Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2024

Văn Lê cả đời Chí Thụy

Văn Lê cả đời Chí Thụy

Nhân dịp kỷ niệm 100 ngày nhà thơ, nhà văn, đạo diễn Văn Lê - Lê Chí Thụy (1948-2020) từ giã cõi trần, Văn Học Sài Gòn xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ Phạm Sỹ Sáu như nén tâm hương tưởng nhớ bậc đàn anh tài hoa lận đận và sâu sắc nghĩa tình.
Lần gặp anh Văn Lê đầu tiên là vào cuối năm 1979 ở chiến trường Campuchia. Cuối tháng 12 năm đó, từ phum Diêng, phía tây huyện Sisophon tôi theo xe của cơ quan trung đoàn về nước mua hàng câu lạc bộ cho đơn vị. Chỉ có 150 cây số thôi mà xe phải mất một ngày đường. Dừng lại nghỉ đêm trong khu vực Mặt trận bộ ở Siamreap, tôi tranh thủ đi tìm thăm anh Mạnh Hà, trợ lý văn hoá văn nghệ của Cục Chính trị Mặt trận như đã hứa khi anh về công tác khảo sát ở trung đoàn 4 hồi mấy tháng trước.
Chính tại căn nhà nhỏ trong khu vực Phòng Tuyên huấn Mặt trận 479, tôi đã gặp anh. Với dáng người cao, gầy gầy, da ngâm đen, anh cười rất tươi trong ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn dây tóc nơi cuối nguồn. Anh Mạnh Hà và anh vồn vả tiếp tôi, trò chuyện một cách thân mật như đã từng quen biết lâu lắm, nay mới gặp lại. Bên ấm trà quạu và những điếu thuốc thơm, anh hỏi tôi có mang bản thảo những bài thơ mới lên cho anh đọc như đã hứa với anh Mạnh Hà không?
Tôi rút trong ba lô mang theo mấy tờ giấy đánh máy đã chuẩn bị sẵn ở phum Diêng và một tập thơ 6 chữ gồm 12 bài được làm trong thời gian cùng đơn vị chốt chặn ở hướng Tây Ninh và Sông Bé, biên giới Việt Nam. Hầu hết những bài thơ trong tập nầy đã được chương trình Văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam 2 chỗ nhà thơ Đỗ Nam Cao và Lưu Trọng Văn giới thiệu trên sóng phát thanh trong mấy tháng giữa năm 1979. Anh lướt qua mấy trang và nhận xét: “Thơ cậu có sức sống, nhưng lành quá. Tớ đã đọc mấy bài thơ của cậu trên báo tường đơn vị do Mạnh Hà mang về hôm trước. Cố gắng tiếp tục nhé! Cậu sẽ thành công đấy!”.
Rồi anh hỏi chuyện đơn vị ở Cao Mê Lai ra sao, mấy chỉ huy trong đơn vị thế nào, riêng anh Phan Cần, phó chính uỷ trung đoàn – người đã được anh nhắc đến trong hai câu thơ: “Bạn tôi tuổi quá bốn mươi/ Đã quên mình bước qua thời trẻ trai” đã có gì hay chưa? Những câu hỏi thật chân tình khiến cho tôi thấy không còn cảm giác lạ xa của lần đầu gặp gỡ mà thật ấm áp. Ấy thế mà mấy năm sau tôi mới có dịp quay lại Siamreap thì hay tin anh đã chuyển ngành về thành phố rồi.
Sau khi đọc tập thơ 6 chữ của tôi, anh Văn Lê đã chọn bài Gởi thành phố tháng Giêng để gởi đăng trong đặc san Xuân Tuổi Trẻ Canh Thân 1980. Đây cũng là bài thơ đầu tiên của tôi được đăng báo từ sau 30.4.1975.
Những tưởng sẽ còn nhiều cơ hội gặp anh ở Mặt trận bộ để trao đổi về văn chương, về những trang viết nhưng thật lạ lùng là mãi gần 10 năm sau, tôi mới gặp lại anh ở cơ quan Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau thời gian ở Campuchia qua các đơn vị Trung đoàn bộ Trung đoàn 4 và Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị Sư đoàn 5, đến giữa năm 1986, tôi mới có dịp chính thức về nước để được đi học lớp đào tạo phóng viên báo chí quân đội ở Bắc Ninh rồi về làm phóng viên báo Quân khu 7 và được chuyển ngành về Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 1988. Tại đây, tôi đã gặp lại anh với cương vị mới là biên kịch kiêm đạo diễn của Hãng phim Giải Phóng. Qua nhiều lần gặp gỡ, chuyện trò, anh trở nên gần gụi và thân thiết với tôi hơn.
Theo lời mời của Tư lệnh Khiếu Anh Lân, anh đã rủ tôi cùng thực hiện một chuyến đi làm phim gần một tháng tại Mặt trận 479 khi đơn vị nầy chuẩn bị rút quân về nước vào cuối tháng 9.1989. Một tháng bên cạnh anh, xuôi ngược trên địa bàn 3 tỉnh: Siamreap, Battambang và Banteay Meanchey đã là cơ hội để tôi hiểu thêm về anh, một con người nặng nợ với đồng đội và người lính. Những đêm nằm trò chuyện, bàn bạc tại nhà khách Mặt trận bộ ở Siamreap cho tôi hiểu thêm về đời lính, về những cực nhọc, gian truân mà nhiều thế hệ lính đã trải qua. Chính thời gian nầy đã giúp tôi hiểu thêm về phương châm làm phim của anh: chân thực, không tô vẽ một màu, đi thẳng vào vấn đề một cách đầy góc cạnh. Có lẽ vì thế mà phim anh thực hiện và đạo diễn thường ít qua được các hội đồng nghệ thuật để đến với công chúng rộng rãi. Thường phim tài liệu anh làm đạo diễn chỉ được giữ làm tài liệu tham khảo, lắm khi bị mốc meo trong một kho phim nào đó không chừng.
Khi hành nghề biên tập, tôi chỉ may mắn được trực tiếp tham gia đứng tên biên tập một tiểu thuyết của anh là cuốn Thần thuyết của người Chim do Nhà xuất bản Trẻ in năm 2013. Câu chuyện về người Chim, thuỷ tổ của dân Lạc Việt, được anh nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong những chuyện kể về các tộc người Trưng ở Indonesia. Anh nói đây có thể là sắc dân người Chim đã di cư sang Nam đảo sinh sống từ nghìn năm trước nên tập tục và truyền thống của họ rất giống người Việt cổ. Đọc Thần thuyết của người Chim, một giai đoạn lịch sử như được tái hiện một cách sống động, gần gụi, không né tránh thực tế và thực tiễn.
Khi anh Văn Lê khởi viết bộ truyện dài Khế ước cuộc đời, viết về cuộc đời từ thuở chớm thanh niên đến khi nghỉ hưu của doanh nhân cựu chiến binh Lê Quốc Phong (thường gọi là Phong Đầu trâu, nguyên Tổng giám đốc Công ty Phân bón Bình Điền – một người bạn thân của chúng tôi), anh giao cho tôi nhiệm vụ chỉnh sửa hoàn chỉnh và chuẩn bị công việc xuất bản. Cuộc đời bạn Phong thông qua tác phẩm của anh là cuộc đời người lính, lúc nào cũng chiến đấu như một người lính, tiên phong và gan dạ, dám nghĩ và dám quyết. Tôi chỉ chỉnh sửa giúp anh những chi tiết do điều kiện không nắm vững hệ thống giáo dục miền Nam trước 1975 anh có sai sót hoặc cách dụng từ của dân Quảng Trị. Những chi tiết ấy không ảnh hưởng mấy đến tác phẩm, nó chỉ làm người đọc cảm thấy thiếu thân thuộc mà thôi! Tập 1 đã hoàn thành cuối năm 2018, tập 2 đã hoàn thành vào đầu năm 2020 nhưng do Covid-19 nên chưa phát hành. Có lẽ anh đang viết tập 3 là tập kể về chuyện Phong nghỉ hưu và bắt đầu khởi nghiệp với Công ty Phân bón Hai Phong.
Nhiều lần sau nầy, khi đi công tác hoặc hội nghị, hội họp cùng anh ở Hội Nhà văn Việt Nam hay Hội Nhà văn Thành phố, ở Ban Liên lạc truyền thống Mặt trận 479 hoặc những lần gặp gỡ thân tình, anh vẫn cười rạng rỡ, tươi vui, thỉnh thoảng chia nhau vài điếu thuốc thơm. Nhưng tôi biết đằng sau nụ cười tươi thường trực, đằng sau vẻ linh động, anh còn ẩn giấu một niềm sâu kín, một nỗi buồn khác không biết chia sẻ cùng ai!
Một người viết dành cả cuộc đời để viết về đồng đội, về bạn bè mình, những người đã chết và những người còn sống, không thể và không phải là người không trăn trở trước thời cuộc. Đằng sau những tác phẩm anh để lại, ta vẫn thấy đâu đó dáng vẻ anh trong từng câu chữ, trong từng giọng nói của nhân vật và đôi khi là một đoạn tả cảnh đơn thuần.
Anh đã rời khỏi cuộc đời trong một mùa hè giá buốt!.
Tp HCM, 14/9/2020
Phạm Sỹ Sáu
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Văn Lê cả đời Chí Thụy

Văn Lê cả đời Chí Thụy Nhân dịp kỷ niệm 100 ngày nhà thơ, nhà văn, đạo diễn Văn Lê - Lê Chí Thụy (1948-2020) từ giã cõi trần, Văn Học Sài ...