào hiệp của thầy.

Thấy Sinh ngồi yên lặng ra dáng suy nghĩ, Xuân liền vỗ vào vai Sinh hỏi sẽ:

– Em vui lên chứ. Bác gái ra sao, có thường không?

Sinh giận Xuân, nói với giọng hơi căm tức:

– Mẹ em đã lành mạnh hẳn rồi.

Xuân mỉm cười:

– Thế thì chuyện gì mà em buồn.

Sinh nhìn ra cửa tàu lẩm bẩm:

– Em buồn chuyện riêng.

Xuân biết Sinh tức bực vì mình nhưng cũng cố giữ vẻ tươi tỉnh:

– Lại có chuyện riêng nữa kia.

Sinh càu nhàu:

– Thì ai lại không có chuyện riêng.

Xuân dịu lời nói:

– Chị cũng biết em buồn vì lẽ gì rồi. Nhưng chắc em không hiểu chị. Nếu em gắng hiểu chị một chút — chỉ một chút thôi — là em đã thương chị rồi.

Sinh vơ vẩn nhìn giòng sông uốn khúc bên trời xa, không đáp. Xuân quay lại nhìn qua cửa sổ tàu nói tiếp:

– Em ạ. Em nên hiểu chị và đừng giận chị nữa.

Giọng Xuân nói hơi run run như những tiếng yêu cầu tha thiết. Sinh đã thấy cảm động nhưng vẫn cố làm gan đứng trân trân như người vô tư lự.

Giữa lúc ấy tiếng thầy Luân đùa với cô bán cam, bắt hai người quay mặt lại nhìn. Thầy Luân cười nói:

– Cô nói sai. Cam cô bảo ngọt nhưng tôi ăn thì thấy chua lắm. Cô phải trả tiền lại cho tôi.

Cô bán cam nhí nhảnh:

– Vì thầy “thấy” nên cam mới chua, chứ nếu thầy nếm thì chắc cam phải ngọt.

Thầy Luân cười nói tiếp:

– Ngọt chăng chỉ lời nói của cô. Chứ cam của cô thì chua lắm. Cô trả tiền lại cho tôi.

– Thế thầy trả cam lại cho tôi.

– Cam của cô tôi ăn rồi.

Cô bán cam đưa khăn che miệng cười:

– Thế thì còn nghĩa lý gì nữa. Cam thì thầy ăn hết lại còn đòi tiền nữa. Thật sai không phải là tôi.

Thầy Luân cau mày cười, nói lớn:

– Sai là cô.

Sinh bỗng giật mình lúc nhớ đến những lời nói chua chát của thầy Luân, lúc Sinh đi đến trễ:«Sai là anh». Xuân kề miệng lại gần tai Sinh hỏi sẽ:

– Thầy giáo Luân dạy khoa gì em nhỉ?

Sinh thì thầm:

– Chị không nghe thầy nói lý đấy à. Nói lý lại tên Luân thì lẽ tự nhiên phải giỏi về khoa dạy luân lý.

Xuân Sinh nhìn nhau mỉm cười. Xuân yên lặng một lát rồi nghiêng đầu về phía Sinh nói sẽ:

– Để chốc nữa về nhà chị sẽ nói lại mọi việc cho em nghe. Chị nể lời mà đi chơi, chứ sự thật thì chị không muốn chút nào hết.

Sinh quay đầu lại chực nói, nhưng nhằm lúc tàu qua cầu, Sinh phải đợi một lúc sau mới nói được:

– Chị nể lời mà đi, hay chị bằng lòng đi thì có hại gì đâu. Em muốn chị đi vì bằng lòng hơn vì nể lời. Vì một đằng là ý muốn của chị. Còn đằng khác là ý muốn của người ta. Chiều mình trước rồi chiều ý người ta sau, lúc nào mình cũng thấy mình thành thật với mình hơn.

Xuân nói giọng buồn buồn:

– Thế em bảo chị không thành thật?

Sinh nhìn Xuân nói tiếp:

– Em có dám nói chị không thành thật đâu. Nhưng có lắm lúc mình tự dối mình mà chính mình cũng không biết.

Xuân biết Sinh ngờ oan cho mình nhưng cãi không nổi nên uất cả người:

– Em Sinh ơi! Chính em cũng không hiểu chị nữa huống chi là ai!

Nghĩ một lát Xuân nói tiếp:

– Ừ mà thân thế chị em không tin cũng phải. Chị chỉ biết buồn cho chị và không dám trách ai hết.

Xuân vừa nói vừa đưa khăn lên chậm nước mắt. Sinh thấy Xuân buồn thì hối hận ngay:

– Chị Xuân ơi!

Xuân đưa cặp mắt đẫm lệ nhìn Sinh. Sinh nói tiếp:

– Chị tha lỗi cho em nhé. Có những lúc buồn quá em nói và cũng không hiểu mình đã nói gì, chị ạ.

Xuân cũng biết Sinh đang vuốt giận mình nên mỉm cười yên lặng. Sinh thấy lòng nao nao muốn nức lên khóc:

– Chị Xuân ạ. Nếu em không biết thương chị thì không bao giờ em lại đâm ra hờn trách chị. Đời em hôm nay như một con hươu con lạc núi. Em không biết đâu là quê nhà, đâu là thân thích nữa. Em là một người khổ nhất trên đời chị ạ.

Nói đến đây Sinh liền gục đầu trên cửa tàu, nước mắt chảy dầm dề trên hai má. Xuân tấm tức muốn òa lên khóc theo:

– Em ơi! Nhưng chị thì có khác gì em đâu. Chị cũng bơ vơ giữa đời như kẻ đi đường lạc bước. Gần hai mươi năm chị không biết thú gia đình là gì. Em còn được mẹ nâng niu chiều chuộng chứ mẹ chị thì đã xa chị lúc chị mới lớn lên.

Sinh ngửng đầu nhìn Xuân nức nở:

– Nhưng mẹ em….

Ngay lúc ấy mấy dẫy bánh tàu mài siết trên đường sắt rồi từ từ dừng lại. Xe lửa đã đến ga Hòa-Sơn. Xuân quay mặt nhìn ra ga. Thầy Luân đến đặt tay trên vai Xuân nói:

– Còn 3 ga nữa mới đến ga Huế. Cô Xuân đã thấy nhọc chưa?

Xuân còn đang chăm chú nghe chuyện Sinh nên lơ đãng trả lời:

– Cám ơn thầy, em không nhọc lắm.

Nói xong Xuân quay lại hỏi Sinh:

– Nhưng mẹ em thế nào em Sinh?

Sinh muốn nói thật nhưng thấy Xuân ra dáng băn khoăn nên không nói nữa. Lúc đi lên tỉnh, Sinh cũng định dấu không cho Xuân biết. Vì theo Sinh, Xuân biết được, Xuân không khỏi buồn cho Sinh và biết đâu Xuân lại không vì cảnh côi cút của Sinh mà đâm chán. Sinh đang lúng túng kiếm cớ để nói thì thầy Luân đã nói trước:

– Cô Xuân uống nước chanh không?

Xuân quay đầu lại:

– Được, mời thầy cứ uống.

Thầy Luân vỗ vai Xuân cười nói:

– Nhưng tôi hỏi cô có uống không chứ?

Xuân mỉm cười nhưng có dáng tức bực:

– Cám ơn thầy, em không khát.

Thầy Luân lảng đi nơi khác. Xuân nhìn Sinh hỏi tiếp:

– Bác ở nhà có việc gì không? Em đừng dấu chị. Bề nào chị cũng là chị của em kia mà.

Sinh cúi đầu ngẫm nghĩ một chút rồi cất tiếng đáp:

– Không việc gì cả chị ạ. Mẹ em đã lành mạnh như thường rồi.

Xuân nhìn thẳng vào cặp mắt Sinh:

– Không, em có dối chị việc gì ấy. Chị đã đọc được ở mắt em rồi. Em nói thật đi chị không buồn đâu.

Sinh liếc mắt nhìn thầy Luân đứng đằng xa, rồi quay lại nhìn Xuân nói thật sẽ:

– Mẹ em không sao cả. Em buồn chuyện khác. Chị hứa với em chị đừng đi chơi với thầy Luân nữa.

Sinh đã tìm một cách khác để dối Xuân.  Xuân nhẹ dạ tin ngay:

– Chuyện chị đi Phong-Nha đã làm em buồn phải không?

Sinh cúi đầu không đáp. Xuân tươi cười nói tiếp:

– Nếu vậy chị xin hứa với em.

Sinh đưa mắt nhìn Xuân tỏ ra vẻ cám ơn một cách thầm kín. Lòng Sinh hồi hộp và cảm động vô cùng.

Con tàu vẫn chạy xiết qua những đồng ruộng đầy nước mưa và những cánh vườn rộng xanh um đầy cau chuối. Thỉnh thoảng trên đường cái quan một chiếc ô-tô lại như ra sức chạy thi với con tàu ngạo nghễ.

- V -

Từ ngày đi làm quanh các tiệm nhảy ở Huế, Xuân không thấy đời dễ dàng như trước nữa. Đêm nào đông khách lắm, Xuân cũng chỉ kiếm được chừng một đồng là nhiều. Sinh thấy Xuân làm ăn vất vả thì buồn khổ lắm. Sinh định kiếm một nơi để dạy thêm, nhưng tìm mãi không ra. Xuân tuy không để lộ vẻ túng bấn trong nhà cho Sinh biết, nhưng Sinh cũng đoán được hết. Cuối tháng sau, Sinh không thấy Xuân đeo đôi hoa tai vàng nữa. Sinh đã bắt đầu nghi và lo sợ. Chờ lúc ăn cơm trưa gần xong, Sinh đưa mắt nhìn Xuân hỏi:

– Sao hôm nay chị không đeo hoa tai vàng?

Xuân mỉm cười đôi má hơi đỏ:

– Hoa tai vàng ấy à? Chị cất trong rương rồi vì một cái mặt thủy soạn rơi đâu mất.

Lòng Sinh lại càng nghi hơn trước:

– Chị cho em xem một chút có được không?

Xuân đưa tay đón bát không trên tay Sinh để xới cơm rồi nói sẽ:

– Lúc nào mua được mặt thủy soạn chị sẽ đưa cho em xem.

– Nhưng đến hôm nào chị mới mua?

Xuân đáp giọng hơi run run:

– Ngày mai.

Sinh nghe Xuân hứa chắc chắn nên không nhắc đến nữa. Trọn ngày hôm sau đợi mãi nhưng vẫn không nghe Xuân nhắc đến chuyện hoa tai vàng. Sinh ngờ Xuân đã đem hoa tai vàng đi cầm nên đau đớn lắm. Sinh nhớ lại cuối tháng trước, lúc người ta đến hỏi tiền nhà Xuân có vẻ lo lắng hiện trên nét mặt. Xuân hẹn với chủ nhà đến ngày mai nhưng giọng nói nghe không chắc chắn gì hết.

 Nhưng qua hôm sau, Xuân đem tiền ra trả với dáng điệu rất vui vẻ. Xuân lại rủ Sinh đi phố mua thêm ít thức dùng nữa. Bắt đầu từ hôm ấy Sinh không thấy Xuân đeo cái kiềng bằng bạc chạm.

Sinh biết Xuân đang ở trong cảnh nghèo ngặt, nhưng cũng không biết nên làm cách gì để cứu giúp Xuân. Sinh nghĩ nếu không có Sinh thì chắc Xuân sẽ đỡ túng thiếu nhiều lắm. Nhưng tưởng đến cách xa Xuân, lòng Sinh lại đau đớn ê chề, hai mắt Sinh đã ướt đầm cả lệ.

Cuối tháng ấy lúc Xuân – theo lệ hằng tháng – đưa mười đồng bạc để Sinh gửi về mẹ, Sinh cúi đầu nói sẽ:

– Chị giữ lấy mà dùng, vì chắc mẹ em cũng không cần lắm.

Xuân tươi cười:

– Ô hay, em nói lạ quá. Tiền của chị Cam gửi cho chị chứ có phải tiền của chị đâu.

Sinh đưa mắt nhìn Xuân âu yếm:

– Tiền của chị Cam em hay tiền của chị, mẹ em chắc không cần nữa.

Xuân trố mắt nhìn Sinh ngạc nhiên. Sinh lẳng lặng đi vào phòng lấy chiếc va-li ra rồi ngồi xuống mở chìa khoá:

– Chị xem áo quần em đây thì biết.

Xuân đưa mắt nhìn vào va-li. Một bộ quần áo trắng xổ gấu của Sinh xếp một bên góc. Xuân kinh ngạc hét một tiếng rồi quay lại nhìn Sinh trân trối:

– Thế nào? Mẹ em đã…

– Thưa chị, đã qua đời rồi.

Sinh rơm rớm nước mắt. Xuân ngồi xuống một cái ghế gần đấy thở dài:

– Thế sao hôm gặp em trên tàu hỏa, em không nói cho chị biết?

– Hôm ấy chị đang vui. Em sợ kể ra chị buồn, lòng em thêm khổ.

Xuân nhìn Sinh có vẻ oán trách:

– Nhưng lúc về nhà, chị có nghe em nói gì đâu?

Sinh vơ vẩn nhìn ra cửa sổ ấp úng:

– Em tưởng nói ra thì chị thêm lo cho em nên định dấu mãi.

Xuân thở dài yên lặng. Con Maymay đi qua gần đấy. Xuân vẫy lại gần rồi đưa tay sờ trên đầu nó. Một lát sau Xuân quay lại nhìn Sinh nói:

– Thế là ba chúng ta không ai có gia đình hết. Cũng đáng buồn thật. Thà có để mà xa còn hơn xa gia đình vì không có. Nhưng trên đời này chắc gì chỉ một mình chúng ta không có gia đình? Gia đình đối với ta hiện nay là một nơi xa lạ lắm. Nếu chúng ta mong có gia đình chăng cũng chỉ cái gia đình mà chúng ta đang sống. Cái gia đình bé con em Sinh ạ.

Sinh sung sướng ngẩng đầu lên nhìn Xuân:

– Thế mà hơn đại gia đình đấy.

Cúi xuống xoa đầu con Maymay Xuân nói tiếp:

– Con Maymay đến nhà chúng mình lại không gặp may gì hết.

Sinh mỉm cười:

– Nhưng cũng may được ở với chúng mình: những người không có gia đình. Vì chỉ những người ở cùng một cảnh, nhất là cảnh khổ, mới hiểu và yêu nhau thôi chị ạ.

Xuân yên lặng nhưng cảm thấy lòng sung sướng một cách bồng bột.

Qua mùa đông, trời mưa dầm dề suốt cả đêm. Các tiệm nhảy ở Huế không tiệm nào mở cửa. Xuân đã thấy lo nhưng không nói cho Sinh biết. Ngày nào trời sắp tối, Xuân cũng hy vọng trời tạnh ráo. Nhưng bên ngoài trời vẫn mưa rỉ rả, gió vẫn chạy dài trong mấy hàng cây.

Trời sẩm tối. Đèn điện các dẫy phố đã bắt đầu đỏ rực. Giọt mưa vẫn thánh thót dội trên mái sắt tây đều đều buông những tiếng buồn thấm tủy.

Sinh đang cắm cúi làm bài luận. Còn Xuân ngồi thêu mấy mẩu khăn tay trước chiếc bàn lớn.

Sinh đang làm bài bỗng ngẩng đầu nói lớn;

– Trúng số độc đắc! Mỉa mai thật!

Xuân đưa mắt nhìn Sinh nhoẻn miệng cười:

– Em trúng số độc đắc à?

– Vâng, em trúng số độc đắc. Chị nghe đầu đề của bài luận em đang làm đây thì biết: anh – anh đây là em – trúng số độc đắc thì anh sẽ làm gì?

– Em đã nói em sẽ làm gì chưa?

Sinh cười láu lỉnh:

– Em nhất định sẽ không làm bài luận ngớ ngẩn này.

Xuân đưa khăn tay che miệng cười. Sinh nói tiếp:

– Và em sẽ ăn phở thật nhiều.

– Vì sao em lại không ăn những món khác?

– Vì những món khác em không ưa bằng phở. Ở đời, chỉ có phở là thật ngon, thật no, thật quý, thật bổ, thật….thật…

Xuân tươi cười:

– Thật gì nữa kể nốt đi?

– Thật xứng tiền. Em đã nói chữ “Phở” đồng nghĩa với chữ “Thật”.

Xuân liếc mắt nhìn Sinh:

– Thế còn món ăn gì đồng nghĩa với chữ “Giả”.

– Kem! Vì có ăn cũng như không.

– Nếu vậy thì chắc em không ưa kem.

Sinh gật đầu:

-Vâng, em không ưa.

– Nhưng có thật không?

– Phở.

Xuân trố mắt nhìn Sinh:

– Em nói gì chị không hiểu?

– Vừa rồi em đã nói “Phở” đồng nghĩa với chữ “Thật”. Vậy lúc nào em nói ” Phở” chị hiểu cho là em muốn nói “Thật”.

Xuân chúm chím cười:

– Còn lúc nào em nói: em muốn ăn thật, thế nghĩa là em muốn ăn phở. Phải thế không em?

Xuân Sinh nhìn nhau cười nức nở. Một lát sau Xuân để mấy mẩu khăn trên bàn đứng dậy:

– Em Sinh nghỉ làm bài để ăn cơm đã.

– Vâng.

– Em ngồi đợi chị ba phút nữa. Chị xuống bếp hâm lại bát canh vì để lâu chắc nguội lắm.

Nói xong Xuân đến bên phản rồi bưng cả mâm cơm đi thẳng xuống bếp. Năm phút sau Xuân lại khệ nệ bưng lên. Nhưng lần này bát nào cũng bốc khói lên thơm phức. Xuân đặt mâm cơm trên bàn trước mặt Sinh rồi đứng thẳng người nói sẽ:

– Thôi em hãy ăn cơm đi chẳng đói.

Sinh nhìn xuống mâm chỉ thấy một đôi đũa và một bát cơm thì có dáng sửng sốt:

– Ô hay! Chị không ăn với em à?

Xuân đặt tay giữa bụng nhíu mày lại:

– Chị đau bụng lắm em ạ. Em ăn trước đi. Chốc nữa nếu chị liệu ăn được thì chị ăn sau cũng được.

Sinh để lại đôi đũa trên mâm:

– Nếu vậy thì đợi lúc nào chị ăn được, em sẽ ăn với chị một lần cho vui. Em cũng chưa đói lắm.

Xuân vừa xới cơm vào bát vừa nói:

– Em ăn trước đi chẳng chị giận lắm.Vì chị cũng không chắc gì ăn được. Chiều nay lúc em đi học chưa về, chị đã ăn mấy bát cháo đậu rồi.

Sinh đưa mắt âu yếm nhìn Xuân:

– Nhưng chị có thật đau bụng không?

Xuân mỉm cười:

– Phở.

Sinh gắng cười lớn nhưng lòng vẫn thấy buồn buồn. Bữa cơm tối hôm ấy, Sinh ăn không thấy ngon lành gì hết. Thỉnh thoảng Sinh lại chống đũa nhìn Xuân đang ngồi thêu gần đấy. Bên ngoài trời vẫn mưa rì rào trên mái ngói. Hơi gió lạnh từ khe cửa lọt vào phòng và tỏa ra khắp nhà. Như nhớ sực một việc gì Sinh ngẩng đầu hỏi Xuân:

– Chị Xuân ơi! Sao trời lạnh thế này chị không đem áo dày ra mà mặc?

Xuân đợi rút xong đường chỉ mới nhìn Sinh đáp:

– Áo dày nào em nhỉ?

– Cái áo flanelle đen chị thường mặc vào tiết mùa đông năm ngoái ấy mà!

Xuân để kim chỉ xuống bàn mỉm cười:

– Cái áo ấy chị cho cô Trang mượn tháng trước rồi.

– Thế sao chị không lấy về mà mặc?

Biết dối quanh cũng không được, Xuân tươi cười nói tiếp:

– Nhưng chị Trang lại cho chị mượn năm đồng.

Tưởng như vừa nói một câu đầy ý vị, Xuân ôm bụng cười như nắc nẻ. Xuân cố cười để làm át những sự ngờ vực của Sinh. Nhưng lòng Sinh vẫn âm thầm đau khổ. Sinh biết giọng cười của Xuân là một tràng tiếng đau thương đang nức nở. Một chuỗi sầu nức thành tiếng hay những tiếng dối lòng mà chính Xuân cũng không biết. Sinh đã biết những cảnh túng bấn của Xuân nhưng đành phải câm. Sinh muốn để cho Xuân biết Xuân đã dối được Sinh. Vì chỉ dối được Sinh lúc này lòng Xuân mới vui sướng được.

Thấy Sinh ăn cơm xong Xuân liền đứng dậy bưng mâm cơm xuống bếp. Sinh cũng đứng dậy đi xuống theo định để pha nước uống. Xuân quay lại thấy Sinh, vờ mắng yêu:

– Chết, em để chị pha cho chứ! Con trai ai lại đi xuống bếp.

Sinh mỉm cười nhìn Xuân không đáp. Sinh lẳng lặng đến bên bếp nghiêng ấm rót, xong rồi cầm chén  lên nhà trên. Nhưng mười phút sau không thấy Xuân lên, Sinh lại rón rén xuống.

Lúc bước qua khỏi ngưỡng cửa thông xuống bếp, Sinh bỗng giật mình đứng dừng lại. Xuân ngồi quay lưng về phía cửa nên không thấy bóng Sinh. Xuân đang ngồi ăn cơm dưới ánh sáng lờ mờ của cây đèn Hoa-kỳ thấp bé. Tuy đứng xa, Sinh cũng nom thấy trên mâm cơm của Xuân không có thức ăn gì nguyên. Đơn sơ chỉ có một đĩa muối vừng và bát canh rau của Sinh ăn còn lại. Con Maymay thì đưa mõm lên cao nhìn Xuân không chớp mắt.

Sinh như sợ Xuân trông thấy được mình nên len lén lên nhà trên. Hai mắt Sinh đã nhòa cả lệ từ lúc nào không biết.

- VI -

Một buổi sáng trời nắng ráo nhưng khí trời chưa hết lạnh. Sinh ngồi bên cửa sổ đọc sách để đợi Xuân về. Xuân thôi làm ở các tiệm nhẩy đã hai tháng vì suốt hai tháng trời mưa dầm dề không chịu ngớt.

Hôm ấy trời tạnh ráo, Xuân đã khấp khởi mừng thầm. Xuân muốn đi dò để xem có tiệm nhảy nào định mở cửa không. Xuân như con chim sơn ca thấy trời nắng ửng, ca hót vang rừng. Sáng hôm ấy, trước lúc ra đi, Xuân cười nói vui vẻ lắm. Sinh mới bừng mắt tỉnh dậy đã nghe tiếng Xuân hát Tây bên kia phòng. Thấy Sinh trong phòng ngủ đi ra, Xuân liền đến đứng một bên cười nói:

– Trời nắng “phở” em Sinh ạ.

Sinh sợ chói mặt trời, đưa hai tay che mặt mỉm cười:

– Ồ, vui quá chị nhỉ?

Sinh bước lên phản định đóng hai cánh cửa sổ lại:

– Để em đóng cửa sổ lại cho chị đỡ chói.

Xuân đưa tay ngăn lại:

– Để ánh sáng vào nhà cho vui em ạ. Chúng mình đã đợi nó, nó vào, mình lại ngăn. Chị chắc bận sau nó không vào nữa.

– Ánh sáng mà cũng biết giận, chị Xuân?

Nói xong, Xuân Sinh nhìn nhau cười nức nở.

Trời đã đứng trưa. Chưa thấy Xuân về lòng Sinh đã bồn chồn khó chịu. Sinh định mặc áo đi tìm nhưng con Maymay đang nằm trong nhà bỗng chạy ra sủa rối rít. Sinh nhìn ra cửa thấy Xuân đang chậm rãi đi vào. Xuân đến để chiếc ví đầm trên bàn rồi buồn rầu ngồi xuống ghế gần đấy.

Sinh hồi hộp lo sợ chưa dám hỏi vội. Sinh muốn nuôi hy vọng trong sự câm lặng của Xuân. Nhưng Xuân đã đưa mắt nhìn Sinh rồi thở dài nói sẽ:

– Không tiệm nhảy nào họ chịu mở cửa cả, em Sinh ạ.

Ngừng một lát, Xuân nói tiếp:

– Tiệm nào cũng kêu vang ế mà họ định ra năm mới mở cửa lại.

Sinh tính nhẩm trong miệng một hồi rồi nói:

– Nghĩa là còn phải đợi hai tháng.

Rồi như nghĩ được một kế gì hay, Sinh tươi cười nói lớn:

– Chị Xuân ơi, em nghĩ được một kế này hay lắm.

Xuân vòng hai tay lên bàn, nhìn Sinh:

– Kế gì em?

Sinh ngồi xuống ghế trước mặt Xuân hớn hở:

– Chị ạ, chúng ta nên đi thuê một căn nhà khác rẻ tiền hơn để ở. Được một nơi hẻo lánh càng hay. Lúc ấy em sẽ xin thôi học. Và gắng xin một việc làm tạm chừng mười lăm đồng một tháng…

Xuân gật đầu mỉm cười:

– Em tính hay đấy, em nói nữa đi.

Sinh tươi cười nói tiếp:

– Rồi chị cũng xin một việc làm trong các gian hàng lớn.

Xuân nhoẻn miệng cười:

– Nếu được thì càng hay.

Sinh xoa tay đứng dậy:

– Chúng ta sẽ cùng nhau sống trong bầu không khí thân yêu và mật thiết. Chiều nay em sẽ xin thôi học chị ạ.

Xuân lắc đầu thở dài:

– Thôi, trở về với sự thật em ạ. Em cũng đừng mong tự dối em nữa. Chị không cần phải nói nhiều lời chắc em cũng đoán biết được. Nãy giờ em đã dối em, và chị đã dối chị nhiều lắm rồi.

Nét vui tươi tắt dần trên nét mặt Sinh như ánh mặt trời bị mây đen đến ám. Sinh ngồi xuống ghế, hai tay ôm đầu, lòng đau như ai vò xé. Xuân mân mê cái ví đầm trên tay nói tiếp:

– Em ạ. Đến mùa nghỉ nắng sang năm em đã đi thi rồi. Chị mong em gắng học để đi thi thì hơn. Lúc đậu được em có muốn đi làm để giúp chị, chị cũng không dám ngăn cản em. Nhưng cũng phải đợi đến lúc ấy sẽ hay. Cảnh túng bấn ở trong nhà chị tưởng có dấu em cũng thêm vô ích. Vì chắc em đã biết hết cả rồi. Nhưng chị cũng còn một mớ áo màu đem đi bán được. Với số tiền ấy chúng ta sẽ cần kiệm sống qua hai tháng nữa. Và đợi đến ngày chị đi làm được.

Sinh rơm rớm nước mắt nhìn Xuân:

– Nhưng hết mùa đông chị lấy áo đâu mà mặc để đi làm?

Xuân tuy có vẻ lo ngại nhưng vẫn cố tươi cười:

– Việc ấy em không lo. Chị làm ra tiền sẽ may sắm dần cũng được.

Sinh cảm động quá, gục đầu xuống bàn rồi đưa hai tay ôm mặt khóc nức nở. Xuân mỉm cười nhìn Sinh nhưng giòng lệ đã chảy tràn trề trên hai má.

Trưa hôm sau trời lại mưa tầm tã… Xuân yên lặng ngồi đan áo bên cửa sổ,thỉnh thoảng ngẩng mặt nhìn ra đường. Trưa hôm ấy, lòng Xuân băn khoăn một cách khó tả. Xuân cũng không hiểu tại sao. Có lẽ vì Sinh chậm về nên Xuân đâm ra lo nghĩ vơ vẩn.

Sáng hôm ấy, Sinh đi học sớm hơn mọi bận. Lúc thấy Xuân trong phòng bước ra, trên mặt Sinh có vẻ lúng túng và hơi hoảng sợ. Xuân vô tình không để ý đến. Lúc ra đến đường, Sinh còn quay đầu lại nhìn Xuân một lượt nữa rồi cúi đầu đi thẳng. Xuân tựa cửa bồi hồi nhìn Sinh đi lẫn trong màn mưa bay, tự nhiên có cái cảm giác Sinh đi về một nơi xa lạ. Sinh đi đã xa nhưng cứ quay đầu nhìn lại mãi. Cho đến lúc rẽ qua phố khác mới thôi.

Đã một giờ chiều, Xuân vẫn chưa thấy Sinh về. Ngoài trời giọt mưa vẫn tí tách gõ nhịp đều đều trên mái hiên kẽm. Xuân ngờ Sinh đang núp mưa ở đâu nên trì chí ngồi đợi.

Gió lạnh lọt vào phòng. Xuân tưởng như đã thấy cảnh trời mưa như thế này rồi nhưng không biết tự bao giờ. Cơn gió lạnh thoảng qua cho Xuân những cảm giác xa xăm ấy. Xuân ngây ngất như người trong mộng.

Xuân đến mở cửa sổ nhìn ra đường cho rõ. Những giọt mưa đọng trên mái hiên rơi từng giọt một trong một cái chai không để trước thềm. Xuân tò mò chống cằm ngồi xem. Xuân tự nhiên cảm thấy mình ngây thơ như đứa trẻ. Mấy giọt mưa rơi chính chắm trong chai. Xuân mỉm cười tự nhủ thầm:«Nếu ba giọt mưa liên tiếp rơi vào chai thì em Sinh sắp về.»

Nghĩ xong, Xuân đăm đăm nhìn trên miệng chai hồi hộp chờ. Hai giọt mưa liên tiếp rơi vào chai đã làm Xuân mừng run cả người. Nhưng giọt thứ ba lại đi xiên một bên rồi lăn dài xuống đất. Xuân đập sẽ tay xuống bàn tức bực:

– Tiếc quá. Chỉ một ly nữa là được.

Nhưng trí Xuân lại tươi tỉnh dẫn ra ý khác. Xuân tự bảo:

– Chuyến trước bỏ. Ba giọt nước lần lượt rơi vào chai thì khó quá. Vào được hai giọt là quý lắm rồi. Thôi lần này nếu một giọt rơi thẳng vào chai thì em Sinh về.

Ngay lúc ấy một giọt mưa rơi thẳng vào miệng chai. Xuân bất giác tươi cười nói lớn:

– Ồ em Sinh đã về!

Vừa nói dứt, Xuân đã nghe trước cửa có tiếng người gõ. Xuân mừng thầm quay đầu lại thấy một người đưa thư đang tẩn mẩn đứng chọn thư trong một cái cặp da lớn.

Xuân đứng dậy đi về phía cửa:

– Tôi có thư phải không bác?

Người đưa thư lẳng lặng đưa cho Xuân một phong bì màu vàng lợt rồi nghiêng đầu chào đi thẳng. Xuân nhìn bì thư bỗng biến sắc mặt:

– Thư của em Sinh.

Tim Xuân đập mạnh. Xuân lo lắng không biết trong thư Sinh sẽ nói gì. Một ý nghĩ tối tăm làm Xuân lo sợ  run cả người. Xuân đặt phong bì lên bàn rồi chạy thẳng vào phòng ngủ của Sinh. Xuân đỡ sợ đôi chút lúc không thấy chiếc va-li của Sinh nằm dưới đầu giường như mọi lúc nữa. Xuân buồn rầu trở ra. Rồi với hai tay run run Xuân bóc phong bì lấy thư ra xem:

«Chị yêu dấu của em,

Chị tiếp được thư này thì em không còn ở Huế nữa. Em đau khổ lắm nhưng em buộc lòng phải xa chị. Em đi ra Vinh để tìm một người chú họ xa và mong kiếm được tiền để ăn học. Chị Xuân ơi, chị chưa lúc nào phụ em, nhưng ngày nay em đã phụ chị rồi. Thật em có lỗi với chị lắm. Em biết chị đã quá hy sinh cho em. Em biết lắm nhưng phải câm lặng. Vì lời của em lúc ấy, dầu là lời cám ơn, cũng chỉ là những tiếng phản với lòng từ bi vô cùng của chị. Xa chị em đau khổ lắm. Nhưng thà vậy còn hơn ngồi bên chị để trông chị tươi cười qua những sự đay nghiến của cảnh suy vi. Chị ơi, chị có biết em đau khổ đến ngần nào không?

Chị ơi, viết thư này trong nhà chị giữa lúc đêm khuya, em muốn chị thức dậy và đến ngăn không cho em viết nữa. Em muốn chị biết và đừng cho em xa chị. Nhưng trời ơi! bên ngoài trời vẫn mưa và chị của em vẫn mê say trong giấc ngủ. Nhưng hai ba lần em đã gác bút để chờ chị dậy. Và lúc vào phòng lấy va-li để gửi trước cho một người bạn, em cố làm thật mạnh để báo tin không lành cho chị biết. Nhưng trời vẫn mưa và chị của em vẫn ngủ.

Vì vậy đến đây, chị ơi! em phải ngừng bút để cúi đầu xin chị cho em vĩnh biết. Chị nhớ hôn dùm con Maymay cho em.

Em của chị

SINH

Xuân đọc xong thư, chết lặng cả người. Xuân áp mạnh phong thư vào ngực, tim nát và lòng đau

- VII -

Ba năm sau.

Sinh ra khỏi sân ga liền thuê xe đi thẳng về Gia-Hội. Trời hôm ấy mưa nặng hạt. Giữa đường chỉ loang loáng ít bóng người đi và vài chiếc xe tay trùm mui kín mít. Qua khỏi cầu Tràng-Tiền, tim Sinh tự nhiên đập mạnh hơn trước. Sinh vơ vẩn nhìn hai bờ sông Hương. Sinh uỡn ngực hít không khí lạnh vào người.

Xe mới đến múi cầu Gia-Hội, Sinh đã bảo đỗ xuống. Trả tiền xong, Sinh liền đi thẳng về đường Gia-long rồi đứng trước một căn nhà ngói cũ kỹ. Đến đây Sinh hơi luống cuống mặt, đỏ bừng, tay chân run lên nhè nhẹ. Đứng nhìn quanh một lát, Sinh mạnh bạo tiến đến trước thềm gõ cửa.

Hai cánh cửa kính từ từ mở toác ra. Tim Sinh như ngừng đập hẳn. Sinh nín thở hồi hộp chờ. Một vú già đưa đầu ra hỏi lớn:

– Ai gõ cửa đấy?

Sinh bước lên thềm cất tiếng nói run run:

– Vú cho tôi biết có cô Xuân ở nhà không?

Vú già đưa tay gãi đầu ra dáng ngẫm nghĩ. Sinh lại càng nóng lòng hơn trước. Một lát sau vú già mở rộng cửa ra nói lớn:

– Tôi cũng không biết cô tôi có phải tên Xuân không. Nhưng cô tôi lấy thầy Chẩn ở tòa Khâm nên họ thường gọi là cô thông Chẩn.

Sinh tái mặt ấp úng:

– Thế vú có biết cô Xuân lấy chồng đã mấy năm rồi không?

– Đã ba năm rồi. Nếu thầy quen với cô tôi thì mời thầy vào nhà đã. Thầy tôi đi làm việc chưa về. Còn cô tôi vừa mới ra chợ.

Như cái máy, Sinh lẳng lặng bước vào nhà. Cảnh tượng trong nhà vẫn không thay đổi mấy. Vẫn chiếc bàn lớn bên cái tủ con, và bộ phản bằng kiềng kiềng kê bên cửa sổ. Sinh đặt chiếc va-li xuống đất, buồn rầu đứng ngắm những hình ảnh của Sinh vẽ ngày trước trên vách. Thấy vú già còn đứng một bên, Sinh quay lại hỏi:

– Cô ở nhà này người Bắc phải không?

Vú già gật đầu:

– Thầy nói phải đấy. Cô của tôi là người Bắc.

Sinh cảm thấy lòng thắt lại. Vú già nhìn ra cửa nói tiếp:

– Có lẽ ông cũng ở Bắc mới vào. Thầy tôi cũng người Bắc. Tôi đến ở đây đã hai năm rưỡi nhưng không thấy ai đi lại với thầy tôi hết. Thầy tôi là đàn ông nhưng tính tình vẫn đàn bà lắm.

Sinh nhìn vú già lơ đãng hỏi:

– Nghĩa là?

Vú già cười hóm hỉnh:

– Nghĩa là thầy tôi hay ghen.

Sinh mỉm cười để đáp lại câu nói của vú già nhưng trong lòng lưỡng lự lắm. Sinh nửa muốn ngồi lại chờ, nửa muốn đi ngay. Lòng Sinh lúc ấy bối rối một cách lạ. Sinh nghĩ nếu Sinh bỏ đi ngay thì chắc gia đình Xuân mới êm vui được. Sinh không muốn trả ơn Xuân bằng cách gieo thêm nỗi khổ trong lòng Xuân. Những thái độ thiêng liêng của Hy Sinh tràn ngập cả người Sinh. Sinh thấy vui nhưng trong lòng Sinh vẫn khổ. Hai phút sau, Sinh bỗng tươi cười tự nhủ:

– Mình là em của Xuân thì chuyện gì phải tìm cách lảng đi nơi khác.

Những ý nghĩ ấy tuy không đúng hẳn với tâm lý của Sinh, nhưng Sinh cũng cố vin lấy để ngồi chờ.

Nhưng tiếng guốc đang reo ở trước thềm tự nhiên ngừng bặt. Mấy tiếng gõ cửa tiếp vang dội lên. Sinh hồi hộp đứng dậy đưa mắt nhìn ra cửa. Vú già chậm chạp đến mở cửa. Một người đàn bà trẻ tuổi thoăn thoắt bước vào. Lúc thấy Sinh thì người đàn bà đứng dừng lại hơi ngạc nhiên:

– Thưa ông…

Sinh ấp úng:

– Tôi muốn hỏi thăm cô Xuân!

Vú già đứng một bên cười nói:

– Thế thì ông lầm nhà rồi. Cô tôi đây mà ông cũng không biết thì chắc chắn cô tôi không phải tên Xuân.

Người đàn bà để chiếc nón bên chân bàn nói sẽ:

– Ông muốn hỏi cô Xuân?

Sinh mừng thầm gật đầu:

– Vâng.

Người đàn bà chỉ ghế mời Sinh ngồi nói tiếp:

– Ông ngồi chơi đã. Ở nhà này không có ai tên Xuân hết.

Nhíu mày suy nghĩ một chút, người đàn bà tươi cười nói sẽ:

– Xin lỗi. Có phải ông hỏi cô Xuân vũ nữ không?

Sinh hớn hở:

– Vâng chính cô ấy là chị tôi.

 Người đàn bà đến ngồi trên phản rồi quay lại bảo vú già:

– Vú xuống pha cho tôi một bình nước.

Đoạn ngước mắt nhìn Sinh nói tiếp:

– Trước đây ba năm cô Xuân có mách cho tôi thuê gian nhà này. Cô nói cô sẽ đi ra Vinh tìm người em nên không thuê nhà này nữa. Bao nhiêu bàn ghế, tủ, phản, cô đều bán cho tôi hết. Hai vợ chồng tôi mới lập gia đình nên cần lắm. Tết năm ngoái cô Xuân có ghé lại thăm tôi và tin cho chúng tôi biết cô đã có một việc làm nhất định ở Quảng-Ngãi.

Vú già đem nước lên. Người đàn bà đứng dậy rót nước mới Sinh:

– Mời ông xơi nước.

Sinh đứng dậy lễ phép:

– Xin mời bà xơi trước.

– Được, tôi không khát lắm.

Uống nước xong, Sinh cúi xuống cầm chiếc va-li nói sẽ:

– Thôi xin chào bà ở lại mạnh giỏi.

 Người đàn bà tươi cười đưa Sinh ra tận cửa. Bước ra khỏi nhà ấy, Sinh cảm thấy lòng lạnh lẽo như vừa rời khỏi một nơi êm ấm. Sinh cắm cúi đi lên, cũng chưa biết đi về đâu. Lòng Sinh như trong cơn mê hoảng mới tỉnh. Sinh cần phải đi để tận hưởng lấy sự vui sướng mà người đàn bà lạ mặt vừa cho Sinh. Người ấy đã có chồng, nhưng người ấy không phải là Xuân. Những ý nghĩ ấy đã làm cho Sinh mỉm cười sung sướng. Sinh đã thấy nóng lòng lại. Trên những con đường dài ướt át, Sinh cắm đầu vui chân bước mãi

- VIII -

Sinh đổi ra dạy ở Đồng-Hới đã hơn bốn tháng. Ở trong một tỉnh nhỏ, những trò tiêu khiển ít, Sinh không biết mua vui gì hơn là đọc sách và đi dạo mát. Lúc nào Sinh cũng nghĩ đến Xuân và tìm đủ cách để dò la tin tức.

Qua mùa hè năm ấy Sinh lại trở về Huế như mấy mùa hè năm trước. Sinh thuê một căn gác ở đường Gia-Long gần căn nhà của Xuân ở ngày trước.

Một đêm, Sinh đang ngồi đọc sách thì năm người bạn đồng nghiệp của Sinh bước vào phòng một lần rồi rầm rộ kéo ghế ra ngồi. Trông mặt người nào cũng đỏ gay, hơi rượu bay ra nồng nặc. Sinh gập sách lại mỉm cười nói lớn:

– Ngũ hổ đi đâu mà khuya thế?

Dữa gật gù để hai tay lên bàn cười đáp:

– Ngũ hổ đi bình Nam, nghĩa là đi đò để nghe cô Thư ca Nam Bình.

Sinh tươi cười:

– Thú nhỉ? Thế mà không gọi mình đi cho vui.

Triêm ngả lưng vào ghế cười lớn:

– Cụ Khổng mà ai dám mời.

Sinh đến đứng bên cửa sổ nhìn ra đường mỉm cười không đáp. Tiếng rao hàng bên ngoài phố vắng. Trên dãy gác bên kia những cánh cửa sổ đã bắt đầu đóng úp lại.

Dữa kề miệng gần tai Hiền thì thầm một hồi rồi đứng dậy nói lớn:

– Sinh ơi! Sinh muốn lấy vợ không?

Sinh quay lại trề môi cười:

– Vợ đâu mà lấy?

Hiền vịn hai tay vào cạnh bàn gắng đứng thẳng người nhưng không vững:

– Tôi xin làm mối cho. Cô này khá đẹp. Đẹp, tươi và duyên. Bằng lòng không nào?

Sinh gật đầu bướng bỉnh:

– Bằng lòng.

Thuyên gác hai chân lên bàn ngửa mặt nhìn lên trần:

– Nói thật đấy, chứ không phải đùa đâu.

Sinh vẫn giữ nụ cười láu lỉnh trên môi:

– Nhưng lấy ai mới được chứ?

Dữa cười lớn:

– Lấy ai thì ai biết. Tối nay bọn chúng tôi đi tìm đã. Nhưng tối mai thì chúng tôi đưa dâu đến đây nhé?

Sinh tươi cười:

– Ừ, cũng được.

Thuyên vịn vai Hiền đứng dậy hăm hở:

– Thế đến bao giờ Sinh mới cho chúng tôi uống rượu cưới. Ngay tối hôm nay có được không?

Hiền chếnh choáng đứng không vững nên hai người lại lăn quay nằm trên sàn gác. Sinh cười nức nở:

– Uống đã say mèm lại còn đòi uống nữa!

Thuyên lồm cồm ngồi dậy khề khà nói:

– Chưa say. Vì nếu say thì đã không ngồi dậy được.

Nói vừa dứt câu cả người Thuyên lại xiêu nghiêng về một bên. Thuyên vớ ngay cái chân ghế rồi nằm lăn quay một lần nữa.

Sinh quay lại ôm Thuyên đỡ dậy cười nói:

– Đây mới thật bác Lưu-Khánh của ngũ hổ.

Mấy người ngồi chung quanh cười tức cả bụng.

Sinh đang cởi áo chực treo lên mắc thì một mảnh giấy để trên bàn bắt Sinh để ý đến. Sinh đến bên bàn cầm giấy lên xem rồi cười như nắc nẻ.

Chiều hôm ấy, cặm cụi hồi lâu Sinh mới làm được hai câu thơ Đường. Giữa lúc ấy Sinh lại nhận được giấy gọi sang nhà giây thép. Sinh cũng đoán được sang nhận hộp bánh của ông chú ở Vinh gửi vào cho nên vội vã đi liền. Lúc về, Sinh không thấy bài thơ nằm ở đầu giường nữa. Sinh đang đưa mắt tìm quanh thì thấy ngay mảnh giấy ấy nằm trên bàn. Cầm lên đọc Sinh nhận thấy ngay hai câu câu thơ của ai thêm vào dưới. Và chính hai câu ấy đã làm Sinh cười ngặt nghẹo. Sinh để mũ trên bàn rồi cầm mảnh giấy đọc lại:

Hương rừng ngào ngạt khắp trời thâu,

Mặt cát mênh mông trắng một mầu.

Đừng trắng, đừng đen, đừng đỏ nữa,

Đêm nay ngũ hổ đến đưa dâu….

Sinh mỉm cười lẩm bẩm:

– Đây quyết là chữ của tướng Dữa. Có lẽ tướng ta lọt vào phòng lúc mình sang nhà giây thép. Thật các tướng say rồi tinh nghịch hết chỗ nói.

Ăn cơm chiều xong,  Sinh lại đem sách ra đọc. Vào khoảng mười giờ đêm, dưới cầu thang tự nhiên có tiếng động. Sinh lắng tai nghe thì trước cửa phòng có tiếng gõ mạnh. Sinh đứng dậy hỏi lớn:

– Ai?

Bên ngoài tiếng Dữa đáp:

– Chúng tôi.

Sinh mỉm cười đi lại về phía cửa:

– Thôi mời các tướng đi chơi nơi khác. Sáng mai rồi hãy lại. Tôi buồn ngủ lắm, không tiếp các tướng đâu.

Thuyên đưa tay đấm cửa ầm ầm:

– Không tiếp chúng tôi thì tiếp cô dâu vậy. Chúng tôi đã khô cả cổ mới mời được đấy. Và cô cũng chỉ hứa ở lại chơi chừng một giờ rồi đi thôi.

Sinh nói qua lỗ khóa:

– Xin mời các tướng và cả cô dâu đi chơi nơi khác.

Thuyên đưa chân đạp vào cửa:

– Không mở thì tôi phá ngay bây giờ.

Túng thế, lại sợ Thuyên làm càn  nên Sinh vội vàng mở cửa. Thuyên chen vào trước, đưa tay đập mạnh trên vai Sinh nói lớn:

– Còn năm phút nữa cô dâu mới đến. Huy, Triêm và Hiển đang vặn ô-tô đi mời.

Dữa đặt hai tay lên vai Sinh cười nói:

– Tiếp khách trong đám cưới ai lại đi mặc quần áo ngủ. Dễ vừa vừa chứ!

Sinh cười nhạt:

– Thôi mặc thế này cũng được.

Thuyên không nói gì, lẳng lặng dẫn Sinh đến bên giường rồi thình lình vật Sinh nằm xuống. Thuyên quay lại nói với Dữa:

– Anh mở rương lấy áo quần của Sinh đưa cho tôi. Và đến giúp tôi mặc hộ cho anh ta một chút.

Sinh đưa hai tay kêu lớn:

– Thôi để tôi đi mặc lấy cũng được.

Thuyên nhìn Dữa cười nói:

– Xem thử nói và làm đằng nào mạnh hơn.

Sinh mặc quần áo xong thì ở dưới chân gác có tiếng xe ô-tô đứng dừng lại. Thuyên nom qua cửa gác rồi quay lại nhìn Sinh mỉm cười:

– Cô dâu đã sắp lên đấy.

Sinh bẽn lẻn đến ngồi trên ghế tự nhiên thấy mắt hoa lên và tim đập mạnh. Tiếng giầy nện thình thình trên thang gác làm Sinh luống cuống run cả người.

Sau một tiếng rắc lớn, cánh cửa phòng từ từ hé mở. Hiền bước vào trước, đứng thẳng người nói lớn:

– Đã đến giờ đưa dâu chưa?

Thuyên nhìn Sinh hỏi sẽ:

– Đã bằng lòng tiếp dâu chưa?

Sinh thản nhiên nhìn ra cửa sổ gác yên lặng.

Dữa đập sẽ vào vai Sinh dục:

– Muốn thế nào thì nói đi chứ!

Sinh nhìn thẳng nói với giọng run run:

– Tùy ý các anh.

Thuyên quay lại nhìn ra cửa gác nói:

– Thôi được rồi, xin mời cô dâu vào.

Tiếng giầy lại reo vang trên sàn gác. Sinh làm ra vẻ dửng dưng nhìn qua cửa sổ gác. Nhưng mùi hương phấn thoang thoảng bay ra khắp phòng làm lòng Sinh hồi hộp một cách khoan khoái.

Tiếng giầy cao gót nện trên sàn gác được mấy bước tự nhiên ghìm lại rồi siết mạnh trên gỗ. Sinh ngẩng đầu nhìn thẳng, biến sắc mặt:

– Chị Xuân!

Tiếng của Sinh nói nhỏ quá nên không ai nghe rõ. Xuân nhìn xuống sàn gác hai má đỏ như gấc:

– Sinh!

Thuyên đứng một bên nhắc lớn:

– Gọi anh Sinh mới dễ nghe chứ.

Xuân bẽn lẽn ấp úng:

– Anh Sinh!

Dữa nhìn Xuân tươi cười:

– Ô hay, anh chị đã biết nhau rồi à?

Sinh cảm động quá, đứng rưng rưng nước mắt.

Thuyên bước đến ôm thùng bánh của Sinh để trên giường rồi quay lại nói lớn:

– Thôi xin mời bọn ngũ hổ đi…

Rồi chỉ thùng bánh Thuyên nói tiếp:

– Đây là tiệc của vợ chồng Sinh đãi chúng mình.

Dứt lời cả bọn tươi cười rầm rộ kéo ra cửa.

Sinh bước lại gần bên Xuân nói thật sẽ:

– Đám cưới nay thật hay giả chị nhỉ?

Ngay lúc ấy từ đầu phố đưa lại một tiếng rao hàng lanh lảnh”

– Phở!

Xuân, Sinh say sưa đưa mắt nhìn nhau mỉm cười yên lặng.

3/4/1937

Thanh Tịnh

Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tình quê hương Thuyên, Đồng là hai người bạn thân cùng ở một làng: Làng Mỹ Lý. Sau ba tháng vào tìm việc ở Nam Kỳ, hai người mới tìm đượ...